Trang chủ

KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM NĂM 2011, TRIỂN VỌNG NĂM 2012

Đăng ngày: 13-06-2013, 05:36 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Xuân Thắng chủ biên

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, 363 trang

Kí hiệu: Vv 2460

 

Năm 2011 là thời gian khó khăn nhất đối với nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam tính từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Diễn biến chung của nền kinh tế thế giới ngày càng xấu đi với cảnh báo liên tục của các chuyên gia thuộc nhiều tổ chức quốc tế khác nhau về sự hiện hữu của một giai đoạn nguy hiểm mới hay tình trạng bên bờ vực của cuộc suy thoái kép. Thực tế cho thấy thế giới đã tăng trưởng chậm lại với sự giảm tốc đồng loạt của cả các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU lẫn các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil.

Đối với nhóm các nền kinh tế phát triển, cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng tại các quốc gia Châu Âu đã gây ra quan ngại sâu sắc về nguy cơ sụp đổ của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu và trở thành thách thức lớn nhất của kinh tế thế giới năm 2011. Nỗi lo ngại về hiệu ứng đôminô từ cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu cùng với những thất bại chính sách đã đánh mất niềm tin trên thị trường, khiến cho bất ổn lan rộng, làm rung chuyển hệ thống tài chính toàn cầu. Một loạt các quốc gia và ngân hàng lớn lần lượt bị hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng. Các thị trường chứng khoán tụt dốc và giá vàng biến động không ngừng khi các nhà đầu tư coi đây là một kênh an toàn để bảo toàn vốn trong thời kỳ khó khăn. Tình trạng tăng trưởng giảm và thất nghiệp cao đã dẫn đến bất ổn xã hội nghiêm trọng, thể hiện ở việc phong trào biểu tình “chiếm phố Wall” lan rộng từ Hoa Kỳ sang Châu Âu. Chính phủ các nước có khủng hoảng nợ công đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa những việc thực hiện các giải pháp thắt lưng buộc bụng đầy khắc khổ để vực dậy nền kinh tế hay nhượng bộ trước đòi hỏi của người dân về các quyền lợi mà họ đang được hưởng lâu nay.

Tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, lạm phát gia tăng trở thành rủi ro vĩ mô lớn nhất kể từ đầu năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu là giá lương thực và nhiên liệu, đặc biệt là giá dầu mỏ tăng cao. Một loạt nước như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và Philippines đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, chấp nhận giảm bớt tốc độ tăng trưởng vì mục tiêu cấp bách hơn là chống lạm phát. Ưu tiên khác nhau của các chính phủ đã khiến cho động thái chính sách thiếu phối hợp, thậm chí trái chiều và làm tăng thêm rủi ro mất cân đối toàn cầu, vốn đã được tích lũy qua nhiều năm. Bóng đen “chiến tranh tiên tệ” vẫn hiện hữu trong quan hệ giữa các nền kinh tế đạt được thặng dư và những nền kinh tế chịu thâm hụt thương mại lớn, chẳng hạn như quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Sự khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu năm 2011 thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn bởi tác động của “cú sốc” như thảm họa động đất – sóng thần tại Nhật Bản, lũ lụt tại Thái Lan, biến động chính trị, xã hội “mùa xuân Arab” lan rộng tại Bắc Phi – Trung Đông và mùa đông giá rét kỷ lục ở Châu Âu.

Trong bối cảnh toàn cầu như vậy, nền kinh tế Việt Nam năm 2011 cũng chịu tác động mạnh của môi trường bên ngoài, dẫn tới những khó khăn, thách thức to lớn phát sinh bên trong nền kinh tế. Những biểu hiện thấy rõ nhất là tình trạng thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách, nợ công lớn và có xu hướng gia tăng, hệ thống tài chính ngân hàng gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, lãi suất danh nghĩa và thực tế mà các doanh nghiệp đi vay phải gánh chịu quá cao, thị trường bất động sản đóng băng, giao dịch chứng khoán đình trệ và nghiêm trọng nhất là lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Những khó khăn này khiến cho Chính phủ Việt Nam chịu nhiều sức ép trong công tác điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Góp phần vào những cố gắng chung của Chính phủ để điều hành nền kinh tế Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện các báo cáo hàng tháng, hàng quý và hàng năm để cập nhật thông tin, nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đưa ra những kiến nghị chính sách kịp thời về kinh tế thế giới và Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực hiện trong cả năm 2011, Viện Khoa học xã hội Việt Nam công bố cuốn sách “Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2011, triển vọng năm 2012” gồm 2 phần chính:

Phần 1: Tổng quan tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2011 và triển vọng năm 2012. Trong phần này, các tác giả đã trình bày khái quát về tình hình kinh tế thế giới trong năm 2011 và triển vọng năm 2012 với một số vấn đề dài hạn. Bên cạnh đó, các tác giả cũng nêu lên ba điểm nóng và hai thách thức vĩ mô của nên kinh tế Việt Nam trong năm 2011; khung phân tích chính sách và các động thái điều chỉnh chính sách của nền kinh tế Việt Nam; triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012.

Phần 2: Mười hai tháng biến động của nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Ở đây, các tác giả đưa ra các báo báo kinh tế hàng tháng và hàng quý trong cả năm 2011 của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam đồng thời phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp chính sách tương ứng.

Thông qua 363 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2011 thông qua các báo cáo cụ thể hàng tháng và hàng quý, đồng thời cuốn sách cũng cho thấy những dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2012. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc cùng tham khảo.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận