Trang chủ

THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGƯỜI ĐẸP SAY NGỦ CỦA YASUNARI KAWABATA

Đăng ngày: 17-07-2012, 10:53 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 11

 


Yasunari Kawabata (1899 – 1972) là một nhà văn lớn của Nhật Bản, người Châu Á thứ hai sau R.Tagore nhận giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1968, đúng 100 năm sau cuộc Duy tân Minh Trị (1868) khởi đầu. Những sáng tác của Y.Kawabata phản ánh và khẳng định những nét đẹp truyền thống của con người và thiên nhiên Nhật Bản bằng “nghệ thuật viết văn tuyệt vời và tình cảm lớn lao, thể hiện được bản chất và cách tư duy Nhật Bản” (Đánh giá của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển khi trao giải).

Nếu phần lớn tác phẩm của Y.Kawabata đều hướng về cái đẹp cội nguồn của tâm hồn con người và thế giới thiên nhiên Nhật Bản với bút pháp Á Đông thì tiểu thuyết Người đẹp say ngủ là một sáng tác chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại phương Tây. Mặc dù mượn cốt truyện của một kịch bản sân khấu Kabuki vào thế kỷ XVII có tên Những mỹ nữ của Êguchi, nhưng Người đẹp say ngủ của Y. Kawabata lại mang một giá trị thẩm mỹ mới. Nó không chỉ phản ánh một mảng hiện thực xã hội Nhật Bản vào những thập niên 60 của thế kỷ XX khi phong trào “cách mạng tình dục” ở phương Tây lan tràn sang đất nước này và đã có không ít tác phẩm văn học đề cập đến vấn đề đó, mà Người đẹp say ngủ còn nói lên quan điểm của tác giả về tình dục và cái đẹp. Mặt khác, tác phẩm này đã thể hiện rất rõ những kỹ thuật viết văn hiện đại theo kiểu “dòng ý thức” của tác giả trong việc phản ánh và phân tích đời sống nội tâm nhân vật. Trong Người đẹp say ngủ, nhà văn đã sử dụng và kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc, nhưng ở bài viết này, chúng tôi chi đi sâu phân tích thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm.

Về thời gian nghệ thuật

Trong Người đẹp say ngủ tồn tại nhiều kiểu thời gian: thời gian theo mùa, thời gian dòng ý thức, thời gian đồng hiện… Các kiểu thời gian này đan xen với nhau tạo thành nhiều lớp thời gian mang giá trị thẩm mỹ cao. Thời gian nghệ thuật ở đây chính là thời gian trong cách nhìn của tác giả thông qua những cảm xúc, hồi tưởng của ông Êguchi. Vì thế, thời gian nghệ thuật của tác phẩm cũng chính là thời gian của nhân vật.

Tiểu thuyết Người đẹp say ngủ viết về nhân vật Êguchi đã bước qua tuổi 67 nhưng năm đêm đến ngôi “nhà bí mật” ngủ cùng với sáu người đẹp. Những người đẹp ở “lữ điếm” này đã được đánh thuốc ngủ và nằm trong tình trạng khoả thân, còn những người già như Êguchi đến đây từ khoảng 11 giờ tối đến 5 giờ sáng tha hồ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thân thể của các cô gái. Đây là lối thưởng thức cái đẹp của một nhà chứa hiện đại theo kiểu Nhật Bản và Á đông. Chính khoảng thời gian hiện thực (năm đêm) đó đã đánh thức những ký ức và kỷ niệm thời trai trẻ của Êguchi.

Cũng như thơ Haiku và những tác phẩm văn chương khác của văn học Nhật Bản, dấu ấn thời gian theo mùa hiện lên khá rõ trong Người đẹp say ngủ. Sự cảm nhận về biến đổi của thời gian qua các mùa đối với Êguchi là một sự tuần hoàn luân chuyển của trời đất và tạo hoá mà con người như một tiểu vũ trụ bị cuốn hút vào vòng quay đó. Trong tác phẩm, nhà văn nhắc đến các mùa với những sắc màu khác nhau. Mốc thời gian mở đầu tác phẩm là mùa thu: “một thứ gì đó rơi trên đám cỏ mùa thu úa vàng”, “đó là một quả đào diệp đỏ chót xung quanh đấy còn một vài quả như thế nữa rơi rụng rải rác”(1). Và điều đó đã gợi lên nỗi buồn của một ông già đang run sợ trước tiếng gọi của thần chết. Ngắm nhìn những quả đào diệp rơi, ông già Kiga cảm thấy cuộc đời sao ngắn ngủi, tuổi già ập đến và “mỗi khi thấy tuổi già làm ông quá buồn ông lại tìm đến ngôi nhà nhỏ ấy”(2). Tâm sự của Kiga cũng chính là nỗi lòng của Êguchi và điều đó đã thôi thúc Êguchi đến với “ngôi nhà bí mật” ven biển này. Bước vào cổng ngôi nhà Người đẹp say ngủ, Êguchi bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi của mưa bụi. Rồi mưa bụi chuyển sang thành tuyết rơi từng mảng lớn” và ông dỏng tai nghe thời tiết: “bầu trời mùa đông u ám ngay từ sáng về chiều chuyển thành và cảm thấy hình như gió mùa đông đang lướt trên những mỏm núi ven biển”(3). Nhìn những bông hoa trà nở rộ vào mùa xuân rực rỡ dưới ánh mặt trời, những cây hoa lan, hoa anh đào khoe sắc gợi nên vẻ đẹp của tạo hoá và sự sống đang bừng sôi, Êguchi như thấy mình trẻ lại và khao khát tìm lại quãng đời tuổi trẻ của mình đã qua và muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của cuộc đời.

Vẻ đẹp của từng mùa hiện lên qua những diễn biến tâm trạng và sự rung động sâu sắc của Êguchi trước sự thay đổi của cảnh sắc thiên nhiên. Đó là sự cảm thức về thời gian luân chuyển theo mùa, là vòng quay của cuộc đời con người và cuộc sống.

Khi đề cập đến thời gian tâm lý nhân vật, M.Proust viết: “Cũng như đã có một hình học không gian, chúng ta có một tâm lý học thời gian. Ở đây những phép tính của tâm lý học mặt phẳng sẽ không còn chính xác nữa, bởi người ta không đếm xỉa đến thời gian trong hình thức nó mang theo là sự lãng quên… Nó luôn mâu thuẫn với hiện thực”.

Y. Kawabata không chỉ thuộc về truyền thống, ông còn là nhà văn hiện đại, một trong những người sáng lập trào lưu Tân cảm giác chịu ảnh hưởng nghệ thuật văn chương hiện đại phương Tây thế kỷ XX. Không thể xem Y. Kawabata là nhà văn dòng ý thức, nhưng nhiều đoạn tái hiện tâm lý nhân vật của ông trong một số truyện ngắn, truyện ngắn trong lòng bàn tay hay các tiểu thuyết như Tiếng rền của núi, Cố đô, đặc biệt là Người đẹp say ngủ đã có sự đóng góp của kỹ thuật này. Nhận xét vấn đề này, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng: “Trong không ít các tác phẩm, Kawabata đã noi theo phương pháp sáng tác “dòng ý thức”. Ông căn cứ vào liên tưởng để miêu tả dòng chảy ý thức của nhân vật, khiến phạm vi liên tưởng mở rộng đến thế giới tâm lý… Liên tưởng và ý thức kết hợp nhau, điều hoà với nhau”(4).

Trong năm đêm đến “ngôi nhà bí mật”, nằm cạnh những cô gái đẹp say ngủ, cùng với việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thân thể loã lồ những người con gái vừa qua tuổi dậy thì nhưng chưa phải là đàn bà, Êguchi đã có những liên tưởng, hồi ức không thống nhất về trình tự thời gian. Đó là sự nhớ lại những người tình, những người đàn bà mà ông từng chung sống hoặc quan hệ xác thịt. Thậm chí, những giấc mơ khi ngủ ở ngôi nhà này đã đưa Êguchi về với những miền xa thẳm của ký ức thời gian gắn với những người mà ông từng quen biết. Là tiểu thuyết có cốt truyện tâm lý, Người đẹp say ngủ thiên về cảm giác và các sự kiện gắn với dòng suy nghĩ của nhân vật. Vì thế, thời gian không đồng chiều mà bị ngắt quãng, đảo lộn trước sự nhớ lại của nhân vật Êguchi. Các sự kiện trong tâm lý nhân vật diễn ra theo tuyến tính, liên tục không gấp khúc, gãy đoạn. Đó là những dòng suy tư về cuộc đời chứ không phải là sự liên tục của dòng thời gian lịch sử. Tất cả những kỷ niệm mà ông Êguchi nhớ lại bất chấp sự trôi chảy của thời gian đã ám ảnh tâm hồn ông và luôn gợi lên những hình ảnh sống động. Khi nằm cạnh người đẹp say ngủ, nghe tiếng thở và mùi da thịt của cô gái, Êguchi nghĩ đến mùi sữa của đứa cháu ông và ông liên tưởng đến mùi sữa của người đàn bà mà ông từng gặp: “Toàn mùi sữa! Chính anh mới đúng là sực mùi sữa! Mùi trẻ con đang thời kỳ bú mẹ! Cô gái ấy vừa gấp chiếc áo véc mà ông Êguchi vừa cởi ra vừa đỏ bừng mặt lên giận dữ rồi ném vào ông những cái nhìn bốc lửa”(5). Phải chăng, thả hồn về kỷ niệm với người bạn tình một thời là động lực giúp Êguchi tìm đến đây kiếm tìm thời thanh xuân để quên đi tuổi già, nỗi sợ hãi và cái chết. Lần thứ hai trở lại “ngôi nhà bí mật”, mùi da thịt tươi trẻ của cô gái ngoài tuổi mười sáu lại một lần nữa gợi lên trong óc tưởng tượng của Êguchi nhiều hình ảnh mới lạ về các loài hoa: “hoa thược dược khoe sắc dưới ánh nắng mùa thu muộn dưới chân tường cao của tu viện Ymatô, những bông hoa trà mi sandanca trắng đua nở trong dải vườn cây bao quanh Đền Thi ca… bấy giờ là mùa xuân ở Nara, những bông hoa hồ đào, hoa đậu nành và “cây trà hoa quắt” cũng phủ đầy hoa tại Subakiđêra… Đắm mình vào những hình ảnh hoa lá ấy, ông khơi lại những tình cảm nảy sinh sau khi ông gả chồng cho cả ba cô”. Chính những loài hoa ấy gắn liền kỷ niệm về những người con gái của ông, đặc biệt là cô con gái út được xem là “cây trà hoa quắt”. Như một cuốn phim, toàn bộ những hình ảnh, các cuộc đối thoại giữa ông với các cô con gái và người vợ hiện lên rõ nét. Dòng ý thức tuôn chảy về quá khứ và đập vào trí nhớ của ông mạnh mẽ nhất là hình cảnh cây hoa trà đầy sức sống. Và, nằm bên cạnh cô gái say ngủ “Niềm rung cảm từ cánh tay cô gái truyền xuống mi ông già Êguchi, đó chính là sinh khí, là tiết tấu cuộc đời, là sự chào mời của cuộc sống. Và đối với một ông già, đó lại còn là sự trở về với cuộc sống”(6).

Với việc đi sâu phân tích tâm lý nhân vật trong sự cuộn chảy của dòng ý thức, hình ảnh Êguchi trong Người đẹp say ngủ hiện lên không chỉ bằng các chi tiết khắc hoạ, qua hành động mà còn thông qua tâm trạng hoài niệm khát khao về quá khứ trong sự song hành với hiện tại. Sự xáo trộn về thời gian các chiều đã làm cho cuộc đời ông già Êguchi phong phú, sống động hơn với những kỷ niệm, hồi ức đầy hối tiếc và không kém phần tươi đẹp.

Thời gian hiện tại “gợi nhớ quá khứ” để cùng đồng hiện trong không gian và thời gian hiện hữu cũng là một dạng thức thời gian xuất hiện trong Người đẹp say ngủ. Từ thời khắc hiện tại, hồi ức ngày càng lan toả về miền ký ức xa xăm của quá khứ làm tái hiện lại những hình ảnh sống động. Mùi da thịt của cô gái say ngủ đã đưa Êguchi trở về với quá khứ nhớ đến những đứa cháu gái, con gái và cả cô nhân tình. Những sự việc trong quá khứ đó đã qua đi hàng chục năm có lẽ nhưng lại hiện về trong ký ức của Êguchi. Kỷ niệm về chuyến đi đến Kyôtô của Êguchi với người yêu “có núm vú rớm máu” và tấm thân tuyệt diệu đến nghẹt thở lúc ông còn trẻ đã theo ông suốt đời. Và đến bây giờ, khi bên cạnh Êguchi là một cô gái cũng trẻ đẹp nhưng “trong tất cả những người đàn bà mà Êguchi dan díu suốt mấy chục năm qua, ông chưa thấy ai có thân hình đẹp bằng của cô gái ngày đó”(7). Ông ngậm ngùi nghĩ rằng, sau khi ông chết đi ký ức về vẻ đẹp ấy sẽ vĩnh viễn mất đi và chuyện thân thể cô ấy đẹp vô song có lẽ ngoài Êguchi không ai trên đời này biết.

Lần thứ năm đến ngôi nhà chứa, nhìn thấy đôi môi tam giác duyên dáng của cô gái đang say ngủ, ông nhớ lại cái hôn với người yêu năm xưa. Chính hình ảnh cô gái mà Êguchi gặp lần cuối ở ngôi nhà bí mật này đã gợi nhớ và đồng hiện thời gian quá khứ về kỷ niệm với người con gái mà ông đã hôn cách đây gần năm chục năm.

Quá khứ, hiện tại và cả tương lai cùng đồng hiện để soi chiếu vào nhau làm cho khoảng thời gian trở nên trọn vẹn và sâu sắc hơn. Thời gian đồng hiện đã kết nối cuộc đời các nhân vật với nhau tạo thành một chuỗi dài các sự kiện trong một hệ thống thẩm mỹ.

Ở một số tác phẩm khác, đặc biệt là Ngàn cánh hạc, sự đồng hiện của thời gian quá khứ bên cạnh thời gian hiện tại cũng được Y. Kawabata sử dụng thành công. Từ cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa Kikuji và bà Ôta trong một buổi trà đạo, quá khứ lãng mạn, đẹp đẽ của Ôta với người tình (bố của Kikuji) hiện ra đậm nét. Chính Kikuji là hình bóng của người tình quá cố mà một thời bà Ôta say đắm và mang nó đi suốt cuộc đời: “Khi tôi trông thấy cậu thì như thể ngày xưa hiện về rõ rệt hơn bất cứ thứ gì khác”(8) và “dường như cũng không phân biệt sự khác nhau giữa chàng và cha chàng. Có một nỗi nhớ nhung sâu đậm và nồng nàn trong giọng nói của bà Ôta, như thể bà đang nói chuyện với cha Kikuji vậy”(9).

Về không gian nghệ thuật

Trong Người đẹp say ngủ, tồn tại chủ yếu ba loại không gian: không gian thiên nhiên vũ trụ, không gian huyền ảo và không gian tâm tưởng. Cả ba loại không gian đó đều gắn với nhân vật Êguchi, ngôi nhà và đều xuất phát từ không gian hiện tại (ngôi nhà) để mở rộng ra các kiểu không gian khác.

Không gian thiên nhiên vũ trụ trong Người đẹp say ngủ được nhà văn miêu tả có sự kết hợp giữa không gian hẹp và không gian rộng, nhưng nhìn chung phần lớn nhân vật hoạt động trong một tầm không gian nhỏ được kiến tạo bởi tầm mắt của họ. Thế giới ngoại cảnh thường được khúc xạ qua thế giới nội tâm của nhân vật, là cái cớ để mở rộng cảm xúc gợi lên những suy nghĩ bên trong tâm hồn nhân vật.

Không gian nhỏ hẹp – không gian căn phòng nơi Êguchi đến cùng với những cô gái đẹp say ngủ là điểm tựa để từ đó các kiểu không gian khác lần lượt hiện ra theo sự hồi tưởng và cảm nhận của nhân vật: “Êguchi đưa mắt quan sát căn phòng tám chiếu(*) này. Căn phòng giản dị, không có gì bí mật. Nước sơn của bức vách cùng mầu với nước sơn của các bức tường xung quanh”. Từ căn phòng này Êguchi “nghe rõ tiếng sóng biển đang dạt dào, nghe như đập vào vách đá thẳng đứng… Và Êguchi có cảm tưởng như ngôi nhà này được xây bên trên cái vách đá ấy”(10). Mùi vị của biển, tiếng sóng vỗ vào vách đá, và cả “âm vang của biển vọng lại êm ái tưởng như tiếng nhạc vẳng ra từ thân thể cô gái”(11) tạo thành một không gian biển bát ngát, xa vời qua sự cảm nhận của Êguchi. Khu vườn nơi ngôi nhà bí mật toạ lạc có “một vườn cây khá rộng so với ngôi nhà nhỏ này. Mấy cây thông và mấy cây phong to. Những lá thông nhọn in hình trên bầu trời đêm…” và “những đồng trúc cũng như bằng bạc chạm… những cây gai và cây tóc tiên đang nở hoa. Một dòng suối trong vắt đi ngược lên đến một ngọn tháp hùng vĩ tung những hạt nước li ti lấp loáng dưới ánh mặt trời…”(12). Những cảnh vật thiên nhiên trên tạo nên một thế giới thực phong phú, đa dạng với đủ các sắc màu. Nhưng đôi lúc, cái thế giới thiên nhiên ấy cũng trở nên hư hư thực thực không định hình khi nhân vật Êguchi đang mải miết nghĩ suy về cuộc đời về con người và cuộc sống đầy biến động: “Tiếng sóng đập vào vách đá vọng lại từ nơi nào xa lắm… Ông già Êguchi nghĩ đến những vực thẳm đen ngòm đêm khuya ngoài biển tăm tối”(13).

Như vậy, từ không gian căn phòng tám chiếu và cảnh vật xung quanh “ngôi nhà bí mật” đã mở ra một thế giới đầy sống động gắn với đời sống sinh hoạt của con người. Những suy tư, trăn trở của Êguchi về tuổi già, tuổi trẻ, hiện tại và quá khứ cứ đan cài vào nhau trong một không gian bó hẹp đã góp phần đào sâu thêm thế giới nội tâm nhân vật.

Chủ nghĩa hiện đại để lại dấu ấn đậm nét trong sáng tác của Y. Kawabata không chỉ là thời gian “dòng ý thức”, thời gian đồng hiện… mà còn qua một thủ pháp khác, đó là không gian huyền ảo và tấm gương soi. Những yếu tố huyền ảo ở một số tác phẩm của Y. Kawabata, đặc biệt trong Tiếng rền của núiNgười đẹp say ngủ đặt trong một không gian huyền ảo, được tạo nên chủ yếu là những giấc mơ. Đối với Y.Kawabata, những yếu tố huyền ảo được nhà văn sử dụng như là biện pháp nghệ thuật để chuyển tải thông tin và lý giải những uẩn ức của đời thường. Không gian huyền ảo trong những giấc mơ vừa đẹp, mơ hồ, kỳ ảo và dường như chúng không tồn tại trong đời sống hiện thực. Đó là những giấc mơ của giấc mơ và hoàn toàn thuộc về thế giới huyền ảo. Trong giấc mơ của nhân vật, những không gian huyền ảo hiện ra dưới nhiều màu sắc khác nhau. Đó thường là những nơi xa lạ, khó xác định huyễn hoặc, đầy tính ngẫu hứng, là đảo vắng, sa mạc hoang vu, là những nơi mà nhân vật không biết đó là thiên đường hay địa ngục.

Trong Người đẹp say ngủ, Êguchi có ba lần nằm mơ về những con người và sự việc khác nhau trong những không gian đậm đặc hư ảo. Ở giấc mơ thứ nhất “Ông bị một người đàn bà ôm chặt, nhưng chị ta có bốn chân, do đấy ông bị quặp đến mức không làm sao cựa quậy nỗi. Chị ta dùng cả hai tay… Lạ một điều là bốn cái chân của người đàn bà không làm ông hãi hùng mà còn đem lại cho ông một cảm giác khoan khoái hơn nhiều so với khi ông được quặp bằng hai chân”(14). Trong giấc mơ thứ hai, Êguchi thấy con gái mình sinh ra nột quái thai khủng khiếp đến mức “con gái ông rình nấp sau tấm màn che đã chạy ra cướp được đứa con và đem chặt nó ra thành mảnh vụn để thoát cảnh phải làm mẹ một quái thai khủng khiếp như vậy”(15). Còn giấc mơ thứ ba là những mộng mị liên tiếp kéo dài hết sức rùng rợn và những hình ảnh đó chẳng ăn nhập với nhau, chúng đều là những chuyện kỳ quái và dâm dục đến khó chịu. Một không gian huyền ảo hiện ra mà ông như một kẻ mộng du đang lang thang trong không gian tưởng như vô định đó. Thoạt đầu ông mơ về những trò dâm dục bệnh hoạn, sau đó ông thấy mình đi về nhà sau chuyến du ngoạn trăng mật và thấy ngôi nhà của mình “như bị chìm trong một biển đầy hoa giống như hoa thược dược đang lay động dưới làn gió… Ông bước ra ngoài ngắm hoa… Và khi Êguchi ngắm nghía bông to nhất thì một giọt máu rỏ từ cánh hoa xuống”(16).  Việc Êguchi ngắm hoa thì một giọt máu rỏ xuống từ cánh hoa phải chăng là một điềm gở. Điều kỳ lạ trong mơ đó trùng hợp với cô gái đẹp bên ông đã tắt thở là một kết cục về số phận của cái đẹp bị tổn thương. Cái ảo xen kẻ cái thực tạo nên một không gian huyền ảo với những hình ảnh kỳ quái, nhưng đó là không gian của những cảm xúc thực nằm sâu dưới đáy tâm hồn nhân vật chợt bùng lên mãnh liệt. Đó là những uẩn ức sinh lý, những khống chế đạo đức, những mơ ước không thoả mãn của ngày thường đã đi vào một cách vô thức trong những giấc mơ dưới một hình thức khác lạ, huyễn hoặc hơn.

Nếu những giấc mơ đem lại cho Êguchi những hình ảnh huyền ảo, kỳ quái thì hình ảnh tấm rèm nhung màu đỏ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm Người đẹp say ngủ đã tạo ra một không gian tấm gương soi để góp phần khai thác sâu thêm những tâm trạng và cảm xúc của nhân vật. Chính những cảm giác phi thực tế vượt lên bản chất vốn có của một thế giới thiên diệu lung linh từ lăng kính khúc xạ, ảo ảnh đã tạo thành kiểu không gian nghệ thuật gương soi độc đáo mang đậm vẻ đẹp huyền bí của tâm hồn Nhật Bản. Sự đan xen, nhập nhằng giữa thực tại và hư vô, ảo và thực trong một “trò chơi phản chiếu” chính là vẻ đẹp mà Y.Kawabata muốn tìm kiếm. Trong tác phẩm, chi tiết tấm rèm nhung màu đỏ mang giá trị thẩm mỹ cao. Và tựa như một tấm gương soi, màu đỏ của chiếc rèm nhung trong căn phòng đã phản chiếu một cách lung linh mờ ảo thân thể trắng trong, loã lồ của các người đẹp say ngủ. Cái không gian có vẻ như ma quái đó như kích thích sự tò mò của những ông già như Êguichi đến đây muốn khám phá vẻ đẹp. Khi bên cạnh người đẹp, Êguchi nghĩ đến người đàn bà đầu tiên trong đời ông và bao trùm lên ý nghĩ đó là một không gian phản chiếu màu đỏ: “Ông nhìn thấy máu trên tấm rèm nhung đỏ vây quanh căn phòng bí hiểm này. Ông cố nhắm mắt lại nhưng vẫn nhìn thấy cái màu đỏ trong đáy mắt, màu đỏ không ai làm nhạt đi được”(17). Những ánh sáng từ ngoài hắt vào phản chiếu qua tấm rèm nhung không chỉ làm cho căn phòng thêm mờ ảo, mà đôi khi cái màu sắc ấy tạo nên sự hưng phấn muốn thưởng thức cái đẹp của Êguchi và làm cho thân thể các cô gái đẹp lung linh, huyền diệu hơn. Và “Dưới ánh sáng mở ảo, màu đỏ kia bỗng tạo một cảm giác rất mạnh như thể phía trước tấm màn nhung đỏ ấy là một ánh sáng huyền bí, như thể ông lạc vào một thế giới ma quái vậy”(18). Phải chăng cái màu đỏ của tấm màn nhung trong căn phòng với ánh sáng mờ ảo đã khiến ông Êguchi ám ảnh màu đỏ của máu của sự chết chóc. Đó là những giọt máu trào ra từ thân thể người mẹ yêu quý của ông hay là bóng dáng của tử thần đang vây bủa tâm trí Êguchi.

Quá khứ và hiện tại, hiện thực và ảo ảnh như hoà nhập vào nhau làm nhoà đi cái không gian thực. Và, khi sự kháng cự của ý thức và lý trí nhường chỗ cho vô thức là khi con người lạc vào một thế giới vô định. Trong sự phản chiếu của màu nhung đỏ tạo nên một không gian huyền ảo, ông già Êguchi vừa khiếp sợ những hình ảnh ma --quái đó nhưng cũng cảm nhận được vẻ đẹp tràn đầy sức sống tươi trẻ toát lên từ thân thể các cô gái.

Không gian huyền ảo được tạo ra trong những giấc mơ và trong sự phản chiếu ánh sáng của tấm rèm nhung màu đỏ là một không gian đa sắc. Ở đó có sự nhập nhoà giữa bóng tối và ánh sáng, giữa mộng và thực, giữa hiện tại và quá khứ…

Y. Kawabata là một nhà văn luôn tinh tế và nhạy cảm trong từng biến đổi của thiên nhiên cũng như luôn đi sâu khám phá những rung động dù nhỏ bé trong tâm hồn con người. Hầu hết các nhân vật của ông được thể hiện chủ yếu bằng không gian tâm tưởng của tiềm thức. Đó là không gian của những nỗi đau, niềm hạnh phúc, là sự hồi tưởng, là sự cảm xúc biến đổi của tâm trạng trải dài trong dòng ý thức của nhân vật. Cùng với dòng chảy của thời gian, không gian tâm tưởng đang trôi chảy trong tâm thức Êguchi và những gì đang xảy ra xung quanh khiến ông không bỏ qua và luôn lặng lẽ suy nghĩ, chiêm nghiệm bằng cách riêng của mình. Ở vào tuổi gần thất thập, lui tới ngôi nhà bí mật này với sự từng trải, Êguchi cảm nhận được rằng: “Xung quanh những ông già ngày một ốm yếu vẫn cứ lớn lên tầng tầng lớp lớp, vô vàn những thiếu nữ xinh tươi, da thịt mơn mởn. Các ông già bất lực nhìn theo những niềm vui ngày một lùi xa thêm, càng nuối tiếc những tháng ngày hạnh phúc của một thời đã trôi qua không bao giờ trở lại. Những niềm vui ấy phải chăng được chấm dứt trong những khổ hình tại ngôi nhà này”(19). Và rồi sau bao nhiêu ngọt bùi, cay đắng trên con đường tình, Êguchi đã nghiệm ra  một điều mang tính quy luật của muôn đời: “Người già đứng trước cái chết. Người trẻ đứng trước tình yêu. Chết thì một lần. Yêu thì không biết bao nhiêu bận”(20). Qua tâm hồn và ký ức của Êguchi, lần lượt xuất hiện các sự việc, con người khác nhau trong những khoảng thời gian và không gian khác nhau. Trong tâm tưởng Êguchi, những kỷ niệm của thời trai trẻ hiện lên như những thước phim với đủ các sắc màu. Đó là những ngày mà “ông cùng cô người yêu có núm vú rớm máu trốn nhà lên tàu hoả theo mạng đường sắt phía Bắc đến thành phố cố đô Kyôtô”(21). Những suy tưởng, chiêm nghiệm về cuộc đời về quy luật của thiên nhiên và tạo hoá đã tạo nên chiều sâu tâm lý của nhân vật Êguchi khiến cho vùng không gian suy tưởng của ông càng trải dài ra, mở rộng hơn kéo về phía miền không gian ký ức.

Thời gian và không gian nghệ thuật trong Người đẹp say ngủ được nhà văn Y.Kawabata phản ánh dưới nhiều bình diện khác nhau mà chủ yếu là thông qua sự cảm nhận và tâm trạng của nhân vật. Những biểu hiện của các loại không - thời gian nghệ thuật trong tác phẩm là những đặc trưng thi pháp đặc sắc mà nhà văn sử dụng để khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật. Nó góp phần tạo nên thành công về phương diện nghệ thuật của Người đẹp say ngủ.

 

HÀ VĂN LƯỠNG

(Đại học Khoa học Huế)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Y. Kawabata (2000), Người đẹp say ngủ và những truyện khác, Nxb. Hội nhà văn (Nhiều người dịch), Hà Nội.

2. Y. Kawabata (2001), Tuyển tập Y. Kawabata, Nxb Hội nhà văn, TP. Hồ Chí Minh.

3. Phó Đằng Tiêu (2002), Kết cấu và chi tiết, Tạp chí Văn số 5, TP. Hồ Chí Minh.

 

 



(1) Y. Kawabata (2000), Người đẹp say ngủ và những truyện khác, Nxb. Hội nhà văn (Nhiều người dịch), Hà Nội, tr 330.

(2) Nh­ trÝch dÉn (1), tr 330.

(3) Nh­ trÝch dÉn (1), tr 404.

(4) Phó Đằng Tiêu (2002), Kết cấu và chi tiết, Tạp chí Văn số 5, TP. Hồ Chí Minh, tr 105.

 

(5) Như trích dẫn (1), tr 333.

(6) Như trích dẫn (1), tr 383.

 

(7) Như trích dẫn (1), tr 342, 343.

(8) Y. Kawabata (2001), Tuyển tập Y. Kawabata, Nxb. Hội nhà văn, TP. Hồ Chí Minh.

 

(9) Như trích dẫn (8), tr 525.

(10) Như trích dẫn (1), tr 302.

(11) Như trích dẫn (1), tr 341.

(12) Như trích dẫn (1), tr 345.

(13) Như trích dẫn (1), tr 448.

(14) Như trích dẫn (1), tr 346, 347.

(15) Như trích dẫn (1), tr 347.

(16) Như trích dẫn (1), tr 460, 461.

(17) Như trích dẫn (1), tr 458.

(18) Như trích dẫn (8), tr 395.

(19) Như trích dẫn (1), tr 359.

(20) Như trích dẫn (1), tr 424.

(21) Như trích dẫn (8), tr 408

0thảo luận