Trang chủ

KINH TẾ THẾ GIỚI SAU KHỦNG HOẢNG: HỆ LỤY VÀ TRIỂN VỌNG

Đăng ngày: 1-10-2013, 10:38 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Lê Kim Sa

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, 227 trang

Kí hiệu: Vv 2484

Thế giới đang trải qua một cơn chấn động mạnh với cuộc suy thoái từ năm 2008 đã suýt tạo ra một cuộc đại khủng hoảng thứ hai trên quy mô toàn cầu. Đợt suy thoái quy mô lớn này, bên cạnh việc để lại những hậu quả nghiêm trọng, đã tạo ra những tranh luận nghiêm túc về kinh tế học hiện đại với những trận chiến giữa các luồng tư tưởng. Theo thời gian, cuộc khủng hoảng lần này, cũng như các cuộc khủng hoảng khác, sẽ qua đi nhưng cũng giống như các cuộc khủng hoảng khác, nó để lại những hệ lụy nặng nền cho toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng nói riêng.

Cuốn sách “Kinh tế thế giới sau khủng hoảng: hệ lụy và triển vọng” không viết về những quan điểm hay tranh luận về các ý tưởng, mà đi vào mô tả những tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua để thấy được kết cấu mong manh và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trên thế giới. Nước lớn hay nước nhỏ, nước đã phát triển hay nước đang phát triển đều phải đối mặt với những hậu quả này và phải chật vật tìm kiếm những giải pháp và điều chỉnh những kế hoạch trung và dài hạn.

Cuốn sách được chia thành ba phần. Phần thứ nhất trình bày về những hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Những di sản của cuộc khủng hoảng sẽ còn kéo dài hơn người ta dự đoán. Cho tới giờ, hậu quả của cuộc khủng hoảng vẫn còn ghê gớm và thế giới sẽ còn tiếp tục cảm nhận thấy hậu quả đó trong nhiều năm tới đây. Bối cảnh thế giới sau khủng hoảng, bên cạnh những tác động lâu dài, người ta còn chứng kiến một sự chuyển đổi, trong đó nhiều người chúng ta đang sống trong thế giới ảo, nói cách khác là tiêu dùng nhiều hơn giá trị mà chúng ta làm ra. Tác giả khẳng định những hệ quả dai dẳng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và do đó, không dễ gì thoát khỏi quỹ đạo của một chu kỳ kinh tế thông thường.

Phần hai trình bày về ba nền kinh tế lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc như những động lực chính hiện đang tạo ra sự năng động, dù là tích cực hay tiêu cực, của nền kinh tế thế giới. Tác giả đánh giá cao khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ và niềm tin vào sự dẫn dắt thế giới của nền kinh tế thị trường lớn nhất này. Tác giả nhìn nhận sự bối rối của Châu Âu với dự án đồng tiền chung. Liên minh Châu Âu sẽ sa lầy với cấu trúc của chính họ. Sự bi quan của tác giả đẩy tới những hàm ý về một thời kỳ mất mát của Châu Âu giống như Nhật Bản trong hai thập niên qua. Về Trung Quốc, tác giả cũng có những nhận định mạnh dạn và độc đáo. Tuy nhiên tác giả tỏ ra hoài nghi về một Trung Quốc với nhiều vấn đề nội tại. Tác giả cho rằng Trung Quốc sẽ không còn động lực tăng trưởng nhanh và mạnh như trước đây.

Phần ba là những kết luận và hàm ý cho sự phát triển của Việt Nam. Là một nền kinh tế nhỏ và mở, những biến động của nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ có những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam qua những kênh truyền dẫn khác nhau. Những biến động này sẽ là những thách thức và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam trên đường thịnh vượng hơn với những hiểu biết về bối cảnh chung và từ đó có những đối sách và phản ứng phù hợp. Về sự phát triển của Việt Nam, phần kết luận nêu quan điểm của tác giả là, cùng với những cải cách bên trong, Việt Nam sẽ không có lựa chọn nào tốt hơn là tiếp tục hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.

Cuốn sách đã cập nhật những vấn đề kinh tế mới hiện nay trên thế giới, với cái nhìn hướng đến toàn cảnh nhằm định vị con đường của Việt Nam giữa lòng thế giới đang thay đổi, giữa sự mịt mù về trật tự toàn cầu trong tương lai. Đây thực sự là tài liệu tham khảo bổ ích cho độc giả Việt Nam.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận