Trang chủ

KHU KINH TẾ TỰ DO – THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN Ở TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ

Đăng ngày: 22-01-2013, 09:25 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Đặng Thị Phương Hoa

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, 171 trang

Kí hiệu: Vv 2440

Khu kinh tế tự do là một khu vực được áp dụng thể chế kinh tế và hành chính đặc biệt để tạo ra một môi trường kinh doanh, môi trường sống hấp dẫn nhằm thu hút vốn, công nghệ và nhân lực nước ngoài phục vụ cho tăng trưởng trong nước. Những khu vực được ưu đãi như vậy đã xuất hiện dưới nhiều hình thức trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới. Đến nay các khu kinh tế tự do đã gia tăng về số lượng, hình thái và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới, không chỉ ở các nước phát triển, mà còn ở các quốc gia kém phát triển. Các khu vực này được xây dựng ở mọi nơi: từ cảng biển thuộc các vùng ven biển, nội địa đến cả các khu vực biên giới.

Ở các nước Châu Á, việc thành lập các khu kinh tế tự do là một trong những bước đi quan trọng để hướng đến tự do hóa nền kinh tế và là một giai đoạn quan trọng trong việc liên kết vào nền kinh tế thế giới. Các khu vực này trở thành động lực để khuyến khích phát triển kinh tế ở cấp quốc gia và khu vực. Đồng thời là cơ sở tạo ra những kinh nghiệm cần thiết cho chính sách mở cửa và cải cách cơ cấu. Đối với Trung Quốc, khu kinh tế tự do, nhất là các đặc khu kinh tế không chỉ là cửa sổ của chính sách mở cửa, thu hút vốn nước ngoài, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, mà còn là cơ sở thí điểm cải cách và tạo ra các cực tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu của cải cách ở Trung Quốc là tạo ra một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc. Đối với Ấn Độ, việc thành lập các đặc khu kinh tế  nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng tốc phát triển kinh tế quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh của lĩnh vực công nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Hàn Quốc là nước phát triển có hàng rào bảo hộ khá thấp đã thông qua Luật về khu kinh tế tự do tháng 12/2003 và Luật Quản lý khu kinh tế tự do sửa đổi năm 2008, lập ra 3 khu kinh tế tự do lớn là Incheon, Busan Jinhae và Gwangyang. Mô hình FEZ của Hàn Quốc vô cùng hiện đại, đáp ứng cả về quy mô và các điều kiện kinh doanh, sinh sống và hưởng thụ, nhưng theo kế hoạch, từ năm 2012 trở đi, các hạng mục mới có thể được hoàn thành. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với 2,5 triệu dân đã xây 23 khu kinh tế tự do, thu hút đầu tư bằng việc nới lỏng các quy định hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mang tính cạnh tranh. Như vậy, những lợi thế của FEZ là dựa trên ý tưởng về chất lượng mọi mặt của môi trường đầu tư nhằm bù đắp sự kém hiệu quả trong nước. Nên chăng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm các nước về việc xây dựng và phát triển các khu kinh tế tự do, sử dụng khu vực này như một trong nhứng công cụ phát triển?

Về cơ bản, Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và cơ chế thị trường đã thực sự tác động đến hoạt động của nền kinh tế Việt Nam, nhất là sau khi gia nhập WTO. Với khá nhiều lợi thế về địa – kinh tế, về nhân lực, về tài nguyên, Việt Nam đã thành lập 283 khu công nghiệp, khu chế xuất trên khắp 63 tỉnh thành, 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế mở Chu Lai. Các khu này đang ở vào thế thua kém các khu kinh tế tự do trong khu vực và không tận dụng được lợi thế địa – kinh tế của Việt Nam. Để có thêm nguồn tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho sự phát triển khu kinh tế tự do ở Việt Nam, tác giả Đặng Thị Phương Hoa đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Khu kinh tế tự do – thực tiễn phát triển ở Trung Quốc và Ấn Độ”. Nội dung cuốn sách có kết cấu 3 chương:

Chương 1: Thực tiễn của khu kinh tế tự do trên thế giới. Trong đó tác giả nêu lên những đặc điểm của khu kinh tế tự do; phân loại khu kinh tế tự do; sự cần thiết phải phát triển khu kinh tế tự do; thực tiễn phát triển khu kinh tế tự do trên thế giới; tiêu chí thành công của khu kinh tế tự do.

Chương 2: Thực tiễn phát triển khu kinh tế tự do ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ở đây, tác giả tập trung phân tích bối cảnh kinh tế; quy trình thành lập và phát triển khu kinh tế tự do; những cải cách đột phá về thể chế và kết quả phát triển; khả năng liên kết của khu kinh tế tự do; khả năng vượt qua khủng hoảng và triển vọng của các khu kinh tế tự do ở Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, tác giả đã so sánh khu kinh tế tự do của Trung Quốc với khu kinh tế tự do truyền thống và khu kinh tế tự do của Ấn Độ.

Chương 3: Phát triển khu kinh tế tự do – một số gợi ý. Tác giả phân tích xu hướng tiếp tục hình thành khu kinh tế tự do trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; những bài học rút ra từ thực tiễn phát triển khu kinh tế tự do của Trung Quốc và Ấn độ, kể cả bài học từ sự thất bại cũng như kinh nghiệm từ sự thành công. Ngoài ra, tác giả đã đưa ra một số gợi ý khi phát triển khu kinh tế tự do.

Khác với các nghiên cứu trước đây, cuốn sách tập trung trình bày sự khác nhau nổi bật giữa khái niệm cũ và mới về khu kinh tế tự do để khẳng định khu kinh tế tự do trong điều kiện mới phải đổi mới thể chế chứ không dừng lại ở những ưu đãi tài chính. Khu kinh tế tự do được tiếp cận theo hướng thử nghiệm cải cách thể chế, dùng yếu tố hướng ngoại truyền thống của khu vực này để phát triển các vùng khác trong nước, liên kết vùng và phát triển vùng – một đặc tính then chốt mà khi vận hành khu kinh tế tự do nhất thiết phải đảm bảo. Với quan điểm khu kinh tế tự do là bước đi đầu tiên của liên kết kinh tế thế giới và toàn cầu hóa kinh tế, do đó đây là nơi đầu tiên thử nghiệm chính sách, thể chế hiện đại phù hợp nhất trước khi áp dụng rộng rãi, đặc biệt là đối với các nước đang, kém phát triển và trong giai đoạn chuyển đổi. Vì vậy, cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý về cơ sở lý luận, các yếu tố đảm bảo thành công, các nguyên tắc lẫn kinh nghiệm hữu ích khi mở ra bất cứ dạng khu kinh tế tự do nào trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận