Trang chủ

NHẬN DIỆN QUAN HỆ VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Đăng ngày: 21-02-2013, 11:46 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 11

Một đặc trưng nổi bật của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là phát triển mang tính đứt đoạn, thăng trầm  gắn với những biến đổi lịch sử của hai nước qua từng giai đoạn khác nhau. Nếu kể từ khi người Nhật Bản đến Kinh kỳ phố Hiến và Hội An để buôn bán, kinh doanh thì quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cho đến nay đã trải qua gần 4 thế kỷ. Bước khởi đầu từ thế kỷ 17 sau đó bị gián đoạn do chính sách đóng cửa của chính quyền phong kiến Nhật Bản và của cả phía Việt Nam. Còn nếu kể từ khi Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du từ đầu thế kỷ 20 thì quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua 100 năm. Trong quãng thời gian đó, chính sách đế quốc chủ nghĩa, các cuộc chiến tranh nóng và lạnh đã làm cho quan hệ này của Nhật Bản đứt đoạn. Và kể từ khi tái bình thường hoá quan hệ ngoại giao (1992), quan hệ hai nước phát triển theo chiều hướng tích cực; và trong hơn 35 năm qua, chỉ có hơn thập niên gần đây quan hệ này mới đơm hoa kết trái thực sự.

1. Khái quát quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Có thể nói, cơ sở tạo lập và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nhận diện theo các khía cạnh: Địa - kinh tế, Địa - chính trị và Địa - văn hoá.

Địa - kinh tế được biểu hiện trước hết là sự gần gũi về địa lý, những nhu cầu và lợi ích của cả Nhật Bản và Việt Nam trong việc tạo lập và mở rộng quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Việt Nam có lợi thế về tài nguyên, lao động rẻ, có nhu cầu cao về công nghệ, vốn, kinh nghiệm quản lý để phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; trong khi đó Nhật Bản là một cường quốc có chi phí lao động cao, nhưng họ là một cường quốc có nhiều thứ mà Việt Nam cần.

Địa - chính trị được thể hiện ở tham vọng và sự chia sẻ các lợi ích chính trị, an ninh. Như đã biết, Nhật Bản là một cường quốc thành công trên nhiều phương diện và là một quốc gia dẫn đầu khu vực về trình độ phát triển nhất là về kinh tế và quân sự. Bởi vậy ảnh hưởng của Nhật Bản trong quan hệ chính trị khu vực rất lớn. Tuy nhiên những trở ngại "có tính lịch sử" rất khó vượt qua đối với Nhật Bản trong quan hệ với các nước Đông Bắc Á, đã thúc đẩy Nhật Bản tìm kiếm sự hợp tác thuận lợi hơn với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Hướng tới một quan hệ thân thiện, tin cậy hơn, nhằm tạo dựng một môi trường chính trị hoà bình, và trong một góc độ nào đó là tìm kiếm một sự cân bằng với các nước lớn chính là lợi ích của Việt Nam trong hợp tác chính trị với Nhật Bản.

Địa - văn hoá được hiểu là sự gần gũi về địa lý tạo ra những tương đồng về văn hoá. Chính điều này tạo cơ sở để Việt Nam và Nhật Bản xây dựng và phát triển quan hệ song phương thân thiện và có hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, trong quan hệ với Nhật Bản, người ta không thấy sự "nổi giận của người Việt Nam" như ở một số nước Đông Nam Á đầu những năm 1970 và ở Trung Quốc, Hàn Quốc trong những năm gần đây; phải chăng đó là sự chia sẻ các giá trị tương đồng văn hoá có chiều sâu của người Việt Nam trong quan hệ với Nhật Bản?

Mở rộng và nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được xem xét trên phương diện bình thường hoá quan hệ ngoại giao, thúc đẩy quan hệ kinh tế; giao lưu chính trị, an ninh, trao đổi văn hoá và hợp tác trong các lĩnh vực khác. Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ 9/1973. Nhờ đó khai thông các quan hệ khác. Tuy nhiên cho đến cuối 1979, quan hệ này đã bị "đóng băng" mà lý do của nó được phía Nhật Bản nêu ra, đó là "cuộc chiến Việt Nam tại Campuchia". Phải hơn một thập kỷ sau đó (1992), tảng băng này mới được phá và tái bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được xác lập; và từ đó cho đến nay quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản phát triển khá ngoạn mục.

Cùng với bình thường hoá quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế được xúc tiến mạnh, đặc biệt là tài trợ ODA, đầu tư trực tiếp và thương mại. Trong thập kỷ qua, Nhật Bản luôn là quốc gia chiếm vị trí số 1 cung cấp ODA cho Việt Nam; và họ luôn là một trong bốn đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực FDI và thương mại quốc tế. Và Nhật Bản đang ngày càng trở thành một thị trường nhập khẩu một lực lượng lao động đáng kể của Việt Nam.

Quan hệ chính trị, an ninh cũng được cả hai phía quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ; bằng chứng là các cuộc tiếp xúc và thăm viếng của các nhà lãnh đạo chính phủ, Đảng cầm quyền, các nhà lãnh đạo quân sự, an ninh của hai nước diễn ra hàng năm và liên tục. Có thể nói đây là bước đột phá trong quan hệ song phương bởi nó tạo định hướng cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên một tầm cao mới.

Trao đổi văn hoá và hợp tác trong các lĩnh vực khác (y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường, xoá đói giảm nghèo…) đã đang và sẽ được xúc tiến mạnh. Việc gia tăng các hoạt động hợp tác này tạo cơ sở cho hai phía hiểu biết lẫn nhau tốt hơn, từ đó chia sẻ các quan điểm, lợi ích và làm sâu sắc thêm các quan hệ hợp tác khác.

Có thể nói việc mở rộng và nâng cấp quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản diễn ra theo một lôgic chặt chẽ, mang tính hệ thống ở đó quan hệ ngoại giao giữ vị trí mở đường, hợp tác kinh tế là nền tảng và trọng tâm, hợp tác trong lĩnh vực chính trị và an ninh tạo định hướng cho sự phát triển, và hợp tác trong lĩnh vực văn hoá và các lĩnh vực khác giữ vai trò xúc tác, kích đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Tuy nhiên, không phải các lợi thế của các quan hệ hợp tác này đã được khai thác đẩy đủ và những trở ngại không phải đã hết.

2. Gia tăng hợp tác kinh tế

Có thể nói đây là lĩnh vực và là thời kỳ phát triển ngoạn mục nhất trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Cho dù còn nhiều việc cả hai phía cần phải làm để khai thác có hiệu quả hơn nữa mối quan hệ này. Thực trạng quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản được nhận dạng, phân tích và đánh giá theo các hình thức hợp tác chủ yếu (1) Tài trợ ODA; (2) Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Việt Nam; (3) Thương mại; (4) Hợp tác phát triển nguồn nhân lực; và (5) Hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ.

Như đã nói ở trên, năm 1992 cùng với tái bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Nhật Bản từ vị trí "số không" trở thành nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Và kể từ đó đến nay, Nhật Bản luôn là nước dẫn đầu trong lĩnh vực này. Tổng số ODA của Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam trong 13 năm qua (kể từ 1992) đã lên tới xấp xỉ 10 tỷ đô la, trong đó viện trợ không hoàn lại, tính bình quân mỗi năm là xấp xỉ 100 triệu đô la. Câu hỏi được đặt ra ở đây là động cơ nào thúc đẩy Nhật Bản cung cấp một lượng ODA lớn như vậy cho Việt Nam và bản chất của ODA Nhật Bản là gì? Và liệu ODA của Nhật Bản cho Việt Nam sẽ tăng hay giảm đi trong tương lai? Cho dù đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới ODA song người ta vẫn chưa tìm thấy câu trả lời thoả đáng cho những câu hỏi đó.

Trong hơn một thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tiếp tục gia tăng ổn định và vị trí của họ trong tổng FDI tại Việt Nam luôn thuộc vào 5 quốc gia có tổng FDI lớn nhất tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Nhật Bản là nước dẫn đầu về số dự án đầu tư thực tế. Một đặc điểm khác nữa từ các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam là khảo sát kỹ, thậm chí chậm chạp song khi đã quyết định thì họ trở thành nhà đầu tư kiên trì và thủy chung. Những ưu tiên của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam là công nghiệp nặng, các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, địa bàn đầu tư trải rộng trên cả nước và dường như họ ưa chuộng hình thức đầu tư 100% vốn của Nhật Bản để họ chủ động hơn trong kinh doanh. Đó là những khác biệt giữa đầu tư trực tiếp của Nhật Bản so với FDI đến từ các nước khác tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là lí do nào tạo ra sự khác biệt đó? Liệu các nhà đầu tư Nhật Bản có chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam và họ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất hay không? Cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào trả lời các câu hỏi đó một cách đầy đủ và thuyết phục.

Buôn bán song phương được đẩy mạnh. Điều đó được chứng minh ở kim ngạch lớn và Nhật Bản đã giữ vị trí số một trong buôn bán quốc tế của Việt Nam trong một số năm; và cho tới năm 2003 vị trí số một của họ đã nhường lại cho Hoa Kỳ và sau đó là Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là một trong 5 đối tác mậu dịch lớn nhất của Việt Nam. Ở đây có những vấn đề cần làm rõ, chẳng hạn, có phải những lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế là nguyên nhân chủ yếu tạo cho Nhật Bản có một vị trí như vậy trong buôn bán với Việt Nam hay còn có những yếu tố khác? Điều gì đang là trở ngại cho việc mở rộng buôn bán song phương, phải chăng đó là vấn đề trợ cấp nông nghiệp? Chất lượng hàng hoá của Việt Nam, sự kém hiểu biết về thị trường Nhật Bản…?

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản cũng là lĩnh vực được chú trọng của cả hai phía, cho dù hợp tác trong lĩnh vực này diễn ra chậm hơn so với các lĩnh vực khác. Có thể nói, trong 5 năm gần đây, Nhật Bản trở thành địa bàn quan trọng trong việc đào tạo lao động có kỹ năng cho Việt Nam (thường gọi là đào tạo tu nghiệp sinh hoặc xuất khẩu lao động); trao đổi các nhà khoa học, đào tạo sinh viên, cao học và tiến sỹ cũng đang gia tăng về số lượng. Người ta dự báo trong thời gian tới, hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng, nếu như những vướng mắc hành chính và tâm lý được giải quyết và hai nước tìm được các hình thức hợp tác mới trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản được mở rộng trong các ngành nghề khác bao gồm hợp tác kinh tế trong kinh doanh du lịch, hàng không, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, khoa học công nghệ, viễn thông, bảo vệ môi trường, y tế, xoá đói giảm nghèo, v.v.. , và cả trong tư vấn hoạch định chính sách kinh tế. Có thể gọi chung một thuật ngữ là hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ (theo nghĩa rộng). Sự hợp tác trong lĩnh vực này diễn ra rất sôi động trong một thập niên qua, những đóng góp của nó cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam thực sự to lớn và nhờ đó mà diện mạo của quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đang thay đổi nhanh chóng và ổn định. Việc thương lượng và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) Việt Nam - Nhật Bản trong năm nay sẽ mở ra cơ hội lớn cho cả hai phía.

3. Triển vọng của quan hệ hợp tác kinh tế

Triển vọng của sự phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới chịu sự tác động rất lớn, thậm chí mang tính quyết định của các yếu tố mới đến từ môi trường quốc tế và của từng đối tác. Nói cách khác, việc tận dụng những lợi thế, những thành tựu và khắc phục những trở ngại, những bất lợi của quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong hơn một thập kỷ qua và nhằm nâng quan hệ này lên một tầm cao mới chịu sự chi phối của các yếu tố đó. Việc nhận dạng và phân tích sự tác động của các nhân tố này được xem xét theo hai góc độ tác động tích cực và tác động tiêu cực;

Các yếu tố mới đến từ Nhật Bản bao gồm: Xuất hiện xu hướng chính trị cực đoan; điều chỉnh chính sách đối ngoại trong tình hình mới; sự biến đổi của chu kỳ kinh tế; và cải cách kinh tế. Đây là bốn yếu tố mới tác động mạnh tới các quan hệ quốc tế của Nhật Bản trong đó có quan hệ với Việt Nam.

Các yếu tố mới đến từ phía Việt Nam: Tiếp tục cải cách hệ thống chính trị; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại theo hướng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Bối cảnh quốc tế mới được nhận diện bao gồm:

Tác động của toàn cầu hoá và khu vực hóa sẽ được tập trung phân tích và đánh giá. Chính hai yếu tố này đã tạo ra một bức tranh mới, một diện mạo mới cho các hoạt động giao lưu trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là các quan hệ thương mại và đầu tư; cạnh tranh gia tăng, bệnh dịch, khủng bố và nguy cơ khủng hoảng năng lượng đòi hỏi phải có sự nỗ lực, hợp tác giải quyết trên phạm vi toàn cầu; Điều lưu ý là các yếu tố này sẽ tác động nhiều chiều tới các quan hệ song phương và đa phương, trong đó có quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Sự tăng tốc của liên kết Đông Á dưới các mức độ khác nhau cũng góp phần tác động tới quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Có thể nói, Việt Nam và Nhật Bản đều là những chủ thể của các diễn đàn hợp tác ASEAN + 1, ASEAN + 3, các FTA và cộng đồng Đông Á. Rõ ràng là sự tiến triển và thành công của các hình thức hợp tác này sẽ tác động lớn tới các quan hệ hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Nếu xem xét vấn đề một cách toàn diện thì có thể đề cập tới hai loại kịch bản khi dự báo các xu hướng phát triển của quan hệ này. Căn cứ vào thực tế phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong hơn một thập kỷ qua và những tác động thuận chiều của bối cảnh mới diễn ra thì quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản sẽ phát triển ở một tầm cao hơn. Đây là kịch bản tích cực và có khả năng diễn ra, được nhiều người mong đợi. Ở đó các thách thức sẽ được vượt qua và những ưu thế và khả năng của cả Nhật Bản và Việt Nam sẽ được khai thác; qui mô của quan hệ kinh tế được mở rộng; hiệu quả và chất lượng hợp tác sẽ được nâng cao; nhờ đó quan hệ này sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Điều cần lưu ý là khả năng này chỉ có thể diễn ra và được đẩy mạnh nếu cả hai phía, đặc biệt là Việt Nam cần phải chủ động thực thi các giải pháp cần thiết và phù hợp.

Tuy nhiên, kịch bản thứ 2 vẫn có thể xẩy ra nếu chủ nghĩa dân tộc cực đoan thắng thế trên chính trường Nhật Bản hoặc những tác động xấu đến từ những sự kiện khó dự báo tương tự như khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra hiện nay là một cảnh báo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo tin rằng, kịch bản này khó diễn ra bởi hợp tác, liên kết khu vực và toàn cầu hoá kinh tế đang là những xu thế áp đảo của thời đại ngày nay.

*

*        *

Như vậy có thể kết luận rằng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang gia tăng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, phát triển khá toàn diện và hướng trọng tâm vào hợp tác kinh tế. Đây là một thực tế song chưa đủ. Hai nước đã xác định, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là quan hệ đối tác chiến lược. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng và phát triển quan hệ này thành quan hệ đối tác chiến lược. Việc xác định rõ nội hàm của khái niệm quan hệ đối tác chiến lược cũng như lộ trình để phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản là điều cần làm hiện nay.

 

PGS.TS. NGÔ XUÂN BÌNH

0thảo luận