Trang chủ

VAI TRÒ CỦA ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC VÀ NHỮNG NHÀ NHO DUY TÂN TRONG LĨNH VỰC VĂN HỌC (GIA ĐOẠN ĐẦU THẾ KỶ XX)

Đăng ngày: 30-10-2012, 10:44 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 7

1. Bước sang thế kỷ XX đối với Việt Nam không đơn giản chỉ là ghi một dấu mốc thời gian vào quãng đường phát triển của lịch sử mà còn là rẽ sang một con đường khác trong lịch sử phát triển dân tộc. Nếu từ thế kỷ XIX về trước, Việt Nam và các nước láng giềng Đông Á quy tụ trong một vùng văn hoá riêng độc lập và khác biệt với thế giới thì từ đây đã xuất hiện một mối liên thông giữa văn hoá vùng Đông Á với văn hoá thế giới hoà vào cuộc sống chung và gia nhập quỹ đạo vận động của lịch sử thế giới. Việc chuyển đổi từ văn học trung đại sang văn học hiện đại ở giai đoạn này đồng nghĩa với việc thay đổi từ truyền thống văn hoá này sang một loại hình văn hoá khác, từ nền văn hoá vùng có nguồn gốc Hán chuyển sang văn hoá Châu Âu mang nguồn gốc Hi - La có vị trí chi phối cả văn hoá thế giới cận hiện đại.

Đối với lịch sử văn hoá Việt Nam sự thay đổi này rất sâu sắc. Nó biểu hiện không đơn giản ở chỗ cái mới thay thế cái cũ, không phải hai cái cộng lại, mà thực chất là quá trình dài hoà trộn, nhào nặn cái cũ và cái mới thậm chí là thay đổi cốt cách của cái đã thành truyền thống dân tộc để thành một sản phẩm khác. Điều kiện xảy ra sự đổi thay này là nước ta mất độc lập, trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Và việc thay đổi này cũng xuất hiện trước hết là ở phía thực dân Pháp. Họ muốn làm cho thuộc quốc đoạn tuyệt với văn hoá dân tộc, li khai với ảnh hưởng của Trung Quốc vốn định hình trong văn hoá dân tộc Việt Nam từ mười thế kỷ nay để tạo lập một nền văn hoá có hồn cốt văn hoá phương Tây. Mặt khác “một phen thay đổi sơn hà” như vậy cũng đã là xu thế tất yếu trong hoàn cảnh thế giới hiện đại lúc đó. Bên cạnh con đường Âu hoá theo thực dân còn có con đường Âu hoá của các nhà Nho yêu nước. Trong phong trào Đông kinh nghĩa thục chính các nhà Nho yêu nước cũng đã vận động cải cách văn hoá, chủ động giải quyết vấn đề tiếp nhận văn hoá Châu Âu để tự cường giành độc lập và hiện đại hoá đất nước.

2. Nói đến Đông kinh nghĩa thục người ta thường quan tâm đến vai trò duy tân của phong trào này trong lĩnh vực văn hoá, kinh tế, chính trị mà ít chú ý đến lĩnh vực văn học. Tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ khác – góc độ văn hoá, chúng ta sẽ không thể không khẳng định vai trò của Đông kinh nghĩa thục đối với văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX. Theo chúng tôi, một trong những đóng góp quan trọng của phong trào Đông kinh nghĩa thục mà từ trước đến nay chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo đó là phong trào này đã góp phần thay đổi lối tư duy nhận thức của người Việt Nam.

Đông kinh nghĩa thục ra đời đã kiến nghị phế bỏ khoa cử, mở trường đại học, đề xướng cải cách phong hoá, bỏ quốc phục, mặc Âu phục, cắt búi tó, hớt tóc ngắn, bỏ quan niệm nhất sĩ, đề cao việc thực nghiệp như khai đồn điền, mở hội buôn, làm công nghệ. Phong trào nổi lên rầm rộ từ Bắc vào Nam, người Pháp sợ nó biến thành cách mạng nên vội dập tắt. Đầu 1907, Đông kinh nghĩa thục bị rút giấy phép. Tuy Đông kinh nghĩa thục mới chú ý duy tân ở các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng các nhà nho chủ trương phong trào này cũng đề cập đến việc dùng chữ quốc ngữ, viết báo, dịch sách. Hoàn toàn có lý khi chúng ta cho rằng đó là hành động mang tính văn hoá, chưa thực sự chú trọng đến văn học nghệ thuật. Nhưng đặt vào bối cảnh tâm lý xã hội lúc đó mà xét thì hoạt động này đã tạo ra một xáo trộn lớn trong đời sống xã hội Việt Nam cổ truyền. Trong khi đại đa số người dân Việt Nam còn đang thở hít Hán học tắm gội cổ truyền thì Đông kinh nghĩa thục được sáng lập ở Hà Nội để khai trí dân chúng. Trường đã chú trọng truyền bá chữ quốc ngữ, dạy các kiến thức phổ thông về Tây học. Vào thời điểm đó chế độ khoa cử vẫn tồn tại, một phần lớn dân số trong nước vẫn còn ê a chi hồ giả dã nên những điều thông thường về kiến thức tự nhiên như hình thể trái đất, phép đo đường tròn, thuyết cạnh tranh của Darwin, thuyết dân ước của Rousseau được đón nhận như một bí thuật tạo ra sức mạnh cho phương Tây.

Theo chúng tôi với, việc đưa những kiến thức có tính chất khoa học vào đời sống xã hội, Đông kinh nghĩa thục đã tạo ra một sự thay đổi quan trọng trong lối tư duy nhận thức của người Việt vốn quen nhìn sự việc dựa trên những khuôn mẫu định sẵn. Qua việc giới thiệu những kiến thức phổ thông, những thông tin về khoa học tự  nhiên, khoa học kỹ thuật, phong trào văn hoá đầu thế kỷ này đã tạo cho độc giả làm quen dần với lối tư duy phân tích, miêu tả sự vật một cách cụ thể, sát với thực tế. Việc tạo ra thói quen thưởng thức mới là rất quan trọng đối với quá trình nhận thức sự vật hiện tượng, có tác dụng thay đổi dần cách cảm, cách nghĩ, cách tư duy theo kiểu phương Đông để hướng tới một lối tư duy nhận thức thực tế, phân tích hiện tượng của phương Tây. Điều này là rất cần thiết trong việc tạo dựng một thói quen suy nghĩ xuất phát từ thực tế, có cơ sở khoa học cho người Việt Nam.

Mặc dù tồn tại trong khoảng thời gian không dài nhưng những gì mà Đông kinh nghĩa thục tạo ra đã để lại những dư vang không nhỏ trong một xã hội vốn bị bao bọc bởi sự an phận và thói quen tư duy theo kiểu học theo và định sẵn. Đặc biệt phong trào đã tác động mạnh mẽ đến các nhà Nho duy tân. Họ là những người sẽ tạo ra sự thích ứng của văn học trong giai đoạn đầu của quá trình giao thời này.

3. Văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn giao thời ở đó tồn tại hai bộ phận văn học: văn học cũ của nhà Nho ở địa bàn nông thôn vẫn tồn tại và văn học mới của trí thức tư sản ở thành thị dù lẻ tẻ nhưng đã xuất hiện.

Ở thành thị, bộ phận văn học mới đã bắt đầu manh nha tưởng như bị cắt đứt những mối dây liên hệ với truyền thống văn học dân tộc. Nó phản ánh sự tách biệt của một bộ phận trí thức tân học đứng ngoài cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng không chấp nhận những áp đặt do thực dân đem lại. Những tác giả tiên phong của văn học mới đã viết về cuộc sống thành thị đang tư sản hoá, cuộc sống mà họ vừa thấy thích hợp vì phù hợp với tâm lý thị hiếu nhưng lại vừa muốn chối bỏ vì nó đi ra ngoài những khuôn phép đạo đức đã hằn dấu thành nếp trong tâm trí họ. Để hoà nhập vào dòng chảy của văn học thế giới, những trí thức tân  học đã học tập theo hệ thống thể loại văn học cận hiện đại phương Tây để xây dựng cho đất nước một nền văn học mới. Họ đã lặp lại công việc của những trí thức Đại Việt trong điều kiện mới. Điều kiện thực tế khác trước, nếu những trí thức Đại Việt xây dựng văn học Việt Nam trong niềm từ hào lớn: nước nhà có cương vực riêng, ngang hàng với Trung Quốc và các nước hoa hạ khác thì những trí thức tân học viết văn dưới sự chi phối của chính sách văn hoá nô dịch của thực dân Pháp. Nếu như văn học trung đại biết kết hợp các giá trị mang tính Trung Quốc và các giá trị dân gian để sản sinh ra những thể loại riêng, đặc thù Việt Nam mà đỉnh cao là Việt hoá hệ thống thể loại ngoại nhập, sáng tạo hệ thống thể loại thuần Việt và ngôn ngữ văn học bằng tiếng Việt thì văn học mới của trí thức tân học ngay lúc mới ra đời đã tự cách ly với văn học dân gian, không đủ can đảm đề cập đến những vấn đề cốt tử của đời sống nhân dân và sự tồn vong của dân tộc. Văn học mới vào thời điểm này chủ yếu phản ánh cuộc sống thành thị đang tư sản hoá.

Trong khi đó ở một bộ phận khác, đông đảo hơn và rầm rộ hơn là văn học của nhà Nho và quần chúng nông dân vẫn giữ vị trí chủ đạo. Cuối XIX đầu XX xuất hiện nhiều thơ kể sự, vè hiện thực. Tác giả của nó là nhà Nho, những người có vốn văn hoá Hán học. Đối tượng thưởng thức là người nông dân vốn cư tụ ở nông thôn - một địa bàn rộng lớn của nước ta lúc đó. Đưa nội dung hiện thực vào trong một hình thức thể loại cũ quen thuộc với tâm lý người tiếp nhận để thoả mãn nhu cầu của họ đồng thời thúc đẩy sự thay đổi trong suy nghĩ của họ. Do đó ngôn ngữ sử dụng là chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Sau hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân, phần lớn người nông dân di chuyển địa bàn từ nông thôn ra thành thị, họ làm rất nhiều nghề và tập hợp thành tầng lớp dưới trong xã hội: cô sen, cậu bồi, phu xe…nhu cầu thưởng thức văn học của họ đã thay đổi nhưng vẫn còn liên hệ với quá khứ. Họ chưa thể làm quen ngay với những thể loại mới mẻ của phương Tây do đó thịnh hành loại văn học vần vè đáp ứng nhu cầu đọc, kể, nghe của những người tầng lớp dưới. Châm ngòi cho các hình thức văn vần, vè kể sự là các nhà Nho duy tân và phong trào Đông kinh nghĩa thục. Họ là những người đầu tiên viết vè, diễn ca để cổ động, tuyên truyền cho nhân dân.

Nhà Nho và phong trào Đông kinh nghĩa thục đã dọn đường cho tâm lý tiếp nhận, cho kiểu tiếp nhận văn học mới của độc giả Việt Nam ở giai đoạn giao thời. Văn hoá phải có truyền thống và truyền thống đó phụ thuộc vào tâm lý người tiếp nhận. Đổi mới phải phù hợp với thời đại và theo đòi hỏi thực tế, phù hợp với công chúng độc giả tiếp nhận trên cơ sở cái mới nhưng phải gắn bó với truyền thống. Chính vì vậy nói đến sự ra đời của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam ta không thể không tính tới vai trò cầu nối của vè kể sự, truyện văn vần.

Chúng ta thường chỉ chú ý đến Nam Phong và đóng góp của nó trong việc đưa những tư tưởng mới về văn học vào Việt Nam. Thực ra Nam Phong ở vào giai đoạn sau, khi mà độc giả với lượng kiến thức hiện đại được cập nhật tương đối của mình đang đòi hỏi văn học phải có sự thay thế về hình thức thể hiện. Về mặt lý luận, Nam Phong đã đáp ứng được yêu cầu của thời đại trong việc thống nhất ngôn ngữ, tuyên truyền tư tưởng mới, giới thiệu tư tưởng phương Tây cho văn học nước nhà. Do vậy có rất nhiều ý kiến đánh giá đề cao Nam Phong, coi Nam Phong như một đạo sư văn nghệ mà ai muốn thành nhà văn phải chấm bút trong bình mực đó. Thực ra chúng ta mới chỉ nhìn thấy giai đoạn sau – giai đoạn dễ nhìn thấy những ảnh hưởng cụ thể của văn học nhất mà chưa chú ý đến giai đoạn trước đó – giai đoạn Đông kinh nghĩa thục – thời kỳ dọn đường cho tâm lý tiếp nhận văn học hiện đại.

Giai đoạn đầu thế kỷ XX, các nhà Nho duy tân và phong trào Đông kinh nghĩa thục của mình là người dọn đường và chuẩn bị công chúng cho văn học hiện đại. Bởi vì bên cạnh việc cứu nước thì việc giữ gìn một nền văn hoá cũng là tối cần thiết trong điều kiện lúc đó khi văn hoá phương Tây tràn vào nước ta một cách ồ ạt, xuất hiện nguy cơ bị nô dịch về văn hoá. Tâm lý tiếp nhận văn học mới đã được các nhà nho duy tân chuẩn bị ở hai cấp độ.

Trước hết, các nhà Nho duy tân đã phê phán văn chương cử tử, tuyên bố từ bỏ văn chương thánh hiền, từ bỏ lối viết khoa cử Hán học và viết theo hình thức mới để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Ông thám hoa nổi tiếng hay thơ đã tự tay đốt thi tập của chính mình (Nguyễn Thượng Hiền). Ba ông tiến sĩ, phó bảng mới đỗ lên án thi cử. (Phan Châu Trinh viết Chí thành thông thánh phê phán học thuật cũ xoá bỏ nền giáo dục khoa cử Hán học. Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng viết phú Cầu lương ngọc tất danh sơn kể những chuyện thực tế để kích động, cổ động tuyên truyền). Còn Phan Bội Châu đậu giải nguyên được đặc cách treo riêng một bảng mà tự thấy xấu hổ. Văn cử tử bị chính những người đại diện tiêu biểu nhất cho nó lên án khai tử. Chính nhà Nho, người có vai trò đặc biệt quan trọng trong môi trường văn hoá truyền thống – chỉ có họ mới là người có quyền và khách quan nhất để phế bỏ lối học từ chương và cách viết cũ. Bởi vì nhà Nho không đơn giản chỉ là trí thức của chế độ phong kiến mà họ còn có tư cách là “người hướng đạo tinh thần” của nông thôn, gắn bó và làm thầy cho nông dân, là người sáng tác văn học tiêu biểu cho văn học truyền thống của dân tộc. Từ góc độ này chúng ta có thể cho rằng những nhà Nho duy tân là những người đầu tiên đưa văn học Việt Nam từ văn học vùng mang tính phương Đông gia nhập vào quỹ đạo văn học thế giới, văn học phương Tây qua việc phế bỏ văn học cũ.

Hai là, họ đã làm mới các thể loại cũ bằng việc đưa những nội dung mới vào đó. Sự xuất hiện khá phong phú của vè, truyện thơ, ký sự, du kí bằng thơ dưới hình thức chữ Nôm và quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX là một minh chứng. Những sáng tác này được viết bằng văn vần nhưng lại mang dấu ấn của hình thức truyện: có tình tiết, có cốt truyện. Cụ thể năm 1882 Nguyễn Văn Giai viết Hà Thành thất thủ chí công quá ca (Chính khí ca) gồm 140 câu lục bát kể sự việc thành Hà Nội bị hạ, Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, Cờ đen giúp ta phản công, hai bên kí hoà ước Giáp Tuất. Hoàng Diệu ra trấn thành Hà Nội, để mất thành. Năm 1885 Nguyễn Thị Bích (một cung nữ của vua Tự Đức) viết Loạn dư hạnh thục quốc âm ca (Hạnh thục ca) dài 1036 câu lục bát kể lại những biến cố xảy ra ở Huế khi đó. Theo Phạm Thế Ngũ “bài vè thời sự ”  này khiến nhà soạn sử Trần Trọng Kim phải dựa vào đó để lấy tư liệu viết sử như ông đã thừa nhận: “Những truyện ở trong triều lúc ấy phần nhiều là lấy ở quyển Hạnh thục ca của Lễ tần Nguyễn Nhược thị. Bà là một cung phi của vua Tự Đức sau lại làm thư kí cho bà Từ Dụ nên việc trong triều bà biết được rõ(1). Hương sơn nhật trình của Chu Mạnh Trinh dài 138 câu lục bát kể cuộc hành trình từ Hà Nội qua Hà Đông phủ Ứng Hoà, tới chùa ngoài, chùa trong rồi ngược đường ra về… như một bài du kí. Lời văn giản dị nôm na như kể truyện bình dân.

Trong suốt một ngàn năm lịch sử chưa bao giờ học giả Việt Nam dùng văn quốc âm để ghi những biến cố xảy ra ở đương thời một cách trực tiếp. Lần đầu tiên thể văn hồi kí lịch sử xuất hiện ở Việt Nam dưới hình thức thơ nôm ghi lại những biến cố lịch sử, miêu tả cụ thể không che dấu sự thực. Những chi tiết lịch sử được trình bày một cách tỉ mỉ, chân xác, cụ thể từ năm tháng đến ngày giờ của từng biến cố. Chúng ta có thể lí giải hiện tượng này như thế nào ?

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam đã có cuộc biến thiên rất quan trọng có lẽ một dấu hiệu quan trọng ít được tính đến là tính chất thời sự ùa vào trong thơ. Trong đời sống văn học nước nhà ở buổi giao thời này không chỉ xuất hiện “những bài hát nói thích hợp với tâm hồn một số sĩ phu đi tìm quên lãng trong nhàn lạc… Đường luật bát cú hay tứ tuyệt được sống lại một thời thịnh hành” (2)(2) mà đáng chú ý là sự xuất hiện phong phú của những bài ca lục bát để kể sự. (Ở đây chúng tôi không kể đến những bài được dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ bằng lục bát hoặc song thất lục bát để tuyên truyền cách mạng của Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh… làm cho đời sống văn vần cực kỳ sôi động ở giai đoạn này). Trong thực tế văn học thời đoạn này ta bắt gặp rất nhiều tác phẩm viết bằng thể lục bát (dài trên 100 câu). Phải chăng truyện thơ tài tử giai nhân ở giai đoạn trước đang trở lại chi phối văn đàn ? Nội dung các tác phẩm cho chúng ta một câu trả lời thật rõ ràng: thể thơ lục bát được dùng để ghi lại, kể lại những sự kiện thực tế, chi tiết lịch sử những biến cố của thời cuộc lúc đó chứ không phải kể chuyện của lịch sử, quá khứ hay chuyện tình tài tử giai nhân. Các tác phẩm này nhiều khi mang tính chất vè, nghiêng về phía bình dân hơn là bác học. Chất liệu đời sống hàng ngày bắt đầu đi vào thơ. Trước đây chưa bao giờ con người và sự việc xung quanh với chất thời sự lại có mặt trong thơ nhiều như thế. Chưa bao giờ không gian thơ lại là những không gian gần gũi đời thường như vậy và cũng chưa hề thấy một ngôn ngữ đời sống ùa vào thơ phong phú và đa dạng đến thế. Vè lục bát đã đáp ứng được nhu cầu về thông tin của độc giả. Đây chính là một trong những con đường dẫn đến sự xuất hiện của văn xuôi. Muốn được công chúng hưởng ứng, thưởng thức thì văn chương phải đáp ứng được thị hiếu của công chúng: tính ham chuyện lạ, thích tin tức thời sự, những sự kiện giật gân, mới mẻ. Nhận xét về tác phẩm Chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, Thanh Lãng cũng khẳng định: “Nguyễn Văn Giai đem một cái gì mới mẻ vào văn học Việt Nam: mới mẻ ở chỗ dùng lời thơ quốc âm để ghi những biến cố lịch sử, mới mẻ hơn ở chỗ tác giả thành thực không úp mở, mới mẻ ở chỗ các nhân vật gọi bằng tên thật, được phê bình một cách thẳng thắn, gay gắt, mỉa mai, mới mẻ nhất, cách mạng nhất ở chỗ tài liệu dồi dào và tỉ mỉ(3). Sự thay đổi của văn chương từ truyện thơ tài tử giai nhân đến vè lục bát không chỉ ở việc thay đổi đề tài, nội dung ngôn ngữ mà chủ yếu ở sự thay đổi quan hệ tác giả với công chúng. Điều này dẫn đến việc thay đổi cả tính chất văn học. Các tác phẩm văn vần này đã phản ánh những vấn đề thực tế của xã hội lúc đó nhằm tác động tới nhận thức của độc giả - những người nông dân đang bắt đầu thay đổi tâm lý, thị hiếu của mình. Thơ yêu nước của nhà nho tác động đến thơ trào phúng, vè của nông dân và chính thứ văn học chưa được hiện đại hoá đó về sau tác động đến văn học thành thị của tầng lớp tiểu tư sản và vô sản. Tầng lớp tiểu tư sản và vô sản là lớp người thành thị nhưng lại gần nông dân, nhà nho hơn là gần tư sản. Nền văn học của một nước thực sự chuyển sang hiện đại viết theo kiểu phương Tây khi đối tượng thưởng thức đông đảo của nó phải chấp nhận điều đó. Ở giai đoạn giao thời, nhà nho đã làm thay giai cấp tư sản và tầng lớp tiểu tư sản trong việc xây dựng một nền văn học cận hiện đại. Đây là một trong những đặc điểm đặc thù của văn học Việt Nam khi bước vào thời kỳ hiện đại hoá.

4. Như vậy châm ngòi là phong trào Đông kinh nghĩa thục, tiếp đó là những nhà Nho duy tân đã tạo những tiền đề đầu tiên cho văn học hiện đại du nhập vào Việt Nam qua việc tạo dựng một lối nhận thức mới, phế bỏ văn chương cử tử và cách tân các thể loại truyền thống. Vai trò của các nhà Nho này quả thật không phải là nhỏ. Nhưng liệu với tư duy và thế giới quan nhà Nho, vai trò của họ có tiếp tục được khẳng định đối với thời cuộc không khi lịch sử đang đòi hỏi phát triển theo hướng hiện đại? Vấn đề này cần một nghiên cứu sâu hơn nữa mà chúng tôi đang theo đuổi.

 

CAO THỊ HẢO

(Đại học Sư phạm Thái Nguyên)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Phạm Thế Ngũ (1974), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Quốc học tùng thư, Sài Gòn tr38, tr.6.

2.  Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Nxb Trình bày, Sài Gòn, tr.62.

3. Trần Đình Hượu (1999), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng (1996), (tái bản), Văn học Việt Nam 1900 – 1930, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Nguyễn văn Hoàn (2000), Chữ quốc ngữ và sự phát triển của văn hoá Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 9, Hà Nội.

6. Chương Thâu (1982), Đông Kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.



(1) Phạm Thế Ngũ (1974), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Quốc học tùng thư, Sài Gòn tr38.

 

(2) Phạm Thế Ngũ (1974), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Quốc học tùng thư, Sài Gòn. Tr. 26.

 

(3) Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Nxb Trình bày, Sài Gòn, tr62.

0thảo luận