Trang chủ

QUAN HỆ HỢP TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ LIÊN TRIỀU

Đăng ngày: 17-07-2013, 11:58 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 5

Sự chia cắt Bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia riêng biệt: Triều Tiên và Hàn Quốc sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã làm cắt đứt mọi mối liên hệ giữa hai miền Triều Tiên.  Sau 35 năm chia cắt, mối quan hệ về kinh tế mới thực sự bắt đầu và nhờ những nỗ lực hòa giải của các chính phủ trước đây, quan hệ hợp tác kinh tế thực sự được cải thiện và đã đạt được những thành tựu nhất định.  Tuy nhiên, những diễn biến trong quan hệ Liên Triều ngày càng xấu đi đã ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế, gây tổn hại đến nền kinh tế của cả hai nước.

Sự hợp tác phát triển kinh tế Liên Triều ra sao, đặc biệt trong các dự án kinh tế trọng điểm như: Tổ hợp công nghiệp Kaesong, nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ, phát triển khu du lịch là vấn đề bài viết muốn đề cập đến.

1.Vài nét khái quát

Trên cơ sở những tiến bộ đạt được trên lĩnh vực chính trị, quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đạt được những bước tiến tích cực hơn.  Sự trao đổi và hợp tác Liên Triều tập trung chủ yếu vào 3 dự án kinh tế: Dự án Tổ hợp công nghiệp Kaeseong (KIC), Dự án nối lại tuyến đường sắt và đường bộ và dự án khu du lịch Mt. Kumkang (núi Kim Cương).  Quy mô của những dự án này được mở rộng dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun (2003-2008).  Bên cạnh đó Seoul cũng giúp Bình Nhưỡng lập một khu đóng tàu đặc biệt ở thành phố cảng Haeju và bắt đầu xây dựng nhà máy đóng tàu Anbyon.

Để thúc đẩy việc hợp tác kinh tế Liên Triều, Ủy ban Hợp tác kinh tế Bắc Nam (SNECC) đã thành lập ra hội đồng tư vấn.  Cách thức tổ chức về sự qua lại, kiểm tra hải quan và hàng hóa được thảo ra dựa trên 3 điểm trong bản thỏa thuận hợp tác kinh tế (tránh đánh thuế 2 lần, phân xử tranh chấp thương mại, và sự đảm bảo trong đầu tư).

Trao đổi buôn bán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được chính thức bằng tuyên bố đặc biệt ngày 7/7/1988.  Kể từ đó, buôn bán Liên Triều nhanh chóng tăng lên. Những mặt hàng như sắt, thép, các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp đã được chuyển từ Triều Tiên đến Hàn Quốc và những mặt hàng như dệt may và hoá chất được chuyển theo chiều ngược lại. Năm 1999, buôn bán hai chiều đạt mức 340 triệu USD. Các tổ hợp công ty (Chaebol) của Hàn Quốc đã xúc tiến mạnh mẽ quan hệ với Triều Tiên. Hàng trăm công ty lớn của Hàn Quốc đã đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, đường xá, hải cảng, sân bay, cầu, trạm điện ở Triều Tiên.  Phương thức "vốn của miền Nam cộng với sự cạnh tranh và lực lượng lao động có kỷ luật của miền Bắc" đã là nhân tố quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai miền.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều năm 2000, nhiều cuộc gặp cấp cao của Bộ thương mại hai miền được tổ chức, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.  Tổng kim ngạch buôn bán tăng từ 403 triệu đô la năm 2001 lên 642 triệu năm 2002. Đáng chú ý là tháng 8 năm 2003 hai bên đã đạt được thoả thuận buôn bán trực tiếp với nhau, không phải đi qua nước thứ ba như trước đây.  Bên cạnh đó, hai bên còn đồng ý thiết lập đường dây liên lạc về thương mại xuyên biên giới để giải quyết những vấn đề nảy sinh. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi bị chia cắt, Hàn Quốc và Triều Tiên có đường dây liên lạc trực tiếp.  Bộ trưởng thông tin Hàn Quốc Chin Dae-je cho biết dịch vụ điện thoại mới này sẽ mở đường cho sự hợp tác của hai bên trên mọi lĩnh vực công nghệ và thông tin. Trước đây, Bình Nhưỡng và Seoul chỉ liên lạc với nhau thông qua đường dây nóng quân sự. Kim ngạch buôn bán Liên Triều đã tăng lên 724 triệu năm 2003.

Trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên năm 2004 giảm mạnh, xuống còn 640 triệu đô la do quan hệ hai miền căng thẳng.

Để tăng cường hợp tác đầu tư, buôn bán giữa hai miền, tháng 10 năm 2005, Hàn Quốc đã mở văn phòng thường trực đầu tiên tại Triều Tiên, đánh dấu cột mốc mới trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước nói chung, quan hệ thương mại nói riêng.  Văn phòng tư vấn hợp tác kinh tế Liên Triều được đặt tại khu công nghiệp Kaeseong.  Theo thoả thuận, 14 quan chức thuộc các bộ: Bộ Kinh tế và Thương mại, Bộ Thống nhất cũng như các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc và 10 quan chức của Triều Tiên sẽ làm việc tại văn phòng này. Theo kế hoạch, hai bên sẽ tổ chức các cuộc họp hàng tuần về hợp tác khai thác hải sản, đánh bắt cá, nối lại các tuyến đường bộ, đường sắt…”.  Nhờ nỗ lực của cả 2 phía, kim ngạch buôn bán 2 chiều đã tăng lên 1,055 triệu đô la vào năm 2005 và 1,350 triệu vào năm 2006, đưa Hàn Quốc trở thành bạn hàng lớn thứ 2 của Triều Tiên sau Trung quốc.  Trao đổi nhân sự tăng từ 7.280 vào năm 2000 lên 8.742 vào năm 2001, 13.877 năm 2002, 16.303 năm 2003, 26.534 năm 2004 và 71.967 năm 2005.  Quan trọng nhất là việc nối lại đường sắt và đường bộ giữa hai miền Triều Tiên.  Dự án này không chỉ tạo cơ hội nối liền những người Triều Tiên với nhau mà còn giúp cho việc hình thành nên cộng đồng kinh tế Liên Triều, giảm sự căng thẳng về quân sự sau 60 năm chia cắt.


Biểu đồ 1 Quan hệ thương mại Liên Triều 1989-2006

 

 

(Đơn vị: triệu đôla)

 

 

 

Nguồn: Bộ Thống nhất Hàn Quốc

 

 

Quan hệ thương mại giữa hai miền bị đình trệ do đầu tháng 10 năm 2006, Triều Tiên  tiến hành thử hạt nhân.  Lệnh cấm vận mới của Liên Hợp Quốc trong đó có điều khoản phong toả tài chính và kiểm tra hàng hoá đến và xuất đi từ Triều Tiên đã làm gián đoạn các thoả thuận hợp tác thương mại và phát triển kinh tế giữa hai miền. Ngày 26/10/2006, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-seok đã tuyên bố Hàn Quốc cấm nhập cảnh đối với các quan chức Triều Tiên có tên trong danh sách của Liên Hợp Quốc về những người bị hạn chế đi lại. Đây là động thái cụ thể đầu tiên của Seoul trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng do nước này đã tiến hành thử hạt nhân. Tuyên bố trên được đưa ra bất chấp có sự cảnh báo từ phía Triều Tiên rằng việc Hàn Quốc thực hiện một số lệnh cấm vận đối với Triều Tiên được xem như là một hành động đối đầu.

Năm 2007 tổng kim ngạch thương mại liên Triều được tăng trở lại nhờ những thành tựu đạt được qua cuộc họp thượng đỉnh Liên Triều lần thứ hai, đạt 1,78 tỷ USD, chiếm 40% ngoại thương của Triều Tiên.  Phần lớn hàng hoá là hàng gia công hay lắp ráp của các công ty Hàn Quốc tại Kaeseong.  Một tỉ lệ tương đối lớn là hàng viện trợ nhân đạo của Hàn Quốc dành cho Triều Tiên trong các dự án hợp tác Liên Triều.  Mặc dù quan hệ buôn bán và gia công ủy thác ngày càng tăng nhưng tổng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Triều Tiên trong năm 2007 vẫn là hàng hóa phi thương mại.

Sang năm 2008, trao đổi thương mại Liên Triều mang tính hàng hóa hơn, với tỷ trọng buôn bán hàng hóa tăng lên 94% trong 6 tháng đầu năm 2008, so với 78% của cùng kỳ năm trước.  Số công ty và mặt hàng của Hàn Quốc tham gia vào hoạt động trao đổi hàng hóa Liên Triều tăng liên tục, lần lượt lên 526 công ty và 736 mặt hàng trong nửa đầu năm 2008, so với 324 công ty và 686 mặt hàng trong cùng kỳ năm 2007. Các loại hàng hóa được giao dịch với số lượng nhiều hơn so với nửa đầu năm 2007 là gương kính và hàng dệt may.

Sự phát triển của KIC đã đưa kim ngạch thương mại hàng hoá Liên Triều tăng 23% trong nửa đầu năm 2008.  Theo tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá Liên Triều trong 6 tháng đầu năm 2008 đã tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, lên 823,6 triệu USD nhờ hoạt động sản xuất tại Tổ hợp công nghiệp Kaesong và khối lượng nguyên vật liệu được vận chuyển từ Hàn Quốc vào Triều Tiên gia tăng.

2.  Sự phát triển của Tổ hợp kinh tế Kaeseong

Nằm giữa khoảng cách Seoul và Bình Nhưỡng, Kaeseong đã từng là trận địa ác liệt trong Chiến tranh liên Triều (1950-1953) và được củng cố thêm ngay cả sau khi hiệp định đình chiến được ký kết. Từ kinh nghiệm thất bại trước đây ở đặc khu kinh tế Rajin-Seonbong và Sinuiju, Triều Tiên nhìn nhận KIC như một cơ hội để có được những kiến thức và kinh nghiệm phát triển kinh tế và đã thể hiện thái độ hợp tác tích cực.  Họ đã cho phép người nước ngoài đến thăm quan Kaeseong để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và đầu tư nước ngoài vào Tổ hợp.

Mục đích xây dựng tổ hợp kinh tế Kaesong nhằm thu hút đầu tư của các công ty Hàn Quốc, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ để cùng phát triển kinh tế của 2 miền nhờ việc kết hợp giữa trình độ quản lý, nguồn vốn và kỹ thuật của Hàn Quốc với nguồn lao động rẻ và đất đai của Triều Tiên.  Dự án này cũng hy vọng giúp cho Triều Tiên cải cách nền kinh tế, mở cửa với thế giới bên ngoài để tự thay đổi dần dần, giảm bớt sự căng thẳng, tạo không khí hòa giải, hòa bình giữa hai miền Triều Tiên.

Tổ hợp công nghiệp Kaesong (KIC) nằm cách phía Bắc Seoul 43 dặm, ngay giáp giới khu phi quân sự, do tập đoàn Hyndai khởi xướng từ năm 1998 khi Hàn Quốc thực hiện Chính sách Ánh dương nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên.  Theo thỏa thuận về việc ra vào, cư trú tại KIC và vùng du lịch Kumgang, Bình Nhưỡng có quyền bắt những người vi phạm nội quy phải hồi hương.

Mặc dù ban đầu chỉ là 1dự án tư nhân nhưng cả 2 nước đã rất nhiệt tình tham gia.  KIC được xây dựng trên diện tích 66km2, phía Đông Nam Bình Nhưỡng, rộng lớn hơn nhiều so với các khu công nghiệp khác ở Trung Quốc và Hàn Quốc.  Khu Cheongdo có diện tích 330.000m2, Namdong, Sihwa, Gumi và Tổ hợp công nghiệp Changwon Hàn Quốc có diện tích tương ứng là 9,9km2, 17km2, 23km2, và 26,4km2.

Giai đoạn đầu của dự án khai thác 800 mẫu Anh([1]), có khoảng 300 công ty của Hàn Quốc hoạt động tại Tổ hợp.  Đến cuối giai đoạn 3, sẽ sử dụng khoảng 4.800 mẫu cho khu công nghiệp với 1.500 công ty, tuyển dụng 350.000 công nhân của Triều Tiên và mỗi năm sẽ đạt sản lượng trị giá 16 tỉ USD.  Đồng thời sẽ có 2.200 ha xây dựng nhà ở, cơ sở thương mại (khách sạn, nhà hàng, văn phòng, phòng hội thảo), và các dịch vụ du lịch (sân gôn, công viên). Kế hoạch chỉ đạo cũng bao gồm cả việc mở rộng thêm 1.600 mẫu cho khu công nghiệp và 4.000 mẫu cho các công trình phụ trợ sau giai đoạn 3 để có thể sử dụng cho khoảng 500 công ty với 150.000 công nhân nữa và dự tính sản lượng mỗi năm sẽ đạt 4 tỉ. Theo dự tính, sau khi mở rộng, khu công nghiệp sẽ chiếm khoảng 6.400 mẫu, vùng phụ trợ chiếm 6.200 mẫu, có 2.000 công ty, 500.000 công nhân và sản lượng hàng năm đạt 20 tỉ. Diện tích khu công nghiệp và khu phụ trợ bằng khoảng 1/5 diện tích thủ đô Washington DC.


Bảng 1. Kế hoạch 3 giai đoạn phát triển KIC của tập đoàn Hyundai

 

Năm

Giai đoạn 1

(kể cả thử nghiệm)

2002-2007

Giai đoạn 2

2006-2009

Giai đoạn 3

2008-2012

Tổng quỹ đất khi kết thúc giai đoạn

800 mẫu khu công nghiệp. Thành phố Kaesong là vùng phụ trợ

2.000 mẫu khu công nghiệp. 800 mẫu là vùng phụ trợ

4.800 mẫu khu công nghiệp. 1.600 mẫu là vùng phụ trợ

Số công ty Hàn Quốc hoạt động đến cuối giai đoạn

3000

800

1.500

Số công nhân của CHDCNDTT làm việc

100.000

200.000

350.000

Nguồn: Bộ Thống nhất Hàn Quốc

 

 

Trong tổng số 374 triệu USD chi phí ban đầu trong giai đoạn 1, Chính phủ Hàn Quốc chi 223 triệu USD. Cơ sở hạ tầng cần thiết của giai đoạn 1 đã được chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 12 năm 2007. Các thiết bị sử lý nước với công suất 60.000 tấn/ngày, nước thải công suất 30.000 tấn/ngày, và rác thải đã được xây dựng. Từ tháng 5-2007, trạm tải điện có công suất 100.000 KW bắt đầu cung cấp điện cho khu vực. Về thông tin

 

liên lạc, từ tháng 12-2005, dịch vụ thông tin liên lạc bắt đầu với 303 đường dây liên lạc và đến cuối tháng 6 năm 2008 có 653 đường dây điện thoại và fax hoạt động.

Các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Kaesong được hưởng sự ưu đãi của chính phủ Hàn Quốc và có quyền thương thảo các thỏa thuận với Triều Tiên. KIC là vùng được miễn thuế, không hạn chế việc sử dụng ngoại tệ hoặc các loại thẻ tín dụng và ra vào không cần visa. Tài sản và quyền thừa kế được đảm bảo. Những người vi phạm luật pháp Hàn Quốc ở Kaesong không bị xét xử ở Triều Tiên.  Tỉ lệ thuế liên doanh là 10 đến 14% trong 5 năm đầu kể từ khi bắt đầu có lợi nhuận và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo.  Chính phủ Hàn Quốc thông qua quỹ hợp tác Liên Triều cho các công ty hoạt động tại Kaesong (dự án thử nghiệm trong giai đoạn 1) vay nợ lên đến 40 triệu đô la tính đến cuối năm 2005. Trong số 26 công ty đã hoạt động hoặc chuẩn bị hoạt động, 25 công ty xin vay từ quỹ hợp tác Liên Triều. Hàn Quốc cũng đảm bảo sẽ bồi thường rủi ro về chính trị tới 90% vốn đầu tư của các công ty đầu tư vào KIC, lên tới 5 tỉ won (5,4 triệu đô la). Theo luật Hàn Quốc thông qua vào năm 2007, các công ty vừa và nhỏ hoạt động tại KIC được hưởng trợ cấp và các lợi ích khác từ chính phủ giống như các công ty hoạt động trong nước.

Đến cuối tháng 5-2008 có 69 công ty bao gồm cả các công ty nhỏ đã hoạt động trong tổ hợp và sản lượng tính đến cuối năm 2007 đạt 273,42 triệu USD, trong đó 22% (60,36 triệu USD) thu được nhờ xuất khẩu.  Riêng sản lượng năm 2007 đạt 184,78 triệu USD, tăng 2,5 lần so với năm 2006 và hơn 10 lần so với năm 2005.

Hiện tại toàn bộ sản phẩm sản xuất tại Kaesong được chuyển về Hàn Quốc để tiêu thụ hoặc xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc hay Liên Xô sau khi đã được kiểm tra hải quan.  Ngoài nhân công, đất đai và vật liệu xây dựng công trình, không có nguyên liệu đầu vào hay sản phẩm đầu ra nào khác được sử dụng hay tiêu thụ tại Triều Tiên.  Hầu hết các công ty sử dụng nhiều lao động để gia công nguyên liệu thô và hàng hóa được chuyển từ Hàn Quốc đến Kaesong để lắp ráp thành phẩm. Tuy nhiên khi KIC được mở rộng thì một số công ty có thể sản xuất những mặt hàng thành phẩm tại địa phương.


Bảng 2. Các mặt hàng sản xuất tại KIC

Đơn vị: 1000 USD

Năm

Dệt may

Sản phẩm hóa chất

Kim khí và máy móc

Điện và các SP điện tử

Tổng số

2005

6.780

1.768

5.250

1.108

14.906

2006

27.793

10.900

20.853

14.261

73.737

Tháng 1-9/07

57.726

13.893

27.872

25.720

125.211

Tổng số

92.299

26.561

53.975

41.089

213.854

Nguồn: Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Thống kê cơ bản về dự án KIC tính đến 30-9-2007

 

 

Từ bảng 2 ta có thể thấy sản lượng 9 tháng đầu năm 2007 tăng gần gấp đôi so với cả năm 2006. Tính đến thời điểm đó, 43,2% sản lượng thuộc hàng dệt may, 25,2% là hàng kim khí và máy móc, 19,2% là các sản phẩm điện tử và 12,4% là sản phẩm hóa chất.

Tổng sản lượng hàng hóa sản xuất tại Kaeseong tính từ năm 2005 đến tháng 6 năm 2007 đạt 166,1 triệu USD, trong đó giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 38,9 triệu USD.


Đơn vi: Triệu Đô la

Biểu đồ 2 Tổng sản lượng và  khối lượng xuất khẩu tại Kaeseong

Sản lượng

 

Xuất khẩu

 

Bảng 3. So sánh KIC với Trung Quốc và Hàn Quốc*

 

Điều kiện làm việc

Đơn vị

Kaeseong(A)

Trung Quốc(B)

Triều Tiên(C)

So sánh với TQ (A/B)

So sánh với Triều Tiên
(A/C)

Lương tháng tối thiểu

Đô la

52,5

99,28

662

0,50

0,08

Giờ làm việc hợp pháp mỗi tuần

Giờ

48

40

44

1.2

1.1

Thuế thu nhập hợp tác

%

1-14

15

23-28

-

-

Giá thuê 3,3 m2

won

489.000

480.000

407.550

0,31

0,37

Nguồn: Bộ Thống nhất Hàn Quốc

(Số liệu dựa vào Văn phòng xúc tiến đầu tư và thương mại (2-2006) và khu phát triển kỹ thuật và kinh tế Chengdu, Trung Quốc.)

 

Tính đến tháng 8-2008, có 72 công ty của Hàn Quốc sản xuất hàng hóa tại Kaeseong, sau đó xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.  Theo kế hoạch đến năm 2012 sẽ có khoảng 250 công ty hoạt động và tuyển dụng khoảng 350.000 công nhân cùng hàng trăm nhà quản lý và chuyên viên kỹ thuật Hàn Quốc làm việc, nhưng chỉ có 13 người thường trú điều hành. Một ngày trung bình có khoảng 300 đến 400 xe tải của Hàn Quốc đi quanh khu vực phi quân sự (DMZ) tới Triều Tiên và khoảng 1.000 người qua lại biên giới.

Lợi thế so sánh

Do KIC gần với những thị trường lớn ở Hàn Quốc, giá nhân công lao động rẻ hơn ở Trung Quốc và Việt Nam, công nhân sử dụng cùng một ngôn ngữ nên một số công ty đã hoạt động ở Kaesong thay vì hoạt động ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam, hay các nơi khác. Một số công ty khác thì có thể vay vốn từ chính phủ với lãi xuất thấp hoặc được bảo hiểm rủi ro về chính trị khi đầu tư vào các công trình chung mang tính chính trị, hoặc có thể sử dụng các dịch vụ hậu cần thích hợp, tránh được các rào cản thuế quan ở Trung Quốc và Đông Nam Á.  Bên cạnh đó, tại hội nghị thượng đỉnh tháng 10-2007, Triều Tiên đã nhất trí sẽ kiểm tra hải quan hàng hóa qua biên giới một cách nhanh chóng, kết nối hệ thống máy tính và điện thoại di động giữa Seoul với các nhà máy tại Kaeseong tốt hơn.

Trên thực tế, Công ty thương mại Samduk sản xuất giày chất lượng cao tại Kaeseong ban đầu chi phí cao vì cần phải đào tạo công nhân nhưng chỉ sau 6 tháng một số dây chuyền sản xuất đã đạt 60% năng suất so với các công ty ở Hàn Quốc. Công ty Romanosn sản xuất đồng hồ đeo tay đã đánh giá Kaeseong là địa điểm sản xuất hơn hẳn so với Trung Quốc vì có cùng chung ngôn ngữ và chi phí nhân công rẻ nên đã chuyển 75% khối lượng công việc sản xuất tới Kaeseong...

Việc rất nhiều các công ty đăng ký đầu tư vào Kaesong đã chứng tỏ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào Kaesong.  Hơn nữa, 40% số công ty vừa và nhỏ đầu tư vào Trung Quốc đã không thành công, nhiều công ty đã rút lui khỏi thị trường. KIC được coi là nơi cần thiết để vực dậy của các công ty này.

KIC là tâm điểm của sự quan tâm về lợi ích kinh tế và địa chính trị. Theo nghĩa hẹp nhất, KIC là một dự án kinh doanh mà những người tham gia tìm kiếm lợi nhuận và các lợi thế kinh doanh. Về phía Hàn Quốc, KIC cung cấp cho cho các xí nghiệp vừa và nhỏ địa bàn sản xuất và cơ hội tiếp cận giá nhân công rẻ mà không phải sang nước ngoài để thành lập các công ty con hay chuyên chở các linh kiện sản phẩm đến Trung Quốc, hay các thị trường khác để lắp ráp. Về phía Triều Tiên, KIC tạo việc làm cho công nhân với thu nhập cao mà không phải vượt biên trái phép hay làm theo hợp đồng cho các nước khan hiếm lao động như ở vùng Viễn Đông hay các nước Trung Đông.

Xét về lợi ích lớn hơn, KIC đã tạo ra cơ hội nối lại quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Kaeseong đã phát triển một phần nhờ Chính sách Ánh Dương của Hàn Quốc về việc hợp tác kinh tế với Triều Tiên. Có thể thấy rằng đây là một biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai nước đã có mối hận thù lâu dài kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên.  Tương tự như trường hợp giữa Trung Quốc với Đài Loan, KIC có thể là cầu nối thông tin liên lạc và chất xúc tác gây ảnh hưởng văn hóa, và có thể tạo ra sự đảm bảo của mỗi nền kinh tế trong việc ổn định, mở rộng tự do, và tăng cường trao đổi qua vùng phi quân sự. Đồng thời, đây cũng là một cách gián tiếp thúc đẩy Triều Tiên cải cách, tự do hóa và hiện đại hóa nền kinh tế của mình.

Trở ngại phát triển

Sự căng thẳng trong quan hệ Liên Triều đã tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Mặc dù cơ sở hạ tầng được xây dựng để phát triển khu công nghiệp chung và KIC có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của cả 2 nước nhưng khó có thể nói được rằng dự án này sẽ tiếp tục phát triển. Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak có chính sách hoàn toàn khác biệt đối với Triều Tiên so với các chính phủ tiền nhiệm. Sự thất vọng về chính sách mới của Seoul đã làm cho Bình Nhưỡng hủy bỏ tất cả các cuộc hội đàm song phương, trục xuất gần hết cán bộ quản lý của Hàn Quốc ở KIC về nước vào ngày 27, thử tên lửa tại bờ biển phía Tây vào ngày 28 tháng 3-2008, và chỉ trích thô bạo Tổng thống Lee Myung-bak, kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới, đình chỉ hoạt động đường sắt qua biên giới.  Những động thái này đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, giảm đầu tư vào Hàn Quốc, ảnh hưởng tới việc tạo công ăn việc làm, báo hiệu những trở ngại nghiêm trọng đối với KIC trong những năm tới.

3. Dự án nối lại các tuyến đường sắt Liên Triều và đường bộ

Sau hơn nửa thế kỷ bị hỏng nặng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, tuyến đường sắt Liên Triều dài 25 km nối Munsan ở miền Nam với khu công nghiệp thuộc thành phố vùng biên Kaesong ở miền Bắc đã được nối lại vào tháng 12-2007 để chuyên chở hàng hóa hai chiều, nguyên liệu thô cho KIC, qua biên giới hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.  Dự án trên được công bố vào ngày 16/11/2007, là dấu hiệu mới của tiến trình cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, là kết quả cụ thể đầu tiên của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong il diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 10/2007. Đây cũng là kết quả của cuộc đàm phán kéo dài ba ngày của Thủ tướng hai miền nhân chuyến thăm đầu tiên của thủ tướng Triều Tiên đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc, và được đánh giá là cột mốc của sự hòa giải.  Các tuyến đường sắt Gyeongui (Seoul-Sinuiju) và Donghae (bờ biển phía đông) cũng đã được hoàn thành vào ngày 15-3-2006 và có sức chở tới 12.000 người mỗi ngày.

Trong năm 2008, Hàn Quốc cũng đã dự định giúp Triều Tiên sửa chữa 170 km tuyến đường nối từ Bình Nhưỡng đến thành phố biên giới Kaesong, cách Seoul 70km về phía tây bắc và các đoạn đường sắt nối từ Kaesong đến biên giới của Triều Tiên với Trung Quốc. Bên cạnh đó, hai bên cũng kiểm tra, giám sát việc sửa chữa tuyến Gaeseong-Shinuiju Guasan từ 12 đến 18/12-2007. Khi trao đổi buôn bán giữa hai bên phát triển, tuyến đường bộ và đường sắt trên sẽ được sử dụng để vận chuyển hàng hóa giữa hai nước với mức giá thấp nhất.

Để thực hiện mong muốn trở thành trung tâm của Đông Á, Hàn Quốc muốn nối đường xe lửa với Trung Quốc, Nga và Châu Âu qua Triều Tiên. Hàn Quốc hy vọng tuyến đường sắt liên Triều cuối cùng sẽ kết nối vào tuyến liên lục địa xuyên Siberia của Nga và cho phép hành khách có thể đi tàu từ Seoul qua Triều Tiên và đến tận Châu Âu. Điều này sẽ giúp Hàn Quốc cắt giảm được thời gian vận chuyển hàng hóa so với đường biển hiện nay. Việc vận chuyển từ Hàn Quốc qua Kaeseong đến Hamburg, (Đức) sẽ mất khoảng 27 ngày bằng đường biển, 10 ngày nếu đi qua Siberi, và chỉ 7 ngày nếu qua Trung Quốc bằng đường xe lửa.

Ngoài việc nối lại tuyến đường sắt Nam- Bắc, hai bên cũng thoả thuận cho phép Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các nhà máy đóng tàu tại Triều Tiên cũng như sửa chữa hệ thống đường bộ và đường sắt của nước này vào năm 2009. Bên cạnh đó, hai bên cũng bắt đầu thiết lập vùng đánh cá chung trên vùng biển tranh chấp ở phía tây Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, tình thế hiện nay đã thay đổi do sự căng thẳng trong quan hệ Liên Triều.  Những thành quả đã đạt được trước đây đang bị xóa tan, những dự định tốt đẹp cũng dần đi vào quên lãng để lại sự nuối tiếc cho nhân dân cả hai nước, cho tất cả những người đã và đang dõi theo những bước đi trong quan hệ Liên Triều.

4. Dự án du lịch

Hoạt động du lịch giữa hai miền Triều Tiên chủ yếu diễn ra tại những địa điểm dọc tuyến biên giới giữa hai nước.

Đặc khu du lịch Núi Kumkang nằm trên đất Triều Tiên là nơi hấp dẫn nhất đối với khách du lịch trong và ngoài nước và cũng là điểm sáng trong nỗ lực hoà giải, hợp tác hai miền của Bán đảo.

Núi Kumkang (Kim Cương) không những là danh lam thắng cảnh đẹp nhất của Triều Tiên mà còn là kinh đô của triều đại Koryo, được ví như thánh địa Jerusalem của người theo đạo Hồi. Đã từ lâu, nhiều người dân sống trên Bán đảo Triều Tiên đều nói: “không ai có thể nhắm mắt xuôi tay trước khi được tới núi Kim Cương.” và “Chuyến hành hương tới núi Kim Cương là một cuộc hành trình tìm lại một nửa đã mất”. Khu du lịch núi Kim Cương được ví như đỉnh cao của sự thành công, con cả của Chính sách Ánh dương của hai vị Tổng thống tiền nhiệm của Hàn Quốc là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun.

Theo các thoả thuận giữa Chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên, từ tháng 11 năm 1998, khu du lịch núi Kim Cương do người Hàn Quốc và người Triều Tiên ở hải ngoại đầu tư xây dựng và quản lý khai thác. Tuy nhiên, cho đến nay, việc khai thác dịch vụ du lịch ở đây lại do tập đoàn Hyundai Asan đảm nhiệm.

Từ năm 2003, các tour du lịch từ Hàn Quốc đã đi theo đường bờ biển phía Đông đến vùng núi Kumkang ở Triều Tiên thay cho các tour du lịch bằng tàu thủy hoạt động từ năm 1998.

Hiện nay, đặc khu du lịch núi Kim Cương đã được đầu tư hiện đại và đồng bộ về cơ sở hạ tầng với 5 khách sạn và hệ thống biệt thự, nhà nghỉ cùng các cửa hàng miễn thuế, rạp xiếc và khu vui chơi giải trí. Nhờ khu du lịch này, người Triều Tiên được tạo công ăn việc làm trong khu du lịch, thu nhập của người dân xung quanh được cải thiện. Kể từ khi được thành lập, có khoảng 1,72 triệu dân Hàn Quốc và người nước ngoài đã tới đặc khu du lịch Núi Kim Cương này.

Theo kết quả thăm dò của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, hầu hết các du khách sau khi tới núi Kim Cương đều thay đổi thái độ theo chiều hướng tích cực hơn đối với Triều Tiên.  Đặc biệt đối với thế hệ trẻ Hàn Quốc sinh ra sau chiến tranh, nỗi sợ hãi và định kiến mơ hồ đã chuyển thành cảm giác thân thương về một miền Bắc. Năm 2004, hai nước đã bắt tay xây dựng lại ngôi chùa Shingyesa nằm trong đặc khu du lịch Kumkang vốn đã bị đốt cháy trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Tổ hợp công nghiệp Kaesong cũng trở thành một trong những điểm du lịch ưa thích của người Hàn Quốc. Với chuyến đi trọn gói một ngày tới khu công nghiệp này, mỗi người phải trả 180.000 won (150USD) do công ty du lịch Hyundai Asan đảm nhiệm. Phía Triều Tiên được giữ lại 100 USD/1 khách dùng để cung cấp sách hướng dẫn và hướng dẫn viên du lịch cũng như duy trì và tôn tạo những di tích lịch sử. Tuyến du lịch này được Hyundai Asan khai thác từ năm 1998.

Tuy nhiên, sự kiện binh sỹ Triều Tiên bắn chết 1 khách du lịch Hàn Quốc tại khu du lịch núi Kim Cương vào tháng 7 năm 2008 đã làm cho Hàn Quốc tuyên bố đình chỉ các tour du lịch cho đến khi điều tra xong cái chết của khách du lịch nói trên và do sự căng thẳng giữa hai miền trong thời gian gần đây, Triều Tiên cũng đã tuyên bố đóng cửa khu du lịch núi Kumkang.

Nhìn chung quan hệ kinh tế Liên Triều luôn bị các quan hệ chính trị chi phối, chỉ phát triển khi có những chuyển biến tích cực trong quan hệ chính trị.  Năm 1988 đánh dấu sự mở đầu quan hệ kinh tế giữa hai miền Triều Tiên bằng việc trao đổi buôn bán.  Sau mỗi cuộc họp thượng đỉnh, quan hệ kinh tế được cải thiện đáng kể nhờ những thỏa thuận, ký kết về những dự án hợp tác kinh tế. Mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế Liên Triều thực sự phát triển dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun, thể hiện qua các thành tựu kinh tế đạt được từ 3 dự án (Tổ hợp công nghiệp Kaesong, nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ và dự án phát triển du lịch Kumkang), hứa hẹn sự phát triển kinh tế cho cả hai miền, đóng góp vào tiến trình hòa giải dân tộc.  Tuy nhiên sự thay đổi đường lối chính trị của Tổng Thống Lee Myung-bak đã làm cho mối quan hệ kinh tế Liên Triều đang trên đà trượt dốc, gây tổn hại lớn về kinh tế cho cả hai miền, xóa nhòa niềm tin, hy vọng vào triển vọng tốt đẹp của các nhà đầu tư cũng như của toàn thể nhân dân hai nước trên Bán đảo Triều Tiên, báo hiệu một tương lai ảm đạm trong quan hệ kinh tế giữa hai nước trong những năm sắp tới.

 

TRẦN THỊ NHUNG

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chon, H,J., “Characteristics of North Korean Policy”, KINU Research Abstracts’02, Korea Institute for National Unification, Abstract series 03-1, pp 39-45, Seoul, 2003.

2. Dick K.Nanto & Mark E.Manyin., The Kaesong North-South Korean Industrial Complex, CRS Report for Congress, Congressive Research Service, Seoul 2008.

3. Huh, M.Y., “60th Aniversary of Korea Liberation: Current Status of Inter-Korean Reations and Future Direction”, International Journal of Korean Unification Studies, Vol 15,No 1, 2006, pp 66-106, Korea Institute for National Unification, Seoul, 2006.

4. Huh, M.Y., North Korea’s Negotiation Behavior toward SouthKorea: Continuities and Changes in the Post Inter-Korean Studies Era, Korea Institute for National Unification, Studies series 06-02, Seoul, 2006.

5. Brochore, Hyundai Asian Kaesong Industrial Park,  2006, ROK, Ministry of Unification, Seoul 2006.

6. Kim, S.H., “North Korean Policy of the Lee Myung-bak Government”, KINU Insight, No 4, 2008, pp 1-12, Korea Institute for National Unification, Seoul, 2008.

7. Lin.E chil, Kaesong Industrial Complex, History, Pending Issues and outlook, Seoul, Haenam Publishing Company, 2006.

8. Ministry of Unification, Current Status of Operation in Industrial Complex, Seoul 2006.

9. Website: http://www.Korea.net

http://www.dantri.com.vn

http://www.bbc.com

 

 



([1]) Mẫu = 4050m2

0thảo luận