Trang chủ

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - AN NINH QUỐC TẾ 3 THÁNG ĐẦU NĂM 2009

Đăng ngày: 17-07-2013, 11:33 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 5

Như các nhà nghiên cứu đã dự báo tình hình chính trị, an ninh thế giới năm 2009 có xu hướng bất ổn hơn năm 2008. Trên thực tế, 3 tháng đầu năm 2009 các nhân tố tiêu cực, tích cực đang hình thành đan xen nhau rất phức tạp. Nhiều biểu hiện cho thấy hai xu thế đa cực và đơn cực vẫn đang đấu tranh với nhau rất quyết liệt, thế giới đang hội tụ nhiều vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải cùng nhau hợp sức giải quyết như: cơ chế tài chính quốc tế mới để thoát khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thảm hoạ thiên nhiên... Tác giả bài viết xin trình bày một số nội dung chủ yếu để bạn đọc tham khảo.

1. Mỹ tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của Ba-rắc Ô-ba-ma, một số biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế và thúc đẩy quan hệ với các nước Châu Á, Châu Âu và Trung Đông

Ngày 21.01.2009, Ba-rắc Ô-ba-ma chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Trong diễn văn nhậm chức, ông Ô-ba-ma đã chỉ ra những thách thức của nước Mỹ như: đất nước đang trong tình trạng chiến tranh; nền kinh tế bị suy yếu, hoạt động kinh doanh đình đốn; tình trạng thiếu việc làm, nhà ở; các hoạt động y tế, giáo dục chưa đáp ứng sự mong đợi của người dân... Ông cam kết, sẽ ưu tiên trong việc khôi phục kinh tế, đầu tư thích đáng cho quân đội, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trên thế giới, tìm kiếm một “hướng đi mới” đối với thế giới Hồi giáo dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau, tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, tăng cường giúp đỡ các nước nghèo…

Ngày 03.01.2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma công bố gói giải pháp hỗ trợ kinh tế 800 tỷ USD (Quốc hội Mỹ thông qua 790 tỷ USD), trong đó chú trọng tới việc tạo thêm 3 triệu việc làm (đến năm 2011), giảm thuế và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ông coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới. Tuy nhiên, nhiều nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ hoài nghi việc giảm thuế để tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Ngày 16.02.2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma ký Dự luật “Phục hồi và tái đầu tư năm 2009”, trị giá 787 tỷ USD. Theo Dự luật này, Mỹ sẽ chi 54 tỷ USD nhằm bảo đảm năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng; 16 tỷ USD cho việc chuyển đổi kinh tế bằng khoa học và công nghệ; 90 tỷ USD cho các chương trình hiện đại hoá cầu cống, đường bộ, đường không và đường thủy; 141,6 tỷ USD nhằm đẩy mạnh chương trình giáo dục; 24,1 tỷ USD để giảm chi phí y tế, giảm mức thuế tín dụng cá nhân và hỗ trợ chi trả lương; 102 tỷ USD cho việc hỗ trợ người lao động chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính; 91 tỷ USD nhằm duy trì các ngành nghề thuộc lĩnh vực nhà nước và bảo vệ các ngành dịch vụ thiết yếu...

Từ 15-22.02.2009, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn thăm 4 nước Châu Á gồm Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại Nhật Bản, hai bên thống nhất, sẽ tăng cường hợp tác toàn cầu về chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống cướp biển, tiến trình hòa bình Trung Đông. Tại In-đô-nê-xi-a, Bà Hi-la-ry tuyên bố, sẽ khởi động lại kế hoạch hợp tác hoà bình (trì hoãn từ năm 1965) với các bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ngày càng chặt chẽ hơn, đồng thời tăng cường hợp tác về giáo dục, môi trường, thương mại, quốc phòng và tiến trình dân chủ tại Mi-an-ma. Tại Hàn Quốc, Bà Hi-la-ry tuyên bố, sẽ yêu cầu Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên  thực hiện các cam kết trước đây và giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân, chấm dứt các hành động khiêu khích, đồng thời cảnh báo CHDCND Triều Tiên sẽ không thể cải thiện được quan hệ với Mỹ nếu như Bình Nhưỡng tiếp tục lăng mạ Hàn Quốc và từ chối đối thoại. Tại Trung Quốc, Bà Hi-la-ry nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng “hợp tác tích cực” trong mọi lĩnh vực, đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục duy trì quan hệ cấp cao, tăng cường đối thoại mang tính chiến lược và hợp tác trên các lĩnh vực, tích cực đối phó với những thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính, tăng cường đầu tư và mua trái phiếu của Mỹ.

Từ 01-07.03.2009, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin – tơn thăm các nước Trung Đông và Châu Âu, tham gia cuộc gặp không chính thức ngoại trưởng các nước NATO tại Brúc-xen/Bỉ. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Séc-gây Láp-rốp (07.03.2009), hai bên đã bàn về việc sớm hoàn tất Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới, vấn đề Áp-ga-ni-xtan, CHDCND Triều Tiên và Trung Đông; nhất trí về sự ưu tiên và chương trình nghị sự để có thể được trình lên Tổng thống hai nước trước Hội nghị G-20 (tháng 04.2009).

2. Khủng hoảng quan hệ Nga - U-crai-na xung quanh vấn đề khí đốt, Nga tích cực củng cố Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể

Do tranh cãi về các khoản nợ của U-crai-na đối với Nga, từ ngày 01.01.2009, Nga đã chính thức cắt nguồn cung cấp khí đốt (90 triệu m3/ngày) cho U-crai-na. Đến ngày 07.01.2009, sau những nỗ lực đàm phán không thành công, toàn bộ nguồn khí đốt (221 triệu m3/ngày) do Nga cung cấp cho các nước EU trung chuyển qua U-crai-na đã bị ngừng hoàn toàn.

Ngày 11.01.2009, Nga, EU và U-crai-na ký thoả thuận ba bên về thiết lập cơ chế kiểm soát khí đốt, mở đường cho việc Nga nối lại nguồn cung cấp khí đốt vào ngày 13.01.2009 cho Châu Âu quá cảnh qua U-crai-na. Theo thoả thuận, các bên sẽ thành lập Uỷ ban Kiểm soát quốc tế gồm đại diện Uỷ ban Châu Âu (EC), các công ty năng lượng, quan chức công ty khí đốt Nga và U-crai-na. Uỷ ban do EU đứng đầu và sẽ kiểm soát các trạm bơm thuộc hệ thống đường ống dẫn khí ở biên giới miền Đông và Tây U-crai-na. Tuy nhiên, đến nay Nga và U-crai-na vẫn chưa đạt được thoả thuận về giá khí đốt trong năm 2009 cũng như việc U-crai-na phải trả khoản nợ khoảng 2 tỷ USD cho Nga.

Ngày 04.02.2009, tại Nga đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể - ODKB (gồm 7 nước: Nga, Bê-la-rút, Ác-mê-ni-a, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan và Tát-gi-ki-xtan). Hội nghị đã ra tuyên bố chung và ký thoả thuận thành lập lực lượng phản ứng nhanh nhằm chống khủng bố, đối phó với các trường hợp khẩn cấp ở khu vực và hỗ trợ các thành viên trong việc ngăn ngừa các cuộc xung đột. Sở Chỉ huy của lực lượng này sẽ đặt tại Nga. Các thành viên ODKB sẽ góp quân. Các đơn vị tác chiến khác sẽ được phân chia theo từng khu vực. Tổng thống Nga Mét-vê-đép khẳng định: “Sức mạnh quân sự của ODKB không hề thua kém NATO”.

3. Trung Quốc tổ chức Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Ngoại giao

Trong 9 ngày (từ 05-13.03.2009), Trung Quốc đã tổ chức Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) kỳ họp thứ 2, khoá 11 được tổ chức. Có 2.949 đại biểu tham dự cùng các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như Hồ Cẩm Đào, Giả Khánh Lâm, Ôn Gia Bảo, Lý Trường Xuân, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Hà Quốc Cường và Chu Vĩnh Khang. Báo cáo tập trung vào một số vấn đề cụ thể như sau:

(1) Về kinh tế: Mục tiêu tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2009, chi 42 tỷ nhân dân tệ để giải quyết tình trạng thất nghiệp do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra. Cuộc họp tập trung thảo luận về cách thức sử dụng gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (585 tỷ USD) được công bố năm 2008 nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định xã hội. Trung Quốc cam kết đảm bảo ổn định xã hội, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường trong năm 2009, tăng cường ngân sách cho phúc lợi xã hội, dịch vụ y tế.

(2) Về chính trị: Sẽ củng cố sự phát triển của nền dân chủ và hệ thống pháp lý, tiến hành tái cơ cấu chính trị theo cách “thận trọng và tích cực”, đề cao các giá trị của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò của luật pháp, sự tự do, bình đẳng, công bằng và công lý.

(3) Về quân sự: Xây dựng quân đội trở thành một quân đội hùng mạnh, hiện đại và chuẩn hóa hơn, sẽ tạo sự chuyển biến hiệu quả trong huấn luyện quân đội, từ phương thức huấn luyện dựa trên cơ sở chiến tranh cơ giới hóa sang phương thức huấn luyện trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin; đề cập đến mối quan hệ giữa hai bờ Eo biển Đài Loan. Báo cáo chỉ rõ, Trung Quốc Đại lục sẵn sàng tạo lập các điều kiện cần thiết để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Đài Loan, đồng thời cũng sẵn sàng tiến hành đàm phán với Đài Bắc liên quan đến các vấn đề quân sự.

Từ 11-13.03.2009, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thăm Mỹ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Dương Khiết Trì đã gặp Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và hội đàm với Ngoại trưởng Hilary Clin-tơn. Hai bên đã đạt được một số thoả thuận: (1) Nhất trí duy trì các cuộc tiếp xúc cấp nguyên thủ và các cấp khác một cách chặt chẽ, bảo đảm thành công cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống B. Ô-ba-ma bên lề Hội nghị thượng đỉnh về tài chính tại Luân Đôn tháng 4.2009; (2) Tiếp tục cơ chế “Đối thoại chiến lược và kinh tế  Trung - Mỹ”; (3) Hợp tác hơn nữa về kinh tế - thương mại, thực thi pháp luật, năng lượng, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học, giáo dục, văn hóa và y tế; (4) Tiếp tục thúc đẩy giao lưu quân sự, tiến hành vòng đàm phán mới về chống khủng bố, đàm phán cấp cục, vụ giữa hai nước về kiểm soát quân sự và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, đàm phán cấp thứ trưởng về an ninh chiến lược, kiểm soát quân sự và chống phổ biến vũ khí đa phương, sớm tổ chức vòng đối thoại mới về nhân quyền; (5) Xác định việc đối phó với khủng hoảng tài chính là trọng điểm hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn tới, tăng cường đối thoại và phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô, phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức, hợp tác sâu sắc hơn về kinh tế và đầu tư, phát huy vai trò cần có đối với ổn định tình hình tiền tệ quốc tế, thúc đẩy cải cách thể chế và cơ cấu tiền tệ quốc tế, thúc đẩy kinh tế thế giới sớm phục hồi; (6) Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp chặt chẽ về vấn đề quốc tế và khu vực, cùng thúc đẩy giải quyết thỏa đáng vấn đề điểm nóng có liên quan, tiếp tục thúc đẩy đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

4. I-ran mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với Nga, bác bỏ đề xuất đối thoại của Tổng thống Mỹ, vấn đề hạt nhân vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp

Ngày 16.02.2009, Bộ trưởng Quốc phòng I-ran thăm chính thức Nga nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng và thoả thuận mua vũ khí trang bị quân sự của Nga. I-ran đề nghị được mua hệ thống phòng không S-300 của Nga. Trước đó, I-ran đã nhận của Nga 29 hệ thống phòng không Tor-M1, trị giá 700 triệu USD theo hợp đồng hai bên đã kí từ năm 2005.

Ngày 20.03.2009, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã gửi thông điệp tới các nhà Lãnh đạo I-ran. Theo đó, Mỹ muốn đối thoại trực tiếp với I-ran, cho rằng, hai nước cần mở ra một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ. Ông B. Ô-ba-ma cho biết: “I-ran có thể giành được vị trí xứng đáng trên thế giới nếu như nước này phản đối chủ nghĩa khủng bố và theo đuổi hòa bình”. Tuy nhiên, ngày 21.03.2009, I-ran đã bác bỏ đề xuất đối thoại của Tổng thống Mỹ, cho rằng, “những lời nói của Mỹ hoàn toàn trống rỗng và không có những thay đổi sâu sắc về chính sách”. Lãnh đạo tối cao của I-ran, Kha-mê-ni nêu rõ: “I-ran chưa có trải nghiệm gì với tân chính quyền cũng như tân Tổng thống Mỹ. I-ran sẽ quan sát và phán xét. Nếu Mỹ thay đổi quan điểm, I-ran cũng sẽ thay đổi quan điểm... I-ran chưa thể nhìn thấy bất cứ sự thay đổi nào. Cái gì là sự thay đổi trong chính sách của Mỹ? Liệu Mỹ có bãi bỏ lệnh trừng phạt? Liệu Mỹ có ngừng ủng hộ chế độ của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái?...”. I-ran cho rằng, “chỉ thay đổi bằng ngôn từ thôi là chưa đủ, Mỹ phải thay đổi bằng hành động”.

Ngày 19.02.2009, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ra báo cáo về hoạt động làm giàu u-ra-ni của I-ran. Theo IAEA, mặc dù giảm bớt quá trình mở rộng nhà máy làm giàu u-ra-ni, nhưng I-ran đã sản xuất được một khối lượng lớn nguyên liệu có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân. I-ran có 3.936 máy làm giàu u-ra-ni, chưa kể 1.476 máy đang trong giai đoạn chạy thử, không có nhiên liệu hạt nhân và 125 máy đã được lắp đặt nhưng chưa hoạt động. I-ran không cho IAEA tiếp cận địa điểm dự định xây dựng lò phản ứng nước nặng A-rắc, đồng thời cho rằng, bản báo cáo của IAEA đã phản ánh sai sự thật.

5. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra Nghị quyết 1860 yêu cầu ngừng bắn tại dải Ga-da

Ngày 09.01.2009, với 14 phiếu thuận và 1 phiếu trắng (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 1860, yêu cầu các bên ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài tại dải Ga-da. Tuy nhiên, Quân đội I-xra-en và lực lượng Hồi giáo Ha-mát đã bác bỏ Nghị quyết trên. Do vậy, xung đột quân sự tại dải Ga-da vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. I-xra-en đã thực hiện tấn công cả trên bộ, trên không và trên biển vào dải Ga-da.

Ngày 21.01.2009, I-xra-en đã hoàn tất việc rút quân khỏi dải Ga-da sau cuộc chiến kéo dài 22 ngày đêm nhằm tiêu diệt phong trào Hồi giáo Ha-mát. Các lực lượng phòng vệ I-xra-en đã công bố một thông báo xác nhận, quân đội đã rút về các vị trí bên trong lãnh thổ I-xra-en, chấm dứt chiến dịch quân sự. Việc rút quân bắt đầu từ ngày 18.01.2009, sau khi I-xra-en tuyên bố ngừng bắn và lực lượng vũ trang Pa-le-xtin cũng chấp nhận điều này. Lực lượng Hồi giáo Ha-mát ra điều kiện I-xra-en phải rút toàn bộ binh lính trong vòng một tuần và mở các chốt biên giới dẫn vào dải Ga-da, nếu không sẽ phải đối mặt với những cuộc xung đột mới. Tuy nhiên, I-xra-en vẫn tái triển khai xe tăng ở các vùng biên giới phía Pa-le-xtin để đối phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Ha-mát. Theo cơ quan cứu hộ khẩn cấp tại Ga-da, trong vòng hơn ba tuần, có ít nhất 1.300 người Pa-le-xtin thiệt mạng, trong đó có 410 trẻ em, 108 phụ nữ và hơn 5.300 người khác bị thương.

6. CHDCND Triều Tiên đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc giải quyết vấn đề hạt nhân nhằm đáp trả chính sách cứng rắn của Hàn Quốc

Ngày 17.01.2009, quân đội CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ chuyển sang “trạng thái đối đầu tổng lực” với Hàn Quốc và thề sẽ “xóa sổ” chính phủ bảo thủ tại Xơ-un vì Chính phủ này từ chối hợp tác với CHDCND Triều Tiên. Người phát ngôn quân đội CHDCND Triều Tiên cảnh báo, sẽ không cho phép tàu thuyền Hàn Quốc xâm phạm các vùng biển tranh chấp ở Hoàng Hải và tuyên bố: “Hiện tại, kẻ phản bội Li Miêng Pắc và ê kíp của ông ta đã chọn hướng đối đầu... Do đó, các lực lượng vũ trang cách mạng của chúng ta đã buộc phải áp dụng tình trạng đối đầu tổng lực để đập tan bọn chúng”.

Sau tuyên bố trên của CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc đã đặt quân đội trong tình trạng báo động tại khu vực biên giới liên Triều. Phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, đã ra lệnh cho ba binh chủng hải, lục, không quân tăng cường cảnh giới và yêu cầu các máy bay do thám tích cực hoạt động. Tuyên bố quân sự với lời lẽ cứng rắn của CHDCND Triều Tiên đã làm gia tăng thêm sự căng thẳng dọc biên giới liên Triều, làm dấy lên nguy cơ có thể xảy ra đụng độ ở khu vực dọc đường biên giới tranh chấp trên Hoàng Hải.

Ngày 03.02.2009, CHDCND Triều Tiên tuyên bố, sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân nếu Hàn Quốc không cho các thanh sát viên tới thanh sát xem Mỹ có cất giấu vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc hay không. Trong khi đó Hàn Quốc tuyên bố, sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ sự vi phạm nào của CHDCND Triều Tiên.

Ngày 12.03.2009, Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết, CHDCND Triều Tiên có kế hoạch phóng vệ tinh viễn thông thử nghiệm trong khoảng thời gian từ 04-08.04.2009. Trong khi đó hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên cho biết, CHDCND Triều Tiên đã trao cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, Tổ chức Hàng hải quốc tế và các tổ chức thế giới khác một “thông tin quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các máy bay và tàu thuyền” khi Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng “vệ tinh viễn thông thử nghiệm”.

Ngày 24.03.2009, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên đưa tin Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã tái khẳng định quyền được phát triển hoà bình chương trình vũ trụ, bất kỳ lệnh trừng phạt nào mà Liên hợp quốc áp đặt nhằm vào vụ phóng vệ tinh sắp tới của CHDCND Triều Tiên sẽ gây đổ vỡ cho các cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân, vi phạm thỏa thuận sáu bên được ký kết tháng 9.2005. Cùng ngày, nhà đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Wi Sung-lac đã tới Bắc Kinh nhằm khôi phục các nỗ lực thẩm tra chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Hồi 9 giờ 30 phút ngày 05.04.2009 CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa mang vệ tinh như kế hoạch đã công bố, bất chấp lời kêu gọi huỷ bỏ của quốc tế. Tuy nhiên, việc bắn hạ vệ tinh không xẩy ra; Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU đã phản ứng rất găy gắt nhưng các nước lớn vẫn muốn giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên thông qua hội nghị 6 bên.

7. G20 thành công vượt dự kiến, nền tài chính quốc tế có thêm 1.100 tỷ USD để hỗ trợ các nước vượt qua tình trạng suy thoái

Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã bế mạc tại thủ đô London của Anh với những hứa hẹn, cam kết chung sức đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng và tạo thêm công ăn việc làm mới. Các nước trong nhóm G20 đã thống nhất chi 1.100 tỷ USD kích thích kinh tế để giải quyết khủng hoảng nhanh chóng hơn.

“Chung lưng đấu cật” là hành động mà các nguyên thủ tham dự hội nghị G20 hướng tới. Hành động này sẽ tạo ra gói kích thích tài khoá - tiền tệ lớn nhất và chương trình hỗ trợ toàn diện nhất cho ngành tài chính trong thời hiện đại.

Khối G20 thống nhất tăng gấp 3 lần ngân quỹ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ 250 tỷ USD hiện nay lên mức 750 tỷ USD. Ngoài ra, G20 còn thông qua một chương trình phát hành quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 250 USD dành cho 185 quốc gia thành viên./.

 

NGUYỄN NHÂM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Về Diễn đàn An ninh kinh tế Á - Âu trước các nguy cơ kinh tế toàn cầu, Cập nhật 26/3/2009.

2. Nguyễn Đình Chiến, Tình hình thế giới năm 2009 sẽ phụ thuộc vào những sự kiện lớn nào ? TC Cộng sản, số 4 (172)/ 2009, Cập nhật 21/2/2009.

3. ATP vietnam, Tình hình kinh tế tài chính thế giới từ 26/3 đến 2/4/2009, Cập nhật 4/4/2009.

4. Viettrade.gov.vn, Triển vọng kinh tế thế giới năm 2009, Cập nhật 27/3/2009.

5. Hà Linh, G20 kiểm chứng thực tế. Vietnamnet, Cập nhật 5/4/2009

 

 

 

0thảo luận