Trang chủ

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG - LUẬT PHÁP, ĐỊA CHÍNH TRỊ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ

Đăng ngày: 31-01-2013, 10:39 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Đặng Đình Quý chủ biên

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2012, 439 trang

Kí hiệu: Vt 446

Thời gian qua cộng đồng khu vực và thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Biển Đông bởi ý nghĩa quan trọng của vùng biển này đối với hoà bình, ổn định và phát triển, không chỉ của khu vực Đông Á mà của toàn Châu Á – Thái Bình Dương.

Trong 3-5 năm trở lại đây, tình hình  Biển Đông cơ bản vẫn giữ được hoà bình, ổn định nhưng cũng có lúc nguy cơ xung đột “nóng” đã hiện hữu. Sau nhiều năm bàn thảo, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận về các Nguyên tắc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Giữa các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp, nhất là giữa Việt Nam, Philippin và Trung Quốc đã có rất nhiều nỗ lực ngoại giao. Trên các hội nghị, diễn đàn chính thức của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, Biển Đông và việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông đã trở thành chủ đề quan trọng được quan tâm và thảo luận với tinh thần xây dựng. Từ một chủ đề bị coi là “nhạy cảm”, Biển Đông đã được bàn thảo chính thức trên tinh thần tôn trọng luật pháp, công khai, minh bạch vì lợi ích của các bên liên quan và lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.

Đồng hành cùng với những diễn biến tích cực trên, Biển Đông vẫn tiềm ẩn bất ổn mà nếu không có sự kiềm chế của các bên liên quan, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và những nôc lực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì xung đột có thể  xảy ra bất cứ lúc nào. Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. Sự phức tạp ấy đang gia tăng gấp bội do những biến chuyển của tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh ở khu vực. Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống như tranh chấp đảo, tranh chấp vùng biển, các vấn đề an ninh phi truyền thống như cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, ô nhiễm môi trường biển, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên sinh vật biển, sự suy giảm đa dạng sinh học biển, biến đổi khí hậu... đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Chính vì vậy, việc công bố các công trình nghiên cứu về Biển Đông đóng góp rất thiết thực cho việc gìn giữ hoà bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông. Chính những hoạt động nghiên cứu và thảo luận này đã góp phần đưa Biển Đông và “rađa” kiểm  soát của cộng đồng quốc tế; bản chất của tranh chấp Biển Đông cũng như các vụ việc xảy ra trên Biển Đông được phân tích, đánh giá trên tinh thần khoa học, khách quan để dư luận trong nội bộ từng bên liên quan đến tranh chấp và dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ và nhiều chiều hơn. Những nỗ lực hợp tác trên đây mới chỉ là bước đầu trên một con đường vô cùng lâu dài và gian khổ để các bên liên quan đến tranh chấp, trực tiếp và không trực tiếp, hành động vì lợi ích của mình và tính đến lợi ích của các bên liên quan khác và của cả cộng đồng quốc tế, hướng đến mục tiêu cuối cùng là biến Biển Đông từ khu vực tranh chấp phức tạp, thực sự trở thành một khu vực hoà bình, hợp tác và phát triển.

Trên tình thần đó, Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”. Nội dung của Hội thảo tập trung vào sáu nhóm chủ đề chính: (1) Tầm  quan trọng của Biển Đông với thế giới và khu vực; (2) Lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực ở Biển Đông; (3) Những diễn biến gần đây ở Biển Đông; (4) Những khía cạnh pháp lý quốc tế c ủa  tranh chấp ở Biển Đông; (5) Giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột ở Biển Đông; (6) Phương cách và biện pháp thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông. Kết quả của Hội thảo được trình bày trong cuốn “Tranh chấp Biển Đông: luật pháp, địa chính trị và hợp tác quốc tế” do tác giả Đặng Đình Quý chủ biên. Cuốn sách tập hợp phần lớn tham luận của các học giả trong nước và quốc tế tham gia Hội thảo theo các nhóm chủ đề nêu trên. Sáu chủ đề của Hội thảo cũng chính là sáu phần của cuốn sách.

Nội dung của cuốn sách cho thấy, phần lớn các ý kiến tập trung đánh giá các tác động tiêu cực của chiến lược Trung Quốc trên Biển Đông, cho rằng sự hung hăng trên thực địa và thái độ mập mờ về yêu sách của Bắc Kinh có thể là nguyên nhân chủ yếu khiến căng thẳng leo thang và khả năng xung đột luôn bị đẩy ở mức cao. Là bên tranh chấp chính ở Biển Đông và là cường quốc quan trọng ở khu vực, Trung Quốc  cần có những hành xử đúng mực để duy trì môi trường hoà bình, ổn định, khôi phục niềm tin của các nước láng giềng bởi đây cũng là lợi ích phát triển của Trung Quốc.

Dựa trên kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp biển của nhiều nước trên thế giới, các học giả trong tham luận của mình cũng đã đề xuất một số biện pháp thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, trong đó đáng chú ý là các sáng kiến về xây dựng một cơ chế quản lý nghề cá ở cấp khu vực và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển thực sự hiệu quả, thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển song phương hoặc đa phương như một giải pháp thay thế cho lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hiện nay... Các học giả cũng nhất trí rằng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hoà bình, trong thời gian tới các bên liên quan cần kiên trì đàm phán, tăng cường đối thoại trên tinh thần hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế các hành động bạo lực cũng như cần minh bạch hoá các yêu sách chủ quyền về biển đảo. Nhiều học giả kêu gọi các bên trong khi hợp tác thực thi DOC cần xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc hơn nhằm giúp xây dựng lòng tin giữa các nước để tạo môi trường hòa bình, ổn định và khuyến khích các bên hợp tác quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông một cách hoà bình.

Thông qua 439 trang, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin vô cùng bổ ích, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề Biển Đông và những tranh chấp hiện nay giữa các bên liên quan. Cuốn sách là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích dành cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách nhằm tích cực góp phần vào việc đưa ra các sáng kiến giúp quản lý tranh chấp ở Biển Đông, tăng cường an ninh, hợp tác và phát triển khu vực. Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận