Trang chủ

KINH TẾ - CHÍNH TRỊ TRUNG QUỐC NĂM 2008

Đăng ngày: 18-03-2013, 11:32 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 1

Năm 2008, đánh dấu 30 năm Trung Quốc cải cách, mở cửa nền kinh tế, cũng là năm có nhiều sự kiện tác động cả thuận lợi và không thuận lợi đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Động đất ở Tứ Xuyên tháng 5/2008 đã gây tổn hại lớn cho nền kinh tế; Olimpic thế giới được tổ chức tại Bắc Kinh liên quan đến việc Trung Quốc đưa ra kế hoạch lấy năm 2008 là năm khẳng định vị thế cường quốc của mình thông qua thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, và thể hiện sức mạnh kinh tế với ước muốn vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Cũng trong năm 2008, Trung Quốc chịu ảnh hưởng khá mạnh của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đánh giá đưa ra vào cuối quý 3, mức tăng GDP cả năm của Trung Quốc chỉ đạt 9%, thấp hơn 2,4% so với năm 2007. Do tác động của khủng hoảng toàn cầu làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, mức tăng trưởng của Trung Quốc giảm dần theo quý. Trong nửa đầu năm, tăng trưởng 10,4%, đến hết quý 3 chỉ tăng trưởng 9%. Theo đánh giá của chúng tôi, trong cả năm, kinh tế Trung Quốc tăng khoảng 8,5%. Bên cạnh đó sự chậm lại này một phần cũng là hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ mà Trung Quốc đã thực hiện trong năm 2007 nhằm kiềm chế lạm phát và ngăn chặn mức tăng quá nóng. Sản lượng lương thực cả năm 2008 của Trung Quốc đạt 511,5 triệu tấn.

Giữa tháng 12/2008, Trung Quốc kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa. Từ năm 1978 đến năm 2007, GDP của Trung Quốc tăng gần 20 lần, với mức tăng trung bình 9,6% mỗi năm, từ 216,5 tỷ USD lên 3,6 ngàn tỷ USD. Thu nhập công khố cũng tăng hơn 44 lần, từ 113,2 tỷ NDT lên 5130 tỷ TDT. Các chính sách hợp lòng dân, hợp thời đã giúp tạo ra một nguồn lực lớn hơn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điều này đã giúp Trung Quốc nuôi sống hơn 1,3 tỷ dân, nâng sản lượng ngũ cốc từ mức gần 300 triệu tấn lên hơn 510 triệu tấn năm 2008. Trong lúc  cả thế giới thiếu lương thực và giá giá lương thực đắt đỏ nhất thì cung ứng và giá cả lương thực của Trung Quốc vẫn ổn định. Theo đánh giá của WB, 30 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc đã tạo nên một chiến dịch xoá đói giảm nghèo có quy mô lớn nhất, thành công nhất trong lịch sử nhân loại. Số người rất nghèo khi bắt đầu cải cách ở Trung Quốc là 250 triệu (tương đương 31% dân số nông thôn) đã giảm chỉ còn 15 triệu, tương đương 1,6% năm 2007. Không những thế, hiện Trung Quốc (cùng với Ấn Độ, Nga...) còn là một trong những nước có đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng của thế giới. Năm 2007, Trung Quốc đóng góp 17% vào tăng trưởng GDP thế giới (cao hơn nhiều so với mức của các nước đứng sau liền kề là Ấn Độ, Nga với 3-4%). Theo dự báo, trong năm 2009, trong bối cảnh các nước phát triển chỉ tăng trưởng từ 0 đến 1% thì Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng khoảng 8 - 10%.

Những nét chính về Trung Quốc trong năm 2008 được thấy qua hai nhóm vấn đề: các vấn đề tác động thuận lợi và các vấn đề tác động không thuận lợi đến sự phát triển, ổn định của nền kinh tế.

I. Nhóm các vấn đề tác động thuận lợi đến sự phát triển, ổn định của nền kinh tế

Thứ nhất, Quốc Vụ Viện Trung Quốc chính thức phê chuẩn Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây - xem đây là một cực tăng trưởng mới của Trung Quốc.

Ngày 6/1/2008, Quốc Vụ Viện Trung Quốc chính thức phê chuẩn “Kế hoạch phát triển khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây”. Đây được xem là chiến lược quốc gia trong hợp tác khu vực và quốc tế. Đây là cơ sở để triển khai hợp tác phát triển khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, bao gồm hợp tác giữa 7 nước: Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á qua Biển Đông khác như: Malaysia, Singapore, Indonnesia, Philipine, Bruney. Phía Trung Quốc có sự tham gia của các tỉnh: Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Hải Nam. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Trung Quốc, hợp tác phát triển khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng  thực hiện mục đích phát huy vai trò thông lộ trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN, thúc đẩy thương mại và đầu tư, thúc đẩy phát triển các cảng biển, phát triển ngành nghề và các thành phố trong khu vực.

Đây là khu vực  được xem như cực tăng trưởng mới thứ 6 của Trung Quốc (sau các khu phố Đông Thượng Hải, phê chuẩn tháng 2/2005; Khu Thiên Tân tháng 5/ 2006; Khu vực đồng bằng Chu Giang (Trùng Khánh - Thành Đô phê chuẩn năm 2007; Khu đồng bằng Trường Giang (Vũ Hán, Tư đàm - Hồ Nam) cuối năm 2007 và Khu Bột Hải). Kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây là khu duy nhất trong 6 khu kể trên có nội dung hợp tác quốc tế.

Khu Kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây có 2 tầng lớp. Thứ nhất là về hành chính, chia làm 6 khu vực: Nam Ninh, Bắc Hải, Khâm Châu, Sùng Tả, Phòng Thành. Phía đông giáp Quảng Đông, phía tây là TP. Sùng Tả, giáp Việt Nam. Thứ hai, về bố cục, bốn bên xoay quanh Vịnh Bắc Bộ chia 3 khu vực: gồm khu vực Thành thị, chiếm 9% tổng diện tích, khu vực nông thôn, chiếm 56% tổng diện tích) và khu vực bảo tồn sinh thái, chiếm 35% tổng diện tích). Tuyến ven biển sẽ chia thành các cụm cảng, cụm công nghiệp, khu du lịch - khu nghỉ ngơi, khu nuôi trồng, khu bảo vệ sinh thái và một khu gồm các nhóm ngành nghề khác. Về định vị công năng, đây là khu kinh tế mang tính quốc tế lớn, có tính kết nối vùng, sẽ phát triển “3 cơ sở, một trung tâm” gồm các cơ sở: kho vận, thương mại, gia công và một trung tâm là trung tâm thông tin giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Mục tiêu đưa ra là sẽ hình thành một cực tăng trưởng mới, đi trước Miền Tây với kinh tế phồn vinh, xã hội hài hoà, khá giả toàn diện trong vòng 10 đến 15 năm. Về chính sách, Trung ương Trung Quốc sẽ hỗ trợ Quảng Tây trên 5 mặt: 1/ Cải cách tổng hợp, bao gồm cải cách quản lý hành chính, cải cách chế độ quản lý đất đai, xây dựng hệ thống thị trường. Cho phép Quảng Tây mạnh dạn tiến hành thí điểm trong quá trình cải cách. 2/ Các hạng mục lớn như xây dựng, phê chuẩn dự án. 3/ Miễn thuế và kho vận, có thể cho phép xây dựng khu miễn thuế và khu kho vận (ở khu vực nối Sùng Tả với Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam). 4/ Trong chính sách tiền tệ, nhà nước cho phép thành lập ngân hàng địa phương, thành lập quỹ ngành nghề. 5/ Trong hợp tác mở cửa, khuyến khích vai trò đi đầu của Quảng Tây trong hợp tác với khu vực trên các phương diện năng lượng, du lịch xuyên quốc gia, bảo vệ sinh thái. Về quy hoạch giao thông: có đường hàng không, đường bộ, đường thuỷ. Về hàng không, Quảng Tây có 7 sân bay, trong đó sân bay dân dụng là Sân bay Nam Ninh (đứng thứ 31 ở Trung Quốc), sân bay Quế Lâm (đủ tiêu chuẩn sân bay quốc tế, đứng thứ 17 ở Trung Quốc), sân bay Bắc Hải (đứng thứ 47 ở Trung Quốc). Các sân bay quân sự như sân bay Liễu Châu, sân bay Ngô Châu. Về đường sắt, trong 5 năm tới, Quốc vụ Viện Trung Quốc sẽ đầu tư 15 tỷ USD cho xây dựng hệ thống đường sắt ở Quảng Tây (tương đương tổng đầu tư của nhà nước cho đến nay vào Quảng Tây). Một trong các mục tiêu của khoản đầu tư này là để giải quyết 3 nút thắt: 1/ Quế Châu - Nam Ninh. 2/ Đường sắt cao tốc nối Nam Ninh với Quảng Đông, và 3/ Tuyến nối Hồ Nam (ở phía Bắc) với Nam Ninh và Việt Nam (ở phía nam Quảng Tây). Trong khu kinh tế vịnh Bắc Bộ sẽ xây dựng các tuyến cao tốc: 1/ Sùng Tả - Khâm Châu; 2/ Ngọc Lâm - Thiết Sơn. Sẽ xây dựng để nâng công suất bốc xếp các cảng ven biển lên 100 triệu tấn so với mức 70 triệu tấn hiện năm 2007.

Thứ hai, Olimpic Bắc Kinh 2008. Theo Huang Wei, cố vấn kinh tế của Uỷ ban phát triển và cải cách Thành phố Bắc Kinh cho biết, trong thời gian 2001-2008, Trung Quốc đã đầu tư cho Olimpic ước tính lên đến 520 tỷ NDT (tương đương 76,11 tỷ USD). Như vậy tính từ 13/7/2001 - khi Trung Quốc giành được quyền đăng cai Olipic đến ngày khai mạc 8/8/2008, mỗi ngày đầu tư khoảng 29 triệu USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Olimpic. Các công trình lớn phục vụ Olimpic phải kể đến là: sân vận động quốc gia tổ chim (gần 500 triệu USD), 12 sàn nhà thi đấu mới, cung thi đấu dưới nước, khu liên hợp 42 toà nhà của Làng thế vận hội Olimpic... phục vụ sự tham gia thi đấu của 10.708 vận động viên đến từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 302 nội dung của 28 môn thi đấu. Cùng với số vận động viên này còn có sự tham gia chứng kiến của lãnh đạo 80 quốc gia, 21.600 nhà báo đăng ký hoạt động và khoảng nửa triệu khách quốc tế và 1 triệu khách nội địa tham gia cổ vũ. Trong năm 2008, ước tính có khoảng 4,5 triệu lượt du khách nước ngoài đến Bắc Kinh. Tổng mức chi tiêu đạt khoảng 5 tỷ USD. Theo đánh giá, Olimpic Bắc Kinh 2008 đóng góp tăng 30% GDP của ngành dịch vụ Trung Quốc. Cần nhắc lại là Trung Quốc đưa ra kế hoạch lấy năm 2008, là năm khẳng định vị thế cường quốc của mình thông qua thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo được thấy một phần qua Lễ khai mạc Olimpic Bắc Kinh 8/8/2008, và thể hiện sức mạnh kinh tế với ước muốn vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Như vậy ngoài gia tăng đầu tư, doanh thu từ các loại dịch vụ cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2008.

Thứ ba, Trung Quốc với vấn đề cải cách nông thôn. Một sự kiện chính trị quan trọng trong năm 2008 là từ 9 đến ngày 12/10 ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã triệu tập Hội nghị Trung ương 3 khóa 17, với trọng điểm là cải cách nông thôn. nhằm vào các vấn đề như: thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn; giải quyết tình trạng quyền lợi đất đai của nông dân thiếu sự bảo hộ hữu hiệu; tình trạng thu hồi đất của nông dân với giá thấp, đền bù không tương xứng… khiến cho tranh chấp thường xuyên diễn ra…Đặc biệt, diễn biến thị trường quốc tế tác động khiến giá tư liệu sản xuất nông nghiệp tăng mạnh làm giá thành sản xuất tăng, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động tập trung rất khó khăn để tồn tại. Sau khi phiên họp lần thứ 4 kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng có thể tới đây Trung Quốc sẽ cho phép nông dân mua bán thế chấp ruộng đất mà trên giấy tờ họ chỉ được quyền sử dụng. Một ngày sau khi Hội nghị Trung ương 3 khóa 17 kết thúc, ngày 13/10/2008, ở TP Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (quê hương ông Đặng Tiểu Bình) đã thí điểm mở cửa một thị trường mua bán quyền sử dụng đất. Thị trường này gần giống như  thị trường chứng khoán Thượng Hải, cái khác là người ta không mua bán các cổ phiếu mà mua bán các giấy tờ chứng thực quyền sử dụng đất. Theo ông Tần Thế Khôi, người đứng đầu Thị trường này, nông dân rất hồ hởi với việc thành lập sàn trao đổi này, họ gọi điện thoại nhiều hỏi về các luật lệ thủ tục trước khi tham gia thị trường.

Theo đánh giá, đây có thể là bước đầu quan trọng trong việc phát triển tư hữu hóa ruộng đất, một biện pháp mang tính cởi trói để kinh tế nông thôn Trung Quốc có thể phát triển nhanh hơn.

II. Nhóm các vấn đề tác động không thuận lợi đến sự phát triển, ổn định của nền kinh tế

Thứ nhất, động đất ở Tứ Xuyên tháng 5.2008 làm khoảng 80.000 người thiệt mạng, trong đó có 19000 học sinh.

Ngày 12/5/2008 một trận động đất mạnh 7,8 độ rich te xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên. Đây là một thảm hoạ thiên nhiên lớn nhất ở Trung Quốc trong 30 năm qua. Đặc biệt, trong khoảng 15 ngày sau đó đã có thêm gần 200 dư chấn khác với cường độ khác nhau, với 5 dư trấn mạnh từ 6 độ rích te trở lên làm cho số nhà đổ, số người chết gia tăng nhanh. Tính đến ngày 28/5, con số người chết thống kê được đã lên đến gần 80 ngàn, số người mất tích là hơn 20 ngàn, số người bị thương là hơn 350 ngàn. Số người bị mất nhà cửa đang phải sống trong các lều bạt tạm bợ lên đến 4-5 triệu người. Có đến 5000 trẻ em mồ côi vì mất cả cha lẫn mẹ... Trận động đất đã gây tổn thất về kinh tế ước tính lên đến 122 tỷ USD, làm nhiều triệu nông dân lâm vào cảnh khốn khó. Để khắc phục hậu quả, Trung Quốc dự tính sẽ đầu tư khoảng 147 tỷ USD cho việc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất . Động đất cũng làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là với các ngành dầu khí, than... Được biết Tứ Xuyên hiện chiếm khoảng 4% tổng sản lượng than sản xuất ở Trung Quốc. Sau trận động đất kinh hoàng này, báo chí Trung Quốc đã nêu một số điểm nóng trong dư luận bàn về vấn đề này.

Một là, có hay không chuyện gian lận trong xây dựng trường lớp cho học sinh. Tại sao chỉ có các ngôi trường học bị đổ do dư trấn trong khi nhiều ngôi nhà lân cận vẫn đứng vững. Hai là, công tác cảnh báo động đất đã làm tốt hay chưa. Trước khi xảy ra động đất, được biết có rất nhiều hiện tượng lạ ở nhiều địa phương lân cận. Chẳng hạn, ba tuần trước khi xảy ra động đất, một lượng nước lớn trong một hồ ở tỉnh Hồ Bắc - cách tâm trấn động đất khoảng 550 km, đã biến mất trong vài giờ. Ba ngày trước động đất, hàng ngàn con cóc nhảy ra một đường phố ở Miên Dương, nơi chịu ảnh hưởng nặng của động đất. Ở Vũ Hán, cách phía đông tâm chấn gần 1000 km, tờ Vũ Hán buổi tối cho biết, vào đúng ngày động đất xảy ra, có hiện tượng nhiều con ngựa vằn tự nhiên lao đầu vào cửa vườn thú... Tờ China Daily và rất nhiều báo địa phương Trung Quốc đã nêu vấn đề để các nhà khoa học xem xét rút kinh nghiệm có thể đưa ra cơ chế cảnh báo sớm, ngăn chặn thiết hại. Sau trận động đất, Trung Quốc đã nhận được nhiều tỷ USD cứu trợ từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cũng cho thấy tình cảm và sự nhiệt tình của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc.

Liên quan đến ảnh hưởng thiên nhiên, nhớ lại là hồi tháng 1 đầu năm, do thời tiết giá lạnh, băng tuyết nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đồng thời cản trở giao thông, làm nhiều người không về quê ăn tết được, bị kẹt trong các nhà ga. Ước tính có khoảng 16 triệu người bị ảnh hưởng. Thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ USD. Đến ngày 10/2 về cơ bản mới khôi phục được tình hình.

Thứ hai, liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường phục vụ Olimpic Bắc Kinh 2008. Trước khi diễn ra Olimpic Bắc Kinh 2008, dư luận quốc tế cho rằng môi trường ô nhiễm (sương mù, khói bụi...) ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của một số môn trong chương trình Đại Hội. Để hạn chế ô nhiễm, trước và trong thời gian diễn ra Olimpic, Bắc Kinh thực hiện cắt giảm một nửa số xe lưu thông trên đường phố và đóng cửa nhiều nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Từ 20/7 đến 20/9/2008, Trung Quốc quyết định cứ 1 ngày cho xe có biển số lẻ chạy, lại 1 ngày cho xe có biển số chẵn chạy. Như vậy mỗi ngày khoảng 3,3 triệu xe không được tham gia lưu thông ở Bắc Kinh. Đã có 300.000 xe tải gây ô nhiễm nặng đã bị cấm lưu hành kể từ ngày 1/7/2008. Các tài xế vi phạm sẽ bị phạt số tiền tương đương 14 USD. Việc đóng cửa tạm thời nhiều nhá máy, việc hạn chế lưu lượng xe cộ lưu thông cũng là một nhân tố kiềm chế tăng trưởng ở Trung Quốc.

Đến giữa năm 2008, Theo Cục Lâm nghiệp Trung Quốc, tỷ lệ phủ xanh của các thành phố Trung Quốc đạt 36%. Riêng tỷ lệ phủ xanh của các khu vực trung tâm thành phố Bắc Kinh đạt 43%, đứng đầu các thành phố ở Trung Quốc. Trong hàng loạt các mục tiêu xây dựng môi trường sinh thái tốt cũng như để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, Trung Quốc đưa ra mục tiêu nâng tỷ lệ thảm rừng lên 20% vào năm 2010, nâng tỷ lệ phủ rừng lên trên 26% trong cả nước vào năm 2050.

Về việc tấn công khủng bố liên quan đến Olimpic. Sau nhiều năm tiến hành các hoạt động khủng bố ở nhiều nơi trên thế giới, năm 2008 cũng đánh dấu sự hiện diện rõ ràng của chủ nghĩa khủng bố ở Trung Quốc. Theo các tài liệu được Trung Quốc công bố, các thế lực khủng bố ở nước này bao gồm: chủ nghĩa phân biệt, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan đã và đang thực hiện nhiều âm mưu thủ đoạn kể cả dùng bạo lực để ngăn chặn, phá hoại và chia cắt, làm suy yếu Trung Quốc về kinh tế, làm suy giảm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc về chính trị.

Tháng1/2008, công an Tân Cương đã phá vụ tập kích khủng bố với âm mưu gây vụ nổ, bắt 10 phần tử khủng bố thuộc tổ chức “Phong trào hồi giáo Đông Turkestan” hoạt động ở nước ngoài. Lực lượng này vốn đã có kế hoạch tấn công khủng bố ở Trung Quốc từ cuối năm 2007. Ngày 21/7/2008 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đánh bom xe khách ở Côn Minh - Vân Nam làm 2 người chết và 14 người bị thương. Ngay sau đó là vụ tấn công nhằm vào lực lượng biên phòng ở Thành phố Kashi thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương) làm 16 lính biên phòng Trung Quốc chết và 16 binh sỹ khác bị thương. Sáng ngày 10/8, cũng tại Tân Cương, nhiều vụ nổ làm rung chuyển khu tự trị Duy Ngô Nhĩ làm 8 người chết và 4 người bị thương. Tại thị trấn Cuca, cách thủ phủ Urumqi  của Tân Cương 740 km, nơi có khoảng 400.000 dân mà đa số là người theo đạo Hồi, có vụ thủ phạm lao xe tắc xi vào toà nhà văn phòng của chính quyền địa phương, cho nổ vật nổ tự tạo, phá huỷ nhiều nhà và xe cảnh sát. Sau khi điều tra, cảnh sát còn phát hiện 12 quả bom khác ở thị trấn này. Đối phó với tình trạng trên, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động chống khủng bố. đó là các cuộc diễn tập chống khủng bố “Đột kích 2007” và “Đột kích 2008” vào cuối tháng 7/2007 và tháng 8/2008, trong sự phối hợp với Thái Lan tại Quảng Châu (2007) và tại Chiềng Mai - Thái Lan (2008).

Thứ ba, Về vụ sữa bẩn do bị nhiễm Melamine. Năm 2008, Trung Quốc được nhiều nước biết đến vì đã đưa ra thị trường (nội địa và quốc tế) sữa bẩn do bị nhiễm Melamine. Bắt đầu từ tháng 12/2007, Tập đoàn Tam Lộc (đóng tại TP Thạch Gia Trang) nhận đuợc nhiều than phiền của người tiêu dùng về việc nhiều trẻ em bị ốm sau khi uống sữa của tập đoàn này, đến giữa tháng 9/2008 khi Trung Quốc công bố kết quả kiểm tra sữa do 3 công ty sữa hàng đầu Trung Quốc sản xuất có nhiễm độc, thì vấn đề đã trở nên trầm trọng.

Đến cuối tháng 9.2008, đã có gần 53.000 trẻ em Trung Quốc bị ốm ở các mức độ khác nhau do dùng các sản phẩm sữa bẩn. Trong số này đã có nhiều trẻ em tử vong, hàng trăm em ở trong tình trạng nguy kịch. Cần lưú ý rằng đây không phải là lần đầu tiên điều này diễn ra ở Trung Quốc. Năm 2004, tập trung tại TP Phúc Dương tỉnh An Huy Trung Quốc, có hơn 10 trẻ em bị chết vì suy dinh dưỡng do uống phải sữa bột giả, gần 200 em bị mắc chứng bệnh đầu to.

Vụ việc dẫn đến làn sóng mạnh mẽ về thu hồi sữa Trung Quốc ở nước ngoài (Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan...), một số nước còn tiến hành tịch thu, hoặc kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc (Myanma). Sự việc đã một lần nữa cảnh báo về những yếu kém trong quản lý chất lượng thực phẩm ở Trung Quốc. Đồng thời, điều này một mặt làm khó khăn cho ngành chăn nuôi lấy sữa, mặt khác làm giảm uy tín hàng Trung Quốc trên thị trường thế giới.

Thứ tư, Trung Quốc trước tác động của Khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Kinh tế Trung Quốc chịu tác động của Khủng hoảng toàn cầu chủ yếu thông qua ảnh hưởng của xuất khẩu, do đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc suy giảm và do thị trường địa ốc suy yếu. Xuất khẩu giảm làm cho sản xuất công nghiệp giảm. Nhu cầu xây dựng nói chung giảm do thị trường địa ốc trầm lắng. Thứ nhất, về xuất khẩu. Mỹ là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc. Từ năm 1999 đến năm 2001, xuất khẩu sang Mỹ trung bình chiếm 8-9% GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2003 trở đi tỷ lệ này là trên 10%. Trong các năm 2004, 2005, tỷ lệ này lên gần 11% (Tính theo số liệu của phía Mỹ. Còn theo số liệu của Trung Quốc thì con số thấp hơn. Xem thêm bảng dưới đây).


Bảng 1: Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ

và tỷ lệ so với GDP của Trung Quốc 1998-2007.

(Số liệu của phía Mỹ, Tỷ USD)

Năm

Xuất khẩu của TQ sang Mỹ

% GDP của TQ

2007

321,442.9

9,5

2006

287,774.4

10,6

2005

243,470.1

10,8

2004

196,682.0

10,7

2003

152,436.1

10,78

2002

125,192.6

9,8

2001

102,278.4

8,8

2000

81,788.2

 

1999

81,788.2

8,19

 

 

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm đến 22% tổng xuất khẩu của Trung Quốc. Tỷ lệ này với nhật Bản và EU là 38%. Như vậy tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản lên đến 60% tổng xuất khẩu của Trung Quốc. Chính vì vậy, kinh tế Mỹ suy giảm kéo theo sự suy giảm của EU, Nhật Bản khiến nhu cầu nhập khẩu giảm làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc. Theo ước tính của Bộ Thương mại Trung Quốc, số tiền mà các doanh nghiệp Mỹ không thanh toán được cho các doanh nghiệp Trung Quốc theo đơn hàng đã đặt trong nửa đầu năm 2008 lên đến 100 tỷ USD. Thiệt hại liên quan đến nhiều ngành, từ quần áo, đồ gia dụng đến xây dựng. Chính vì vậy mà trong nửa sau của năm, nếu các đơn đặt hàng cao hơn mức 14.000 thì các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm hiểu rất kỹ về lịch sử công ty và thị trường họ sẽ xuất hàng sang.  Sau nhiều năm tăng trưởng xuất khẩu liên tục duy trì mức trên 20% thì trong năm 2008, mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc có thể chỉ ở mức 10%. Và theo dự báo, mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2009 có thể thấp hơn, không loại trừ khả năng tăng trưởng âm.

Về đầu tư nước ngoài, trong vòng 15 năm trở lại đây, Trung Quốc được liệt vào danh sách các thị trường thu hút FDI hấp dẫn nhất thế giới. Từ năm 2002 đến năm 2004, các nhà đầu tư thế giới liên tục coi Trung Quốc là địa điểm đầu tư số 1 của họ - xét về tiêu chí thị trường hấp dẫn nhất. Cho đến nay, đầu tư nước ngoài vẫn được xem là một động lực quan trọng cho tăng trưởng ở Trung Quốc. Từ năm 2001 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Trung Quốc là: Hồng Kông, Đảo Virgin, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Đài Loan và CHLB Đức. Năm 2005, các nền kinh tế này chiếm đến hơn 77% tổng FDI vào Trung Quốc. Đặc biệt từ năm 2004, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc tăng rất nhanh (xem bảng dưới). Khủng hoảng toàn cầu đã làm ảnh hưởng đến kinh tế cũng như khả năng cung ứng FDI nói chung của các nền kinh tế kể trên, do vậy FDI vào Trung Quốc cũng suy giảm.

 

 

Bảng 2: Đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc 1997-2006

Đơn vị: tỷ USD

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

5,150

6,350

9,401

11,140

11,387

10,294

11,877

15,430

17,033

22,228

Nguồn: U.S. Department of Commerce




Vậy khả năng của Trung Quốc trước cơn bão khủng hoảng toàn cầu là như thế nào? Có hai loại ý kiến.

Thứ nhất, là khả năng ứng phó với khủng hoảng toàn cầu của Trung Quốc không cao. Theo quan nhóm điểm này, tính đến tháng 10.2008 tuy Trung Quốc có gần 2000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ nhưng khoảng 1000 tỷ USD đã được dùng để mua các khoản nợ chính phủ của các nước phương Tây, trong đó hơn 500 tỷ USD mua các khoản nợ chính phủ và các cơ quan chính phủ Mỹ, Trung Quốc chỉ có 600 tấn vàng dự trữ (tương đương 17 tỷ USD - bằng gần 10% số của Mỹ). Trung Quốc cũng có đến 22 ngàn tỷ NDT tiền gửi tiết kiệm của cư dân (tương đuơng gần 3200 tỷ USD), tuy nhiên, tính theo đầu người con số còn khiêm tốn, chỉ đạt 17000 NDT/ người (tương đương 2460 USD). Mặt khác, cuối năm 2007, vẫn còn 14,8 triệu người Trung Quốc sống trong điều kiện bần cùng tuyệt đối với thu nhập 785 NDT/năm (113 USD), số người có có thu nhập thấp (1067 NDT/năm) là 28,4 triệu người.

Thứ hai, các giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng nước này hoàn toàn đủ khả năng ứng phó với tác động từ bên ngoài và nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2008. Theo ông Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, nền kinh tế Trung Quốc đủ mạnh để vượt lên con bão khủng hoàng toàn cầu. Rằng tiêu dùng trong nước sẽ giúp Trung Quốc bù đắp nhu cầu sụp giảm ở nước ngoài về hàng hóa của nước này. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (POC) đã và sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt để khắc phục những khó khăn trước mắt. Đó là tình trạng rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất hàng xuất khẩu đã sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Trong khi mức tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn và vừa sụp giảm mạnh.

Ở Trung Quốc 80% việc làm phụ thuộc vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố Ôn Châu (tỉnh Triết Giang), nơi kinh tế tư nhân phát triển nhất, là hình mẫu cho các nơi khác ở Trung Quốc, một điển hình phát triển thủ công nghiệp ở vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc. Vậy mà trong 6 tháng đầu năm 2008, gần 10% các nhà máy sản xuất giày ở đây đã phải đóng cửa - một điều chưa từng thấy. Từ đầu năm đến tháng 10.2008, các doanh nghiệp chế tạo sử dụng nhiều lao động trong các lĩnh vực sản xuất giày, bật lửa, kính, quần áo… đều đang trong tình trạng rầu rĩ, thoi thóp, sống dở chết dở. Cuối tháng 3.2008, Giám đốc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ôn Châu Zhou Dewen, trong trả lời phỏng vấn truyền hình Trung ương cho biết, gần 20% các doanh nghiệp Ôn Châu đã ngừng hoặc giảm 50% hoạt động. Cho đến tháng 10.2008, các doanh nghiệp trước đây chưa bao giờ thiếu tiền mặt thì bây giờ cũng lâm vào khó khăn. Lợi dụng tình trạng này, một số chủ đầu tư phát lên nhờ hoạt động tín dụng lén lút, cho vay nặng lãi với mức từ 1,5 đến 3% tháng. Cuối tháng 10.2008, có từ 9000 đến 45000 xí nghiệp, nhà máy trong vùng Quảng Châu, Đông Quản, Thâm Quyến ở phía nam Trung Quốc lâm vào cảnh khó khăn, phải đóng cửa và ít nhất hơn 2 triệu người mất việc làm. Ở phía Nam Thượng Hải, có 6 vụ phá sản lớn, trong đó có các tập đoàn như: Tập đoàn chế tạo máy khâu, tập đoàn Jianglong, Feiyue Group tập đoàn Zhejiang Yixin Phamarceutical Co. - một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất Trung Quốc. Bốn trong 6 chủ doanh nghiệp/ tập đoàn này bỏ trốn, một người tự sát và một người bị bắt. Theo đánh giá, các công ty sản xuất đồ chơi, may mặc... bị thiệt hại nhiều nhất. Đến tháng 11.2008, có hơn 3600 nhà máy sản xuất đồ chơi, hầu hết là các nhà máy nhỏ, tương đương một nửa số doanh nghiệp sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc đã bị đóng cửa. Một tháng trước đó, đã có 3 nhà máy thuộc tập đoàn Smart Union Group phải ngừng hoạt động khiến cho gần 9000 công nhân bị mất việc. Theo tờ Los Angeles Times 3/11/2008, trong nửa đầu năm 2008 có 67000 nhà máy các loại ở Trung Quốc bị đóng cửa, con số ước tính trong cả năm 2008 có thể lên đến 100.000. Hiện tượng nhiều nhà máy bị đóng cửa, các khoản nợ chồng chất, nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn đã để lại một số lượng không nhỏ công nhân không được trả lương là nguy cơ gây bất ổn định. Được biết, trước khi nổ ra Khủng hoảng, các nhà máy, doanh nghiệp Trung Quốc đã phải chịu sức ép lớn về chi phí lao động tăng, giá nguyên vật liệu cao do đồng NDT tăng giá.

Vậy Chính phủ Trung Quốc hành động gì? Khủng hoảng toàn cầu tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc nhưng giải pháp của Chính phủ lại có tác động tích cực đến tăng trưởng ở nước này. Ở Trung Quốc từ nhiều năm nay, đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn là 3 động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Khác với các nền kinh tế quy mô nhỏ khác, Trung Quốc có thị trường nội địa khổng lồ và họ cho rằng đây là phao cứu sinh quan trọng mỗi khi thị trường thế giới có biến động, bị trì trệ. Chính vì vậy, như Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, Chu Tiểu Xuyên đã nói, thúc đẩy tiêu dùng trong nước là cách tốt nhất để Trung Quốc tự cứu mình và giúp cho nền kinh tế thế giới giảm bớt nguy cơ lâm vào đợt suy thoái kéo dài.

Đáng chú ý nhất là ngày 9/11 Chính phủ Trung Quốc đã thông qua kế hoạch gói kích thích kinh tế 4000 tỷ NDT, tương đương 586 tỷ USD. Đây là một kế hoạch kích thích phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện ở Trung Quốc. Số tiền khổng lồ này sẽ được sử dụng trong 2 năm đến năm 2010. Trong đó khoảng 100 tỷ NDT (tương đương 14,5 tỷ USD) được sử dụng trong quý 4 năm 2008. Ngày 15/11/2008, Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị - nông thôn Trung Quốc (MOHURD) cho biết, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 900 tỷ NDT (tương đuơng 132 tỷ USD) trong 3 năm tới để xây nhà cho cư dân có thu nhập thấp. Được biết, trong số này có 100 tỷ NDT đề cập ở trên. Và số tiền này phải giải ngân trước tháng 3/2009. Theo kế hoạch, MOHURD sẽ xây dựng hơn 2 triệu căn hộ cho thuê giá rẻ, 4 triệu ngôi nhà có giá mức trung bình và sửa chữa lại nhà ở cho 2,2 triệu người đang sống tại các khu nhà ổ chuột tại các khu khai thác mỏ, các nông trang.

Phần lớn số tiền 4000 tỷ NDT này để thực hiện những chương trình trong 10 lĩnh vực như: xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp,  phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, mở rộng mạng lưới giao thông vận tải, phát triển y tế giáo dục, tăng cường bảo vệ môi trường, đổi mới công nghệ... tái thiết các vùng bị tàn phá do thiên tai mà trước hết là các khu vực chịu tác động mạnh của trận động đất vừa qua ở Tứ Xuyên và các vùng lân cận thuộc hai tỉnh Cam Túc và Thiển Tây.

Chương trình kích thích kinh tế trọn gói 4000 tỷ NDT tương đương 1/6 GDP của Trung Quốc theo đánh giá là một giải pháp mạnh thể hiện hành động linh hoạt, quyết định dứt khoát và nhanh chóng của Chính phủ Trung Quốc trước tình hình mới. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc quyết đoán nhiều hơn so với Mỹ, mạnh mẽ hơn so với Mỹ bởi Mỹ với GDP trên 14 ngàn tỷ USD nhưng mới quyết định tung 700 tỷ USD vào thị trường, trong khi GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 3600 tỷ nhưng tung vào thị trường tới gần 600 tỷ USD.

Các hành động đối phó Khủng hoảng của Chính phủ Trung Quốc có thể chia thành 3 nhóm biện pháp.

Thứ nhất, chương trình đầu tư công cộng, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trong đó có phát triển quỹ nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp; hiện đại hoá giao thông, xây dựng mạng lưới đường sắt, đường bộ, xây dựng các sân bay ở các tỉnh phía Tây, tái thiết Tứ Xuyên sau động đất... Được biết Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt giai đoạn 2004-2020. Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 2000 tỷ NDT (tương đuơng 292 tỷ USD) cho phát triển hệ thống đường sắt trung hạn và dài hạn. Cho đến nay khoảng 1200 tỷ NDT đã được đưa vào nhiều công trình đường sắt đã và đang xây dựng. Tình hình hiện nay khiến cho các cơ hội đầu tư tăng lên và con số vốn chi cho xây dựng đường sắt có thể vượt mức 2000 tỷ NDT. Theo dự báo của công ty chứng khoán Shenying & Wanguo, các năm 2008-2010 sẽ là thời kỳ cao điểm cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực đường sắt với số tiền đầu tư tương ứng sẽ là khoảng  244 tỷ NDT cho năm 2008, 341 tỷ NDT cho năm 2009 và 333 tỷ NDT cho năm 2010. Có như vậy thì đến năm 2010 Trung Quốc mới có thể có tổng chiều dài đường sắt 161.000 km so với mức 125.000 của năm 2007.

Thứ hai, hướng tới cải thiện hệ thống an sinh xã hội, phát triển giáo dục, y tế, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho những người có hoàn cảnh khó khăn như tăng trợ cấp cho nông dân, nâng giá bán nông sản... Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã công bố kế hoạch an ninh lương thực trung và dài hạn với mục tiêu đến năm 2010 duy trì sản lượng lương thực ở mức tối thiểu 500 triệu tấn/ năm, và phải duy trì tối thiểu 105,3 triệu ha đất trồng cây lương thực và đảm bảo cung cấp trên 95% nhu cầu lương thực cả nước trong vòng 12 năm (đến năm 2020). Bắt đầu tư năm 2009, Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh giá mua lúa mì tối thiểu cho nông dân .

Bắt đầu từ năm học 2008-2009, Trung Quốc thực hiện miễn toàn bộ học phí cho chương trình 9 năm giáo dục phổ cập (tiểu học và trung học cơ sở). Như vậy, số học sinh đang theo học đựoc miễn học phí lên đến 28,21 triệu. Tại khu vực thành thị, trừ những trường học có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vẫn phải trả tiền mua sách giáo khoa và đồng phục.

Thứ ba, là nhóm các biện pháp liên quan đến doanh nghiệp như: nâng mức hoàn thuế xuất khẩu, hỗ trợ nghiên cứu thúc đẩy phát triển công nghệ mới. Trung Quốc đã nâng mức hoàn thuế xuất khẩu đối với 3486 sản phẩm (1/4 danh mục hàng xuất khẩu bị đánh thuế). Chẳng hạn mức hoàn thuế xuất khẩu đối với đồ chơi, hàng dệt may tăng từ các mức 11% và 13% lên mức 14%. Các hàng hoá khác được hưởng mức hoàn thuế xuất khẩu từ  9 đến 13%. Để ổn định nguồn cung đầu vào cho sản xuất trong nước, từ ngày 20/8/2008, Trung Quốc tiến hành điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với nhóm hàng hợp kim, than cốc và than. Theo đó sẽ áp dụng mức thuế xuất khẩu tạm thời đối với phương thức thương mại thông thường với mức thuế xuất khẩu tạm thời là 15%. Tăng thuế xuất khẩu tạm thời đối với than cốc từ 25% lên 40%; với than luyện cốc từ 5% lên 10%, thuế xuất khẩu tạm thời đối với than khói khác là 10%.  Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc còn quyết định cắt giảm thuế cho các công ty khi mua tài sản cố định như các loại máy móc, thiết bị nhằm kích thích tăng đầu tư. Theo ước tính riêng khoản cắt giảm thuế này giúp các công ty giảm được chừng 120 tỷ NDT chi phí. Ngoài ra để khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho phát triển, Trung Quốc còn bỏ hạn ngạch cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, tăng trợ giá cho nông dân.

Cần biết là hiện nay mỗi năm Trung Quốc có khoảng 24 triệu người gia nhập thị trường lao động, cộng với số 12- 14 triệu nông dân hàng năm vào làm việc trong các lĩnh vực gia công chế biến... con số lên đến gần 40 triệu. Theo nhận định do nhu cầu xuất khẩu giảm, muốn giảm sức ép thất nghiệp, Trung Quốc không còn cách nào khác phải tăng đầu tư, kích cầu nội địa để duy trì mức tăng trưởng từ 9 đến 10%. Nếu không duy trì được mức tăng như vậy, có thể sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Chính vì vậy, Trung ương Trung Quốc yêu cầu chính quyền các địa phương  thực hiện phương châm 16 chữ “Ra tay mạnh bạo, ra đòn nặng nề, biện pháp phải đúng, công việc thực tế” để đảm bảo duy trì mức phát triển kinh tế cao. Ra tay, ra đòn ở đây đuợc hiểu là các biện pháp mạnh để đối phó với các nhiệm, vụ các thách thức đặt ra.

Triển vọng:

Năm 2009, các chính sách của Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào những vấn đề chính như: đấu tranh chống tham nhũng, cải cách chế độ đất đai, tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Do triển vọng của thị trường thế giới vẫn ảm đạm tác động đến xuất khẩu và trì trệ về đầu tư, mức tăng GDP của Trung Quốc năm 2009 dự báo chỉ đạt 8%, lạm phát sẽ thấp hơn và duy trì ở mức 3,8% trong khi thặng dư tài khoản vãng lai có thấp hơnnhưng vẫn đạt khoảng 7,5% GDP năm 2009 và 5,8% GDP năm 2010./.

 

TS. PHẠM THÁI QUỐC

(Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ADB: 10% growth for China's economy in 2008.

http://www.chinaeconomicreview.com/dailybriefing/2008_04_03/ADB:_10_growth_for_Chinas_economy_in_2008.html

2. Thời báo Kinh tế VN 17/11/2008.

www.chinaview.cn

3. Báo cáo của các Ô. Trung Khởi Quyền, Vi Khắc Nghĩa, Cổ Tiểu Tùng về Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây tại Viện KHXH 3/4/2008.

4. Thời báo Ngân Hàng số 12.7.2008

5. Tin kinh tế 26/8/2008

6. Trung Quốc tốn 147 tỷ USD tái thiết động đất,

http://vn.news.yahoo.com/vne/20080815/twl-trung-quoc-ton-147-ty-usd-tai-thiet-79585cb.html

7. Những dấu hiệu lạ trước trận độnng đất kinh hoàng ở Trung Quốc,

htp://dantri.com. vn/ Thegioi /hung-dau-hieu-la-truoc-tran-dong-dat-kinh-hoang-o-Trung-Quoc/2008/5/232625.vip

8. Báo Đại đoàn kết 21/7/2008

9. Hà Nội mới 11/8/2008

10. Báo Le Courrier International 28/10/2008, TKĐB 5.11.2008

11. Đài RFI 10/11, tin kinh tế 12/11/2008

12. Kiều Oanh, Trung Quốc công bố “đại kế hoạch” kích thích kinh tế, http://vneconomy.vn/2008111011331349P0C99/trung-quoc-cong-bo-dai-ke-hoach-kich-thich-kinh-te.htm

13. Thời báo Kinh tế VN 17/11/2008

14. Thời báo Kinh tế VN 17/11/2008

15. Thời báo tài chính 5/9/2008

16. Tân Hoa xã 23/10/2008

17.Forecast , http://www.economist.com/countries/CHINA/profile.cfm?folder=Profile-Forecast, Oct 30th 2008, From the Economist Intelligence Unit Source: Country Forecast

 

 



 

 

0thảo luận