Trang chủ

BIỂN ĐÔNG – HƯỚNG TỚI MỘT KHU VỰC HOÀ BÌNH, AN NINH VÀ HỢP TÁC

Đăng ngày: 31-01-2013, 10:30 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Đặng Đình Quý chủ biên

Nhà Xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2011, 509 trang

Kí kiệu: Vt 449

Với vị trí chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú, Biển Đông luôn là mối quan tâm của các nước trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực, nhưng cũng chính vì thế mà Biển Đông đã trở thành nơi tranh chấp của nhiều nước. Do đó xây dựng Biển Đông trở thành khu vực hoà bình, ổn định để phát triển không chỉ là mong muốn mà còn là lợi ích chung của nhiều quốc gia.

Trong năm qua tình hình đã có chuyển biến quan trọng khi Biển Đông trở thành vấn đề quốc tế ngày càng được thế giới quan tâm và trở thành một trong những trọng tâm cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, khu vực vẫn  tiếp tục chứng kiến những diễn biến và vụ việc phức tạp, gây bất ổn ở Biển Đông.

Tiếp nối thành công của Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội năm 2009 và nhằm mở rộng, củng cố diễn đàn để các nhà nghiên cứu chia sẻ, thảo luận những quan điểm của mình về những vấn đề và các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông cũng như tìm kiếm những giải pháp từ góc độ học thuật đối với những tranh chấp hiện nay ở khu vực Biển Đông, Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ hai với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”. Hội thảo đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 11 năm 2010 với sự tham gia của 67 học giả quốc tế từ 25 nước và vùng lãnh thổ, hơn 80 học giả và quan sát viên trong nước, cùng đại diện nhiều Đại sứ quán và văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả của Hội thảo đã được trình bày trong cuốn sách “Biển Đông: hướng tới một khu vực hoà bình, an ninh và hợp tác” do tác giả Đặng Đình Quý chủ biên. Nội dung của cuốn sách gồm sáu phần tương ứng với các chủ đề của Hội thảo.

Phần 1: Tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường chiến lược đang thay đổi

Phần 2: Những diễn biến gần đây ở Biển Đông

Phần 3: Tranh chấp tại Biển Đông - những vấn đề luật pháp quốc tế

Phần 4: Giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột ở Biển Đông – thành công và triển vọng

Phần 5: Hợp tác ở Biển Đông: kinh nghiệm và bài học

Phần 6: Thúc đẩy hợp tác vì an ninh và phát triển

Cuốn sách tập hợp những bài tham luận của các học giả tham gia Hội thảo. Nội dung các tham luận cho thấy, phần lớn các ý kiến tập trung phân tích tác động tiêu cực của các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, phủ định yêu sách “đường lưỡi bò”, phê phán tuyên bố coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc nhưng thông qua các lập luận khoa học, phân tích lợi hại và khuyến nghị phương cách Trung Quốc nên thay đổi vì lợi ích nước lớn của chính Trung Quốc và của cả cộng đồng quốc tế.

Thông qua các tham luận, các học giả đã đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể như trong tình hình phức tạp hiện nay, các bên đều cần kiềm chế, công khai hoá, minh bạch hoá yêu sách chủ quyền và chính sách của mình ở Biển Đông. Trước hết Trung Quốc và Đài Loan cần làm rõ yêu sách “đường lưỡi bò”. Để giảm tính phức tạp của tình hình, các bên càn làm cho yêu sách của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước năm 1982. Biển Đông bao gồm rất nhiều vấn đề, mỗi vấn đề cần có cách tiếp cận và hướng giải pháp phù hợp với bản chất của vấn đề đó, các bên không nên áp đặt ý chí của mình. Trong khi chưa đạt được giải pháp lâu dài, các bên cần tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác khu vực thông qua các biện pháp cụ thể như lập “khu vực di sản chung nhân loại” ở Biển Đông, thậm chí là một tổ chức quốc tế thay mặt tất cả các nước liên quan quản lý Biển Đông theo luật quốc tế; Trung Quốc từ bỏ việc đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá, thay vào đó là một hiệp định khu vực về quản lý đánh bắt cá, bao gồm tất cả các bên liên quan ở Biển Đông. Thiết lập mạng lưới các đường dây nóng để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp; đàm phán về các hiệp định tránh đụng độ nhằm tránh va chạm trên biển giữa lực lượng hải quân các nước; tăng cường trao đổi xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa trong vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực. ASEAN cần phát huy và thển hiện vai trò chủ động, tích cực, không để các nước lớn “độc diễn” phục vụ lợi ích các nước lớn; các nước ASEAN cần chủ động trong việc dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để bàn bạc với Trung Quốc. Tăng cường thúc đẩy nghiên cứu và trao đổi học thuật về Biển Đông, để từ đó đề ra kiến nghị chính sách cho chính phủ các nước liên quan.

Với những nội dung như vậy, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu tích, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và hệ thống hơn về Biển Đông và những tranh chấp liên quan. Cuốn sách đã mang đến luận cứ khoa học cho các nhà hoạch định chính sách, giúp họ đưa ra những chính sách phù hợp cho quốc gia mình trong vấn đề Biển Đông.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận