Trang chủ

CƠ CẤU XÃ HỘI NHẬT BẢN THỜI CẬN THẾ

Đăng ngày: 3-06-2013, 04:11 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 4

1. Bối cảnh lịch sử và những nhân tố mới tác động đến cơ cấu xã hội Nhật Bản thời Cận thế (1543 - 1868)

Cuối thời kỳ Muromachi (1338 - 1573) trong bối cảnh đất nước đang còn nội chiến,  nền kinh tế không  tránh khỏi những trở ngại trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, không vì thế mà kinh tế thụt lùi so với thời kỳ trước mà trái lại có nhiều khởi sắc trong nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp và ngoại thương... Về nông nghiệp, có những tiến bộ về mặt kỹ thuật như việc sử dụng sức kéo, giống cây trồng phong phú, đặc biệt đất trồng trọt tăng đáng kể nhờ kế hoạch khai khẩn đất hoang. Sự phát triển của nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy một số ngành nghề thủ công như: chế tạo kim khí, vũ khí, nghề dệt, đồ gốm, xây dựng... ngày càng mở rộng. Về thương nghiệp, có bước phát triển mới với việc thành lập các phường hội của thương nhân. Nền nội thương phát triển khi thương nhân được khuyến khích bởi hệ thống thuế khóa, được đi lại tự do. Buôn bán thông qua họp chợ đã khá phát triển không chỉ ở các đô thị mà ở cả các vùng xa xôi. Sự tăng trưởng của việc buôn bán và tích lũy của cải của tầng lớp thương nhân có thể chưa làm giảm được xu thế tự trị của các lãnh chúa phong kiến nhưng đã thoát ra khỏi tình trạng tự cấp tự túc.

Về ngoại thương, đã có bước phát triển mạnh mẽ thể hiện qua các hoạt động buôn bán đường biển với nước ngoài. Quan hệ buôn bán với Trung Quốc giữ vị trí trọng yếu trong chính sách phát triển ngoại thương của chính quyền phong kiến Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản còn buôn bán với các nước khác như: Triều Tiên, Philippin, Malaixia, Việt Nam... Nền ngoại thương phát triển được là nhờ vai trò quan trọng của kỹ nghệ khai khoáng và được sự quan tâm đặc biệt của giới quí tộc và lãnh chúa phong kiến mới. Nhờ kỹ nghệ khai mỏ mà lực lượng quân sự được trang bị vũ khí tốt hơn và sau cùng còn được dùng trong sản xuất súng. Bên cạnh đó, sự du nhập súng đạn từ Châu Âu vào Nhật Bản ở thời Cận thế đánh dấu bước chuyển biến trong chiến tranh tạo nên sức mạnh quân sự mới song chưa thể thay thế hoàn toàn vũ khí thô sơ. Từ thời Cận thế, quá trình du nhập Thiên Chúa giáo vào Nhật Bản cũng diễn ra với nhiều bước thăng trầm để rồi số lượng tín đồ lên tới 300.000 người vào thời điểm cuối thế kỷ XVI. Tuy nhiên, việc truyền đạo trong thế kỷ XVI không hẳn đã có ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đối với sự phát triển xã hội và chính trị của Nhật Bản thời kỳ này.

Thời kỳ đầu Edo (1600 - 1868), những biến động về chính trị - xã hội có liên quan đến tôn giáo (đặc biệt là Thiên Chúa giáo) và khởi nghĩa nông dân đã ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại của chính quyền Nhật Bản. Qua đó, năm 1639, chính quyền Mạc Phủ chính thức ra lệnh đóng cửa đất nước và từ năm 1640, Nhật Bản chỉ còn buôn bán với Hà Lan và Trung Quốc ở đảo Deshima thuộc tỉnh Nagasaki dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Như vậy, chính sách "bế quan tỏa cảng" không có nghĩa Nhật Bản hoàn toàn tách khỏi các nước bên ngoài mà vẫn quan hệ với Hà Lan và tiếp tục buôn bán với các nước Châu Á. Cùng với chính sách đóng cửa đất nước, chính quyền Nhật Bản rất chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế phong kiến. Những thay đổi về luật pháp được thể hiện rõ nét nhất là việc ban hành khắp cả nước các bộ luật, điều luật áp dụng đối với các tầng lớp xã hội.

Cùng với sự lớn mạnh của các cộng đồng nông thôn, thành thị cũng ngày càng lớn mạnh nhanh chóng cả về số lượng và qui mô bắt đầu từ thế kỷ XVII, trong đó xu hướng các thành phố pháo đài trở thành các trung tâm thương mại và chính trị ngày càng định hình và phát triển. Tại đây, tầng lớp quân nhân nắm vững chức vụ quan trọng, tham gia việc tăng cường luật pháp và duy trì trật tự trong cả nước.

Từ thế kỷ XVI, tư tưởng và học vấn phương Tây đến Nhật Bản đã mở ra cách nhìn mới cho người Nhật về thế giới, về thiên nhiên và tạo ra một nền kỹ thuật mới ở quốc gia này. Theo thời gian, việc phổ biến văn hóa, kỹ thuật phương Tây được mở rộng sang hình thức bán công khai có nghĩa là ai học về lĩnh vực này, phổ biến chúng cũng không vi phạm đến đường lối chính trị của Mạc Phủ. Khi nền học vấn tương đối phát triển thì việc học tập không chỉ tập trung vào Nho giáo mà còn có các môn học khác và điều đó phản ánh sự quan tâm đến tri thức phương Tây của người Nhật Bản. Qua tiếng Hà Lan, họ đã dịch các sách về y học, văn học, kỹ thuật và chính những tài liệu dịch này có vai trò quan trọng giúp cho Nhật Bản tuy đóng cửa đất nước nhưng không bị tụt hậu quá xa so với các nước phát triển phương Tây đương thời. Thực tế cho thấy, cùng với phong trào học tập tri thức phương Tây ngày càng phát triển thì dư luận càng phê phán chính sách, chế độ đẳng cấp đã kìm hãm sự phát triển của cá nhân và xã hội. Điều đó chứng tỏ, tư tưởng phương Tây đã có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến người Nhật Bản và nó góp phần vào việc làm thay đổi dần chế độ phong kiến quân sự nước này.

Thời kỳ Edo, giáo dục được phổ cập hầu như toàn dân bởi không chỉ tập trung vào những thành phần xuất thân là tầng lớp quí tộc, con cháu các quan lại trong chính quyền. Sự biến đổi này còn do ảnh hưởng của Khổng giáo vì đây là thời kỳ Nho giáo phát triển mạnh, được coi là hệ tư tưởng chính thống, và cùng với đó, học thuyết triết học Chu Hy (1130 – 1200), dần được công nhận là trường phái tư tưởng chính thức. Sở dĩ học thuyết của Chu Hy có được ảnh hưởng lớn như vậy trong tư tưởng của người Nhật Bản là bởi tính đạo đức thực tiễn (chứ không phải sự suy đoán tưởng tượng) của học thuyết này phù hợp với quan niệm của người Nhật Bản. Điều đó có nghĩa khẳng định tầm quan trọng của việc tự học đồng thời chỉ ra các mối quan hệ của cá nhân, đặc biệt quan trọng là quan hệ vua - tôi, cha - con, chồng - vợ là những đức tính được người Nhật Bản luôn coi trọng. Hơn nữa, hệ thống đạo đức này của Chu Hy dường như đặc biệt thích hợp với nhu cầu của các nhà cầm quyền Nhật Bản khi họ muốn nhấn mạnh về lòng trung thành, tầm quan trọng của việc học tập, đề cao tính chính thống, khiêm tốn nhưng thực tiễn và thận trọng.

Nửa đầu thế kỷ XIX là thời kỳ đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của tư tưởng chống chính sách bài ngoại ở Nhật Bản và cùng với đó là phong trào học tập nước ngoài ngày càng được mở rộng với nhiệt tình cao độ. Trong khi đó, các nước phương Tây dùng sức ép với chính quyền Nhật Bản để từng bước nới lỏng chính sách bài ngoại. Trước những thay đổi lớn của tình hình, chính quyền Mạc Phủ buộc phải tham khảo ý kiến của các lãnh chúa, thậm chí chủ động báo cáo tình hình với triều đình Thiên hoàng để xin chỉ đạo và lời khuyên. Những động thái này là dấu hiệu của sự thay đổi của chính quyền quân sự đối với Thiên hoàng. Ở nhiều lãnh địa, xu hướng phát triển của thái độ trung quân ngày càng rõ nét và được đề cao. Shino hay Sono là khái niệm chỉ thái độ trung thành và sùng kính đối với Thiên hoàng, mong muốn xóa bỏ uy quyền của chính quyền Mạc Phủ. Trước sức ép của các nước phương Tây và của giới học giả (đại biểu của tư tưởng cách tân) đã buộc chính quyền Mạc Phủ từng bước nới lỏng chính sách bài ngoại. Mặc dù chính quyền Nhật Bản cố tình né tránh và tìm cách trì hoãn thương thuyết song với việc ký kết các hiệp ước giữa Nhật Bản với các nước Châu Âu và Mỹ cho thấy chính sách bài ngoại đã thật sự chấm dứt, lúc này chỉ còn lại sự đối địch với chính quyền Mạc Phủ là tồn tại và phát triển mạnh hơn trước.

Cùng với sự xuất hiện của các trào lưu tư tưởng mới thì sự lớn mạnh của đô thị cũng đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về văn hóa thị dân từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII được xem là đỉnh cao của đời sống chính trị và văn hóa thời kỳ Edo. Tuy nhiên, cùng với sự suy yếu của chế độ phong kiến, đến đầu thập niên thế kỷ XIX đã dẫn đến sự thay đổi không chỉ về vị trí, vai trò của các đô thị trong chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự cho phù hợp với xu hướng của thời đại mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách, tập quán sinh hoạt, lối sống của thị dân, nhất là ở các đô thị lớn thời bấy giờ như: Osaka, Kyoto, Edo (nay là Tokyo).

Giữa thế kỷ XIX, bối cảnh quốc tế với nhiều chuyển biến đã ảnh hưởng rất lớn đến nước Nhật, trong khi đó, chế độ phong kiến Nhật Bản bộc lộ nhiều mâu thuẫn và khủng hoảng xã hội trầm trọng. Đó là: mâu thuẫn giữa cơ cấu kinh tế cơ bản chủ nghĩa với quan hệ phong kiến lỗi thời; Cuộc đấu tranh của các giai tầng: nông dân, thị dân ngày càng mạnh mẽ; Chính quyền Mạc Phủ lung lay, suy sụp không cứu vãn nổi; Sức ép đòi mở cửa của phương Tây khiến tình hình xã hội trong nước rối ren, căng thẳng. Tất cả những yếu tố trên tạo đà và chuẩn bị cho cuộc cách mạng ở Nhật Bản sớm muộn sẽ nổ ra. Như vậy, cơ cấu xã hội Nhật Bản thời Cận thế hình thành, tồn tại, phát triển, biến đổi trên cơ sở của bối cảnh lịch sử và sự tác động của các nhân tố mới trong kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội… kể trên.

2. Cơ cấu xã hội

2.1. Thiên Hoàng

Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại thì người đứng đầu nhà nước Yamato (cuối thế kỷ IV) được coi là có nguồn gốc thần thánh là con cháu của thần Mặt Trời (Amaterasu) nên trở thành Thiên hoàng (Tenno), là người thay Trời để cai trị thiên hạ. Với quan niệm như vậy, từ thời Cổ đại, mọi thần dân đều là con cái của Thiên hoàng nên sự cách biệt trong xã hội chỉ còn là giữa Thiên hoàng và thần dân. Thiên hoàng trở thành người có quyền lực cao nhất nắm toàn bộ ruộng đất và thần dân, đồng thời trở thành biểu tượng của đất nước, người dân chỉ có quyền phục tùng vô điều kiện vì ý muốn của Thiên hoàng là ý trời. Lịch sử Nhật Bản đã khẳng định thần quyền của Thiên hoàng là "Thiên mệnh Trời trao" bất di bất dịch từ cổ chí kim là quyền lực tuyệt đối. Như vậy, với vị thế của mình, Thiên hoàng là người có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp song để thực hiện điều này còn phụ thuộc vào từng triều đại mà các Thiên hoàng là đại diện.

Thời Cận thế, nhất là từ cuối thế kỷ XVI, Thiên hoàng không có quyền lực chính trị trực tiếp nhưng được xem là biểu tượng của sự thống nhất quốc gia. Thiên hoàng cũng không đứng đầu chính quyền hành pháp phong kiến song lại luôn được các nhà lãnh đạo chính quyền giương cao ngọn cờ của Thiên hoàng, nhân danh Thiên hoàng để hành động. Sự tồn tại song song giữa triều đình Thiên hoàng và chính quyền của Tướng quân trong xã hội là điểm nổi bật trong cơ cấu chính trị thời kỳ Edo (1600 - 1868). Những phẩm tước dành cho các lãnh chúa cũng do triều đình ban cấp mặc dù người quyết định được cấp lại chính là Mạc Phủ. Hơn nữa, chính quyền còn qui định rõ các chức năng và cách ứng xử của Thiên hoàng, do đó, quyền lực của Thiên hoàng chỉ còn giới hạn trong các nghi lễ có tính chất tượng trưng. Năm 1615, bộ luật Kinchukugeshohatto được ban hành gồm 17 điều, trong đó qui định chặt chẽ đối với Hoàng gia và giới quí tộc triều đình như:

- Thiên hoàng gọi là Tenno (trước đây gọi là Tenshi).

- Qui định hành vi của Thiên hoàng (không được rời kinh thành, không được xuống đền làm lễ v.v…)

Như vậy, quyền hạn của Thiên hoàng chỉ còn thể hiện trong các điều khoản về việc được tự do chọn niên hiệu và ban hành lịch (theo âm lịch) hàng năm. Tuy vậy, đến giai đoạn Gengoku (1688 - 1704) vai trò của Thiên hoàng được nâng cao hơn do mối quan hệ giữa triều đình Kyoto và chính quyền Mạc Phủ đã có một số cải thiện, ví dụ như phục hồi các nghi lễ đã bị bãi bỏ trong giai đoạn trước.

Từ thế kỷ XVIII, chính quyền Mạc Phủ gặp khó khăn về tài chính và tiếp tục suy sụp trong suốt thế kỷ này đã dẫn đến sự phản kháng của một số tầng lớp trong xã hội. Các phong trào này muốn phục hồi quyền lực thực sự cho Thiên hoàng và dần trở thành nhu cầu thiết yếu thời bấy giờ. Thái độ của Thiên hoàng cũng thay đổi khi đề cập đến vị trí thực sự của mình và đòi chính quyền Mạc Phủ phải thừa nhận mọi danh vị vốn có từ xưa. Tất cả những biểu hiện trên báo hiệu bước dạo đầu của một phong trào khôi phục vị trí, vai trò thực tế của Thiên hoàng kéo dài hàng thế kỷ sau đó đã làm sụp đổ chính quyền Mạc Phủ Edo.

2.2. Tướng quân

Sự ra đời của chức vị Tướng quân (Shogun) từ năm 1192 đã tạo nên nét đặc thù trong hệ thống cơ cấu xã hội ở Nhật Bản. Về nguyên tắc, Tướng quân là người phục tùng Thiên hoàng và do Thiên hoàng bổ nhiệm song trên thực tế họ nắm hết quyền lực khiến Thiên hoàng chỉ làm vì. Thật vậy, thời kỳ Azuchi - Momoyama (1573 - 1600) quyền hành thực tế nằm trong tay các chủ lĩnh quân sự cho dù họ luôn đưa ra lời khuyên răn phải hết lòng phụng sự Thiên hoàng.

Thời kỳ Edo, đặc điểm nổi bật trong cơ cấu chính trị vẫn là sự tồn tại song song giữa triều đình Thiên hoàng và chính quyền Mạc Phủ thuộc dòng họ Tokugawa. Mạc Phủ với người đứng đầu là Tướng quân ở trung ương, còn các lãnh chúa lớn (Daimyo) cai trị khoảng 265 lãnh địa tự trị (Han). Năm 1613, Tướng quân Tokugawa Ieyasu (1542 - 1616) ban bố mệnh lệnh yêu cầu giới quí tộc nên chuyên tâm vào học vấn, cư xử đúng mực, biết giữ mình, không được sống phóng túng, tiệc tùng, cờ bạc, rượu chè. Bất cứ hành động nào nếu có biểu hiện của sự bất phục tùng đều bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí tù đày. Với mục đích hạn chế tối đa quyền lực của Thiên hoàng nên việc bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức tôn giáo ở các nơi đã được Tướng quân chuyển sang cho chức quan giám sát kinh đô Kyoto (còn gọi là Shoshidai). Tướng quân chủ trương tách rời Thiên hoàng với các lãnh chúa phong kiến nhằm phòng ngừa các lãnh chúa có thể nhớ thế lực, vị trí của Thiên hoàng để chống lại mình. Chính vì vậy, để dễ bề chi phối và ngăn chặn sự liên kết giữa các lãnh chúa và triều đình nên Tướng quân thi hành biện pháp kiểm soát, khống chế các lãnh địa. Năm 1615, Mạc Phủ ban hành bộ luật Bukeshohatto trong đó có điều khoản về chế độ Sankinkotai theo đó, hàng năm các lãnh chúa có nghĩa vụ luân phiên có mặt 6 tháng ở Edo và khi trở về lãnh địa riêng, họ phải để vợ con ở lại Edo làm con tin. Trong trường hợp vợ, con bỏ trốn hay rời Edo nếu bị quan chức chính quyền bắt được sẽ bị giết chết. Nếu lãnh chúa vi phạm sẽ bị bãi bỏ địa vị lãnh chúa, giáng làm thứ dân, lãnh địa bị thu hồi đồng thời lãnh chúa bị hành tội. Một khi chi phối được các lãnh chúa, Tướng quân cũng dễ dàng hơn trong các quan hệ với triều đình Thiên hoàng. Thời kỳ này, các Thiên hoàng đương quyền và đã thoái vị vẫn thường được Tướng quân giúp đỡ về mặt quân sự nhưng thực chất là để kiểm soát mà thôi. Tuy nhiên, quyền lực của Tướng quân không phải là bất biến mà cũng thăng trầm theo những biến cố lịch sử. Chẳng hạn, sự độc lập về chính trị và kinh tế của các lãnh địa lớn thực tế đã làm giảm quyền lực của Tướng quân và gây khó khăn cho chính quyền trong việc hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại. Bước sang thập kỷ 60 của thế kỷ XIX, thế lực của Tướng quân ngày càng suy yếu bởi họ không còn kiểm soát được các lãnh chúa địa phương, chế độ luân phiên thường trú của các lãnh chúa ở Edo cũng bị xóa bỏ. Quá trình tồn tại hai hệ thống chính quyền cùng vị trí, vai trò của Tướng quân như trên đã ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử Nhật Bản và tạo nên đặc trưng riêng cùng dấu ấn đậm nét trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội đương thời. Không nghi ngờ gì bởi trong ý thức, mục đích của các Tướng quân là củng cố, bảo vệ, phát triển chế độ phong kiến chuyên chế thống nhất, qua đó khẳng định vững chắc vị trí, vai trò bất khả xâm phạm của mình. Đương nhiên, trước yêu cầu phát triển càng cho thấy vị thế của Tướng quân cũng dần bộc lộ những hạn chế và mâu thuẫn không thể giải quyết được. Tuy có thực quyền nhưng các Tướng quân không bao giờ có mưu đồ thoán vị ngôi Thiên hoàng cho dù ngôi vị Thiên hoàng cùng sự tồn tại đều phụ thuộc vào họ. Qua đó thể hiện mối quan hệ tốt giữa chế độ phong kiến dù đang phát triển hay sắp suy tàn với hệ thống chính trị tư tưởng cũ vốn được thừa nhận như một sức mạnh thần thánh trong các bộ luật. Cách mạng Minh Trị nổ ra năm 1868, quyền lực của Thiên hoàng được khôi phục cũng đồng thời đặt dấu chấm hết đối với vị trí, vai trò của Tướng quân trong lịch sử chế độ phong kiến Nhật Bản thời Cận thế.

2.3. Quí tộc - quan liêu

Quí tộc - quan liêu là tầng lớp giúp Thiên hoàng và Tướng quân cai trị quần chúng nhân dân song thực chất đây không phải là đẳng cấp thuần nhất, ổn định và bất biến mà luôn phát triển, bổ sung mở rộng về số lượng và chất lượng. Có thể thấy, nòng cốt của tầng lớp này là bộ phận quí tộc tôn thất mang tính dòng họ, ví như dòng họ của Thiên hoàng, dòng họ Tokugawa. Đặc biệt, một dòng họ lớn khi có được quyền lực trong triều đình thường tìm cách mở rộng và nâng cao "thân phận" quí tộc cho những người trong dòng họ. Ngoài ra, còn có dòng họ tìm cách kết thân với hoàng tộc thông qua con đường hôn nhân, bằng cách đó sau nhiều thế hệ, dòng họ này "nghiễm nhiên" có quan hệ huyết thống với hoàng tộc và trở thành tầng lớp quí tộc của triều đình. Sự ra đời của chính quyền Mạc Phủ cũng dẫn tới sự hình thành một tầng lớp quí tộc mới, khởi đầu có thể chỉ là những võ sĩ có địa vị cao trong hệ thống chính quyền rồi sau đó được coi ngang hàng với tầng lớp quí tộc. Ngoài võ sĩ còn có cách lãnh chúa phong kiến lớn, các quan chức quản lý cấp tỉnh cũng phát triển thành tầng lớp quí tộc ở địa phương.

Quí tộc - quan liêu là tầng lớp thống trị trong xã hội song có sự khác biệt về lối sống ngay cả ở lĩnh vực văn hóa. Sự xa xỉ, phô trương của cải là một trong những đặc điểm tiêu biểu cho tầng lớp thống trị đương thời nhất là các quí tộc - quan liêu xuất thân từ đẳng cấp võ sĩ. Trong xã hội, tầng lớp võ sĩ được hưởng rất nhiều đặc quyền, đặc lợi và nó được phân chia theo các thang bậc vị trí của tầng lớp này từ Tướng quân đến hàng võ sĩ cấp dưới. Như vậy, sự phân chia thứ bậc chặt chẽ trong tầng lớp võ sĩ cũng đồng nghĩa với việc những người trở thành quí tộc - quan liêu phải có vị trí cao trong xã hội. Thời kỳ Edo đánh dấu sự phân biệt đẳng cấp sâu sắc đến mức cực đoan và được pháp luật bảo vệ, chẳng hạn, khi võ sĩ và dân thường cùng phạm tội như nhau thì lẽ đương nhiên dân thường phải chịu hình phạt nặng hơn.

Ngay cả trong các mặt khác của đời sống như: hôn nhân, thừa kế, chính quyền đều đưa ra các qui định riêng biệt cho võ sĩ và thường dân. Vì vậy, có thể nhận thấy rằng, trong xã hội phong kiến, luật pháp luôn là công cụ đắc lực để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị mà đại biểu là tầng lớp quí tộc - quan liêu

Trong bối cảnh tồn tại hai hệ thống chính quyền riêng biệt thì các chính sách đãi ngộ và sắp đặt đội ngũ quí tộc - quan liêu cũng khác nhau qua từng thời kỳ, song nhìn chung thế lực của tầng lớp quí tộc tôn thất ở triều đình Thiên hoàng bị suy giảm trước sự  lấn át của chính quyền Mạc Phủ. Cho dù trên thực tế, quí tộc tôn thất triều đình vẫn được hưởng những đặc quyền đặc lợi về ruộng đất, thuế… song vẫn không thể bằng những gì mà tầng lớp quí tộc quan liêu của chính quyền Mạc Phủ được hưởng. Những lãnh chúa phong kiến lớn phục vụ cho Tướng quân là những người có quyền sở hữu rất nhiều ruộng đất rồi trở thành tầng lớp quí tộc mới với thế lực ngày càng mạnh. Trong khi đó, thế lực của tầng lớp quí tộc, quan lại phong kiến của triều đình ngày một suy yếu. Chính Tướng quân đã dựa vào tầng lớp quí tộc phong kiến mới để cai trị đất nước nên đã ban cho tầng lớp này rất nhiều bổng lộc, đặc quyền đặc lợi về chức tước, lãnh địa, thái ấp rộng lớn. Ngoài ra, cơ sở giai cấp của chính quyền Mạc Phủ là tầng lớp địa chủ võ sĩ ở các địa phương lệ thuộc vào Tướng quân. Tầng lớp này được chính quyền Mạc Phủ ban cấp ruộng đất cùng nhiều chức năng quan trọng khiến bộ phận quan liêu này thành địa chủ với số lượng đất đai chiếm hữu tư nhân khá lớn. Vả lại, qui luật cố hữu trong xã hội phong kiến là ai nắm được nhiều ruộng đất thì càng có nhiều quyền lực cho nên cùng với quá trình hình thành các lãnh địa độc lập thì ruộng đất tư hữu hóa ngày càng chiếm tỷ lệ lớn tại các lãnh địa. Điều đó tất yếu dẫn đến hình thành giai cấp địa chủ khi mà phương thức sản xuất phong kiến đã được xác lập hoàn toàn ở thời Cận thế.

Tầng lớp quan liêu tập trung đông đảo nhất ở kinh đô và các đô thị như Kyoto, Osaka, Nara, Edo… về cơ bản tầng lớp này bao gồm chủ yếu là Thiên hoàng, quan lại thuộc triều đình trung ương, Tướng quân cùng bộ máy chính quyền ở Edo và các cấp địa phương. Thật vậy, ở hầu hết các đô thị trong cơ cấu các tầng lớp xã hội đã bao gồm tầng lớp quan liêu bởi đây là tầng lớp mà ở đô thị nào cũng có dù mức độ khác nhau ít nhiều. Mặc dù các thành phố pháo đài cũ dần dần giảm mất tầm quan trọng về kinh tế song vị trí chính trị của nó vẫn được tăng cường. Tại đây, tầng lớp quan liêu có nguồn gốc quân nhân nắm những chức vụ quan trọng, tham gia việc tăng cường luật pháp và duy trì trật tự trong cả nước.

Tình trạng Nhật Bản không còn một chính quyền trung ương thống nhất bởi quyền lực thực tế nằm trong tay của Tướng quân, Thiên hoàng chỉ làm vì nhưng xét trên nhiều ý nghĩa thì Thiên hoàng, Tướng quân vẫn là đại biểu cao nhất của tầng lớp quan liêu. Về đại thể, tầng lớp quan lại ngày càng tăng về số lượng do xu hướng quan liêu hóa của bộ máy chính quyền nhà nước. Hơn nữa, xuất phát từ nguyên tắc quyền đi đôi với lợi ích tất nảy sinh nhu cầu có tính xã hội là sự khát khao quyền lực và gia nhập bộ máy quan liêu. Như vậy, về mặt quyền lợi, tầng lớp quí tộc - quan liêu là đẳng cấp thượng lưu có nhiều đặc quyền đặc lợi và được pháp luật bảo vệ như một "lẽ đương nhiên". Tuy tầng lớp này không phải hoàn toàn đồng nhất song có thể đặt Thiên hoàng và Tướng quân như một tầng riêng trong cơ cấu xã hội Nhật Bản thời Cận thế.

2.4. Bình dân

Trước hết, đây là bộ phận đông đảo nhất trong xã hội với thành phần chủ yếu là nông dân, thợ thủ công và thương nhân với giai cấp nông dân chiếm tới 8/10 dân số cả nước. Vai trò của nông dân rất quan trọng vì họ là lực lượng sản xuất lương thực cung cấp cho toàn xã hội song trên thực tế họ lại là giai cấp nghèo khổ và bị áp bức, bóc lột nhiều nhất. Thật vậy, người nông dân phải chịu thuế má nặng nề cho chính quyền và lãnh chúa qui định. Ngoài ra, họ vẫn phải thực hiện các loại thuế khóa khác nhau như phu dịch khi chính quyền hoặc lãnh địa trưng dụng cho nam giới từ 21 đến 60 tuổi. Nhìn chung, cuộc sống của giai cấp nông dân về cơ bản cũng không thay đổi gì nhiều như truyền thống đã hình thành và tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó, mặc dù nếu xét về vị trí đẳng cấp thì họ chỉ đứng sau tầng lớp võ sĩ nhưng họ có tài sản chỉ đủ để duy trì cuộc sống mà thôi. Tuy nhiên, người nông dân bị đối xử không đúng với vị trí, vai trò mà chính quyền đã đặt ra theo sự phân chia đẳng cấp trong xã hội phong kiến. Trái lại, họ bị đối xử như là tầng lớp thấp kém trong xã hội và điều này cũng được qui định trong luật pháp.

Bước sang thế kỷ XVIII, sự biến đổi về tính chất của nền kinh tế được thể hiện rất rõ trong cấu trúc làng xã khi mà quan hệ giữa địa chủ (hay lãnh chúa) và tá điền đã thay đổi so với thời kỳ trước. Lúc này, họ chia thành nhiều đơn vị tổ chức nhỏ (không hoàn toàn phụ thuộc vào một chủ đất) để tự kiếm sống bằng nhiều việc như: cày cấy, làm thuê cho các thương nhân, thợ thủ công ở thành phố, bán các sản phẩm thủ công tự sản xuất bằng các nguyên liệu địa phương. Rõ ràng, quan hệ giữa địa chủ, lãnh chúa với nông dân dần dần không còn mang nặng mối quan hệ gia đình nữa bởi người nông dân hoàn toàn trở thành người làm thuê khi không có tài sản gì đáng kể ngoài sức lao động của chính mình.

Khi có thiên tai, dịch bệnh thì nông dân nghèo là những nạn nhân trước tiên phải gánh chịu và không còn cách nào khác họ phải bỏ làng đi kiếm ăn và không ít người bị lưu manh hóa. Một nghịch lý là cho dù tổng sản phẩm nông nghiệp tăng nhưng lợi ích chỉ đến với một số ít tầng lớp có đặc quyền, đặc lợi còn sự nghèo khổ trút lên vai hầu hết giai cấp nông dân. Tuy nhiên, khi chống lại những sai lầm trong hệ thống quản lý ruộng đất của chính quyền thì nông dân nghèo lại là lực lượng chính mà các gia đình giàu có cần phải liên kết.

Thợ thủ công, thương nhân và nông dân là bộ phận đông đảo nhất trong cơ cấu cư dân thành thị song thợ thủ công và thương nhân là tầng lớp có vai trò chủ thể trong kết cấu kinh tế - xã hội đô thị. Do sự phát triển kinh tế, công nghệ và việc các đô thị hình thành, lớn mạnh nhanh chóng đã làm phong phú tầng lớp thợ thủ công. Một loạt các phường hội thợ thủ công ra đời để liên kết sản xuất và bảo vệ quyền lợi của nhau. Tầng lớp thương nhân bị xếp hàng thân phận thấp nhất trong xã hội vì họ là người không trực tiếp sản xuất. Những năm tháng hòa bình, ổn định là điều kiện và môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, do đó tầng lớp thương nhân ngày càng gia tăng. Vì đều là cư dân đô thị cho nên sự phân biệt giữa hai tầng lớp công - thương nhiều khi không rõ nét nên họ được gọi chung là Chonin, chiếm khoảng 6-7% dân số. Hàng năm họ phải nộp một khoản thuế nhất định theo nghề và được qui ra tiền vàng, bạc, đồng nộp cho chính quyền hoặc lãnh chúa để làm nguồn kinh phí cho quân sự và xây dựng.

Nhìn chung, chính quyền phong kiến đề ra các biện pháp khác nhau nhằm duy trì sự lãnh đạo tối cao đối với mọi tầng lớp trong xã hội. Sự phân tầng xã hội được duy trì chặt chẽ bởi giai cấp là vấn đề cha truyền con nối không thể thay đổi. Chính vì vậy, điều đó càng làm cho ranh giới cách biệt giữa tầng lớp võ sĩ lãnh đạo đất nước với ba giai tầng sau là nông, công, thương ngày càng rõ nét và điều tất yếu xảy ra là sự phân hóa giầu - nghèo, địa vị sang - hèn, quyền lực - nghĩa vụ trở nên sâu sắc hơn.

Sự phát triển sản xuất trong quá trình đô thị hóa nhanh cùng với nhu cầu ngày càng tăng của cuộc sống đã tạo điều kiện cho giới thương nhân mở rộng các hoạt động của mình. Theo sự phân chia đẳng cấp xã hội, thương nhân không được coi trọng song sự phát triển của nền kinh tế đã khiến họ dần cải thiện được vị trí của mình và trở thành những người làm chủ kinh tế. Với vị thế như vậy cho nên nhiều tầng lớp trong xã hội phụ thuộc vào họ và ngày càng nắm được nhiều quyền lực trong tay. Hệ quả là hầu hết các lãnh chúa đều trở thành con nợ của họ và ngay cả tầng lớp võ sĩ cũng không tránh khỏi kết cục như lãnh chúa. Những người thuộc tầng lớp võ sĩ giờ đây không thể áp đặt ý muốn của mình lên tầng lớp thương nhân được nữa vì họ đã và đang phụ thuộc về mặt kinh tế đối với tầng lớp này. Sự thật là thế lực nào nắm quyền về kinh tế thì cũng có thể điều khiển được các hoạt động khác trong xã hội, bởi vậy, tầng lớp thương nhân lớn mạnh là dấu hiệu báo trước cho một sự thay đổi trật tự địa vị của các tầng lớp xã hội. Cùng với sự phát triển toàn diện của xã hội, đặc biệt là kinh tế đã làm cho vai trò của tầng lớp võ sĩ không còn như trước nữa. Thật vậy, sự giàu lên của tầng lớp thương nhân ngày càng nhanh thì những tầng lớp chỉ sống dựa vào đồng lương, bổng lộc như quí tộc - quan liêu cho thấy rõ mức sống của họ đã giảm sút đi rất nhiều. Trái lại, quá trình lớn mạnh của tầng lớp thương nhân thành thị không chỉ tạo cho họ ưu thế về mặt kinh tế mà còn đưa họ lên vị trí cao trong xã hội. Không chỉ vậy, tầng lớp này cũng có ảnh hưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và văn học thời kỳ Edo. Như vậy, thợ thủ công và thương nhân không phải là khối thuần nhất mà bao gồm nhiều nghề nghiệp, với khả năng kinh tế khác nhau, qua đó có cả sự khác nhau về vai trò của họ trong tổ chức sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, những tầng lớp này, đặc biệt là tầng lớp thương nhân ngày càng lớn mạnh và có vai trò quan trọng trong việc làm biến đổi đời sống xã hội phong kiến Nhật Bản ở giai đoạn cuối cùng thuộc thời Cận thế.

3. Một số nhận xét

Trên những nét chung nhất, cơ cấu xã hội thời Cận thế là: Thiên hoàng, Tướng quân, quí tộc - quan liêu và bình dân. Với cấu trúc này, Thiên hoàng về nguyên tắc là người đứng đầu đất nước, có quyền uy tuyệt đối, song trên thực tế, Tướng quân về danh nghĩa đứng sau Thiên hoàng nhưng lại nắm quyền lãnh đạo đất nước. Xét cụ thể hơn, Thiên hoàng nắm quyền ở Kyoto đại diện cho triều đình còn Tướng quân nắm quyền lực ở Edo và các địa phương khác. Tập trung xung quanh Thiên hoàng và Tướng quân là tầng lớp quí tộc - quan liêu để tạo nên hai hệ thống chính quyền cùng song song tồn tại. Tầng lớp dưới đông đảo nhất là bình dân sinh sống hầu hết ở nông thôn (làng, thái ấp, lãnh địa) còn một phần ở các đô thị đang hình thành và ngày càng phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, dưới đáy của bậc thang xã hội là tầng lớp nô tỳ, nông nô, kẻ lang thang chịu thân phận thấp hèn nhất trong xã hội nhưng số lượng không nhiều. Cũng cần phải kể đến giới tăng lữ (những người theo Phật giáo, Thần đạo, Nho giáo...) cũng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tăng lữ không phải là những đẳng cấp thuần nhất mà là một tầng lớp dọc kết nối từ tầng lớp bình dân tới tầng lớp trên.

Với cơ cấu xã hội trên có thể thấy được quan hệ trong thang bậc đẳng cấp phong kiến đã hình thành rõ nét. Nhìn từ góc độ xã hội, cấu trúc giai cấp thực tế chỉ gồm hai bộ phận là giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Giai cấp thống trị là Thiên hoàng, Tướng quân cùng toàn bộ hệ thống quan liên nhà nước từ trung ương đến địa phương. Còn giai cấp bị trị là bình dân hay nói cách khác là toàn bộ số dân còn lại vừa là thần dân vừa bị bóc lột.

Ngoài hai chiều cấu trúc chính là giai cấp và đẳng cấp, xã hội Nhật Bản thời Cận thế còn tồn tại những dạng thức khác nhau của cơ cấu xã hội và một trong số đó là cấu trúc thứ bậc nghề nghiệp sĩ, nông, công, thương. Đến thời Cận thế, cấu trúc này đã được xác lập rất rõ nét và có ý nghĩa quan trọng trên bình diện toàn xã hội. Điểm đặc biệt trong quan niệm về "tứ dân" này là bậc "sĩ" tức tầng lớp võ sĩ (Samurai) đã hình thành và phát triển từ thời Cổ đại của Nhật Bản.

Chính vì lẽ đó, võ sĩ là tầng lớp có vai trò rất quan trọng không chỉ trong cơ cấu xã hội mà còn trong tiến trình lịch sử hình thành, tồn tại, phát triển và diệt vong của chế độ phong kiến của Nhật Bản. Liên quan đến tầng lớp võ sĩ thời Cận thế là sự xuất hiện của chế độ Nhiếp chính và lãnh chúa phong kiến lớn (Daimyo). Hầu hết các Tướng quân và lãnh chúa lớn đều thuộc tầng lớp võ sĩ, do đó có vị thế quan trọng trong cơ cấu xã hội là đương nhiên. Và, cùng với sự tồn tại của hai hệ thống chính quyền thì sự phát triển rồi suy tàn của tầng lớp võ sĩ để nhường chỗ cho sự vươn lên của tầng lớp thương nhân đã tạo nên những nét đặc trưng trong cơ cấu xã hội Nhật Bản thời Cận thế. Đây thật sự là những cơ sở xã hội quan trọng khi Nhật Bản bước vào thời Cận đại (1868 - 1945), giai đoạn mở đầu của quá trình phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa ở quốc gia này.

 

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại học sư phạm, Lịch sử Nhật Bản, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội, 1995.

2. George Sansom, Lịch sử Nhật Bản, tập II, III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, 1990.

3. Japan: Profile of a nation. Kodansha International. Tokyo - New York - London, 360P.

4. Japan a country study. Ed. By. F. M Bunge - Wanshington: Foreign Area Studies, 1983.

5. Richard Bowring và Peter Kornicki, Bách khoa thư Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, 1995.

 

 

 

 

 

0thảo luận