Trang chủ

CÁC HIỆP ĐỊNH KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN – TRUNG QUỐC (ACFTA) VÀ ASEAN - ẤN ĐỘ (AIFTA)

Đăng ngày: 22-01-2013, 09:02 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả tập thể: Bộ Công thương

Nhà xuất bản Công thương, Hà Nội, 2011, 445 trang

Kí hiệu: Vt 442

Cùng với toàn cầu hóa, khu vực hóa đã và đang phát triển mạnh mẽ với nội dung chính yếu là hình thành các khu vực kinh tế, tăng cường sức mạnh và quyền tự chủ của các khu vực. Trong các tổ chức như EU, NAFTA, ASEAN, Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á… nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết đã nâng cao khả năng hợp tác và tự do hóa thương mại giữa các quốc gia trong khu vực.

Cho đến nay, ASEAN đã liên tục thiết lập các Khu vực thương mại tự do với 6 đối tác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. ASEAN đang thảo luận với nhiều đối tác lớn, có tiềm năng như Hoa Kỳ, Canada, EU và Nga. Bên cạnh đó ASEAN cũng đang hướng tới khuôn khổ hợp tác khu vực tham vọng hơn như Hiệp định thương mại tự do Đông Á (ASEAN+3) hay Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (ASEAN+6).

Nước ta lần đầu tiên tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1996, đặt một dấu ấn quan trọng trong giai đoạn đầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam không chỉ là đối tác có trách nhiệm của ASEAN mà còn cùng ASEAN đàm phán và triển khai các thỏa thuận FTA ASEAN mở rộng. Sự tham gia của Việt Nam càng tích cực và hiệu quả hơn khi Việt Nam hoàn thành gia nhập WTO vào năm 2007. Chúng ta không chỉ đàm phán Hiệp định FTA song phương Việt Nam – Nhật Bản và tích cực chuẩn bị, tham gia đàm phám FTA với Chile, EU, Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Tính đến năm 2010, Việt Nam đã kí kết thực hiện 7 hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA thực hiện cùng với các nước ASEAN và một FTA song phương với Nhật Bản. Thông qua các FTA, Việt Nam đã tăng cường, mở rộng quan hệ kinh tế và chính trị với các đối tác lớn trong khu vực và trên thế giới, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo thế và lực mới cho đất nước, góp phần củng cố và tăng cường hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với công tác quốc phòng – an ninh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc tận dụng các cơ hội có được trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, việc nắm bắt và khai thác, tận dụng tốt các C/O ưu đãi chưa được các doanh nghiệp chú ý quan tâm đúng mức. Vì vậy, cung cấp đầy đủ thông tin về các FTA cho các doanh nghiệp là việc làm rất cần thiết. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 1 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 đã chỉ rõ Bộ Công thương có nhiệm vụ “phổ biến, hướng dẫn và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các thị trường đã có FTA”.

Triển khai công tác này, Bộ Công thương đã giao nhiệm vụ cho Nhà xuất bản Công thương phối hợp với Vụ Xuất Nhập khẩu và Văn phòng Bộ tổ chức biên tập, in ấn, xuất bản và phát hành bộ sách phổ biến các Hiệp định thương mại tự do FTA nhằm phục vụ việc đẩy mạnh xuất khẩu trong ASEAN và các nước đối tác.

Cuốn sách “Các Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)” ra đời giới thiệu về Hiệp định Thương mại Hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (TIG ACFTA) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Ấn Độ (AITIG). Nội dung chủ yếu của cuốn sách là tập hợp các văn bản pháp lý cho việc thực hiện bộ quy tắc xuất xứ theo các Hiệp định nói trên để hưởng các ưu đãi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, cuốn sách cũng đã điểm lại tình hình quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam - Ấn Độ hiện nay, giới thiệu và phân tích tổng quát về các Hiệp định TIG ACFTA, AITIG về cấu trúc, lộ trình cam kết thuế quan, tác động của Hiệp định đến thương mại nước ta và đặc biệt là phân tích việc tận dụng các ưu đãi trong các Hiệp định đối với một số mặt hàng của Việt Nam nhằm giúp cho các nhà xuất nhập khẩu có thêm thông tin bổ ích. Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần Hỏi Đáp để giới thiệu một số câu hỏi thường gặp và câu trả lời liên quan đến các Hiệp định nói trên.

Với kết cấu 3 chương và phần văn bản tiếng Anh, thông qua 445 trang, cuốn sách đã cung cấp một lượng thông tin lớn và khá đầy đủ về các Hiệp định TIG ACFTA, AITIG. Đây là nguồn thông tin rất bổ ích không chỉ đối với các nhà xuất nhập khẩu, mà cả đối với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận