Trang chủ

VỀ SỰ HỢP TÁC VĂN HOÁ GIỮA NHẬT BẢN VÀ ASEAN TỪ NHỮNG NĂM 1970 ĐẾN NAY

Đăng ngày: 3-08-2012, 10:10 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 12

Lâu nay khi đề cập đến quan hệ Nhật Bản – ASEAN, người ta thường chú trọng nhiều đến quan hệ trên các lĩnh vực như kinh tế, an ninh chính trị mà có phần ít chú ý đến mối quan hệ giao lưu vực văn hoá. Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đều nằm trong khu vực văn hoá Á Đông, giữa các nền văn hoá đều có những điểm tương đồng và dị biệt do sự tác động của hoàn cảnh lịch sử và sự tương tác giữa các nền văn hoá đó trong một thời gian dài. Ngày nay, Nhật Bản và ASEAN đang ra sức đẩy mạnh mối quan hệ toàn diện thì quan hệ hợp tác giao lưu văn hoá giữa Nhật Bản và các nước ASEAN là một bộ phận không thể thiếu trong mối quan hệ toàn diện đó. Nó càng trở nên quan trọng hơn trong xu hướng toàn cầu hoá, khi mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã làm cho trái đất trở thành một “ngôi làng toàn cầu”, các dân tộc gần gũi nhau hơn cả về mặt không gian lẫn thời gian nhưng nó cũng làm cho các dân tộc dễ “va chạm” nhau hơn. Trong hoàn cảnh mới đó, thật khó có được một mối quan hệ phát triển  bền vững nếu các dân tộc đó không có sự hiểu biết lẫn nhau, không chia sẻ lẫn nhau các giá trị vật chất và tinh thần. Lúc này giao lưu hợp tác văn hoá không chỉ là nhu cầu mà còn là một điều kiện bắt buộc trong các quan hệ quốc tế.

Hơn nữa, từ những năm 1970 của thế kỉ XX, khi trở thành một cường quốc kinh tế thế giới thì việc giao lưu văn hoá với thế giới bên ngoài, Nhật Bản chú trọng tuyên truyền hình ảnh một nước Nhật giàu có nên có trách nhiệm đóng góp vào những công việc chung của cộng đồng quốc tế. Và, từ sau những năm 1990 thì “giao lưu văn hoá đối ngoại đã từ chỗ đóng góp quốc tế nâng lên thành mục tiêu thực hiện “quốc tế hoá”, trở thành biện pháp cung cấp thông tin cho toàn thế gới, đảm bảo việc duy trì ảnh hưởng của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế”([1]).

Vì thế, việc nhìn nhận lại hoạt động giao lưu hợp tác văn hoá giữa Nhật Bản và các nước ASEAN trong mấy thập kỉ gần đây là một việc làm cần thiết. Cùng nhau phát huy những thành tựu, tháo dỡ những khó khăn hạn chế thúc đẩy mối quan hệ hợp tác văn hoá sẽ góp phần không nhỏ vào việc củng cố và tăng cường hiệu quả cho mối quan hệ Nhật Bản – ASEAN ở hiện tại và tương lai.

1. Một số hoạt động giao lưu trao đổi  văn hoá giữa Nhật Bản và các nước ASEAN trong những thập niên qua.

Bước vào thập niên 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản bị liên tiếp các “cú sốc”: năm 1972, Tổng thống Mỹ Nichxơn có chuyến công du sang Trung Quốc nhưng nó được giữ bí mật với người đồng minh Nhật Bản cho tới phút cuối. Đây thật sự trở thành cơn choáng đối với Nhật Bản lâu nay họ luôn là một đồng minh tin tưởng tuyệt đối vào Mỹ. Trước đó một năm chính phủ Mỹ công bố “chính sách kinh tế mới” trong đó quyết định đình chỉ việc chuyển đổi đôla ra vàng và đánh thuế tạm thời 10% vào các mặt hàng nhập khẩu. Những sự kiện đó đã tác động tiêu cực đến Nhật Bản về kinh tế lẫn chính trị và nhanh chóng được gọi là “cú sốc Ních xơn”.Tiếp theo năm 1973, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã xảy ra làm cho giá dầu trên thế giới tăng cao gấp nhiều lần và là một đòn trí mạng nữa đánh vào nền kinh tế Nhật Bản, nước hầu như phải nhập khẩu toàn bộ nguồn năng lượng từ bên ngoài.

Trước tình hình đó các nhà lãnh đạo Nhật Bản không thể khoanh tay ngồi nhìn mà họ nhanh chóng tìm mọi cách thoát ra khỏi các khó khăn này. Một trong những biện pháp các nhà lãnh đạo Nhật Bản lựa chọn là đẩy mạnh các quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á. Vậy là, con số xuất siêu của ASEAN trong cán cân thương mại với Nhật Bản tăng lên một cách đáng báo động, cùng với nó là các hoạt động “đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN tăng nhanh đến mức nó gây ra những nỗi lo sợ về sự có mặt quá mức của Nhật Bản và đã châm lửa cho tình cảm chống Nhật Bản ở Đông Nam Á([2]).Trên thực tế đã xảy ra chiến dịch tẩy chay hàng hoá Nhật Bản ở Thái Lan năm 1972; biểu tình ở Inđônêxia rồi các cuộc bạo loạn ở Thái Lan trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Tanaka đến các nước ASEAN năm 1974. Tình hình đó là hồi chuông cảnh tỉnh các nhà lãnh đạo Nhật Bản cần phải chú trọng đến tính toàn diện, cân đối của mình trong các mối quan hệ quốc tế và cần phải quan tâm nhiều hơn đến các bạn hàng chiến lược ở Đông Nam Á.

Để đảm bảo mối quan hệ lâu dài giữa Nhật Bản và  ASEAN, ngoài việc chia sẻ các lợi ích, thì Nhật Bản cần phải tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau với các nước ASEAN, củng cố niềm tin ở các nước này và xoá bỏ hình ảnh Nhật Bả

++++n chỉ vì lợi ích kinh tế của họ. Các cuộc bạo động ở Đông Nam Á trong những năm 1972 -1974, đã gây tác động mạnh lên những nhà cầm quyền Nhật Bản. Chính vì thế ngay sau chuyến thăm các nước ASEAN trở về, Thủ tướng Tanaka nhanh chóng đề nghị “Nhật Bản cần trao đổi văn hoá, y tế và thanh niên với Đông Nam Á để bằng mọi cố gắng có thể đạt được kết quả cho tương lai”([3]). Trước đó vào năm 1972, Tanaca đã có ý tưởng thành lập Quỹ tài trợ Nhật Bản để thức đẩy những nghiên cứu về Nhật Bản và trao đổi nhân sự với các nước khác và chủ yếu là các với các nước ASEAN.

Tuy nhiên, các quan hệ trao đổi văn hoá giữa Nhật Bản với ASEAN mãi đến học thuyết Fukuda mới được đề cập chính thức. Trong học thuyết của mình, Thủ tướng Fukuda khẳng định “Nhật Bản là một người bạn thật sự của các nước Đông Nam Á sẽ làm hết sức mành để củng cố mối quan hệ cùng tin cậy lẫn nhau, dựa trên sự hiểu biết thành thật của các nước này trong nhiều lĩnh vực rộng lớn bao gồm không chỉ chính trị, kinh tế mà cả xã hội và văn hoá([4]). Thủ tướng Fukuda đã sử dụng thuật ngữ “từ trái tim đến trái tim” để chỉ quan hệ giữa Nhật Bản và các nước ASEAN. Ông còn thành lập Quỹ Nhật Bản để tài trợ cho các hoạt động trao đổi văn hoá giữa Nhật Bản với nước ngoài nhất là đối với các nước ASEAN với số tiền lên tới 5 triệu đôla. Những động thái trên cho thấy Fukuda rất quan tâm đến việc phát triển quan hệ văn hoá với những người bạn láng giềng Đông Nam Á để bổ sung vào các quan hệ kinh tế, chính trị.

Từ đây về sau hàng loạt các chương trình hỗ trợ  thúc đẩy phát triển quan hệ văn hoá giữa Nhật Bản và ASEAN được xúc tiến mạnh mẽ. Năm 1980, Thủ tướng Masayoshi Oshira giới thiệu “Quỹ học bổng thanh niên”. Năm 1981, Thủ tướng Suzuki đã hứa rằng Nhật Bản sẽ góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực cho các nước ASEAN trong chuyến công du của mình tại các nước này. Thủ tướng Suzuki còn cam kết dành 100 triệu đôla giúp các nước ASEAN xây dựng các trung tâm đào tạo cũng như cung cấp thêm tiền cho các trung tâm đào tạo ở Nhật Bản. Năm sau,Thủ tướng Suzuki còn thiết lập một chương trình “Thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản”. Tiếp theo năm 1983, Thủ tướng Nhật Bản Nakasone có chuyến viếng thăm các nước ASEAN với mục đích được công bố nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và ASEAN. Để hiện thực hoá mục đích đó Thủ tướng Nakasone cho biết “hàng năm Nhật Bản sẽ mời 150 thanh niên từ các nước ASEAN tới thăm Nhật Bản trong một thời gian ngắn và tiếp xúc hợp tác khoa học kỹ thuật”([5]). Đặc biệt Thủ tướng kế nhiệm Nakasone là Noboru Takashita trong cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 3 năm 1987 đã tuyên bố thành lập Quỹ phát triển Nhật Bản – ASEAN nhằm mở rộng trao đổi về kỹ thuật, học thuật, nghiên cứu thể thao và văn hoá giữa Nhật Bản và ASEAN với mức tiền ban đầu Nhật Bản dành cho quỹ này là 2 tỷ đôla…

Ngoài các chương trình trực tiếp dành cho các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hoá với các nước ASEAN, trong chương trình viện trợ ODA Nhật Bản cũng dành một phần lớn tài chính cho các hoạt động văn hoá và đào tạo nguồn nhân lực cho ASEAN. Cụ thể như từ năm 1983 đến năm 1994, trong các dự án tài trợ cho Inđônêxia thì lĩnh vực văn hoá giáo dục chiếm nhiều nhất (39 dự án); tương tự trường hợp Inđônêxia, từ năm 1990 đến năm 1994, Nhật Bản tài trợ cho Philippin 22 dự án thuộc lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế; các quốc gia ASEAN khác cũng nhận được nhiều ưu tiên tài trợ trong lĩnh vực văn hoá giáo dục.

Như vậy, ASEAN đã trở thành đích đến quan trọng của các chương trình trao đổi văn hoá, nhân sự của Nhật Bản. Khu vực này đã nhận được một phần lớn trong Quỹ trao đổi quốc tế của Nhật Bản dành cho các hoạt động trao đổi bên ngoài, cũng như tiếp nhận được nhiều chương trình viện trợ ODA của Nhật Bản trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

Điều đáng chú ý ở đây là trong quan hệ hợp tác văn hoá với các nước ASEAN, Nhật Bản đã chú trọng nhiều đến mối quan hệ “đối tác bình đẳng” chứ không chỉ chăm lo thúc đẩy văn hoá đơn phương của Nhật Bản vào ASEAN. Như chúng ta đã biết, năm 1989 festival phim ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản, sau đó còn tổ chức nhiều festival phim ASEAN nữa vào các năm 1991,1992… hoạt động này như một sự giới thiệu văn hoá của các nước ASEAN với công chúng Nhật Bản. Trong các đợt liên hoan nghệ thuật đó, nhiều nghệ sĩ ASEAN được mời đến tham dự và biều diễn. Hay trong các chương trình đào tạo nguồn nhân lực thì ngoài việc đào tạo chính qui cho sinh viên, các chuyên viên kỹ thuật thì Nhật Bản hàng năm còn mời một số nông dân, công nhân, giáo viên … sang thăm và trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các đối tác ở Nhật Bản trong một thời gian ngắn.

Tất nhiên, kết quả của mối quan hệ hợp tác văn hoá giữa Nhật Bản và ASEAN không thể có được nếu không có sự đồng thuận từ phía các nước ASEAN. Ngoài sự thúc đẩy bởi nhu cầu giao lưu trao đổi với một nền văn hoá khác, các nước ASEAN còn có mục tiêu nhanh chóng tiếp cận được các công nghệ hiện đại của Nhật Bản, kinh nghiệm tổ chức sản xuất cũng như sự quản lí kinh tế của người Nhật nên họ rất tích cực trong việc hợp tác với người Nhật trong lĩnh vực văn hoá nhất là trao đổi nhân sự và chuyển giao công nghệ. Nhiều nước ASEAN đã xây dựng chiến lược tiếp cận như Malaixia, Thủ tướng Mahathia đã đưa ra chính sách “Hướng về phương Đông”, còn ở Xingapo có chiến dịch “Học tập Nhật Bản”. Chính các chương trình này đã làm tăng những trao đổi có thể tăng cường những mối quan hệ văn hoá giữa Nhật Bản và ASEAN. Chẳng hạn “theo chương trình của Xingapo đã có một sự gia tăng đáng kể về số chuyên gia Nhật Bản làm việc với các Bộ của Chính phủ, kể cả các bộ chịu trách nhiệm về giáo dục, y tế, an toàn giao thông, quan hệ chủ thợ, quản lí nhân sự và truyền thanh truyền hình. Những kết quả khác của chương trình bao gồm việc lập một Viện công nghệ mềm Nhật Bản - Xingapo và một khoa nghiên cứu về Nhật Bản tại đại học quốc tế Xingapo([6]) . Ngược lại với Xingapo ở Malaixia những cán bộ quản lí của nước này “được gửi sang học tập ở Nhật Bản như là một phần của chính sách “Hướng về phương Đông” nhưng trọng tâm chính sách của Thủ tướng Mahathia là nhằm trao đổi những giá trị như cần cù lao động, kỷ luật và quan hệ gia đình mạnh mẽ”([7]).

Ở một giác độ khác sự cần thiết phải thúc đẩy kênh trao đổi văn hóa ngôn ngữ, đó là, một trong những khó khăn lớn mà sinh viên nước ngoài vấp phải khi đến học tập ở Nhật Bản đó là tiếng Nhật. Để giúp cho người học vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hoá, chính phủ Nhật Bản đã phối hợp chặc chẽ với các nước ASEAN trong việc đẩy mạnh dạy học tiếng Nhật và tìm hiểu về văn hoá Nhật Bản cho con em họ. Kết quả đạt được rất khả quan như ở Xingapo đã tổ chức các khoá học tiếng Nhật tập trung cho học sinh trung học cơ sở, ở Malaixia Thủ tướng Mahathia đã chỉ định tiếng Nhật là ngôn ngữ thứ ba được giảng dạy trong chương trình cấp trung học phổ thông quốc gia sau tiếng Anh và tiếng Trung. Đến nay, hầu như ở các nước ASEAN đều có các cơ sở giảng dạy tiếng Nhật, các trung tâm nghiên cứu về Nhật Bản và ngành Nhật Bản học. Ở Việt Nam đã có rất nhiều trường đại học và trung tâm tham gia giảng dạy tiếng Nhật, đặc biệt năm 1993 Nhà nước đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản. Trung tâm này có nhiệm vụ “nghiên cứu Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực mà chủ yếu là kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, lịch sử nhằm cung cấp những luận cứ cho việc hoạch định chính sách phát triển của đất nước và cung cấp những thông tin để nâng cao hiểu biết về Nhật Bản tại Việt Nam([8]). Điều này đã phản ánh sự quan tâm rất lớn của nhà nước ta trong việc quan tâm tạo điều kiện cho việc hiểu biết hơn về Nhật Bản cho nhân dân. Hiện nay, hàng năm Nhật Bản thường tổ chức các tuần lễ văn hoá ASEAN tại Nhật Bản và ngược lại, các nước ASEAN cũng tổ chức tuần lễ văn hoá Nhật Bản tại các quốc gia ASEAN. Ngoài ra còn phải kể đến sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau rất mạnh của các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật như báo chí, điện ảnh, thời trang, văn học nghệ thuật … giữa Nhật Bản và ASEAN.

Những phát triển ấn tượng về các quan hệ giao lưu văn hoá rõ ràng có đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và ASEAN. Là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển quan hệ toàn diện Nhật Bản – ASEAN trong bối cảnh mới.

2. Những thách thức trong quan hệ văn hoá Nhật Bản – ASEAN

Những kết quả thu được trong mối quan hệ văn hoá trong các thập kỉ qua là thành tựu rất đáng tự hào của Nhật Bản và ASEAN trong  sự nỗ lực thúc đẩy quan hệ văn hoá nói riêng và quan hệ Nhật Bản – ASEAN nói chung. Nhưng không phải tất cả mọi việc đều diễn ra ổn thoả mà có rất nhiều thách thức trở ngại đòi hỏi sự cố gắng lớn của đôi bên để vượt qua. Có thể nêu lên những thách thức cơ bản sau:

Trước hết, theo quan điểm của người Nhật thì họ bị kẹt trong một tình huống rất bất tiện. Đó là một mặt các nước ASEAN phàn nàn rằng họ không đủ các tiếp xúc văn hoá với Nhật Bản. Mặt khác, các nước ASEAN có vẻ hứng thú hơn trong việc tiếp nhận các nguồn tài chính tiếp thu các bí quyết kỹ nghệ của Nhật Bản hơn là các dự án văn hoá. Nhiều nước ASEAN cho rằng dường như Nhật Bản quan tâm đến lợi ích của người Nhật nhiều hơn mà chưa có sự quan tâm thích đáng đến lợi ích của đối tác, hơn nữa người Nhật thích nêu cao các giá trị văn hoá của họ hơn là việc lắng nghe chia sẻ các giá trị từ phía các nước ASEAN.

Thứ hai, là vấn đề liên quan đến các chương trình trao đổi văn hoá, giáo dục. Nhật Bản quan tâm đến việc mở rộng số lượng sinh viên nước ngoài đến học tập tại Nhật Bản nhưng người Nhật đã không chuẩn bị đủ sức người và những điều kiện thuận lợi để quản lí một số lượng lớn sinh viên nước ngoài. Các sinh viên nước ngoài nhất là các sinh viên đến từ các nước đang phát triển hầu hết được đào tạo ở các cơ sở xa trung tâm còn các cơ sở uy tín lớn như Đại Học Tokyo, Kyoto thì chỉ tiêu cho sinh viên người nước ngoài còn ít. Hơn nữa, việc thích nghi với hệ thống giáo dục cứng nhắc của Nhật Bản đối với người nước ngoài là rất khó.

Một điều bất bình nữa mà các nước ASEAN hay chỉ trích Nhật Bản là họ quá miễn cưỡng và không nhiệt tình trong việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật mới để phát triển sản xuất và nâng cao công nghệ ở từng quốc gia. Như trường hợp Thái Lan, họ “thường phê phán việc chuyển giao không đầy đủ vì các hợp doanh của Nhật không xuất khẩu những sản phẩm của họ, cũng không phát triển những mẫu mã mới ở Thái Lan, vì thích sản xuất những mẫu mã cũ đã được sản xuất ở Nhật Bản”([9]).

Thứ ba, văn hoá Nhật Bản được đề cao mà ít có sự chia sẻ với văn hoá cộng đồng địa phương. Điều này đôi khi đụng chạm đến lòng tự ái của các dân tộc Đông Nam Á. Chẳng hạn như sự đề cao của Nhật Bản đối ngôn ngữ của mình. Nhật Bản quan tâm mở rộng các tiếp xúc về văn hoá nhưng chính phủ Nhật Bản đã không có sự nỗ lực cần thiết nhằm cải thiện sự thông thạo các ngôn ngữ nước ngoài cho nhân viên của họ ở hải ngoại để giao tiếp tốt hơn với cộng đồng địa phương. Thay vào đó họ lại đổ ra nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc dạy tiếng Nhật ở nước ngoài, để khuyến khích người dân các nước ASEAN cũng như các nước đang phát triển khác học tiếng Nhật. Một điều mà người Nhật cũng biết đó là người dân các nước ASEAN họ quen thuộc với tiếng Anh hơn nên họ sẽ thích học ở các nước nói tiếng anh như Mỹ, Anh Quốc, Austraylia hơn là ở Nhật.

Thứ tư, là một số người Đông Nam Á vẫn còn nghi ngờ về động cơ kinh tế và chính trị của Nhật Bản để trao đổi về mặt văn hoá. Do vậy, họ có thái độ phòng thủ trước sự tấn công dữ dội của Nhật Bản trong các lĩnh vực hàng hoá, thời trang, ngôn ngữ…

3. Một vài kết luận ban đầu

Sự mở rộng và phát triển quan hệ văn hoá giữa Nhật Bản và ASEAN đã thúc đẩy các dân tộc Đông Nam Á và Nhật Bản xích lại gần nhau, hiểu biết nhau hơn. Góp phần phá vỡ nhưng nghi ngờ, thái độ lạnh nhạt từ phía các nước ASEAN, tạo ra tính hiệu quả cho các quan hệ khác. Với mục đích muốn vươn lên vị thế cường quốc chính trị nên Nhật Bản cần có sự ủng hộ từ phía các nước ASEAN. Nhật Bản đang cải thiện và mở rộng các chương trình trao đổi đồng thời họ cũng đáp ứng nhiệt tình hơn các yêu cầu của ASEAN. Để đạt hiệu quả cao hơn, ngoài kênh chính thức của chính phủ, Nhật Bản cũng cần phải thu hút sự quan tâm gia của các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp, các công ty của Nhật Bản. Đặc biệt vai trò quan trọng của các công ty Nhật Bản vì họ vừa có những điều kiện thực hiện tốt các chương trình trao đổi, hợp tác văn hoá như họ có sẵn nhà máy, văn phòng, bộ phận nghiên cứu để sử dụng và chuyển giao công nghệ, quản lí và đào tạo công nghệ, đồng thời họ vừa là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc phát triển mối quan hệ này. Có như vậy, hoạt động hợp tác văn hoá giữa Nhật Bản với các nước ASEAN chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ toàn diện Nhật Bản – ASEAN.

Hợp tác bền vững với ASEAN đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi thành công chiến lược an ninh quốc gia toàn diện. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy sự hiểu biết nhiều hơn giữa chính phủ và nhân dân Nhật Bản với chính phủ và nhân dân các nước ASEAN nhằm đẩy mạnh sự am hiểu thêm về mục tiêu quốc gia và các vấn đề đôi bên còn đang mắc phải. Việc hiểu biết và thông cảm lẫn nhau cũng như cùng nhau chia sẻ các giá trị chung chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản – ASEAN.

 

NGÔ HỒNG ĐIỆP

(Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Minh Giang, So sánh văn hoá Đông Á và Đông Nam Á trường hợp Việt Nam và Nhật Bản, Kỷ yêú Hội thảo khoa học “Đông Á– Đông Nam Á những vấn đề lịch sử và hiện taị”, Hà Nội 2003, tr 21– 28.

2. Hồ Hoàng Hoa, Văn hoá hiện đại Nhật Bản ở Châu Á, Kỷ yêú Hội thảo khoa học “Đông Á – Đông Nam Á những vấn đề lịch sử và hiện taị”, Hà Nội 2003, tr 127– 132.

3. Iaxuhico Nacaxônê, Chiến lược quốc gia của Nhật Bản trong thế kỷ XXI, Nxb Thông Tấn, Hà Nội 2004.

4. Dương Lan Hải, Quan hệ Nhật Bản với các nước Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai 1945 –1975, Viện Châu Á – Thái Bình Dương, Hà Nội 1992.

5. Murakam Yasusuke và Hugh T. Patrich (Đổng chủ biên), Kinh tế chính trị học Nhật Bản, Uỷ ban Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện kinh tế thế giới, Hà Nội.

6. Justlt Wanad – Kanao Kaned ( chủ biên). Quan hệ ASEAN – Nhật Bản: Tình hình và triển vọng, Viện Châu Á – Thái Bình Dương, Hà Nội 1989.

7. Ngô Xuân Bình (chủ biên), Chính sách và tài trợ ODA, Nxb khoa học Xã hội, Hà Nội 1999.

8. Ngô Xuân Bình – Trần Quang Minh (chủ biên), Quan hệ Nhật Bản – ASEAN quá khứ hiện tại và tương lai, Nxb khoa học xã hội, hà Nội 2005.

9. Shoichi Yamashita (chủ biên), Chuyển giao công nghệ và quản lí của Nhật Bản sang các nước ASEAN, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1994.

10. Viện thông tin khoa học xã hội, Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh phân tích và dự báo, tập II, thông tin khoa học xã hội – Chuyên đề, Hà Nội 2001.

 

 



([1]) Viện thông tin khoa học xã hội, Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh phân tích và dự báo, tập II, thông tin khoa học xã hội – Chuyên đề, Hà Nội 2001.

 

([2]) Dương Lan Hải, Quan hệ Nhật Bản với các nước Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai 1945 -1975, Viện Châu Á  - Thái Bình Dương, Hà Nội 1992, tr.139.

([3]) Dương Lan Hải, Quan hệ Nhật Bản với các nước Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai 1945 - 975, Viện Châu Á  – Thái Bình Dương, Hà Nội 1992, tr.117.

([4]) Justlt Wanad – Kanao Kaned (chủ biên). Quan hệ ASEAN – Nhật Bản: Tình hình và triển vọng Viện Châu Á – Thái Bình Dương, Hà Nội 1989, tr.199.

([5]) Ngô Xuân Bình (chủ biên), Chính sách và tài trợ ODA, Nxb khoa học Xã hội, hà Nội 1999, tr.131.

([6])+(7) Murakam Yasusuke và Hugh T. Patrich (Đổng chủ biên), Kinh tế chính trị học Nhật Bản, Uỷ ban Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện kinh tế thế giới, Hà Nội, tr. 118.

([8]) Ngô Xuân Bình – Trần Quang Minh (chủ biên), Quan hệ Nhật Bản – ASEAN quá khứ hiện tại và tương lai, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội 2005, tr. 376.

([9]) Shoichi Yamashita (chủ biên), Chuyển giao công nghệ và quản lí của Nhật Bản sang các nước ASEAN, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1994, tr.335.

 

0thảo luận