Trang chủ

ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO HẢI PHÒNG – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LỢI THẾ

Đăng ngày: 20-09-2013, 15:59 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 6

Hải Phòng là thành phố loại một cấp quốc gia, được xác định là một cực trong tam giác tăng trưởng của đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong những năm qua, dù là so với tiềm năng hay trong tương quan với các thành phố lớn khác, FDI vào Hải Phòng chưa tương xứng. Bởi vậy, cần thiết phải tìm giải pháp phát huy các nhân tố thuận lợi để đẩy mạnh thu hút FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố.

1. Những lợi thế để thu hút FDI

Thứ nhất, Hải Phòng nằm ở phía Tây Bắc vịnh Bắc Bộ, chiều dài bờ biển khoảng 125km và có trên 100.000km2 thềm lục địa, nằm ở tuyến huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Trung Cận Đông với Trung Quốc và Nhật Bản với các nước trong khu vực. Thêm vào đó, trên đất liền, Hải Phòng nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trên tuyến đường nối với các tỉnh, thành phố lớn ở phía Bắc và với một số tỉnh của Trung Quốc. Hệ thống đường sắt, đường bộ cùng với đường biển hợp thành mạng lưới giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ vận tải, hoạt động xuất nhập khẩu và các dịch vụ cảng biển khác kèm theo. Do đó, giảm được chi phí lưu thông, có điều kiện cho giao lưu hàng hoá, hình thành không gian kinh tế tương đối rộng cho hoạt động đầu tư. Đây là nhân tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, phát triển lợi thế cảng biển, và lan toả sang các lĩnh vực khác.

Thứ hai, nguồn lực lao động Hải Phòng nói chung có tính tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và tâm lý kinh doanh nhạy bén, sáng tạo, năng động, tích luỹ được kinh nghiệm quản lý và kiến thức kinh tế thị trường. Hải Phòng là một trong những tỉnh mở cửa và hội nhập kinh tế sớm nhất, trong đó có việc thu hút FDI. Nhiều doanh nhân Hải Phòng đã thành công tại thành phố hoặc ở các địa phương khác.

Thứ ba, lợi thế của Hải Phòng còn thể hiện ở truyền thống kinh doanh và làm ăn với nước ngoài. Ngay từ đầu thế kỷ 19, nhiều thuyền bè nước ngoài thường qua lại buôn bán ở vùng Cảng Hải Phòng ngày nay. Đến khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, họ đã tập trung xây dựng Hải Phòng trở thành một hải cảng lớn. Do nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, cửa ngõ thông thương hàng hoá trong nước và quốc tế nên người Hải Phòng sớm có tư duy phát triển kinh tế hàng hoá và có bề dày làm ăn với người nước ngoài. Do cách nghĩ, cách làm của người Hải Phòng có sự tương đồng với các nhà đầu tư nước ngoài nên ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua, ngày 17/01/1989, Hải Phòng đã thu hút được dự án FDI đầu tiên.

Thứ tư, sự phát triển kinh tế - xã hội năng động và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đầu tư tương đối đồng bộ. Từ năm 2003 đến nay, Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, lần lượt là là 10,71%; năm 2004 là 11,39%; năm 2005 là 12,51%; năm 2006 là 12,51%; năm 2007 là 12,82% và năm 2008 là 13%. So với cả nước, mức tăng GDP của Hải Phòng luôn cao hơn 1,5 lần mức tăng chung của cả nước. Hệ thống ngân hàng đa dạng và phong phú, có nhiều công ty tàu biển nước ngoài thiết lập văn phòng hoặc chi nhánh đại diện tại Hải Phòng. Các dịch vụ cho người nước ngoài như khách sạn, văn phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhà hàng đặc sản, khu du lịch, khu dân cư, khu vực và phương tiện vui chơi, giải trí. Mặc dù các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đầu tư đã khá đầy đủ nhưng so với yêu cầu về chất lượng dịch vụ cho nhà đầu tư quốc tế thì vẫn còn nhiều hạn chế.

2. Kết quả thu hút FDI của Hải Phòng trong thời gian qua

Để phát huy các nhân tố thuận lợi trên, Thành phố đã có nhiều động thái, chính sách để thu hút FDI. Tính đến 21/4/2009, tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 275 dự án với vốn đầu tư 4.238.334.592 USD, vốn pháp định/vốn điều lệ là 1.455.092.537 USD, vốn thực hiện đạt 43% vốn đăng ký. Kết quả thu hút của thành phố trong những năm vừa qua như sau:

 

 

Biểu đồ thu hút FDI của Hải Phòng từ 1995 đến 2008

Nguồn:  Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng

 

 

Có thể thấy, Hải Phòng là một trong những địa phương thu hút FDI sớm nhất, ngay từ năm 1995 lượng vốn FDI vào thành phố đã là 15 triệu USD. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á năm 1997 đã tác động làm giảm lượng FDI vào Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Năm 2000, Hải Phòng chỉ thẩm định và cấp giấy phép đầu tư cho 06 dự án với tổng số vốn đăng kí là 6.890.000 USD. Từ năm 2001, FDI có dấu hiệu hồi phục trở lại. Đến năm 2003, thành phố triển khai một loạt các biện pháp nhằm tăng cường thu hút FDI như xúc tiến đầu tư, quảng bá, tuyên truyền về môi trường đầu tư của thành phố, đặc biệt là việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhờ đó, kết quả thu hút FDI của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực: có 42 dự án đầu tư được cấp giấy phép, trong đó có 12 dự án điều chỉnh tăng vốn, nâng tổng vốn đầu tư năm 2003 lên 170.303.642 USD. Năm 2005, 2006, 2007 vốn FDI vào thành phố tiếp tục tăng. Nguyên do là, vào thời gian này, hàng loạt các văn bản chính sách pháp luật của Việt Nam được ban hành theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới cũng làm tăng khả năng thu hút FDI vào Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Đối với Thành phố, đây cũng là giai đoạn thành phố tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư.... Đặc biệt năm 2008, tổng vốn đăng ký là 915.484.127 USD, tăng 3,08 lần so với năm 2007.

FDI chủ yếu chảy vào những lĩnh vực nhằm khai thác lợi thế về cảng biển, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, công nghiệp chiếm 51,5% và cơ sở hạ tầng chiếm 35,2% tổng số vốn đầu tư. Vốn đầu tư tập trung vào một số ngành công nghiệp truyền thống như: sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép, đóng tàu, giầy da, may mặc….Cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý, đầu tư cho du lịch dịch vụ - ngành mà Hải Phòng có nhiều lợi thế còn thấp, chỉ chiếm 6,94% tổng vốn FDI, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 14,3%. Tỷ trọng đầu tư FDI vào nông nghiệp rất hạn chế, mặc dù nông nghiệp chiếm đến 11%GDP song vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,72%. Chính vì thiếu vốn nên rất khó khăn cho phát triển sản xuất nông nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.

Đến nay, Hải Phòng đã thu hút được nguồn vốn FDI đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều tập đoàn hàng đầu đã đầu tư vào Hải Phòng như Chinfon (Đài Loan), Toyota Bosuko, Toyoda Gosei, (Nhật Bản), Posco, Mibeak (Hàn Quốc), Lion (Ma-lai-xi-a), Bic C (Pháp) , GE (Mỹ), ECC International (Hà Lan) …một số tập đoàn lớn khác ký kết với thành phố các bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, nguồn đầu tư chủ yếu vẫn đến từ các nước thuộc khu vực châu Á. Trong thời kỳ 1989 – 2007, nguồn vốn FDI vào Hải Phòng đến từ Châu Á chiếm khoảng 73%, số vốn đầu tư đến từ Châu Âu và Bắc Mỹ còn thấp. Tuy nhiên, từ năm 2008 số vốn FDI đến từ châu Âu và Bắc Mỹ lại tăng nhanh, chiếm 43,5% tổng vốn đầu tư. Đây là một xu hướng tích cực bởi nguồn vốn này thường đầu tư vào những ngành có giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại.

Những thành quả thu hút FDI của thành phố là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, so với các địa phương có điều kiện tương đồng thì số lượng FDI thu hút được chưa cao. Là thành phố có nhiều thuận lợi trong thu hút FDI, nhưng tính đến ngày 19/12/2008, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Hải Phòng chỉ đứng thứ 11 cả nước và đứng thứ 2 ở miền Bắc cả về số lượng dự án cũng như tổng số vốn đầu tư. Hơn thế nữa, mặc dù Hải Phòng là một trong những tỉnh đầu tiên thu hút FDI, nhưng do tốc độ tăng FDI chậm nên trong xếp hạng về thu hút FDI, Hải Phòng bị bỏ khá xa so với các địa phương đứng trước và gần sát với các địa phương đứng sau. Vì thế, vị thế về thu hút FDI của Hải Phòng luôn bị đe doạ. Trong khi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm tương ứng là 11,7% và 7,5% tổng vốn FDI cả nước thì Hải Phòng chỉ chiếm có 2% ([1]).

3. Những hạn chế (rào cản) trong khai thác lợi thế

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song nguyên nhân cơ bản là Hải Phòng vẫn chưa “ bẩy” được lợi thế của mình lên, thậm chí phần nào còn làm cho nó bị lu mờ. Những nhân tố vẫn được coi là lợi thế của Hải Phòng chưa được gia cố thêm và mở rộng đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong một thời gian dài, Hải Phòng vẫn tự huyễn hoặc mình là thành phố công nghiệp, có cảng biển và hệ thống giao thông thuận lợi vv... nên không mấy quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư. Hải Phòng chỉ dựa vào cái mình đã có mà chưa chú ý tạo ra cái nhà đầu tư cần. Vì vậy, cùng với sự phát triển kinh tế chung của cả nước, theo thời gian, những lợi thế mà Hải Phòng có sẵn dần dịch chuyển thành lợi thế của các khu vực khác. Điều đó giải thích vì sao trong việc thu hút FDI, Hải Phòng còn kém cả một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện nay, kết cấu hạ tầng ở nhiều nơi tương đối phát triển, sự lưu chuyển tự do của các dòng vốn và nhân lực ngày càng nhanh và mạnh mẽ hơn nên các lợi thế này dường như đang được “san sẻ lợi ích” cho các địa phương khác. Do đó, mặc dù có lợi thế cảng biển song chính hệ thống giao thông đường bộ phát triển làm nhà đầu tư có thể lựa chọn điểm dừng tại các tỉnh cận kề với Hải Phòng nếu họ có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Không thể phủ nhận một điều là, trong các nhân tố thu hút FDI, việc tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư vẫn là một khâu yếu, tác động bất lợi đối với hoạt động đầu tư, làm cho dòng vốn đầu tư chuyển dịch sang các địa phương khác. Giá đất ở Hải Phòng cao hơn hẳn một số tỉnh ở phía Nam và khả năng tiếp cận của doanh nghiệp rất hạn chế, giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn. Doanh nghiệp nhiều khi phải sử dụng đất ở vào mục đích kinh doanh với chi phí cao, do đó làm giảm hiệu quả đầu tư- mà đây lại là điều tối kỵ trong kinh doanh.

Lợi thế về con người với tác phong và truyền thống kinh doanh cũng chưa phát huy hiệu quả. Bởi lẽ hệ thống các trường đào tạo và dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; việc bố trí, sử dụng nhân lực của thành phố cũng còn bộc lộ nhiều bất cập, môi trường làm việc chưa tạo điều kiện để người lao động phát huy hết năng lực. Dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn còn xảy ra...; không những không thu hút được người lao động và quản lý giỏi, có khả năng tìm về thành phố công tác, mà ngay cả những người được lớn lên và đào tạo tại thành phố cũng tìm việc làm ở nơi khác. Theo kết quả điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 của VCCI, tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp hài lòng với chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng dịch vụ đào tạo nghề cho người lao động do các cơ quan của thành phố thực hiện chỉ là 24,35% và 16,24%. Chỉ số đào tạo lao động của Hải Phòng khá thấp, chỉ đạt 3,28 điểm, thấp nhất trong các thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội đạt 4,79 điểm; Cần Thơ là 5,79 điểm; thành phố Hồ Chí Minh là 5,19 điểm và Đà Nẵng là 8,4 điểm). Có thể nói đây là nhân tố gây cản trở thu hút FDI vào Hải Phòng, nhất là các ngành công nghệ cao, đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư còn dàn trải, chưa thực sự xác định rõ “khách hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu” để tiếp xúc vận động đầu tư. Với mong muốn đẩy nhanh sự “bứt phá”, Hải Phòng đã nôn nóng trong việc lựa chọn đối tác đầu tư và lĩnh vực đầu tư. Vì vậy, rất nhiều trường hợp, Hải Phòng đã chọn “nhầm” đối tác. Đó là những đối tác không có năng lực về tài chính và công nghệ. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho Hải Phòng đi chậm hơn so với một số địa phương khác trong việc thu hút FDI. Năm 2008, Hải Phòng đã phải ra quyết định thu hồi giấy phép của 18 dự án FDI không có năng lực triển khai với số vốn đăng ký gần 500 triệu USD. Thêm vào đó, các hoạt động quảng bá đầu tư vẫn chưa làm nổi trội những lợi thế đặc thù, riêng có của Hải Phòng và vì thế,  các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy, Hải Phòng cũng không hơn gì địa phương khác.

Không quá khó để chỉ ra rằng các lợi thế thu hút FDI của Hải Phòng muốn phát huy được thì cần phải có thêm các yếu tố khác như môi trường đầu tư lành mạnh và nền hành chính minh bạch, hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi hệ thống pháp lý ở địa phương và công tác phòng, chống tham nhũng của Hải Phòng vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước làm việc trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, quản lý đất đai chỉ chú trọng đến lợi ích cá nhân, không nghĩ tới lợi ích đại cục. Những hiện tượng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án FDI vẫn chưa được khắc phục. Kết quả điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 của VCCI đã cho thấy tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp cho rằng các quan chức cấp tỉnh nắm vững các chính sách, quy định hiện hành để giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải trong khuôn khổ pháp luật là 66,09 điểm, chỉ hơn một chút so với mức thấp nhất là: 57,35 điểm. Tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp cho biết cán bộ tỉnh sử dụng các quy định riêng của địa phương với mục đích trục lợi là 51,49; trong khi đó điểm bình quân cả nước là 38,21 điểm. Tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp đồng ý với nhận định hệ thống pháp lý ở địa phương đã tạo ra cơ chế để doanh nghiệp có thể khởi kiện hành vi tham nhũng của cán bộ công quyền là 23,85 điểm, thấp hơn mức trung bình của toàn quốc là 32,74 điểm.

4. Giải pháp phát huy lợi thế để đẩy mạnh thu hút FDI vào Hải Phòng

Hải Phòng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây là trung tâm kinh tế năng động và là một đầu tàu kinh tế quan trọng của miền Bắc và Việt Nam. Ưu thế của vùng kinh tế này là nhân lực được đào tạo tốt, có kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ và không ngừng được nâng cấp. Sự phát triển năng động của các tỉnh, thành phố trong vùng, một mặt, tạo ra không gian rộng hơn cho phát triển, thu hút FDI, mặt khác, gây sức ép buộc các địa phương phải phát huy lợi thế mới thu hút được FDI. Trong những tháng đầu năm 2009, lượng vốn FDI giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới và đà suy giảm của nền kinh tế, do đó sự cạnh tranh giữa các tỉnh trong nước và cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước đang phát triển trong thu hút FDI sẽ trở nên cực kỳ gay gắt. Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI, điều trước hết là phải thay đổi lại nhận thức và cách tiếp cận nguồn vốn FDI. Đó là:

- Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, chỉ nên coi FDI là  một trợ thủ đắc lực cho nền kinh tế để gia tăng nội lực. Số lượng các dự án FDI chưa phản ánh thực chất nội lực của nền kinh tế nói chung và vùng kinh tế nói riêng. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đã chứng tỏ rằng FDI không phải là cứu cánh giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng mà thậm chí trong nhiều trường hợp lại làm trầm trọng thêm. Đó là làm cho cung lớn hơn cầu, gia tăng tình trạng thất nghiệp vv....

- Sử dụng FDI là sử dụng nguồn vốn bên ngoài mà ta không phải bỏ ra, từ đó nảy sinh tâm lý càng thu hút được nhiều càng tốt. Đây là điều hết sức bất cập vì nó dễ dãi bỏ qua các tác động “kép” không mong muốn như tàn phá môi trường sinh thái. Đối với Hải Phòng, đó là môi trường biển, nơi có khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà. Vì vậy đã đến lúc, phải quan tâm đến chất lượng các dự án FDI.

Với cách tiếp cận như trên, giải pháp để khai thác lợi thế so sánh nhằm tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI vào Hải Phòng là:

- Khai thác tối đa lợi thế về cảng biển và hệ thống giao thông để thu hút FDI vào các lĩnh vực như đóng và sửa chữa tàu biển, xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu, tiến tới hình thành ngành công nghiệp đóng tàu độc lập, hiện đại của Việt Nam. Hướng FDI đầu tư xây dựng các ngành công nghiệp cơ khí, nhất là công nghiệp chế tạo máy vốn là thế mạnh của Hải Phòng vừa phục vụ cho nhu cầu trong nước vừa tham gia xuất khẩu. Ngày 12/5 vừa qua Tập đoàn năng lượng GE (Hoa kỳ) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tua-bin phát điện bằng sức gió và các linh kiện máy phát điện để cung cấp cho hệ thống GE toàn cầu với số vốn đầu tư 61 triệu USD tại KCN Nomura Hải Phòng. Đây là dấu hiệu khả quan cho thấy dòng vốn FDI vào Hải Phòng đã có sự dịch chuyển sang các lĩnh vực chế tạo máy, cơ khí hạng nặng, sử dụng công nghệ cao.

- Trong việc đào tạo nguồn nhân lực, Hải Phòng cần tập trung đào tạo lực lượng lao động cơ khí có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư.

- Tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư đồng thời hết sức bình tĩnh, thận trọng, không chấp nhận việc thu hút FDI bằng mọi giá. Không chạy theo số lượng vốn đăng ký mà quan tâm đến khả năng thực hiện của dự án. Đặc biệt dừng triển khai các dự án FDI sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép. Trong điều kiện đất đai của Hải Phòng hạn hẹp, cần để dành quỹ đất ưu tiên cho các dự án FDI ở lĩnh vực cơ khí, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao.

- Chủ động điều chỉnh danh mục những dự án ưu đãi đầu tư, không chỉ phù hợp với lợi thế của thành phố mà còn thích ứng với sự đổi chiều của dòng FDI.

- Cải thiện chất lượng quy hoạch đất đai, tiếp tục đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc thu hút FDI.

- Trong quy hoạch các khu công nghiệp cần dùng một quỹ đất hợp lý để xây dựng nhà ở cho công nhân. Có chính sách hỗ trợ hợp lý để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân để họ yên tâm công tác, khắc phục tình trạng di chuyển lao động gây bất lợi đối với nhà đầu tư.

- Xây dựng chiến lược tạo dựng và thu hút lao động có tay nghề phù hợp với yêu cầu của các dự án FDI đồng thời thu hút lao động có chất lượng cao thông qua chính sách nhà ở, bảo hiểm, môi trường lao động, cải thiện điều kiện sống và làm việc, nâng cao thu nhập và tạo cơ hội để họ phát huy năng lực. Thực hiện chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với lao động trong khu công nghiệp.

- Thực hiện tốt chế độ “một cửa liên thông” giữa các tổ chức, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại như hải quan, tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư, thuế nhằm giảm thiểu đến mức tối đa thời gian chờ đợi của các nhà đầu tư. Mặt khác, các cấp chính quyền cần tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy chế hoạt động cần công khai, minh bạch cần theo hướng tăng trách nhiệm giải trình của cán bộ.

- Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư đặc biệt là xúc tiến thông qua các đơn vị chuyên nghiệp, các doanh nghiệp đã và đang làm ăn tại Hải Phòng và thông qua bà con Việt kiều. Quảng bá các cơ hội đầu tư riêng của thành phố và hình thành cụm các ngành và lĩnh vực tập trung thu hút FDI.

Như vậy, muốn phát huy lợi thế để đẩy mạnh thu hút FDI Hải Phòng cần phải nhận thức được thế mạnh, những đặc điểm riêng của thành phố. Trong đó, chủ động tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả của nền hành chính, thu hút và đào tạo nhân lực có chất lượng cao, tạo các liên kết giữa các tỉnh và trong khu vực được xem là những giải pháp quan trọng nhất.

 

PHẠM THỊ QUỲNH LIÊN

(ThS, Trường Chính trị Tô Hiệu - Hải Phòng)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “20 năm đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và các số liệu thống kê FDI năm 2007, 2008”.

2. Trần Thị Minh Châu, “Về chính sách khuyến khích đầu tư ở Việt Nam,” Nxb Chính trị Quốc gia, 2006.

3. Nguyễn Trọng Hoài, “Các nhân tố “cơ sở hạ tầng mềm’’ tác động đến thu hút đầu tư địa phương- Kiểm định bằng mô hình hồi qui,” Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, 2007.

4. Michael E. Porter, “Lợi thế cạnh tranh”, Nxb trẻ, 2008.

5. Phòng Thương mại và Công nghiệp - Bộ Thương Mại, www.pcivietnam.org/ PCI Hải Phòng.

6. Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố Hải Phòng, “Định hướng thu hút đầu tư đến năm 2010”.

7. Sở kế hoạch - Đầu tư Thành phố Hải Phòng3, “Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hải Phòng, 2006, 2007, 2008 và 4 tháng đầu năm 2009.”

8. Viện nghiên cứu quản lý Trung ương, “Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hậu WTO,” 2007.

9. UNCTAD, World Invesment Report 2007, 2008, www.unctad.org.

10. WB, “South – South’’ FDI and political risk insurance: challenges and opportunities, 2008.

 

 

 

 

 



(1) Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “20 năm đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và các số liệu thống kê FDI năm 2007, 2008.”

 

0thảo luận