Trang chủ

TỤC TRỌNG XỈ TRONG VĂN BẢN HƯƠNG ƯỚC CHỮ HÁN TRIỀU TIÊN THỂ KỶ XVII, XVIII

Đăng ngày: 14-05-2013, 03:25 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 3

Từ bao đời nay, con người luôn sống trong những đơn vị tụ cư, dần dần những đơn vị tụ cư ấy được định danh là làng. Khi nhà nước ra đời, làng trở thành đơn vị hành chính với tính tự quản cấp cơ sở của nhà nước. Song song với quá trình hình thành và xuất hiện làng, văn hóa làng cũng ra đời. Một trong những biểu hiện cao quý của văn hóa làng là tục trọng xỉ. Xỉ 齒, nguyên nghĩa Hán Việt là răng, người ít răng là người già. Trọng xỉ, trọng người già, người sở hữu tri thức kinh nghiệm sống và lao động sản xuất. Nguồn gốc sâu xa của nó có xuất phát điểm từ cơ tầng nền sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh tính cần cù chịu khó, người dân luôn trông chờ vào sự ưu đãi của thiên nhiên. Mỗi độ đến mùa, người ta đều cầu cho mưa thuận gió hòa, nhưng để được toại nguyện mà chỉ dựa vào cầu cúng không thì chưa hẳn, yêu cầu thiết yếu nhất là họ phải nắm bắt được quy luật chuyển mùa của tự nhiên. Và như thế, chỉ có người già mới tích lũy được vốn kinh nghiệm này sau quá trình vật vã với thời gian. Người cao tuổi bắt đầu trở thành trụ cột cho niềm tin, sự hãnh diện và lòng tôn trọng của dân làng.

Chịu ảnh hưởng sâu đậm từ những triết lý Nho giáo của Trung Quốc, trong quan niệm của người Triều Tiên và người Việt Nam xưa kia luôn luôn tồn tại hai khái niệm đối lập nhau:“xỉ tước” (tước phẩm nhờ tuổi tác) còn gọi là “thiên tước”“quan tước”(tước phẩm nhờ quan trường), hay dân gian truyền tụng câu: “triều đình thượng tước, hương đảng thượng xỉ” (triều đình xem trọng chức tước, hương đảng xem trọng tuổi tác). Tục trọng xỉ bắt đầu được định hình dần với sự hình thành và phát triền văn hóa làng. Tùy theo điều kiện, quan niệm của từng dân tộc mà nó được biểu hiện khác nhau. Theo nhịp sống của xã hội hiện đại, biểu hiện của nó có phần mờ nhạt, cơ hồ bị xé toạc bởi lối sống phóng túng của lớp trẻ, thậm chí là sự méo mó nhân cách đang trỏ thành vấn đề gây nhức nhối cho nền giáo dục nước nhà. Dấu vết còn sót lại mà ngày nay chúng ta có thể khảo cứu được rõ ràng nhất là các văn bản hương ước chữ Hán trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chọn hai văn bản hương ước chữ Hán của Triều Tiên thế kỷ XVII và một văn bản ở thế kỷ XVIII làm tư liệu dẫn chứng, cụ thể là:

- An Đông hương ước viết năm 1602

- Mật Dương hương ước viết năm 1648

- Bàn Khê hương ước viết giữa thế kỷ XVIII

Trước hết, căn cứ để định ra cách ứng xử giữa người với người là độ tuổi. Về vấn đề này, cả hai bản hương ước chữ Hán Triều Tiên thế kỷ XVII đều chung một quy định. Tác giả văn bản không đưa ra độ tuổi cụ thể mà lấy tuổi bản thân làm cột mốc đối chiếu tuổi đối phương:

“Người trong hương gấp đôi tuổi mình, mình phải đối xử với họ như cha. Người lớn hơn mình mười tuổi phải đối xử với họ như anh. Người lớn hơn mình năm tuổi phải kính trọng họ. Gặp bạn bè của cha thì phải vái chào. Người lớn hơn mình mười tuổi tuy ở nơi ngõ vắng gặp họ mình phải hành lễ thượng bái. Người trong hương lớn hơn mình mười lăm tuổi gặp họ mình phải hành lễ thượng bái”

Sang thế kỷ XVIII, trên cơ sở tiếp thu An Đông hương ướcMật Dương hương ước, tác giả văn bản đã đưa ra cách tính cụ thể hơn:

“Các bậc tôn giả, những người được dân làng tôn kính, ý chỉ những người lớn hơn ta từ hai mươi tuổi trở lên, những người cùng hàng với cha mình. Nếu như là con em của thầy tuy tuổi không cao nhưng phải đối xử như các bậc tôn giả.

Các bậc trưởng thượng ý chỉ những người lớn hơn ta từ mười tuổi trở lên, cùng hàng anh mình. Nếu các bậc trưởng thượng là bạn bè của cha hoặc là người có đức vị tôn quý thì nên dùng lễ của các bậc tôn giả để đối đãi với họ.

Những người ngang hàng chỉ những người tuổi không nhiều, không thấp hơn ta mười tuổi. Lớn hơn mười tuổi là các bậc trung niên, nhỏ hơn là thanh niên.

Thiếu niên chỉ những người nhỏ hơn ta từ mười tuổi trở xuống.

Trẻ em chỉ những người nhỏ hơn ta từ hai mươi tuổi trở xuống. Tuổi tuy nhỏ nhưng nếu là người có đức hạnh đáng quý thì mình phải tôn kính và đối đãi với họ như những người bằng vai phải lứa với mình”

Như vậy, đủ để thấy tuổi tác chiếm một vị trí quan trọng như thế nào trong giao tiếp, hễ ai khinh suất lập tức bị cả cộng đồng lên án. Sống trong môi trường làng, từ khi sinh ra đến khi từ giã cõi đời này, ai cũng phải nhớ nằm lòng quy tắc bất di bất dịch ấy. Giống như làng xã Việt Nam, điều đó có nghĩa là, cư dân làng tiến thân không phải “bằng cách tích lũy của cải vật chất, (không phải bằng ruộng đất hay bằng cách chạy chọt một chức vụ chính quyền, một phẩm hàm do nhà nước quân chủ ban cấp), mà tiến thân bằng tuổi tác”. Việc đưa ra cách ứng xử giữa người với người từ phạm vi nhỏ là gia đình đến hương đảng theo nguyên tắc trọng xỉ là bước tập dượt và hoàn thiện dần nhân phẩm của con người theo hướng chân – thiện – mỹ, từ đó hướng họ đên cách thờ vua sao cho phải đạo. Trọng xỉ trong hương ước chữ Hán Triều Tiên thế kỷ XVII, XVIII được xét đến ở một số điểm cơ bản sau:

1. Sự tôn kính

Đây là yêu cầu tất yếu đầu tiên. Sự tôn kính này được các tác giả văn bản gói gọn trong khái niệm đức nghiệp 德 業:

- Tôn kính trưởng thượng (An Đông hương ước)

- Tôn kính trưởng thượng (Mật Dương hương ước)

- Kính trưởng thượng (Bàn Khê hương ước)

Đức nghiệp được xem như khung sườn đúc rút ra những con người có đầy đủ phẩm hạnh phù hợp với mỹ quan của cộng đồng, mang ý thức hệ Nho giáo. Sự tôn kính của người ít tuổi hơn đối với người lớn tuổi hơn, mặt khác còn thể hiện sự biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ trước đã có công truyền dạy những kinh nghiệm quý báu của bản thân, giúp thế hệ sau thích ứng trước sự thay đổi của hoàn cảnh sống. Không nói một cách chung chung, tác giả văn bản đã cụ thể hóa lòng tôn kính bằng những hành động thiết thực thông qua cách chào hỏi, mời mọc, tiễn đưa… Khi gặp họ ngoài đường phải vái chào như thế nào, không được tự tiện cười nói ngã nghiêng, khi không được hỏi đến thì không được phép trả lời… Theo đó, đưa ra quy tắc:

“Gặp người lớn tuổi áo phải sửa ngay ngắn, vái chào phải cung kính” (Mật Dương hương ước)

“Phàm khi gặp các bậc tôn giả, trưởng giả đi dạo ở ngoài đường thì phải nhanh bước đến vái chào. Nếu các bậc tôn giả, trưởng giả hỏi chuyện thì trả lời, nếu không thì đứng ngay sang một bên đường để đợi các bậc tôn giả, trưởng giả đi qua mình vái chào rồi tiếp tục đi tiếp. Nếu mình cưỡi ngựa ở chỗ các bậc tôn giả thì quay lại mà tránh còn nếu không kịp quay lại tránh thì phải xuống ngựa đi bộ để đợi và khi các bậc tôn giả cố nài mình lên ngựa thì phải theo lệnh. Đối với bậc trưởng giả đi ngựa thì mình phải đứng một bên đường vái chào, đợi đến khi các bậc trưởng giả đi qua mình lại vái chào lần nữa rồi mới đi tiếp. Nếu mình đi bộ mà các bậc tôn giả, trưởng giả đi ngựa thì mình phải quay lại mà tránh còn như mình đi bộ nếu gặp người có chức quyền cưỡi ngựa thì mình cũng phải làm theo những điều như trên. Nếu mình cưỡi ngựa còn các bậc tôn giả, trưởng giả đi bộ thì mình phải đến thưa, xuống ngựa vái chào rồi tránh qua một bên. Cũng như vậy nếu mình muốn đi tiếp phải đợi các bậc tôn giả, trưởng giả đi xa rồi mới lên ngựa.” (Bàn Khê hương ước)

Và khi các bậc tôn trưởng đến nhà làm khách thì cách mời đón họ cũng khác. Mời họ thì đích thân chủ nhà đến mời, dù có bận đến mấy cũng phải tự mình đi mời không được nhờ người khác thay. Khi các bậc tôn trưởng đến nhà thì con cháu trong nhà phải xin ra chào hỏi đúng lễ tiết mới thể hiện được sự trọng xỉ tuyệt đối ở mọi lúc mọi nơi. Nhất là sẽ phạt nặng những ai có thái độ bất kính. Sức mạnh của hương ước đôi khi còn được bảo trợ bằng dư luận. Sự chê cười của dân làng là cách chế tài còn nghiệt ngã hơn nhiều so với hình phạt bằng roi, cắt bỏ hộ tịch hay trục xuất khỏi hương... Có thể nói, giống như Việt Nam, vai trò của bậc trưởng thượng trong sinh hoạt làng xã là tối trọng, là trụ cột uy thế bảo vệ làng. Bậc trưởng thượng được dân làng ngưỡng vọng tuyệt đối, như thước đo giá trị về đức độ và phẩm hạnh để từ đó họ tự răn mình.

2. Chính sách ưu đãi

Tục trọng xỉ đã ăn sâu vào tâm thức và nghiễm nhiên trở thành một phần không thể thiếu trong cách đối nhân xử thế của cư dân làng. Vì vậy, trọng xỉ nếu chỉ dừng lại ở sự tôn kính thôi chưa đủ. Thế nên, khi lập ra hương ước, tác giả văn bản đã quan tâm đến việc đưa ra những ưu đãi riêng dành cho các cụ. Trước hết là vị trí ngôi thứ trong các kỳ hội họp, yến ẩm của hương. Thứ đến là việc xử phạt.

Suốt thời gian dài trong lịch sử giáo dục của hai nước đồng văn, đã từng du nhập và sử dụng chữ Hán như một quốc ngữ, Triều Tiên và Việt Nam đã học, thi cử theo Nho học, tiếp thu triệt để sách vở thánh hiền để rèn giũa nhân cách, trao dồi kiến thức, trên nữa là đỗ đạt làm quan. Do từ bé sống trong cái nôi của gia đình và hương đảng, dù đã là quan triều đình thế nhưng khi về làng (làng mình hay làng khác) vẫn phải kiêng dè, nể trọng các bô lão như trước kia.

Tùy tập tục từng làng, các cuộc hội hè yến ẩm của hương được tổ chức ở các thời đểm khác nhau vào hai mùa xuân và thu. Mục đích của những cuộc hội họp này không ngoài việc trao tuyền kinh nghiệm của thế hệ trước cho thế hệ sau. Chủ trì cuộc hội họp là các bô lão trong làng và các quan chức. Đến đây, chúng tôi xin dẫn sơ đồ bố trí chỗ ngồi đầy đủ nhất trong bản Mật Dương hương ước:

 

Sơ đồ phân bố chỗ ngồi trong các kỳ hội họp hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Thứ bậc ngôi thứ trong hương đảng thể hiện vị trí cùng những lợi ích vật chất, tinh thần và uy thế của từng cá nhân. Bậc tôn trưởng ngồi ở ngôi thứ cao, họ được xếp ngang hàng với quan phụ trách quản lý hương và quan do triều đình bổ nhiệm, đôi khi còn có những điều lệ quy định riêng cho họ là không phải đáp chào trong một số trường hợp, việc này đã có quan Ước Chính đảm trách. Các bậc tôn trưởng còn được hưởng thêm quyền lợi trong khi yến ẩm, tế tự của hương: “Người 60 tuổi ngồi, người 50 tuổi đứng hầu để làm rõ thứ bậc tôn trưởng. Người 60 tuổi được dâng ba đậu đựng đồ cúng, người 70 tuổi được dâng bốn đậu đồ cúng, người 80 tuổi được dâng năm đậu đồ cúng, người 90 tuổi được dâng sáu đậu đồ cúng là để nói rõ cách phụng dưỡng người già”. Tác giả văn bản lý giải thêm rằng để trở thành người có hiếu đễ thì yêu cầu trước hết là phải biết tôn kính và nuôi dưỡng người cao tuổi: “Dân vào thì hiếu đễ, ra thì tôn kính các bậc trưởng thượng, nuôi dưỡng người già sau mới thành người có giáo dục. Trở thành người có giáo dục sau đất nước mới có thể an định”. Không chỉ trong hương đảng, người cao tuổi cũng được triều đình quan tâm đến:

“- Trong lí ai thọ cao báo lên quan

- Ai thọ cao báo lên quan”

Tác giả văn bản lập luận: Các bậc tiên vương ngày trước cũng căn cứ vào tuổi tác để định thứ bậc trên dưới trong khi lập ra pháp luật và lễ nghi cho đất nước. Ngoài ra, người cao tuổi còn được chiếu cố đến trong việc xử phạt. Nếu chẳng may xảy ra chuyện “anh em đấu đá nhau anh sai, em đúng đều phạt, đúng hay sai cùng chịu một nửa, anh phạt nhẹ, em phạt nặng. Anh đúng, em sai chỉ phạt tội em”. Nói như vậy có nghĩa là “trong mọi trường hợp bất luận phân xử đúng sai thế nào thì phần thắng cũng luôn thuộc về người anh, người có tuổi cao hơn. Biện pháp răn đe này khiến cho những người làm em luôn bị thiệt thòi khi phán xử nhưng lại đảm bảo quyền lợi vĩnh viễn cho những ai may mắn được sinh ra trước làm anh”.

Những hình phạt kê trong hương ước mang tính bắt buột đối với mọi thành viên. Thế nhưng với tục trọng xỉ, người ta không thể phạt bậc trưởng thượng được. Thay vì chịu phạt theo quy định thì họ nhận được sự khoan hồng:

“Thông thường những người tuổi già sức yếu bị bệnh không thể chịu phạt roi được thì phế bỏ mũ và sai con mình chịu phạt thay”

Về điểm này, trong hương ước Việt Nam cũng đưa ra các ưu đãi tương tự. Ở làng xã Việt Nam, lên lão là một trong những vinh dự lớn lao của đời người. Người đủ tuổi lên lão (thường là 50 hay 55 tùy tập tục từng làng) được thụ hưởng sự trọng vọng của dân làng, họ nghiễm nhiên nhận sự ưu đãi về vị trí ngôi thứ ở đình trung trong các kỳ hội họp hay được miễn một số nghĩa vụ lao dịch khác, thậm chí có làng cò dành cả ruộng lão điền để cấp cho các cụ. Với tư tưởng xuất lão vô sự, cả Triều Tiên và Việt Nam đã tạo một thế đứng vô hình cho các cụ. Các cụ bấy giờ tham gia vào việc phán bảo, tư vấn, chỉ dạy cho dân làng, còn các việc nặng nhọc khác đành trông chờ vào lớp trẻ vậy.

Cần phải nói thêm rằng, tuy có cùng một xuất phát điểm là cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng trong hương ước quy định về việc lên lão ở Việt Nam cùng thời kỳ có phần cầu kỳ, phức tạp và tốn kém hơn. Người dân làng quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng nương, lo ăn không đủ vậy mà để được công nhận là giới lên lão họ phải vay mượn của cải làm cỗ khao vọng làng. Để sau đó là nợ nần, túng thiếu, nghèo đói luôn. Ngược lại ở Triều Tiên, ý thức từ những khó khăn của nền sản xuất nông nghiệp mang lại, việc công nhận giới lên lão đều được sự cộng hưởng của cả dân làng. Họ không đòi hỏi gia chủ thết đãi cỗ bàn, họ đến chúc tụng kèm theo vật phẩm ít nhiều phụ giúp chi phí tổ chức lễ trên tinh thần tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo thực thi đầy đủ các nghi thức đã định. Đây là điểm cực kỳ tiến bộ trong hương ước của người Triều Tiên bấy giờ, giúp cư dân làng vơi bớt gánh nặng của cuộc sống thường nhật, tạo lập điểm tựa tinh thần cho từng cá nhân và cho cả cộng đồng.

Tóm lại, tục trọng xỉ là một tập tục tốt đẹp, là căn cứ để xác định lễ tiết sống, biết ơn người lớn tuổi đã có công truyền dạy chỉ dẫn những kinh nghiệm của bản thân, giúp dân biết cách ứng xử trước những thiên tai, mất mùa và bảo vệ lẫn nhau. Trọng xỉ, xét ở góc độ khác nó mang thái độ “ăn trên ngồi tróc”. Một điều không thể phủ nhận cả trong hương ước chữ Hán Triều Tiên và Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII này là đôi khi tục trọng xỉ còn đưa đến việc nhất nhất phải tuân theo người lớn tuổi, không được cãi lại. Mà người lớn tuổi thì sở hữu những tri thức kinh nghiệm, những tri thức kinh nghiệm đó có đúng, có sai chứ không phải là bất di bất dịch trong mọi trường hợp. Chính điều này phần nào đã chối bỏ sự sáng tạo của lớp trẻ, cứ khư khư giữ lấy cái “thâm căn cố đế” ấy là nguyên nhân tách rời thế hệ này với thế hệ kia trên lĩnh vực tư tưởng ý thức hệ. Văn hóa làng là hạt nhân của văn hóa dân tộc. Mỗi nước mỗi khác, tùy theo đặc điểm của từng dân tộc, khi đưa vào hương ước, tục trọng xỉ đã được các bậc túc nho cải biên lại cho phù hợp với thế giới quan và nhân sinh quan của dân bản địa. Từ đó hình thành nên bản sắc văn hóa của riêng từng nước mà không một ai nhầm lẫn dòng văn hóa của người Việt và người Triều.

 

ĐỖ THỊ HÀ THƠ

(ThS, Đại học Đồng Tháp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư quyển 1, Bảo Cảnh văn hóa xã, Korea, 1986.

2. Phạm Thị Thùy Vinh, Quang Châu hương ước điều mục bản hương ước cổ nhất của Triều Tiên, Tạp chí Hán Nôm số 3, 2005.

3. www.vae.org. vn

4. Đỗ Thị Hà Thơ, Nghiên cứu văn bản  hương ước chữ Hán Triều Tiên thế kỷ XVII, Luận văn Thạc sỹ, 2008.

 

0thảo luận