Trang chủ

SỰ TRỖI DẬY VỀ KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 10-10-2013, 10:20 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Kim Bảo chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2013, 391 trang

Kí hiệu: Vv 2506

 

Trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu, bình quân hàng năm là 10,39%. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, địa vị kinh tế Trung Quốc tương đối được nâng cao, thực lực tổng hợp đứng thứ hai thế giới.

Có thể nói, 10 năm đầu của thế kỷ XXI đã đặt cơ sở vật chất cho việc xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc ngày càng trở nên vững chắc. Công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa, thị trường hóa, quốc tế hóa ngày càng phát triển sâu rộng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội được thúc đẩy toàn diện. Ở mức độ nào đó, kinh tế Trung Quốc đã thực sự trỗi dậy.

Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc nằm trong tiến trình thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trên con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc: xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, thực hiện hiện đại hóa, hội nhập với thế giới… Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc còn làm cho lợi ích chung của nhân loại được nâng lên khi Trung Quốc tham gia vào hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Là nước láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ chậm hơn hẳn trong nhịp độ phát triển hiện tại, mà còn thấp kém hơn rất nhiều trong vị thế tương lai. Do vậy, những thách thức từ sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đối với con đường phát triển của Việt Nam vô cùng lớn. Ý thức được điều này, tập thể Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” nhằm đưa ra những gợi mở hữu ích cho Việt Nam trước sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc để xây dựng chiến lược, chính sách phát triển phù hợp, giúp Việt Nam vươn dậy mạnh mẽ hướng tới tương lai của một quốc gia hung cường. Nội dung cuốn sách được thể hiện trong 4 chương:

Chương 1: Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó các tác giả phân tích sự trỗi dậy về tăng trưởng kinh tế, dự trữ ngoại tệ, ngoại thương và đầu tư quốc tế của Trung Quốc. Đồng thời phân tích và nhận định về những yếu tố đặc thù tạo nên sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc cụ thể là dân  số và tăng trưởng kinh tế; môi trường và tăng trưởng kinh tế; đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế; tam nông và tăng trưởng kinh tế; mô hình “sản xuất, tiết kiệm, đầu tư” và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chương này cũng nêu ra một số mặt trái đằng sau sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và đánh giá quá trình trỗi dậy của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI.

Chương 2: Các chính sách kinh tế của Trung Quốc trong 10 năm tới (2011-2020). Ở đây, các tác giả trình bày và phân tích bối cảnh quốc tế, bối cảnh trong nước và những ẩn số của sự phát triển trong 10 năm tới; mục tiêu trỗi dậy trong phát triển kinh tế; những chính sách kinh tế cụ thể như chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, chính sách điều tiết vĩ mô; chính sách mở rộng nội thu, chính sách ngành nghề, chính sách phát triển kinh tế khu vực, chính sách phát triển kinh tế đối ngoại, chính sách phát triển khoa học và công nghệ, chính sách phát triển kinh tế xanh, chính sách phát triển kinh tế biển.

Chương 3: Dự báo sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Chương này đưa ra các quan điểm phân tích sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và dự báo sự trỗi dậy của Trung Quốc đến năm 2020. Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích về một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam.

Chương 4: Phương hướng và một số giải pháp cho Việt Nam. Trên cơ sở phân tích về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các chính sách kinh tế của Trung Quốc được trình bày ở các chương trước, trong phần này các tác giả đã đưa ra phương hướng và một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế của Việt Nam đối với Trung Quốc.

Thông qua 391 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc bức tranh toàn cảnh về sự trỗi dậy trong kinh tế của Trung Quốc, những chính sách kinh tế và thành quả mà nước này đã đạt được. Bên cạnh đó, các tác giả cũng cũng ra được những bài học và đề ra phương hướng cũng như một số biện pháp phát triển quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc. Đây là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của nước ta.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận