Trang chủ

KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU 2008: TRƯỜNG HỢP HÀN QUỐC

Đăng ngày: 14-05-2013, 03:27 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 3

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 (KHTC 2008)  khởi đầu từ Mỹ đang ngày càng lan rộng và đe doạ nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khác về bản chất với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á cách đây 10 năm, cuộc khủng hoảng này đang là thực tế đau đớn và thách thức lý luận về quan hệ giữa thị trường tự do và quản lý nhà nước trong cấu trúc vận hành kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu.

Căn nguyên khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á được nhìn nhận như là sai lầm từ quản trị tài chính công và quản trị công ty với sự lan  tràn “chủ nghĩa tư bản thân quen”, bất chấp các nguyên tắc quản trị tài chính và chuẩn mực kế toán quốc tế. Điều này đã bị phê phán kịch liệt bởi các chuyên gia kinh tế phương Tây hàng đầu. Trước sai lầm, nhiều quốc gia lâm nạn đã nhanh chóng điều chỉnh và cuộc cách mạng quản trị thực sự đã diễn ra tại một số nền kinh tế mới nổi. Do không phải là đầu tầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế Châu Á đã dần dần dập tắt lây lan và kết quả tích cực đã chứng minh cho nỗ lực của họ. Hàn Quốc là một trong những nước đã vượt lên khủng hoảng một cách ngoạn mục!

Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 được nhìn nhận như sai lầm của việc kỳ vọng thái quá vào vai trò của thị trường mà giảm thiểu vai trò điều tiết của nhà nước.  Người ta bắt đầu hồ nghi và phản bác “ý tưởng cho rằng thị trường luôn luôn đúng, thậm chí đây là ý tưởng điên rồ” (Nicola Sarkozy, Tổng thống Pháp). Cho vay tràn lan để kích thích chi tiêu , từ đó làm đà cho tăng trưởng kinh tế đã khiến cho việc chi trước trả sau trở thành thói quen và không được cảnh báo rủi ro một cách nghiêm túc . Hơn thế, chi dùng vào mua sắm bất động sản - một hình thái không dễ chuyển đổi thành tiền thực - khi giá trị của chúng không còn nhiều lợi nhuận như kỳ vọng thực tế đã gây đổ vỡ kinh hoàng. Sự đổ bể xảy ra khi mà các ngân hàng đã vay mượn lẫn của nhau, hoạt động kinh doanh của chúng bó bện vào nhau khiến cho sự bất ổn trở thành hệ thống chứ không phải là cục bộ như ở Châu Á 10 năm về trước. Các khoản cầm cố bất động sản không chỉ nằm ở nước Mỹ mà đã theo đà tự do hoá tài chính được xuất khẩu sang các nước khác. Kết quả đã thổi phồng giá bất động sản trung bình ở Mỹ lên cao hơn thực tế từ 50% đến 70%. Điều tồi tệ đã xảy ra ! Mô hình kinh tế Anh - Mỹ (Anglo Saxon model) thế giới đang bị xem xét lại một cách gay gắt . Trong tương lai, lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ phải ngồi lại với nhau để xem xét vấn đề muôn thủa : mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường !

Điều đáng nói là tâm bão tài chính nằm ở các nền kinh tế đầu tầu. Triển vọng nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái năm 2009 tương đối khó tránh và khả năng ra khỏi khủng hoảng có thể không trước 2010. Sự chao đảo của các thị trường tài chính và hao hụt tài sản lớn xảy ra khiến cho sức mua ở các thị trường chủ lực không còn sôi động, kéo theo suy giảm nhập khẩu và tất cả các nền kinh tế hướng ngoại Châu Á – khu vực mà điểm đến xuất khẩu hàng đầu của họ là thị trường các nước công nghiệp phát triển - không tránh khỏi tổn thương. Hàn Quốc không phải là trường hợp ngoại lệ !

Những thành tựu kinh tế Hàn Quốc trong thập kỷ đầu thế kỷ 21 (thể hiện qua bảng các chỉ số kinh tế và xuất khẩu) tương phản với mức độ tổn thương nghiêm trọng hiện nay.

 

 

Một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản của Hàn Quốc

 

 

2000

2006

2008

GDP (tỷ usd)

511,7

888,0

940,0

Tăng trưởng trung bình năm (%)

8,5

5,0

4,2*

Gía trị gia tăng trong nông nghiệp (% GDP)

5

3

 

Giá trị gia tăng trong công nghiệp (% GDP)

41

40

 

Giá trị gia tăng trong dịch vụ (% GDP)

54

57

 

Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ (% GDP)

41

43

 

Nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ (% GDP)

38

42

 

Thương mại hàng hóa (%GDP)

65

71,5

 

Tổng hình thành vốn (% GDP)

31

30

 

Ghi chú : (*) Dự báo của OECD

Nguồn : The World Bank, The Little Data Book 2008, Washington DC

 

 

Tác động đến Hàn Quốc: hưởng lợi và chịu bất lợi

Với độ mở kinh tế khá cao, trong khi bạn hàng thương mại chủ yếu là Mỹ và EU , kinh tế Hàn Quốc đã chịu tác động trực tiếp của KHTC toàn cầu 2008 cùng với nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Dù được hưởng lợi từ giá dầu lửa xuống thấp, kinh tế Hàn Quốc chịu những bất lợi khá lớn, chủ yếu qua 2 kênh thương mại quốc tế và đầu tư tài chính.

Là quốc gia nhập khẩu dầu lửa lớn thứ 8 trên thế giới (chiếm 6% tổng lượng dầu lửa tiêu thụ của thế giới), trong đó hơn 80% từ Trung Đông, nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc 97% vào nguồn nhập khẩu năng lượng tự nhiên. Nửa đầu năm 2008, giá dầu tăng cao khiến nền kinh tế lao đao, thâm hụt cán cân vãng lai tăng rất mạnh. Tuy nhiên, khi cuộc KHTC 2008 bắt đầu gây hiệu ứng lan tỏa, giá dầu trên thế giới giảm mạnh lại là dấu hiệu may mắn cho nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Á. Hưởng lợi từ yếu tố giá dầu và nguyên liệu thô có xu hướng giảm mạnh từ giữa năm 2008 đến nay, từ cuối tháng 10/2008, cán cân thương mại đã đạt số dư đầu tiên sau 5 tháng liên tiếp thâm hụt. Xuất khẩu tháng 10/2008 đạt 37,89 tỷ usd, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu đứng ở mức 36,67 tỷ usd, tăng 12%; dự báo, thặng dư thương mại sẽ tiếp tục đạt khoảng 4 tỷ usd trong 2 tháng còn lại khi mà giá dầu vẫn tiếp tục đứng ở mức thấp. Xu hướng này góp phần làm dịu bớt mối lo ngại về cán cân vãng lai và sức khỏe của nền kinh tế, tài chính trong nước.

Là nền kinh tế hướng về xuất khẩu, Hàn Quốc có thế mạnh về chế tạo sản phẩm công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao. Năm 2007, GDP của nước này đạt 900 tỷ usd, đứng thứ 12 trên thế giới. Cách đây vài tháng, Hàn Quốc cùng với một số nền kinh tế mới nổi Đông Á còn được coi là chỗ dựa cho tăng trưởng toàn cầu nhờ tình hình kinh tế được cải thiện tích cực sau điều chỉnh cơ cấu hậu khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á 1997-98. Tuy nhiên, có một thực tế là các ngân hàng Hàn Quốc, cũng giống như nhiều ngân hàng ở Brazil, hay Hungari, đã vay ngoại tệ như nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp chế tạo. Khi hàng xuất khẩu không thể tiêu thụ như dự kiến, tình trạng khan hiếm tiền để trả nợ đáo hạn đã xảy ra , đồng thời với nhiều khoản tín dụng bị đóng băng.

Tổn thất doanh thu xuất khẩu của Hàn Quốc là vấn đề hết sức nóng bỏng. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc, là điểm đến của 13% tổng giá trị xuất khẩu năm 2007 , do tiêu dùng ở Mỹ đình đốn, cho dù đồng won mất giá cũng không đủ để bù đắp thất thiệt trong xuất khẩu sang thị trường quan trọng này. Trong khi với đối tác thương mại lớn thứ 4 là Nhật Bản (chiếm 10% tổng xuất khẩu), Hàn Quốc  luôn ở thế  thâm hụt thương mại, con số này đã lên đến 81tỷ usd năm 2007. Nguyên nhân chính là vì Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập nguyên phụ liệu , phụ tùng dành cho các sản phẩm xuất khẩu với cơ cấu tương tự như Nhật Bản. tình trạng mất giá đồng won càng làm cho thâm hụt thương mại song phương nghiêm trọng hơn. Quan hệ thương mại Trung – Hàn nghiêng về phía thuận lợi cho Hàn Quốc với số thặng dư mậu dịch lên đến 15tỷ usd năm 2007. Tuy nhiên, về giá thành sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc không cạnh tranh được với Trung Quốc . Điều này đẩy nền công nghiệp Hàn Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan liên quan đến công nghệ : Trung Quốc đuổi sát cạnh tranh trong khi Hàn Quốc không thể vượt qua Nhật Bản.

Với tổng giá trị xuất nhập khẩu  tương đương 70% GDP, Hàn Quốc là nền kinh tế có độ mở không nhỏ đang ở trong tình thế “trên đe, dưới búa”. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã theo đó làm hao tổn tiềm lực kinh tế của Đại Hàn và làm hỏng kế hoạch đầy tham vọng tăng trưởng 7%/năm trong vòng 10 năm tới nhằm đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn với thu nhập quốc dân 40.000đôla /người so với năm 2007 là 17.000usd/người. Năm 2008, Hàn Quốc công bố đạt giá trị xuất khẩu 400 tỷ usd – đây là con số gây ấn tượng trong điều kiện kinh tế kém thuận lợi, tuy nhiên cần phải thừa nhận rằng, sự giảm giá đồng won đã có lợi cho xuất khẩu, tỷ giá hiện nay làm tăng giá trị xuất khẩu lên hơn 20%.

Dù không là vấn đề gay cấn với một quốc gia có dự trữ ngoại hối lên đến 240 tỷ usd, nhưng dự trữ ngoại tệ giảm 27 tỷ usd trong tháng 10/2008 đang gây lo ngại. Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán giảm hơn 30%, đến 8/10 chỉ số Kospi giảm tới 66,9%, rơi dưới ngưỡng tâm lý 1000 điểm. Giá đồng won so với đôla Mỹ diễn biến bất lợi lên đến 1.395w/usd, nội tệ giảm sút nghiêm trọng đến 33% so với hồi tháng 6/2008 khiến cho giá thành các sản phẩm Mỹ nhập khẩu vào Hàn Quốc trở nên đắt đỏ (xem 2 biểu đồ dưới). Tác động xấu truyền dẫn từ khủng hoảng tài chính Mỹ đến kinh tế Hàn Quốc biểu hiện ở đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư Hàn bị hao hụt tài sản khi cổ phiếu họ sở hữu là các ngân hàng cũng như công ty lớn bị mất giá trên thị trường chứng khoán trong và ngoài Hàn Quốc. Cùng với đà sụt giảm chỉ số chứng khoán trên thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu, chỉ số KOSPI không tránh khỏi thảm họa.

 

 

 

Tổng cầu nội địa sụt giảm khiến tốc độ tăng trưởng GDP liên tục được dự đoán với mức sau thấp hơn mức trước. Ngân hàng TƯ Hàn Quốc tháng 9/2008 đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống chỉ có thể đạt 4,6% trong năm 2008 và xuống chưa đầy 4% năm 2009 do hứng chịu tác động của các cơn chấn động tài chính toàn cầu, một mức thấp hơn nhiều so với dự báo hồi đầu năm 2008. Thậm chí nhóm think-tan của chính phủ Hàn Quốc còn đưa ra mức dự báo u ám về tăng GDP năm 2009 có thể chỉ còn 3,3% nếu đà suy thoái kinh tế Mỹ không được ngăn chặn.

Về thực chất, câu chuyện thành công của kinh tế Hàn Quốc là ở chỗ đầu tư trong nước dựa vào nguồn vốn và tiền vay bên ngoài để phát triển. Khi dòng chảy này diễn ra bình thường, mọi chuyện diễn biến thuận lợi, thành công là tất yếu. Nhưng khi dòng vốn này khô cạn nhanh chóng, sự sa sút và đổ vỡ không tránh khỏi. Khi dự kiến tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao nhờ dựa vào thị trường bên ngoài, Hàn Quốc chưa tính được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang xấu đến mức nào đối với họ . Riêng tháng 10/2008, theo số liệu của Ngân hàng trung ương , có đến 321 công ty tuyên bố phá sản (so với tháng 9 là 203 công ty) – đây là mức phá sản cao nhất kể từ tháng 3/2005.

Sự sụt giảm tài sản trên thị trường chứng khoán Mỹ khiến cho nhiều thể chế tài chính  Hàn Quốc thua thiệt theo. Theo Uỷ ban giám sát tài chính, các tổ chức tài chính Hàn Quốc đã đầu tư 2,72 tỷ usd vào Merill Lynch; Korean Investment Corporation (KIC) sở hữu 2 tỷ usd giá trị cổ phiếu ưu đãi của Merill Lynch vào tháng 1/2008, đến cuối tháng 7, giá trị cổ phiếu này sụt xuống chỉ còn 88,5 triệu usd ( cần lưu ý là KIC là cổ đông lớn thứ 3 sau Công ty sở hữu tài sản nhà nước Temasek của Singapore và Kwait Investment Authority tại ML) . Cũng theo Uỷ ban giám sát tài chính , các tổ chức tài chính Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng 720 triệu usd vào Leman Brother. Điều tồi tệ nhất xảy ra đối với các đế chế tài chính cũng là điều tệ hại đối với các thể chế tài chính Hàn Quốc.

Một thua thiệt nặng nề hơn xảy ra với The National Pension System là thể chế này đã đầu tư tới 17% trong tổng tài sản trị giá tới 227 ngàn tỷ won vào chứng khoán trong và ngoài nước và 80% tài sản của họ vào trái phiếu địa phương và nước ngoài. NPS đã phải chịu thua lỗ đến 66% trong tổng tài sản 72,2 triệu usd vào 3 tổ chức Merill Lynch, Leman Brother và AIG. Hầu như tất cả các quỹ hưu trí, quỹ đại học tổng hợp (university funds) …đều không chỉ lo ngại mà còn hoảng loạn do thất bại kinh doanh chứng khoán gây đổ vỡ tài sản của họ.

Hệ lụy xã hội gián tiếp từ khủng hoảng tài chính là vấn đề thất nghiệp gia tăng trong quý III/2008. Hiện nay có hơn 1,35 triệu lao động trong độ tuổi từ 20 đến 30 thất nghiệp và đang ráo riết tìm việc làm. Hoạt động kinh doanh giảm sút khiến cho mức tuyển mới của 600 doanh nghiệp giảm trung bình từ 29 xuống còn 26 nhân viên/doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước đều hoãn tuyển dụng nhân viên đồng thời giảm tuyển dụng nhân viên mới trung bình từ 25 xuống còn 20 người/doanh nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc hiện nay khoảng 3%-4%, con số này không cao so với các nước Âu, Mỹ nhưng điều đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 29 lên đến 7% - 8%. Sức ép xã hội của vấn đề thất nghiệp trong điều kiện kinh tế trong nước bất lợi cho tăng trưởng thực sự là bài toán nan giản về điều hành vĩ mô nhằm đưa Hàn Quốc thoát khỏi khủng hoảng.

Giải pháp đối phó

Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một kế hoạch tổng thể nhằm ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chi tiết các giải pháp được chia thành 3 nhóm  :

i/ Các giải pháp ổn định thị trường ngoại hối và tài chính

a)  Để bảo vệ đồng won, Hàn Quốc nhận được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với  FED lên tới 30 tỷ usd với điều kiện cho phép đồng nội tệ Hàn Quốc chuyển đổi sang đôla Mỹ đồng thời tiến hành thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với Trung Quốc và Nhật Bản trên cơ sở sáng kiến Chiang Mai nhằm tăng thêm sức chống đỡ cho đồng won . Đây là những động thái hỗ trợ quan trọng và được hoan nghênh bởi giới đầu tư Hàn Quốc, nó giúp cho Hàn Quốc tránh khỏi rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ khi các doanh nghiệp đối mặt với mức độ giảm giá của đồng won và cần vốn thanh toán tín dụng đến ngày đáo hạn, đồng thời cứu các ngân hàng khỏi rơi vào khủng hoảng thanh khoản.

b) Chính phủ tăng cường thêm từ 15 ngàn tỷ won lên 20 ngàn tỷ won cho Quỹ bình ổn ngoại hối.

c)  Chính phủ tăng cường nỗ lực cải thiện cán cân vãng lai bằng cách hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu. Kiên quyết theo đuổi các cuộc đàm phán FTA với EU và Ấn Độ nhằm khai thông các điểm đến nhiều hơn cho hàng xuất khẩu Hàn Quốc.

d) Bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài của các ngân hàng trong nước.Giảm gánh nặng trả lãi suất cho ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ sẽ đàm phán với Ngân hàng TW giảm tỷ suất lãi và trợ giúp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua kế hoạch bơm tiền cho Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc lên đến 12 ngàn tỷ won (8,3 ngàn usd) trong năm 2009 nhằm giải cứu khó khăn vốn của khu vực này, con số này cao hơn 20% so với dự kiến ban đầu. Trong điều kiện các công ty lớn gặp khó khăn trong xuất khẩu, việc duy trì sức sống của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ là điếm quan trọng để bảo đảm việc làm và tăng trưởng vốn đã tụt xuống chỉ còn 0,6% vào quý III năm nay.

e)  Cắt giảm lãi suất cơ bản từ 5% xuống còn 4,25%, hạ thấp trần lãi suất xuống 75 điểm % từ 3,25% xuống còn 2,50%, tính cho đến đầu tháng 12/2008, chỉ trong 2 tháng 10 và, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã 4 lần hạ lãi suất với biện độ lớn can thiệp vào thị trường tiền tệ để chống lại sự sụt giá của đồng won, chống lại các hoạt động đầu cơ và kích cầu đầu tư… Đồng thời chính phủ xem xét lại ngân sách năm 2009, tăng thêm 4 tỷ usd cho chi tiêu năm tới.

g)  Chính phủ áp dụng biện pháp hỗ trợ phương tiện thanh toán cho các thể chế tài chính thông qua các thỏa thuận mua lại tài sản, phát hành trái phiếu chính phủ, đa dạng hóa các tài sản tài chính như trái phiếu ngân hàng hoặc các trái phiếu công ty kinh doanh có lãi ( như Korea Land Corporation, Korea Housing Corporation, Small Business Corporation, and Korea Housing Finance Corporation). Những biện pháp này đồng thời cải thiện nhịp độ giao dịch trên thị trường bất động sản và tăng cường năng lực tài chính cho các thể chế này tham gia vào thị trường chứng khoán.

ii/ Các giải pháp kích thích nền kinh tế

Tăng cường các chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy cầu tiêu dùng trong nước. Chính phủ đưa gói cứu trợ 14 ngàn tỷ won vào thúc đẩy chi tiêu tài khóa bao gồm 11 ngàn tỷ dành cho chi tiêu công và 3 ngàn tỷ won cho việc giảm thuế. Đối tượng được hưởng kích thích cầu tiêu dùng trong nước bao gồm: những người có thu nhập thấp, xây dựng các công trình hạ tầng cấp thiết, giảm căng thẳng vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ cho các hộ nông dân, ngư dân và các nhà kinh doanh nhỏ lẻ

Chính phủ quyết định hỗ trợ thuế, dãn thời hạn trả thuế cho nhiều công ty xây dựng, trợ giúp tín dụng cho các công ty xây dựng bằng cách bảo lãnh tín dụng hợp đồng xây dựng chính phủ lên đến 30 tỷ won/công ty…Tất cả nhằm làm sống lại thị trường bất động sản và các hoạt động xây dựng, kích cầu đầu tư trong nước để ngăn cản đà suy thoái.

iii/ Khuyến khích đầu tư thông qua cải cách các quy định

Với quan điểm là khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp, chính phủ Hàn Quốc sẽ giảm nhẹ và giảm bớt những quy định quá mức liên quan trực tiếp đến môi trường, sử dụng đất và các vấn đề lao động.

Trong chương trình tổng thể chống lại khủng hoảng toàn cầu, chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - khu vực quan trọng giúp cho tăng trưởng kinh tế cũng như giảm sức ép thất nghiệp .

Chính phủ yêu cầu các ngân hàng nhà nước cung ứng vốn cho các SME để các doanh nghiệp này tránh khỏi bẫy phương tiện thanh toán.

Bảo lãnh tín dụng cho những SME nào đang gặp khó khăn về thanh khoản.

Mở rộng bảo hiểm vay tín dụng ngoại tệ và bảo lãnh vay đối với các khoản vay để xuất khẩu của các SME. Chính phủ cung ứng trợ giúp tài chính , giáo dục, hỗ trợ tư vấn, các dịch vụ khởi động kinh doanh cho các SME.

Chính phủ tăng cường các biện pháp giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên bằng cách mở rộng chương trình thực tập và khuyến khích các chương trình đào tạo nghề cho số lao động trẻ.

Hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo, khuyến khích các công ty card hạ thấp phí “credit card” đối với các nhà bán lẻ.

Có thể nói, chính phủ Hàn Quốc đã điều hành vĩ mô một cách quyết liệt và mềm dẻo khi cần thiết nhằm duy trì đà tăng trưởng cao nhất có thể trong điều kiện thị trường thế giới diễn biến bất lợi cho xuất khẩu của hàng hóa và dịch vụ Hàn Quốc. Tập hợp chính sách tổng thể như trên sẽ giúp nước này tránh khỏi suy thoái kinh tế và lợi dụng đà này cấu trúc lại nền kinh tế của họ theo hướng nâng cao chất lượng hơn nữa.

Một số nhận xét

Về triển vọng của kinh tế Hàn Quốc: Năm 2009 sẽ chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế đến mức đáy, khoảng 2,5% đến 3%. Dù chưa rơi vào suy thoái, nhưng đây là sự đảo lộn tồi tệ nhất đối với Hàn Quốc  kể từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á 1997-98.

Có cơ sở để nhận định nền kinh tế Hàn Quốc chỉ giảm sút đà tăng trưởng mà không rơi vào suy thoái :

Sự khác nhau về bản chất của tác động khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đối với Hàn Quốc. Sự chao đảo hiện tại không phải xuất phát từ những sai lầm quản trị công và quản trị công ty như 10 năm về trước mà là tác nhân bên ngoài dội vào.

Các chỉ số vĩ mô vững chắc hơn chứng tỏ sức khỏe của nền kinh tế Hàn Quốc đủ để chống đỡ với những chấn động và tránh khỏi sụp đổ. Cách đây 10 năm, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc chỉ là 8,4 tỷ usd, hiện nay con số này là 240 tỷ usd (tương đương 10 tháng nhập khẩu). Năm 1997, tổng nợ nước ngoài lên đến 1.957%, hiện nay chỉ là 173% ; nợ xấu của hệ thống ngân hàng Hàn Quốc hiện nay chỉ là 0,6% tổng dư nợ so với 6% thời kỳ 1997-98 (5% tổng dư nợ là ngưỡng báo động nguy hiểm). Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong suốt 7 năm gần đây đều đạt mức cao từ 5% đến 7% chứng tỏ sự phục hồi vững chắc và đảm bảo nền tảng cho quốc gia tránh khỏi suy thoái.

Khai thông thị trường thay thế. Năm 2007, thị trường Trung Quốc và ASEAN chiếm 22,1% và 10,4% tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc. Thương mại Trung – Hàn đang nghiêng về phía thuận lợi cho Hàn Quốc với thặng dư mậu dịch lên đến 15 tỷ usd.  Các giải pháp chống lại tác động xấu của khủng hoảng toàn cầu đang thực thi đồng bộ ở  2 nhóm bạn hàng này mở ra triển vọng cải thiện xuất khẩu thay thế phần nào cầu tiêu dùng bị thu hẹp ở các thị trường Mỹ và EU (nơi chiếm tới 13,3% và 15,1% tổng gía trị xuất khẩu của Hàn Quốc) . Chính phủ và người dân có quyền tin tưởng ở những biện pháp chống đỡ của chính phủ. Sự giám sát thường xuyên những diễn biến mới trên thị trường tài chính là đúng hướng, chính sách bảo lãnh các khoản vay nước ngoài của ngân hàng có thể ngăn chặn khả năng suy giảm tính thanh khoản và trong ngắn hạn, thị trường tài chính có thể hồi phục. Nếu các chính sách kích cầu nội địa phát huy tác dụng, cộng với chính sách điều tiết vĩ mô  hỗ trợ, nền kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng chậm lại so với dự kiến, nhưng không lâm vào suy thoái trong năm 2009 và nhanh chóng hồi phục trong vòng 2 năm . Hàn Quốc sẽ không lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ như năm 1997 – 98 nhờ dự trữ ngoại tệ đủ lớn (240 tỷ hiện nay so với 8 tỷ năm 1998) , các chỉ số kinh tế vĩ mô còn mạnh, và quan trọng là họ có những sản phẩm xuất khẩu chủ lực với hàm lượng công nghệ cao . Hiện nay, Hàn Quốc đang sở hữu 127 sản phẩm chất lượng cao hàng đầu thế giới ( như chất bán dẫn, máy thu hình siêu phẳng và điện thoại di động cao cấp...riêng đĩa CD-ROM của Samsung chiếm đến 42% thị phần toàn cầu, tỷ trọng này đối với chất bán dẫn lên đến 49%) Kết hợp với tỷ giá có lợi cho xuất khẩu và chính sách hỗ trợ xuất khẩu tích cực Hàn Quốc đang chuẩn bị đón trước khả năng tham dự vào cấu trúc kinh tế tài chính toàn cầu mới có thể sẽ thay đổi sau cơn địa chấn khủng khiếp này.

Sự đúng đắn của chính sách tài chính tiền tệ và khả năng điều hành chính sách rất linh hoạt của chính phủ .Với việc giám sát thường xuyên những diễn biến mới trên thị trường tài chính là đúng hướng, chính sách bảo lãnh các khoản vay nước ngoài của ngân hàng có thể ngăn chặn khả năng suy giảm tính thanh khoản và trong ngắn hạn, thị trường tài chính có thể hồi phục. Nếu các chính sách kích cầu nội địa phát huy tác dụng, cộng với chính sách điều tiết vĩ mô khác nữa hỗ trợ, nền kinh tế Hàn Quốc có thể nhanh chóng hồi phục trong vòng 2 năm tới. Hàn Quốc đang chuẩn bị đón trước khả năng tham dự vào cấu trúc tài chính toàn cầu mới có thể sẽ thay đổi sau cơn địa chấn dữ dội này.

KHTC toàn cầu không đơn thuần chỉ tác động đến riêng lĩnh vực tài chính, mà sức công phá của nó lan đến tất cả các lĩnh vực khác cũng như ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế trên toàn cầu. Các quốc gia mà xuất khẩu chiếm tỷ trọng trên 50% GDP đều bị tổn thương. Theo ước tính, cứ giảm 1 tỷ đôla xuất khẩu hàng may mặc, sẽ có 500.000  việc làm biến mất. Áp lực xã hội do thất nghiệp sẽ đè nặng lên toàn bộ hệ thống an sinh và gây hậu quả khó lường đến mọi mặt sản xuất và đời sống. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng dây chuyền về phương diện : tiến độ dòng FDI chảy vào chậm, một số công trình bất động sản do Hàn Quốc đầu tư có thể gặp khó khăn về vốn; thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc có thể ngưng trệ và thâm hụt cán cân thương mại 2 bên sẽ nghiêng về thế bất lợi hơn đối với nước ta. Năm 2007, thâm hụt thương mại giữa 2 bên nghiêng về phía bất lợi cho Việt Nam lên đến con số 3,5 tỷ usd, quan hệ thương mại 2 bên mang tính chất quan hệ kinh tế Bắc Nam. Bên cạnh đó, một số tác động khác như lượng du khách Hàn Quốc giảm xuống, đơn đặt hàng sản phẩm may và trang phục, đồ thủ công mỹ nghệ cũng có chiều hướng giảm khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp sản xuất , kéo theo giảm cơ hội việc làm đối với người lao động . Khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế, việc làm và nhân đạo mà chúng ta cần nhận thức để chống đỡ có hiệu quả./.

 

HOÀNG THỊ THANH NHÀN

(PGS.TS, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lee F L , US financial turmoi and impact on Korean Economy, www.keia.org/publications /insight/2008/08pdf

2. Comprehensive policy measures to overcom the ongoing economic crisis, the Ministry of Strategy and Finance, www.korea.net/news /news/news

3. Bản tin thông tấn xã Việt Nam và một số website của thông tấn nước ngoài

4. http://www.korean.net/news/news /news

5. http://sinhvienulsan.net/archive/in dex

 


 

 

 

 

0thảo luận