Trang chủ

QUAN HỆ NHẬT BẢN – CAMPUCHIA TRÊN LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN, GIÁO DỤC VÀ Y TẾ (1991-2007)

Đăng ngày: 17-07-2013, 11:41 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 5

Nhật Bản và Campuchia là hai quốc gia Đông Á có những mối liên hệ với nhau về điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa. Quan hệ giữa hai nước tuy đã được đề cập về một số khía cạnh nhỏ song về cơ bản chưa được các học giả quan tâm nghiên cứu đúng mức, nhất là thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh. Bài viết này sẽ góp phần lấp dần khoảng trống trong các công trình nghiên cứu về quan hệ Nhật Bản – Campuchia. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một bài báo, chúng tôi chỉ trình bày quan hệ Nhật Bản – Campuchia về hợp tác nông nghiệp nông thôn, giáo dục, nhân lực và y tế giai đoạn 1991 - 2007. Qua đó phân tích, lý giải, rút ra những đặc điểm và nhận xét của mối quan hệ hai nước trên các lĩnh vực nói trên.

Campuchia là một trong những quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nơi đây chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự đối đầu hai cực Xô – Mỹ. Do vậy, mà chiến tranh và xung đột liên tục xảy ra. Ở Campuchia, do xung đột và nội chiến kéo dài đã tàn phá nặng nề mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Sau Hiệp định hòa bình năm 1991, đất nước này vẫn còn ở trong tình trạng bất ổn định chính trị do sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong Chính phủ Liên hợp. Sự ổn định của Campuchia chỉ thực sự lập lại sau cuộc xung đột vũ trang năm 1997. Campuchia bước vào khôi phục, xây dựng và phát triển đất nước trong hoang tàn và đổ nát. Campuchia được xếp vào hàng  ngũ các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới và trong khu vực với các chỉ số phát triển kinh tế, xã hội cực kỳ ảm đạm.Thu nhập GDP đến những năm gần đây vẫn còn rất thấp, đạt trên 350 USD/người (năm 2004), hơn 80% dân số sống ở nông thôn và hơn 35% (4 triệu) dân sống dưới mức nghèo khổ, hơn 1/10 lực lượng trí thức bị thanh trừng trong thời kỳ Khơme đỏ và sau đó do bất ổn định chính trị nên số còn lại nhiều người đã di cư ra nước ngoài. Nông nghiệp là ngành kinh tế hàng đầu của nước này, song sau hơn 20 năm nội chiến, hầu hết cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn như các hệ thống thủy lợi bị phá hủy hoàn toàn, sự phát triển của nông nghiệp phụ thuộc lớn vào tự nhiên nên năng suất cực kỳ thấp kém (1,9 tấn/ha)(1). Bên cạnh đó, các điều kiện y tế, giáo dục của nước này đã lạc hậu, lại bị tàn phá do chiến tranh, không có điều kiện để cải thiện. Chính vì vậy, cơ hội được hưởng lợi ích từ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ giáo dục của nhân dân Campuchia gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế. Để giải quyết các thách thức trên, cải thiện và phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giáo dục nhân lực và y tế luôn là những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của chính phủ Campuchia. Đồng thời giúp đỡ Campuchia trong vấn đề trên cũng luôn là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác của Nhật Bản với Campuchia, nếu như Nhật Bản muốn coi Đông Dương - hậu cứ cuối cùng trong chiến lược đối ngoại Đông Nam Á của mình

1. Quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia về hợp tác nông nghiệp – nông thôn (1991-2007.

Campuchia là một nước nông nghiệp kém phát triển lại chịu hậu quả của nội chiến kéo dài, vì vậy thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nông thôn của Campuchia là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội của nước này. Từ thực trạng đó, lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn đã được Nhật Bản (tổ chức JICA ) coi là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong việc hợp tác với Campuchia.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, quan hệ Nhật Bản – Campuchia đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Đặc biệt là việc thực hiện các dự án, các chương trình liên quan đến nông nghiệp trong sự  hợp tác giữa hai nước. Một số dự án tiêu biểu cần phải kể đến đó là dự án Trung tâm dịch vụ kỹ thuật phục vụ hệ thống tưới tiêu. Dự án này được thực hiện 2 giai đoạn từ năm 2001 đến  2009. Mục tiêu chính của dự án là giúp đỡ Chính phủ Campuchia thiết lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật quốc gia về hệ thống tưới tiêu. Trung tâm này sẽ chỉ đạo các hoạt động khôi phục và bảo dưỡng các điều kiện thủy lợi đã bị hư hại, nâng cao khả năng trình độ của kỹ thuật viên, kỹ sư và củng cố các tổ chức của nông dân nhằm sử dụng có hiệu quả hệ thống thủy lợi. Dự án Nghiên cứu tính khả thi về thiết lập một thị trường lúa gạo mở ở Campuchia. Trên cơ sở phối hợp với Bộ Thương mại và Bộ Nông Lâm Ngư  nghiệp Campuchia, dự án sẽ được thực hiện trong 13 tỉnh ở Cămpuchia từ  2004 – 2006. Mục tiêu cơ bản của dự án là hiện đại hóa cơ chế tiếp thị lúa gạo (nhằm tạo nên giá cả hợp lí) giảm sự chênh lệch giá  lúa gạo, đề xuất giá tối ưu; cung cấp thông tin về giá lúa gạo và những   thông tin liên quan khác ở địa phương; thiết lập tiêu chuẩn lúa gạo, gắn tiêu chuẩn chất lượng với  việc kinh doanh buôn bán, cải thiện công nghệ kỹ thuật  sau thu hoạch và thiết lập giá cả thích hợp với chất lượng; cải thiện các điều kiện kinh doanh buôn bán trong các vùng nhằm làm giảm việc trao đổi tùy tiện giữa các vùng(124).

Dự án nghiên cứu phát triển Nông nghiệp toàn diện lưu vực sông Prek Thnot. Đây là dự án được thực hiện từ tháng 7/2005 đến tháng 8/2008 với các mục tiêu chủ yếu: Lập kế hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp nhằm cải thiện năng suất nông nghiệp ở lưu vực Prek Thnot; Thực hiện nghiên cứu khả thi phục hồi hệ thống tưới tiêu và cảnh báo lụt, chuyển giao công nghệ cho các nhân viên Campuchia, thông qua việc huấn luyện nghề nghiệp trong quá trình thực hiện dự án này. Dự án khôi phục hệ thống tưới tiêu Kandal Stung ở hạ lưu sông Prek Thnot. Dự án này được thực hiện bằng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật  Bản trị giá 218 triệu yên nhằm tới mục tiêu cung cấp nước tưới hiệu quả nhất cho vùng Kandal Stung thông qua việc phục hồi các điều kiện tưới tiêu nước như máy móc, phương tiện, kênh tưới tiêu và những công trình có liên quan. Từ đó góp phần nâng cao năng suất nông nghiệp của  khu vực này. Dự án khôi phục hệ thống tưới tiêu Kandal Stung (2005-2008) cũng là dự án được thực hiện bằng viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật với trị giá 19,26 triệu USD.Với mục tiêu cung cấp nước tưới có hiệu quả cho vùng Kandal Stung và phục hồi các điều kiện tưới nước như máy móc, kênh tưới và các công trình liên quan.

Thông qua việc thực hiện và những kết quả đạt được của các dự án nói trên, có thể thấy rằng hầu hết các dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ đều thống nhất mục tiêu cải thiện, nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nông nghiệp Campuchia. Bên cạnh đó, còn tạo nên một cơ chế phân phối, tiêu thụ sản phẩm tối ưu nhất, tạo động lực thúc đẩy sản xuất lúa gạo của Campuchia . Kết quả thu được từ các dự án trên là một trong những thành tựu nổi bật của sự hợp tác giữa hai nước Nhật Bản và Campuchia.

Lĩnh vực phát triển nông thôn: Đây là một trong những chương trình nghị sự quan trọng của Chính phủ Campuchia trong mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đồng thời cải thiện đời sống nông dân sau khi ký Hiệp ước hòa bình về Cămpuchia. Nhật Bản đã tiếp tục đóng góp vào các hoạt động hợp tác phát triển nông thôn trên các lĩnh vực trong các năm 1993,1994, thông qua những dự án phát triển nông thôn và các hoạt động hợp tác khu vực với ASEAN ở các tỉnh Takeo, Kompong Spew. Từ năm 2000 trở đi, Tổ chức JICA đã hợp tác với Cămpuchia trong kế hoạch phát triển nước ngầm và xây dựng các nhà máy nước nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng ở các vùng nông thôn miền Trung và Nam của Campuchia. Nhật Bản điều tra, thu thập cứ liệu trong toàn quốc về  nguồn nước ngầm của Campuchia. Quan tâm đến tầm quan trọng của sự phát triển nông thôn Cămpuchia nhất là đối với mục tiêu giảm nghèo. Campuchia cùng với các nhà tài trợ đang tích cực nỗ lực trong những chương trình và các dự án hợp tác khác nhau bao gồm cả Chương trình phát triển nông thôn. Để ủng hộ các nỗ lực của Campuchia, JICA cũng đang khảo sát cơ hội hợp tác nghiên cứu và đưa ra phương hướng cho việc xây dựng các dự án cụ thể.

Nông nghiệp và nông thôn thực chất là hai mặt của một vấn đề kinh tế xã hội ở nông thôn, việc hợp tác giữa chính phủ Nhật Bản và Campuchia trong lĩnh vực này đều nhằm phát triển đời sống kinh tế, xã hội nông thôn từ đó để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và cải thiện đời sống nông dân. Sự hợp tác giữa Nhật Bản và Campuchia trong lĩnh vực này thực sự được đẩy mạnh từ những năm đầu thế kỷ XXI. Thành tựu của nó sẽ góp phần củng cố và thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ giữa hai nước.

2. Quan hệ Nhật Bản – Cămpuchia về hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực

Hoàn cảnh lịch sử của Campuchia đã đưa đến các vấn đề bất cập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực mà Campuchia đã và đang phải đối mặt. Đó là: trình độ dân trí thấp kém, tỷ lệ mù chữ cao, sự yếu kém về chất lượng và lạc hậu của nền giáo dục đào tạo nhất là về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên và những nhà quản lí giáo dục.Trong cả hai khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước và các khu vực khác trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội Campuchia cũng đang phải đối phó với việc thiếu và yếu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao. Đây thực sự là những cản trở to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Campuchia từ khi hòa bình lập lại đến nay. Trên cơ sở thực trạng đó, với thế mạnh về trình độ khoa học kỹ thuật và nền giáo dục phát triển, Nhật Bản đã coi hợp tác phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực với Campuchia  là một trong những lĩnh vực ưu tiên hợp tác của mình.

Quan hệ Nhật Bản – Campuchia trên lĩnh vực này bao gồm rất nhiều nội dung: xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, mở các khóa huấn luyện đào tạo nhân lực, các khóa đào tạo sinh viên và học sinh Campuchia bằng học bổng của Nhật Bản trong các lĩnh vực khác nhau; Tài trợ về tài chính cho các hoạt động liên quan đến giáo dục và phát triển nhân lực. Các hoạt động hợp tác giáo dục và phát triển nhân lực thực sự được thúc đẩy và phát triển bắt đầu từ cuối những năm 1990 trở lại đây, sau khi Campuchia đi vào tiến trình  hòa bình, ổn định thật sự. JICA là cơ quan chính chịu trách nhiệm hợp tác với Campuchia trên lĩnh vực này thông qua các chương trình đào tạo kỹ thuật; “chương trình lời mời thanh niên” và các dự án hợp tác kỹ thuật. Trong đó, mục tiêu của chương trình đào tạo kỹ thuật là nhằm đào tạo đội ngũ chuyên viên kỹ thuật, những nhà nghiên cứu, quản lí trên các lĩnh vực cho các nước đang phát triển trong đó có Campuchia; “chương trình lời mời thanh niên” của Nhật Bản là một bộ phận trong những hoạt động hợp tác của JICA, giới trẻ của các nước đang phát triển được mời đến học tập, trao đổi kinh nghiệm, văn hóa, khoa học kỹ thuật, tri thức cùng với giới trẻ Nhật Bản trong một thời gian ngắn (khoảng 1 tháng). Còn các dự án hợp tác kỹ thuật là bao gồm: phái các chuyên gia Nhật Bản sang các nước hoặc nhận người  cho tham gia đào tạo tại Nhật, cung cấp trang thiết bị và các lọai vật chất. Ba yếu tố đó được hướng dẫn và kết nối một cách có hệ thống trong toàn bộ tiến trình thực hiện dự án từ việc lập dự án tới việc thực hiện và đánh giá kết quả của nó.

Trong sự phát triển giáo dục của Campuchia, “ Chiến lược giáo dục’’ và “Chương trình ủng hộ giáo dục” được triển khai một cách có hệ thống vào tháng 6/2001. JICA sẽ giám sát chặt chẽ các chiều hướng phát triển của “Chiến lược giáo dục” và “Chương trình ủng hộ giáo dục”, nghiên cứu nội dung dự án ngoài ra còn quan tâm đến sự cộng tác và tiếp thu ý kiến của các nhà tài trợ khác. Trong kế hoạch của JICA về thực hiện các dự án quốc gia ở Campuchia trong năm 2004, JICA đã khẳng định tiếp tục cộng tác nhằm củng cố hơn nữa công tác tổ chức của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao và phát triển nguồn nhân lực cho cán bộ giáo dục thông qua những biện pháp đặc biệt như phái các chuyên gia giáo dục Nhật Bản tới Campuchia. Lĩnh vực toán học và khoa học tự nhiên là  rất quan trọng đối với sự phát triển của một nền kinh tế nhất là với Campuchia, JICA sẽ tiếp tục đào tạo giáo viên toán và khoa học tự nhiên cho các trường trung học và  giúp đỡ cải tiến chương trình giảng dạy. Đối với giáo dục cơ bản: JICA tích cực ủng hộ lĩnh vực giáo dục cơ bản cũng như giáo dục phổ thông nhằm tới người nghèo. Cùng với việc thiết lập chính sách và xây dựng tổ chức ở cấp trung ương, JICA đang xem xét những khả năng hợp tác ở cấp tỉnh xây dựng các công trình trường học hỗn hợp, quản lí và củng cố khả năng giảng dạy cho giáo viên. Mặt khác, JICA còn chủ động thực hiện phối hợp nhiều kế hoạch khác như cấp các loại học bổng hoặc mở các khóa đào tạo dài hạn...(3)

Để tạo điều kiện phát triển giáo dục và nguồn nhân lực cho Campuchia, Nhật Bản đã dành cho Campuchia các khoản viện trợ không hoàn lại nhất là đối với các loại học bổng phát triển nhân lực. Đây là chương trình nhằm ủng hộ Campuchia trong các nỗ lực phát triển nguồn nhân lực: đào tạo giáo viên trong các cơ quan giáo dục chất lượng cao, các nhà khoa học.... Từ năm 2001đã có 20 sinh viên Campuchia (năm 2006 tăng lên 25 người) có cơ hội nhận được học bổng tại các trường Đại học Nhật Bản trong các lĩnh vực: Kinh tế (quản lí tài chính, tiền tệ, kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh); Luật; Quan hệ quốc tế và các lĩnh vực quan trọng khác về phát triển nguồn nhân lực. Học bổng phát triển nhân lực hàng năm trong viện trợ của Nhật Bản dành cho Campuchia luôn luôn có xu hướng tăng lên và ổn định.Chẳng hạn như năm 2000 là 159 triệu yên (1,47 triệu USD); năm 2001 là 311 triệu yên (2,6 triệu USD); năm 2002 là 366 triệu yên (3,1 triệu USD); năm 2003 là 57 triệu yên (467 ngàn USD); năm 2004 là trên 5 triệu USD; năm 2005 là 4,3 triệu USD; năm 2006 là 3,5 triệu USD; năm 2007 (tính đến 14/06) là 3,165 triệu USD. Các khoản viện trợ này đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển giáo dục và nguồn nhân lực của Campuchia trong những năm đầu thế kỷ XXI.

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khác nhau của Campuchia cũng là một nét nổi bật trong quan hệ Nhật Bản – Campuchia những năm gần đây. Dưới dạng các dự án hợp tác kỹ thuật, JICA đã hợp tác với Campuchia trong các dự án phát triển nguồn nhân lực cho những cơ sở y tế quận, huyện ở Phnom Penh, Battambang, Kampot và Kompong Cham. Dự án này bắt đầu từ tháng 9/2003 nhằm tới mục tiêu thiết lập năng lực xây dựng các cơ quan y tế cộng đồng ở các sở y tế. Nội dung của nó bao gồm thiết lập chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở cấp quốc gia, thiết lập cơ chế ủy nhiệm và xác định rõ chuyên gia công nghệ X – quang; xây dựng tổ chức giáo dục y tế cơ bản bao gồm các hoạt động như các khóa học, sách giáo khoa và năng lực quản lí trường học. Dự án này được hoàn thành vào tháng 9/2008.

Từ tháng 1/2004 đến tháng 1/2007, JICA cũng đã phối hợp với Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia thực hiện dự án xây dựng năng lực cho Ban thuế (thuộc Bộ kinh tế). Dự án nhằm cải thiện, quản lí thuế  xây dựng năng lực của các kiểm toán viên về thuế qua nhiều khóa học khác nhau được tổ chức tại Campuchia và Nhật Bản. Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự chính xác, kịp thời và tin cậy của các số liệu thống kê trong việc lập chính sách, quản lí và nghiên cứu khoa học, từ tháng 8/2005 đến tháng 3/2007, JICA đã phối hợp với Ủy ban thống kê quốc gia Campuchia thực hiện đào tạo bồi dưỡng khả năng thống kê của các nhân viên Ủy ban thống kê quốc gia, nhân viên thống kê các tỉnh và các bộ. Sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này được thể hiện rất rõ ở quận Kagawa. Hai bên đã phối hợp thực hiện việc phát triển nguồn nhân lực cho dự án quản lí môi trường từ tháng 9/2006 đến tháng 3/2009. Thông qua dự án này, kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm của quận Kagawa sẽ được chuyển giao cho đội ngũ nhân lực môi trường của Campuchia thông qua việc đào tạo và huấn luyện của các chuyên gia từ quận Kagawa. JICA cũng đã phái các chuyên gia hợp tác kỹ thuật của mình tới Campuchia dưới hình thức ngắn và dài hạn. Theo “Sự hợp tác của JICA với Campuchia -2006”số lượng các chuyên gia đã được phái đến Campuchia và đang hoạt động ở Campuchia trong những năm gần đây là 21 chuyên gia ngắn hạn và 38 chuyên gia dài hạn. Các chuyên gia này công tác ở hầu hết các bộ, ngành của Chính phủ Campuchia trong đó nhiều nhất là Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp (10 người), Bộ Y tế (9 người), Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao (8 người) …Bên cạnh đó, JICA còn tổ chức “Chương trình tình nguyện viên hợp tác quốc tế Nhật Bản”. Chương trình này đã đến với Campuchia từ năm 1966 nhưng sau đó đến năm 1970 nó bị đình lại do sự bất ổn định ở Campuchia và đến năm 1992 chương trình này đã trở lại hoạt động ở Campuchia. Cũng theo nguồn tài liệu trên của JICA thì hiện có 34 tình nguyện viên đang hoạt động ở Campuchia. Ngoài ra, từ tháng 4/2001, JICA còn phái các tình nguyện viên Nhật Bản có thâm niên và có tuổi đời từ 40 đến 69, đặc biệt là có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng trong các lĩnh vực kỹ thuật đến công tác tại Campuchia. Cho đến năm 2006 đã có khoảng 22 tình nguyện viên như thế  của Nhật Bản đã đến giúp đỡ cho Campuchia(4). Đội ngũ các chuyên gia, tình nguyện viên mà JICA phái đến Campuchia thực sự đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực cho Campuchia. Đáng chú ý nhất là các chuyên gia, họ rất tích cực trong vai trò chuyển giao công nghệ tân tiến, tri thức mới và kinh nghiệm bổ ích, thiết thực cho Campuchia. Họ đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển nguồn nhân lực cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước này trong những năm qua.

Đỉnh cao trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước trong giai đoạn này là sự ra đời của Trung tâm hợp tác Nhật Bản – Campuchia.Trung tâm này đã khánh thành, đi vào hoạt động từ ngày 21/02/2006. Trung tâm này nằm trong Đại học Hoàng gia Campuchia với diện tích 2670 mét vuông. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành trung tâm, Thủ tướng Hun Sen đã bày tỏ hi vọng Trung tâm này sẽ trở thành một cơ quan nghiên cứu có hiệu quả giúp Campuchia học tập kinh nghiệm của Nhật Bản cũng như của các nước Đông Á trong việc lựa chọn mô hình xây dựng kinh tế phồn vinh. Trung tâm này là công trình được JICA đầu tư với trị giá 4,4 tỷ USD, do Giáo sư tiến sỹ văn học Oum Ravy thuộc Đại học Hoàng gia Campuchia làm chủ nhiệm. Trung tâm này đã được đề xuất  với Nhật Bản từ năm 2002, nhưng đến năm 2004 mới chính thức được Nhật Bản  ký kết xây dựng . Trung tâm sẽ đào tạo nhân tài quản lí kinh tế cho Campuchia, thúc đẩy kinh tế thị trường bằng phương thức và kinh nghiệm của Nhật Bản, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị giữa hai nước thông qua dạy học bằng tiếng Nhật và các hoạt động giao lưu văn hóa. Các chương trình trên lần lượt được thực hiện từ khi hiệp định kí kết. Việc xây dựng Trung tâm hợp tác này cho thấy các nhà lãnh đạo Campuchia đã ý thức được rằng viện trợ nước ngoài dù có bao nhiêu đi nữa cuối cùng cũng sẽ hết, chỉ có học tập, vận dụng kinh nghiệm thành công của nước ngoài, đặc biệt là của Nhật Bản mới có thể tạo được kỳ tích cho Campuchia. Trên thực tế, Trung tâm đã đưa ra nhiều chương trình đào tạo do các giáo sư, các học giả và các doanh nhân nổi tiếng của Nhật Bản đích thân giảng dạy hoặc áp dụng hình thức đào tạo từ xa qua đài truyền hình (5). Trung tâm hợp tác Nhật Bản– Campuchia hứa hẹn nhiều triển vọng tốt đẹp về việc thúc đẩy sự phát triển giáo dục đào tạo và phát triển nhân lực cho Campuchia.

Nằm trong kế hoạch hợp tác chung giữa hai nước, với mục tiêu nâng cao một bước chất lượng giảng dạy môn toán ở các trường phổ thông trung học của Campuchia, với sự phối hợp của Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Campuchia, JICA đã thực hiện dự án Cải thiện giáo dục khoa học tự nhiên và toán học phổ thông trung học. Dự án được thực hiện từ tháng 11/2005 đến tháng 10/2008 với nội dung cơ bản là duyệt lại chương trình, phát triển sách giáo khoa và sách giáo viên dựa trên chính sách chương trình giảng dạy mới đối với 4 môn là toán, vật lí, hóa học và sinh học lớp 10 đến lớp 12. Tháng 2/2006, tổ chức phi chính phủ Nhật Bản -Trái tim Vàng (Heart of Gold) - đã thực hiện dự án “Cải thiện chương trình giảng dạy và sách giáo viên của các môn khoa học tự nhiên cho các trường tiểu học ở Campuchia”. Dự án này được thực hiện trong toàn quốc với mục tiêu là giới thiệu cách sử dụng sách giáo viên về khoa học tự nhiên cho các trường tiểu học. Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 7/2008.

JICA đã phối  hợp với những người lãnh đạo Phnom Penh, Bộ giáo dục thanh niên, thể thao Campuchia thực hiện dự án “Cải thiện chất lượng giáo dục trường tiểu học thông qua các hoạt động thư viện” ở tỉnh Mean Chey của Campuchia, với khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản là 4,64 triệu USD. Giai đoạn I hoàn thành vào tháng 12/2005, đã xây dựng được 147 phòng học (115 phòng mới, và 32 phòng được sửa lại) cùng với các trang thiết bị trị giá 4,25 triệu USD. Giai đoạn II xây dựng 5 trường tiểu học và dự án sẽ hoàn thành vào tháng 2/2007. Nhằm cải thiện việc quản lý trường tiểu học ở tỉnh Siem Reap, một tổ chức phi chính phủ ở Quận Hiroshima đã thực hiện dự án “Cải thiện công tác quản lí trường tiểu học” ở huyện Pouk thông qua các hoạt động huấn luyện, hội thảo và các buổi  Seminar được hướng dẫn bởi các chuyên gia đến từ Đại học Hiroshima của Nhật Bản, thực hiện từ năm 2005 đến 2008.

Năm 2007, quan hệ Nhật Bản – Campuchia trong các lĩnh vực nói trên đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, nhất là việc Nhật Bản viện trợ tài chính cho Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng về giáo dục. Tháng 6/2007, một công trình 6 phòng học được xây dựng, hoàn thiện lắp đặt đầy đủ trang thiết bị ở Trường tiểu học Wat Kok (tỉnh Kompong Speu). Tháng 8/2007, trong khuôn khổ hợp tác kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ gần 280 triệu USD cho việc cung cấp các thiết bị trường học đã qua sử dụng cho các trường cấp I và cấp II ở Phnom Penh và tỉnh Prey Veng. Các thiết bị đó chủ yếu bao gồm bàn ghế học sinh và giáo viên. Tuy là đồ dùng đã qua sử dụng nhưng chúng hết sức có ý nghĩa đối với Campuchia vì nó đã đáp ứng nhu cầu chỗ ngồi cho khoảng 17000 học sinh và giáo viên Campuchia. Tiếp đó  tháng 11/2007, thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Campuchia, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ cho Campuchia gần 70 ngàn USD xây dựng Trường cấp II Koh Reah ở tỉnh Kandal và Trường cấp II Slaeng ở tỉnh Takeo. Trong đó Trường Koh Reah sẽ được xây dựng 5 phòng học với đầy đủ trang thiết bị, trường Slaeng sẽ được xây dựng 5 phòng học với trang thiết bị đồ gỗ. Cả hai trường sẽ đáp ứng nhu cầu cho gần 550 học sinh trong điều kiện học tập tốt hơn.

Như vậy, quan hệ Nhật Bản – Campuchia trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục từ những năm 1990 trở lại đây có nội dung hết sức phong phú, bao hàm nhiều hoạt động, trong đó chủ yếu vẫn là việc dành những khoản viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản cho Campuchia nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và trang bị vật chất cho các cơ sở giáo dục của Campuchia. Bên cạnh đó, hai bên còn phối hợp mở các lớp huấn luyện, đào tạo ở Nhật Bản hoặc  ở Campuchia dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản hoặc dành ưu tiên học bổng cho việc đào tạo sinh viên Campuchia… nhằm bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho Campuchia. Mối quan hệ  hai bên trong lĩnh vực này cũng khá phát triển và đạt được nhiều thành tựu vào những năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó, sự  ra đời của Trung tâm hợp tác Campuchia – Nhật Bản tại Đại học Hoàng gia Campuchia năm 2006 là sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực này. Quan hệ hai nước trong lĩnh vực này đã đáp ứng nhu cầu bức thiết về phát triển giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho sự phát triển của các ngành kinh tế, xã hội của Campuchia. Nó là một bộ phận quan trọng có vai trò củng cố và thúc đẩy quan hệ Nhật Bản – Campuchia trong giai đoạn từ những năm 1990 trở lại đây.

3. Quan hệ  Nhật Bản – Cămpuchia trên lĩnh vực y tế

Trong bối cảnh đất nước bị nội chiến và xung đột kéo dài, lĩnh vực y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không có điều kiện để phát triển. Từ khi hòa bình được lập lại và thậm chí cho đến hiện nay, trong lĩnh vực này Campuchia vẫn là nước có trình độ thấp kém nhất nhì trong khu vực. Đây lại là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe và cải thiện đời sống nhân dân nhất là những người nghèo. Hiện nay, Campuchia đang phải đối phó với rất nhiều vấn đề bức thiết và nan giải. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ đầu những năm 1990 dựa trên thế mạnh của mình, chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực tìm mọi biện pháp kể cả đề nghị nước ngoài giúp đỡ để cải thiện, nâng cao một bước sức khoẻ và đời sống của nhân dân Campuchia. Cũng xuất phát từ điều kiện thực tế của Campuchia, từ năm 2004, JICA đã xác định rõ các vấn đề cơ bản quan trọng đối với công tác viện trợ cho Campuchia trong lĩnh vực này như sau: Công tác viện trợ cơ bản dựa trên những ưu tiên về kế hoạch chiến lược trong lĩnh vực y tế 2003-2007; Hợp tác viện trợ thiết thực với các nhà tài trợ;  Các chương trình có thể trọn gói từ giai đoạn lập chính sách đến việc hoàn thành dự án đó ”.(6)

JICA xác định sẽ duy trì các mối quan hệ hợp tác quốc tế như: những hoạt động cung cấp các loại vác-xin phòng chống các bệnh như  sởi, viêm gan B, uốn ván… với tổng trị giá 62./448 USD cho chương trình tiêm chủng mở rộng trong khuôn khổ của Chương trình kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Ngay từ năm 1992, với sự cộng tác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), JICA đã tích cực tiến hành các hoạt động như đã nêu ở trên và mục tiêu của nó là giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh của Campuchia. Ngoài ra, Chương trình quản lí mở rộng giữa các lĩnh vực khác nhau được các nhà tài trợ song, đa phương cùng các tổ chức phi chính phủ quan tâm hợp tác cùng với JICA. Thông qua Chương trình nghị sự chung Nhật -Mỹ, JICA đã kêu gọi sự cộng tác Nhật – Mỹ vì sức khỏe toàn cầu. Một phái đoàn chung của Nhật Bản và Mỹ đã được phái đến Campuchia nhằm cộng tác trong 5 lĩnh vực: AIDS/HIV; bệnh lao; Bệnh nhiễm trùng liên quan đến HIV/lao; Bệnh sốt rét và các bệnh truyền nhiễm, cũng như chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Campuchia. Hiện tại có 4 chương trình của JICA đang hoạt động để đáp ứng các nhu cầu kể trên. JICA đã cộng tác với Mỹ kiểm soát và chỉ đạo các hội thảo được tổ chức chung ở Campuchia và cộng tác thực hiện các dự án hợp tác có liên quan đến bệnh lao và sức khỏe của bà mẹ trẻ em vv…

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Chiến lược y tế ở Campuchia nhất là trong giai đoạn 2003-2007 do tỷ lệ tử vong ở Campuchia cao hơn nhiều so với các nước láng giềng (tỷ lệ này ở trẻ sơ sinh là 126/1000 và ở bà mẹ là 437/10./000. Dưới hình thức hợp tác kỹ thuật, JICA bắt đầu thực hiện dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Campuchia ngay từ năm 1995, giai đoạn II của dự án này được bắt đầu từ  năm 2000. Mục đích cơ bản của dự án là nhằm “củng cố chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em” như  là một trung tâm về đào tạo chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đây là một đóng góp lớn của Nhật Bản cho chính sách quốc gia Campuchia về phát triển nguồn nhân lực, trong việc chỉ đạo, huấn luyện, hướng dẫn cho các bác sỹ và hộ sinh ở các bệnh viện tỉnh, các trung tâm y tế, cũng như cung cấp viện trợ kỹ thuật cho chương trình ngăn ngừa HIV lây từ mẹ sang con. JICA cũng đang thực hiện để củng cố các chương trình huấn luyện ở các địa phương từ năm 2002. Đồng thời, trên cơ sở điều tra khảo sát việc sử dụng, duy trì và bảo dưỡng các thiết bị y tế JICA sẽ lập những dự án giúp đỡ phát triển nguồn nhân lực cho các bệnh viện. Thông qua Hội thảo Quốc gia được tổ chức tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em quốc gia, năm 2006, JICA cũng đã tiến hành nghiên cứu thực trạng về các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em để giúp đỡ có hiệu quả cho Campuchia trong lĩnh vực này.

Đối với việc kiểm soát bệnh Lao, ở Campuchia do tình trạng kinh tế thấp kém, điều kiện sống chưa được cải thiện nhiều nên tỷ lệ mắc bệnh lao và các bệnh truyền nhiễm cao (538/100.000 ngàn) người, là một trong 22 quốc gia ưu tiên về kiểm soát bệnh lao của thế giới. Sự lan nhanh của căn bệnh này ở Campuchia đã gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng không chỉ cho Campuchia mà cho cả khu vực Đông Dương. JICA đã bắt đầu dự án hợp tác kỹ thuật "Dự án kiểm soát bệnh lao" vào năm 1999 và ủng hộ Chương trình kiểm soát lao quốc gia của Campuchia 2001- 2005. Chương trình này có sự tham gia của các cơ quan tài trợ trong suốt cả tiến trình thực hiện, có sự cộng tác giữa các nhà tài trợ với các tổ chức phi chính phủ trên cơ sở Chương trình kiểm soát lao quốc gia 2001-2005. Dự án này nhằm mục tiêu mở rộng khắp cả nước cách điều trị trực tiếp, điều trị ngắn hạn (DOTS) để đến 2005 sẽ cải tiến về cơ bản phương tiện điều trị chương trình lao ở các địa phương. Vì số lượng bệnh nhân lao sống chung với HIV/AIDS đã tăng nhanh (ví dụ ở Phnom Penh tăng gấp đôi năm trước). Vì vậy dự án này là một hành động tích cực nhằm thiết lập khuôn khổ quốc gia về Lao và HIV, đưa ra những biện pháp phù hợp trong việc ổn định cuộc sống cho những người nhiễm căn bệnh này .

Từ tháng 8/1999, Chính phủ Nhật Bản đã giúp đỡ Campuchia thực hiện dự án “Kiểm soát lao”. Dự án này được thực hiện thông qua hai giai đoạn (giai đoạn I: 8/1999 – 8/2004; giai đoạn II: 8/2004-8/2009) và nhằm tới mục tiêu căn bản là ủng hộ chương trình chống lao quốc gia của Campuchia. Dự án tập trung mở rộng toàn quốc chất lượng, dịch vụ kiểm soát lao với các phương pháp điều trị mới thông qua việc cải thiện chức năng của Chương trình lao quốc gia, các hoạt động của phòng thí nghiệm, kiểm soát và nghiên cứu lao trong toàn quốc. Trong giai đoạn I, công trình nhà cao tầng đã được giao cho Trung tâm quốc gia kiểm soát bệnh lao của Campuchia, tháng 3/2001.

Ngoài chú ý phòng lao, JICA cũng tích cực trong các hoạt động phòng ngừa bệnh tật nên rất chú trọng đến việc tiêm chủng. Vì tiêm chủng là một trong những nhân tố chính góp phần ngăn ngừa có hiệu quả cao.Thúc đẩy hơn việc tiêm chủng phòng ngừa với quy mô trong cả nước ở Campuchia lúc này là một điều hết sức cần thiết. JICA với sự hợp tác của Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia -Trưởng ban Tiêm chủng mở rộng của Campuchia, sự ủng hộ tích cực của UNICEF đã triển khai thực hiện “Chương trình tiêm chủng mở rộng” về cơ bản cung cấp kinh phí, vật chất (vật tư, thiết bị y tế, vaccines ...). Một vài chương trình cũng được thực hiện với quyết tâm diệt trừ tận gốc bệnh nhiễm khuẩn vào năm 2000. Việc tiêm chủng đã lan rộng toàn quốc, nhưng nhìn chung tỷ lệ vẫn còn thấp (tỷ lệ tiêm chủng trẻ em dưới 2 tuổi là 71,4% đối với BCG, đối với DPT là 48,5% và bệnh sởi là 55% và tử vong do các bệnh lây nhiễm vẫn còn khá phổ biến.(7) Trước tình hình đó, JICA vẫn cam kết sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ của mình trong lĩnh vực này.

Lĩnh vực phát triển chuyên môn y học: trong hợp tác y tế giữa Nhật Bản với Campuchia thì sự giúp đỡ của Nhật Bản trong đào tạo và phát triển đội ngũ các nhà chuyên môn y học là rất đáng chú ý. Mức độ thấp về kỹ năng của các chuyên gia y tế là một trong những lí do chính cản trở việc cải thiện lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Campuchia. Từ sau khi tình hình đất nước Campuchia đi vào ổn định, JICA đã triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện nâng cao các dịch vụ y tế, các cơ sở khám,chữa bệnh cho nhân dân, nâng cao một bước khả năng của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực y tế ở Campuchia. JICA đã phái các chuyên gia ngắn hạn về tia X và công nghệ phòng thí nghiệm trong suốt năm tài chính 2001 và 2002 nhằm khảo sát và nghiên cứu tình hình thực tế của các nhà chuyên môn y tế và xem xét những phương hướng hợp tác trong tương lai. JICA còn cử một phái đoàn y tế khác nữa về đào tạo và huấn luyện toàn diện vào tháng 2 năm 2002 và đã ký kết những văn bản hợp tác giữa 2 bên trong lĩnh vực này. Từ báo cáo kết quả của phái đoàn này, JICA sẽ tiếp tục mở rộng sự hợp tác đối với Trường kỹ thuật y tế trong các lĩnh vực: lên kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế...

Hợp tác giữa Nhật Bản và Campuchia trong lĩnh vực y tế còn thể hiện ở việc Nhật Bản giúp đỡ Campuchia cải thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho Campuchia thông qua các Dự án cụ thể do phía Nhật Bản viện trợ tài chính. Trước hết, như một khoản bồi thường chiến tranh, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ cho Campuchia 695 triệu yên để thực hiện dự án Cải thiện bệnh viện Mongkul Borey ở tỉnh Banteay Meanchey trong hai năm 2004-2005. Nhật Bản tiếp tục thực hiện Dự án cải thiện bệnh viện Kongpong Cham năm 2006. Với dự án này, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện chăm sóc sức khỏe của bệnh viện đã được cải thiện và nâng cấp. Tiếp đến là Dự án chăm sóc sức khỏe ban đầu ở nông thôn Campuchia với mục tiêu là thúc đẩy sự tham gia của nhân dân trong các hoạt động y tế để cung cấp kiến thức về sức khỏe và giải quyết các vấn đề sức khỏe của họ trong sự cộng tác với các trung tâm y tế. Dự án này được thực hiện từ năm 2005-2007 và là kết quả của sự phối hợp giữa Bộ Y tế Campuchia và các cơ quan chức năng ở Svey Santhor và Koang Mean với một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản là Tổ chức dịch vụ y tế Châu Á và Châu Phi. Năm 2007, sự giúp đỡ của Nhật Bản tiếp tục được đẩy mạnh hơn với việc Nhật Bản cung cấp các khoản viện trợ tài chính  lớn xây dựng, cung cấp các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện ở Campuchia. Tháng 6/2007, Nhật Bản đã quyết định viện trợ cho Campuchia 5,4 ngàn USD cho Dự án lắp đặt kính hiển vi cho việc điều trị bệnh về tai ở Bệnh viện Prea Andong (Phnom Penh); 35 ngàn USD cho Dự án lắp đặt thiết bị phòng thí nghiệm tại Bệnh viện chuyển tiếp và xây dựng trạm y tế Kbal Damrei ở tỉnh Kratie; 23858 USD cho Dự án xây dựng phòng hội chẩn Bệnh viện chuyển tiếp Prei Kabas ở Takeo (8/2007); 73 ngàn USD cho Dự án xây dựng các trung tâm y tế ở Reay Pay và Baray ở tỉnh Kongpong Cham (9/2007) và 521 ngàn USD cho Dự án cải thiện Bệnh viện Kongpong Cham (12/2007)(8).

Như vậy, mối quan hệ Nhật Bản – Campuchia trên lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe giai đoạn 1991 – 2007 đã được thiết lập từ rất sớm,và được đẩy mạnh vào đầu thế kỷ XXI thông qua việc thực hiện các dự án, các chương trình và các hoạt động hợp tác về y tế và chăm sóc sức khỏe. Mối quan hệ 2 bên trên lĩnh vực này bao gồm rất nhiều nội dung quan trọng từ viện trợ tài chính, hỗ trợ xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị kỹ thuật cho các bệnh viện, trung tâm y tế, phát triển nguồn nhân lực trong chuyên môn y học. Quan hệ này đã đạt được những thành tựu quan trọng và cơ bản góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực y tế ở Campuchia, đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu về y tế và chăm sóc sức khỏe của nhân dân Campuchia, cũng như việc củng cố và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển.

Kết luận

Thông qua quá trình tìm hiểu quan hệ Nhật Bản – Campuchia trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giáo dục nhân lực và y tế từ 1991 – 2007, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau đây:

* So với nhịp độ phát triển của các mối quan hệ khác như chính trị, kinh tế hay cơ sở hạ tầng thì quan hệ Nhật Bản – Campuchia trong các lĩnh vực trên đây phát triển muộn hơn. Nhìn chung quan hệ hai nước trong các lĩnh vực trên phát triển rõ rệt qua hai thời kỳ trước và sau năm 2000. Trước năm 2000, các mối quan hệ tập trung phát triển trên lĩnh vực y tế, còn lĩnh vực giáo dục nhân lực và nông nghiệp nông thôn triển khai rất ít. Từ năm 2000 trở đi, các dự án hợp tác giúp đỡ Campuchia của Nhật Bản về nông nghiệp nông thôn và giáo dục nhân lực được thúc đẩy mạnh mẽ cùng với các dự án về y tế.

* Nếu nhìn nhận ở từng lĩnh vực, từng mối quan hệ thì sự giúp đỡ của Nhật Bản đối với Campuchia được nhấn mạnh ở mặt này mặt kia nhưng xét một cách tổng thể, quan hệ Nhật Bản – Campuchia trên các lĩnh vực nói trên đã phát triển  trên nhiều khía cạnh và tập trung chủ yếu ở các mặt như viện trợ tài chính, giúp Campuchia cải thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, năng lực cho cán bộ, nhân viên giáo dục, y tế và  nông nghiệp của Campuchia. Những sự giúp đỡ thiết thực nói trên của Nhật Bản trong lĩnh vực này được nhân rộng không chỉ các cơ quan chính phủ mà còn có các tổ chức tư nhân, phi chính phủ cũng có những đóng góp rất đáng kể. Điều này chẳng những tăng cường có hiệu quả mối quan hệ 2 bên mà còn góp phần nâng cao uy tín của Nhật Bản ở khu vực và trên thế giới.

* Quan hệ Nhật Bản -Cămuchia trên các lĩnh vực mà bài viết đã trình bày góp phần nâng cao  đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của nhân dân Campuchia, chất lượng sống của nhân dân Campuchia do đó được nâng cao hơn một bước. Đây cũng là một trong những nhân tố tạo điều kiện quan trọng làm  thay đổi bộ mặt và vị thế của Cămpuchia trên trường khu vực và quốc tế, tạo cơ hội cho Cămpuchia nhanh chóng tiếp cận với những điều kiện kỹ thuật mới, cách tổ chức, làm việc khoa học của Nhật Bản- một cường quốc hàng đầu thế giới, chuẩn bị hội nhập có hiệu quả trên trường quốc tế và khu vực.

* Quan hệ giữa Nhật Bản – Campuchia trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giáo dục, phát triển nhân lực và y tế được thúc đẩy sau các mối quan hệ chính trị ngoại giao, kinh tế, cơ sở hạ tầng do nhu cầu nội tại của công cuộc xây dựng và phát triển của Campuchia và do việc phải hoàn thành  hoạch định các chính sách giúp đỡ Campuchia của chính phủ Nhật Bản. Vào đầu năm 2000 mối quan hệ này đã bước sang giai đoạn khởi sắc. Nhật Bản - cường quốc kinh tế đang đi tìm vị thế chính trị trước hết là ở Đông Nam Á, và Cămpuchia  (nếu phối hợp  với Việt Nam và Lào) là “cơ hội tuyệt vời” cho Nhật Bản không chỉ về chính trị mà xa hơn còn là lợi ích về kinh tế nữa. Nhật Bản vẫn có những lợi ích lớn khi gia tăng hơn nữa mối quan hệ với Campuchia, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giáo dục và y tế - những lĩnh vực rất cần thiết đối với  một đất nước nông nghiệp kém phát triển và có trình độ dân trí thấp như Cămpuchia. Chính sự gặp nhau về lợi ích của hai quốc gia  Nhật Bản và Cămpuchia là nhân tố then chốt thúc đẩy sự phát triển quan hệ hai nước nói chung và trong các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giáo dục, phát triển nhân lực và y tế nói riêng.

Sự phát triển quan hệ Nhật Bản – Campuchia trong các lĩnh vực trên đây là một trong những bộ phận không thể thiếu (nếu không nói là có những thời điểm đóng vai trò chủ yếu), là nhân tố quan trọng góp phần thúc quan hệ hai nước lên một tầm cao mới trong những năm đầu thế kỷ XXI. Nó đáp ứng những nhu cầu và lợi ích phát triển của nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng và phát triển ở khu vực và thế giới.

 

PGS.TS HOÀNG THỊ MINH HOA - ThS TRỊNH VĂN VINH

(Đại học Sư phạm Huế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Japan’s Assistance Policy for Cambodia, http://www.kh.emb-japan.go.jp/economic/cooperation/japc/jpc.htm

2. Japan’s Official Development Assistance Summary 1999, Ministry of Foreign Affairs Japan, Japan, 1999.

3. Masaya Shiraishi, “Hợp tác ở Đông Dương và đóng góp của Nhật Bản”, Hội Thảo Quốc tế “ASEAN hôm nay và ngày mai”, HN, 1997, trang 583-584.

4. Nhật Bản thúc đẩy chính sách ngoại giao Đông Dương, TTX VN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 123-TTX, 31-05-2007

5. Nhật Bản, Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Dương, TTX VN, Xuất bản lần thứ 1, Hà Nội, tháng 6-2007

6. Mai Thị Phú Phương, Luận án tiến sỹ, Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản từ năm 1973 đến nay, ĐHSP Hà Nội, HN, 1996, trang 77.

7. Thủ tướng Nhật Bản gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao 5 nước Tiểu vùng Sông Mêkông, TTX VN, Tin Thế giới, 17-01-2008

8. Triển vọng quan hệ Nhật Bản – Campuchia, TTX VN, TLTKĐB, ngày 25-03-2006.

9. Nguyễn Hồng Vân, Chuyển biến trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với các nước Đông Dương, Kỷ yếu Hội Thảo Khoa học, Viện KHXH VN, Viện CA-TBD, 1993, trang 59.

10.http://www.jbic.go.jp/autocontents /english/new/2003/000055/index.htm

11.http://www.jica.go.jp/cambodia/ english/activities/pdf/CP chapter1.pdf

12. http://www.jica.go.jp/english/evalution/ project/term/as/2007/cam_01.pdf

13. http://www.jica.go.jp/english/evalution /project/term/as/2007/cam_02.pdf

14. http://www.jica.go.jp/cambodia/english/ activities/pdf/basic.pdf

15. http://www.kh.emb-japan.go.jp/

16. http://www.mofa.go.jp/announce/press /2000/1/112.html#2

17.http://www.mofa.go.jp/asia-paci/asean /pmv0211/summit.html

18.http://www.mofa.go.jp/announce/ announce /2003/7/0627/html

19.http://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/cambodia/joint0706.html

20.http://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/cambodia/index.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1)http://www.jica.go.jp/english/evalution/project/term/as /2007/cam_02.pdf

 

(2)http://www.jica.go.jp/cambodia/english/activities/pdf/ basic.pdf

 

(3)http://www.mofa.go.jp/asia-paci/asean/pmv0211/ summit.html

 

(4)http://www.jica.go.jp/cambodia/english/activities/ pdf/basic.pdf

 

(5) Triển vọng quan hệ Nhật Bản – Campuchia, TTX VN, TLTKĐB, ngày 25-03-2006.

 

(7) Theo số liệu từ Bộ Y tế Campuchia.

(8) http://www.kh.emb-japan.go.jp/

 

0thảo luận