Trang chủ

SO SÁNH THỰC LỰC KINH TẾ TRUNG - NHẬT VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN

Đăng ngày: 17-07-2012, 10:18 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 11

Nhận thức như thế nào về vị thế kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay và trong tương lai là một vấn đề chiến lược vô cùng quan trọng trong quyết sách kinh tế quốc gia cũng như trong phân tích phán đoán xu thế thay đổi của cục diện kinh tế thế giới.

1. Mấy chục năm gần đây, các nhà nghiên cứu quốc tế thường dùng khái niệm “sức mạnh đất nước tổng hợp” để nghiên cứu thảo luận sự mạnh yếu của một quốc gia. Nhưng “sức mạnh đất nước tổng hợp” bao gồm nhiều yếu tố vượt quá phạm trù kinh tế, vì vậy trong khi chúng ta so sánh thực lực của những thể chế kinh tế khác nhau đã xuất hiện vấn đề sử dụng chỉ tiêu nào thì thích hợp. Chúng tôi cho rằng, trong sự phát triển toàn cầu hoá kinh tế cao độ hôm nay, chỉ cần không phát sinh những xung đột lớn có tính toàn cầu thì tất cả các yếu tố vi mô như kỹ thuật thông dụng, thiết bị, nhân tài v.v.. đều có thể thông qua sự mua bán trên thị trường mà có được; tình trạng của chúng không phản ánh căn bản tình hình kinh tế một nước. Chỉ có những chỉ tiêu vĩ mô có tính đại biểu như diện tích đất nước, dân số, GDP, sức ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới, trong đó GDP là quan trọng nhất... mới là quan trọng, và việc quan trọng hàng đầu là so sánh những chỉ tiêu đó.

Trung Quốc đã trở thành nước lớn về kinh tế, đó là sự thực không thể tranh cãi. Tính đến năm 2006, Trung Quốc là nước lớn đông dân nhất trên thế giới, có hơn 1,3 tỷ dân; diện tích đại lục Trung Quốc đứng thứ ba trên thế giới (sau Canada và Nga). Từ góc độ tổng lượng, có thể thấy Trung Quốc cũng là một nước lớn về tài nguyên. Như biểu 1 cho thấy, từ khi bước vào thế kỷ 21 đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 2006, GDP của Trung Quốc là 20.940,6 tỷ NDT (khoảng 2.682,2 tỷ USD), tốc độ tăng là 10,7%; so với năm ngoái, tăng 0,3%. Dự trữ ngoại tệ cuối năm đột phá 1.000 tỷ USD, đạt 1.066,3 tỷ USD, so với cuối năm trước tăng thêm 247,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm là 1.760,7 tỷ USD, thặng dư mậu dịch là 177,5 tỷ USD.

Thế nhưng, Trung Quốc vẫn là nước nghèo. Năm 2006, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 2.040 USD (tính theo gía chuyển đổi ngày cuối cùng trong năm 2006, một USD đổi được 7,81 NDT), vẫn chưa bằng 1/3 GDP bình quân đầu người của thế giới; điều phản ánh trực tiếp nhất bình quân đầu người không cao là: mặc dù Trung Quốc có năng lực sản xuất khổng lồ, nhưng vẫn chưa là nước lớn về lợi nhuận trong mậu dịch thế giới. Mặc dù Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nhưng vị thế trong hệ thống tài chính tiền tệ thế giới chưa cao (như đồng NDT chưa thể tự do chuyển đổi và chưa phải là đồng tiền dự trữ quốc tế); là nước có lịch sử lâu dài nhất trên thế giới, nhưng lực ảnh hưởng văn hoá rất có hạn, sức ảnh hưởng của chữ Hán ở ngoài biên giới nước mình so với các ngôn ngữ lớn khác thực ra rất nhỏ. Ngoài ra, năng lực tự chủ sáng tạo của Trung Quốc cũng không mạnh. Lấy luận văn quốc tế làm ví dụ, năm 2005, Trung Quốc có tổng số luận văn quốc tế là 150.000 bản, chiếm gần 7% tổng số thế giới, đứng thứ tư, chỉ sau Mỹ (chiếm 29,8%), Anh (chiếm 7,2%) và Nhật (chiếm 7,1%). Nhưng về số lượng tuyệt đối vẫn chưa bằng ¼ của Mỹ, hơn nữa số lượng nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp của Trung Quốc  đã đông tới hơn 20 triệu người; hiệu suất nghiên cứu khoa học thực ra là thấp.

So sánh với Trung Quốc, mặc dù Nhật Bản chỉ có chưa tới 130 triệu dân, diện tích đất đai chỉ có 377.000 km2, nhưng hiện nay Nhật Bản là một thể kinh tế có tổng lượng kinh tế lớn hơn Trung Quốc nhiều. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP năm 2006 của Nhật Bản là 4.500 tỷ USD, gấp 1,7 lần Trung Quốc, và GDP bình quân đầu người năm này là 35.000 USD. Hơn nữa tình trạng thu chi của các hạng mục thường xuyên của Nhật  khá tốt, trình độ phát triển của xã hội Nhật Bản cao hơn của Trung Quốc nhiều. Hệ số Keynes của Nhật Bản là 0,285; Nhật Bản còn là một trong những nước trên thế giới có phân phối thu nhập tương đối công bằng; Nhật Bản đã đạt được 100% giáo dục tiểu học và 100% giáo dục trung học cơ sở, số người tiếp nhận giáo dục đại học cao tới 48%, tuổi thọ trung bình của người Nhật năm 2000 đã đạt được 80,7 tuổi, cao nhất thế giới.

Tổng hợp các điều nói trên, chúng tôi cho rằng: mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một thời gian dài phát triển với tốc độ cao, nền kinh tế Nhật Bản đã trải qua một thời gian rất dài tăng trưởng với tốc độ thấp, nhưng bất kể là về tổng lượng hay là về bình quân đầu người cũng như về mặt phần lớn chỉ tiêu do hai nhân tố đó phái sinh ra, nền kinh tế Nhật Bản vẫn mạnh hơn nền kinh tế Trung Quốc. Trước mắt về tổng thể, vị thế thực lực của nền kinh tế hai nước Trung, Nhật vẫn ở trong tình trạng Nhật Bản mạnh hơn Trung Quốc, chưa xuất hiện sự thay đổi về chất.

 

 

Biểu 1: Số liệu một bộ phận kinh tế vĩ mô của Trung Quốc năm 2000-2006

Năm

Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm   (%)

GDP bình quân đầu người   (USD)

GDP bình quân đầu người tính theo giá sức mua (USD)

Phần GDP chiếm trong tổng lượng thế giới tính theo giá sức mua        (%)

Tình trạng hạng mục thu chi thường xuyên

(tỷ USD)

2000

 

8,4

945, 601

4221,385

11,833

20,519

2001

8,3

1038,034

4649,010

12,500

17,405

2002

 

9,1

1131,805

5127,440

13,239

35,422

2003

10,0

1269,832

5720,324

14,001

45,875

2004

10,1

1486,016

6425, 817

14,651

68,695

2005

10,2

1708,628

7198, 416

15,410

160,818

2006

10,7*

2040,000**

8004,138

16,139

177,500*

* Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc

** Theo tỷ suất tính theo ngày cuốí cùng trong năm 2006 và số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc

 

2. Thế nhưng, những nhân tố thay đổi có tính thực chất đã được tích luỹ như tổng kim ngạch thương mại năm 2005 của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản. Nếu như tốc độ tăng trưởng của hai nền kinh tế vẫn tiếp tục duy trì với sự chênh lệch như trong 20 năm qua, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản một cách toàn diện, từ sản lượng sản phẩm đến năng lực nghiên cứu sáng tạo mớí, rồi đến sức ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới. Vì vậy, xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai nước Trung Nhật trong tương lai như thế nào  sẽ trở thành điều then chốt để phán đoán xu thế thay đổi vị thế thực lực hai bên trong tương lai. Mặc dù phát triển kinh tế Trung Quốc gặp phải sự ràng buộc của môi trường, sự ràng buộc của tài nguyên v.v.., nhưng xu thế toàn cầu hoá kinh tế tồn tại về khách quan đã giảm thấp vai trò ràng buộc của những nhân tố này. Trong tình hình đó, những nhân tố có tính quyết định hơn như: sức lao động, năng lực sản xuất, khoa học kỹ thuật và chế độ đều có lợi cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc trong tương lai, vì thế chúng ta tin tưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốc độ cao.

Trước tiên, có thể thấy yếu tố sức lao động trong tương lai có vai trò thúc đẩy đối với nền kinh tế Trung Quốc vô cùng rõ ràng. Hiện nay, Trung Quốc là nước đông dân nhất trên thế giới, qui mô sức lao động của Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới. Năm 2005, trong số 1.307,56 triệu người Trung Quốc, có  941,97 triệu người ở độ tuổi 16-65. Theo dự đoán của các chuyên gia có liên quan, đến khoảng năm 2020, dân số Trung Quốc sẽ đạt tới đỉnh cao 1460 triệu người, qui mô sức lao động sẽ mở rộng lên 990 triệu người, từ sau đó tăng trưởng dân số sẽ có xu thế giảm đi. Số dân khổng lồ đã mang lại nhu cầu và qui mô sức lao động to lớn. Chính vì vậy, sự tăng trưởng dân số và sức lao động trước năm 2020 của Trung Quốc sẽ là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời với việc này, tố chất sức lao động của Trung Quốc cũng không ngừng được nâng cao. Năm 2005, Trung Quốc có 980.000 nghiên cứu sinh đang có mặt tại nhà trường, trong đó bao gồm 370.000 nghiên cứu sinh mới và 190.000 người đã tốt nghiệp học vị thạc sĩ hoặc tiến sĩ; số học sinh cao đẳng, đại học có mặt tại trường là 15,62 triệu người, trong đó có 5,05 triệu là học sinh mới, số tốt nghiệp là 3,07 triệu người; giáo dục trung cấp chuyên nghiệp có 15, 59 triệu học sinh tại trường, trong đó học sinh mới là 6,47 triệu người, số tốt nghiệp là 4,03 triệu người. Những số liệu này thuyết minh qui mô giáo dục của Trung Quốc đang mở rộng hơn nữa, người lao động được đào tạo, huấn luyện nhiều hơn. Qui mô giáo dục của Trung Quốc được mở rộng bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, và nói chung, những người trẻ tuổi bắt đầu từ 18-20 được tiếp nhận giáo dục cao đẳng, đến 60-65 tuổi nghỉ hưu, vì vậy qui mô dân số Trung Quốc được tiếp nhận giáo dục tốt đẹp và sức lao động có trình độ cao sẽ mở rộng bền vững trong hơn 30 năm. Sức lao động tố chất cao không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn tăng cường năng lực doanh nghiệp vận dụng kỹ thuật tiên tiến. Vì thế việc nâng cao tố chất sức lao động cũng có thể duy trì cho kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thêm 30 năm nữa.

Thứ hai, xem xét từ năng lực sản xuất cơ sở thấy, Trung Quốc đã hình thành hệ thống công nghiệp, giao thông vận tải và năng lực công nghệ thông tin to lớn, đặt cơ sở vật chất hùng hậu cho sự phát triển bền vững kinh tế Trung Quốc. Năm 2006, tổng lượng sản xuất năng lượng là 2210 triệu tấn than tiêu chuẩn, lượng phát điện là 2834,4 tỷ kwh/giờ; trong các nguyên vật liệu chủ yếu, sản lượng thép thô là 420 triệu tấn, thép vật liệu là 470 triệu tấn, xi măng 1240 triệu tấn. Ngành giao thông vận tải và công nghệ thông tin Trung Quốc đã hình thành qui mô to lớn. Năm 2006, các loại phương thức vận tải đã hoàn thành lượng chu chuyển hàng hoá đạt 8692,1tỷ tấn/km, trong đó đường sắt hoàn thành 2195,4 tỷ tấn/km, đường bộ hoàn thành 964,7 tỷ tấn/km, đường thuỷ hoàn thành 5390,7 tỷ tấn/km, hàng không dân dụng hoàn thành 9,43 tỷ tấn/km, đường ống hoàn thành 131,82 tỷ tấn/km; các phương thức vận chuyển đã hoàn thành lượng chu chuyển hành khách đạt 1920,2 tỷ lượt người/km. Cả năm, các bến cảng trong cả nước đã hoàn thành lượng bốc xếp  hàng hoá là 4,56 tỷ tấn. Đến cuối năm 2006, ôtô dân dụng của Trung Quốc đã đạt 49,85 triệu chiếc (kể cả 13,99 triệu ôtô ba bánh và ôtô tốc độ thấp) trong đó ôtô tư nhân là 29,25 triệu chiếc; số lượng ôtô du lịch dân dụng là 15,45 triệu chiếc, trong đó của tư nhân 11,49 triệu chiếc so với năm trước tăng 33,5%. Tính đến cuối năm 2006, số hộ dùng máy điện thoại cố định trong cả nước đã đạt 367,81 triệu hộ, số hộ dùng điện thoại di động đạt 461,08 triệu hộ.

Thứ ba, xem xét từ triển vọng phát triển khoa học kỹ thuật cho thấy, những nhân tố dưới đây sẽ thúc đẩy khoa học kỹ thuật Trung Quốc nâng cao toàn diện, do đó, sẽ kích thích kinh tế Trung Quốc phát triển trong thời gian dài. Mặt khác, Trung Quốc có đầy đủ nhân lực và vật tư to lớn để tiến hành hoạt động nghiên cứu phát triển.

Cuối năm 2004, số nhân viên chuyên nghiệp trong các lĩnh vực và số nhân viên khoa học kỹ thuật làm việc trong các doanh nghiệp quốc hữu và các Viện nghiên cứu quốc hữu đã đạt 27,163 triệu người. Năm 2006, kinh phí nghiên cứu và thí nghiệm phát triển (R&D) của Trung Quốc đã đạt 294,3 tỷ NDT, chiếm 1,41% tổng giá trị sản xuất trong nước, trong đó kinh phí nghiên cứu cơ sở là 14,8 tỷ NDT. Cả năm, nhà nước đã sắp xếp 1409 hạng mục khoa học kỹ thuật thuộc kế hoạch then chốt và 2841 hạng mục thuộc kế hoạch “863”. Tính đến cuối năm 2006, Trung Quốc có tất cả 21.458 phòng đo lường thí nghiệm sản phẩm, trong đó có 325 Trung tâm đo lường quốc gia; cả nước hiện có 185 cơ cấu chứng nhận chất lượng sản phẩm, đã hoàn thành được việc chứng nhận sản phẩm cho 49.000 doanh nghiệp; cả nước có 3750 cơ cấu kỹ thuật đo lường pháp định v.v..

Ngoài ra Trung Quốc là nước đang phát triển, có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các nước phát triển. Tất nhiên, trong đó cũng có một số cản trở, đó là vấn đề bảo vệ quyền tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, có bộ phận được miễn phí, như khoa học và tri thức cơ sở, thể chế nghiên cứu khoa học, những tri thức không được luật bản quyền bảo vệ v.v.. Nói một cách tổng thể, chi phí dùng để mua một bản quyền thấp hơn so với chi phí dùng để nghiên cứu phát minh ra nó. Vì vậy trước khi Trung Quốc trở thành nước phát triển  có khả năng thích hợp với việc mua bản quyền kỹ thuật, vì từ đó có thể tiết kiệm được nhiều tiền của và thời gian dùng cho khai thông kỹ thuật.

Cuối cùng, xem xét từ mặt cải cách chế độ thấy, trong một số năm trước đây, cải cách và mở cửa của Trung Quốc đã cung cấp một cách thành công những động lực to lớn cho phát triển kinh tế Trung Quốc. Trong tương lai có thể nhìn thấy, mở cửa đối ngoại của kinh tế Trung Quốc sẽ không ngừng mở rộng, và mở cửa và cải cách hơn nữa sẽ tiếp tục là động lực để kinh tế Trung Quốc phát triển. 20 năm trước chỉ có thể nhìn thấy không nhiều sản phẩm nước ngoài ở Trung Quốc. Hiện nay ngược lại tình hình đã khác hẳn, trên thị trường Trung Quốc đã không khó khăn gì khi muốn tìm những sản phẩm nước ngoài; sản phẩm nước ngoài tiến vào thị trường Trung Quốc đã tương đối dễ dàng. Theo thống kê của Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2006, tổng giá trị sản xuất trong nước của Trung Quốc là 20.940,6 tỷ NDT, mà tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 1760,7 tỷ USD (trong đó xuất khẩu 969,1 tỷ USD, nhập khẩu 791,6 tỷ USD). Do Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ, những con số nói trên chứng minh trình độ mở cửa đối ngoại của Trung Quốc là rất cao. Hơn nữa, từ các văn bản của Trung Quốc, chúng ta có thể nhìn thấy sự cổ vũ về mở cửa và từ các phương tiện truyền thông chính yếu có thể hiểu được sự ủng hộ của dư luận đối với mở cửa. Vì vậy, có lý do để tin rằng mở cửa đối ngoại của Trung Quốc sẽ còn mở rộng hơn nữa, thậm chí trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ  nhìn    thấy   kinh   tế Trung Quốc giống như một nền kinh tế có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hoặc chỉ riêng kim ngạch nhập khẩu đã bằng GDP của mình. Trung Quốc mở cửa đối ngoại không chỉ thể hiện trên các con số thương mại, mà ở các lĩnh vực khác cũng như vậy. Sau khi Trung Quốc vào WTO, đã luôn luôn cố gắng cải thiện thể chế và cơ chế quản lý của hoạt động kinh tế đối ngoại khiến chúng càng thuận tiện hơn cho thương mại và đầu tư. Vì việc đó, Trung Quốc đã sửa chữa, chế định nhiều đạo luật, đặt thêm nhiều qui tắc. Cùng với tiến trình hoá quốc tế, kinh tế Trung Quốc sẽ càng tự do hơn. Chúng tôi dự đoán quá trình Trung Quốc hoà nhập sâu hơn vào thế giới sẽ còn liên tục cho tới ngày GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt được hoặc tiếp cận trình độ của các nước phát triển  mới thôi.

Không chỉ như vậy, cải cách thể chể Trung Quốc sẽ tiếp tục được tiến hành. Động lực cơ bản của cải cách kinh tế Trung Quốc là quan hệ sản sản xuất cũ không thể thoả mãn được yêu cầu phát triển của sức sản xuất. Động lực cơ bản này đến nay vẫn tồn tại, mặc dù có rất nhiều thách thức. Chỉ có hai tình hình dưới đây mới làm động lực cơ bản đó mất đi: một là Trung Quốc tự cảm thấy đã đủ giầu mà muốn mang tài nguyên đưa vào các sự việc khác; hai là Trung Quốc xuất hiện rủi ro khủng hoảng và tự thân sinh tồn. Thế nhưng Trung Quốc hiện nay vừa chưa giầu có tới mức phải điều chỉnh chiến lược lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm và cũng chưa ở vào cảnh ngộ không thể không phải đối phó với những đe doạ bên trong và ngoài, cho nên cải cách vẫn phải tiếp tục có bước đi, tiến lên phía trước

Trung Quốc có kế hoạch tiến hành nhiều cải cách hơn nữa, cụ thể bao gồm: (1) Quán  triệt “Luật công ty nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, đồng thời tăng nhanh chế độ cổ phần trong các doanh nghiệp quốc hữu cỡ lớn; (2) Tăng nhanh cải cách thể chế tài chính tiền tệ. Trước hết thúc đẩy cải cách chế độ cổ phần các ngân hàng thương mại quốc hữu; thứ hai phát triển thị trường vốn; thứ ba đi sâu cải cách tài chính tiền tệ vùng nông thôn; sau đó đi sâu cải cách ngành bảo hiểm, mở rộng phạm vi hoạt động tài chính tiền tệ của ngành này; (3) Đi sâu cải cách thuế má, đầu tư và hệ thống giá cả. Trọng điểm cải cách thuế nên đặt vào các mặt cải tiến hệ thống tài chính, chuyển dời hệ thống chi tiêu  và hệ thống quản lý dự toán cũng như cải cách việc chấp hành phân loại thu chi đối với chính quyền v.v.. Trọng điểm của cải cách hệ thống đầu tư là quán triệt chính sách vừa có thể bảo đảm gánh vác trách nhiệm đối với rủi ro lại vừa duy trì được tính độc lập của đầu tư, tăng cường chế độ phê duyệt và ghi chép các hạng mục, cung cấp ngày càng nhiều hơn tin tức đầu tư cũng như tăng cường điều chỉnh khống chế đối với đầu tư… Chúng ta tin rằng trong 10 năm tới cải cách vẫn là nhân tố quan trọng kích thích kinh tế Trung Quốc phát triển.

Bây giờ xem xét Nhật Bản, mặc dù đến cuối năm 2006 nền kinh tế đã thực hiện tăng trưởng liên tục 59 tháng, nhưng như biểu 2 cho thấy rõ, sự tăng trưởng đó dù là trong tương quan so sánh với tỷ suất tăng trưởng bình quân năm là 9,8% thời kỳ 1953-1973, hay là so sánh với tỷ suất tăng trưởng trung bình năm hơi cao hơn 4%  thời kỳ 1973-1991 đều là loại tăng trưởng tốc độ thấp. Hơn nữa xem xét trong thời gian tương đối dài thấy, loại tăng trưởng tôc độ thấp này sẽ không có thay đổi lớn mà nguyên nhân là ở chỗ, một số chướng ngại cản trở kinh tế Nhật Bản phát triển không thể loại bỏ được trong một thời gian ngắn.

Thứ nhất, cơ cấu dân số Nhật Bản đã chỗ có vai trò đối với sự phát triển kinh tế, đã từ chỗ thúc đẩy biến thành liên luỵ. Tỷ lệ tăng trưởng tiềm ẩn của kinh tế là do tỷ lệ gia tăng giá trị số lượng sức lao động và tỷ suất tiến bộ kỹ thuật cùng quyết định. Cũng có nghĩa là, dân số lao động gia tăng, trình độ kỹ thuật nâng cao, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ nâng cao tương ứng; còn dân số lao động giảm, trình độ kỹ thuật không thay đổi hoặc giảm thấp thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm. Từ nửa sau thập kỷ 70 của thế kỷ trước, kỹ thuật của Nhật Bản đã đạt được trình độ tiên tiến trên thế giới, từ đó mà đã cơ bản dùng hết tiềm lực thực hiện tăng trưởng kinh tế cao so với các nước phát triển khác. Trong tình hình đó, tăng trưởng kinh tế càng ỷ lại vào sự gia tăng số lượng sức lao động. Trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, số lượng tuyệt đối dân số lao động Nhật Bản đang ở vào thời kỳ không ngừng gia tăng, vì thế mà Nhật Bản đã có thể duy trì vị thế “ưu đẳng sinh”phát triển kinh tế trong các nước phát triển. Thế nhưng sau khi dân số lao động Nhật Bản đạt tới đỉnh cao và chuyển sang giảm sút vào năm 1995(vào năm này GDP của Nhật Bản cao tới 5309,8 tỷ USD, là thời kỳ cao nhất trong lịch sử) thì việc kinh tế không phát triển lên được sẽ là xu thế tất yếu. Theo đánh giá, đến năm 2050, dân số lao động Nhật Bản (dân số trong độ tuổi 15-65) sẽ từ 87,17 triệu người năm 1995 giảm xuống còn 53,89 triệu người, tỷ trọng số dân cần phải nuôi dưỡng đã từ 33% năm 2004 tăng lên đến 46,5%.

Thứ hai, xu thế thay đổi tố chất sức lao động của Nhật Bản không tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế Nhật tăng trưởng tốc độ nhanh. Trên thực tế, việc nâng cao dân số lao động và trình độ kỹ thuật là một việc nhất định phải làm, song muốn nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế còn có hai biện pháp nữa, đó là kéo dài thời gian lao động, hoặc là nâng cao hiệu suất lợi dụng thời gian của cá nhân người lao động. Ở Nhật Bản trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng tốc độ cao, trình độ chăm chỉ phấn đấu trong công tác của người Nhật Bản hiếm có quốc gia nào có thể so sánh, thậm chí ở Nhật đã xuất hiện những vụ án “chết vì lao động quá sức”, điều này có nghĩa là người Nhật không còn khả năng tiếp tục kéo dài thời gian làm việc, càng khó nói đến khả năng chịu đựng thời gian lao động kéo dài của một thế hệ mới ở Nhật Bản. Nâng cao tỷ lệ lợi dụng thời gian lao động cá nhân đối với Nhật Bản rất khó khăn, mặt khác, năng suất lao động trong đơn vị thời gian trung bình của công nhân Nhật cũng đã tương đối cao, không gian để nâng cao hơn nữa rất nhỏ, mặt khác hiện nay chế độ giáo dục của Nhật không ủng hộ loại nâng cao này.. Bắt đầu từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Nhật Bản bắt đầu nhấn mạnh quan niệm tôn trọng tính  tự chủ của trẻ em, giảm nhẹ gánh nặng của học sinh v.v.., nhưng đã xuất hiện hiện tượng nuông chiều quá mức mà hậu di chứng mãi đến năm 2002 mới bắt đầu thể hiện rõ: chỉ có 53% số học sinh lớp năm tiểu học tính được diện tích hình cầu. Cho dù hiện nay Nhật bản có càng nhiều người có học lực cao hơn, nhưng trình độ trung bình thực tế của họ không được nâng cao. Điều này tất nhiên ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực công tác của một thế hệ mới người lao động ở Nhật.

 

 

Biểu 2: Một phần số liệu kinh tế vĩ mô Nhật Bản năm 2000-2006

Năm

Tỷ lệ tăng trưởng GDP/năm(%)

GDP bình quân đầu người(USD)

GDP bình quân đầu người tính theo giá sức mua  (USD)

Phần GDP tính theo giá sức mua  chiếm trong tổng lượng thế giới(%)

Tình trạng hạng mục thu chi thường xuyên(tỷ USD)

2000

2,9

36670,340

25997,201

7,297

119,605

2001

0,4

32173,088

26613,927

7,133

87,794

2002

0,1

30704,134

26941,072

6,904

112,607

2003

1,8

33198,598

27811,456

6,728

136,238

2004

2,3

35914,215

29287,844

6,567

172,070

2005

2,6

35756,532

30615,407

6,408

165,690

2006

2,7

34954,691

31865,979

6,249

167,273

 

*Nguồn tư liệu: Kho số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế tháng 9 năm 2006

 

 

Thứ ba, vấn đề chế độ mà nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt tương đối nghiêm trọng. Sự trỗi dậy của Nhật Bản chủ yếu dựa vào sự trỗi dậy của công nghiệp chế tạo, mà sự trỗi dậy của ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản lại là sự hợp tác đoàn, đội và chế độ làm thuê suốt đời. Chế độ này là loại có hiệu suất cao nhất trong mô hình kinh tế rượt đuổi nhưng hạn của nó là kìm hãm những nhân tài kiểu sáng tạo trổ hết tài năng. Loại chế độ này khi thiếu đối tượng bắt chước thì sẽ là một chế độ có hiệu suất tương đối thấp. Do người Nhật Bản cũng giống như ở các quốc gia phương Đông khác có quan hệ giao tiếp đan xen phức tạp, muốn thay đổi loại chế độ đã có mấy ngàn năm không phải là việc dễ.

Ngoài ra tính đóng cửa của kinh tế Nhật Bản vô cùng mạnh, độ mở cửa của nó luôn luôn đứng cuối cùng trong các nước phát triển trên thế giới. Những tệ nạn về chính trị của Nhật Bản cũng như sự can thiệp của Chính phủ Nhật Bản vào đời sống kinh tế rất nhiều....

Do những vấn đề nói trên đều khó có thể giải quyết trong một thời gian ngắn, vì thế trong thời gian mười năm sắp tới tốc độ tăng trưởng bình thường của kinh tế Nhật Bản sẽ duy trì ở mức khoảng 2% trung bình năm; kinh tế Nhật Bản muốn khôi phục tới tốc độ tăng trưởng 4% trung bình năm như thập kỷ 80 của thế kỷ 20 là không có khả năng trong một tương lai có thể nhìn thấy được.

3. Trong mười năm tới, tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Trung Quốc sẽ vượt quá 8%, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm của Nhật Bản sẽ duy trì khoảng 2%. Hơn nữa trong một tương lai xa hơn trước khi những động lực phát triển của kinh tế Trung Quốc suy yếu, Trung Quốc vẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng cao hơn kinh tế Nhật Bản. Nếu như đánh giá cơ bản này là chính xác  thì có thể trực tiếp dẫn tới mấy kết luận dưới đây:

Xét về tổng lượng thấy, trước năm 2015 Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt Nhật Bản. Về phía Trung Quốc, lấy tốc độ lạm phát trung bình năm không quá 2%, lấy tỷ lệ hối suất đồng đôla Mỹ mỗi năm trung bình tăng 3%-5% để tính toán thì GDP năm 2015 của Trung Quốc sẽ vào khoảng 8.000 đến 9.000 tỷ USD. Còn về phía Nhật Bản, trong tình hình bỏ qua lạm phát, tính toán tỷ lệ hối suất đồng Yên Nhật so với đồng đôla Mỹ giống như đồng Nhân Dân tệ  thì đến năm 2015 GDP của Nhật sẽ là khoảng 7.000 đến 8.300 tỷ USD.

Xem xét từ lực ảnh hưởng quốc tế thấy, cùng với việc tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản, hơn nữa kinh tế Trung Quốc so với kinh tế Nhật Bản có độ dựa vào nhau mà tồn tại cao hơn nhiều, vì thế, Trung Quốc bị ảnh hưởng kinh tế bên ngoài và sức ảnh hưởng kinh tế ra bên ngoài cũng cao hơn Nhật Bản nhiều. Điều này cũng có nghĩa là trước khi kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản, lực ảnh hưởng kinh tế quốc tế của TrungQuốc đã vượt qua Nhật Bản.

Diện tích đất đai và dân số của Trung Quốc lớn hơn Nhật Bản rất nhiều vì vậy trong những năm 2010-2015, khi tổng lượng và lực ảnh hưởng quốc tế của kinh tế Trung Quốc toàn diện vượt qua Nhật Bản thì có nghĩa là trong gần một trăm năm gần đây lần đầu tiên về tổng thể, kinh tế Trung Quốc vượt qua Nhật Bản, vị thế thực lực kinh tế Trung, Nhật phát sinh thay đổi có tính căn bản; hơn nữa, trong một tương lai có thể thấy được, sự thay đổi đó là không thể đảo ngược. Tất nhiên, xem xét từ bình quân đầu người, do dân số Nhật Bản trong 9 năm từ 2006-2015 hầu như không tăng trưởng, còn mức tăng dân số của Trung Quốc ước khoảng 0,5%, vì vậy, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản trước năm 2015 vẫn cao hơn Trung Quốc khoảng 10 lần. Muốn vượt Nhật Bản về trình độ giầu có của nhân dân, Trung Quốc vẫn còn phải đi một đoạn đường rất dài nữa.

 

TRẦN GIANG SINH

(Giáo sư, Viện Ngiên cứu chiến luợc quốc tế Trường Đảng TW Đảng Cộng sản Trung Quốc)

Dương Danh Dy (dịch)

Nguồn: Tạp chí tiếng Trung Quốc “Quan hệ Quốc tế Hiện đại”  số 4 năm 2007.

0thảo luận