Trang chủ

QUAN HỆ BIÊN MẬU GIỮA TÂY BẮC – VIỆT NAM VỚI VÂN NAM – TRUNG QUỐC (2001-2020)

Đăng ngày: 4-03-2013, 09:59 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Đình Liêm chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012, 203 trang

Kí hiệu: Vv 2452

Do vị trí địa lý liền kề và sự tương đồng về nhiều mặt, từ lâu các tỉnh Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc đã có mối quan hệ tốt đẹp, góp phần tô thắm tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Trung. Những năm gần đây, đặc biệt từ khi Tổng Bí thư hai Đảng xác định nâng quan hệ hai nước lên tầm “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, quan hệ giữa các tỉnh Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc đã có bước đột phá trên nhiều lĩnh vực, điển hình là quan hệ kinh tế, trong đó mậu dịch biên giới là nhân tố giữ vai trò và vị trí quan trọng, thúc đẩy kinh tế, xã hội các tỉnh Tây Bắc phát triển.

Cuốn sách Quan hệ biên mậu giữa Tây Bắc – Việt Nam với Vân Nam – Trung Quốc (2001-2020) nhằm đánh giá một cách khách quan, khoa học thực trạng quan hệ mậu dịch biên giới giữa các tỉnh Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc thời gian qua, đặc biệt trong những năm gần đây; phân tích bối cảnh mới của tình hình quốc tế và khu vực tác động đến hệ mậu dịch biên giới; dự báo động thái, đề xuất giải pháp, kiến nghị phát triển trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, các tác giả của cuốn sách này đã tập trung giải quyết những nội dung chủ yếu. Thứ nhất, phân tích những điều kiện cơ bản của 4 tỉnh Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc trong quan hệ mậu dịch biên giới. Với nội dung này, cuốn sách đã trình bày các điều kiện về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, con người, đặc điểm kinh tế, xã hội của các tỉnh Tây Bắc. Những tiềm năng và lợi thế của các tỉnh này và việc tận dụng, phát huy lợi thế so sánh để vươn lên trong quan hệ mậu dịch biên giới với Vân Nam. Đối với Vân Nam Trung Quốc, điều kiện địa lý tự nhiên và những ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên cũng hết sức phong phú. Thời gian qua, với chính sách mở cửa thông thoáng của Chính phủ, Vân Nam đã tận dụng tốt mọi ưu thế để phát triển và đóng góp tích cực trong mậu dịch đối ngoại, tăng cường quan hệ mậu dịch biên giới với các tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Đây cũng chính là những nội dung được đề cập đến trong chương 1 của cuốn sách Những điều kiện cơ bản của 4 tỉnh Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc trong quan hệ mậu dịch biên giới.

Thứ hai, đi sâu phân tích thực trạng, rút ra những thành tựu, hạn chế, nêu rõ nguyên nhân dẫn tới những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ mậu dịch biên giới giữa Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc. Cuốn sách chỉ ra rằng, mậu dịch biên giới giữa 4 tỉnh Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI đã đạt được nhiều thành tựu góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt – Trung phát triển. Cơ chế hợp tác mậu dịch biên giới ngày càng hoàn thiện hơn. Cơ sở hạ tầng hai bên biên giới từng bước được kiện toàn. Tiềm năng hàng hóa của hai bên được khai thác đáp ứng nhu cầu thị trường. Phạm vi mậu dịch, đối tượng tham gia được mở rộng. Những nội dung này được thể hiện rõ trong chương 2 Thực trạng quan hệ mậu dịch biên giới giữa 4 tỉnh Tây Bắc – Việt Nam với Vân Nam – Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI.

Thứ ba, trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, khu vực, tình hình Trung Quốc, Việt Nam trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI (2011-2020), cuốn sách dự báo động thái phát triển quan hệ mậu dịch biên giới giữa 4 tỉnh Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới và cho rằng, các yếu tố tác động trực tiếp đối với quan hệ mậu dịch biên giới chủ yếu gồm: một là, tác động của việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc cũng những tiến bộ đạt được về quan hệ hợp tác đa phương trong Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Hai là, tác động về quy định cyar WTO khi Việt Nam, Trung Quốc là thành viên WTO. Ba là, tác động của Chiến lược khai phát miền Tây mà Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện. Bốn là, tác động của việc triển khai Chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Năm là, tác động của Chiến lược “một trục hai cánh”. Sáu là, tác động của đồng Nhân dân tệ lên giá. Bảy là, tác động về yếu tố chính sách của chính phủ hai nước. Tám là, tác động của các khu kinh tế cửa khẩu. Đây là nội dung của chương 3 Dự báo động thái phát triển quan hệ mậu dịch biên giới giữa 4 tỉnh Tây Bắc – Việt Nam với Vân Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới.

Thứ tư, để thúc đẩy mậu dịch biên giới giữa Tây Bắc – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc, cuốn sách đã đề cập đến những quan điểm phát triển chủ yếu. Từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị đối với mậu dịch biên giới trong những năm tới. Những vấn đề này được trình bày rõ nét trong chương 4 Các quan điểm phát triển và giải pháp chủ yếu thúc đẩy mậu dịch biên giới giữa 4 tỉnh Tây Bắc – Việt Nam với Vân Nam – Trung Quốc.

Cuốn sách nhấn mạnh, quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc phải được đạt trong những mục tiêu ưu tiên mang tầm chiến lược của Việt Nam, trong đó chính sách thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng. Giải quyết tốt các vấn đề với Trung Quốc, Việt Nam sẽ có bước phát triển vững chắc trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận