Trang chủ

VỀ VẤN ĐỀ ĐỀN YASUKUNI

Đăng ngày: 23-04-2013, 03:12 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 2

 

§øc minh hoµi ph­¬ng*

 

 

Cách đây không lâu, quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc đã trải qua một thời kỳ sóng gió, chủ yếu do ba “vấn đề lịch sử”: (1) phụ nữ Triều Tiên bị bắt vào quân đội Nhật Bản để “giải trí” cho binh lính thời kỳ Đại chiến Thế giới II, (2) một số sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản biện hộ cho cuộc xâm lược và chiếm đóng của quân đội Nhật trong thời kỳ này, và (3) cuộc viếng thăm Đền Yasukuni của các thủ tướng Nhật Bản.

Mối liên quan phức tạp giữa Đền Yasukuni với cuộc xâm chiếm trước kia của đế chế Nhật Bản đã gợi trong tâm trí người Trung Quốc và Hàn Quốc những ký ức đau buồn về chủ nghĩa thực dân Nhật Bản. Trong con mắt những người này, nước Nhật từng là kẻ thù xâm lược, do đấy quan hệ song phương còn bị nhiều vướng mắc, hợp tác trong khu vực không được thực hiện thuận lợi.

Một số chính khách cho rằng, nước Nhật Bản có bổn phận tôn vinh những người đã ngã xuống trong chiến tranh, dù cho điều đó khiến quan hệ với các nước láng giềng trở nên căng thẳng. Họ chú trọng ba điểm: (a) xét lại hiến pháp, (b) nhà nước có quyền tưởng niệm những người bỏ mình trong chiến tranh, kể cả tội phạm chiến tranh, và (c) nâng cao tinh thần yêu nước của công chúng, nhất là thanh niên. Cho rằng bảo tồn đền Yasukuni là giữ gìn bản sắc Nhật Bản, những người này nhiệt liệt ủng hộ chuyến thăm Đền của các vị thủ tướng.

Tuy nhiên, đã có những cách nhìn khác nhau đối với vấn đề Đền Yasukuni giữa các chính đảng cũng như trong nội bộ từng đảng. Đa số đảng viên Dân chủ Tự do (LDP) tán thành việc thủ tướng đến Đền Yasukuni. Hầu hết đều coi ngôi đền là địa điểm thích hợp để tưởng nhớ người tử nạn trong chiến tranh, tiêu biểu cho quan hệ giữa nhà nước với các nạn nhân đó, vì thế người ngoài không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ nước Nhật. Họ tin rằng Trung Quốc và Hàn Quốc sử dụng vấn đề Đền Yasukuni để thúc đẩy tư tưởng dân tộc trong nước mình.

Trái lại, các đảng đối lập có cách nhìn khác. Chẳng những họ phản đối thủ tướng thăm Đền, mà còn nhấn mạnh quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như coi tội phạm chiến tranh được thờ trong Đền là điều khó hiểu.

Nội bộ LDP cũng có những ý kiến khác nhau. Nhiều người trong LDP phản đối thủ tướng đến thăm Đền Yasukuni, do đấy xích gần quan điểm của Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó, một số lớn đảng viên Dân chủ Nhật Bản (DPJ), chính đảng đối lập lớn nhất, lại ủng hộ thủ tướng thăm Đền. Quan điểm của những người này chủ yếu tương tự  cách nhìn của các phần tử dân tộc chủ nghĩa bảo thủ trong LDP, ý kiến họ về Đền Yasukuni là dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa dân tộc bảo thủ đang trỗi dậy trong chính trường Nhật Bản. Một số phần tử đó luyến tiếc thời kỳ thịnh vượng của chế độ quân phiệt khi binh lính Nhật Bản làm mưa làm gió ở Châu Á. Họ mơ tưởng xây dựng một lực lượng vũ trang hùng mạnh mới, nhưng quên rằng nước Nhật  sau Đại chiến Thế giới II buộc phải chấp nhận nhiều hạn chế. Chưa chính trị gia nào công khai chủ trương biến Nhật Bản thành một cường quốc quân sự trong khu vực. Tuy một số người lập luận rằng thế giới đang chứng kiến dấu hiệu đầu tiên của nước Nhật tái vũ trang, nhưng chưa có bằng chứng nào xác nhận điều đó. Chắc chắn Nhật Bản cần chọn một con đường thích hợp  khi muốn đóng vai trò mới trong các vấn đề quốc tế.

Nguồn gốc và chức năng lịch sử của đền Yasukuni

Đền Yasukuni vốn có tên là Tokyo Shokonsha (Tokyo chiêu hồn xã) được Thiên hoàng Minh Trị cho xây dựng để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong trận chiến Boshin, cuộc nội chiến mở ra thời kỳ phục hưng Minh Trị bắt đầu từ 1868. Ngôi đền này là một trong rất nhiều ngôi đền chiêu hồn được dựng lên khắp Nhật Bản trong phạm vi tín ngưỡng Thần đạo Quốc gia. Năm 1879, ngôi đền được đổi tên thành Yasukuni Jinja tức Đền Yasukuni. Hiện giờ đền thờ khoảng gần 2,5 triệu binh sĩ chết trận, kể cả những người Đài Loan và Triều Tiên bị bắt đi lính cho Nhật Bản trong Đại chiến Thế giới II.

Ngôi đền từng trở thành địa điểm trung tâm trong Kokuka Shinto (Thần đạo Quốc gia), một hệ tư tưởng chính trị-tôn giáo của thời kỳ Minh Trị 1868-1912. Để xây dựng một nhà nước mạnh, các nhà lãnh đạo thời kỳ Minh Trị thấy cần phải tuyên truyền tư tưởng dân tộc cho những người trước đây chỉ gắn bó với gia đình và làng xã. Chữ trung và chữ hiếu của Nho giáo pha trộn với nhau thành một lý tưởng của nước Nhật với tính cách một kokutai (quốc thể), đứng đầu là Thiên hoàng.

Theo khái niệm kokutai, bộ máy quan liêu dân sự và quân sự trực tiếp chịu trách nhiệm với Thiên hoàng. Một chế độ cưỡng bách đi lính và giáo dục bắt buộc, cộng với Shinto, sẽ củng cố toàn bộ cấu trúc về tư tưởng. Hai nhân tố này được sử dụng để thúc đẩy cuộc xâm lược của đế chế ở lục địa Châu Á dưới khẩu hiệu fukoku kyohei (Phú quốc cường binh). Shinto ra đời như vậy và được lợi dụng để phục vụ mục đích của nước Nhật Minh Trị, với cách nhìn độc đoán của nó về trật tự xã hội trong nước và tham vọng bành trướng ở bên ngoài. Vì thế, Đền Yasukuni bề ngoài là một cơ sở tôn giáo, nhưng thực ra là một thiết chế chính trị đại diện cho nhà nước.

Đền Yasukuni được dùng để thực hiện ba chức năng liên quan với nhau. Thứ nhất, sự có mặt của Đền Yasukuni tạo ra mối gắn kết biểu tượng giữa Thiên hoàng, binh lính, và những người khác như vợ con, cha mẹ. Điều này rất quan trọng để duy trì kukotai và bảo đảm sự ủng hộ tiếp tục cho chiến tranh. Mối liên hệ giữa ngôi đền với nhân dân được củng cố qua nghi lễ thờ cúng binh sĩ tử nạn trong chiến tranh, với hiệu quả khuyến khích tinh thần hy sinh cho quốc gia.

Thứ hai, nghi lễ tôn vinh quân nhân tử trận là kami (thần) được cử hành tại Đền Yasukuni, mà trong Shinto, việc tôn con người là kami thường dành cho tổ tiên hoàng tộc hay ít nhất cho các anh hùng. Tuy nhiên, mọi binh lính tử trận đều được tưởng niệm ở Yasukuni đã khiến họ trở thành kami chỉ vì đã ngã xuống để phụng sự Thiên hoàng thần thánh.

Thứ ba, nghi lễ cử hành tại ĐỀn Yasukuni có hiệu quả tâm lý là biến đổi cảm xúc của thân nhân binh sĩ tử trận. Ngôi đền luôn luôn duy trì quan hệ mật thiết với hoàng tộc đến năm 1978 qua việc Thiên hoàng thăm Đền hoặc cử người thay mặt tới đấy. Năm đó, Thiên hoàng không thăm đền nữa vì tội phạm chiến tranh được thờ ở đấy. Qua những chuyến Thiên hoàng thăm Đền, nỗi buồn mất con trong chiến tranh của thân nhân người tử nạn biến thành niềm vui sướng và tự hào vì con mình trở thành thần tại ngôi đền. Qua sự biến đổi này của cảm xúc, chẳng những nỗi buồn khổ biến thành niềm tự hào, mà còn nảy sinh một cảm xúc khác, tức là cảm giác trung thành tuyệt đối với Thiên hoàng và nhà nước, lòng ham muốn thi hành sứ mệnh mà Thiên hoàng trao.

Như vậy, Đền Yasukuni chăng phải chỉ là một địa điểm tôn giáo, mà quan trọng hơn, đó là một thiết chế tư tưởng, ở đấy người tử trận được tưởng niệm và được sử dụng cho mục đích chính trị. Ngôi đền là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc bành trướng. Do lịch sử và chức năng của nó, nên chẳng khó gì khi muốn hiểu vì sao Đền Yasukuni có ý nghĩa đến thế với người dân tộc chủ nghĩa bảo thủ, vì sao nó bị phái tả ghét bỏ, vì sao người Hàn Quốc và Trung Quốc khó chấp nhận chuyến thăm đền của Thủ tướng Nhật Bản.

Vấn đề Đền Yasukuni

Giống như bản sắc kép của ngôi đền, cái gọi là vấn đề Đền Yasukuni có một khía cạnh kép, khía cạnh quốc tế và khía cạnh trong nước. Khía cạnh kép tập trung ở việc thờ 14 tội phạm chiến tranh loại A đã bị Tòa án Quốc tế ra lệnh hành quyết, và tính biểu tượng của  Đền Yasukuni. Nó liên quan đến quan hệ song phương giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc. Khía cạnh trong nước liên quan đến vấn đề tách tôn giáo khỏi chính trị quy định ở hiến pháp, vấn đề tinh thần yêu nước, nhất là của thanh niên.

Vấn đề Đền Yasukuni là một cửa sổ mà qua đó các nước, nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc, nhìn cách Nhật Bản tự hiểu lịch sử xâm lược của mình. Như vậy, Đền Yasukuni trở thành một phong vũ biểu để qua đó đánh giá cách hành xử của Nhật Bản. Đền Yasukuni, với tính cách một vấn đề quốc tế, liên quan đến việc thờ 14 tội phạm chiến tranh loại A cùng với các binh sĩ chết trận khác. Điều này cho phép thấy người Nhật ngày nay hiểu quá khứ họ như thế nào, và cách hiểu của họ khác cách hiểu của Trung Quốc và Hàn Quốc ra sao.

Mặc dầu ở Nhật Bản, các chuyến thăm Đền của thủ tướng ngay từ đầu đã gây một sự náo động chính trị, nhưng vấn đề Đền Yasukuni lần đầu tiên trở thành một cuộc tranh cãi quốc tế năm 1985, lúc ông Nakasone Yasuhiro tới Đền với tư cách thủ tướng nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày nước Nhật bại trận. Trước ông Nakasone, hầu hết các thủ tướng đều tới đền với tư cách không chính thức để lễ các quân nhân tử trận. Sau Nakasone, số cuộc viếng thăm giảm đi chút ít, nhưng cuộc tranh cãi lên tới đỉnh điểm lúc chính phủ của ông Koizumi Junichiro (2001-2006) yêu cầu thăm đền mỗi năm một lần bất chấp lời phản đối gay gắt của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các tội phạm chiến tranh được đưa vào thờ ở đền ngày nào không rõ trong tháng Mười 1978 nên các Chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc đã dựa trên sự kiện đó để chỉ trích. Hai chính phủ tuyên bố rằng, người Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như dân thường Nhật Bản, là nạn nhân của ban lãnh đạo chính trị Nhật Bản thời chiến, tiêu biểu là 14 tội phạm chiến tranh loại A. Vì thế, thờ dân thường Nhật Bản đã bỏ mình vì một sự nghiệp sai trái là điều có thể hiểu được, nhưng thờ tội phạm chiến tranh thì không được. Thờ tội phạm chiến tranh thì chẳng khác nào chứng minh những điều xấu xa trong quá khứ là đúng.

Ngoài Đền Yasukuni, có Bảo tàng Chiến tranh Yushukan chẳng khác nào nêu ý kiến rằng, Đại chiến Thế giới II là cuộc chiến tranh giải phóng, chứ không phải chiến tranh xâm lược. Mục đích của bảo tàng là ca ngợi quá khứ của nước Nhật và những người bỏ mình trong chiến tranh, không đếm xỉa đến cuộc xâm lược ở lục địa Châu Á, trong khi tranh vẽ miêu tả hành động dũng cảm của phi công cảm tử Thần phong và những bức thư xúc động của binh lính được trưng bày đầy tiền sảnh. Người Trung Quốc và Triều Tiên không thể chấp nhận cuộc viếng thăm của một Thủ tướng Nhật Bản ở một ngôi đền hỗ trợ cho bảo tàng đó. Cả hai chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc đều coi cách hiểu đúng lịch sử trước đây, kể cả vấn đề Đền Yasukuni, là cơ sở để xây dựng quan hệ chính trị với Nhật Bản.

Hai chính phủ coi việc giải quyết các vấn đề lịch sử là điều kiện cần thiết để tiếp tục và phát triển quan hệ chính trị. Thứ trưởng bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố năm 2001 rằng “vấn đề Yasukuni không phải chỉ là một vấn đề nội bộ của nước Nhật, đó là hòn đá thử vàng để hiểu thái độ chính phủ Nhật Bản đối với lịch sử xâm lược của nước đó”. Tổng thống Roh Moo-hyun của Hàn Quốc cũng xem vấn đề Yasukuni là “một hòn đá thử vàng để biết mức độ nước Nhật công nhận lịch sử trước đây của minh cũng như việc nước đó coi trọng như thế nào tương lai quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản và hòa bình tại Đông Á”. Cả hai chính phủ đều gửi đi một thông điệp rõ ràng là, việc hiểu đúng quá khứ là nền tảng của quan hệ sau này với Nhật Bản, và khuyên thủ tướng Nhật không nên thăm Đền.

Đây là một điểm quan trọng mà các chính trị gia Nhật Bản không hiểu rõ. Từ chuyến thăm Đền đầu tiên của Thủ tướng Koizumi, Nhật Bản vẫn phản ứng lại lời chỉ trích của hai nước láng giềng trước sau như một. Thứ nhất, mục đích cuộc viếng thăm là để tưởng niệm người hy sinh trong chiến tranh, chứ không phải để tôn vinh và xóa bỏ trách nhiệm cho tội phạm chiến tranh loại A. Thứ hai, cuộc viếng thăm là một cách để thừa nhận rằng, sự phồn vinh của nước Nhật ngày nay được xây dựng trên những hy sinh của người bỏ mạng trong chiến tranh, chứ không nên giải thích là một sự xúc phạm tình cảm các láng giềng châu Á. Và thứ ba, viếng thăm đền để cam kết nước Nhật sẽ chẳng bao giờ gây chiến lại, như vậy là chẳng liên quan gì đến sự trỗi dạy của chủ nghĩa quân phiệt. Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Á-Phi, ông J. Koizumi nói rằng, trước kia, qua sự thống trị thuộc địa và xâm lược, Nhật Bản đã gây thiệt hại và đau khổ to lớn cho nhân dân nhiều nước, đặc biệt các nước Châu Á. Nước Nhật thẳng thắn nhìn nhận những thực tế lịch sử này với một tinh thần khiêm nhường. Và với sự hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành luôn khắc sâu trong tâm trí, Nhật Bản kể từ sau Đại chiến Thế giới II kiên quyết duy trì nguyên tắc giải quyết các vấn đề bằng phương tiện hòa bình, không sử dụng vũ lực, không bao giờ trở thành một cường quốc quân sự mà vẫn là một cường quốc kinh tế.

Nhưng theo Hàn Quốc và Trung Quốc, lời nói của ông Koizumi không đi đôi với hành động, do đấy không thành thật.


 

Những chuyến viếng thăm Đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản

Tên thủ tướng

Số lần thăm

Ngày đến Đền Yasukuni

Higashikuni Naruhiko

1

18/8/1945

Shidehara Kijuro

2

23/10/1945;     20/11/1945

Yoshida Shigeru

5

18/10/1951; 17/10/1952; 23/4/1953; 24/10/1953;    24/4/1954

Kishi Nobusuke

2

24/4/1957;      21/10/1958

Ikeda Hayato

5

10/10/1960; 18/6/1961; 15/11/1961; 4/11/1962;     22/9/1963

Sato Eisaku

11

21/4/1965; 21/4/1966; 22/4/1967;23/4/1968

 

 

22/4/1969; 18/10/1969; 22/4/1970; 17/10/1970; 22/4/1971; 19/10/1971; 22/4/1972

Tanaka Kakuei

5

8/7/1972; 23/4/1973; 18/10/1973; 23/4/1974; 19/10/1974

Miki Takeo

3

22/4/1975;         15/8/1975;         18/10/1976

Fukuda Takeo

4

21/4/1977; 21/4/1978;15/8/1978/18/10/1978

Ohira Masayoshi

3

21/4/1979;     18/10/1979;      21/4/1980

Suzuki Zenko

9

15/8/1980; 18/10/1980; 21/11/1980; 21/4/1981; 15/8/1981; 17/10/1981; 21/4/1982;        15/8/1982;           18/10/1982

Nakasone Yasuhiro

10

21/4/1983; 15/8/1983; 18/10/1983; 5/1/1984;21/4/1984; 15/8/1984; 18/10/1984; 21/1/1985;          22/4/1985;          15/8/1985

Miyazawa Kiichi

1

Không rõ ngày tháng

Hashimoto Ryutaro

1

29/7/1966

 

 

Sau cùng là sáu chuyến thăm Đền của Thủ tướng Koizumi Junichiro từ năm 2001 đến 2006, gây nhiều sóng gió nhất trong quan hệ giữa Nhật Bản với các láng giềng.

Theo nhãn quan của Nhật Bản, thì cần phải tôn vinh người bỏ mình trong chiến tranh, vì đấy là việc Trung Quốc và Hàn Quốc cũng làm. Thờ tội phạm chiến tranh loại A ở Yasukuni là điều chính phủ không thể thay đổi vì ngôi đền là một cơ sở tôn giáo của tư nhân, và dù sao viếng thăm là để tôn vinh binh sĩ tử nạn. Khoảng cách giữa hai cách nhìn khó mà giảm bớt, vì chúng bắt nguồn từ hai quan điểm khác nhau về Đền Yasukuni. Đối với người Hàn Quốc và Trung Quốc, cuộc thăm đền của Thủ tướng Nhật Bản làm họ tin rằng nước Nhật thời hậu chiến chẳng khác gì Nhật Bản thời tiền chiến, chủ nghĩa quân phiệt là một đặc điểm không đổi của tư duy và xã hội nước đó. Còn đối với người Nhật, thì Trung Quốc và Hàn Quốc hiểu sai bản chất của xã hội Nhật Bản thời hậu chiến.

Ở Nhật Bản, vấn đề Đền Yasukuni liên quan đến quy định của hiến pháp, tức là vi phạm việc tách chính trị khỏi tôn giáo. Theo hiến pháp Nhật Bản, thì nhà nước không thể bảo trợ cho một tôn giáo nào. Cuộc thăm Đền của thủ tướng với tư cách chính thức bị cho là thiên vị Shinto so với các tôn giáo khác. Tòa án Osaka và nhiều tòa án khác đều phán quyết rằng cuộc viếng thăm Đền Yasukuni đó là vi phạm hiến pháp.

Đối với nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản, vấn đề hiến pháp quan trọng hơn lời chỉ trích quốc tế và quan hệ xấu đi với Trung Quốc và Hàn Quốc. Do đấy, khi được yêu cầu chọn giải pháp tốt nhất cho vấn đề Đền Yasukuni, ngoài những người coi Đền Yasukuni là nơi thích hợp để tưởng niệm binh sĩ tử nạn, hầu hết đều muốn xây dựng một địa điểm phi tôn giáo. Họ cho rằng vấn đề hiến pháp đáng chú ý hơn những khía cạnh khác, như quan hệ song phương với Trung Quốc và Hàn Quốc và việc thờ hay không thờ tội phạm chiến tranh.

Ngoài vấn đề hiến pháp, cuộc tranh cãi về Đền Yasukuni còn đả động tới lòng yêu nước, nhất là nâng cao tinh thần yêu nước của thanh niên Nhật Bản. Trong mấy thập kỷ qua đã xuất hiện một phái dân tộc chủ nghĩa bảo thủ đòi đề cao niềm tự hào dân tộc. Tháng Mười hai 2001, cựu giáo sư Kobori Keiichiro của trường đại học Tokyo tuyên bố rằng,  cần phải tìm ra cách giải quyết việc chính phủ không bảo trợ  Đền Yakusuni. Nếu việc đó được giải quyết, tôi tin rằng thái độ của thanh niên đối với đất nước sẽ biến đổi. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ tin dân tộc ta là một dân tộc đáng tự hào, người Nhật chúng ta có một cái gì chúng ta có thể thực sự hãnh diện....

Rõ ràng ông Kobori không quan tâm đến việc tưởng niệm người bỏ mình trong chiến tranh mà chỉ nghĩ đến việc biến đổi thanh niên Nhật Bản về đạo đức, tức là dùng người tử nạn để biến đổi xã hội Nhật Bản thời hậu chiến, một xã hội bị coi là thiếu tinh thần yêu nước. Trong bản tin do Đền Yasukuni phát hành tháng Sáu 2003, người biên tập nhấn mạnh rằng “hình ảnh thủ tướng thăm đền sẽ truyền cho thanh niên tình yêu nước và lòng biết ơn binh sĩ tử nạn”.

Vì thế chẳng đáng ngạc nhiên khi sau các chuyến ông Koizumi viếng thăm Đền Yasukuni, xu hướng chính trị bảo thủ lại nổi lên ở Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Ngày 16 tháng Mười một 2006, Nội các Nhật Bản thông qua một quyết định xét lại Luật Cơ bản về Giáo dục để khắc sâu vào tâm trí mọi người một tinh thần dân tộc hơn nữa, “một thái độ yêu quốc gia và quê hương”. Luật Cơ bản, thường được coi là một hiến pháp của giáo dục, chưa bao giờ bị xét lại. Nó là biểu tượng của nền giáo dục Nhật Bản sau Đại chiến Thế giới II và nhấn mạnh vào hòa bình và chủ nghĩa cá nhân.

Cùng với sự thay đổi Luật Cơ bản, Bộ Giáo dục thông qua một số sách giáo khoa về lịch sử của phái hữu. Mặc dầu những sách giáo khoa đó chỉ được dưới 1% các trường học ở Nhật Bản sử dụng, do phụ huynh học sinh phản đối, nhưng việc bộ Giáo dục thông qua những sách đó khiến người ta nghi ngờ về thái độ của một bộ phận người Nhật đối với quá khứ lịch sử. Việc sử dụng sách giáo khoa của cánh hữu và cuộc thăm Đền của thủ tướng là những sự kiện không tách rời nhau.

Tuy vậy, xã hội Nhật Bản không hề nhất trí về vấn đề Đền Yasukuni. Chống lại nhóm dân tộc chủ nghĩa bảo thủ là các chính trị gia chủ yếu thuộc cánh tả, cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGO) và cộng đồng doanh nghiệp. Hai nhóm này chẳng cần biết Yasukuni có nghĩa như thế nào, họ lo lắng về tác động tiêu cực của vấn đề Yasukuni đối với quan hệ với các nước láng giềng. Thí dụ, tổ chức Keizai Doyukai (Hiệp hội các Ủy viên Quản trị của Liên hiệp Công ty) do quan tâm đến công việc kinh doanh với Trung Quốc nên phản đối hồi tháng Năm 2006 việc thủ tướng viếng thăm Yasukuni, đề nghị chính phủ xây dựng một địa điểm mới để thờ tất cả các nạn nhân chiến tranh. Hiệp hội còn tuyên bố rằng, vì nhân dân Nhật Bản chẳng thống nhất ý kiến về vấn đề Yasukuni có phải là nơi thích hợp để hứa hẹn từ bỏ gây chiến không, nên mong thủ tướng xem xét lại việc thăm đền. Ông Koizumi bác bỏ lời kêu gọi của họ, nói rằng “việc đó khác với chính trị” vì Yasukuni là một vấn đề của trái tim.

Những người xưa nay ủng hộ việc thủ tướng thăm đền, như tổ chức Nippon Izokukai (Những Gia đình Nhật Bản bị mất Người thân), cũng có tỏ ý ngờ vực ích lợi của điều đó. Họ nói rằng giới lãnh đạo nên chú ý đền tình cảm của các láng giềng Châu Á về cuộc viếng thăm Yasukuni. Nippon Izokukai nói rằng họ biết ơn nỗ lực của Thủ tướng Koizumi, nhưng nếu cuộc thăm đền gây rắc rối như thế thì linh hồn người tử nạn trong chiến tranh không thể yên nghỉ.

Quan điểm của các nhà lãnh đạo Nhật Bản đối với cuộc tranh cãi về Yasukuni

Động cơ nào thúc đẩy thủ tướng Nhật Bản đến Yasukuni bất chấp sự phản kháng của các chính đảng khác? Thủ tướng thăm đền vì đa số đảng viên LPD ủng hộ việc đó. Thủ tướng cần phải hành động như vậy để duy trì sự đoàn kết trong đảng giữa người tự do và người dân tộc chủ nghĩa bảo thủ. Trong khi tiến hành cải cách ngành bưu chính, ông Koizumi cần viếng thăm đền để tranh thủ sự ủng hộ của người dân tộc chủ nghĩa bảo thủ. Nhưng nội bộ LPD không có sự nhất trí, ngay trong đảng cũng có ý kiến phản đối mạnh mẽ cuộc thăm đền của thủ tướng. Thí dụ Yamasaki Taku, một cựu phó chủ tịch cũ của LPD, đống ý với đề nghị của tổ chức Keizai Doyukai. Một chính trị gia khác của LPD là Fukuda Yasuo, cựu thư ký của nội các, công khai phản đối thủ tướng thăm đền. Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cũng cho rằng sở dĩ chính sách Châu Á của ông Koizumi thất bại phần lớn vì các vấn đề lịch sử, kể cả Yasukuni. Nhưng nói chung, cách nhìn của các đảng viên LPD khác xa quan điểm của các chính đảng khác.

Trong DPJ, mặc dầu đa số đảng viên phản đối thủ tướng thăm đền, nhưng cũng có một số ủng hộ thủ tướng. Một nhóm nghị sĩ thuộc cả hai đảng tổ chức hội họp và đi thăm đền để tỏ ý ủng hộ thủ tướng, chống việc xây dựng một địa điểm mới để tưởng niệm binh sĩ tử trận, phản đối phán quyết của Tòa án Tokyo về tội phạm chiến tranh. Tuy thuộc hai đảng khác nhau, nhưng đảng viên DPJ trong nhóm nghị sĩ này cùng chung quan điểm bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa về vấn đề lịch sử với giới chủ đạo trong LPD. Giữa LPD và phe đối lập không có bất đồng lớn về ủng hộ việc thăm đền, họ đều coi Yasukuni là địa điểm thích hợp để tưởng niệm người tử nạn trong chiến tranh, chứ không mang hình ảnh chủ nghĩa quân phiệt và đế quốc.

Nhóm người muốn bảo vệ ngôi đền nói rằng, “Yasukuni là nơi thích hợp để tỏ lòng tôn kính những người bỏ mình trong chiến tranh, kể cả tội phạm chiến tranh loại A, chính phủ nước ngoài không có quyền ăn nói về việc này”. Một số người khác cho rằng, Nhật Bản không nên nhượng bộ lời chỉ trích của nước ngoài, vì thế thủ tướng nên viếng thăm đền.

Trong số người phản đối thủ tướng thăm Yasukuni, cũng chẳng có sự khác biệt về lập luận giữa các chính đảng. Lý do thứ nhất và quan trọng nhất của họ là nỗi lo lắng về quan hệ song phương với Trung Quốc và Hàn Quốc. Thứ hai, ngôi đền thờ cả tội phạm chiến tranh loại A, và cuối cùng, viếng thăm đền là vi phạm quy định của hiến pháp về tách tôn giáo khỏi chính trị.

Có hai giải pháp được đề xuất để giải quyết cuộc tranh cãi về Yasukuni: quốc hữu hóa ngôi đền và xây dựng một địa điểm phi tôn giáo khác. Tuy gần đây việc quốc hữu hóa được nguyên Ngoại trưởng Aso Taro đề nghị, nhưng thật ra đấy là một ý tưởng cũ đã được nêu ở Dự luật của Quốc hội về đền Yasukuni năm 1969. Lý do căn bản của Dự luật là, một khi ngôi đền đã được quốc hữu hóa, thì Quốc hội có thể quyết định thờ ai ở đấy, như thế có khả năng tội phạm chiến tranh loại A không được tưởng niệm trong đền.

Có hai trở lực ngăn cản đề nghị đó. Thứ nhất, chẳng hiểu ban quản trị Yasukuni có đồng ý với kế hoạch không. Trong khi tán thành ý tưởng biến Yasukuni thành một thiết chế nhà nước, họ lại phản đối sự can thiệp của nhà nước vào tính cách tôn giáo của đền và vào vấn đề loại bỏ tội phạm chiến tranh. Thứ hai, không chắc việc này sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu tội phạm chiến tranh không bị loại khỏi đền sau khi quốc hữu hóa, thì điều đó chắc chắn làm cho các nước láng giềng chỉ trích hơn nữa.

Đề nghị nữa được chú ý là xây dựng một địa điểm tưởng niệm khác, nhưng cũng có nhiều trở ngại. Thứ nhất, nhiều chính trị gia LPD phản đối ý tưởng này. Vì họ coi đền Yasukuni là nơi thích hợp để tưởng niệm người bỏ mình trong chiến tranh, nên họ có thể thấy đề nghị đó là chính trị hóa vấn đề một cách không cân thiết hoặc cúi đầu trước sức ép của nước ngoài. Thứ hai, một quyết định khó khăn là, có thể thờ tội phạm chiến tranh trong lễ tưởng niệm quốc gia không. Chắc chắn là, một số người trong LPD và phe đối lập, cũng như các nhóm quan tâm như Hiệp hội Những người mất Thân nhân trong Chiến tranh, sẽ cương quyết chống việc loại trừ tội phạm chiến tranh. Cuối cùng, ngay dù một địa điểm mới được xây dựng, thì đền Yasukuni vẫn tồn tại. Nếu các thủ tướng không đến Yasukuni nữa sau khi một địa điểm mới được xây dựng, thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thủ tướng tiếp tục đến tưởng niệm người bỏ mình trong chiến tranh tại đó? Lúc ấy Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những vấn đề như trước, vì thế đề nghị đó chẳng giải quyết được hoàn toàn vấn đề.

Trong tương lai gần, nguyên trạng vấn đề có thể được tiếp tục duy trì. Phải chăng các nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ lại đến thăm đền khi họ thấy thích hợp, trong khi hạ thấp ý nghĩa chính trị của cuộc viếng thăm. Thời gian thăm Đền sẽ được sắp đặt tùy theo dư luận trong nước và có tính đến quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Hàn Quốc? Như vậy, cuộc tranh cãi về Đền Yasukuni chắc không  chấm dứt sớm.

*

* *

Vậy vấn đề về Đền Yasukuni tác động ra sao đến chính sách đối ngoại Nhật Bản? Mặc dầu nhiều chính trị gia Nhật Bản tin rằng Đền Yasukuni là vấn đề nội bộ nên vì thế chẳng liên quan gì tới quan hệ đối ngoại, nhưng thực ra nó tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại. Trong nỗ lực giành một ghế thường trực ở Hội đồng Bảo an, cuộc tranh cãi về Đền Yasukuni bất lợi cho Nhật Bản, vì các cường quốc cỡ trung bình như Hàn Quốc đã chống lại sự thay đổi, và Trung Quốc với quyền phủ quyết đã ngăn trở điều đó. Cuộc tranh cãi về Đền Yasukuni lại tạo thêm cho Trung Quốc và Hàn Quốc động cơ đánh đổ sáng kiến cải cách Liên hợp quốc của Nhật Bản.

Thứ hai, vấn đề đó sẽ tiếp tục làm căng thẳng quan hệ song phương với Hàn Quốc và Trung Quốc. Tất cả ba nước cho đến nay đã cẩn thận không để vấn đề tác động tiêu cực đến sự trao đổi thương mại và văn hóa, nhưng về mặt chính trị, vấn đề đã làm hại đến quan hệ ở cấp thượng đỉnh. Cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều từng từ chối họp hội nghị cấp cao với các thủ tướng Nhật Bản trong nhiều dịp. Do cách nhìn khác nhau về vấn đề giữa bộ phận chủ đạo của LPD với Hàn Quốc và Trung Quốc, nên vấn đề Đền Yasukuni không chắc được giải quyết trong tương lai gần.

Cuối cùng, vấn đề đền Yasukuni sẽ khiến hình ảnh tiêu cực của nước Nhật tiếp tục ám ảnh tâm trí các dân tộc Đông Á khác. Điều này có ảnh hưởng không tốt đến chính sách đối ngoại Nhật Bản thời hậu chiến. Cách nhìn Nhật Bản là kẻ xâm lược trong Đại chiến Thế giới II vẫn chưa bị lu mờ do sự tồn tại các vấn để lịch sử, và cuộc tranh cãi về Đền Yasukuni lại tái khẳng định hình ảnh này của nước Nhật.

Vấn đề Đền Yasukuni tiêu biểu cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc bảo thủ trong chính trường Nhật Bản. Về đối ngoại, điều đó biểu hiện qua thái độ cứng rắn của Chính phủ Nhật Bản đối với các vấn đề lịch sử. Lập trường bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa này đối với các vấn đề lịch sử là một trở ngại ngăn cản mục tiêu cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

ĐỨC MINH HOÀI PHƯƠNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Andrew Gordon. A Modern History of Japan (New York: Oxford University Press, 2003)

2. J. M. Kitagawa. Religion in Japanese History (New York: Columbia University Press, 1966)

3. Foreign Affairs 82:6 (November/December 2003)

4. Asahi Shimbun, April 29, 2006

5. Asian Survey, No. 5, September/October 2007.

 

 

 

 

0thảo luận