Trang chủ

HỢP TÁC GIỮA CÁC TRƯỜNG, VIỆN VÀ CÔNG TY Ở NHẬT BẢN – NHỮNG GỢI Ý CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 20-09-2013, 15:55 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 6

Nhật Bản không chỉ là nước có số lượng khá lớn các trường đại học (với 500 trường) mà còn là một trong những quốc gia có chất lượng đào tạo khá tốt. Hiện đã có 6 trường trong số 100 trường đại học hàng đầu thế giới, 32 trường trong số 500 trường đại học hàng đầu của thế  giới.([1]) Trước những thách thức mới trong nước và quốc tế lĩnh vực giáo dục đại học ở Nhật đang tiến hành cải cách khá mạnh mẽ, trong đó tăng cường liên kết đào tạo nghiên cứu giữa các trường, viện và các công ty được coi như một trong hướng ưu tiên nhằm tạo ra động lực mới cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Bài viết này sẽ phân tích một số kinh nghiệm về vấn đề này ở Nhật Bản hiện nay.

1. Đổi mới quản lý nhà nước về  hợp tác nghiên cứu khoa  học

Đổi mới quản lý nhà nước về hợp tác khoa học  là một trong những nội dung cơ bản của cải cách  mà Nhật Bản đã tiến hành từ đầu những năm 1990 đến nay. Trong đó, tăng cường mối liên kết và hiệu quả của Hệ thống Đổi mới  (NIS) mà nội dung chính là đơn giản hoá công tác điều hành bằng cách giảm bớt các tầng nấc, thứ bậc và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các trường, viện, công ty là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, các trường Đại học thực sự là đầu mối quan trọng của NIS. Từ năm 1995, vai trò của các trường đại học đã bắt đầu thay đổi và ngày càng nhận được sự quan tâm của các Bộ khác, chứ không chỉ của Bộ chủ quản.  Bộ không chỉ cấp kinh phí cho các trường đại học mà còn cho cả các dự án hợp tác với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Việc cho phép các giáo sư đại học giành một phần thời gian đảm đương chức vụ lãnh đạo ở các viện nghiên cứu cũng là điểm mới so với trước. Sự kiêm nhiệm này giúp cho các viện nghiên cứu có độ linh hoạt cao hơn và có cơ hội để thử nghiệm các hình thức hợp tác giữa trường đại học với viện nghiên cứu và các tổ chức doanh nghiệp.

Năm 1995, Chính phủ Nhật Bản công bố Luật Cơ bản về Khoa học & Công nghệ (Science and Technology Basic Law). Đây là cơ sở pháp lý để Nhà nước theo đuổi mục tiêu “Quốc gia dựa trên sáng tạo khoa học công nghệ”. Nội dung cơ bản của luật quy định: “Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển khoa học công nghệ”. Luật nhấn mạnh sự liên kết giữa phòng thí nghiệm quốc gia, trường đại học và khu vực kinh tế tư nhân; sự cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai, trách nhiệm đào tạo các nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu với những hoạt động nghiên cứu đặc thù trong các trường đại học sẽ được nhà nước khuyến khích và ủng hộ. Nhằm cụ thể hoá luật trên   “Kế hoạch Cơ bản về KH & CN” do Hội đồng Khoa học Công nghệ đưa ra đã được áp dụng. Trong đó tập trung cải thiện môi trường nghiên cứu và phát triển (R & D) trong giai đoạn 1996 – 2000.

Chính phủ cam kết đầu tư của Chính phủ cho R & D phải bằng hoặc vượt các nước phương Tây để nâng cao năng lực nghiên cứu. Trong đó, tăng cường gắn kết giữa giới công nghiệp và các trường đại học được coi như là phương thức hàng đầu để thúc đẩy R&D. Chính phủ còn thực hiện một số biện pháp cụ thể để xây dựng các tổ hợp nghiên cứu nhằm mở rộng sự phối hợp giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng. Nhà nước chú trọng đầu tư cho các phòng thí nghiệm quốc gia và mở rộng sự hợp tác giữa các bộ ngành liên quan tới khoa học công nghệ, đặc biệt với MITI (Bộ Công thương  - nay là Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp (METI). “Bộ này sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ để giúp các trường viện nghiên cứu hình thành các phòng thí nghiệm công nghệ”.([2]) Như vậy, chủ trương và biện pháp gắn đào tạo nghiên cứu khoa học với sản xuất công nghiệp ở Nhật Bản được đảm bảo về mặt pháp lý và được cụ thể hoá bằng các chương trình kế hoạch hành động cụ thể của chính phủ, các Bộ, các trường, viện, và các công ty Nhật Bản. Đây là động lực quan trọng để các trường đại học Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu. Mục tiêu đặt ra không chỉ gắn đào tạo với thực tiễn mà còn nâng cao chất lượng giáo viên, sinh viên và tạo nguồn kinh phí cần thiết để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHKT. Với kế hoạch và định hướng rõ ràng trên,  hầu như các trường đại học lớn của Nhật Bản đều thành lập các viện và trung tâm nghiên cứu và không ít trong số đó đã tạo lập được uy tín và vị thế của mình. Ví dụ: Viện Nghiên cứu Kinh tế (Institute of Economic Research) - Đại học Hitotsubashi, Viện Nghiên cứu Văn hoá và Con người (Institute for Cultural and Human Research) - Đại học Bunkyo Kyoto, Viện nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO - Đại học Waseda .v.v…

Làm như thế nào để hợp tác giữa các trường đại học và giới công ty (chủ yếu là ngành công nghiệp) có hiệu quả? Chính phủ Nhật Bản đã công bố luật thúc đẩy chuyển giao công nghệ, gỡ bỏ rào cản trong trao đổi nhân sự giữa trường đại học và giới công nghiệp, khuyến khích các công ty tư nhân tham gia nghiên cứu chung, tăng cường chất lượng đào tạo kỹ sư. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng mối quan hệ giữa công ty với các trường đại học.

Trong chiến lược công nghệ quốc gia, Chính phủ Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh đổi mới mối quan hệ: Công nghiệp - Nhà nước - Đại học với 4 mục tiêu sau:

- Tạo mối quan hệ hữu hiệu Công nghiệp - Nhà nước - Đại học;

- Cải tổ các trường đại học Nhật Bản theo hướng cạnh tranh quốc tế;

- Bồi dưỡng các kỹ sư và nhà nghiên cứu sáng tạo;

- Tái cấu trúc hệ thống hỗ trợ công nghệ của chính phủ.

Rõ ràng, hợp tác 3 bên Công nghiệp - Đại học - Chính phủ trở thành một trong những điểm then chốt của chính sách công nghệ, theo đó các trường đại học được kỳ vọng giữ vai trò chính trong đào tạo nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, lợi ích xã hội phải là một phần quan trọng của chính sách công nghệ, đây được coi như là mục tiêu và kết quả mà chính sách của nhà nước về khoa học công nghệ hướng tới.

2. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm, thư viện

Nâng cấp cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm cũng là một biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và giới công nghiệp. Bên cạnh Trung tâm Hợp tác nghiên cứu (Center for Cooperative Research), Bộ Giáo Dục, văn hoá thể thao và khoa học công nghệ (MEXT) đã cho phép thành lập những “Phòng kinh doanh mạo hiểm” (Ventures Business Laboratories) trong các trường đại học. Tài chính cho các phòng thí nghiệm này lấy từ “Quỹ thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ cho các Trung tâm nghiên cứu”, do ngân sách bổ sung. Các trung tâm thực sự là địa chỉ hấp dẫn giảng viên, sinh viên không chỉ bởi nguồn tài liệu, sách báo phong phú mà còn có các thiết bị kỹ thuật nghe nhìn hiện đại. Trung tâm có phòng máy tính kết nối Internet, trang bị hàng trăm máy tính hiện đại, mở cửa từ 9h sáng cho tới 21h00 đêm cho sinh viên sử dụng. Thư viện của khoa, trường rất thuận lợi cho người đọc và luôn được phục vụ chu đáo tận tình. Trang thiết bị phục vụ cho học tập và giảng dạy hiện đại và đầy đủ...đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Điều đáng chú ý là một phần kinh phí khá lớn do chính các công ty Nhật Bản tài trợ.

3. Các công ty -địa điểm thực tập chính của sinh viên

Tạo lập môi trường thực tập tốt cho sinh viên là  yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó các công ty là một trong những địa điểm được lựa chọn. Bộ Giáo dục đã nhấn mạnh: việc thực tập tại các công ty là một phần của chương trình đào tạo chứ không phải là nơi để các công ty tuyển người. Thực tế, không ít các công ty lợi dụng các chương trình thực tập để chọn những sinh viên phù hợp với nhu cầu và “văn hoá công ty”, điều đó khiến việc ý nghĩa của việc thực tập trở nên thiên lệch. Quan điểm của Bộ MEXT là các công ty tư nhân phải nhận thức được vai trò xã hội của mình bằng việc tạo môi trường thực tập, họ đã giúp nâng cao trình độ của những kỹ sư tương lai, tức là đã đóng góp lợi ích cho nền công nghiệp và toàn xã hội.

Về phía METI, các hệ thống nghiên cứu của họ thêm linh hoạt nhờ Luật Tăng cường Công nghệ công nghiệp (Law for Reinforcing Industrial Technology), theo đó trường đại học có thể nhận tài trợ từ các công ty tư nhân. Mặt khác, các trường đại học sẽ thu hút các tri thức và khả năng linh hoạt, hiệu quả từ doanh nghiệp để phát triển đào tạo, nghiên cứu ở các trường Đại học.

Một điểm độc đáo là Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện và cho phép thành lập các Công ty mạo hiểm trong trường đại học.  Tháng 5/2001, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã đưa ra Sáng kiến: “Kế hoạch tạo ra các thị trường và việc làm mới” hay kế hoạch Hiranuma. Kế hoạch này khuyến khích thành lập 1000 công ty mạo hiểm trong vòng 3 năm ở các trường đại học và tăng gấp 10 lần số lượng sáng chế sở hữu trí tuệ ở các trường đại học. Để phục vụ mục tiêu này, kế hoạch nhấn mạnh việc đổi mới bằng cách thúc đẩy cạnh trạnh giữa các nhà nghiên cứu, cải tiến quản lý ở trường đại học và khuyến khích chuyển giao công nghệ  chiến lược từ khu vực hàn lâm sang cho các ngành công nghiệp.

4. Một số gợi ý cho Việt Nam.

a. Liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Đại học- Doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo và nghiên cứu khoa học

Ở một nước đang phát triển như Việt Nam thì mối quan hệ này được xác định: Nhà nước - Đại học – Doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở đây bao hàm nhiều loại hình: công nghiệp và kinh doanh dịch  vụ.

Trong mô hình liên kết này: Nhà nước đóng vai trò định hướng, điều tiết ở tầm vĩ mô như đề ra luật pháp, phân bổ ngân sách, phối hợp giữa các bộ ngành. Các doanh nghiệp đóng vai trò là người hỗ trợ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; nhưng đồng thời cũng là người đề xuất nhu cầu đào tạo và tiếp nhận nguồn nhân lực được đào tạo. Các trường Đại học là chủ thể thực hiện đào tạo và nghiên cứu khoa học, có quyền tự chủ cao.

Các doanh nghiệp kể cả  khu vực nhà nước và tư nhân đều là những đơn vị có nhu cầu tiếp nhận sinh viên do các trường Đại học đào tạo ra. Với tinh thần yêu nước và với trách nhiệm xã hội các doanh nghiệp đề xuất nhu cầu và phối hợp với các trường Đại học trong vấn đề đào tạo như:  tham gia xây dựng chương trình, cử các chuyên gia có trình độ cao tham gia giảng dạy, hướng dẫn và báo cáo chuyên đề khoa học. Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy: khi sinh viên đi thực tập được trực tiếp trao đổi với các cán bộ thực tế không chỉ giúp thấu hiểu hơn tình hình mà còn giúp nâng cao chất lượng cáo báo cáo khoa học và bản thân họ đều có cảm nhận là bổ ích và thú vị. Đây cũng là dịp tốt để sinh viên đối chiếu so sánh giữa kiến thức được đào tạo trong trường Đại học với những vấn đề thực tế vốn rất phong phú và sinh động.

b. Các doanh nghiệp khuyến khích động viên sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học

Để động viên khuyến khích phong trào học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, hàng năm nên chăng các doanh nghiệp Việt Nam nên lập Quỹ học bổng hay Quỹ khen thưởng để trao cho những sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học.  Nhiều công ty Nhật Bản không chỉ trao học bổng cho sinh viên Nhật Bản mà còn mở rộng trao nhiều suất học bổng cho sinh viên nước ngoài trong đó có sinh viên Việt Nam. Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đaị học Kinh Tế đã nhận được nhiều suất học bổng từ các công ty Nhật Bản. Trong những năm qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã khuyến khích động viên trao học bổng cho sinh viên các trường Đại học. Hy vọng thời gian tới, hình thức này sẽ được các doanh nghiệp hỗ trợ khuyến khích nhiều hơn nữa. Tinh thần Doanh nhân Việt Nam sẽ góp phần thắp sáng sức sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam và hình ảnh doanh nghiệp cũng sẽ gây ấn tượng tốt đẹp với sinh viên mỗi khi họ nhận được nguồn động viên khích lệ từ các cơ sở sản xuất.

c. Các trường Đại học cần phải có lực lượng nghiên cứu đủ mạnh sẵn sàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp

Kinh nghiệm của Nhật Bản đã chỉ ra: liên kết doanh nghiệp với trường đại học sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Với doanh nghiệp, lợi ích của hợp tác sẽ là: Tiếp cận được nguồn nhân lực, gồm những người được đào tạo với chất lượng chuyên môn cao; tiếp cận những kết quả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng có liên quan tới những sản phẩm và quy trình mới; có những giải pháp và vấn đề hoặc kiến thức chuyên môn mà thường không tìm thấy ở các doanh nghiệp; tiếp cận với các trang thiết bị của trường đại học; được sự trợ giúp đào tạo thường xuyên; tạo được ảnh hưởng uy tín hoặc khuyếch trương hình ảnh doanh nghiệp; quan hệ tốt với cộng đồng. Với trường đại học, lợi ích là: Các doanh nghiệp là những nhà tài trợ mới cho trường không chỉ hỗ trợ về kinh phí mà còn giúp sinh viên tiếp xúc với những vấn đề thực tiễn; các cán bộ ở trường có cơ hội tiếp xúc với thực tiễn và tham gia các chương trình nghiên cứu do các doanh nghiệp đặt ra.

Muốn vậy, bản thân các trường đại học cần tăng cường trang thiết bị hiện đại và nhất là chuẩn bị đội ngũ các thầy cô giáo có kiến thức cơ bản và thực hành ở trình độ cao, năng động...nhằm đáp ứng tốt những yêu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra.

Tóm lại, Nhật Bản là một quốc gia rất coi trọng quan hệ hợp tác giữa trường đại học với các doanh nghiệp. Chính phủ Nhật Bản cũng đã ban hành nhiều chính sách cần thiết thúc đẩy và hỗ trợ quan hệ cần thiết này. Sự hợp tác có hiệu quả của các trường đại học và các doanh nghiệp  không chỉ tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế và xã hội mà còn đem lại lợi ích cho chính cả doanh nghiệp và các trường.

Những kinh nghiệm của Nhật Bản trong giáo dục đào tạo nói chung, tăng cường hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu nói riêng sẽ là những bài học tham khảo bổ ích cho Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hợi nhập quốc tế hiện nay và trong thời gian tới.

 

NGUYỄN XUÂN THIÊN

(TS, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Khoa học và Công nghệ, Hướng tới trở thành Quốc gia dựa trên sáng tạo KH & CN, Tạp chí Tia sáng –tiasang.com.vn

2. Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Nhật Bản nâng cao hoạt động nghiên cứu Khoa  học, http://vst.vista.gov.vn/home/database

3. Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Nhật Bản củng cố và hoàn thiện hệ thống đổi mới, http://vst.vista.gov.vn/home/database

4. Ninh Đỗ, Nhật Bản trên con đường tìm kiếm tự do đổi mới, http://www.nguoilanhdao.vn/News/vi-VN/Detail/2008/6/13/24311.nld

5. Tokyo Kaigo – Japanese Education: Past, present and future – Tokyo: Kokusai Bunka Shinkikai, 1968.

6. Nguyễn Xuân Thiên, Bước đầu tìm hiểu kinh nghiệm hợp tác của các trường Đại học Nhật Bản với các Viện nghiên cứu và các Công ty. Tài liệu hội thảo Hợp tác giữa trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và các doanh nghiệp: tiềm năng, thực trạng và giải pháp, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN & Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội, Hà Nội, ngày 25/9/2008.

7. http://www.waseda.ac.jp/cjl/

8. http://ed.sjtu.edu.cn/rank/2007/ARwu2007

9.http: www.economics.vnu.edu.vn



([1]) http://ed.sjtu.edu.cn/ranking.htm

([2]) Viện Khoa hoc giáo  dục Việt Nam: Kinh nghiệm của một số nước về phát triển giáo dục và đào tạo Khoa học và công nghệ gắn với xây dựng đội ngũ trí thức, Nxb CTQG, Hà Nội năm 2008, trang 320.

0thảo luận