Trang chủ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 22-01-2013, 09:10 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Đặng Quang Huy

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, 370  trang

Kí hiệu: Vv 2439

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nhà văn hóa vĩ đại. Chủ tịch Hồ chí Minh đã dẫn dắt con thuyền cách mạng Việt Nam, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua bao phong ba, bão táp, thác nghềnh và đã cập bến vinh quang. Bất kể trong hoàn cảnh nào, Người luôn luôn kêu gọi nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ,  huy động sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, sử dụng mọi hình thức đấu tranh, trong đó có đấu tranh ngoại giao để bảo vệ độc lập dân tộc.

Lịch sử ngoại giao Việt Nam đã ghi lại biết bao sự tích kỳ thú như huyền thoại, thể hiện sáng ngời chí khí độc lập tự cường, sách lược linh hoạt, trí tuệ uyên bác của ông cha ta. Tư tưởng và hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh sự kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống ngoại giao của dân tộc và tinh hoa kim, cổ, Đông, Tây của nhân loại với học thuyết Mác – Lê nin, đưa nền ngoại giao Việt Nam lên những tầm cao mới.

Riêng đối với nước láng giềng Trung Quốc, từ năm 1954 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều cuộc viếng thăm chính thức, nhiều cuộc hội đàm, trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi thì ở bắc Kinh, khi thì ở Hà Nội. Các cuộc hội đàm, trao đổi thường xuyên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến cách mạng Việt Nam, về quan hệ song phương… và các vấn đề quốc tế đã phần nào giải quyết những vướng mắc, tăng cường tình hữu hảo, tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt – Trung và tạo nên sự tin tưởng vào lập trường nhất quán của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Thành công trong quan hệ hữu nghị với Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết anh em, tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước, đồng thời đã thể hiện đóng góp lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác ngoại giao trong thời kỳ này.

Các cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được những thỏa thuận xoay quanh vấn đề viện trợ kinh tế, ổn định chính trị khu vực. Việc cung cấp hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm của Trung Quốc đã góp phần giúp nhân dân ta chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đó là sự giúp đỡ hết sức quý báu. Song, điều quan trọng hơn là Trung Quốc đã giúp Việt Nam đào tạo được hàng ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý của tất cả các ngành chủ yếu, giải quyết kịp thời vấn đề nhân lực, phục vụ cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩ xã hội ở miền Bắc.

Nhờ kết quả tốt đẹp về ngoại giao, xuất phát từ nỗ lực hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Việt Nam đã tạo ra vị thế mới của mình trong quan hệ quốc tế, qua đó tăng cường sức mạnh về mọi mặt. Những chuyến viếng thăm liên tục của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng hàng loạt các tuyên bố chung, các hiệp định được ký kết, chứng tỏ chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta và những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em hoàn toàn nhất trí và ủng hộ.

Những điều nói trên đây cũng chính là nội dung của cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc”. Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong quan hệ với đất nước và nhân dân Trung Hoa, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật đã đưa những câu chuyện về hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và biên niên hoạt động của Người với Trung Quốc từ năm 1954 đến năm 1969 vào trong cuốn sách này. Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc có được một cái nhìn hệ thống về những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như quan hệ Việt – Trung thời kỳ này. Nội dung của cuốn sách gồm 2 phần:

Phần thứ nhất: Những câu chuyện về hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc.

Phần thứ hai: Biên niên hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc giai đoạn 1954-1969.

Những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, những hoạt động thực tiễn phong phú của Người với Trung Quốc giai đoạn 1954-1969 được tuyển chọn trong cuốn sách là nguồn tư liệu quý về tư tưởng và kinh nghiệm ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, quan hệ với Trung Quốc nói riêng. Qua đó giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về mối quan hệ gắn bó, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc cũng như sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là di sản vô giá, là nền tảng để xây dựng mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng phát triển vững chắc với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng của thế giới.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận