Trang chủ

QUAN HỆ “HAI BỜ BỐN BÊN” TRONG QUÁ TRÌNH TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 16-10-2013, 17:02 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Vũ Thùy Dương chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2013, 270 trang

Kí hiệu: Vv 2511

 

Khu vực “hai bờ bốn bên” bao gồm Trung Quốc Đại lục, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao. Sự liên kết về kinh tế thương mại ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc Đại lục với Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao đang dần dần trở thành một trong những “khu vực mậu dịch tự do” lớn trong khu vực và trên thế giới. Hồng Kông là đối tác mậu dịch lớn thứ hai của Đài Loan, chỉ sau Trung Quốc đại lục; Trung Quốc đại lục cũng đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Ma Cao. Như vậy có thể thấy, triển vọng phát triển và hợp tác khu vực kinh tế “hai bờ bốn bên” thành một khu vực mậu dịch tự do là rất khả quan. Đứng trên góc độ khác, sự gia tăng liên kết của “vành đai kinh tế Trung Hoa” (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao), còn thể hiện rõ nét sự trỗi dậy về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Có thể thấy rằng, trong tương lai không xa, sự liên kết kinh tế giữa Đại lục, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao sẽ không chỉ có tác động trong cộng đồng người Hoa nói riêng, mà còn có tác động lớn tới hợp tác khu vực Đông Á và trên thế giới.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá Trung Quốc giải quyết quan hệ “hai bờ bốn bên”, đảm bảo cho sự trỗi dậy và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Bởi vậy, khi nghiên cứu thấu đáo vấn đề này giúp chúng ta tìm ra được những giải pháp phù hợp nhất nhằm phát huy và tăng cường các lợi thế sẵn có, tranh thủ tận dụng tối đa điều kiện hợp tác bên ngoài để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Xuất phát từ ý nghĩa khoa học và thực tiễn đó, tập thể tác giả Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Quan hệ “hai bờ bốn bên” trong quá trình trỗi dậy của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” do TS. Vũ Thùy Dương chủ biên. Nội dung chính của cuốn sách được thể hiện trong 3 chương như sau:

Chương 1: Thực trạng quan hệ “hai bờ bốn bên” trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong đó các tác giả tập trung phân tích thực trạng quan hệ “hai bờ bốn bên” ở hai phương diện. Thứ nhất, quan hệ chính trị “hai bờ bốn bên” trong thập niên đầu thế kỷ XXI gồm chính sách của Trung Quốc đối với Hồng Kông, Ma Cao; chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan; cách tiếp cận của Đài Loan trong quan hệ với Đại lục. Thứ hai, quan hệ kinh tế “hai bờ bốn bên” trong thập niên đầu thế kỷ XXI thể hiện trong các chính sách kinh tế của khu vực “hai bờ bốn bên”; quan hệ hệ kinh tế khu vực “hai bờ bốn bên”.

Chương 2: Định hướng phát triển quan hệ “hai bờ bốn bên” trong thập niên tới (2011-2020). Nội dung chính của chương này tập trung phân tích và dự báo xu thế phát triển của quan hệ “hai bờ bốn bên” trong thập niên tới, cụ thể là xu thế phát triển chung trên toàn thế giới và xu thế phát triển trong 10 năm tới của quan hệ “hai bờ bốn bên”. Bên cạnh đó, các tác giả cũng trình bày phương hướng, chủ trương thực hiện của các bên trong thập niên tới bao gồm chủ trương của Đại lục trong quan hệ “hai bờ bốn bên”; phương hướng, chủ trương của Đài Loan trong quan hệ với Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, các tác giả cũng lý giải sự cần thiết của việc ký kết và  những nội dung cơ bản của Hiệp định khung hợp tác kinh tế giữa hai bờ eo biển; những kết quả bước đầu, vấn đề đặt ra và xu thế; tác động của việc triển khai Hiệp định đến quan hệ kinh tế hai bờ eo biển Đài Loan trong tương lai.

Chương 3: Đánh giá quan hệ “hai bờ bốn bên” trong sự trỗi dậy của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Trong chương này, các tác giả đi sâu phân tích và đánh giá quan hệ “hai bờ bốn bên” trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc; việc giải quyết thỏa đáng mối quan hệ này góp phần đẩy nhanh sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thập niên tới (2011-2020). Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ “hai bờ bốn bên” ở lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội. Đồng thời phân tích những vấn đề đặt ra về kinh tế, an ninh - chính trị và các giải pháp gợi mở đối với Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao; làm rõ hơn những thăng trầm của mối quan hệ giữa hai bờ eo biển… Từ đó, đưa ra những dự báo về triển vọng hợp tác trong khu vực “hai bờ bốn bên” trong tương lai. Trên cơ sở những phân tích, đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam với khu vực “hai bờ bốn bên” cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam với mỗi bên trong khu vực này, cuốn sách đã bước đầu đưa ra những gợi mở, những đối sách phù hợp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc và các  vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Đây là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của nước ta. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận