Trang chủ

SỰ TRỖI DẬY VỀ SỨC MẠNH MỀM CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 16-10-2013, 17:00 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Phương chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2013, 243 trang

Kí hiệu: Vv: 2508

 

Bước sang thế kỷ XXI, cùng với việc gia tăng “sức mạnh cứng” trên bình diện chính trị, kinh tế, quân sự, Trung Quốc đã và đang dành nhiều mối quan tâm đối với “sức mạnh mềm”. Trên đà tăng trưởng mạnh về kinh tế, cùng với lợi thế sẵn có của một nền văn minh lâu đời và đường lối ngoại giao linh hoạt, Trung Quốc tiếp tục lựa chọn gia tăng sức mạnh mềm trong giai đoạn tới như một “lá chắn mềm” cho sức mạnh cứng, đòng thời tạo ra những tiền đề cơ bản nhằm nâng cao vị trí quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại các khu vực: Đông Á, Đông Nam Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh… ở những mức độ nhất định đều ý thức được những tác động tích cực và tiêu cực của sức mạnh mềm Trung Quốc đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Song làm thế nào để nhận diện đúng bản chất thực của sự trỗi dậy về sức mạnh mềm Trung Quốc đối với các khu vực nói chung, với nước ta nói riêng, nhằm tìm ra đối sách ứng xử phù hợp cho Việt Nam lại là một vấn đề chưa thực sự được các nhà hoạch định chiến lược xem xét kịp thời, thấu đáo. Do đó, đi sâu tìm hiểu, nhận diện mục tiêu, vai trò, phương thức gia tăng sức mạnh mềm đầy “thực dụng” của Trung Quốc đối với các khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng, từ đó đưa ra được những đối sách phù hợp xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam chính là những vấn đề cơ bản được trình bày trong cuốn sách này.

Nội dung cuốn sách “Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” là kết quả nghiên cứu của tập thể tác giả Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Thu Phương chủ biên. Cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó, các tác giả tập vào lý luận sức mạnh mềm; phân tích thực trạng gia tăng sức mạnh mềm Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI; đánh giá thực tiễn triển khai sức mạnh mềm Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI về những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại.

Chương 2: Định hướng phát triển sức mạnh mềm của Trung Quốc giai đoạn 2011-2020. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích bối cảnh lịch sử tác động tới định hướng phát triển sức mạnh mềm của Trung Quốc giai đoạn 2011-2020; trọng tâm gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc trong giai đoạn này; triển vọng gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2020.

Chương 3: Một số vấn đề đặt ta cho Việt Nam trong quá trình ứng xử với sức mạnh mềm Trung Quốc. Nội dung chính của chương này tập trung vào vấn đề nhận diện sức mạnh mềm Trung Quốc tại Việt Nam như việc lôi cuốn Việt Nam theo “mô hình phát triển Trung Quốc”; xây dựng hình tượng  “nước lớn có trách nhiệm”; khuếch trương sức hấp dẫn của nền văn hóa Trung Hoa. Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích ứng xử của Việt Nam đối với sức mạnh mềm Trung Quốc và một số đối sách, kiến nghị nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của sức mạnh mềm Việt Nam.

Thông qua 243 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc khối lượng thông tin lớn về thực trạng sức mạnh mềm của Trung Quốc cũng như sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của nước này và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong việc tăng cường sức mạnh mềm. Cuốn sách đã mang đến cái nhìn toàn diện về một bức tranh phát triển sức mạnh mềm của Trung Quốc giúp bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn về đường lối phát triển sức mạnh mềm của Trung Quốc trong tương lai. Đây là nguồn than khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực tăng cường sức mạnh mềm. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận