Trang chủ

VẤN ĐỀ NỢ CÔNG Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Đăng ngày: 1-10-2013, 10:36 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, 227 trang

Kí hiệu: Vv 2483

 

Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu bùng nổ tiếp ngay sau khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ (năm 2008) cùng với sự trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản kéo dài suốt từ thập niên 90 thế kỷ trước đã và đang gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế thế giới. Nợ công vượt quá cao so với mức an toàn ở những nền kinh tế phát triển và trở thành chủ đề nóng hiện nay bởi đó là yếu tố có nguy cơ đe dọa những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, gây lo ngại rằng viễn cảnh nền kinh tế một lần nữa lại rơi vào tình trạng suy giảm.

Trên thế giới, một số chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc đã công bố nhiều công trình đề cập đến vấn đề nợ công và quản lý nợ công. Ở Việt Nam cũng đã có một số bài viết, bài nghiên cứu về vấn đề nợ công. Những bài viết của các tác giả trong và ngoài nước đã xem xét nợ công ở từng khía cạnh, góc độ của vấn đề nhưng chưa đi sâu bao quát một cách tổng thể. Trong khi cuộc khủng hoảng nợ công của Châu Âu vẫn đang tiếp tục tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến cho vấn đề nợ công càng thu hút được sự quan tâm đặc biệt. Vậy nợ công là gì?, nguyên nhân của nó là sao?, cần nhìn nhận, xem xét vấn đề này như thế nào?, giải pháp nào để khắc phục?...

Để cung cấp một cách nhìn tổng quát vấn đề nợ công dưới góc độ kinh tế, cuốn sách “Vấn đề nợ công ở một số nước trên thế giới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” tập trung phân tích vấn đề nợ công, nguyên nhân và bản chất của nợ công; thực trạng nợ công của các nước phát triển, đặc biệt đi sâu tìm hiểu cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu; vấn đề nợ công của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở Châu Á. Trên cơ sở đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp quản lý nợ công ở Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó nội dung của cuốn sách được trình bày trong 4 chương chính như sau:

Chương 1: Bản chất và nguyên nhân của nợ công. Ở chương này, các tác giả đã trình bày khái niệm nợ công; phân tích bản chất và nguyên nhân của nợ công.

Chương 2: Thực trạng nợ công của một số nước. Trong đó phân tích thực trạng nợ công của một số nước phát triển như ở Mỹ, Nhật và nợ công Châu Âu. Bên canh đó, các tác giả cũng đi sâu phân tích, đánh giá về thực trạng nợ công của một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.

Chương 3: Giải pháp ứng phó nợ công và một số đánh giá. Từ việc phân tích, đánh giá về thực trạng nợ công của các nhóm nền kinh tế đã được trình bày ở chương 2, trong chương này các tác giả đưa ra những giải pháp ứng phó nợ công của các nhóm tương ứng đó là giải pháp ứng phó nợ công của các nước phát triển; giải pháp ứng phó nợ công của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở Châu Á. Đồng thời các tác giả cũng đưa ra những đánh giá về các giải pháp ứng phó nợ công này.

Chương 4: Vấn đề nợ công của Việt Nam: một số hàm ý chính sách. Trong đó các tác giả nêu thực trạng một số vấn đề nợ công của Việt Nam; nguyên nhân và những rủi ro tiềm ẩn; đồng thời đưa ra hàm ý chính sách cho giải pháp quản lý nợ công của Việt Nam.

Cuốn sách có nội dung mang tính thực tiễn cao bởi vấn đề nợ công hiện nay vẫn đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề nợ công Châu Âu. Đây là vấn đề nóng bỏng không chỉ ở các nước phát triển mà nhiều nước đang phát triển trên thế giới cũng phải đối mặt, trong đó có Việt Nam. Tuy nợ công Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn và tầm kiểm soát, nhưng hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công còn nhiều bất cập. Cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của nước ta. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận