Trang chủ

SOFT POWER IN JAPAN-CHINA RELATIONS

Đăng ngày: 7-08-2012, 10:07 | Danh mục: Giới thiệu sách

SOFT POWER IN JAPAN-CHINA RELATIONS

(Sức mạnh mềm trong quan hệ Nhật - Trung)

Tác giả: Utpal Vyas

Nhà xuất bản Routledge, USA, 2011, 202 trang

Kí hiệu: Lv 825

Ngôn ngữ: tiếng Anh

Sức mạnh mềm có xu hướng bị bỏ qua trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, thường là do nó không liên quan một cách mạnh mẽ như là một khái niệm lý thuyết. Cuốn sách Soft power in Japan-China relations (Sức mạnh mềm trong quan hệ Nhật - Trung) của tác giả Utpal Vyas tìm kiếm cách mở rộng khái niệm “sức mạnh mềm” trong quan hệ quốc tế và nghiên cứu các chức năng thực sự của nó thông qua việc xem xét ba trường hợp nghiên cứu trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc trong thời kỳ sau chiến tranh. Những trường hợp này liên quan đến ảnh hưởng của sức mạnh mềm của Nhật Bản ở Trung Quốc với hoạt động của các tác nhân ở 3 cấp độ trong xã hội: cấp nhà nước  (State) (cơ quan chính quyền trung ương), cấp độ nửa nhà nước (sub-state) (chính quyền địa phương), và cấp độ phi nhà nước (non-state) (tổ chức phi chính phủ).

Ngoài ra, chủ đề chính của cuốn sách này là xem xét tầm quan trọng của các nhân tố quốc tế mà vai trò của họ không được đề cập đầy đủ trong khi luận bàn về quan hệ quốc tế. Tác giả Utpal Vyas cho thấy cách thức mà sức mạnh mềm là một công cụ phân tích hữu ích để hiểu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian gần đây. Các nghiên cứu trường hợp này đã được tiến hành để tìm hiểu sự phức tạp của mối tương tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản vượt ra ngoài giới hạn của những phân tích ở cấp độ nhà nước thông thường và cung cấp một nguồn tài nguyên có giá trị cho việc nghiên cứu mối quan hệ Trung - Nhật cũng như quan hệ quốc tế nói chung. Nội dung của cuốn sách gồm 7 chương và một chương kết luận như sau:

Chương 1: Giới thiệu bối cảnh chung của cuốn sách về các lý thuyết có liên quan đến quan hệ quốc tế và cấu trúc quốc tế, mà các khái niệm về sức mạnh mềm trong nghiên cứu này sẽ sử dụng làm căn cứ, cũng như giải thích những khái niệm thực tế được sử dụng trong các phần của cuốn sách. Bên cạnh đó cũng nhấn mạnh giá trị của việc nghiên cứu sức mạnh mềm của Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc.

Chương 2: Khảo sát các trường phái lớn có tư tưởng về quyền lực trong quan hệ quốc tế. Trước hết chương này xem xét các định nghĩa khác nhau về quyền lực đã được đưa ra. Sau đó thảo luận về sự phát triển của các lý thuyết hiện thực, bao gồm cả các lý thuyết tân hiện thực (neorealist theories) trong quan hệ quốc tế, bằng cách phân tích luận giải của họ về khái niệm quyền lực, và những nguyên tắc của các lý thuyết này hiện nay ít có liên quan trong nhiều trường hợp, do sự nổi lên của các sự kiện trong thời gian gần đây như thế nào. Tiếp đó, thảo luận về sự phát triển của trường phái chủ nghĩa tự do trong tư tưởng về quan hệ quốc tế, bao gồm cả chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism). Phân tích các khái niệm của các nhà chủ nghĩa tự do về sức mạnh kinh tế, thể chế, sự phụ thuộc lẫn nhau và nền kinh tế chính trị quốc tế, cùng với một số khái niệm khác. Cuối cùng, tác giả giới thiệu những phát triển lý thuyết gần đây trong quan hệ quốc tế, cụ thể là các lý thuyết phê phán (critical theories) và các lý thuyết tạo dựng (constructivist theories).

Chương 3: Trước hết cung cấp định nghĩa về sức mạnh mềm. Tiếp theo là đưa ra những thảo luận về bản chất của sức mạnh mềm, bao gồm (a) nguồn gốc của sức mạnh mềm, cụ thể là sự thu hút của văn hóa, sức hấp dẫn của những ý tưởng và hệ tư tưởng, sức hấp dẫn kinh tế; (b) các tác nhân của sức mạnh mềm, cụ thể là chính quyền trung ương và các cơ quan trung ương, chính quyền khu vực và chính quyền địa phương, và các tổ chức phi chính phủ; (c) các phương tiện công cụ của sức mạnh mềm, ví dụ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin liên lạc và phong trào của người dân; (d) cuối cùng là xem xét những ảnh hưởng của sức mạnh mềm. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những thảo luận ngắn gọn về các giới hạn của sức mạnh mềm. Tiếp đó, liên hệ đến chương 2, phân tích những lý do tại sao sức mạnh mềm có thể được coi là xu hướng tạo dựng. Cuối cùng, tác giả giới thiệu về trường hợp sức mạnh mềm của Nhật Bản.

Chương 4: Cung cấp thông tin về bối cảnh trong các phần của cuốn sách, nghĩa là cách thức phát triển mối quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc trong thời gian qua. Đánh giá ngắn gọn lịch sử xu hướng giao lưu văn hóa giữa hai nước, và sau đó xem xét chi tiết hơn các vấn đề đã trải qua trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dẫn đến việc khôi phục quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa chính thức trong những năm 1970. Cuối cùng, tác giả đưa ra một phác thảo về các vấn đề hiện nay ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

Chương 5: Phân tích chủ đề tác nhân nhà nước của sức mạnh mềm, sử dụng Quỹ Nhật Bản là trường hợp nghiên cứu. Thứ nhất, tác giả nêu lên thảo luận về bối cảnh thành lập và mục đích của Quỹ Nhật Bản. Thứ hai, xem xét phạm vi hoạt động của Quỹ Nhật Bản tại Trung Quốc và chúng có liên quan đến sức mạnh mềm như thế nào, trong hai dạng: (a) sự khuyến khích nghiên cứu Nhật Bản và tiếng Nhật, và (b) việc sử dụng các hoạt động xúc tiến và trao đổi văn hóa. Cuối cùng, tác giả phân tích mức độ mà Quỹ  Nhật Bản có thể được xem như là một tác nhân của sức mạnh mềm của Nhật Bản ở Trung Quốc, và giải thích cơ chế chuyển giao sức mạnh mềm như thế nào.

Chương 6: Mô tả vai trò của các tác nhân chính quyền khu vực trong việc truyền tải sức mạnh mềm. Trước hết xem xét vai trò của những tác nhân chính quyền khu vực trong quan hệ quốc tế thông qua thảo luận về lịch sử của các mối quan hệ trên toàn thế giới. Sau đó xem xét sự phát triển trong các quan hệ quốc tế của chính quyền địa phương tại Nhật Bản. Tiếp theo, phân tích chi tiết trường hợp của Kobe và mối quan hệ của nó với Thiên Tân ở Trung Quốc, về sự phát triển của mối quan hệ này, và các kiểu giao lưu văn hóa, kinh tế và liên quan đến cảng đã diễn ra. Sau đó trình bày chi tiết quan hệ của Kobe với các thành phố khác ở Trung Quốc thông qua Dự án Thung lũng Dương Tử (Yangzi Valley Project). Cuối cùng, những quan sát này được xem xét qua các câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết đã được nêu trong chương này.

Trong chương 7: Phân tích trường hợp các tác nhân phi chính phủ (non-state agents) sử dụng các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Trước hết tác giả tóm tắt các định nghĩa và sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Sau đó xem xét vị trí của các tổ chức phi chính phủ quốc tế ở Nhật Bản và trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc. Đồng thời phân tích trường hợp cụ thể về  lịch sử Hội hữu nghị Nhật Bản - Trung Quốc (Japan-China Friendship Association), các hoạt động ở Trung Quốc thông qua các câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết trước đó đã vạch ra. Cuối cùng, tác giả trình bày chi tiết cách thức hoạt động của các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản là tác nhân của quyền lực mềm của Nhật Bản.

Chương kết luận cung cấp một cách tóm tắt những phát hiện của nghiên cứu này và phân tích chúng thông qua các câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết đặt ra trong chương này, cũng như trong bối cảnh của cấu trúc lý thuyết được phát triển trong các chương 2 và chương 3.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc và toàn diện về sức mạnh mềm cũng như lịch sử quan hệ Nhật Bản – Trung nói chung và sức mạnh mềm trong quan hệ Nhật - Trung nói riêng. Cuốn sách là tài liệu vô cùng bổ ích cho các học giả, các nhà nghiên cứu trong các nghiên cứu Nhật Bản, nghiên cứu Trung Quốc, nghiên cứu quan hệ quốc tế và sức mạnh mềm.

Thực hiện: Hà Hậu

 

0thảo luận