Trang chủ

HỢP TÁC VĂN HOÁ ĐA PHƯƠNG TRUNG QUỐC, NHẬT BẢN, HÀN QUỐC VỚI ASEAN

Đăng ngày: 17-07-2012, 10:13 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 11

Ngay từ khi thành lập, ASEAN đã chú trọng tăng cường các hoạt động giao lưu văn hoá, nâng cao hiểu biết về các nền văn hoá trong ASEAN và ngoài khu vực. Ngày nay, ASEAN đang xây dựng một cộng đồng văn hoá  xã hội, do đó ASEAN càng cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hoá, cần huy động các nguồn lực khác nhau, bao gồm các nguồn lực của giới kinh doanh và các tổ chức quốc tế để cùng với Quỹ Văn hoá ASEAN duy trì và làm phong phú thêm hoạt động văn hoá quan trọng này.

Quan hệ văn hoá giữa ASEAN với các nước đối thoại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, Ấn Độ, thực sự sẽ làm tăng thêm vốn hiểu biết, giúp đỡ nhau cho sự hợp tác giữa các nước đạt được hiệu quả cao hơn.

Bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới quan hệ hợp tác văn hoá đa phương Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản với ASEAN.

Hợp tác ASEAN - Trung Quốc

Trước hết, cần phải đề cập đến sự thay đổi chiến lược quốc tế của Trung Quốc, trong đó có chiến lược về an ninh, kinh tế và văn hoá. Chiến lược này được biểu hiện ở thuyết” trỗi dậy hoà bình” và chính sách ” hoà thuận với láng giềng.

Chiến lược văn hoá của Trung Quốc là  trên cơ sở giữ gìn sự đa dạng của nền văn minh, phát huy nền văn hoá truyền thống, tăng cường giao lưu văn hoá đối ngoại, thu nạp những thành quả tiên tiến của nền văn minh nhân loại, thúc đẩy nhận thức chung về nền văn hoá mang tính phổ biến thế giới, tăng cường sức ảnh hưởng quốc tế  của nền văn hóa Trung Quốc, và coi văn hoá là nền tảng vững chắc để Trung Quốc trỗi dậy. Về chiến lược văn hoá, Trung Quốc nhấn mạnh:

Thứ nhất, lấy việc phát huy tinh hoa của nền văn hoá truyền thống làm cơ bản, tăng cường thu hút những thành quả văn hoá tiên tiến khác, tích cực đón nhận trào lưu toàn cầu hoá, phát triển và tạo ra nền văn hoá Trung Quốc trong thế kỷ mới.

Thứ hai, tăng cường truyền bá văn hoá đối ngoại, xây dựng hình tượng quốc gia. Mức độ được chấp nhận của văn hoá là một nhân tố quan trọng để đánh giá sự hưng suy của quốc gia. Thông qua giao lưu văn hoá cho thấy sức hấp dẫn kỳ lạ của nền văn hoá Trung Quốc, văn hoá là con đường quan trọng để xây dựng hình tượng quốc gia.

Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng lại nền văn hoá chiến lược, thúc đẩy nhận thức chung quốc tế. Trung Quốc coi việc xác lập quan niệm an ninh mới là cơ hội, tạo dựng lại nền văn hoá chiến lược của bản thân, và thông qua mọi hình thức tăng cường giao lưu, đẩy mạnh nhận thức chung quốc tế, củng cố và nâng cao vị trí chiến lược quốc tế của Trung Quốc ([1]).

Bên cạnh chiến lược về kinh tế, an ninh, sinh thái, Trung Quốc cũng thực sự quan tâm đến chíến lược về văn hoá đối với ASEAN. Năm 1997, Trung Quốc và ASEAN đã thành lập Uỷ ban Hợp tác chung ASEAN- Trung Quốc. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác này đã và đang tiến triển tốt đẹp.

Về phía ASEAN, bên cạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc,  trong lĩnh vực văn hoá, ASEAN lấy văn hoá làm trọng tâm thúc đẩy kinh tế của mỗi quốc gia phát triển toàn diện.

Hợp tác văn hoá giữa các nước ASEAN với nhau và giữa ASEAN với các nước đối thoại là một nhu cầu tất yếu và rất được coi trọng. Đây là một trong những trọng tâm của mục đích thành lập ASEAN. Việc hợp tác văn hoá làm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước AEAN và các nước trong khu vực.

Trong xu thế quốc tế hoá và toàn cầu hoá như hiện nay, văn hoá là chiếc cầu nối trong quan hệ quốc tế của mỗi nước. Những thành tựu mà việc hợp tác văn hoá đem lại không chỉ tăng cường sự hiểu biết giữa các nước mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các nước ASEAN, và giữa ASEAN với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, các quốc gia đang nỗ lực để xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về ASEAN để thế giới nhìn nhận và đánh giá.

Hợp tác ASEAN - Trung Quốc  trong lĩnh vực văn hoá

Quan hệ giữa các quốc gia  ASEAN và Trung Quốc đã có từ rất lâu đời [2].

Thực tế, trong lịch sử, các quốc gia ASEAN đã có những mối quan hệ song phương nhưng lại chưa biết tận dụng các mối quan hệ đa phương trong phát triển văn hoá. Sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc vào văn hoá các quốc gia ASEAN là rất sâu sắc trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Trung Quốc có rất nhiều điều mà các quốc gia ASEAN có thể sử dụng để phát triển văn hoá. Trung Quốc có bề dày lịch sử và được biết đến là một trong những nền văn minh sớm nhất của nhân loại. Với các di tích văn hoá giầu bản sắc được lưu giữ qua hàng nghìn năm lịch sử, Trung Quốc đang phát triển các phương pháp và kỹ thuật vừa hiện đại vừa cổ truyền trong lĩnh vực quản lý di sản văn hoá. Trong khi đó, các quốc gia ASEAN cũng phát triển và học tập theo Trung Quốc với mục tiêu tương tự.

Từ những sự kiện trên, một điều cấp bách là ASEAN nên khai thác khả năng tạo dựng mối quan hệ làm việc với Trung Quốc trong lĩnh vực văn hoá, đặc biệt trong việc gìn giữ, bảo tồn và quản lý di sản văn hoá.

Uỷ ban hợp tác chung ASEAN - Trung Quốc (ASEAN- China Joint Cooperation Committee - ACJCC) được thành lập nhằm tăng cường và nâng cao hợp tác phát triển giữa hai bên. Trong cuộc họp đầu tiên của ACJCC được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm 1997, Trung Quốc đã đưa ra một số khía cạnh để hai bên có thể hợp tác và phát triển như: Nông nghiệp, Kỹ thuật Thông tin (IT), Phát triển nguồn nhân lực, Du lịch, Liên kết giao thông, Giáo dục, Khoa học & Kỹ thuật, Môi trường, Phát triển lưu vực sông Mekong, Thương mại và Đầu tư. Những khía cạnh hợp tác này có thể được Uỷ ban hợp tác ACJCC thông qua.

Để thực hiện các dự án hợp tác ASEAN-Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ kinh phí khoảng 5.000.000 $Mỹ cho Quỹ hợp tác ASEAN-Trung Quốc (ASEAN- China Cooperation  Fund - ACCF). Khoản tiền này sẽ được sử dụng cho cả hai phía, đặc biệt là cho lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

Trong cuộc họp lần thứ 3 tổ chức tại Thành Đô (Chengdu), Trung Quốc, từ ngày 5 đến 7 tháng 3 năm 2001, một số dự án đã được phê duyệt để thực hiện, trong đó chủ yếu là các dự án do Trung Quốc đề xuất. Ban Thư ký của ASEAN cũng đã đưa ra một số dự án mới,  những lĩnh vực của dự án bao gồm: Bảo vệ và phát triển nguồn nước, Phối hợp giáo dục và văn hoá, Chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế tỉnh, Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nông nghiệp, Kiểm soát lạm dụng thuốc, Sức khoẻ, Dược và mỹ phẩm. Ngoài ra còn một số lĩnh vực khác như: Kỹ thuật vũ trụ, Năng lượng, Giao thông và truyền thông.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc được tổ chức tại Singapore vào 25/11/2000, đã cam kết giao cho Indonesia là quốc gia điều phối sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc từ tháng 12 năm 2000. Trong cuộc họp này, Thủ tướng Trung Quốc đã phát biểu rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN chưa hoàn toàn được phát huy (chỉ trừ với Việt Nam và Lào). Dân số Trung Quốc trải khắp tất cả các quốc gia ASEAN từ rất lâu đời. Vì vậy, các tác động của văn hoá Trung Quốc và văn hoá Đông Nam Á là vô cùng sâu sắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Các quốc gia ASEAN mong đợi sẽ có được một nền tảng vững mạnh cho các mối quan hệ phối hợp tương lai trong lĩnh vực gìn giữ, bảo tồn và quản lý di sản văn hoá. Thông qua hợp tác ASEAN - Trung Quốc, các hoạt động văn hoá sẽ được khám phá và nâng cao không ngừng để đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Indonesia- quốc gia điều phối - đã đệ trình dự án có tên: “Hội nghị chuyên gia chung để thành lập một khung Chương trình cho  hợp tác văn hoá ASEAN-Trung Quốc” (Joint Exper meeting for the Establishment of A Programme Framework for áASEAN- China Cultural Cooperation).([3])

Dự án được đưa ra xuất phát từ  những nguyên nhân sau:

1. Sự phức tạp của các di sản văn hoá ASEAN, cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, dẫn tới nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan tới bảo tồn, bảo vệ và quản lý di sản văn hoá.

2. Thiếu ý kiến của các chuyên gia trong các nước ASEAN trong việc gìn giữ, bảo tồn, quản lý các di sản văn hoá (cả vật thể và phi vật thể) cũng như việc phát triển kỹ thuật thông tin của các di sản văn hoá.

3. Thiếu thông tin về phương pháp của Trung Quốc và kỹ thuật trong lĩnh vực gìn giữ, bảo tồn, kỹ thuật thông tin và quản lý di sản văn hoá trong các nước ASEAN.

4. Cần khám phá những lợi ích đa phương giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực di sản văn hoá có thể phát triển để đẩy mạnh và nâng cao mối quan hệ văn hoá giữa các nước.

5. Cần phát triển và chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, gìn giữ và khôi phục các di sản văn hoá thông qua hợp tác văn hoá với Trung Quốc.

Đề nghị này đã được Hội nghị lần thứ 3 của ASEAN - COCI , Tiểu ban về Văn hoá, được tổ chức tại Penang, Malaysia, từ  ngày 25-27 tháng 9, 2001 tán thành.

Dự án nhằm xây dựng một kế hoạch chung cho chương trình hoạt động giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực văn hoá một cách hiệu quả và hiệu năng hơn để hướng tới sự hợp tác tốt hơn trong khu vực, đạt mục tiêu là:

1. Khám phá và chỉ ra điểm mạnh của ASEAN cũng như Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề quản lý liên quan đến văn hoá như phương pháp học, bảo tồn, phục hồi , phát triển đổi mới và tối ưu hoá; các chuyên ngành quan trọng như khảo cổ học, lịch sử, nhân loại học, ngôn ngữ và kỹ thuật thông tin;  phát triển nguồn nhân lực như nghệ sĩ, nhà sử học, nhà nhân loại học, nhà ngôn ngữ luận, người bảo tồn, người phụ trách bảo tàng, nhà nghiên cứu văn hoá âm nhạc.

2.  Chỉ ra những vấn đề trong việc quản lý di sản văn hoá của ASEAN và Trung Quốc để cả hai phía cùng vượt qua những vấn đề này.

3.  Trao đổi các thông tin liên quan đến các lĩnh vực văn hoá quan trọng của nhân dân ASEAN cũng như nhân dân Trung Hoa.

4.  Thực hiện các hành động chung để tác động vào sự phát triển của văn hoá ASEAN và Trung Quốc nhằm nâng cao và đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai bên.

Phạm vi hợp tác sẽ bao gồm tất cả các khía cạnh của văn hoá vật thể cũng như văn hoá phi vật thể, bao gồm cả quản lý, sự đa dạng và nguồn nhân lực thông qua quản lý: các nghiên cứu chung, Hội thảo, Đào tạo, Triển lãm, Trao đổi chuyên gia, Nghệ sĩ, Giảng viên, các tác phẩm viết tay; các chuyên ngành quan trọng: Khảo cổ học, Lịch sử,  Nhân loại học, Nghệ thuật và Tạo hình, Ngôn ngữ;  nguồn nhân lực:  Nghệ sĩ,  Nhà sử học,  Nhà nhân loại học, Nhà ngôn ngữ học, Người bảo tồn, Người phụ trách bảo tàng và Nhà nghiên cứu văn hoá âm nhạc.

Hội nghị các chuyên gia chung giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Indonesia vào tháng 2, 2004 nhằm thảo luận Khung Chương trình Dự thảo và ký vào Bản Ghi nhớ.

Việc thực hiện chương trình được Quỹ Hợp tác ASEAN-Trung Quốc (ACCF) hỗ trợ hoàn toàn với tổng số tiền là 67. 000 đôla Mỹ.

Từ năm 2005  đến 2007 sẽ triển khai Chương trình phối hợp văn hoá chung giữa ASEAN và Trung Quốc.

Hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông:

Là một thực thể của hệ thống quốc tế, ASEAN sẽ tiếp tục và tăng cường hợp tác giữa các bên đối thoại nhằm đẩy mạnh vai trò chiến lược của ASEAN trong việc duy trì hoà bình và sự ổn định ở khu vực Đông Nam á. Các hoạt động, dự án và chính sách cụ thể của ASEAN sẽ được xúc tiến thông qua các chiến dịch thông tin hiệu quả nhằm hướng tới sự hiểu biết lớn hơn giữa các nước ASEAN.

Sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thông qua các hoạt động, chương trình trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đại chúng, trong các lĩnh vực có khả năng phối hợp như trao đổi nhân sự trong lĩnh vực truyền thông, các khoá đào tạo báo chí, các hội thảo chuyên đề về quảng bá, thành lập mối liên kết giữa các chuyên gia truyền thông của ASEAN và Trung Quốc,.vv...

Hội nghị lần thứ 37 của Uỷ ban Văn hoá - Thông tin (ASEAN – COCI) tại Hà Nội (2002) cũng như Hội nghị của Uỷ ban Thường trực ASEAN (ASC) (2003) đã phần lớn thống nhất dự án thành lập hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Dựa vào quyết định đã nêu, Indonesia, với tư cách là quốc gia đề xuất dự án, trình bày đề cương, dự án để được ký duyệt và thực hiện. Đó là Hội thảo tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc qua thông tin và truyền thông”(Workshop on Enhancing ASEAN - China Cooperation through Information and Media)([4])

Hội thảo sẽ tập trung vào thảo luận cách để thúc đẩy sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thông qua các hoạt động chương trình trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Hội thảo sẽ xem xét các lĩnh vực có khả năng phối hợp để đẩy mạnh sự hiểu biết giữa ASEAN và Trung Quốc qua việc tuyên truyền thông tin, với kinh phí được duyệt là 55. 587 đôla Mỹ.

Các chương trình được đề xuất là: Đào tạo chuyên môn về phương tiện truyền thông, đại chúng; Trao đổi nhân sự trong lĩnh vực truyền thông giữa ASEAN và Trung Quốc như: nhà báo, phát thanh viên, những người nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh và cán bộ thông tin; Hội thảo chuyên đề về thông tin và truyền thông; Thiết lập việc xây dựng một hệ thống thông tin giữa ASEAN và Trung Quốc, xác định cơ chế của hệ thống này; Xây dựng trang web của ASEAN và Trung Quốc về trao đổi thông tin trong lĩnh vực du lịch, gìn giữ văn hoá, bảo vệ môi trường, thanh niên và phụ nữ, phòng chống nghiện hút, các phát minh nghiên cứu về phương tiện truyền thông, ..vv..

Hội thảo đã được tổ chức tại Yogyakarta, Indonesia ( tháng 9/2004).

Hợp tác văn hoá ASEAN – Nhật Bản

Theo kế hoạch hoạt động ASEAN - Nhật (Projects to Implement Regional Actions under the ASEAN- Japan Plan of Action) ([5]), Diễn đàn ASEAN - Nhật Bản lần thứ 20 được tổ chức từ ngày 6 đến 7 tháng 4 năm 2004 tại Putrajaya, Malaysia, đã yêu cầu Ban thư ký ASEAN chuẩn bị một môi trường vững chắc cho tất cả các hoạt động đa phương ngắn hạn và dài hạn trong khu vực theo Kế hoạch hoạt động của ASEAN-Nhật . Hoạt động ngắn  hạn sẽ kéo dài 3 năm trong khi họat động dài hạn sẽ có thời gian là hơn  3 năm.  Ban thư ký ASEAN còn được giao nhiệm vụ đưa ra danh sách tên các dự án và các ý tưởng để thực hiện các hoạt động của PoA, tập trung ưu tiên cho các khu vực đã được thống nhất trong diễn đàn.

Những Dự án của Uỷ ban Văn hoá và Thông tin ASEAN tham gia vào Năm Trao đổi ASEAN - Nhật Bản 2003 gồm:

1. Triển lãm quốc tế  về nghệ thuật đương đại ASEAN (International Exhibition on ASEAN Contemporary Art) được tổ chức vào ngày 11/ 7  đến 7 / 9/ 2003 tại  Bảo tàng Đại học Nghệ thuật Tama, Tokyo, và từ 18/ 12/ 2004 đến  7 /3/ 2005 tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu á Fukuoka, Fukuoka.

2. Hành trình tàu đô đốc ASEAN: Du lịch Nhật Bản (ASEAN Flagship Voyage, Tour of Japan) đã được triển khai tại nhà hát Kanagawa Dome, thành phố Yokohama và Nhà hát Quốc tế  Osaka, Osaka, Nhật Bản từ 7-23 tháng 12, 2003.

3.  Triển lãm Di sản Văn hoá ASEAN (ASEAN Cultural Heritage Exhibition) được tổ chức từ 27/ 3 đến 9 / 5/ 2003 tại Phòng triển lãm trung tâm ASEAN - Nhật Bản, Tokyo.

4. Hội trại Thanh niên ASEAN (ASEAN Youth Camp)

Hội trại diễn ra từ 5-17 tháng 1, 2004 tại Vienchan và Luang Prabang, có  Nhật Bản tham gia vào hội trại thanh niên này. ([6])

5. Chương trình Trao đổi Nhân lực (People- to- People Exchange Programme)

Chương trình trao đổi giai đoạn 2 đã được thực hiện trong năm 2003 với các đại diện từ Nhật Bản tham gia tại các quốc gia thành viên sau: ([7])

- Tại tỉnh Chiang Mai, Thai land từ 3-7 tháng 2, 2003.

- Tại Malaysia, 23 -29 tháng 6, 2003.

- Tại Singapore: 12-16 tháng 11, 2003.

6. Dàn nhạc giao hưởng ASEAN - Nhật Bản (ASEAN - Japan Symphony Orchest). Dàn nhạc giao hưởng đã biểu diễn thành công tại Tokyo vào 16 tháng 12, 2003 ([8]).

Hợp tác  văn hoá  ASEAN - Hàn Quốc

Theo Báo cáo của tổ chức “Oversea Public Relation System, Ministry of Culture and Tourism”, trong năm 2003, Hàn Quốc đã dành một số lượng tiền khổng lồ để quảng bá hình ảnh của Hàn Quốc đến Châu Âu (82 triệu Won), Bắc Mỹ (75,5 triệu Won) và Nhật Bản (73,3 triệu Won). Đây là thị trường các quốc gia phát triển có thể thu hút đầu tư, kinh tế, thương mại, văn hoá, du lịch…..đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, do  các mục đích và mối quan tâm khác nhau, sự quảng bá hình ảnh của Hàn Quốc không nhận được hiệu quả như mong muốn. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc thay đổi chiến lược, thị trường và  mục tiêu.

Chiến lược văn hoá của Hàn Quốc là khuyếch trương hình ảnh Hàn Quốc tại các nước đang phát triển mạnh như Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Việt Nam, Philippines và một số các quốc gia khác trong khối ASEAN, những quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử , văn hoá với Hàn Quốc. Korean Wave (Hanlyu) là điển hình của nỗ lực marketing trong năm 2004 và 2005. Đây là yếu tố mang lại hiệu quả cao nhằm quảng bá hình ảnh văn hoá Hàn Quốc ở các quốc gia Châu Á thông qua điện ảnh, nhạc pop và thời trang.

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng ký kết các Hiệp định Văn hoá là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy  giao lưu văn hoá song phương, Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc chịu trách nhiệm ký kết các hiệp định này.

Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định Văn hoá với 87 quốc gia trên khắp thế giới; tổ chức các cuộc họp Hội đồng Văn hoá với hơn 30 quốc gia và nỗ lực thúc đẩy hiểu biết văn hoá đa phương thông qua các kế hoạch, chương trình giao lưu văn hoá.

Ở châu Á, Hàn Quốc đã ký Hiệp định Văn hoá  với 15 quốc gia và đặc biệt quan tâm đến các quốc gia trong khối ASEAN. Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định Văn hoá với Malaysia ngày 30 /9 /1965; với Philippines ngày 8 /8 /1970; với Campuchia ngày 4 /8 /1972; với Việt Nam ngày 30/8/1994 ([9]); với Singapore ngày 16/8/1995; với Indonesia ngày 28 /11 /2000 và ký với Thái Lan ngày 15 /5 /2004.

Nội dung của các hiệp định này tập trung vào thúc đẩy giao lưu  và hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá, nghệ thuật, báo chí, phát thanh, điện ảnh, phim, truyền hình, xuất bản, tuổi trẻ và thể thao.

Ký kết các Hiệp định văn hoá là chính sách hữu hiệu để thúc đẩy mối quan hệ thân thiện giữa các quốc gia, tăng cường giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực liên quan.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã thực hiện một chương trình “Xây dựng đối tác với các nước Châu Á” cho 19 người tham gia từ 16 quốc gia khác nhau như một phần tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc và chương trình hợp tác kỹ thuật cho năm 2005 ở Seoul, Hàn Quốc từ 20/9/2005 đễn 29/9/2005. Những người tham gia bao gồm các nước ASEAN như Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Việt Nam và các nước Châu Á khác. Chương trình đào tạo này nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết về văn hoá và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Hàn Quốc với các quốc gia Châu Á, chia sẻ những ý kiến và kinh nghiệm thông qua nghiên cứu về sự phát triển và thành công của Hàn Quốc.

Sáng kiến Đối tác Văn hoá Châu Á (ACPI) là dự án trao đổi tương tác giữa Hàn Quốc với các quốc gia Châu Á, trực tiếp liên quan đến nhiều lĩnh vực về văn hoá như chính sách văn hoá, truyền thống, nghệ thuật đương đại, di sản văn hoá, ngành kinh doanh văn hoá..v.v….Dự án dự kiến cho 10 năm với 3 mục tiêu chính: làm cho nền văn hoá da dạng hơn, tăng cường tính sáng tạo văn hoá, xây dựng mạng con người. ACPI mở ra những cơ hội để hiểu biết sâu sắc hơn không chỉ nền văn hoá Hàn Quốc, mà còn thiết lập những giá trị nền tảng cho sự hợp tác văn hoá trong tương lai giữa tất cả các nước tham gia ở Châu Á.

Năm  2005 là năm đầu tiên của ACPI đã thu hút 81 chuyên gia từ  17 quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia và các quốc gia Châu Á khác.

Năm 2006 là năm thứ hai của ACPI thu hút 142 chuyên gia từ 20  quốc gia Châu Á tham gia dự án này. 29 tổ chức của Hàn Quốc chịu trách nhiệm cho chương trình đó. Trong số những người tham gia, Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất, 28 người  đến Hàn Quốc làm việc và nghiên cứu tại trường KCTPI, KDI, Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc, KBI, Uỷ ban luật bản quyền, KNTO, thành phố Ulsan, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Thư viện, Bảo tàng dân gian Hàn Quốc, Trung tâm Quốc gia Văn hoá truyền thống Hàn Quốc và AMA.

Sau 2 năm thực hiện chương trình ở các nước Châu Á, có thể nói rằng Hàn Quốc đã có nhiều những hoạt động ưu tiên cho trao đổi văn hoá giữa Việt Nam -  Hàn Quốc.

Việt Nam và Hàn Quốc đã thông qua Chương trình trao đổi văn hoá giai đoạn 2005-2008 , chương trình này được ký ngày 22/12/2004 và có hiệu lực tới ngày 31/12/2008.

Hai bên sẽ trao đổi các đoàn đại biểu văn hoá, kể cả các viên chức cấp cao; trao đổi các đoàn biểu diễn nghệ thuật; trao đổi các đoàn mỹ thuật để tổ chức và phối hợp làm triển lãm nghệ thuật tại Hàn Quốc và Việt Nam.

Hai bên còn hợp tác giữa các thư viện, trường nghệ thuật và thiết chế nghệ thuật, các viện nghiên cứu văn hoá- nghệ thuật của hai nước, trao đổi các nhà nghiên cứu, cán bộ của tổ chức trên; ngoài ra hai bên còn trao đổi ấn phẩm và nghiên cứu khoa học; hợp tác giữa các hội văn học - nghệ thuật, hội nhà văn, hội mỹ thuật, hội nghệ sĩ sân khấu, hội nghệ sĩ múa, hội nhạc sĩ, hội nghệ sĩ nhiếp ảnh của hai nước.

Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác và trao đổi giữa các bảo tàng của mỗi bên. Quỹ văn hoá và Nghệ thuật Hàn Quốc cùng đối tác Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác thông qua trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cũng như trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật; ngoài ra hai bên sẽ tạo điều kiện dịch và in ấn các tác phẩm văn học đương đại nổi tiếng, đẩy mạnh sự hiểu biết về nền văn học truyền thống cũng như đương đại của Việt Nam và Hàn Quốc thông qua trao đổi tạp chí về văn học và thông tin về hoạt động văn học.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các hãng phim, các tổ chức nghề nghiệp và hội đoàn nghề nghiệp có liên quan; tăng cường hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực phát thanh – truyền hình. Đặc biệt Uỷ ban Phát thanh - Truyền hình Hàn Quốc và Bộ Văn hoá - Thông tin Việt Nam sẽ ủng hộ các chuyến thăm viếng lẫn nhau của cán bộ cấp cao hai nước nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành phát thanh- truyền hình ở cả hai bên v.v.

Triển vọng hợp tác văn hoá  Trung Quốc, Nhật Bản , Hàn Quốc với ASEAN trong những năm tới

Trong những năm tới, khi Đông Á tiến tới một cộng đồng khu vực, chắc chắn rằng ngoài sự liên kết mạnh mẽ các luồng thương mại và đầu tư, thì sự hợp tác văn hoá xã hội trong Đông Á cũng sẽ   ngày càng            mạnh hơn. Lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN đều mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc,  ASEAN - Nhật Bản trong lĩnh vực văn hoá xã hội, thúc đẩy hoà bình và ổn định của khu vực vì  giao lưu văn hoá là phương pháp có lợi, không chỉ giới thiệu nền văn hoá của mình đối với thế giới bên ngoài, mà còn làm tăng thêm sự hiểu biết, từ đó naỷ sinh tình hữu nghị.

ASEAN là một hiệp hội  thành công nhất của các nước đang phát triển vừa và nhỏ phấn đấu vì mục đích chung là hoà bình, ổn định và phát triển. Xây dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và gắn bó trên ba trụ cột là Hợp tác An ninh - Chính trị, Hợp tác Kinh tế và Hợp tác Văn hoá - Xã hội. Ba trụ cột này liên kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau nhằm góp phần bảo đảm một nền hoà bình bền vững, sự ổn định và sự thịnh vượng chung của mỗi nước và của khu vực......

Văn hoá đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng đề cao hình ảnh không chỉ của ASEAN, mà là cuả các nước Đông Á. Không thể xây dựng một Cộng đồng Đông Á trong tương lai mà không gắn với việc giữ gìn và làm phong phú hơn những đặc trưng của văn hoá các dân tộc Đông Á, của con người Đông Á. Văn hoá giúp tạo dựng tinh thần Đông Á, từ đó khiến cho nếp nghĩ và hành động của mỗi  người dân trong  từng quốc gia có tính khu vực hơn. Dấu ấn quê hương của mỗi cá nhân được tạo ra trong môi trường văn hoá thấm đẫm bao bọc xung quanh từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Bằng sự trao đổi thường xuyên những nét đặc sắc của từng nền văn hoá, cụ thể là sự trao đổi hợp tác văn hoá đa phương ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN- Hàn Quốc, và ASEAN với các nước đối thoại như Australia, Ấn Độ, New Zealand, thế hệ trẻ của các nước  Đông Á không những có điều kiện được mở rộng hiểu biết, mà dần dần tạo dựng được ý  thức là một thành viên của một Cộng đồng Đông Á trong tương lai. Quan hệ văn hoá giữa các nước ASEAN với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand thực sự sẽ làm tăng thêm vốn hiểu biết, giúp đỡ nhau cho sự hợp tác giữa các nước đạt được hiệu quả cao hơn, nhất là trong bối cảnh mới của khu vực và quốc tế trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

 

VŨ TUYẾT LOAN

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Prospectus ASEAN- China Cultural Cooperation, ASEAN – China. Working Paper Submitted by Indonesia, February 2002.

2. Memorandum of Understanding on Cultural Cooperation between ASEAN and The people’s Republic of China, MOU ASEAN- CHINA 2003.

3. ASEAN- CHINA Cooperation Project Brief, 39th Meeting of the ASEAN Committee on Culture and Information, 26-27 April 2004, Siem Reap, Cambodia.(ASEAN COCI); Sub- Commitee on Information and Media (SCI).

4.ASEAN- CHINA Cooperation Project Brief, 39th Meeting of the ASEAN Committee on Culture and Information, 26-27 April 2004, Siem Reap, Cambodia

5.ASEAN COCI; Sub- Commitee on Information and Media (SCI).

6. Association of Southeast Asian Nationals, 3 August 2004.

7. Master Matrix on Regional Actions under ASEAN- Japan Plan of Action;

8. Association of Southeast Asian Nationals, 14 July 2004.

9. Report of Indonesia in ANNEX  SCC/10

10. Report of Laos in  ANNEX  SCC/12

11. Report of Thailand in ANNEX SCC/13

12. Report of Thailand in ANNEX  SCC/14

13. Report of  The Sub-Committee on Cultural of  The 39th Meeting of  The ASEAN Committee on Culture and Information (COCI), 26 April 2004, Siem Reap, Cambodia.

14. Special Supplement of International Affairs Review, Hanoi, 2000.



([1]) “ Khung chiến lược quốc tế của việc Trung Quốc trỗi dậy hoà bình”, Môn Hồng Hoa- Chuyên viên nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, Tạp chí Kinh tế và Chính trị Quốc tế- Trung Quốc, Số 6/2004.

([2]) Trong thiên niên k đầu tiên trước công nguyên, vào thi k đồ đồng, Bán đảo Java (vùng Đông Nam Á) người ta đã tìm thy trng đồng (trng định âm- kettle drum) -  gn ging như nhng cái đã tìm thy vùng Đông Dương và Trung Quc.  Nhng chiếc trng này dường như xut phát t nn Văn hoá Đông Sơn ( Bc Vit Nam), xut hin ít nht vào nhng thế k cui cùng trước Công nguyên. H thng này bao ph c vùng Đông Nam Á và Yunnan (Vân Nam), nơi các nhà kho c hc đã thành công trong vic khai qut các v trí ni tiếng ca  Shizhai Shan.

T thi k nhà Thương(Shang) thiên niên k th 2 trước Công nguyên, lưu vc sông Kuning- ngun gc t nn văn minh Trung Hoa- đã có nhiu mi liên h vi nước ngoài. Các mi liên h càng rõ ràng vi s hình thành ca Hoàng Đế Trung Hoa và các cuc vin chinh ca Tn Thu Hoàng (Qin Shihuangdi) ti Canton (Qung Đông) vào thế k th III trước Công nguyên.

Sau khi Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa bị tiêu diệt, các quốc gia ở phía Bắc nổi dậy vào thế kỷ thứ III.  Sự ghi nhận đầu tiên vĐông Nam Á đã được ghi lại trong các tài liệu cổ xưa của Trung Quốc. Các tài liệu trong đó ghi lại mối quan hệ giữa Trung Quốc với Đông Dương, Funan (Phù Nam), Lin Yi (Lâm ấp), vua nước Ngô (Wu) đã gửi Zhu Ying và Kang Tai tới Funan.  Mối quan hệ với Java chỉ bắt đầu sau thế kỷ thứ  IVProspectus ASEAN-China Cultural Cooperation, ASEAN –China Working Paper Submitted by Indonesia, February 2002.

([3]) ASEAN- China Working Paper Submitted by Indonesia, February 2002.: Prospectus  ASEAN-China Cultural Cooperation.

([4]) ASEAN- CHINA Cooperation Project Brief, 39th Meeting of the ASEAN Committee on Culture and Information, 26-27 April 2004, Siem Reap, Cambodia.(ASEAN COCI); Sub- Commitee on Information and Media (SCI).

([5]) Association of Southeast Asian Nationals, 3 August 2004.

([6]) Báo cáo hoạt động của Lào ở phụ lục SCC/12.

([7]) Báo cáo hot động ca Thái Lan ph lc SCC/13.

([8]) Báo cáo ca Thái Land v hot động này ph lc SCC/14

([9]) Việt Nam là quốc gia thứ 3  trong khối ASEAN ký kết Hiệp định Văn hoá với Hàn Quốc. Thay mặt hai quốc gia, Thủ tướng Park Kun-woo (Hàn Quốc) và Thủ tướng Vũ Khoan (Việt Nam) đã ký Hiệp định này tại Hà Nội. Hiệp định này đã đi vào hiệu lực từ ngày 29/9/1994 với tổng số 15 điều khoản, hai quốc gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các phương pháp, điều kiện kỹ thuật.v..v.., xúc tiến giáo dục và khoa học, cổ vũ văn hoá và nghệ thuật, trao đổi các đoàn đại biểu, đoàn biểu diễn nghệ thuật, ấn phẩm, nghiên cứu khoa học, thông tin đại chúng…Hiệp định này có hiệu lực trong vòng 5 năm và sđược tđộng được gia hạn 5 năm một lần. Với việc ký kết hiệp định này, Việt Nam và Hàn Quốc đã đánh dấu một mốc quan trọng trong việc cổ vũ hợp tác văn hoá và xúc tiến hiểu biết đa phương giữa hai quốc gia.

0thảo luận