Trang chủ

HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN ASEAN - NHẬT BẢN (AJCEP) VÀ HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ VIỆT NAM – NHẬT BẢN (VJEPA)

Đăng ngày: 22-01-2013, 09:06 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả tập thể: Bộ Công thương

Nhà xuất bản Công thương, Hà Nội, 2011, 618 trang

Kí hiệu: Vt 441

Cho đến nay, ASEAN đã liên tục thiết lập các Khu vực thương mại tự do với 6 đối tác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. ASEAN đang thảo luận với nhiều đối tác lớn, có tiềm năng như Hoa Kỳ, Canada, EU và Nga. Bên cạnh đó ASEAN cũng đang hướng tới khuôn khổ hợp tác khu vực tham vọng hơn như Hiệp định thương mại tự do Đông Á (ASEAN+3) hay Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (ASEAN+6).

Cùng với toàn cầu hóa, khu vực hóa đã và đang phát triển mạnh mẽ với nội dung chính yếu là hình thành các khu vực kinh tế, tăng cường sức mạnh và quyền tự chủ của các khu vực. Trong các tổ chức như EU, NAFTA, ASEAN, Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á… nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết đã nâng cao khả năng hợp tác và tự do hóa thương mại giữa các quốc gia trong khu vực.

Việt Nam đã tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1996, đặt một dấu ấn quan trọng trong giai đoạn đầu của hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO vào năm 2007. Bên cạnh đó, nước ta đã kí kết thực hiện nhiều hiệp định khu vực thương mại tự do cùng với các nước ASEAN và có một FTA song phương với Nhật Bản. Thông qua các FTA, Việt Nam đã tăng cường, mở rộng quan hệ kinh tế và chính trị với các đối tác lớn trong khu vực và trên thế giới, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo thế và lực mới cho đất nước, góp phần củng cố và tăng cường hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với công tác quốc phòng – an ninh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc tận dụng các cơ hội có được trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, việc nắm bắt và khai thác, tận dụng tốt các C/O ưu đãi chưa được các doanh nghiệp chú ý quan tâm đúng mức. Vì vậy, cung cấp đầy đủ thông tin về các FTA cho các doanh nghiệp là việc làm rất cần thiết. Trước yêu cầu đó, Bộ Công thương Việt Nam đã cho ra đời cuốn “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)”. Cuốn sách có kết cấu 3 chương và một chương văn bản tiếng Anh.

Chương 1: Tổng quan. Ở đây, tập hợp những thông tin chính về quan hệ thương mại ASEAN – Nhật Bản và quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản. Giới thiệu về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), lộ trình cam kết thuế quan, việc tận dụng các ưu đãi trong Hiệp định đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và trình bày toàn văn Hiệp định VJEPA.

Chương 2: Thực hiện quy tắc xuất xứ theo các Hiệp định AJCEP và VJEPA. Trong chương này, tác giả giới thiệu về Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AJ để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản; Quy chế Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AJ; Quy tắc xuất xứ; Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR); Quy tắc thực hiện; Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ của ASEAN; Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ của Nhật Bản… Bên cạnh đó, chương này còn giới thiệu về Thông tư số 10/2009/TT-BCT ngày 18/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc Thực hiện Quy tắc  xuất xứ trong Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế; Quy định thực hiện; Thủ tục cấp và kiểm tra C/O; Những thông tin tối thiểu của C/O; Mẫu C/O của Việt Nam; Mẫu C/O JV của Nhật Bản; Hướng dẫn kê khai C/O…

Chương 3: Một số câu hỏi đáp về Hiệp định VJEP. Trong đó giới thiệu một số câu hỏi thường gặp và câu trả lời liên quan đến các Hiệp định.

Từ những nội dung trên có thể thấy, cuốn sách đã giới thiệu khái quát và cơ bản về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Nội dung chủ yếu của cuốn sách là tập hợp các văn bản pháp lý cho việc thực hiện bộ quy tắc xuất xứ theo các Hiệp định nói trên để hưởng các ưu đãi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra cuốn sách cũng đã điểm lại tình hình quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay, giới thiệu và phân tích tổng quát về các Hiệp định AJCEP và VJEPA về cấu trúc, lộ trình cam kết thuế quan, tác động của Hiệp định đến thương mại nước ta và đặc biệt là phân tích về việc tận dụng các ưu đãi trong các Hiệp định đối với một số mặt hàng của Việt Nam. Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần hỏi đáp để giới thiệu những câu hỏi thường gặp và câu trả lời liên quan đến các Hiệp định nói trên. Cuốn sách đã cung cấp những thông tin vô cùng bổ ích.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận