Trang chủ

BÀI GIẢNG CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN NHẬT BẢN VÀ CHÂU Á

Đăng ngày: 4-03-2013, 10:04 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Phan Hải Linh chủ biên

Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội, 2012, 458 trang

Kí hiệu: Vv2451

Bài giảng chuyên đề Nghiên cứu Nhật Bản đã xuất bản được 3 tập. Tập 1 là Lịch sử Văn hóa Xã hội. Tập 2 là Pháp chế và Xã hội. Cuốn sách này là tập 3 Nhật Bản và Châu Á. Với quan niệm để xác định vị trí và vai trò của Nhật Bản trong thế kỉ XXI, thế kỉ được mệnh danh là Thời đại Châu Á, trước hết cần hiểu một cách đầy đủ về mối quan hệ của Nhật Bản với Châu Á trong suốt tiến trình lịch sử, tập thể giảng viên Bộ môn Nhật Bản học Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã lựa chọn tiêu đề Nhật Bản và Châu Á cho tập sách lần này. Đặc biệt, giao lưu văn hóa, xã hội và tư tưởng giữa Nhật Bản với Châu Á được lựa chọn làm trọng tâm của cuốn sách.

Bài giảng chuyên đề tập 3 nhận được sự ủng hộ và góp sức của 12 học giả, gồm 7 nhà nghiên cứu nước ngoài và 5 nhà nghiên cứu Việt Nam. Mở đầu cuốn sách là bài viết của PGS. Trần Tiểu Pháp, Đại học Công thương Chiết Giang Trung Quốc, về hình ảnh Nhật Bản thời cổ đại thể hiện qua tư liệu của Trung Quốc, đặc biệt là tư liệu về trang phục. Tiếp đó là nghiên cứu của GS. Inoue Kazuto, Đại học Meiji Nhật Bản, về sự hình thành, phát triển của vương cung và kinh thành Nhật Bản thời cổ đại trong cái nhìn so sánh với Triều Tiên và Trung Quốc. Cũng đề cập đến Nhật Bản thời cổ đại, GS. Kato Tomoyasu, Đại học Meiji Nhật Bản, lại cung cấp những sử liệu quý giá thể hiện ý thức quốc tế của tầng lớp quý tộc thời Heian, tiền đề cho một số quan niệm đối ngoại sau này của Nhật Bản. GS. Kamiya Nobuyuki, Đại học Waseda Nhật Bản, trong bài viết về ngoại giao đại quân đã phân tích chính sách đối ngoại của Nhật Bản với khu vực Đông Á thời cận thế. Từ góc độ Phật giáo thời cận thế, GS. Ishii Kosei, Đại học Komazawa Nhật Bản, đã phân tích tính tương đồng và đặc thù trong nội hàm và biểu hiện của lý luận thúy trúc hoàng hoa ở Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Tác giả Phan Hải Linh, Bộ môn Nhật Bản học, đã phân tích mối quan hệ giao lưu Việt – Nhật thời cận thế. Bài viết của GS. Saito Mareshi, Đại học Tokyo Nhật Bản, phân tích tình hình giảng dạy Hán học Nhật Bản thời cận đại qua quá trình thành lập và nội dung giảng dạy của Bộ môn giảng dạy Thư tịch cổ điển tại Đại học Tokyo. Tiếp đó, tác giả Võ Minh Vũ, Bộ môn Nhật Bản học, đã phân tích những nội dung chủ yếu trong chính sách và hoạt động văn hóa của Nhật Bản tại Việt Nam và Đông Dương thời kỳ Chiến tranh Châu Á – Thái Bình Dương. Cũng liên quan đến chiến tranh, GS. Arai Katsuhiro, Đại học Senshu Nhật Bản, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sưu tầm và nghiên cứu những bức thư của binh lính Nhật Bản thời chiến tranh trong việc nhìn nhận một cách toàn diện hơn về cuộc chiến và số phận con người. Tác giả Phạm Hoàng Hưng, Bộ môn Nhật Bản học, đã đề cập đến ảnh hưởng và hiện trạng của văn hóa giới trẻ tại Việt Nam thông qua khảo sát về manga ở Hà Nội. Một góc độ khác thể hiện ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thời hiện đại được tác giả Nguyễn Dương Đỗ Quyên trình bày trong bài viết về nghệ thuật truyền thống Nhật Bản tại Việt Nam. Cuối cùng là công trình nghiên cứu mang tính tổng quát của PGS. Nguyễn Văn Kim, Khoa lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khảo sát sự hưng vong và ảnh hưởng của các nền văn minh và đế chế ở khu vực Đông Á. Mặc dù có sự khác biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, tuổi đời và bề dày công trình nghiên cứu, nhưng các tác giả đều có chung một nguyện vọng đóng góp cho sự trưởng thành của ngành Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam. Việc các giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực nghiên cứu ở Nhật Bản và Việt Nam dành thời gian trực tiếp giảng bài cho sinh vieecn và học viên cao học của Bộ môn và viết bài cho tập sách là nguồn động viên quý báu đối với đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ. Những buổi giảng chuyên đề và các công trình xuất bản này đã và đang đóng góp một cách hiệu quả cho việc đào tạo những người nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam.

Với những nội dung được các tác giả đề cập đến trong cuốn sách, đây thực sự là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho bạn đọc, nhất là những ai quan tâm nghiên cứu về Nhật Bản. Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận