Trang chủ

TRUNG QUỐC VÀ AN NINH BIỂN ĐÔNG

Đăng ngày: 23-04-2013, 03:16 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 2

Những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc trở thành một hiện tượng trên thế giới. Mọi  động thái của Trung Quốc diễn ra trong nước và trên quốc tế đều được dư luận thế giới và khu vực quan tâm. Với tư cách là nước lớn, có biên giới biển với nhiều nước trong khu vực biển Đông, những chủ trương, chính sách của Trung Quốc liên quan đến an ninh trong khu vực này có một ý nghĩa to lớn, không chỉ mang tính khu vực thuần tuý. Bài viết sẽ phân tích vai trò của Trung Quốc trong vấn đề an ninh khu vực biển Đông, bao gồm:

- Quan điểm về an ninh vùng biển Đông trong bối cảnh an ninh Đông Á nói chung

- Chủ trương, chính sách của Trung Quốc đối với an ninh vùng biển Đông trong bối cảnh khu vực và quốc tế mới

- Việc thực thi những chủ trương chính sách an ninh vùng biển Đông của Trung Quốc: hiện trạng và triển vọng.

1. Quan điểm về an ninh vùng biển Đông trong bối cảnh an ninh Đông Á

Khu vực Đông Á nói chung và tiểu vùng Đông Nam Á- khu vực Biển Đông nói riêng bao gồm các nước có nhiều điểm tương đồng về văn hoá đồng thời có nhiều khác biệt về thể chế chính trị- xã hội và trình độ phát triển kinh tế, khoa học-kỹ thuật. Hiện tại với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là của Trung Quốc và của các nước ASEAN, vùng này đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận quốc tế. Tại phần này cần chú ý tới 3 điểm nổi bật:

1.1 Sự thay đổi của khái niệm an ninh trong giai đoạn hiện nay

An ninh tại khu vực biển Đông rất phức tạp, trước hết liên quan đến tính đa dạng về thể chế các nước trong khu vực, sau đó chính là việc mở rộng của khái niệm an ninh trong thời kỳ hiện nay. Khái niệm an ninh ngày nay không chỉ bó hẹp theo quan điểm truyền thống trước đây mà còn mở rộng theo quan điểm phi truyền thống. Thông thường nói tới an ninh  người ta hiểu theo quan điểm truyền thống nghĩa là: coi an ninh quốc gia là bảo vệ đất nước khỏi các mối đe doạ hoặc tấn công quân sự từ bên ngoài; theo nghĩa rộng là bảo vệ đất nước trước mối đe doạ từ bên ngoài và bên trong. An ninh phi truyền thống bao gồm cả bảo vệ con người (cá nhân) và cả cộng đồng. Liên Hợp Quốc coi an ninh phi truyền thống gồm 7 lĩnh vực: kinh tế, lương thực, sức khoẻ, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị.  Có định nghĩa khác coi an ninh phi truyền thống chỉ gồm 5 lĩnh vực: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hoá. Quan điểm khác cho rằng an ninh phi truyền thống gồm việc chống lại các nguy cơ mới xuất hiện hoặc mới bùng phát như khủng hoảng kinh tế, thiếu hụt năng lượng, đói nghèo, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan tràn, tội phạm xuyên quốc gia, di cư trái phép, sự vi phạm dân chủ, nhân quyền v v… Rõ ràng trong thời đại mới việc đảm bảo an ninh quốc gia trở nên phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với trước đây. An ninh tại vùng Biển Đông không thể tách khỏi bối cảnh chung này và chính sách của Trung Quốc đối với an ninh vùng Biển Đông nói riêng cũng có những thay đổi cho phù hợp tình hình mới.

1.2. Bức tranh an ninh vùng Biển Đông những năm đầu thế kỷ XXI

Người ta nhận rõ có 3 khuynh hướng nổi lên trong vấn đề an ninh tại đây. Một là, giống như các nước Đông Á, các nước vùng biển Đông đã tìm cách liên kết với nhau trong việc bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ khủng bố quốc tế, đặc biệt sau sự kiện 11/9/2001. Các tổ chức và diễn đàn quốc tế mà các nước Đông hay phần lớn các nước Đông Á tham gia như APEC, ARF, ASEM, ASEAN…cũng tăng cường hoạt động của mình theo các hướng kể trên. Các nước cải thiện đáng kể quan hệ song phương, đa phương, nâng lên tầm cao mới về chất và kết quả là các nước ràng buộc với nhau hơn về mặt lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều này tạo ra bầu không khí mới tại đó các nước dễ dàng phối hợp với nhau hơn trong việc huy động tài, lực và hành động để duy trì an ninh chung.

Mặc dù có những thuận lợi trên, trong vấn đề an ninh các nước trong khu vực và tiểu khu vực cũng đang đứng trước những thách thức. Tại hai tiểu khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á- vùng biển Đông hiện vẫn còn tồn tại những điểm nóng có nguy cơ gây bất ổn trong bất cứ thời gian thuận lợi nào. Rõ rệt nhất là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, việc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa nhiều nước trong khu vực với nhau([1]). Tại Đông Nam Á nhiều phong trào ly khai, lật đổ, bạo loạn luôn đe doạ an ninh của một số nước, đặc biệt là những hoạt động khủng bố tại Philippin, Inđônêxia, Thái Lan…càng ngày càng gia tăng và tính chất, quy mô khủng bố ngày càng phức tạp và mở rộng. Điều này cần có sự phối hợp hành động chung của các nước trong tiểu khu vực cũng như của các đối tác của họ, mà Trung Quốc có một vị trí nhất định.

Hai là, trong bối cảnh quốc tế mới, những vấn đề quốc tế nóng bỏng cũng chính là những vấn đề mà các nước trong vùng gặp phải. Đó là sự thiếu hụt về nguồn năng lượng, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là vấn đề an ninh môi trường và nhiều vấn đề khác thuộc an ninh kinh tế-xã hội đang ngày càng trở nên cấp bách.

Ba là, những khác biệt trong chế độ chính trị- xã hội vẫn đang là những nguy cơ tiềm ẩn sẵn sàng bùng phát thành những xung đột về ý thức hệ và xung đột trong vấn đề dân chủ, nhân quyền làm cho các nước không thể tiến hành những chính sách phát triển kinh tế-xã hội một cách ổn định và bền vững.

1.3. Những tiền đề quan trọng cho an ninh chung tại vùng biển Đông và vai trò của Trung Quốc

Những nước trong khu vực và các đối tác của họ đã ý thức rõ ràng là vấn đề an ninh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ổn định và bền vững.

Trong phạm vi tiểu khu vực Đông Nam Á, tức tại vùng biển Đông ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), ngoài cơ chế hoạt động chung của Hiệp hội đã có ý tưởng hình thành nên Cộng đồng an ninh ASEAN. Nhìn lại một cách sơ lược lịch sử hoạt động của Hiệp hội này cho đến khi ý tưởng  thành  lập Cộng đồng an ninh ASEAN ra đời rõ ràng có một logic nhất định. Ngay từ năm 1992 các nước ASEAN đã có ý tưởng thiết lập khối Kinh tế ASEAN với việc thành lập Khu vực Tự do Thương mại. Năm 1997, trong Tuyên bố về Tầm nhìn ASEAN 2020  đã đề cập đến một “Cộng đồng các xã hội đùm bọc nhau” có nghĩa là các nước này muốn thiết lập một Cộng đồng Văn hoá- Xã hội ASEAN. Những hoạt động này chứng minh một cách rõ ràng rằng các nước ASEAN, trong bối cảnh thế giới mới đã hướng tới một nền an ninh khu vực theo nghĩa hiện đại của khái niệm này.

Năm 2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 tại thành phố Ba li của Inđônêxia các nước ASEAN đã đưa ra Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (DAC II) xác định việc thành lập một Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội. Riêng về an ninh chính trị DAC II tuyên bố “phải đưa hợp tác an ninh chính trị của ASEAN lên một tầm cao mới”, phải khẳng định vị thế của ASEAN đối với an ninh khu vực bằng việc xây dựng Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC).

ASC sẽ bảo đảm các quốc gia trong khu vực sống hoà bình với nhau và với toàn thế giới trong một môi trường hòa hợp, dân chủ và công bằng. ASC sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh chính trị ASEAN hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2020. ASC không phải là một hiệp ước quốc phòng, một liên minh quân sự hay một tổ chức có chính sách đối ngoại chung. ASC cũng là một cộng đồng mở và hướng ra bên ngoài, gắn kết với bè bạn và các nước đối thoại của ASEAN, nhằm thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu vực.

Có ba nguyên nhân cơ bản thúc đẩy các nước ASEAN thực thi ý tưởng ASC.

Một là, nhu cầu an ninh là cấp bách đối với các nước ASEAN. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, vấn đề cơ bản nhất đối với các nước ASEAN là phát triển kinh tế. Một bầu không khí hoà bình ổn định là rất cần thiết để các nước này phát triển. Tuy nhiên điều đó khó có thể thực hiện được, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, khi nội bộ nhiều nước bất ổn, xu hướng ly khai gia tăng. Hơn nữa sau sự kiện 11/9, nhất là sau cuộc chiến chống Irak do Mỹ tiến hành làm cho nguy cơ khủng bố gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp cả đến vùng Biển Đông. Các nước lớn có có ảnh hưởng tích cực đến các nước vừa và nhỏ, trong đó có các nước ASEAN. Thêm vào đó là nội bộ các nước ASEAN cũng có nhiều vấn đề về an ninh chính trị và nhiều vấn đề khác. Trong kinh tế xu hướng hợp tác song phương nổi lên thành chủ đạo, hợp tác kinh tế đa phương không được đánh giá cao.

Với các nước ASEAN sự lớn mạnh của Trung Quốc  vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà thách thức lại trội hơn so với các cơ hội đem lại. Những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đẩy mạnh đáng kể mối quan tâm tới vùng biển Đông. Trong bối cảnh này ASEAN cần củng cố hoạt động của Hiệp hội.

Hai là, sự tăng cường nhận thức về một cộng đồng an ninh nội khối ASEAN. Năm 1967, khi thành lập các nước ASEAN đã đề cập đến “cộng đồng thịnh vượng và hoà bình giữa các quốc gia Đông Nam Á”. Bất chấp những khác biệt về chế độ chính trị, văn hoá- xã hội, trình độ phát triển, suốt bốn thế kỷ qua các nước ASEAN đã chung sống hoà bình với nhau, chứng tỏ cho thế giới biết rằng ASEAN là một cộng đồng an ninh thực sự và đang tồn tại trên thực tế. Bằng “Phương thức ASEAN”, nhiều bất đồng và nguy cơ xung đột đã được loại bỏ. Tầm nhìn ASEAN 2020 đã xác nhận “ASEAN đã xây dựng một cộng đồng các quốc gia sống hoà bình với nhau và với thế giới”([2]).

Ba là, mục tiêu tìm kiếm an ninh toàn diện và bền vững. Trước hết là sáng kiến ASC của Inđônêxia, sau đó là sự ủng hộ của Singapore, ý tưởng thành lập một Cộng đồng ASEAN dần được chấp thuận. Cộng đồng này dựa trên ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hoá-Xã hội.

Trên thực tế ASC có một triển vọng rõ ràng do các nước trong tiểu khu vực hoàn toàn nhất trí và ủng hộ.

Song song với việc thành lập và thực thi ASC, Các nước ASEAN còn tích cực tiến hành các hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh tại những diễn đàn và tổ chức khu vực và quốc tế khác. Đó là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cho đến nay vẫn là cơ cấu an ninh đa phương quan trọng nhất tại vùng Châu Á- Thái Bình Dương. Các nước ASEAN có sáng kiến triệu tập Hội nghị An ninh Đông Á tại Malaixia, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo ASEAN, các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để bàn về các biện pháp phối hợp hành động đảm bảo an ninh trong khu vực Biển Đông nói riêng và toàn Đông Á nói chung.

Hình thức hợp tác ASEAN+3 sẽ là một trong những xu hướng hợp tác có hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực biển Đông và Đông Á. Nếu như các nước ASEAN cho rằng bằng cách hợp tác này có thể đưa Trung Quốc, siêu cường đang nổi lên, vào các diễn đàn đối thoại có lợi cho mình thì ngược lại Trung Quốc lại tích cực tham gia vào hình thức này vì những mục đích và quyền lợi của mình([3]). Trên thực tế Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc nói chung và tại vùng biển Đông nói riêng. Việc Trung Quốc tham gia vào các diễn đàn khu vực, vào hình thức hợp tác ASEAN+3 sẽ làm thay đổi tính chất và hiện trạng an ninh trong vùng Biển Đông.

2. Chủ trương, chính sách của Trung Quốc đối với an ninh vùng biển Đông trong bối cảnh khu vực và quốc tế mới

Những năm gần đây nổi trội hơn cả là hai ý tưởng hay hai quan điểm liên quan trực tiếp đến an ninh là quan điểm trỗi dậy hoà bình và ý tưởng xây dựng một Châu Á hài hoà và rộng hơn là thế giới hài hoà của Trung Quốc.

- Về trỗi dậy hoà bình

Trỗi dậy hoà bình được hình thành trên nền tảng sự tăng trưởng kinh tế sôi động của sức mạnh tổng hợp của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), của nhịp độ phát triển cao và quy mô sâu rộng của chính sách cải cách mở cửa của nước này. Khái niệm trỗi dậy của Trung Quốc là sự phát triển tư tưởng phục hưng đất nước và sự biểu hiện mang tính khẩu hiệu của sự tăng cường ý thức tự giác dân tộc, niềm tự hào dân tộc của một dân tộc đông dân số nhất trên thế giới.

Luận điểm về tăng cường và trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là chiến lược phát triển lâu dài được xuất hiện trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo và các nhà phân tích hàng đầu của Trung Quốc  vào năm 2003 với tư cách là một phản đề chống lại lập luận “về mối đe doạ từ Trung Quốc” và “sự đổ vỡ của Trung Quốc”. Tại Diễn đàn Châu Á tại Bác Ngao tổ chức vào tháng 4 năm 2003 trên đảo Hải Nam, lần đầu tiên luận điểm này được thể hiện một cách khoa học toàn diện trong các báo cáo của đoàn đại biểu Trung Quốc. Tháng 4 năm 2004, tại Diễn đàn Hải Nam tiếp theo một lần nữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề cập tới những vấn đề trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc và nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ kiên quyết thực thi con đường phát triển hoà bình”([4])

- Về ý tưởng xây dựng thế giới hài hoà

Trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc khái niệm “hoà” luôn được coi trọng và được phát triển ngày càng mang nội hàm sát thực với bản chất của từ này.

Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc năm 2005, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên đề xuất quan điểm xây dựng “thế giới hài hòa”. Ý tưởng này được ông phát triển thêm tại Hội nghị toàn thể Trung ương 5 (Khoá 16), khi  khởi xướng và đề cao nhân tố hoà theo chủ trương xây dựng xã hội hài hoà xã hội chủ nghĩa. Đây thực sự là một bước tiến trong quá trình phát triển của Trung Quốc.

Sự khẳng định mang tính chính thống cao nhất của ý tưởng này được thể hiện tại Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007. Đại hội đã khẳng định “Phát triển khoa học, hài hòa xã hội, là yêu cầu cơ bản của sự phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc”, và chủ trương “Nhân dân các nước cùng nắm tay nhau phấn đấu xây dựng một thế giới hài hòa, hòa bình lâu dài,  và cùng chung thịnh vượng([5]).

Trong các văn bản chính thức của mình, Trung Quốc giải thích rõ “ thế giới hài hòa, hòa bình lâu dài, và cùng chung thịnh vượng” là” một thế giới dân chủ, một thế giới thân thiện, một thế giới công bằng, một thế giới bao dung([6]).

Chủ trương xây dựng “xã hội hài hòa XHCN” và đưa ra ý tưởng thiết lập  “thế giới  hài hòa” trong những năm đầu thế kỷ XXI của Trung Quốc là tích cực và được các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á hoan nghênh và đồng tình.

Những chủ trương chính sách chung của Trung Quốc được cụ thể hoá đối với vùng biển Đông. Cuộc hội thảo về hợp tác an ninh, cùng phát triển khu vực biển Đông tổ chức vào tháng 6/2004, được coi là sự tổng kết quan trọng về những vấn đề cấp thiết nhất của quan điểm trên.

Về vấn đề biển Đông, ở Trung Quốc hiện đang nổi lên 2 quan điểm lớn của các nhà khoa học

Thứ nhất là Trỗi dậy hoà bình

Đây là quan điểm của Giáo sư Từ Dân Tài, Tiến sĩ Luật học, Đại học nhân dân Trung Quốc và những người cùng quan điểm. Có thể  coi đây là quan điểm “Trỗi dậy hoà bình” ở biển Đông. Chủ trương của quan điểm này là thực sự “gác lại tranh chấp, cùng nhau phát triển”. Mô hình khai thác chung là song phương và đa phương. Tuy nhiên, theo quan điểm này mô hình song phương sẽ là tối ưu. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, các nước xung quanh căn cứ theo “Luật biển” hoặc theo luật quốc tế thông thường để chủ trương quyền lực, ví dụ như lịch sử luận về “nguyên tắc gần”, “kéo dài tự nhiên”, “thềm lục địa”, “khu đặc quyền kinh tế”, “phát hiện hoặc chiếm hữu hữu hiệu” …

Quan điểm thứ hai là Chủ quyền thuộc Trung Quốc

Quan điểm của Quách Chấn Viễn, thuộc Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc và những người ủng hộ về chủ quyền đối với Biển Đông, thực chất là vấn đề Trường Sa. Ông cho rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề chiến lược địa duyên, trước tiên là vấn đề phát triển tài nguyên. Chủ trương “gác  lại tranh chấp, cùng nhau phát triển” trên thực tế chưa có tiến triển. Hiện nay chủ trương này không phù hợp với tình hình biển Đông vì các nước trong vùng không theo quan điểm của Trung Quốc. Ông viết: “Muốn khai thác chung chúng ta phải đến đó trước, sau đó ai đến sẽ cùng khai thác. Chúng ta phải hành động. Vốn không đủ ta có thể mời các bên khác cùng tham gia sau đó chia lợi nhuận”. Ông nhấn mạnh vấn đề biển Đông còn quan trọng hơn vấn đề Đài Loan và Trung Quốc cần hành động kịp thời nếu không “sẽ bị mắc lừa, cả dân tộc Trung Hoa sẽ bị mắc lừa”([7]).

Trung Quốc chỉ đạo không nên đối phó thụ động với chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” mà phải có hành động quốc tế nhanh chóng để bù đắp những thiệt hại trước đây do sự chậm chạp trong hành động gây nên. Họ đề ra tư tưởng chỉ đạo chiến lược chung về phát triển khu vực biển Đông là: Căn cứ phương châm ngoại giao do Trung ương xác định là “Chủ quyền thuộc tôi, gác tranh cãi, cùng khai thác”  và ‘thân thiện, làm bạn với láng giềng”, “lấy hoà bình, an ninh, hợp tác, phồn vinh” làm mục tiêu, lấy cơ sở pháp lí chính trị và những quy định nêu trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển quốc tế, chương 17 “chương trình thế kỉ 21” cùng những quy định về gác tranh chấp, tăng cường hợp tác nêu trong Tuyên bố chung về “Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông” để vừa bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc, vừa tăng cường hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước khu vực biển Đông Á và Đông Nam Á.

Chiến lược biển có tầm quan trọng đặc biệt với sự trỗi dậy, phát triển và chấn hưng kinh tế của Trung Quốc vì vậy Trung Quốc phải vươn ra xa ở vùng biển Thái Bình Dương, đồng thời phải tính tới việc vươn ra vùng biển Ấn Độ Dương nhằm đảm bảo vận chuyển an toàn hàng hoá, nhất là dầu thô từ Trung Đông về Trung Quốc([8]).

3. Việc thực thi những chủ trương chính sách an ninh vùng biển Đông của Trung Quốc: hiện trạng và triển vọng.

Do nhận thức được tầm quan trọng của biển trong chiến lược phát triển quốc gia, năm 1992 Chính phủ Trung Quốc đã soạn thảo “Chương trình thế kỷ XXI của Trung Quốc – sách trắng về dân số, môi trường và phát triển của Trung Quốc thế kỷ XXI”, trong đó xác định về “Khai thác bền vững và bảo vệ tài nguyên biển” là một trong những giải pháp quan trọng.

Với tinh thần “Chương trình thế kỷ XXI của Trung Quốc”, năm 1997 Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Chương trình biển Trung Quốc thế kỷ XXI”, trong đó nêu rõ chiến lược cơ bản, mục tiêu chiến lược, đối sách  và bố cục hành động chủ yếu. Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI Trung Quốc càng tích cực triển khai thực hiện “Chiến lược biển” của mình.

3.1. Những biện pháp đảm bảo an ninh biển truyền thống của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.

An ninh truyền thống là dùng những biện pháp mang tính quân sự để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia. Đối với Trung Quốc hiện đại vấn đề chủ quyền quốc gia trên vùng biển Đông không phải là vấn đề thực sự cấp thiết bởi lẽ không một lực lượng nào trong thời gian hiện nay có thể ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, đặc biệt là đối với Trung Quốc lục địa. Mặc dù như phân tích ở trên về ý tưởng xây dựng thế giới hài hoà của Trung Quốc hiện nay nói chung nhưng trong trường hợp cụ thể tại vùng biển Đông sự “hài hoà” phải được hiểu sâu sắc theo “cách Trung Hoa”. Có nghĩa là Trung Quốc sẽ làm mọi cách kể cả phương thức “an ninh truyền thống” – tức là dùng vũ lực để đảm bảo “chủ quyền dân tộc” như trong trường hợp đối với Đài Loan và những phần đảo và vùng nước phụ cận trên vùng Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình.

Trước hết, trong những năm gần đây Trung Quốc tăng cường đáng kể lực lượng hải quân nói chung và các đơn vị hải quân tại vùng biển Đông nói riêng được nước này coi là một trong những công cụ cơ bản nhất đảm bảo thắng lợi trong trường hợp có xung đột trong các cuộc chiến tranh hiện đại để bảo vệ chủ quyền của mình.

Ngày 27/12/2006, trong một cuộc họp với các sĩ quan hải quân, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Hồ Cẩm Đào đã đề ra nhiệm vụ quan trọng xây dựng lực lượng hải quân Trung Quốc hùng mạnh. Ông nói: “Chúng ta phải cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân nhân dân hùng mạnh có thể đáp ứng được sứ mạng lịch sử trong một thế kỷ mới và một thời kỳ mới”([9]). Điều này phù hợp với việc Chính phủ Trung Quốc trong năm 2006 đã đề ra “Chiến lược biển” nhằm khai thác tài nguyên biển đồng thời bảo vệ những quyền lợi của Trung Quốc trên vùng không gian quan trọng này([10]).

Trên thực tế lực lượng hải quân Trung Quốc trong năm 2007 đã được tăng cường mạnh mẽ theo hướng hiện đại hoá đã được thực hiện từ trước đó nhiều năm. Quan trọng nhất là những chiếc tầu ngầm hiện đại đã được bổ sung trong năm này. Nếu như vào đầu năm 2007 theo nguồn tin từ Ấn Độ “Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự” bằng việc đăng trên Nhân dân Nhật báo ảnh chiếc tầu ngầm hiện đại nhất kiểu O93 của nước này([11]) thì đến khoảng giữa năm chiếc tầu ngầm khác hiện đại hơn kiểu “Type 94” vốn được Trung Quốc giữ bí mật bị tình báo nước ngoài phát hiện(12).

Tầu ngầm chiến lược là một cấu phần quan trọng trong “bộ ba chiến lược” của Bắc Kinh gồm máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo vượt đại châu và tầu ngầm mang đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa. Năm 2007  Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sức mạnh Hải quân(13)

Trung Quốc xây dựng cảng Container tại thành phố Chittagong của Bănglađét sử dụng cho đội tàu hải quân và đội tàu thường mới của Trung Quốc. Cảng này còn là căn cứ hải quân bổ sung và là điểm thu thập thông tin điện tử trên các đảo của Mianma trong vịnh Bengan. Trên thực tế mối liên hệ của Trung Quốc với các nhà lãnh đạo quân sự của Mianma dường như sẽ biến thành một liên minh quân sự. Tại nước Thái Lan, Trung Quốc đã đầu tư 20 triệu đôla nhằm xây dựng con kênh đào qua Kra Istmus nối vịnh Xiam với Ấn Độ Dương, và như vậy đây sẽ là con đường khác đảm bảo dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc không phải đi qua vịnh Malắcca.

Tại Biển Đông Trung Quốc triển khai nhiều hệ thống nhằm đảm bảo triển khai rộng rãi các đơn vị của các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc để củng cố các căn cứ trên đảo Hải Nam và các lãnh thổ ven bờ tới miền Nam Trung Quốc. Tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chiếm được của Việt Nam và Philippin, Trung Quốc xây dựng các cảng neo đậu của các tàu lớn và các đường băng lên xuống cho các máy bay ném bom tầm xa. Trên thực tế Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng một nhóm các hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm tại vùng trung tâm Biển Đông(14).

Những thông tin gần đây về Trung tâm tàu ngầm của Trung Quốc được xây dựng tại Tam Á,  thuộc đảo Hải Nam rất đáng để các nước trong khu vực quan tâm.

Toàn bộ Châu Á cần phải nhận diện rõ sự xuất hiện của một cường quốc biển hiếu chiến phong cách Trung Hoa(15).

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc triển khai những biện pháp an ninh truyền thống của mình tại vùng biển Đông.

Không chỉ các nước Châu Á phải chú ý đến sự trỗi dậy của Trung Quốc như nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Nhật Bản Hideaki Kaneda cảnh báo mà chính các nước là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc như Nhật Bản, đặc biệt là Mỹ rất quan ngại tới sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc. Các hoạt động mang tính an ninh truyền thống của Trung Quốc tại vùng Biển Đông đều liên quan đến chính sách của Mỹ tại vùng này.

Những năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ đã có nhiều động thái nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện những chính sách an ninh của mình tại Đông Á nói chung và tại vùng Biển Đông nói riêng.

Hạ  viện Mỹ không cho Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ cung cấp 5 tỷ đôla bảo đảm tín dụng cho một dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc bằng “Dự luật chuẩn chi ngoại viện tài khoá 2006”. Còn khi Công ty dầu khí Hải dương của Trung Quốc muốn mua lại Công ty dầu khí UNOCAL của Mỹ với giá rất cao là 18 tỷ 500 triệu đôla đã bị chính phủ Mỹ chặn lại.

Trước đó, năm 2005 Mỹ thông qua Dự luật An ninh Đông Á (East Asia Security Act 2005) ngăn không cho Liên hiệp Châu Âu bán vũ khí cho Bắc Kinh(16).

Hơn nữa các nước trong vùng biển này cũng muốn lợi dụng tình hình quốc tế có lợi cho mình để tránh “vòng ảnh hưởng” lớn mạnh của Trung Quốc.

3.2. Những biện pháp đảm bảo an ninh biển phi truyền thống của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.

Trong giai đoạn hiện tại, với Trung Quốc một nước đang trỗi dậy một cách hoà bình thì một bầu không khí hoà bình là rất cần thiết để phát triển. Điều quan trọng là Ban lãnh đạo hiện nay tại Trung Quốc hiểu rất rõ các mục tiêu quan trọng bậc nhất trong thời gian này phải là kinh tế. “Chiến lược biển” của Trung Quốc trong thế kỷ XXI đối với vùng Biển Đông cũng đặt mục tiêu kinh tế làm trọng. Vì thế trong thời gian gần đây Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp an ninh phi truyền thống tại vùng Biển Đông.

Trung Quốc chủ động cùng các nước ASEAN dần dần giải quyết vấn đề Biển Đông nơi lịch sử và hiện tại đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho hai đối tác này.   Năm 1987 trong cuộc hội đàm giữa Đặng Tiểu Bình và Phó Tổng thống Philippin Laurel, lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra ý tưởng gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Philippin là nước đầu tiên trong ASEAN mạnh dạn ủng hộ sáng kiến này. Philippin không chỉ kí kết với Trung Quốc thoả thuận cùng nhau thăm dò khai thác tại vùng biển tranh chấp giữa hai nước mà còn “đề nghị các nước  trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có liên quan trong vụ tranh chấp Trường Sa, nên hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc” – lời của Chủ tịch Quốc hội Philippines Jose de Venecia(17). Sau đó (ngày 14/3/2005) cũng chính Philippin đã cùng Trung Quốc và Việt Nam  ký "Thỏa thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong Khu vực thoả thuận tại Biển Đông”. Có thể ba bên sẽ phối hợp để thu thập các dữ liệu địa chấn hai chiều và ba chiều trong một khu vực rộng 140.000 km2 trên biển Đông trong ba năm(18).

Đây là một hướng đi tích cực mở ra triển vọng giải quyết tranh chấp tại biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên không phải tất cả các nước ASAEN liên quan đến vấn đề Biển Đông đều thống nhất quan điểm trên của Trung Quốc, Philippin và Việt Nam. Tồn tại sự e ngại nhất định về ý đồ của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Quan điểm này cho rằng Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI đã vượt lên là cường quốc biển. Họ đang mở rộng “Hành lang Nam Á” trên bộ và thực hiện “Chiến lược hai đại dương” tại Biển Đông. Trung Quốc là nước tranh chấp khắp nơi trên biển(19).

Một số nguyên nhân khiến một số nước e ngại Trung Quốc; Một là, nhu cầu năng lượng rất lớn càng đẩy mạnh Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng để bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình; Hai là, trong tương lai, Trung Quốc có thể gặp khủng hoảng kinh tế dẫn tới khủng hoảng chính trị. Đó là rủi ro lớn cho các nước xung quanh; Ba là, do Mỹ tập trung giải quyết vấn đề ưu tiên là cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo quá khích  nên toàn vùng có thể nhất thời thiếu một sức mạnh can ngăn, nên rủi ro xung đột tại Trường Sa và Hoàng Sa càng dễ xảy ra(20).

Tất cả những điểm đề cập trên nhất thời cản trở những bước tiến trong quá trình giải quyết tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN

3.3.Triển vọng an ninh vùng biển Đông:  hoà bình ổn định khu vực

Mặc dù  xảy ra những tranh chấp và tồn tại những quan điểm khác nhau giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN liên quan đến an ninh tại vùng biển Đông  cũng như quan điểm khác nhau trong nội khối các nước ASEAN, trong những năm gần đây nhiều nỗ lực nhằm dần dần giải quyết vấn đề phức tạp này theo tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi vẫn được tiến hành.

a) Giải quyết vấn đề biển Đông theo phương châm song phương và đa phương

+ Hiệp ước phân chia Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá Trung –Việt giữa Trung Quốc và Việt Nam

Quan hệ Trung Quốc –Việt  Nam có một số vấn đề do lịch sử để lại. Hiệp ước trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc kí ngày 30/12/1999 đã giải quyết được một trong 3 vấn đề lớn liên quan đến biên giới và lãnh thổ. Tiếp theo đó vấn đề lớn thứ hai bước đầu được giải quyết bằng việc kí kết Hiệp ước phân chia Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá Trung –Việt ngày 25-12-2000. Vấn đề thứ ba là vấn đề trên biển Đông liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề này có lẽ chưa được giải quyết trong một thời gian dài do lập trường của Trung Quốc luôn cho rằng Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của nước này.Việc kí kết Hiệp ước phân chia Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá Trung –Việt ngày 25-12-2000 là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài(21) có nhượng bộ của cả hai bên. Theo nhận định của phía Việt Nam thì sự kiện trọng đại mang tính lịch sử này diễn ra vào thời khắc rất đặc biệt, nhân loại đang hối hả thu xếp hành trang giã từ thế kỷ XX đi vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới. Sự kiện này cũng diễn ra vào điểm đỉnh tốt đẹp của quan hệ Việt - Trung kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay. Nhân dân ta coi đó là nhân tố hết sức quan trọng trong việc tăng cường, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cũng như trong việc duy trì, củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.  Đây là sự “thể hiện rõ sự nhân nhượng, thông cảm lợi ích của nhau, phù hợp với phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" trong quan hệ hai nước…”(22)

“Hai bên đồng ‎ ý sớm bắt đầu đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa vịnh và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này”(23). Điều này đã được khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam chính thức của Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào vào cuối tháng 10/2005.

+ Thoả thuận ba bên Trung Quốc – Philippin - Việt Nam

Thực tế cho thấy việc thực thi những Hiệp ước và nghị định trên đã phần nào làm dịu bớt tình hình căng thẳng tại khu vực biển Đông nhạy cảm, phù hợp với xu thế hoà bình hữu nghị trong sinh hoạt chính trị thế giới hiện đại.

b) ASEAN+ 1 và giải pháp hoà bình cho biển Đông

Vào những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI việc giải quyết những tranh chấp biển, đảo giữa Trung Quốc và các nước ASEAN phần nào đó chịu ảnh hưởng của xu thế giải quyết những vấn đề quốc tế bằng phương pháp hoà bình. Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN trên nhiều lĩnh vực đặc biệt về vấn đề kinh tế và chú trọng vấn đề biển Đông.

Ngày 14/3/2005, tại thủ đô Manila, Philippin, đã diễn ra lễ ký "Thỏa thuận ba về khảo sát địa chấn biển chung trong Khu vực thoả thuận tại biển Đông” giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Dầu khí quốc gia Philippin (PNOC) và Tổng công ty Dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC). Có thể ba bên sẽ phối hợp để thu thập các dữ liệu địa chấn hai chiều và ba chiều trong một khu vực rộng 140.000 km2 trên biển Đông trong ba năm. Theo thoả thuận, các bên cam kết thực hiện nghiêm    chỉnh những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc và bày tỏ quyết tâm biến biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Các bên cũng khẳng định việc ký thỏa thuận  không  làm phương hại đến lập trường cơ bản của chính phủ mỗi bên về vấn đề biển Đông. Thỏa thuận cùng nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng, nhất trí giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện khảo sát chung. Theo truyền hình Việt Nam, ngày 20/11/2005 đã chính thức hoàn thành  việc khảo sát địa chấn biển chung trong Khu vực thoả thuận tại biển Đông(24) theo thoả thuận 3 bên.

Sự kiện quan tâm  là vào những năm 1999-2000 Trung Quốc  cùng ASEAN đã kí các văn kiện khung quan hệ song phương hướng tới thế kỷ XXI, theo phương châm  “coi láng giềng là bạn, hoà thuận với láng giềng”. Sự kiện này đã đặt cơ sở chính trị quan trọng cho việc triển khai hợp tác thiết thực ở biển Đông. Tiếp theo là việc Trung Quốc  kí với ASEAN “Tuyên ngôn về hành vi ứng xử của các bên ở Nam Hải” vào tháng 11 năm 2002 cơ bản làm dịu tranh chấp lớn nhất giữa hai bên về an ninh khu vực. Quy tắc này nhấn mạnh thông qua bàn bạc đàm phán hữu nghị, dùng phương thức hoà bình giải quyết những tranh chấp có liên quan đến Biển Đông. Việc kí kết này đã đặt nền móng để Trung Quốc và ASEAN thoả hiệp giải quyết vấn đề ở Biển Đông, tránh làm cho vấn đề Biển Đông phức tạp hơn, bảo vệ an ninh lãnh thổ của Trung Quốc, cũng đặt nền móng để hai bên xây dựng lòng tin về chính trị, hợp tác kinh tế sâu sắc hơn. Tháng 10 năm 2003, Trung Quốc tham gia “Hiệp ước hợp tác hữu nghị Đông Nam Á”, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, trong khuôn khổ ASEAN +3, cụ thể hơn chính là trong khuôn khổ ASEAN+1 (ASEAN và Trung Quốc). Trong chuyến thăm Inđônêxia, Philippin và Brunây, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhắc lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp biển nhấn mạnh Biển Đông phải trở thành “biển hữu nghị”, “biển hợp tác”.

Như đề cập ở phần trên, tinh thần của những văn kiện này đã được thực thi cụ thể bằng những kí kết thoả thuận và những hiệp định hợp tác giữa Trung Quốc với Philippin, giữa Trung Quốc và Việt Nam hay giữa ba nước này với nhau.

Vào hai ngày 4 và 5 tháng 8/2005 Trung Quốc- ASEAN khai mạc hội nghị thực thi hiệp ước tránh xảy ra xung đột ở Nam Hải tại thủ đô Manila,  Philippin với trọng tâm là những hoạt động chung nhằm xây dựng niềm tin trong vùng biển đang có tranh chấp, bao gồm những dự  án bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, vấn đề an toàn hàng  hải và thông tin liên lạc, cùng với những hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, và những nỗ lực chống lại các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia(25) theo tinh thần của “Thông cáo 2002 về cách hành xử của các nước liên quan ở biển Đông”. Ngoài ra, hàng năm từ năm 2000, hợp tác Trung Quốc và ASEAN được tiến hành thông qua cơ chế “10+1” gồm hội nghị thượng đỉnh và hội nghị ngoại trưởng hằng năm. Sự kiện quan trọng khác là việc Trung Quốc cùng các nước ASEAN đã ra “Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống”. Những năm gần đây, “Sự tin cậy về chính trị và sự tác động lẫn nhau tốt đẹp về hoà hợp kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc và ASEAN, đang đưa quan hệ song phương tới thời kỳ lịch sử tốt nhất”(26)  tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những bước tiếp theo trong việc giải quyết hoà bình vấn đề biển Đông.

Có những quan niệm khác nhau giữa Trung Quốc và các nước đối tác ASEAN về chủ quyền biển và một số đảo tại biển Đông.

Nguyên nhân là hai đối tác áp dụng những nguyên tắc ứng xử và công cụ pháp luật khác nhau để giải quyết vấn đề. Trung Quốc yêu sách toàn bộ Biển Đông(27), từng nước ASEAN cụ thể yêu sách từng phần của vùng biển này. Trung Quốc dựa vào luật nội bộ còn các nước ASEAN dựa Luật biển quốc tế.

Những năm gần đây xu hướng giải quyết những vấn đề quốc tế bằng phương pháp hoà bình đã ảnh hưởng tích cực tới việc giải quyết vấn đề Biển Đông giữa các bên đối tác. Trung Quốc và một số nước ASEAN như Philippin và Việt Nam đã vượt qua được những định kiến truyền thống, đặt lợi ích khu vực trên hết, bước đầu thực thi việc giải quyết tranh chấp theo tinh thần này. Đó là hai phương pháp giải quyết theo hướng song phương và đa phương. Việc thực thi hiệu quả những hiệp định và thoả thuận này sẽ là những ví dụ hợp tác các bên cùng có lợi giúp tạo hướng đi thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Mấy lời kết

Kết quả 30 năm cải cách mở cửa đưa Trung Quốc trở thành một trong những nước có tiềm lực kinh tế mạnh trên thế giới và là cường quốc khu vực tại Châu Á- Thái Bình Dương. Những điểm mạnh và tồn tại trong phát triển của Trung Quốc đều được nước này và các nước trên thế giới nhận rõ.

Điều cơ bản là Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng trong thời đại hiện nay, để phát triển ổn định và bền vững, Trung Quốc không thể chỉ dựa vào tiềm lực kinh tế quân sự của riêng mình. Trung Quốc rất cần một bầu không khí hoà bình xung quanh. Những chủ trương, chính sách an ninh chung cũng như tại vùng Biển Đông của Trung Quốc được đề ra và tích cực thực hiện.

Tại vùng Biển Đông những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tích cực triển khai chính sách an ninh của mình chủ yếu dựa trên hai trụ cột là an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống theo những nội hàm hiện đại của những quan điểm này.

Một số biện pháp an ninh phi truyền thống của Trung Quốc thực hiện tại vùng Biển Đông đã nhận được sự hưởng ứng của một số nước trong khu vực, tiêu biểu là Philippin và Việt Nam. Những biện pháp này cũng đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận và là những ví dụ cho việc giải quyết an ninh sau này tại đây và tại Đông Á nói chung.Tuy nhiên, những biện pháp an ninh truyền thống mà Trung Quốc tiến hành, chủ yếu dựa trên lập trường cứng rắn của mình về chủ quyền đối với một số đảo và vùng biển phụ cận, chủ yếu tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không những đặt nước này trong tình trạng khó khăn trước những nước đối thủ như Nhật Bản, đặc biệt là Mỹ, những nước cũng có quyền lợi tại vùng Biển Đông mà còn gây nghi ngại cho nhiều nước trong vùng.

Mặc dù vậy, trên phương diện lâu dài và lợi ích chung toàn vùng cũng như trong khuôn khổ hợp tác Đông Á sau này, xu thế hoà bình, các bên cùng có lợi ích, vấn đề an ninh tại vùng Biển Đông sẽ được cả Trung Quốc, các nước đối tác, đặc biệt là các nước ASEAN chú ý, thay đổi quan điểm đi đến những đồng thuận có lợi cho tất cả.

 

ĐỖ MINH CAO

(TS, Viện Nghiên cứu Trung Quốc)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tuyên bố chung Việt Nam- Trung quốc, Báo Nhân Dân, ngày 3/11/2005

2. Hiệp ước phân chia Vịnh Bắc Bộ

3. Hiệp định nghề cá Trung –Việt giữa Trung Quốc và Việt Nam

4. Tạp chí Cộng sản số 2 (1-2001).

5. Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại”, Trung Quốc, số 6/2005.

6. Tạp chí “Bình luận Trung Quốc”,Trung Quốc, số tháng 6/2004

7. Sách trắng “ Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc” Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 22/12/2005 mang Tân Hoa Bắc Kinh 22/12/2005

8. Đỗ Minh Cao, Quốc phòng và an ninh Trung Quốc năm 2007, Hội thảo khoa học Trung Quốc năm 2007, Viện nghiên cứu Trung Quốc tháng 3/ 2008

9. Báo cáo Chính trị do Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trình bày tại Đại hội XVII của Đảng ngày 15/10/2007

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



([1]) Xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa, xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Đài Loan và Việt Nam, giữa một số nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với nhau.

 

([2]) Tầm nhìn ASEAN 2020

 

(4) Jiang Siyuan, Xia Liping. Bàn về trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc, Bắc Kinh: Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, 2004, tr. 2.

 

(5) Báo cáo Chính trị do Hồ Cẩm Đào - Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc trình bày tại Đại hội XVII của Đảng ngày 15/10/2007

(6) Sách trắng “Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc”, Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 22/12/2005, mang Tân Hoa Bắc Kinh 22/12/2005

 

 

(7) Năm nguyên tắc chung sống hòa bình (Do Thủ tướng Ấn Độ Nê ru và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đề xuất năm 1954) gồm: Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi; và chung sống hòa bình.

 

 

(8) Tạp chí “Bình luận Trung Quốc”, số tháng 6/2004.

 

(9) Chiến lược hai đại dương của Trung Quốc, “Đông Phương” ngày 10/4/2005, TTXVN, Tin Tham khảo thế giới, ngày 12/4/2005.

(10) Chiến lược hải quân của Trung Quốc và hàm ý của nó đối với khu vực Biển Đông, Thời đại mới, 2007, số 11 tháng 7

(11)http://www.project-syndicate.org/commentary /kaneda7 /Russian

(12)Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự. Tài liệu Tham khảo đặc biệt, ngày 19/10/2007

13) Tầu ngầm thế hệ mới của Trung Quốc  bị 'lộ'    trên mạng Internet, www.vnExpress, ngày 23/7/2007

 

(14 ) Đỗ Minh Cao, Quốc phòng và an ninh Trung Quốc năm 2007, Hội thảo khoa học Trung Quốc năm 2007,. Viện nghiên cứu Trung Quốc tháng3/ 2008; Chiến lược phát triển Hải quân của Trung Quốc, Tham khảo đặc biệt, TTXVN, ngày 04/20/2005

(15) Hideaki Kaneda, Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là cường quốc biển. http://www.project-syndicate.org/commentary/kaneda7/Russian; Trung Quốc xây dựng các tuyến đường biển chiến lược. Tham kho hàng ngày, TTXVN, ngày 01/20/2005
TTXVN, AFP, Oasinhtơn, ngày 18/1/2005

 

(16) Hideaki Kaneda. Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là cường quốc biển. http://www.project-syndicate.org/commentary/kaneda7/Russian

(18) Bảo Vũ,  Đề nghị của Trung Quốc về vấn đề Trường Sa - Hệ thống Truyền thanh và Truyền hình Oxtrâylia, Chủ nhật, 7 tháng 9 2003, Tin trên mạng. www.  Google.com.vn.
19)  Ý đồ của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, “Thái Dương” ngày 31/3, TTXVN, Tin Tham khảo thế giới 1/4/2005

(20) Chiến lược hai đại dương của Trung Quốc, “Đông   Phương” ngày 10/4/2005. TTXVN, Tin Tham khảo thế giới 12/4/2005.

 

(21) Vũ Hồng Lâm, Nhu cầu về năng lựơng của Trung Quốc, Sự cạnh tranh và rủi ro đụng độ  Châu Á. Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer, Kennedy Scholl of Government,  Đại học Harvard.

 

(22) Hai nước đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới- lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 19-10-1993, trong đó nêu rõ phương hướng phân định Vịnh Bắc Bộ là "Hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh liên quan trong Vịnh để đi đến một giải pháp công bằng". Thực hiện thỏa thuận đó, từ 1993 đến năm 2000, hai bên đã triển khai 7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên; về nghề cá đàm phán cấp chuyên viên qua 6 vòng.

(23) Tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc, Báo Nhân Dân ngày 3/11/2005

 

(24) Truyền hình Việt Nam, ngày 21/11/2005

 

(25) Đài TNHK, TTXVN, Tin Tham khảo thế giới, ngày 6/8/2005.

(26) PGS, Lưu Thanh Kiếm,  Học viện quan hệ quốc tế Đại học nhân dân Trung Quốc, “Quan hệ quốc tế hiện đại”, Trung Quốc, số 6/2005.

(27) Vào tháng 2 năm 1992, Trung Quốc ra Luật Lãnh hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui định rõ là Đài Loan, quần đảo Senkaku, Pescadores (Pendu Dao), Pratas (Dongsha), Macclesfield Bank (Zhongsha Qundao), Paracel (Hoàng Sa, Xisha) và Trường Sa (Spratley) là thuộc Trung Quốc.

 

0thảo luận