Trang chủ

IKEBANA- NGHỆ THUẬT CẮM HOA TRUYỀN THỐNG Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 8-08-2012, 10:25 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 1

Nói đến văn hoá Nhật Bản người ta không thể không đề cập tới Ikebana – một nghệ thuật cắm hoa truyền thống của người Nhật. Ikebana không chỉ là việc cắm hoa đơn thuần mà nó còn hàm chứa trong đó một triết lý sống của người dân đất nước Phù Tang. Chính vì vậy, việc tìm hiểu Ikebana sẽ đem lại cho chúng ta những hiểu biết nhất định về một môn nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản và góp phần khám phá  những nét đẹp trong nghệ thuật Iketana nói riêng và những nét đẹp trong văn hoá truyền thống Nhật Bản nói chung.

1. Nguồn gốc và lịch sử phát triển của Ikebana

Ikebana (tiếng Nhật: 生け花 hay いけばな, có nghĩa "hoa sống") cũng còn được biết đến dưới cái tên kadō (華道)— "hoa đạo". Theo nghệ thuật Ikebana, hoa được cắm hài hòa với màu sắc và bài trí của phòng, bình cắm... tượng trưng cho thiên, địa, nhân (trời, đất và con người).

Nghệ thuật Ikebana xuất hiện  cùng với sự truyền bá của Phật giáo từ Trung Quốc vào Nhật Bản (thế kỷ VI). Đó là tục dâng hoa lên những người đã khuất với mục đích an ủi và làm cho linh hồn của họ được siêu thoát. Đây là một yếu tố không thể thiếu trong nghi lễ của Phật giáo Nhật Bản. Phong tục này được gọi là “kuge”. Vào cuối thế kỷ VII, phong tục kuge trở nên phổ biến ở các đền thờ. Người ta cảm thấy sức mạnh của Phật giáo trong vẻ đẹp tuyệt vời của việc dâng hoa, đồng thời triết lý của tôn giáo này là hướng người Nhật cổ tới thiên nhiên, đưa vẻ đẹp của thiên nhiên (ở đây là hoa) vào trong không gian sống của mình và mặt khác, nó cũng tạo cho thiên nhiên một môi trường sống mới mà vẫn giữ được những đặc điểm tự nhiên của chất liệu.

Lúc đầu, dạng thức chung nhất là cắm hoa thẳng đứng vào trong một chiếc bình mà tiêu biểu là dạng thức Sanzon được phát triển từ thế kỷ IX trở đi. Dạng thức Sanzon với vị trí thẳng đứng của nó - ba thân gầy nhưng vươn thẳng lên vững chãi từ trong nước với ngọn của ba bông hoa tạo thành hình tam giác. Đây là dạng thức có ảnh hưởng rất quan trọng trong thời kỳ Muromachi khi các nguyên tắc của nghệ thuật Ikebana được hình thành.

Đến thế kỷ X, khi phái Jodo của Phật giáo trở nên phổ biến thì kuge bắt đầu đóng vai trò trang trí. Theo phái Jodo, nơi lý tưởng là Goku raru Jodo - đó là nơi ngập tràn hoa theo trí tưởng tượng của con người. Nếu chúng ta xem lại bức tranh cổ “Shouraijo” (thiên đàng) ở thế kỷ XI, chúng ta sẽ thấy được sự lộng lẫy tuyệt vời của kuge, bức tranh với những cô gái đồng trinh đẹp tuyệt trần tay cầm những bông sen được cắm trong một “keban”. Thời gian trôi qua, những kiểu dâng hoa này mất đi ý nghĩa tôn giáo của nó và hoa được dùng để thể hiện tình yêu của con người đối với thiên nhiên. Khi xu hướng này trở thành một phong tục thì cắm hoa bắt đầu phát triển thành một nghệ thuật.

Sự thay đổi cơ bản nhất trong lịch sử Ikebana diễn ra vào thế kỷ XV, thời Muromachi, khi tướng quân Ashikaga Yoshimasa trị vì đất nước. Tất cả những ngôi nhà lớn nhỏ đều có Tokonoma hay những hốc tường để đặt các đồ mỹ nghệ, để cắm hoa. Hoa trong thời kỳ này hoa được cắm theo một phong cách gọi là Tate bana (nghệ thuật cắm hoa đứng). Người chịu trách nhiệm sáng tạo ra dạng thức Tatebana là những nhà sư - đó là những người lãnh đạo về trí thức và nghệ thuật của thời Muromachi. Thời kỳ này việc cắm hoa đã trở nên phổ biến ngay cả trong tầng lớp bình dân.

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, khi các yếu tố của Tatebana trở nên thống nhất và được hệ thống hoá, Tatebana được phát triển thành dạng thức Rikka, một kiểu cắm hoa đứng. Phong cách cắm hoa Rikka, tìm cách thể hiện vẻ tráng lệ của thiên nhiên, quy ước là hoa được cắm theo hình núi Sumeru, ngọn núi huyền thoại của thế giới nhà Phật đã tượng trưng cho toàn vũ trụ. Đây là cách cắm hoa cổ điển, một thời được coi là kiểu cắm hoa thích hợp cho nghi lễ vào dịp hội hè. Phong cách này được biết đến từ một thầy tu ở đền Rokkakudo (Kyoto) - người chủ trì trường Ikenobo - ngôi trường dạy về việc cắm hoa đầu tiên tại Nhật Bản, ngôi đền Rokkakudo cũng như trường Ikenobo từ đấy trở thành trung tâm của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản.

Vào thời Eđo (từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX), tính đơn giản và mộc mạc của Chabana đã giúp người ta tạo ra một thể loại mới - đó là Nageire (nguyên nghĩa là “ném vào”) đây là lối cắm hoa không có quy tắc và nghi thức, nó có thể được đặt bất kỳ đâu và ai cũng làm được. Trong khi phong cách Rikka phong nhã được sự đỡ đầu bởi tầng lớp quý tộc và được tuyên truyền trong tầng lớp đó thì Nageire ra đời và nó mở đường cho sự phát triển của thể loại Seika hay Shoka; đây là dạng cắm hoa cổ điển.

Cuối thế kỷ XIX, những trường học Ikebana bắt đầu xuất hiện nhiều, mỗi trường có những cách giảng dạy và trình bày thể loại Seika riêng. Bước sang thế kỷ XX, Ikebana đã có một sự thay đổi lớn về thể loại. Thời gian này một dạng thức mới là Moribana - (có nghĩa là “hoa chất đống”), dạng thức này hoàn toàn khác với dạng thức cắm hoa đứng Rikka. Đây là phong cách cắm hoa hiện đại và Moribana trở nên phổ biến tới mức hầu hết các trường Ikebana đều đưa nó vào trong giáo trình giảng dạy chính của mình.

Cho đến nay, Ikebana vẫn tiếp tục phát triển mang theo cả những phong cách cổ điển lẫn hiện đại, những nguyên tắc của chúng cho phép sử dụng hàng loạt những loại hoa khác nhau do vậy phù hợp với các loại hoa ở tất cả các nước. Ikebana không chỉ phổ biến ở Nhật Bản mà Ikebana còn phổ biến rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Chính vì sự phổ biến rộng rãi của Ikebana đã dẫn đến sự ra đời của những Hiệp hội Ikebana quốc tế. Trên thế giới hiện nay có hơn 170 Hiệp hội Ikebana tại 60 quốc gia và các khu vực với số lượng thành viên lên tới xấp xỉ 10.000 người … Các hiệp hội này có một chương trình hoạt động chung. Các thành viên trong cùng hiệp hội sẽ tổ chức họp mặt để trao đổi kinh nghiệm nâng cao kỹ năng về Ikebana của mình. Những hoạt động của các Hiệp hội đã khiến Ikebana trở thành một bộ môn nghệ thuật yêu thích của nhiều người không kể màu da, sắc tộc, bởi tất cả đều hướng tới một mục đích chung đó là cái đẹp của sự hoà hợp giữa tâm hồn của con người với cái hồn của thiên nhiên. Nghệ thuật Ikebana ngày càng được phát triển và mở rộng trên toàn thế giới.

2. Các trường phái thể loại Ikebana chủ yếu.

a) Thể loại Rikka

Rikka là những kiểu cắm hoa cơ bản đầu tiên của nghệ thuật Ikebana, phong cách cắm hoa chính thống đầu tiên. Vào thế kỷ XVII, việc dâng hoa đơn giản của Phật giáo đã hình thành nên phong cách Rikka. Phong cách này không nhằm chú trọng vào việc bộc lộ một vẻ đẹp của hoa mà sự hiện thân của hoa trong quan niệm cao quý về vũ trụ.

Rikka là một phong cách cơ bản của nghệ thuật cắm hoa Ikebana có sử dụng những bình hoa dài và làm nổi bật lên những đường thẳng đứng. Có thể nói, đây là trung tâm của nghệ thuật Ikebana mà từ đó tất cả các phong cách khác được ra đời. Trong phong cách Rikka, nhân tố quan trọng nhất là sự hài hoà giữa chiều cao, bề rộng, bề sâu. Phong cách Rikka sử dụng những bình hoa có miệng nhỏ hoặc những lọ hoa cao với những cành cây được bó chặt với nhau ở miệng bình hoặc lọ. Mỗi tác phẩm Rikka là một thế giới thu nhỏ tượng trưng cho toàn bộ vũ trụ. Nếu chỉ xét bề ngoài, nét đặc trưng cơ bản của phong cách Rikka gây ấn tượng nhất là cách cắm hoa lộng lẫy, uy nghiêm thường thấy trong những nghi thức tráng lệ. Phong cách Rikka được dùng trong những nghi lễ trang trọng là vật trang trí cho những toà lâu đài của tầng lớp quý tộc và hoàng gia.

b) Thể loại Shoka

Shoka là phong cách bắt nguồn từ thế kỷ XVII, khi mà phong cách Rikka và phong cách Chabana có tác động lẫn nhau và tới đầu thế kỷ XVIII, phong cách Shoka xuất hiện và một số đặc điểm của phong cách Rikka vẫn được duy trì nhưng với một dạng đơn giản hơn nhiều. Shoka là một phong cách ít mang tính nghi thức hơn, là sự tập hợp giữa nét trang trọng của Rikka với sự đơn giản của phong cách Chabana. Chính vì sự đơn giản đã làm cho phong cách Shoka trở nên phổ biến và phù hợp với việc trang trí phòng. Phong cách này được phụ nữ ưa chuộng và nó được coi là một trong những tài năng của người phụ nữ Nhật Bản.

Thời đại hoàng kim của phong cách Shoka là ở thế kỷ XIX, dưới sự dẫn dắt của Ikebono Senkei. Phong cách Shoka cơ bản được cắm theo thế thẳng đứng, cách mà hầu hết được sử dụng các cây phát triển theo môi trường tự nhiên. Tác phẩm bắt đầu từ đất và vươn lên tới trời. Khi cành cây vươn lên tới nơi, nó sẽ bỏ lại sau lưng nguồn gốc trần thế của nó và trở nên linh thiêng. Đây chính là sự thể hiện khát vọng của con người đối với cuộc sống vật chất trên trái đất và cuộc sống tinh thần trên thiên đàng. Phong cách Shoka hoàn chỉnh sau đó tiếp tục phát triển qua ba giai đoạn nối tiếp nhau.

c)  Thể loại Moribara

Moribara có nghĩa là “hoa chất đống” hoàn toàn khác với kiểu hoa thẳng “đứng” truyền thống. Moribara được tạo ra bởi Unshin Ohara (1861-1916). Moribana là phong cách cắm hoa trên những cái đĩa bẹt, ding hoa, cây, lá, quả và cả nước để sáng tạo nên những hình ảnh độc đáo, vừa cổ điển vừa hiện đại. Sự sáng tạo này đã dẫn đến việc hình thành nghệ thuật Ikebana hiện đại. Moribana - một dạng thức mới của Ikebana xuất hiện giữa sự kết hợp của phong cách Ikebana truyền thống và phong cách phương Tây. Trong khi phong cách Rikka đã ra đời phát triển qua nhiều giai đoạn và có rất nhiều quy luật thì phong cách Moribana chỉ mới xuất hiện khoảng 100 năm và Moribana có thể dùng để trang trí trong những phòng theo phong cách phương Tây chứ không nhất thiết chỉ được đặt trong những hốc tường của những căn phòng xây theo phong cách Nhật Bản truyền thống.

Moribana đem đến một tình cảm hoàn toàn khác so với loại cắm hoa trước kia. Dùng một bình nông cho phép rải hoa về một bên, đó là một dạng thức mà hoa tưởng tượng dường như được cắm mãi dù chỉ là “chất đống” thay đổi từ sự nhấn mạnh vào đường nét của loại Ikebana trước đây, một cách cắm hoa trong không gian rộng lớn hơn và sâu hơn đã ra đời. Đặc điểm của phong cách Moribana là hình dáng tự nhiên với vô số những bông hoa tuyệt mỹ. Đối với truyền thống cắm hoa từ lâu đời, Moribana thực sự là bước đổi mới mạnh mẽ và được sử dụng nhiều trong việc trang trí phòng theo phong cách phương Tây. Phong cách Moribana mở ra con đường tự do cho nghệ thuật cắm hoa, tìm cách thu nhỏ lại một phong cảnh hay một mảnh vườn. Đó là phong cách cắm hoa có thể được thưởng thức ở bất kỳ đâu và thích hợp cho cả khung cảnh trang trọng lẫn thân tình.

d)  Thể loại Chabana

Một kiểu (cắm hoa) gần gũi với triết lý Thiền nhất, rất đơn giản và không gò bó được tạo ra bởi trà sư Sen no Rikyu (1521-1591). Đối lập sâu sắc với tính nghi thức của phong cách Rikka, Chabana xuất hiện như một phong cách tự do của nghệ thuật Ikebana. Đây là một phong cách đơn giản chỉ với hoa và lọ. Toàn bộ ý tưởng là nhằm để nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên của hoa. Gồm một hoặc hai bông hoa hoặc cành cây trong một bình hoặc một chậu nhỏ, phong cách Chabana đã trở thành nền tảng của một phong cách không có gì bỏ được gọi là Nageire (nghĩa đen là “quẳng vào”). Phong cách Chabana sử dụng một bình hoa cao với rất ít vật liệu. Những loại hoa đơn giản, có màu sáng được coi là thích hợp. Phong cách này sử dụng những kỹ thuật tinh tế để tạo ra vẻ đẹp tự nhiên đơn giản mà nên thơ. Đặc điểm của phong cách Chabana là hoa không được cắm thẳng đứng mà được đặt vào lọ một cách rất tự nhiên. Vì vậy, lọ hoa phải cao, có miệng nhỏ, phong cách Chabana có thể sử dụng trong các phòng như một phần phụ thêm cần thiết không thể thiếu.

e)  Thể loại tự do

Đây là một sự thể hiện theo phong cách riêng, phong cách tự do phù hợp với những thị hiếu và môi trường hiện đại. Phong cách tự do đôi khi được chia rộng ra thành phong cách theo chủ nghĩa tự nhiên và phong cách trừu tượng. Những vật liệu sử dụng trong phong cách này chủ yếu phù hợp với tự nhiên và môi trường xung quanh, chủ yếu sử dụng các chất liệu thảo mộc theo một cách mới nhưng vẫn tôn trọng vẻ đẹp và những đặc tính cơ bản của từng vật liệu. Những giỏ tre được sử dụng vào mùa xuân và mùa hạ với những bông hoa màu sáng thể hiện niềm vui, sự đâm chồi nảy lộc. Phong cách tự do thể hiện ý tưởng cá nhân, không quy tắc và giới hạn, phong cách này dùng để trang trí phòng ở, phòng làm việc và các bữa tiệc hay các lễ hội.

Các thể loại cắm hoa ở Nhật Bản rất đa dạng, với nhiều phong cách khác nhau. Từng thể loại mang những đặc điểm và ý nghĩa riêng đã làm nên một nghệ thuật vừa mang tính truyền thống vừa hiện đại. Chính vì Ikebana có nhiều thể loại như vậy nên nghệ thuật này được phổ biến trên toàn thế giới.

3. Ý nghĩa của nghệ thuật Ikebana

Ikebana là một hình thức nghệ thuật truyền thống và nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân sứ sở hoa anh đào. Ikebana có mặt ở khắp nơi trong tiệc trà, trong những đám cưới, lễ hội, trong phòng khách, phòng ngủ của mọi người. Ikebana còn là hình thức thể hiện tình cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Mỗi tác phẩm Ikebana là sự hoà hợp giữa tâm hồn con người với thiên nhiên tươi đẹp. Phong cảnh thiên nhiên đa dạng ở Nhật Bản đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật Ikebana. Một yếu tố cũng có ý nghĩa quan trọng trong nghệ thuật Ikebana là các lễ hội. Nhật Bản là một quốc gia có nhiều lễ hội và tất nhiên những lễ hội này không thể thiếu Ikebana. Mỗi lễ hội thì Ikebana lại mang một ý nghĩa khác nhau và có những loại hoa đặc trưng riêng cho lễ hội đó. Ví dụ như ở lễ hội năm mới, cây chủ đạo là cây thông, ở lễ hội búp bê là hoa đào, lễ hội dành cho các bé trai là cây Irit Nhật Bản… Bên cạnh đó, ở Nhật Bản còn có những loại cây, loại hoa đặc trưng chuyên dùng trong những dịp năm mới, những dịp vui, tiệc, hội hè. Tất cả đều mang ý nghĩa nhất định của từng lễ hội, thể hiện sự vui vẻ hạnh phúc và ấm no.

Ikebana còn là sự giải trí nhẹ nhàng sau những chuỗi ngày lao động mệt mỏi, Ikebana giúp con người hoà điệu với thiên nhiên và tự khám phá bản thân mình. Nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy mệt mỏi hãy nghỉ ngơi và thư giãn, hãy nghĩ tới những bông hoa. Chính những bông hoa sẽ giúp bạn trút bỏ  mọi mệt mỏi, mặc sức hoà mình với thiên nhiên tươi đẹp. Lúc này Ikebana trở thành một nghệ thuật đem lại cho con người sự thoải mái và vui vẻ. Con người trước thiên nhiên thật nhỏ bé, mọi bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật dường như tan biến mất. Ikebana có thể nhỏ bé, đơn giản mà tinh tế hoặc đồ sộ, nổi bật mà điệu đà nhưng nó đều là những tác phẩm mang ý nghĩa rất lớn, nó mang con người đến với thiên nhiên, thể hiện khát vọng vươn tới thiên nhiên, vươn tới cái đẹp. Khi  ngắm nhìn những tác phẩm Ikebana, thật là thú vị nếu bạn cảm nhận được tình cảm, ý tứ của người nghệ nhân cắm hoa gửi gắm vào tác phẩm của mình.

Ikebana còn giúp cho ngôi nhà và môi trường xung quanh mỗi người trở nên tươi mát hơn, trong lành hơn chỉ bằng những bông hoa, những cành lá giản dị, mà không cần tới một khu vườn rộng lớn, tốn kém. Có một bình hoa trong nhà sẽ khiến cho ngôi nhà trở nên thoáng mát hơn đó chưa kể đến mùi hương quyến rũ mà những bông hoa đem lại. Ikebana còn tốt cho cơ thể và tâm hồn của con người. Ikebana được dùng trang trí trong nhà luôn luôn là những thách thức lớn. Chúng vừa phải lấp những khoảng trống sẵn có lại vừa thể hiện được chủ đề và tâm trạng mà người cắm muốn chia sẻ. Chính vì những ý nghĩa trên nên Ikebana rất quan trọng trong đời sống của người dân Nhật Bản.

4. Cảm nhận về Ikebana

Ikebana từ khi bắt đầu xuất hiện đã mang đậm nét văn hoá Nhật Bản. Đối lập với các hình thức cắm hoa trang trí đơn thuần phổ biến ở các nước phương Tây, nghệ thuật Ikebana ở Nhật Bản tìm cách tạo ra sự hài hoà của đường nét, nhịp điệu và màu sắc. Trong khi người phương Tây thường nhấn mạnh đến số lượng và màu sắc của hoa, chủ yếu quan tâm đến vẻ đẹp của những bông hoa thì người Nhật Bản lại quan tâm đến chính tới đường nét của bình hoa và phát triển nghệ thuật đó. Nghệ thuật Ikebana luôn được kế hợp giữa hiện đại và truyền thống.

Ikebana là một nghệ thuật liên kết những ý tưởng, ấn tượng đối với thiên nhiên và sự liên kết này được thể hiện qua những bông hoa, cành lá, cỏ. Trái tim của nó là vẻ đẹp được tạo nên bởi sự kết hợp về màu sắc, hình thái thiên nhiên, những đường nét duyên dáng và ý nghĩa tiềm ẩn trong từng kiểu cắm hoa. Chính vì vậy, Ikebana không chỉ đơn thuần là một vật trang  trí mà ở đây Ikebana là cả một nghệ thuật. Nghệ nhân Ikebana gửi gắm cái tâm của mình vào trong bình hoa. Dù chúng ta sử dụng một nhành hoa trong hình thức Shoka đơn giản nhất hay những cành cây lớn trong một không gian bao la cho cảnh sắc của Rikka, chúng đều được sử dụng ở dạng chồi nụ chứ không phải ở “đỉnh cao rực rỡ của nó”. Một trong những cái đẹp cao cả nhất của nghệ thuật Ikebana là biết thưởng thức sự biến đổi ra hoa và tàn úa của cây lá. Việc sử dụng cây hoa trong cúng lễ chính là một lời nhắn nhủ thường xuyên để con người nhớ tới nhịp sống vĩ đại của tự nhiên và nguồn gốc căn bản của tôn giáo cổ xưa. Đó là vấn đề sống chết và hồi sinh.

Ikebana được coi như một suy ngẫm về sự thay đổi của thời gian: quá khứ (thể hiện bằng những bông hoa đã nở hết, cuống lá hoặc lá khô), hiện tại (hoa hàm tiếu hoặc lá xanh), còn tương lai (nụ hoa, chồi lá). Trong Ikebana mùa, cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng: mùa thu được thể hiện bằng cách cắm hoa thưa thớt, còn mùa hè là một bình hoa dày đặc, vươn tràn ra khắp nơi. Chính điều này đã mang lại cho nghệ thuật  Ikebana một ý nghĩa tinh thần sâu sắc.

Ikebana dường như là một cách diễn tả rõ ràng nhất về ấn tượng của sự tàn lụi mà L.Hearn gọi là “sự thần kỳ của nền văn minh Nhật Bản”. Ikebana là một triết lý sống, một vẻ đẹp được kết hợp hài hoà giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên trong quan niệm về thiên, địa, nhân. Ikebana là tái tạo lại thiên nhiên bằng cách đem lại cho nó sức sống và sinh khí như nó vốn có trong tự nhiên. Ikebana đã mang lại những nét đẹp văn hoá truyền thống của Nhật Bản nói riêng và văn hoá thế giới nói chung.

Ngày nay, Nhật Bản đã trở thành một trong những cường quốc về kinh tế và cùng với nó, nền văn hoá Nhật cũng có những bước chuyển mình khá mạnh mẽ. Từ một nền văn hoá bản điạ, Nhật Bản đã biết kết hợp giữa văn hoá truyền thống với văn hoá hiện đại mang lại sự phong phú cho nền văn hoá dân tộc. Và nghệ thuật Ikebana cũng vậy, nó là một trong các loại hình nghệ thuật truyền thống đã đem lại cho nền văn hoá Nhật Bản những đặc điểm riêng biệt. Ikebana xứng đáng là một nghệ thuật tiêu biểu, luôn luôn được giữ gìn và phát huy đến ngày nay.

Hiện nay có khoảng 3000 trường dạy cắm hoa ở Nhật Bản, với khoảng 15 đến 20 triệu học viên, hầu hết là nữ thanh niên và phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 26. Những phong cách được ưa chuộng nhất là của các trường Ikenobo, Ohara và Sogetsu và mỗi phong cách đó thu hút khoảng 3 triệu học viên.

Ikebana không chỉ là một hình thức trang trí mà những tác phẩm của Ikebana còn toát lên vẻ đẹp tâm hồn đầy sức sống. Ikebana còn là sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người. Bên cạnh vẻ đẹp và niềm vui, Ikebana còn mang đến cho con người sự thoải mái thư giãn trong cuộc sống hàng ngày, là sự quan tâm đến việc giữ gìn và bảo vệ môi trường xung quanh. Ikebana -  một nghệ thuật đã ra đời từ rất lâu và cho đến nay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển với những nét đẹp tiềm chứa trong nó. Nghệ thuật Ikebana có một ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của người Nhật Bản. Cũng như Ikebana còn mang lại sự phong phú cho nền văn hoá thế giới.

 

ĐẶNG THỊ TUYẾT DUNG - NHẬT VƯƠNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhật Bản - đối thoại với các nền văn hóa, (Biên dịch Trinh Huy Hoá), Nxb  Trẻ.

2. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên), Văn hoá Nhật Bản những trặng đường phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2001.

3. Nhật Bản ngày nay, Hiệp hội Quốc tế về thông tin giáo dục, 1993.

4. Lược sử văn hoá Nhật Bản, Tập 1-2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1994.

5. Reiko Takenaka, Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản theo phong cách Ikebana, Nxb Mỹ Thuật, 2005.

6. Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản (Yarakashi Toka - Thanh Niên, Ánh Tuyết dịch - Nxb Phụ nữ).

7. Các thông tin về nghệ thuật cắm hoa trên mạng Internet:         www.ikebana.orgwww.ikabana.arts.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

0thảo luận