Trang chủ

MÔ HÌNH ĐÀN NHẠN BAY – HỌC THUYẾT CHIẾN LƯỢC TRỌNG YẾU CỦA NHẬT BẢN TRONG HỢP TÁC KINH TẾ VÙNG ĐÔNG Á

Đăng ngày: 2-07-2012, 16:09 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 10

1. Nội dung chủ yếu và sự chuyển biến của mô hình  đàn nhạn bay

Mô hình "đàn nhạn bay" do nhà kinh tế học Nhật Bản Akamatsu Kaname khởi xướng đầu tiên từ những năm 1930. Mô hình này ban đầu mô tả quá trình công nghiệp hoá của một nước phát triển, nhưng sau đó nó được mở rộng phạm vi áp dụng cho công nghiệp hoá, phát triển mạng lưới sản xuất và hợp tác trong khu vực. Trong mô hình đó, Nhật Bản được xem như là con nhạn đầu đàn, tiếp theo là các nền kinh tế mới công nghiệp hoá NIEs, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Các nước này được ví như một đàn nhạn và bay theo một trình tự nhất định theo hình chữ V(1). Trong những thập kỷ sau này (từ những năm 1970 trở đi), mô hình này đã được Kojima Kiyoshi bổ sung, hoàn thiện dựa trên sự kết hợp lý thuyết của Akamtsu với các luận thuyết kinh tế học tân cổ điển. Điều này được xem là sự "Tây phương hoá" mô hình này. Sự bổ sung và chỉnh sửa này đã làm tăng vị trí và ảnh hưởng của nó trong các đường lối, chính sách của Nhật Bản và tăng sự thích ứng của nó đối với giai đoạn Nhật Bản từ nền kinh tế đang phát triển sang nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

a. Mô hình ban đầu của Akamatsu

Theo Akamatsu, mô hình đàn nhạn bay “.... biểu thị sự phát triển sau khi nền kinh tế của nước kém phát triển thiết lập mối quan hệ kinh tế với những nước phát triển”(2). Akamatsu đề cập đến thuật ngữ “sangyụ hatten no gankụ keitai” (mô hình đàn nhạn bay của sự phát triển công nghiệp) lần đầu tiên trong một bài báo được xuất bản năm 1935(3). Lấy ví dụ về công nghiệp len của Nhật Bản, ông phân tích sự phát triển của sản phẩm ngay trong phạm vi một ngành công nghiệp cụ thể.

Điều này có thể được xem như là khía cạnh nội bộ ngành công nghiệp, và đây là loại hình chủ yếu, ban đầu của mô hình đàn nhạn bay. Loại hình cơ bản này sau đó có thể được áp dụng nhằm hình thành và phát triển các ngành công nghiệp trong nước đang phát triển nhất định. Điều này đưa đến khía cạnh liên ngành công nghiệp của mô hình này. Việc kết hợp mô hình đàn nhạn bay này giữa các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá ở những nước phụ thuộc lẫn nhau đã hình thành nên khía cạnh quốc tế của mô hình. Điều này thể hiện ở quá trình phân bố lại tiếp theo của các ngành công nghiệp từ những nước tiên tiến đến những nước đang phát triển, trong tiến trình phát triển kinh tế của các nước kém phát triển hơn. Cách tiếp cận  này đã được Akamatsu đưa ra vào đầu những năm 1940 (4).

Để nêu khía cạnh nội bộ ngành của mô hình đàn nhạn bay, Akamatsu cho rằng “…giai đoạn đầu tiên là khi những hàng hoá được sản xuất, hầu hết là những hàng tiêu dùng, được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong giai đoạn thứ hai, sản xuất trong nước được thực hiện sau khi tiến hành nhập khẩu những nguồn tài nguyên thiên nhiên, máy móc và các thiết bị cho quá trình sản xuất. Thứ ba là giai đoạn công nghiệp hoá nhằm xuất khẩu khi hệ thống sản xuất bản địa được hình thành”(5).

Đầu tiên, việc nhập khẩu những sản phẩm nước ngoài sẽ đưa đến sự gia tăng những nhu cầu trong nước đối với những sản phẩm này, do đó nó sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước. Khi một nền công nghiệp non trẻ trong nước được phát triển đầy đủ để sản xuất từ những sản phẩm bán cơ khí thành những sản phẩm cơ khí thì sự thay đổi của những sản phẩm nhập khẩu từ bán cơ khí thành cơ khí cũng diễn ra cũng như sự tăng lên về khối lượng của những nguồn tài nguyên thiên nhiên được nhập khẩu. Cuối cùng khi việc sản xuất trong nước vượt quá cầu trong nước thì việc xuất khẩu được bắt đầu và sau đó tăng lên.


Hình 1: Khía cạnh nội bộ ngành của mô hình đàn nhạn bay

Máy xe sợi và máy dệt

Vải

Quần áo sợi bông         Máy móc và thiết bị

Chú thích: Các đường này được tính từ năm 1870 đến trước Chiến tranh Thế giới lần II:

đường ------ : nhập khẩu, đường ¾¾¾ : sản xuất, đường - - -:  xuất khẩu

 

 

Khi vẽ ba chuỗi đường cong bao gồm đường cong biểu thị hoạt động nhập khẩu, sản xuất trong nước và xuất khẩu của những mặt hàng cơ khí đến những nước chậm phát triển, ông đã thể hiện mô hình cơ bản này như được thấy ở Hình 1. Thuật ngữ “mô hình đàn nhạn bay” mà sau này được dùng để mô tả sự phát triển tiếp nối của các nước, được đề cập ban đầu ở ba chuỗi đường cong giống như hình chữ V của đàn nhạn đang bay.(5)

Với việc đưa khía cạnh quốc tế vào mô hình này, sự ẩn dụ đàn nhạn bay vẫn có ý nghĩa và được sử dụng một cách phổ biến cho đến ngày nay. Akamatsu viết rằng “… những nước trong thế giới này hình thành một trình tự theo mô hình đàn nhạn bay từ những nước tiên tiến …tới những nước chậm phát triển hơn …” (6). Lấy ví dụ ở vùng Đông Á, C. H. Kwan đã minh hoạ sự phát triển rượt đuổi của những ngành công nghiệp khác nhau trong một nước nhất định, theo khía

cạnh liên ngành của mô hình đàn nhạn bay cũng như sự tái phân bố lại những ngành công nghiệp từ những nước tiên tiến tới những nước đang phát triển, như trong Hình 2.

Trong khi những nước theo mô hình này cố đạt đến sự thống nhất hoá cơ cấu kinh tế so với những nước tiên tiến thì các nước tiên

tiến lại cố duy trì sự không thống nhất qua những cách thức như sự đổi mới công nghệ. Do đó, Akamatsu chỉ ra rằng mô hình đàn nhạn bay không cho rằng quá trình phát triển sẽ dần dần và ổn định.


Hình 2: Khía cạnh liên ngành và quốc tế của mô hình đàn nhạn bay

 

Thời gian

Thời gian

Nước 3

ASEAN

Nước 4

Trung Quốc

Nước 2

NIEs

Nước 1

Nhật Bản

Sản xuất,

Tiêu dùng

Sản xuất,

Tiêu dùng

Ngành A

Dệt

Ngành B

Hoá học

Ngành C

Thép

Ngành D

Ô tô

Đối với một ngành cụ thể

Đối với một nước cụ thể

 

 

Các nước sẽ không hoàn toàn tiến bước với cùng một tốc độ, nhưng chúng “đôi khi tạm dừng và lúc khác tạo những sự phát triển nhấp nhô” (7). Khi những nước tiên tiến đình trệ hoặc phát triển kinh tế nhanh thì điều này dẫn đến những động thái tương tự ở những nước kém  phát triển hơn.

b. “Tây phương hoá” mô hình đàn nhạn bay và luận thuyết chu kỳ rượt đuổi sản phẩm của Kojima

Lý thuyết chu kỳ rượt đuổi sản phẩm của Kojima Kiyoshi chắc chắn là sự diễn giải đương thời có ảnh hưởng nhất về mô hình đàn nhạn bay. Kojima đã nhấn mạnh những sự khác biệt giữa lý thuyết chu kỳ sản phẩm của Vernon và mô hình đàn nhạn bay. Nhưng ông đã không làm nổi bật được những quan điểm khác nhau giữa cách tiếp cận của Vernon và Akamatsu. Đúng hơn, ông đã đối lập cách tiếp cận kinh tế vi mô trong lý thuyết của Vernon và những yếu tố kinh tế vĩ mô trong tư tưởng của Akamatsu và kết hợp những ý tưởng của Akamatsu với quan điểm kinh tế vĩ mô của lý thuyết tỷ lệ yếu tố sản xuất. Kết quả là, các nỗ lực của Kojima để tăng cường cách tiếp cận đàn nhạn bay trên bình diện quốc tế đã không đưa lại sự “Nhật Bản hoá” trong các cuộc tranh luận quốc tế, mà lại đưa đến sự “Tây phương hóa” những ý tưởng của Nhật Bản về phát triển kinh tế trong mô hình này.

Kojima đã đưa ra mô hình đàn nhạn bay trong một tranh cãi lớn về vai trò của những công ty đa quốc gia diễn ra vào những năm 1970. Đưa vấn đề đầu tư nước ngoài vào mô hình đàn nhạn bay, ông mở rộng những mô tả ban đầu về mô hình đàn nhạn bay của Akamatsu, thêm vào giai đoạn kết hợp sản xuất và xuất khẩu giảm với sự gia tăng sản xuất ở nước ngoài và nhập khẩu ngược trở lại từ những nước đi sau, kém phát triển hơn (Hình 3).

 

 

 

Hình 3: Chu kỳ rượt đưổi sản phẩm của Kojima

Sản xuất ở

nước ngoài

Dự trữ nhập khẩu

Thời gian

Thời gian

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Sản xuất

TƯ LIỆU SẢN XUẤT

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Sản xuất

HÀNG TIÊU DÙNG

 

 

Kojima diễn giải một cách rõ ràng lý thuyết chu kỳ rượt đuổi sản phẩm của ông như một sự phân tích năng động về phân công lao động quốc tế. Sự phân tích này khác biệt với quan điểm bất biến của trường phái tân cổ điển về vấn đề này. Những quyết định đầu tư, theo Kojima, nên dựa trên lợi thế so sánh tương đối có triển vọng trong giai đoạn phát triển tiên tiến hơn, hơn là dựa trên lợi thế so sánh tương đối hiện tại của chúng. Tuy nhiên, sự phát triển năng động này đúng hơn là kết quả của sự kết nối và tương tác lẫn nhau giữa nhập khẩu và sản xuất trong nước, theo như quan điểm ban đầu của Akamatsu,  là do có sự chuyên môn hoá của các nước tham gia thị trường thế giới hoặc vùng. Mặc dù áp dụng những quan điểm lý luận khác nhau, việc giải thích lại của Kojima về mô hình đàn nhạn bay này cũng như lý thuyết chu kỳ rượt đưổi sản phẩm của Vernon đều được hình thành từ quan điểm của các nền kinh tế phát triển. Vernon có cách tiếp cận kinh tế vi mô và Kojima lại đưa mô hình đàn nhạn bay vào lý thuyết kinh tế vĩ mô của các tỷ lệ các yếu tố sản xuất. Cả hai lý thuyết này đều có chung những đặc điểm quan trọng của hầu hết những lý thuyết của phương Tây chủ yếu về các khía cạnh kinh tế vĩ mô, xem nhẹ tầm quan trọng của cơ cấu và các mối liên kết kinh tế vi mô trong công nghiệp. Mặt khác, cách tiếp cận ban đầu của Akamatsu đã đưa ra một quan điểm khác nhau rõ ràng so với hầu hết các lý thuyết phát triển kinh tế của phương Tây.

2. Ảnh hưởng của mô hình đàn nhạn bay đối với việc hình thành chính sách hợp tác kinh tế vùng của Nhật Bản

a. Ảnh hưởng đối với các học giả và các thành viên  trong chính phủ

Mô hình "đàn nhạn bay" đã có những tác động lớn đến các quan điểm kinh tế chính trị, hợp tác kinh tế quốc tế của Nhật Bản đối với vùng Đông Á, đặc biệt là với các nước ASEAN.

Akamatsu hình thành mô hình "đàn nhạn bay" trong khi Nhật Bản tiến hành xâm chiếm Trung Quốc và Chiến tranh Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều đó không dẫn đến những sai lầm, ngộ nhận quan điểm "đàn nhạn bay" như là học thuyết trong khoảng thời chiến này. Học thuyết của Akamatsu được dựa trên các phân tích nền kinh tế Nhật từ khi thực hiện chính sách mở cửa đối với các nước phương Tây thế kỷ XIX. Akamatsu ủng hộ thương mại quốc tế bao gồm cả với các nước phương Tây đối địch với Nhật Bản trong chiến tranh. Ông cho rằng Nhật Bản không phải là senshinkoku (nước đã phát triển) mà là shinkokoku (là nước đi trước, phát triển hơn) so với các nước đi sau, phát triển thấp hơn. Lý thuyết của ông cũng không nêu lên việc thành lập một hệ thống kinh tế vùng một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, học thuyết này lại được dùng như là sự biện hộ về mặt tư tưởng cho chủ nghĩa đế quốc của Nhật Bản ở châu Á. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc làm rõ hơn sự liên quan về cá nhân ông với kế hoạch chiến tranh của Nhật Bản.

Kojima là người kế tiếp và phát triển học thuyết trên của Akamatsu thành lý thuyết về phát triển kinh tế và liên kết vùng Đông Á. Ông cũng đã đưa luận điểm lý thuyết này vào chiến lược hợp tác vùng của Nhật Bản với mô hình cơ bản là:

+ Các nước kém phát triển hơn có thể học từ các nước tiên tiến thông qua nhập khẩu những sản phẩm và sản xuất hàng hoá cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu hàng hoá đó ra nước ngoài và cuối cùng là nhập khẩu trở lại các sản phẩm từ các nước kém phát triển hơn (hình thức cơ bản của mô hình đàn nhạn bay).

+ Mô hình này đã tạo nên những chuyển biến thực chất của nền kinh tế thông qua việc lặp lại từng bước cùng một chu kỳ từ sử dụng các công nghệ dùng nhiều lao động đến công nghệ sử dụng nhiều vốn và cuối cùng là phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và công nghệ cao (hình thức biến thể của mô hình đàn nhạn bay)

+ Mô hình công nghiệp hoá mà Nhật Bản đã trải qua sẽ được lặp lại từ nền kinh tế này đến nền kinh tế khác trong vùng thông qua chuyển giao công nghệ và đầu tư trực tiếp (khía cạnh quốc tế của đàn nhạn bay) (9).

Sự hợp tác và phát triển vùng theo mô hình này có thể hình dung dựa trên ba nhóm nhạn bay theo thứ tự ruợt đuổi là: thứ nhất là Nhật Bản, thứ hai là các nước NICs và tiếp theo là các nước ASEAN 4 tương ứng với lợi thế so sánh của các nước này trong vùng. Các ngành công nghiệp cũng chuyển biến một cách tương ứng với các lợi thế so sánh trên từ các ngành sử dụng nhiều lao động đến các ngành sử dụng nhiều tri thức và công nghệ. Trong đội hình bay trên, mỗi con nhạn đều nhận được từ Nhật Bản một cơ cấu công nghiệp tương tự như của Nhật Bản nhưng với độ trễ thời gian lớn hơn và đến một thời gian nhất định cơ cấu công nghiệp và thương mại vùng có tính bổ xung lẫn nhau cũng sẽ được hình thành (10).

Kojima cũng cho rằng việc hình thành nền kinh tế Đông Á dựa trên cơ cấu công nghiệp như trên sẽ củng cố nền tảng kinh tế nhằm thúc đẩy tính tự chủ của vùng và tạo nên những sức mạnh đàm phán với Mỹ và Tây Âu (11). Với ý nghĩa này, những luận điểm của học thuyết đàn nhạn bay cũng trùng hợp với nội dung chiến lược vùng của Nhật Bản. Trên thực tế, các nền kinh tế Đông Á đã tạo nên một chuỗi tăng trưởng cao thích ứng được với sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản. Đặc biệt từ giữa những năm 1980 với sự sụt giảm của đồng yên Nhật, FDI của Nhật Bản tăng mạnh trong vùng đã thúc đẩy tăng trưởng hướng theo xuất khẩu từ các nước NICs đến các nước ASEAN 4. Như vậy, mô hình này đã trở thành lý thuyết chủ yếu minh chứng cho sự tăng trưởng và hợp tác đầu tư thương mại của các nước trong vùng. FDI của Nhật Bản theo mô hình đàn nhạn bay đã chuyển dịch những ngành công nghiệp từ cấp độ này đến cấp độ khác (từ sử dụng nhiều lao động đến sử dụng nhiều công nghệ) nếu ngành này ở Nhật Bản bị mất lợi thế cạnh tranh do việc nâng cao trình độ công nghệ cho các ngành công nghiệp và các nước Đông Á khác lại có được những lợi thế so sánh  này. Do đó, FDI được xem là hình thức chủ yếu để Nhật Bản có thể gia tăng ảnh hưởng của nước này trong vùng.

Đến cuối những năm 1950 đầu những năm 1960, khi sự có mặt của Nhật Bản trong vùng được tăng cường thì mô hình này trở nên có ảnh hưởng lớn hơn trong các chủ trương, đường lối chính trị, kinh tế đối ngoại của Nhật Bản và đã trở thành quan điểm chính thống về phát triển trong giới học thuật và các nhà kinh tế Nhật Bản trong đầu và giữa những năm 1990(12). Học thuyết này "thường được trích dẫn không chỉ từ các nhà kinh tế mà cả các quan chức cấp cao của Chính phủ cũng như các nhà kinh doanh" và nó trở thành một tư tưởng luận giải cho vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản như là một lãnh đạo kinh tế của vùng (13).

Một trong những người quan trọng nhất ủng hộ mô hình này trong các cuộc diễn thuyết chính trị của Nhật Bản là Ôkita Saburo, ông Ôkita đã từng là một quan chức kinh tế quan trọng thời Chiến tranh Thái Bình Dương cũng như  giữ nhiều vị trí then chốt khác nhau trong các cơ quan kinh tế của Nhật Bản từ năm 1945. Theo Akamatsu, mặc dù Ôkita Saburo không phải là một học giả, cũng không có quan hệ với trường Đại học Hitoshubashi, nhưng ông nhận thức được cách tiếp cận "đàn nhạn bay" của Akamatsu như là nền tảng lý luận chủ yếu trong các suy nghĩ của ông về các vấn đề kinh tế quốc tế.

Cuối những năm 1960, Nhật Bản đã trở thành nước công nghiệp tiên tiến nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn rất cao. Những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do như Ôkita và Kojima đã lĩnh hội được vị trí kinh tế mới của Nhật Bản như là một nước lãnh đạo, đi đầu châu Á, đã làm thay đổi lợi ích của Nhật Bản trong vùng này. Một điều cũng cần được lưu ý là chỉ vài năm trước đó năm 1962, Kojima đã cho rằng: "... nếu gạt bỏ ý tưởng liên kết với các nước châu Á khác thì cũng sẽ làm đổ vỡ những thành tựu kinh tế mà Nhật Bản đã đạt được trước đó".

Năm 1979, Ôkita đã lãnh đạo một nhóm nghiên cứu của Nhật Bản chuẩn bị mở Hội nghị hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) đầu tiên năm 1980 trước khi là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Thủ tướng Ôhira. Ông đã tuyên bố trong PECC là: "Phân công lao động ở vùng Thái Bình Dương được thực hiện theo mô hình "đàn nhạn bay". Nói chung có hai loại mô hình của phân công lao động quốc tế: phân công lao động theo chiều dọc phổ biến trong thế kỷ 19 nhằm xác định quan hệ giữa nước đã công nghiệp hoá với nước cung cấp các nguồn tài nguyên hoặc giữa nước lớn và thuộc địa và phân công lao động theo chiều ngang mà điển hình là EEC... Đối lập với cả hai hình thức trên là mô hình "đàn nhạn bay" thể hiện động lực năng động rất đặc biệt".

Cũng trong thời gian này, với tư cách là Chủ tịch Ban các vấn đề kinh tế đối ngoại, Ôkita đã phát triển các đường hướng cho các chính sách biện pháp để thúc đẩy việc chiếm lĩnh thị trường của Nhật Bản. Ông cho rằng: "cái mà tôi có thể đề nghị là thực hiện một Kế hoạch Marshall theo kiểu Nhật Bản... Đồng thời, Nhật Bản phải tiếp tục mọi nỗ lực nhiều hơn để nhập khẩu các sản phẩm thô, tăng các sản phẩm cơ khí có tính quốc tế và có tính cạnh tranh hơn từ các nước châu Á khác".

Trong khi Ôkita nắm bắt được các vấn đề của các nước đang phát triển phải đương đầu khi họ cố gắng thâm nhập vào thị trường của các nước phát triển thì ông lại chưa nhận thức một cách đầy đủ những khó khăn mà các nước đi sau phải đương đầu trong quá trình phát triển công nghiệp và kỹ thuật. Còn Akamatsu lại nhận thức rõ được phân công lao động quốc tế từ góc độ của các nước đang phát triển, ví dụ như nhận thức được các yêu cầu đặt ra đối với chính sách công nghiệp năng động bao gồm cả các biện pháp tạm thời thay thế nhập khẩu. Ôkita hầu như tập trung vào việc thúc đẩy xuất khẩu: "Có một số điều cần đề cập đến trong việc tăng cường xuất khẩu. Đó là việc liên kết chặt chẽ hơn với phần còn lại của thế giới, đã đặt ra vấn đề các ngành công nghiệp trong nước cần đạt đến trình độ cạnh tranh quốc tế và do vậy sẽ dẫn đến việc phải chú trọng đến chi phí trong các lựa chọn chính sách và kế hoạch kinh tế. Mặt khác, điều đó cũng dẫn đến sự hình thành cơ chế của khu vực tư nhân" (14)

Do vậy, trong thời điểm cách tiếp cận "đàn nhạn bay" ảnh hưởng lớn nhất đến chính giới Nhật Bản thì đó không phải là mô hình Akamatsu ban đầu mà là sự diễn giải "Tây phương hoá" của Kojima đã giữ vị trí chủ yếu trong các cuộc hội thảo. Sự diễn giải này phù hợp với nhận thức về lợi ích của Nhật Bản hơn là luận thuyết ban đầu của Akamatsu. Đồng thời nó cũng đáp ứng được thực trạng kinh tế mới ở Nhật Bản, góp phần vượt qua các khó khăn ban đầu của sự phát triển kinh tế, đưa đến những nhận thức mới về các vấn đề kinh tế từ quan điểm của một nước phát triển.

Hơn nữa, thậm chí Kojima đã chặt chẽ hơn Ôkita trong các tranh luận khoa học nói chung và kế thừa được tri thức của Akamatsu nói riêng. Ôkita rất chú trọng đến khía cạnh quốc tế của mô hình "đàn nhạn bay" và xem nhẹ khía cạnh trong và ngoài các ngành công nghiệp là những ngành có liên quan nhiều hơn tới quan điểm của các nước đang phát triển (15).

b. Ảnh hưởng của mô hình này đối với các quan điểm, định hướng của các cơ quan hoạch định chính sách của Nhật Bản

Thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong nước cũng như đầu tư và mậu dịch với các nước Đông Á, MITI và các cơ quan soạn thảo chính sách quan trọng khác của Nhật Bản đã đánh giá một cách xác thực các thành công trong mô hình phát triển “đàn nhạn bay” ở Đông Á, đã vận dụng và ủng hộ mô hình này như một phương thức thiết yếu qua đó tiến tới hội nhập hoàn toàn hơn nữa trong vùng. Đối với MITI và các bộ ngành kinh tế khác, vị thế của Nhật Bản luôn luôn là con chim đầu đàn trong mô hình “đàn nhạn bay” và thứ bậc phát triển kinh tế Đông Á là bằng chứng thiết thực chứng minh quan điểm cho rằng Nhật Bản tất yếu là người tổ chức và quốc gia dẫn đầu ở khu vực Đông Á. MITI cũng đã khẳng định rằng các quốc gia Đông Á, giống như Nhật Bản, đã phải dựa vào chiến lược tiếp cận thị trường Mỹ để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong suốt những giai đoạn phát triển ban đầu. Vì vậy, điều này cũng có nghĩa là mô hình tam giác tương tác kinh tế Nhật Bản - Đông Á - Mỹ vẫn tiếp diễn ở một mức độ nhất định, trong đó Nhật Bản không phải là nước dẫn đầu đương nhiên trong khu vực và Đông Á vẫn cần “mở cửa” nhằm tiếp tục tham gia vào thị trường Mỹ cũng như các thị trường nước ngoài khác. Tuy nhiên, MITI cũng cho rằng mức độ FDI và thương mại trong khu vực Đông Á liên tục tăng giữa Nhật Bản, nhóm NIE-4, ASEAN-4 và Trung Quốc và không còn phụ thuộc quá lớn vào hoạt động xuất khẩu sang Mỹ là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của mô hình phát triển “đàn nhạn bay” được thể hiện ở chính khu vực này và rằng Nhật Bản là nền kinh tế quan trọng hàng đầu ở Đông Á.

Kết quả, MITI và Chính phủ Nhật Bản vận dụng mô hình “đàn nhạn bay” – được hỗ trợ thông qua hình thức ODA – nhằm phổ biến các chuẩn mực phát triển của Nhật Bản trong toàn vùng cũng như trong các tổ chức toàn cầu. Ví dụ, Kế hoạch Phát triển công nghiệp Châu Á mới năm 1987 của MITI nhằm mục đích thúc đẩy sự phân công lao động giữa Nhật Bản và các nước Đông Á thông qua mô hình “đàn nhạn bay”, cụ thể là khuyến khích các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu trong khu vực và chuyển giao công nghệ cũng như cấp vốn cho các ngành công nghiệp. Tương tự như vậy, Sách trắng Thương mại quốc tế năm 1992 Báo cáo Tầm nhìn năm 2000 của MITI đã có ảnh hưởng đến các tranh luận về tương lai phát triển kinh tế của Đông Á trong khuôn khổ APEC. Những báo cáo này cũng khẳng định tầm quan trọng của mô hình đàn nhạn bay cũng như tự do hoá thương mại và FDI cần được kết hợp với hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân nhằm đảm bảo mỗi thành viên APEC đều đạt được trình độ phát triển đủ để đối phó với áp lực của sự mở cửa và cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Trên thực tế, với sự gia tăng tỷ trọng thương mại trong nội vùng Đông Á cao hơn gấp 4 lần so với xuất khẩu của Đông Á sang Mỹ trong những năm 1980 và 1990 cũng như tỷ trọng FDI của Đông Á/ tổng FDI vào Đông Á đã tăng từ trên  6,.5% năm 1980 đến hơn xấp xỉ 20 % trong những năm gần đây đã khiến hình ảnh mô hình đàn nhạn bay thậm chí ảnh hưởng lớn hơn trong thập niên 90 và ngay cả đầu những năm 2000.

Như vậy, Nhật Bản với mô hình “đàn nhạn bay” đã đóng góp rất lớn cho sự  phát triển kinh tế cũng như hợp tác kinh tế ở Đông Á, trong đó mạng lưới sản xuất của Nhật Bản, như một hình thức triển khai mô hình trên, cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế vùng trong những thập kỷ gần đây.

 

DƯƠNG MINH TUẤN

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Akamatsu, Kaname (1962), A Historical Pattern of Economic Growth in Developing Countries, The Developing Economies, Tokyo, Preliminary Issue No. 1.

2. Akamatsu, Kaname (1935), The Trend of Foreign Trade in Manufactured  Woolen Goods in Japan, Shogyo Keizai Roniew (Higher Commercial School of Nagoya) 13, July.

3. Akamatsu, Kaname (1943), The Flying Geese Pattern of Industrial Development in Newly Industrializing Countries, Essays in Honor of Dr. Ueda Teijir. Vol. 4: Research on Population and the East Asian Economy, Tokyo: Kagakushugi.

4. Kojima, Kiyoshi (1978), Direct Foreign Investment, A Japanese Model of        MultinationalBusiness Operations. London: Croom Helm.

5.Yamazawa, Ippei (2003a), Comprehensive Economic Partnership: A Japanese Perspective, in Ippei Yamazawa and Daisuke Hiratsuka eds., TowardASEAN-Japan Comprehensive Economic Partnership, Chiba, the Institute of Developing Economies.

6. Oba, Mie (2004): 地域??と??I [Regionalism and Japan’s Choice], in Susumu Yamakage ed., アジア政?治?経済?論_ [The PoliticalEconomy of Asia]: Tokyo: NTT 出版.

7. Munakata, Naoko [2005],?地域?経済?と???の形成? (The Formation of Japan’s Regional Economic Integration Policy), Naoko Munakata (ed.), 東?京?: 東?洋経済?新報?社.   



(1) Akamatsu Kaname (1962): "Historical pattern of economic growth in developing countries", The Developing Economic, N0 1, pp 3-25

(2) Như trích dẫn (1)

(3) Akamatsu, Kaname (1935):The Trend of Foreign Trade in Manufactured  Woolen Goods in Japan.. In: Shogyo Keizai Roniew (Higher Commercial School of Nagoya) 13, July, pp. 129–212.

(4) Akamatsu, Kaname (1943):”The Flying Geese Pattern of Industrial Development in Newly Industrializing Countries”. In: Essays in Honor of Dr. Ueda Teijir. Vol. 4: Research on Population and the East Asian Economy, Tokyo: Kagakushugi, pp. 565–577.

(5) Akamatsu, Kaname (1944): Principles of Formation of New Economic Order, Tokyo: Risosha

(6) Như  trích dẫn (1)

(7) Như trích dẫn (1), tr 18

(9) Kojima Kiyoshi (1997): “?接投?‘?型発?,世界経済?評]論_,March, tr  28.

(10) Glipin Robert (2000): “The challenge of global capitalism: the worrld ecônmy in the 21 st century”, Princeton U.P và Kojima Kiyoshi (1997): “?接投?‘?型発?”,世界経済?評]論_,March.

(11) Kojima Kiyoshi (1997): “多?国?籍企?業?の直?接投?資‘”, Diamond Press.  11)

(12) Jomo Kwame Sumdaram (2001): "Rethinking the role of Government Policy in Shoutheast Asia". Rethinking the East Asia Miracle New York, Oxford University Pres, pp 461 - 508.

(13) Hatch Walter (1998): "Grounding Asia's Flying Geese: The Cost of Depending heavily on Japanese Capital and Techonogy". National Bureau of Asian Research. Briefing.

(14) Okita, Saburo (1985): Special Presentation: Prospect of the Pacific Economies.In: Korea Development Institute, Pacific Economic Cooperation. Issues and Opportunities, Report of the Fourth Pacific Economic Cooperation Conference, Seoul, April 29–May 1, 1985, Seoul: Korea Development Institute, pp. 18–29.

(15) Kojima Kiyoshi (2000): "Reconsideration: The flying Geese Patteron of Economic Development, Surugadai Keizai Ronshu, March.

0thảo luận