Trang chủ

MURAKAMI HARUKI – MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC TẠI VIỆT NAM

Đăng ngày: 17-07-2013, 11:43 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 5

Tính từ thời thị trường sách Việt Nam thịnh hành văn học Nga Xô Viết những năm 1980 cho tới sự lên ngôi của các tác giả Nobel trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, chưa bao giờ người yêu văn chương nước ta lại đón nhận nồng nhiệt với một số lượng sách xuất bản lớn đến thế của một tác giả Châu Á là Murakami Haruki như trong ba năm gần đây.

Murakami Haruki có mặt tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1997 với tiểu thuyết Rừng Nauy, ngay sau đó, với nhiều lí do, tiểu thuyết này đã bị cấm xuất bản. Vậy mà đúng mười năm sau, Murakami đã trở lại, tràn ngập các hiệu sách, không chỉ với Rừng Nauy mà còn với rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn khác liên tục được in trong một thời gian rất ngắn. Vậy đâu là nguyên nhân của “hiện tượng” văn hoá đặc biệt này? Phải chăng Murakami đến được với độc giả khắp năm châu cũng như độc giả Việt Nam là do một văn phong kể chuyện bậc thầy, một bản sắc văn hoá toàn cầu hoá, một cốt truyện hấp dẫn cả về sự kiện tình tiết lẫn dụng ý nghệ thuật?

Bài viết sẽ làm sáng tỏ những thắc mắc cũng như đưa đến cho độc giả một cái nhìn tổng thể về văn chương Murakami – một nhà văn chuyên nghiệp thuộc vào hàng best-seller trên văn đàn thế giới hiện nay.

Murakami sinh năm 1949 tại cố đô Kyoto trong gia đình trí thức, cả cha và mẹ Murakami đều là giáo viên môn văn học Nhật Bản bậc trung học. Tuy nhiên Murakami lại lớn lên ở Kobe, thành phố sẽ còn mãi ám ảnh trong tâm trí cũng như tác phẩm của Murakami bởi trận động đất khủng khiếp năm 1995. Có vẻ như quan hệ của Murakami và cha mẹ không được tốt lắm do bất đồng tư tưởng. Song thân muốn ông tắm mình trong bầu không khí cổ điển của văn chương phương Đông, còn bản thân ông, ngay từ nhỏ đã có khuynh hướng phản kháng lại điều đó. Sở thích của Murakami là đọc những tác phẩm kinh điển Châu Âu thế kỉ XIX. Murasaki hay Basho không cuốn hút ông bằng Balzac, Flaubert, Chekhov, Dickens, Dostoievsky,… Murakami cũng thích truyện trinh thám, khoa học giả tưởng. Có thể chính sở thích này đã để lại dấu ấn trong nhiều tác phẩm của ông với các yếu tố huyễn ảo, siêu hình. Ông cũng học, và học rất giỏi tiếng Anh, đọc các tác phẩm nước ngoài bằng nguyên tác. Ngoài tư cách là một tiểu thuyết gia, ông còn xuất hiện trên văn đàn với tư cách một dịch giả uy tín. Các tác phẩm dịch thuật văn học châu Âu của ông cũng bán chạy không kém. Ông còn yêu thích các loại nhạc hiện đại, đặc biệt là nhạc Jazz. Elvis là ca sĩ ông yêu thích, Beatles, Beach Boys,… là những ban nhạc “ruột” của ông. Trong tác phẩm của Murakami xuất hiện đầy rẫy những bản nhạc trong vai trò phối cảnh.

Tốt nghiệp trung học, Murakami vào học khoa Kịch cổ điển tại trường Đại học Tổng hợp Waseda. Tại đây, ông đã gặp được người bạn gái có chung nhiều sở thích và cũng sống phóng khoáng, hiện đại là Takahashi Yoko, người sau này trở thành bạn đời lý tưởng của ông. Ông nhanh chóng kết hôn với Yoko và đến năm 1971, hai vợ chồng tạm ngưng học đại học để mở một quán rượu nhạc Jazz có tên là Peter Cat, tên chú mèo cưng của hai người. Cả việc nghỉ học lẫn việc kết hôn sớm đã khiến cha mẹ ông rất thất vọng. Họ chỉ muốn Murakami có cuộc sống ổn định như bất cứ một viên chức Nhật Bản nào: tốt nghiệp Đại học, làm việc cho nhà nước hoặc các công ty rồi mới lập gia đình. Sở thích và những ý tưởng của Murakami khiến họ cảm thấy bất an. Nhưng đây cũng chính là thời gian vợ chồng Murakami sống như những thanh niên tự lập và hiện đại. Họ vừa là ông bà chủ, vừa là bồi bàn, bố trí tổ chức nhạc và nhạc công, lúc rảnh rỗi thì đọc sách và tiếp tục học đại học. Quán rượu nhạc Jazz ấy tồn tại trong vòng bảy năm và đó cũng là thời gian vợ chồng Murakami tốt nghiệp đại học.

Đến năm 1978, ông mới thực sự bắt tay vào công việc viết lách và tác phẩm đầu tiên, truyện ngắn Nghe gió hát (Kazeno Uta o Kike, Hear the Wind sing, 1979) ngay lập tức đoạt giải thưởng Gunzo dành cho các cây bút mới. Tiếp tục thành công, vợ chồng Murakami quyết định bán quán Jazz để ông chuyên tâm viết văn. Có thể nói, kể từ thời điểm đó, Murakami chính thức trở thành nhà văn chuyên nghiệp theo nghĩa đúng nhất của từ này. Công việc duy nhất của ông là viết văn và đây cũng là công việc đảm bảo cho gia đình ông về mặt tài chính.

Phong cách Murakami định hình rõ nét từ sau tác phẩm thứ ba, Cuộc phiêu lưu theo cừu hoang (Histujio Meguru Boken, A wild Sheep chase, 1982) – ảo giác, siêu hình nhưng rất đỗi hiện thực. Đây cũng là tác phẩm đoạt giải Tác giả mới trong năm (Noma). Năm 1985, tiểu thuyết Xứ sở kì diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới (Sekai no owari to hadoboirudo wandarando, Hard-Boiled Wonderland and the End of the World) ra mắt cũng gây được tiếng vang lớn. Thời kì này, mỗi tác phẩm mới của Murakami có số lượng phát hành lên tới hàng 100 ngàn bản. Những năm 80 của thế kỉ XX, Nhật Bản trở thành đất nước tiêu thụ, nhiều thế hệ thanh niên sống lệ thuộc vào các giá trị vật chất. Murakami cảm thấy lạc lõng trong bầu không khí ấy. Năm 1986, ông cùng vợ rời Nhật sang sống ở Ý. Chính tại nơi đây (cụ thể là Roma), kiệt tác Rừng Nauy (Norwegian Wood, 1987) ra đời, trở thành một hiện tượng thế giới. Tiểu thuyết kể về đời sống của thanh niên trí thức Nhật Bản thập niên 60, 70 của thế kỉ XX với nhiều biến động về kinh tế và ý thức hệ. Ngay trong năm đầu tiên, tác phẩm đã bán được hơn 1 triệu bộ (2 tập), tức 2 triệu bản. Nhiều ngành giải trí có sản phẩm ăn theo Rừng Nauy, từ quảng cáo đến phim ảnh, âm nhạc, thậm chí hộp đêm Shinjuku xuất hiện trong tác phẩm cũng trở thành một tụ điểm du lịch đắt khách.

Sống và nổi tiếng ở Châu Âu nhưng đến năm 1990, hai vợ chồng ông quay trở lại Nhật Bản để rồi một năm sau lại ra đi. Lần này Murakami đến Hoa Kì, làm giáo sư danh dự ở Đại học Princeton và Đại học Massachusetts. Năm 1992, tiểu thuyết Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời (Kokkyo no minami, taiyo no nishi, South of the Border, West of the Sun) ra đời. Đây là tác phẩm được coi là chứa đựng nhiều nhất con người thật của Murakami, kể về cuộc sống của chàng trai “con một” Hajime. Nhưng tác phẩm được coi là đỉnh cao trong nghệ thuật tiểu thuyết của Murakami lại thuộc về Biên niên kí chim vặn dây cót (Nejimaki dori kuronikuru, The Wind-up Bird Chronicle, 1992-1995) với sự đan xen các yếu tố huyền ảo, hiện thực.

Năm 1995, hai sự kiện đau buồn lớn của Nhật Bản đã tác động trực tiếp đến quyết định quay trở về quê hương của Murakami là trận động đất ở Kobe và vụ tín đồ Giáo phái Chân lý Aum xả hơi độc trong tàu điện ngầm ở Tokyo. Hai tập truyện mang đậm dấu ấn của những sự kiện này là Sau cơn động đất (Jishinno Atode, After the Quake, 1995) và Mạch ngầm (Andaguraundo, Underground, 1995). Đến năm 1999, sự xuất hiện của Người tình Sputnik (Supūtoniku no koibito) cũng gây được tiếng vang lớn khi lần đầu Murakami đề cập đến vấn đề tình yêu đồng giới. Năm 2002, Murakami tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Kafka bên bờ biển (Umibe no Kafuka, Kafka on the Shore) và ngay trong tháng phát hành đầu tiên (tháng 9-2002) đã bán được 6 vạn bản.

Giải thưởng gần đây nhất của Murakami là một giải quốc tế rất uy tín, giải O’’Conner, dành cho tuyển tập truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh, Cây liễu mù, Người đàn bà ngủ (Mekurayanagi to, nemuru onna, Blind Willow, Sleeping Woman, 2006) tập hợp 24 truyện ông viết rải rác từ năm 1981 đến 2005. Những tiểu thuyết gần đây nhất của Murakami là Sau lúc nửa đêm (Afuta Daku, After Dark, 2004) và Tokyo tuyển truyện huyền bí (Tokyo Kitanshu, Tokyo Mysterious Story Collection, 2005).

Về mặt tính cách, không những là người hiện đại, Murakami còn là người có cuộc sống rất lành mạnh. Ông làm việc và chơi thể thao đều đặn mỗi ngày. Đi ngủ sớm và dậy sớm, trang phục yêu thích là quần bò áo phông. Tính cách ấy giúp Murakami dễ dàng hoà nhập và thấu hiểu được cuộc sống của giới trẻ, đối tượng phản ánh và cũng là độc giả chủ yếu trong các tác phẩm của ông.

Mặc dù bị coi là “mất gốc” và không được các nhà văn cũng như nhà phê bình đồng hương ủng hộ, nhưng có vẻ như Murakami vẫn là ứng cử viên Châu Á nổi bật cho giải thưởng Nobel danh giá trong những năm tới. Đến giờ, có thể nói Murakami là nhà văn duy nhất ở Nhật Bản không thuộc một đoàn hội nào cả. Nhưng bất chấp điều đó, tác phẩm của ông luôn là best-seller so với bất kì một văn sĩ Nhật nào. Ông là nhà văn tự do, tự do như chính lối viết của ông vậy.

1. Tình hình xuất bản các tác phẩm của Murakami ở Việt Nam

Không giống như bất cứ nơi nào trên thế giới, việc xuất bản các tác phẩm của Murakami nói riêng và các tác giả  thuộc hàng best-seller khác nói chung ở Việt Nam hầu như không được “công khai một cách chính thức” với những con số cụ thể. Nếu ở Trung Quốc, người ta thống kê được chỉ riêng Rừng Nauy, trong vòng 15 năm xuất bản, con số phát hành đã lên tới 2.800.000 cuốn; ở Nhật Bản, khi xuất bản lần đầu năm 1987 là 4.000.000 cuốn; và ở Nhật cũng như Hàn Quốc, “cứ 7 người thì có 1 người đọc Rừng Nauy”,... thì trong khi đó, ở Việt Nam, người hâm mộ Murakami và Rừng Nauy cũng đông không kém nhưng con số công khai chỉ là... 1000 bản cho lần xuất bản chính thức năm 2006 trong khi sách vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường cũng như trong tủ sách của người yêu văn học.

Tuy nhiên, đó là vấn đề phát hành, hay nói chính xác là “con số xuất bản”, còn cái gọi là “thị trường sách lậu” thì nhà nước không thể kiểm soát được. Một mặt, thị trường này “làm nhiễu” các giá trị kinh tế nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy văn hóa đọc (đặc biệt là văn hóa  giải trí) đang ngày càng lớn mạnh. Và trong tình hình xuất bản như vậy, Murakami là một hiện tượng đặc biệt.

Tính từ năm 2006, thời điểm xuất bản Rừng Nauy của Murakami (do Trịnh Lữ dịch) đến nay, chưa một tác giả nước ngoài nào vượt qua ông về “sự xuất hiện dồn dập” trên thị trường – từ những tác giả đoạt giải Nobel cho đến những tác giả giải trí thuần túy. Sau Rừng Nauy, cũng trong năm, là sự ra mắt của Biên niên kí chim vặn dây cót do Trần Tiễn Cao Đăng dịch. Đến năm 2007 là sự ra mắt của hai tiểu thuyết Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời do Cao Việt Dũng dịch và Kafka bên bờ biển do Dương Tường dịch. Năm 2008 là Sau lúc nửa đêm (Huỳnh Thanh Xuân dịch) và Người tình Sputnik do Ngân Xuyên dịch. Rải rác từ 2006 đến nay, là sự ra đời của khoảng 5 tập truyện ngắn, chủ yếu do Phạm Vũ Thịnh dịch, được xuất bản đều đặn.

Có thể khẳng định, về mặt doanh thu, Murakami phải là người “bán được và bán chạy” thì các nhà xuất bản mới đầu tư dịch và phát hành. Với người đọc, tác phẩm nào của ông xuất hiện cũng nhận được tình cảm nồng nhiệt, đặc biệt là của độc giả trẻ. Và không thể phủ nhận, nhờ có Murakami, không ít nhà văn Nhật Bản trẻ khác cũng được “ăn theo”. Vậy đâu là lí do khiến Murakami đến được với độc giả Việt Nam cũng như độc giả toàn thế giới trong bối cảnh thị trường giải trí tràn ngập các thể loại đọc, nghe, nhìn vô cùng hấp dẫn?

2. Chuyên gia kể chuyện bậc thầy

2.1. Cốt truyện hấp dẫn

Trước tiên, có thể khẳng định, Murakami là một chuyên gia kể chuyện bậc thầy, nội dung đáp ứng nhu cầu giải trí và hình thức đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà phê bình nghệ thuật.

Yếu tố đầu tiên đưa Murakami đến gần với độc giả là một “cốt truyện hấp dẫn”. Tất cả các tác phẩm của ông, kể cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết đều là những câu chuyện đầy bất ngờ, không báo trước và mang đậm yếu tố trinh thám, siêu hình nhưng cũng rất cảm động và đầy tính nhân văn.

Rừng Nauy là một câu chuyện như vậy. Tác phẩm mở đầu khi nhân vật chính, Toru Watanabe, cũng là người kể chuyện, 37 tuổi, đang ngồi trên máy bay bất chợt nghe thấy bản hoà tấu không lời ca khúc “Rừng Nauy” của ban nhạc Beatles, toàn bộ kí ức thời sinh viên hiện về trong anh.

Toru là một  sinh viên bình thường của khoa sân khấu Đại học Tokyo. Anh chọn học khoa này mà chẳng vì lí do hay quyết tâm nào hết. Không giống hầu hết các sinh viên đương thời, anh quan tâm tới phương Tây nhiều hơn, đặc biệt là văn học Hoa Kì. Toru, Naoko và Kizuki là ba người bạn thân từ thuở nhỏ. Là một thiếu nữ có vẻ đẹp thánh thiện, Naoko là bạn gái của Kizuki. Họ học cùng lớp với nhau. Kizuki và Naoko gần gũi nhau một cách đặc biệt cứ như thể họ có chung một tâm hồn, còn Toru dường như cũng cảm thấy hạnh phúc hơn với điều đó. Tình cảm bình dị này bị cắt đứt bởi vụ tự sát bất ngờ của Kizuki vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 17 của mình. Cái chết của Kizuki đã tác động sâu sắc đến hai người bạn còn sống. Toru cảm thấy thế lực của cái chết có mặt ở khắp mọi nơi, trong khi Naoko cảm nhận cứ như thể một phần cơ thể hoàn chỉnh nào đó của cô đã biến mất vĩnh viễn. Hai người trở nên gần gũi nhau hơn, cố gắng an ủi động viên người kia và cuối cùng thì họ yêu nhau. Vào đêm sinh nhật lần thứ 20 của Naoko, nàng cảm thấy yếu đuối thực sự, và họ đã làm tình một cách hoàn hảo. Sau đó, Naoko để lại cho Toru một bức thư nói rằng cô cần có thời gian một mình và cô nghỉ học ở trường đại học để tới viện điều dưỡng.

Tương lai tình yêu của họ đặt trong tương quan đối nghịch với những rắc rối chính trị. Ở trường đại học, Toru cũng có bạn thân, có thể coi là những thái cực tiêu biểu của thanh niên Nhật Bản đương thời, tiêu biểu là Nagasawa và Đức quốc xã

Toru kết bạn với một cô bạn học cùng lớp sân khấu kịch tên là Midori Kobayashi. Đó là một cô gái hoàn toàn trái ngược với Naoko, thân mật, sôi nổi và vô cùng tự tin. Mặc dù yêu Naoko, Toru cũng thấy Midori thật hấp dẫn. Midori cũng mến anh, và tình bạn của họ ngày càng được vun đắp trong khi Naoko vắng mặt.

Toru đến thăm Naoko ở viện điều dưỡng trong một vùng núi hẻo lánh gần Kyoto. Ở đó, anh gặp Reiko Ishida, một bệnh nhân khác và là bạn thân thiết của Naoko. Trong suốt chuyến thăm này và những lần viếng thăm sau đó, Reiko và Naoko kể về quá khứ của họ nhiều hơn: Reiko kể về việc phát hiện ra mình là người có tính dục đồng giới, còn Naoko kể về vụ tự sát bất ngờ của người chị gái của mình mấy năm trước đó. Với sự cổ vũ của Reiko, anh đi đến quyết định cuối cùng rằng Midori  là người quan trọng nhất trong cuộc đời của anh. Toru gọi cho Midori để bày tỏ tình yêu của mình. Những chuyện xảy ra sau này không được biết – câu trả lời của Midori lạnh lùng một cách rất đặc trưng (ở thời điểm đó), nhưng trong thực tế cô không cắt đứt dứt khoát với Toru (giống như trước đó), để lại bao điều bỏ ngỏ.

Rừng Nauy là chuyện tình của những những người trẻ tuổi trong thập niên 70, thời kì Nhật Bản đang giàu lên nhanh chóng và có sự tiếp nhận, ảnh hưởng mạnh mẽ từ lối sống phương Tây. Tinh tế và trầm lắng là cách kể về câu chuyện tình bạn, tình yêu đặc biệt xúc động này. Trên nền những bản nhạc kinh điển nổi tiếng, những quán bar hiện đại, thời trang trẻ trung, hãng rượu sành điệu,... mỗi người đều có thể thể hiện hết mình nhưng cũng lại có thể chìm đắm hết mình vào suy tư cá nhân về tương lai, cuộc sống hay chính sinh mệnh của mình. Những người dũng cảm chấp nhận đương đầu với số phận như Toru, Midori sẽ sống, nhưng cái chết của Naoko cũng như người yêu thời niên thiếu của cô cũng không hoàn toàn vô nghĩa. Chắc chắn cũng không vô nghĩa như sự biến mất của Kumiko, vợ Toru Okada trong Biên niên kí chim vặn dây cót.

Dưới hình thức biên niên kí, tác phẩm này được chia làm ba quyển. Quyển một có tựa đề Chim ác là ăn cắp, quyển hai là Chim tiên tri và quyển ba của tiểu thuyết mang tên Kẻ bắt chim. Toru Okada, một nhân viên công ty luật mới thất nghiệp, được vợ, Kumiko, giao cho nhiệm vụ tìm kiếm con mèo có tên Cá Thu mới bị mất tích của mình. Có vẻ như Cá Thu không có dấu hiệu trở về, Kumiko liền thuê một bà đồng chuyên đi tìm những vật thất lạc đến làm việc với Okada về vụ con mèo. Bắt đầu từ đây, hàng loạt những biến cố xảy đến với cuộc sống của Okada. Gia đình Kumiko là một gia đình có truyền thống chính trị nhưng sống khá kì lạ. Cuộc sống của Okada nằm trong một mớ hỗn độn đan xen giữa ảo và thực. Anh thường xuyên mơ thấy những điều kì lạ, huyễn hoặc về những con người rất thực tồn tại quanh mình. Vợ chồng Turo cũng nhận được thư của trung úy Mamiya, bạn cũ của ông Honda (người quen của gia đình Kumiko) nói rằng ông Honda đã chết và có gởi lại một số kỉ vật cho vợ chồng anh. Cuộc gặp gỡ của Okada với vị trung úy già đã mở ra cả một quãng hồi ức dài về cuộc chiến tại Mãn Châu khi cả ông Honda và Mamiya cùng tham chiến.

Không dấu hiệu báo trước, bất ngờ Kumiko biến mất. Okada tuyệt vọng và tiếp tục có những quan hệ lạ lùng cả trong mơ lẫn ngoài đời thực với Creta. Kumiko, Kano Malta, Kano Creta, Kasahara May, người đàn bà không rõ danh tính trên điện thoại... tất cả những người phụ nữ ấy đến bên cuộc đời Okada và luôn mang theo những vấn đề bí hiểm của mình. Trong miên man buồn, Okada đã tìm thấy “vầng bán nguyệt vĩnh cửu” như lời tiên tri của cô đồng Malta, đó chính là cái giếng cạn gần nhà. Không do dự, anh tìm đường xuống giếng. Trong bóng tối nơi đáy giếng, anh hồi tưởng lại quá khứ của mình với Kumiko, anh cũng nằm mơ thấy Noburo và Creta. Sau hai ngày mắc kẹt dưới giếng, Creta đã đến và thả thang dây để Okada bò lên. Về đến nhà, anh nhận được thư của Kumiko kể về việc nàng đã quan hệ với một người đàn ông khác và khuyên Okada hãy quên nàng đi. Sau đó anh nhận thấy điểm khác thường trên mặt mình: gần cằm đã bất ngờ xuất hiện một vết chàm. Okada cũng gặp nhiều giấc mơ khủng khiếp, anh đi đến quyết định không rời đi đâu hết và phải tìm bằng được Kumiko, cũng là để tìm lại chính mình.

Con mèo của vợ chồng anh bất ngờ trở về. Giờ đây, Okada làm việc cho người phụ nữ lạ lùng có tên Akasaka Nhục Đậu Khấu và con trai bà ta Akasaka Quế, thỉnh thoảng, Okada vẫn tiếp tục xuống giếng ngồi suy nghĩ. Okada cũng đột nhập được vào máy tính của Quế và nói chuyện với Kumiko qua hệ thống này. Từ đó Okada cũng truy cập được vào “Biên niên kí chim vặn dây cót” và biết được nhiều bí mật, các vụ thảm sát trong chiến tranh thời kì Mãn Châu. Tác phẩm có lẽ là do Quế viết. Từ dưới đáy giếng, Okada cũng nhận thấy mình đã đi xuyên qua tường, trong thế giới khó mà phân định là thật hay ảo ấy, Okada - hay có lẽ là bản sao của anh đã đã đánh vỡ sọ Noboru bằng gậy bóng chày. Cũng trong thế giới ấy, anh gặp một người phụ nữ “có lẽ là Kumiko”, anh quyết tâm không trốn chạy để đưa Kumiko trở về. Xuyên qua tường trở lại đáy giếng, anh bỗng bị cái giếng cạn dâng nước lên... đè chết. Khi tỉnh dậy, anh biết mình đã được Quế cứu sống. Trong thế giới thực, Noboru đang trong tình trạng nguy kịch do tai biến não. Anh nhận được thư của Kumiko nói rằng nàng sẽ giết anh trai bằng cách rút ống thở trong bệnh viện. Nàng đã làm như thế và đang chờ bị xử án. Cái giếng cạn nay có nước trở lại và May sẽ đi xa.

Tiểu thuyết gây ấn tượng bởi lối kể chuyện hiện đại, thực tại và ảo giác đan cài. Thông điệp mà Biên niên kí chim vặn dây cót mang lại có lẽ là con người hãy dũng cảm đương đầu để khơi thông dòng chảy đang bị ngưng trệ. Biên niên kí chim vặn dây cót được coi là tác phẩm lớn nhất của Murakami – một minh chứng nữa cho thiên tài sáng tạo của ông về những con người rất đỗi bình thường nhưng dám sống và chiến đấu cho chính nghĩa của cả hiện tại lẫn tương lai để cứu người vợ mà mình yêu thương, và “cả những người khác nữa”. Hơn hết là còn để “rèn nên diện mạo của chính mình”, tìm ra ý nghĩa tồn tại cá nhân.

Đó mới chỉ là hai trong số các tiểu thuyết tiêu biểu của Murakami với lối kể hết sức hấp dẫn và lôi cuốn. Các tiểu thuyết và truyện ngắn khác của ông cũng được kể bằng cách tương tự: quyến rũ trong phong cách và bất ngờ trong tình tiết. Đó không phải là những câu chuyện “happy end” truyền thống hay những truyện kể có thể đoán trước. Đó là những truyện mang đậm phong cách Murakami, rất riêng nhưng cũng lại là đại diện tiêu biểu cho các nhà văn hiện đại và hậu hiện đại.

2.2. Yếu tố tự nhiên – hài hước

Có thể nói, không ở đâu, yếu tố tự nhiên như chính cuộc sống lại hiển hiện rõ nét, tinh tế và chân thực như trong các tác phẩm của Murakami. Nếu ai đã từng trải qua một thời sinh viên sôi động những thập kỉ cuối thế kỉ XX hẳn phải đồng tình với nhiều suy nghĩ, lối sống của các nhân vật trong Rừng Nauy. Nỗi cô đơn, quan hệ tình dục trong các tác phẩm của ông cũng tự nhiên và tinh tế như vậy.

Nhiều người đã từng băn khoăn tự hỏi, tính dục trong văn chương Murakami là “sex thuần túy hay nghệ thuật đích thực?” Chúng tôi cho rằng, ở vấn đề nhạy cảm này có cả sự “thuần túy” lẫn “đích thực” đan cài trong yếu tố tự nhiên hết sức con người. Tình dục như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc, như không khí chúng ta hít thở hàng ngày, và Murakami miêu tả nó vừa chân thực, vừa hết sức tinh tế khiến cho cảm nhận của người đọc không hề bị vẩn đục hay lệch lạc. Toru và Naoko lần đầu quan hệ với nhau trong đêm Naoko sinh nhật lần thứ 20 là một “xen” được miêu tả cảm động đến nao lòng. Quan hệ tính dục của hai người, ngoài tình yêu, còn có cả yếu tố tình bạn đầy cảm thông và trân trọng. Murakami cũng cho rằng mình thích viết những cảnh như vậy vì “tình dục là một phần quan trọng của cuộc sống”!

Hài hước – hài hước một cách tự nhiên như cuộc sống vốn có cũng là yếu tố không thể thiếu trong các câu chuyện của Murakami. Ta có thể bắt gặp những nhân vật rất đặc biệt như Đức quốc xã (Rừng Nauy), May (Biên niên kí chim vặn dây cót), Nakata (Kafka bên bờ biển),... với cách nhìn đời, nhìn người hài hước nhưng vô cùng trí tuệ. Ta cũng có thể xâm nhập vào thế giới loài mèo, nghe chúng nói chuyện, tán tỉnh và yêu đương lẫn nhau mà không hề cảm thấy gượng ép hay phi lí. Và lời quảng cáo khi Kafka bên bờ biển ra mắt nghe cũng thật độc đáo: “Đây là cuốn sách nên đọc, nếu bạn có mèo”!

Ngoài tiểu thuyết, hài hước cũng là một yếu tố không thể thiếu trong các truyện ngắn của Murakami. Ta có thể gặp rất nhiều tình huống bất ngờ, thú vị trong Tái tập kích tiệm bánh mì, Đốt nhà kho hay thậm chí yếu tố này còn xuất hiện cả trong quan hệ tình yêu, tình dục như Chuyện trong nhà hay đoạn anh chàng lái xe gặp cô gái điếm rất thích Hegel trong Kafka bên bờ biển... Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn trong truyện kể của Murakami. Nó khiến câu chuyện không rơi vào sự khô cứng nặng nề hay căng thẳng khi có quá nhiều tình tiết và sự kiện với những diễn biến dồn dập.

2.3. Chất trinh thám, ẩn dụ, biểu tượng

Có thể nói, chất trinh thám, ẩn dụ, biểu tượng xuất hiện trong hầu khắp các tác phẩm của Murakami từ tiểu thuyết tới truyện ngắn.

Hình ảnh mang tính biểu tượng cao nhất trong tác phẩm của ông chính là cái giếng cạn.

Theo qui luật thông thường, giếng là nơi chứa nước, và nếu giếng không có nước, khi đó, dòng chảy ngầm đã bị ngưng trệ, nói một cách đơn giản là tắc mạch. Sự tắc mạch này không chỉ liên quan đến cái giếng – sự vật mà là sự tắc mạch trong chính cuộc sống của nhân vật – những con người trong thế giới hiện đại của Murakami. Một cái hố khô trên cánh đồng (Rừng Nauy) hay một cái giếng cạn nước (Kafka bên bờ biển) luôn là hình ảnh thách thức, khiến con người ta phải cố gắng vượt qua để khơi thông dòng chảy cho chính mình. Và qua bao đau thương mất mát, cuối cùng, giếng đã có nước trở lại cho dù các nhân vật của chúng ta suýt chết đuối trong đó.

Tương tự như vậy, phiến đá cửa vào cũng là một thách thức mà bất cứ một người nào – cho dù vô danh đến đâu cũng phải tìm ra và xoay chuyển được. Đó chính là khi họ tìm thấy giá trị cuộc sống của mình và của người thân.

Mèo cũng được coi là một nhân vật quan trọng trong các tác phẩm của Murakami. Cuộc sống của Okada bắt đầu đảo lộn khi con mèo của vợ chồng anh biến mất, và chẳng hiểu tại sao vợ anh lại coi trọng con mèo đến mức có thể làm tất cả để tìm lại nó và quả thực chỉ đến khi nó trở về, Okada mới tìm thấy được hướng đi đúng đắn cho đời mình. Hơn thế nữa, những con mèo của Nakata còn biết nói tiếng người và có một cuộc sống với đầy đủ diện mạo của nó. Phải chăng, mèo là con vật gần gũi với con người và trong chúng luôn có những linh giác bí ẩn mà chúng ta vẫn chưa khám phá ra được? Cũng không loại trừ một nguyên nhân chủ quan: Murakami rất thích mèo, ông nuôi mèo và từng đặt tên quán bar của mình theo tên chú mèo cưng – Peter Cat.

Ngoài việc xây dựng những hình ảnh biểu tượng gây ấn tượng, lối kể chuyện của Murakami cũng chịu ảnh hưởng khá đậm nét phong cách trinh thám, siêu hình của các nhà văn phương Tây thế kỉ XX. Kể về một con ếch khổng lồ cứu Tokyo (Cậu ếch cứu Tokyo) khỏi trận động đất hay phân xưởng chế tác voi (Người lùn nhảy múa) bằng một giọng văn “tưng tửng” như thật, Murakami khiến người ta nhớ đến ông trùm hiện thực huyền ảo của Châu Mĩ Latin – Gabriel Marquez. Hai thế giới thực và ảo luôn đan cài trong hầu khắp các tác phẩm, những tình tiết bất ngờ, những cuộc săn đuổi đầy hồi hộp trong bóng tối, nhưng lại cũng rất đỗi thuần tuý nhân văn: đi tìm ánh sáng chính nghĩa của cuộc đời.

Đó chính là một Murakami hội tụ đầy đủ ánh sáng của mọi thiên tài nhưng lại không thuộc về một trường phái riêng biệt nào hết cả. Chỉ bằng một thứ văn xuôi hiện thực thẳng băng, một mình ông leo lên đến đỉnh của tầm vóc văn chương thế kỉ XXI.

3. Murakami – nhà văn dành cho giới trẻ

Yếu tố cuộc sống và hưởng thụ cuộc sống cũng rất được chú trọng trong tác phẩm của Murakami. Những Naoko, Kikumi, Miss Saeki hay người tình Sputnik đều ăn mặc rất thời trang, đi xe hàng hiệu, uống rượu của các hãng nổi tiếng trong những quán bar sang trọng. Họ biết kiếm tiền và biết hưởng thụ thành quả lao động của mình một cách tinh tế. Cuộc sống của họ là mơ ước của rất nhiều người trẻ tuổi, vì vậy không có gì khó hiểu khi đọc Murakami, người ta muốn được yêu, được sống và làm việc hết mình (như phần nổi) của các nhân vật trong tác phẩm.

Thượng lưu nhưng cũng hết sức đại chúng, đó mới là một Murakami mang tầm thế giới. Qua tác phẩm của ông, bạn đọc trẻ tuổi có thể tìm thấy chính mình với nhiều sở thích và đam mê mới lạ trong thế giới hiện đại. Các ban nhạc với các ca sĩ nổi tiếng thế giới xuất hiện trong hầu khắp các tác phẩm với vai trò phối cảnh, làm nền. Nhưng không chỉ có pop, rock, jazz,... sự xuất hiện của các bản nhạc kinh điển cuối thế kỉ XIX với cách thưởng thức tinh tế cũng đã thuyết phục được những độc giả khó tính nhất.

*

*       *

Tất cả những điều đó đã làm nên một Murakami với sức hút mang tính chất toàn cầu hoá. Nét hiện đại, sự hài hước, khêu gợi và thú vị trong văn phong và tình tiết khiến cho tác phẩm của ông có thể đến – và trở thành hiện tượng – với bạn đọc thuộc bất cứ nền văn hoá nào. Từng được đánh giá là “Tây hơn cả Tây”, Murakami – trong thẳm sâu tâm hồn, trong từng trang văn – vẫn thấm đẫm nét Á Đông bởi sự nhuần nhị, tinh vi nơi từng trang viết, nơi tâm lí con người được cảm thông chia xẻ bằng một thứ tình cảm cảm động đến nao lòng. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả các địa danh nơi tác phẩm của ông đã đi qua, Murakami đều có thể trở thành những cơn địa chấn làm rung động tâm hồn biết bao thế hệ độc giả.

 

ĐÀO THỊ THU HẮNG

(TS, Đại học Sư phạm Hà Nội)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Shuichi Kato, A history of Japanese Literature, 3 vols, Kodansha International, Tokyo, New York, London 1990.

2. Donald Keene, Dawn to the West, Henry Holt and Co., New York 1984.

3. Tuyển tập các tác phẩm của Murakami Haruki bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

0thảo luận