Trang chủ

SUY THOÁI KINH TẾ NHẬT BẢN ĐẦU NHỮNG NĂM 1990 – NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Đăng ngày: 14-05-2013, 02:54 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 3

Như đã biết, Nhật Bản đã phải trải qua một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Từ năm 1988, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội thực tế (GDP) đã sụt giảm mạnh. Năm 1993, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,2%. Đây là tình  hình tồi tệ nhất kể từ năm 1974 khi GDP giảm tới 0,6% do ảnh hưởng của cuộc Khủng hoảng Dầu lửa lần đầu tiên. Mặc dù mức tăng trưởng vẫn tiếp tục được duy trì trong năm 1994 nhưng sự khôi phục nền kinh tế duy trì còn yếu ớt. Cuộc suy thoái kinh tế giai đoạn 1991-1993 đã thách thức tính hiệu quả của chính sách kinh tế, chính trị, đối nội và các hoạt động kinh tế mà đã phục vụ rất tốt cho Nhật Bản trong gần 4 thập kỷ. Sự suy thoái này cũng đồng thời thử thách độ tin cậy và khả năng áp dụng thực tiễn của cái gọi là mô hình Nhật Bản mẫu mực về sự phát triển trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh đối với các quốc gia khác. Thậm chí ngay khi nền kinh tế Nhật Bản đã hoàn toàn phục hồi khỏi sự suy thoái hiện tại, thì mức tăng trưởng dài hạn vẫn có vẻ như còn rất thấp.

1. Nguyên nhân của cuộc suy thoái kinh tế

Xét về bản chất, cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất của nền kinh tế Nhật Bản mang tính cơ cấu hơn là tính chu kỳ. Theo nhiều nhà kinh tế đó là do một số nguyên nhân quan trọng sau

1.1. Sự xì hơi của nền kinh tế bong bóng

Sự xẹp xuống của nền “kinh tế bong bóng” đầu năm 1990 đã tạo ra sức ép nghiêm trọng lên các tổ chức tài chính Nhật Bản và làm giảm động lực chi tiêu của người tiêu dùng cũng như giảm đầu tư kinh doanh. Rất nhiều ngân hàng Nhật Bản phải đối mặt với gánh nặng nợ nần. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Tokyo suy thoái nhanh chóng về giá trị cổ phiếu. Tuy thế, Nhật Bản vẫn có thể loại bỏ được tình hình thiếu vốn sâu sắc này do Nhật Bản có một tỉ lệ tiết kiệm cao, đặc biệt là tỉ lệ đầu tư tương đối cao. Thực tế này được phản ánh trong các khoản thặng dư lớn. Tuy nhiên, các hãng kinh doanh Nhật Bản dường như lại không còn hứng thú tiếp cận với nguồn vốn có chi phí thấp mà đã đem lại cho họ một lợi thế cạnh tranh trong quá khứ.

1.2. Khả năng sản xuất dư thừa

Nền kinh tế Nhật Bản đang phải gánh chịu tình trạng sản xuất dư thừa. Trong suốt những năm bùng nổ kinh tế của thập kỷ 1980, Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào các nhà máy và trang thiết bị mới. Ngày nay cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu, các công ty Nhật Bản đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho khối lượng sản xuất thặng dư lớn của họ. Vì vậy, các công ty Nhật Bản đang phải tiến hành thu hẹp quy mô sản xuất, bao gồm cả phương diện giảm nguồn nhân lực cho dù họ phải đối mặt với các tổn thất tài chính đáng kể. Việc tuyển dụng lao động không ổn định đã làm tăng thêm sự suy giảm lòng tin của người tiêu dùng, hơn nữa còn làm sâu sắc thêm quá trình suy thoái kinh tế nói chung.

1.3. Sự tăng giá của đồng Yên

Nhật Bản phải đối đầu với một môi trường kinh doanh giao dịch bất lợi. Sự tăng giá của đồng Yên đã làm giảm giá cạnh tranh của hàng hoá Nhật Bản trong mối tương quan với các hàng hoá được sản xuất bởi các hãng nước ngoài. Tính theo sức mua (PPP), giá trị đồng Yên quá cao so với giá trị thực tế. Theo tính toán của Cơ quan Hoạch định Kinh tế Nhật Bản, định giá theo sức mua của đồng Yên là 115¥ trên một đô la đối với hàng hoá giao dịch và 155¥ trên một đô la đối với hàng tiêu dùng. Sự tăng giá quá cao này của đồng Yên được phản ánh trong của tài khoản thặng dư khổng lồ. Năm 1992 số dư tài khoản hiện có bằng đồng đôla Mỹ đã đạt kỉ lục là 130 tỉ đôla. Khoản thặng dư này phản ánh tỉ lệ tiết kiệm rất cao của quốc gia, tuy nhiên lại không cần thiết cho việc tạo nên một đồng Yên có giá quá cao như vậy. Nếu Nhật Bản có thể nhanh chóng xoay vòng khoản thặng dư nước ngoài bằng đồng đôla đã thu được thông qua giao dịch quốc tế thì áp lực lên đồng Yên sẽ không lớn như trong thời kỳ mùa xuân năm 1995. Không may là  ngành tài chính Nhật Bản đã siết chặt chu trình xoay vòng này. Hơn thế, cùng với sự suy giảm lợi nhuận và không ngừng tăng các chi phí tái cơ cấu, các tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản có thiên hướng nghiêng về việc chuyển đổi giá trị thu nhập từ đồng đôla sang đồng Yên. Động thái này lại tiếp tục kích thích sự tăng giá của đồng Yên.

Sự phục hồi kinh tế yếu ớt của nền kinh tế Mỹ và Tây Âu cũng đã khiến Nhật Bản khó khăn hơn trong việc chuyển bớt tình hình suy thoái nội bộ của mình ra bên ngoài nền kinh tế như đã từng thực hiện trong quá khứ. Nguy cơ của các căng thẳng kinh tế ngày càng trầm trọng đã cướp đi khả năng thâm nhập của Nhật Bản vào các thị trường Mỹ và Châu Âu. Thực tế là các áp lực chính trị ở Mỹ đang tăng lên, buộc Nhật Bản phải giảm thặng dư thương mại song phương cũng như tự do hoá thị trường nội địa. Nhật Bản tỏ ra bất lực trong việc theo đuổi chiến lược hồi phục kinh tế theo hướng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh trong kinh tế quốc tế cũng đang trở nên kém hơn trước các quốc gia công nghiệp phát triển.

Như vậy, trong suốt thập kỷ 1990, Nhật Bản phải đối mặt với các thử thách vô cùng ghê gớm khi phải nhập khẩu thêm hàng hoá nước ngoài trong khi các ngành sản xuất kinh doanh trong nước đang phải vật lộn để điều chỉnh lại cơ cấu.

2. Giải  pháp chủ yếu

Theo các nhà kinh tế Nhật Bản, đối phó với cuộc khủng hoảng này chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

2.1. Điều chỉnh chính sách tài chính

Ở góc độ kinh tế vĩ mô, Nhật Bản buộc phải tìm kiếm một phương kế kích thích nhu cầu trong nước mà không phải bỏ qua vấn đề tài chính công không theo ý muốn. Vì Nhật Bản đã tương đối thành công trong việc trả nợ công trong suốt hai thập niên qua và đã đạt được một khoản thặng dư thương mại lớn. Vì vậy, các nước công nghiệp phát triển khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, trông đợi rằng Nhật Bản sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường nội địa tăng cao đã góp phần kích thích tăng trưởng đặc biệt là từ phía các nhà kinh doanh và các tổ chức lao động. Cả Bộ Ngoại giao (MOFA) và Bộ Kinh tế và Công thương (MITI) đều tham gia và kêu gọi một chính sách tài chính nới lỏng hơn. Tuy nhiên, trở ngại chính đối với chính sách này thuộc về quan điểm của nhóm bảo thủ tài chính thuộc Bộ Tài chính (MOF).

MOF cho rằng, các nhân tố kích thích chính không đảm bảo chắc được Chính phủ sẽ tăng được doanh thu nhằm bù đắp cho việc tăng chi tiêu. Điều cuối cùng họ muốn làm là lặp lại kinh nghiệm của những năm đầu thế kỷ 21. Trong thời gian đó, MOF đã đồng ý chấp nhận một chính sách tài chính mở rộng mà kết quả là dẫn tới lạm phát và sự tăng đột biến của các khoản công nợ. Các quan chức của MOF liên tục chỉ ra rằng, cơ cấu tuổi của dân số Nhật Bản sẽ làm giảm doanh thu của Chính phủ trong khi đó lại mở rộng các khoản chi tiêu công trong các chương trình xã hội. Do đó khả năng tài chính dài hạn của quốc gia phụ thuộc vào việc quản lý, kiểm soát tình trạng bội chi ngân sách. Tuy nhiên, xuất phát từ sự nghiêm trọng của cuộc suy thoái kinh tế buộc những phần tử bảo thủ tài chính của MOF phải chấp nhận thực thi bốn công cụ kích thích giữa tháng 8 năm 1992 và tháng 2 năm 1994 với tổng giá trị lên tới 45,4 nghìn tỉ Yên, tương đương với khoảng 45,4 tỉ đôla (tính toán theo tỉ giá hối đoái đồng Yên so với đồng đôla là ¥100 = $1). Nhưng trên nhiều phương diện khác nhau, những sáng kiến này lại chủ yếu là những cách  đối phó với công chúng. Ngân sách chỉ được bổ sung thêm một số ít các khoản chi tiêu mới. Các công cụ kích thích này bao gồm phần lớn các chương trình chi tiêu và vay nợ đã được điều chỉnh lại theo thời gian hay được lên kế hoạch giảm thuế và bảo lãnh vay. Vấn đề cơ bản là Nhật Bản phải tìm ra giải pháp trong công tác hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tạo ra sự tương thích giữa cơ cấu giữa tài chính công và vốn đầu tư tư nhân. Bất chấp sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng, Nhật Bản vẫn là một quốc gia có được thặng dư vốn đầu tư lớn. Nhưng với mức thuế xuất thấp trong tương quan với các nước công nghiệp phát triển khác lại cho thấy Chính phủ Nhật Bản bị hạn chế về khả năng sử dụng khoản thặng dư vốn trong chi tiêu công cộng nhằm kích thích nền kinh tế. Một phần đáng kể trong khoản tiết kiệm tư nhân của Nhật Bản là trong lĩnh vực bưu chính và hưu trí. Các khoản tiết kiệm này lần lượt theo kênh tài chính tham gia vào các dự án Đầu tư tài chính và chương trình cho vay (FILP). Chính phủ Nhật Bản sử dụng FILP nhằm thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp và hỗ trợ các dự án xã hội (ví dụ như nhà cửa công, trang thiết bị giáo dục, các chương trình phúc lợi, phát triển đường xá, …). Đồng thời sử dụng FILP như là phương tiện kích thích kinh tế, trong khi đó MOF tỏ ra lưỡng lự trong việc sử dụng mở rộng FILP. Sự dính líu của một số quan chức cấp cao của Chính phủ và các cán Bộ Công nghiệp, Xây dựng vào các vụ hối lộ hay lừa đảo kinh tế cũng kìm hãm việc sử dụng FILP trợ giúp các công trình công cộng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

2.2. Thay đổi trong chính sách thuế

Khi phần tài chính bổ sung và khoản thay thế cho chi tiêu công cộng tăng lên thì một số các nhà kinh tế Nhật Bản có tầm ảnh hưởng đã kiến nghị cắt giảm thuế thu nhập để kích thích nền kinh tế. Nhưng MOF lại kiên quyết chống đối lại . Họ cho rằng, điều đó chỉ thực hiện khi tăng thuế tiêu dùng nhằm đáp ứng nguồn thu bị thâm hụt nếu không nền kinh tế sẽ trở lại tình trạng cũ. Trong thực tế, việc giảm thuế thu nhập và tăng thuế tiêu dùng có mối liên hệ với hệ thống chính trị. Hơn thế, các cá nhân bảo thủ tài chính của MOF lợi dụng vấn đề thuế này để tuyên truyền về một sự cố của chương trình quốc gia khi mà cơ cấu dân số đang có xu hướng già đi. Thông qua việc tăng thuế tiêu dùng, họ hy vọng sẽ tạo cho nền tài chính công của Nhật Bản an toàn, đủ đương đầu với việc tăng các khoản chi tiêu xã hội do già hoá dân số. Các nhà chính trị học hàng đầu như Ichiro, Ozawa của Shishinto và Yoshiro Mori của Đảng Dân chủ ủng hộ việc cắt giảm thuế thu nhập kết hợp với tăng thuế tiêu dùng. Ủy Ban Điều tra Chính phủ về Hệ thống Thuế đã tán thành sự kết hợp này. Các chỉ trích tập trung vào vấn đề cắt giảm thuế thu nhập, kích thích nền kinh tế có thể bị mất đi do ảnh hưởng của tăng thuế tiêu dùng. Cuối cùng thì người ta cũng đi đến một thỏa hiệp, Liên minh ba Đảng đồng ý giảm 20% thuế thu nhập cá nhân trong những năm cuối thập kỷ 1990. Cùng lúc đó, Chính phủ ban hành sắc lệnh tăng thuế tiêu dùng từ 3% lên 5%. Tuy nhiên, khoản tăng này không được áp dụng cho đến năm 1997. Điều cần nhấn mạnh là, MOF đã thành công khi có được sự chấp nhận của Quốc hội Nhật Bản trong việc tăng tỉ giá đồng Yên so với đồng đôla và đưa nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào thuế trực thu và chuyển sang thuế gián thu.

Tất cả các vấn đề này cho thấy, có một sự không đồng thuận và phản ứng mạnh trong chính trường Nhật Bản đối với sự thâm hụt tài chính khi Quốc hội ban hành một công cụ chính sách đi ngược chính sách tài chính. Người ta thấy nổi lên trong cuộc suy thoái này là sự chuyển đổi cơ cấu của tài chính công để Chính phủ có doanh thu rộng lớn hơn và ổn định hơn. Một số nhà kinh tế học tin rằng, thuế tiêu dùng cao và sự chuyển đổi tổng thể từ thuế trực thu sang thuế gián thu sẽ giúp nước này tiếp nhận được khoản vượt trội từ tiết kiệm cá nhân và hướng các nguồn đó vào đầu tư xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Nhật Bản. Sự thay đổi chính sách không chỉ giúp Chính phủ Nhật Bản giảm được khoản thặng dư tài chính hiện tại mà còn giảm được lượng vốn đầu tư cho sản xuất. Điều đó đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế và điều tiết xuất khẩu của Nhật Bản. Và tất yếu là các chương trình đầu tư của Nhật Bản sẽ trở nên hài hòa và có hiệu quả hơn so với các quốc gia công nghiệp phát triển khác trên thế giới.

Mặc dù MOF rất hăng hái hỗ trợ ý tưởng chuyển dịch từ thuế trực thu sang thuế gián thu, nhưng họ không theo đuổi chính sách tăng tốc nhằm giảm tương đối ngân khoản tiết kiệm trong điều kiện kinh tế vĩ mô của Nhật Bản ẩn chứa nhiều bất ổn. Điều đầu tiên mà Bộ Tài chính tin rằng là tỉ lệ tiết kiệm cao của Nhật Bản sẽ giảm một cách bình thường theo độ tuổi của dân số. Đối với sự mất cân đối kinh tế vĩ mô giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, họ coi vấn đề này là do tỉ lệ tiết kiệm thấp của kinh tế Hoa Kỳ chứ không phải là tỉ lệ tiết kiệm cao của Nhật Bản. Bởi vậy, MOF lập luận rằng tại sao Nhật Bản phải điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô của mình để thích nghi với tình hình kinh tế Hoa Kỳ? Điều gì đã khiến người Nhật phải theo đuổi các chính sách sai lạc này trong nhiều năm? Ở mức độ các chính sách kinh tế vĩ mô, thì đó là Hoa Kỳ chứ không phải là Nhật Bản phải thay đổi nhiều hơn. Theo một cán bộ cấp cao của MOF, các nỗ lực trong việc điều chỉnh sự mất cân đối kinh tế vĩ mô giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một vấn đề cần quan tâm. “Vào thời điểm đồng đôla mất giá, Nhật Bản đang tham gia vào quá trình mở rộng tiêu dùng nội địa thì Hoa Kỳ phải cố gắng giảm khoản thâm hụt Liên bang bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ của mình nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng này. Tuy nhiên thay vì làm như vậy, Chính phủ Hoa Kỳ lại làm điều ngược lại”([1]). Và MOF tin rằng khoản thặng dư tài chính hiện tại của Nhật Bản tương đối khả quan. Những khoản thặng dư này có thể tạo điều kiện cho Nhật Bản đảm nhiệm được vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

2.3. Từ bỏ điều tiết kinh tế trực tiếp

Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, từ bỏ điều tiết kinh tế trực tiếp là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu, đối với tất cả các Chính phủ kể từ khi kết thúc thời kỳ độc quyền lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) năm 1993. Thủ tướng Chính phủ Hosokawa lúc đó đã công bố từ bỏ điều tiết như là một phương cách nhằm tiếp thêm  sức sống cho nền kinh tế và làm thỏa mãn các áp lực từ phía Hoa Kỳ  đối với một nền kinh tế mở. Người kế nhiệm ông Tsutomu Hata cũng cam kết xúc tiến bãi bỏ điều tiết và phi tập trung hóa. Thủ tướng Murayama thậm chí đã cam kết công khai trước Chính phủ của mình rằng sẽ theo đuổi đến cùng chính sách này. Có thể nói, việc kêu gọi  bãi bỏ điều tiết đã thu được sự ủng hộ rộng lớn trong giới truyền thông, thông tin đại chúng,  các tầng lớp dân cư, các nhà kinh tế  có tầm ảnh hưởng([2]). Các nhà bình luận kinh tế  khẳng định  sự từ bỏ điều tiết  là điều cần thiết  nhằm tạo điều kiện cho các điều chỉnh trong cơ cấu công nghiệp Nhật Bản và làm  cho ngành dịch vụ  có sức cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, đến khi tiến hành thì Chính phủ vẫn gặp phải sự phản kháng của nhóm quan liêu và nhóm lợi ích .

Tháng 3 năm 1995, Chính phủ của Murayama thực thi chương trình cải tổ kinh tế áp dụng trong 5 năm. Đây là chương trình được trông đợi từ rất lâu. Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản cũng như Chính phủ Hoa Kỳ đã phản ứng lại với chương trình này. Theo họ, cho dù sáng kiến này bao gồm hơn 1000 phương pháp để bãi bỏ điều tiết nhưng hầu hết các phương pháp này  được hâm nóng qua các đề xuất  đã được thông báo từ trước. Đối với rất nhiều các hạng mục quan trọng thì Chính phủ lại không chỉ rõ được lịch trình triển khai  cụ thể. Mặc dù chương trình cải tổ chấp nhận  luật nhà nước là một chế tài pháp lý bắt buộc nhưng không  buộc Chính phủ phải cam kết xem xét lại tất cả hơn 10.000 quy phạm pháp luật hiện hành. Các quy phạm pháp luật về giá cả ở một số ngành công nghiệp chủ yếu như hàng không, viễn thông và bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục duy trì hiệu lực. Và cũng không có cam kết nào nhằm rà soát lại luật điều chỉnh áp dụng cho các cửa hàng bán lẻ lớn.  Vấn đề đặt rađối với nỗ lực bãi bỏ điều tiết đó là tình trạng lỏng lẻo của nền chính trị và sự lãnh đạo yếu kém của Chính phủ Liên minh lâm thời. Như một hệ quả tất yếu, các giải pháp cụ thể được sử dụng trước đó đã tự sụp đổ. Do các quan chức Chính phủ  thường là những người đứng đằng sau việc ban hành các điều luật nên việc từ bỏ điều tiết là rất khó khăn. Bởi như đã biết, các bộ luật này giúp duy trì quyền lực của họ. Và điều này trở thành một lực cản đối với việc thúc đẩy thực thi một chương trình cải tổ có hiệu quả.

Bất chấp tất cả, một dấu hiệu  tích cực đã xuất hiện trong thời kỳ cuối của quá trình từ bỏ điều tiết. Bắt đầu từ năm 1995, Chính phủ Nhật Bản quyết định sẽ xem xét và rà soát các văn bản quy phạm nếu có ý kiến đề xuất từ phía khu vực tư nhân. Hơn nữa, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ công bố Sách trắng về bãi bỏ điều tiết hàng năm. Qua đó có thể đánh giá được  tác động của việc điều chỉnh các kế hoạch và  tác động của việc bãi bỏ  điều tiết trực tiếp của Chính phủ đối với nền kinh tế. Mặc dù các kết quả cụ thể chỉ có thể có được sau một thời gian dài nhưng sự minh bạch trong quá trình điều tiết của nhà nước có vẻ như đã được cải thiện. Và  sự minh bạch rõ ràng hơn có thể sẽ tạo điều kiện cho một chương trình bãi bỏ điều tiết trên diện rộng. Điều này chỉ có thể thực hiện được  khi có một động lực chính trị thúc đẩy cải tổ.

Trong khi tiến độ của việc bãi bỏ diễn ra chậm chạp thì người tiêu dùng Nhật Bản đã phải đối mặt với một sự thay đổi lớn trong ngành dịch vụ bán lẻ. Sự suy thoái kéo dài đi kèm với sự khác biệt về giá cả nội địa và nước ngoài đã biến người Nhật trở thành vật hy sinh. Các cửa hàng chiết khấu  được xây dựng tại các khu vực xa xôi nhằm cạnh tranh với các cửa hàng có quy mô lớn nhưng không chiết khấu trước đây. Lợi dụng sự lên giá của đồng Yên, các cửa hàng chiết khấu đã phá vỡ mạng lưới phân phối truyền thống, qua đó họ muốn dành cho người tiêu dùng giá cả thấp hơn. Đi kèm với điều đó, người tiêu dùng sẽ không thể có dịch vụ cá nhân tập trung và dịch vụ sau bán hàng kèm theo. Chính cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ và thái độ dễ dãi của người tiêu dùng tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất nước ngoài bán được nhiều hàng hóa hơn trên thị trường Nhật Bản. Nhưng phần lớn sản phẩm bán ra bởi các nhà bản lẻ này lại có thể là các sản phẩm được sản xuất bởi chính các công ty con của các tập đoàn sản xuất Nhật Bản ở các quốc gia có chi phí lao động thấp, như các công ty ở các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

2.4. Cải tổ cơ cấu công nghiệp và thị trường lao động

Nhằm điều chỉnh việc đầu tư quá theo hướng nâng cao hiệu quả, hầu hết các công ty Nhật Bản tập trung khai thác theo chiều sâu, tức là tìm mọi cách để đổi mới quản lý và nâng cao năng suất lao động. Trên thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến cải tổ cơ cấu theo các hướng sau đây:

Một là, thay đổi trong Keiretsu và các mối quan hệ hợp đồng phụ

Cần phải nhấn mạnh rằng, sự tăng giá của đồng Yên và quá trình quốc tế hóa  nền sản xuất đã và đang bắt đầu làm thay đổi các mối quan hệ giữa nhà thầu phụ và Keiretsu. Do chi phí cao và lợi nhuận thấp nên nhiều hãng lớn phải giảm số lượng các nhà cung cấp và thậm chí phải cắt bỏ các đơn đặt hàng với các nhà thầu phụ vốn được ưa chuộng. Trong khi đó, một số nhà sản xuất lớn  như nhà sản xuất ôtô ít do dự hơn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp bên ngoài mạng lưới truyền thống của mình nhằm giảm chi phí. Đồng thời để có thể tồn tại được, các nhà thầu phụ bắt đầu tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong  phạm vi rộng hơn với các hãng lớn khác, thậm chí  cả các công ty là đối thủ của chính Keiretsu. Áp lực cắt giảm chi phí đã làm tăng khối lượng giao dịch thương mại chéo của Keiretsu.

Các công ty  tận dụng việc tăng giá của đồng Yên và chi phí nhân công rẻ để mua hàng nhiều hơn từ các nhà cung cấp có cơ sở ở nước ngoài. Một loạt các công trình nghiên cứu do các nhà kinh tế thực hiện gần đây đã bắt đầu lí giải tại sao  các hoạt động này lại có được các lợi ích rõ rệt như vậy. Điều dễ nhận thấy là, các công ty tìm nguồn cung từ nước ngoài sẽ quay lại với các nhà thầu phụ. Với các nhà thầu phụ, họ lại phát triển các mối quan hệ lâu dài  thông qua hình thức liên doanh hoặc thông qua các cơ chế khác. Đồng thời, họ cũng nhận được sự khuyến khích đầu tư ra nước ngoài của mạng lưới nhà cung cấp truyền thống. Liên quan tới vấn đề này, nhà kinh tế học Nhật Bản nổi tiếng Dr. Yoshio Suzuki nhận xét rằng “tối đa hóa lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường diễn ra lâu hơn trong khu vực Đông Á so với phương Tây. Tương tự, ở Đông Á việc cạnh tranh lành mạnh trong một thị trường không cần thiết phải cân bằng cơ hội trong các giao dịch điểm diễn ra thường xuyên. Thỉnh thoảng trong các giao dịch cũng xuất hiện cơ hội ngang bằng, nhất là trong mối quan hệ lâu dài  với những người tiêu dùng thuỷ chung”.

Hai là, điều chỉnh thị trường lao động

Bất chấp việc các phương tiện thông tin đại chúng đề cập quá nhiều tới hành động giảm sản xuất của các công ty và  tăng chậm của nạn thất nghiệp, dường như Nhật Bản không gặp phải tình trạng náo động thị trường lao động như những năm 1950. Quá trình điều tiết  diễn ra vào thời điểm khi mà thị trường lao động Nhật Bản đã không còn kiểm soát được nữa. Không giống như  các nước Tây Âu, Nhật Bản phải chấp nhận  cắt giảm sản xuất trong điều kiện ảnh hưởng đến chính trị và xã hội thấp nhất đến mức có thể. Tỉ lệ thất nghiệp đã tăng từ 2,1% năm 1990 lên đến 3,2% vào tháng 4 năm 1995. Các dự đoán bi quan hơn cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp có thể vượt quá 4% trong thập niên đầu thế kỷ 21. Đối với tầng lớp lao động trẻ mới vào nghề (từ 15 đến 24 tuổi) thì tỉ lệ thất nghiệp còn cao hơn. Tuy nhiên, với tỉ lệ như vậy khi đem so sánh với các nền công nghiệp phát triển khác thì tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản vẫn  còn thấp. Điều lưu ý là, xu hướng  trong tương lai của thị trường lao động Nhật Bản là việc khan hiếm lao động, chứ không phải là sự dư thừa lao động. Theo một số nhà kinh tế học, khi nguồn lao động Nhật Bản tăng theo tỉ lệ là 0,92% trong thời gian 1980-1990 thì tỉ lệ tăng trưởng sẽ vẫn giảm xuống 0,36% trong giai đoạn 1990-2000. Từ năm 2000 đến 2010, tăng trưởng nguồn nhân lực có thể chùn lại ở  tỉ lệ 0,25%/năm. Việc già hoá của dân số Nhật Bản trong vòng hơn hai thập kỉ tiếp theo không chỉ làm tăng đáng kể các chi phí xã hội của Chính phủ mà còn đẩy chi phí lương tăng lên đối với các tập đoàn tư nhân. Trong bối cảnh này các công ty lớn đã điều chỉnh bằng cách giảm mức độ quan trọng của tính thâm niên làm việc trong việc tính toán tiền lương. Giảm sự khuyến khích công nhân làm việc suốt đời tại một công ty. Điều này không chỉ làm thay đổi cơ cấu tiền lương mà còn làm tăng tính linh hoạt của thị trường lao động và khuyến khích người lao động tìm kiếm các cơ hội công việc tốt hơn trong các lĩnh vực mở rộng hơn.

Trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, vấn đề dư thừa lao động vẫn nảy sinh, nhất là đối với nhóm người lao động trí óc. Tuy nhiên, điều này không làm tổn hại tới nhóm công nhân lao động phổ thông. Nhằm giải quyết vấn đề của nhóm người lao động trí óc, các công ty có xu hướng chuyển các nhà quản lý cấp trung sang các công ty con và các công ty phụ thuộc. Sự tăng trưởng kinh tế thấp có thể làm cho tình hình xã hội trở nên phức tạp hơn. Việc bãi bỏ điều tiết trực tiếp có thể tạo ra các cơ hội triển khai các loại hình kinh doanh mới trong các ngành  như dịch vụ, công nghệ thông tin và nhờ đó giúp giải quyết được lực lượng lao động trí óc này. Đồng thời, việc bãi bỏ điều tiết trực tiếp cũng có thể làm tăng việc cắt giảm sản xuất và sức ép dư thừa lao động sẽ gia tăng, đặc biệt là ở các cấp quản lý và thư ký văn phòng.

Người ta thấy rõ tác động của việc suy giảm kinh tế đối với việc tuyển dụng các sinh viên mới ra trường tham gia vào thị trường lao động lần đầu tiên. Vài năm trước, những sinh viên mới ra trường trẻ tuổi này có rất nhiều cơ hội việc làm. Nhưng hiện nay, khi các công ty cạnh tranh nhau nhằm tối thiểu hóa chi phí  nhân công “suốt đời” thì họ trở nên do dự khi  tuyển thêm người lao động. Việc giảm  tuyển dụng lao động và thậm chí đóng băng trong nhiều công ty cao cấp đã làm sâu sắc thêm tính cạnh tranh việc làm đối với lao động trẻ tuổi và  buộc nhiều ứng cử viên có trình độ cao phải theo đuổi những nghề nghiệp kém phù hợp. Những người lao động trẻ khi có được một công việc tốt lại gặp phải nguy cơ bị đóng băng về mức lương.

Và ba là, tăng số lượng công nhân nước ngoài

Điều có thể gây ra khó khăn lớn đối với các chính sách  dài hạn đó là vấn đề lao động nước ngoài. Không giống như các quốc gia Tây Âu, Nhật Bản không ủng hộ việc sử dụng lao động nước ngoài để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực. Bộ Lao động Nhật Bản muốn tối đa hóa các cơ hội lao động cho người lao động Nhật Bản và tối thiểu hóa các ảnh hưởng xã hội tiêu cực của việc nhập cư người lao động nước ngoài. Các công ty lớn của Nhật Bản thường ưu tiên sử dụng  công nghệ kỹ thuật sản xuất tiết kiệm lao động hơn là phải thuê lao động nước ngoài. Nhưng do giá trị cao của đồng Yên đã khiến cho Nhật Bản trở nên hấp dẫn đặc biệt đối với những người lao động từ Đông Nam Á hay Mỹ Latinh. Áp lực của việc cắt giảm chi phí cũng khiến cho các chủ sở hữu công ty nhỏ có được sự khuyến khích mạnh mẽ trong việc thuê các nhân công nước ngoài với mức lương thấp hơn và ít chế độ bảo đảm thuê tuyển hơn. Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi việc thiếu nhân lực là các doanh nghiệp dịch vụ, công ty sản xuất quy mô nhỏ và ngành xây dựng. Đến năm 2010, Nhật Bản đối mặt với tình trạng thiếu khoảng ba triệu lao động. Hơn thế, vì hầu hết người Nhật Bản đều do dự làm các công việc mang tính kiken (nguy hiểm), kitanai (bẩn) và kitsui (khó), do đó các cơ hội công việc dành cho người lao động không phải là người Nhật Bản đang gia tăng mạnh([3]).

Mặc dù Nhật Bản vẫn chưa áp dụng và phát triển một chính sách mở rộng liên quan tới người lao động nước ngoài nhưng một số lượng lớn người nước ngoài có thị thực nhập cảnh vào Nhật Bản với mục đích học tập hay du lịch đều đã tìm cách ở lại Nhật Bản để tìm kiếm việc làm. Chính phủ Nhật Bản đang phải thận trọng triển khai thí điểm các chính sách khác nhau đối với nhóm người này. Cụ thể là chương trình cho phép kéo dài thời gian cư trú của người nước ngoài có nguồn gốc Nhật Bản,  theo các điều khoản hợp lý bằng lý do thăm thân tại Nhật Bản. Trên thực tế hầu hết những người nước ngoài làm việc trong các cộng đồng được tạm trú hợp pháp. Các quan chức Chính phủ tính toán rằng, có khoảng 1 triệu người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, trong đó có khoảng hơn 200.000 người được coi là đang sinh sống và làm việc bất hợp pháp lại Nhật Bản và chỉ có khoảng xấp xỉ 150.000 người  đủ điều kiện của chương trình áp dụng cho người nước ngoài có nguồn gốc Nhật mà thôi([4]).

Vì bản thân những người công nhân Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng bị cắt giảm biên chế trong khi một số vị trí công việc khác lại được dành cho người nước ngoài nên làn sóng phản đối người lao động nước ngoài của dân Nhật tương tự như đã xảy ra tại Đức trước đây. Nhưng vấn đề quan trọng hơn lại là những rắc rối về mặt xã  hội của Nhật Bản. Sự đồng nhất về dân tộc của Nhật Bản và sự cảnh giác với những kẻ ngoại lai đã khiến cho việc hòa đồng của công nhân nước ngoài vào xã hội Nhật Bản trở nên cực kỳ khó khăn. Tội phạm và các sự cố khác liên quan tới người nước ngoài đã làm trầm trọng thêm mối nghi ngờ này. Nói cách khác, sự tiếp nhận lạnh nhạt dành cho người lao động nước ngoài (đặc biệt là những người có nguồn gốc không phải Châu Âu) ở cấp độ cộng đồng người Nhật có thể làm tăng thêm nỗi thất vọng của những người lao động nước ngoài  về cuộc sống tại một quốc gia như Nhật Bản. Rõ ràng có một ranh giới rõ rệt phân định giữa người bản xứ và người nước ngoài. Căng thẳng giữa người Nhật và người nước ngoài có thể gây nên phản ứng bài ngoại của dân Nhật cũng như làm trỗi dậy sự phê phán của cộng đồng quốc tế đối với Nhật Bản.

 

PGS.TS. AN HƯNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Funabashi Yoichi, (1991/1992), Japan and the New World Order, Foreign Affairs, Vol.70, No.5

2. Richard J. Samuels, (1994), National Security and the Technological Transformation of Japan, Ithaca, Cornell University Press, .

3. Defense Agency, (1994), The Modality of the Security and Defense Capability of Japan: The Outlook for the 21st Century, Tokyo.

4. Richard Armitafe, et al. (2000), The United States and Japan: Advacing Forward and Mature Partnership:, INSS Special Report, National Defense University.

5. Funabishi Yoichi, ed., (1994), Japan's International Agenda, New York, N.Y University Press.

6. Brad Glosserman, US Foreign Policy Toward Northeast Asia, US  Embassy Document, Hanoi.

7. Japanese Ministry of Foreign Affairs, (2001), Diplomatic Bluebook, Tokyo, Japan.

8. Thomas J.Christensen, (1999), China, The US - Japan Alliance, and the Security Dilemma in East Asia, International Security.

9. Asahi News, December 4 , 2000.

10. Ngô Xuân Bình (chủ biên), (2000), Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học xã hội Việt Nam.

11. Ngô Xuân Bình (chủ biên), (2000), Quan hệ Nhật Bản - ASEAN: Chính sách và tài trợ ODA, Nxb Khoa học xã hội Việt Nam.

12. Noda Eijiro, (2002), Japan - US Security Treaty should be Scrapped, International Herald Tribune.

12. Các tài liệu tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam, các số của nửa đầu năm 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008.

12. Các trang web của Bộ ngoại giao Nhật Bản và của các quốc gia ASEAN.

 

 

 



([1]) Gyoten, 1993, trang 157-158

([2]) Kisei Kanwa Kenkyukai, 194; Rinji Gyosei Kaikaku, Suishin Shingikai Jimushitsu, 1989; Tajima, 1994

([3]) Dự báo của Oka, 2004

([4]) Thống kê của chính phủ Nhật Bản, 2007

0thảo luận