Trang chủ

VÀI NÉT VỀ CÔNG TÁC BIÊN SOẠN GIÁO TRÌNH VÀ GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ KOREA CHUYÊN NGÀNH KOREA HỌC Ở VIỆT NAM

Đăng ngày: 2-07-2012, 16:07 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 10

Đã 15 năm trôi qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992), mối quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam- Hàn Quốc không ngừng được củng cố, phát triển trên mọi lĩnh vực và ngày càng thu được nhiều thành tựu to lớn. Hoà chung với dòng chảy lịch sử đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước, theo đó cũng không ngừng phát triển. Nhiều cán bộ, học viên, sinh viên, học sinh của Việt Nam đã sang học tập và nghiên cứu tại nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo ở Hàn Quốc. Tương tự, phía Hàn Quốc cũng cử nhiều chuyên gia, học viên, học sinh sang công tác và học tập tại Việt Nam. Trong đó, tổ chức Koika của Hàn Quốc hàng năm đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cử các giáo viên tình nguyện sang giảng dạy tiếng Hàn cho nhiều cơ sở đào tạo ở Việt Nam. Có thể thấy, thông qua nhiều loại hình đào tạo, số người học và sử dụng tiếng Hàn ở Việt Nam ngày một tăng. Thành tựu này không chỉ góp phần xoá bỏ bức rào cản về ngôn ngữ giữa hai dân tộc, mà còn góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ, hợp tác giữa hai nước.

Cùng với việc đẩy mạnh đào tạo tiếng Hàn, trong nhiều năm qua, ngành Korea học ở Việt Nam còn trang bị kiến thức Korea học cho người học các môn khoa học như lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội. Những môn học này không chỉ giúp cho người học nắm được một lượng kiến thức phong phú về Korea học, mà qua đó còn giúp cho người học có một cái nhìn hệ thống,  toàn diện về đất nước và con người của vùng bán đảo này.

Trong khuôn khổ của một bài viết khoa học, chúng tôi không có tham vọng đi sâu phân tích về những thành tựu của quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo 15 năm qua, mà chỉ nêu và phân tích về công tác biên soạn giáo trình và một vài kinh nghiệm giảng dạy môn lịch sử Korea của ngành Korea học ở Việt Nam hiện nay.

1. Vài nét về những tác phẩm tiếng Việt liên quan đến lịch sử Korea tại Việt Nam

Cũng như lịch sử Việt Nam, lịch sử Korea là môn học chứa đựng nhiều nội dung khoa học quan trọng. Để có thể chuyển tải khối lượng kiến thức của môn học này đến người học, chúng tôi cho rằng trước hết là cần phải có giáo trình, bài giảng của môn học. Nói cách khác, công tác biên soạn giáo trình và bài giảng đối với môn học này đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của quá trình dạy và học. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, việc biên soạn giáo trình lịch sử Korea ở Việt Nam trong những năm qua còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã có một số tác phẩm tiếng Việt đề cập đến lịch sử Korea do các tác giả Việt Nam biên soạn nhưng nội dung mới chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, nhất là hạn chế về phần lịch sử cận đại và hiện đại. Chẳng hạn,  cuốn Đại cương lịch sử Thế giới Trung đại; tập 2 (các nước phương Đông) của các tác giả Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn La, Nxb. Giáo Dục-1994, khi đề cập đến lịch sử cổ đại, trung đại Korea, nội dung mới dừng lại mức độ khái quát về các thời đoạn hình thành và phát triển của lịch sử. Tương tự, cuốn Đaị cương lịch sử thế giới cận đại; tập 2 (tái bản lần thứ hai) của các tác giả Vũ Dương Ninh và Nguyễn Văn Hồng, Nxb Giáo Dục-1997, phần đề cập đến lịch sử cận đại Korea, nội dung còn mang tính khái quát, sơ lược. Theo quan điểm của chúng tôi, hai cuốn lịch sử đại cương nêu trên, nội dung có liên quan đến phần lịch sử Korea chỉ có thể là nguồn tài liệu tham khảo cho người học ngành Korea học.

Năm 1995, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia giới thiệu cuốn sách có tiêu đề “Hàn Quốc lịch sử và văn hoá” do Cơ quan thông tin hải ngoại Hàn Quốc xuất bản tại Seoul năm 1994, dịch từ bản tiếng Anh. Trong phần 2 (phần lịch sử), cuốn sách đã đề cập khái quát những vấn đề cơ bản của lịch sử Korea từ cổ đại đến hiện đại. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung và bố cục của tác phẩm, chúng tôi cho rằng tác phẩm này cũng chỉ là nguồn tài liệu tham khảo và chưa thể coi đó là nguồn tài liệu học tập chính thức của môn học. Tiếp đó, năm 1996, trước nhu cầu phát triển của ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam, được sự tài trợ của tổ chức Korea Foundation, Khoa Ngữ văn thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho xuất bản cuốn Hàn Quốc Lịch sử và văn hoá do các tác giả sử học  Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Lê Đình Chỉnh biên soạn. Với dung lượng khoảng trên 300 trang, cuốn sách đã đề cập đến các thời đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trên vùng bán đảo Hàn từ khởi thuỷ đến năm 1945. Từ đó đến nay, tại một số cơ sở đào tạo Việt Nam, cuốn sách này đã được dùng làm tài liệu học tập chính thức cho các khoá sinh viên chuyên ngành Korea học, mà trực tiếp là các lớp sinh viên của ngành Hàn Quốc thuộc Khoa Ngữ văn và sau đó là Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy là người trực tiếp tham gia biên soạn, nhưng tôi nhận thấy cuốn sử này vẫn chưa phải là giáo trình chuẩn của sinh viên chuyên ngành Korea học ở Việt Nam. Bởi lẽ, về một phương diện nào đó, nội dung cuốn sách còn nhiều hạn chế, mới đáp ứng  được một phần của yêu cầu môn học đặt ra. Có lẽ trong quá trình biên soạn, cũng một phần do hạn chế về tư liệu nên các tác giả thường đi sâu giới thiệu và phân tích chủ yếu phần lịch sử cổ đại và trung đại, phần cận đại còn quá sơ sài, nhất là thiếu toàn bộ phần lịch sử hiện đại.

Năm 2002, dưới sự tài trợ của quỹ Korea Foundation, dịch giả Lê Anh Minh đã cho ra mắt bạn đọc cuốn Korea xưa và nay- Lịch sử Hàn Quốc tân biên của tác giả Ki-baik Lee.  Cuốn sách gồm 16 chương với 558 trang nội dung đã mô tả khá chi tiết về quá trình hình thành và phát triển của cư dân vùng Bán đảo Hàn từ cố đại đến hiện đại. Người đọc có thể tìm thấy ở đó một khối lượng kiến thức khá lớn về các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hoá, quan hệ đối ngoại qua các thời đoạn lịch sử. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, tư liệu mà cuốn sách cung cầp là khá chi tiết, phong phú, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, phần trình bày nội dung còn khá tản mạn, chủ yếu chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu mà chưa thể sử dụng làm giáo trình chuẩn cho người học. Thêm nữa, phần lịch sử hiện đại đề cập trong cuốn sách cũng mới dừng lại ở mức độ nhất định.

Liên quan đến lịch sử và văn hoá Triều Tiên, dịch giả Nguyễn Kim Dân đã cho ra mắt bạn đọc cuốn Lịch sử và văn hoá Bán đảo Triều Tiên của tác giả Andrew C. Nahm do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin phát hành năm 2005. Cuốn sách đã cung cấp những thông tin khá phong phú về lịch sử văn hoá vùng bán đảo Korea. Với nội dung của nó, cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị đối với người học môn lịch sử Korea.

Năm 2005, Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Seoul đã cho ra mắt bạn đọc bộ giáo trình Hàn Quốc học số 1 SNU-VNU được in tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Seoul. Nội dung cuốn sách do phía Hàn Quốc chịu trách nhiệm biên soạn , phía Việt Nam chỉ có trách nhiệm đọc lại phần nội dung và biên dịch từ tiếng Hàn ra tiếng Việt. Với 286 trang gồm cả phần mục lục và phụ lục, cuôn sách đã giới thiệu cho người đọc về bức tranh toàn cảnh của lịch sử Korea từ cổ đại đến hiện đại. Tuy nhiên, với tư cách là người chịu trách nhiệm nội dung phía Việt Nam, tôi cho rằng bộ giáo trình này cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ khái quát những vấn đề cơ bản của lịch sử Korea mà chưa mang tính chuyên sâu nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của lịch sử cũng như các sự kiện lịch sử và các lĩnh vực lịch sử khác. Về phương diện nào đó, bộ giáo trình này vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công tác dạy và học môn lịch sử Korea trong ngành Korea học ở Việt Nam.

Ngoài những tác phẩm nêu trên, một số tác phẩm khác có liên quan đến lịch sử Korea xuất bản bằng tiếng Anh của các học giả phương Tây cũng  có những điểm tương tự như các cuốn sử nêu trên. Chẳng hạn, cuốn History of Korean của HulBert, Hillary house publishers 1962. Cuốn The History of Korean; Seoul, The Eul-Yoo publishing company 1951. Nhìn chung, những cuốn sử này nội dung chỉ đề cập từ phần cổ đại đến cận đại, thiếu hẳn khối lượng kiến thức về lịch sử Korea hiện đại.

Tóm lại, bộ giáo trình lịch sử Korea phục vụ cho  công tác dạy và học  của ngành Korea học ở Việt Nam hiện nay vẫn còn là một câu hỏi lớn đặt ra đối với các cơ sở đào tạo và các nhà khoa học. Việc nghiên cứu và học tập môn lịch sử Korea trong ngành Korea học ở Việt Nam hiện nay không sao tránh khỏi những bất cập. Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra cho các cơ sở đào tạo và các nhà khoa học về công tác biên soạn bộ giáo trình môn học lịch sử Korea ở Việt Nam hiện nay.

2. Về công tác dạy và học môn Lịch sử Korea của chuyên ngành Korea học ở Việt Nam.

Cũng như nhiều môn học khác, đối với sinh viên ngành Korea học ở Việt Nam, lịch sử Korea là môn học chiếm vị trí quan trọng. Muốn hiểu được đất nước con người vùng bán đảo Korea thì không thể không nghiên cứu lịch sử và văn hoá. Như vậy, đối với người học môn lịch sử Korea, ngoài những yêu cầu chung nắm được những kiến thức cơ bản của lịch sử, trong quá trình học, người học cần phải nêu, phân tích và đánh giá một cách có hệ thống về các thời đoạn hình thành và phát triển của lịch sử, nhất là có sự liên hệ, so sánh  giữa lịch sử Korea với lịch sử khu vực. Trong nhiều năm qua, việc nghiên cứu và giảng dạy môn lịch sử Korea trong các cơ sở đào tạo ở Việt Nam ngày càng được chú trọng và nâng cao về phương pháp dạy và học. Tại Bộ môn Korea học thuộc Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, môn học này được áp dụng ngay từ những năm đầu thành lập khoa. Trải qua hơn 10 năm, nhiều khoá sinh viên tốt nghiệp không chỉ được trang bị kiến thức về tiếng Hàn, mà cơ bản họ đã nắm được kiến thức chung về Korea học, trong đó có kiến thức về lịch sử. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là việc dạy và học môn học này trong những năm qua đã được áp dụng như thế nào, việc nâng cao chất lượng đào tạo môn học đối với người học trong những năm học tới sẽ ra sao.

Như đã nêu ở trên, lịch sử Korea là môn học chứa đựng nhiều nội dung khoa học lớn. Nếu áp dụng phương pháp đào tạo theo niên chế như một số cơ sở đào tạo hiện nay thì nên áp dụng số tiết học của môn học là 60 tiết thuyết giảng trên lớp. Tuy nhiên, ngoài phần nội dung chính, các phần thảo luận, ôn tập, kiểm tra, đánh giá sẽ được bố trí hợp lý trong quá trình dạy và học.

Về phương pháp giảng dạy, theo suy nghĩ của chúng tôi, hiện nay đã có nhiều phương pháp được áp dụng tại các cơ sở đào tạo. Chẳng hạn, như phương pháp thuyết giảng truyền thống, thảo luận, thuyết trình có minh hoạ, lấy nhóm vấn đề làm trung tâm hoặc phương pháp Xêmina…. Tuy nhiên, mỗi phương pháp nêu trên đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Hiện nay, việc sử dụng kỹ thuật vi tính soạn giảng trong Powerpoint là một trong những phương pháp được sử dụng tương đối phổ biến. Phương pháp này không chỉ tạo ra sự chú ý của sinh viên trong quá trình tiếp thu bài giảng trên lớp, tăng tỷ lệ ghi nhớ cho người học mà còn giúp cho người dạy khái quát được vấn đề và nhất là giúp cho việc hệ thống toàn bộ kiến thức của môn học.

Mặc dù là phương pháp được sử dụng phổ biến bởi những lợi thế riêng của nó, nhưng việc áp dụng thuyết giảng bằng phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, trong khi lên lớp, phần thuyết giảng của người dạy phải phụ thuộc vào thiết bị như máy tính, hoặc overhead, nếu thiếu các thiết bị trên người dạy khó có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình. Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi cho rằng do đặc thù của môn học phương pháp thuyết giảng truyền thống vẫn nên được áp dụng trong giảng dạy. Tuy nhiên, việc thuyết giảng ở đây không có nghĩa là người dạy hoàn toàn chủ động và người học hoàn toàn bị động, mà bài giảng của người dạy nên mang tính hướng dẫn, khái quát vấn đề và đặt ra những câu hỏi cho người học chuẩn bị cho việc tổ chức xêmina trên lớp.

Để nâng cao chất lượng đào tạo của môn học, ngoài việc nghe giảng, ghi chép và đọc các tài liệu học tập và tham khảo, việc thực hiện xemina trên lớp của người học là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đào tạo của môn học. Theo chúng tôi, mục đích của việc tổ chức xêmina cho người học là nhằm:

- Củng cố những kiến thức cơ bản cho người học đã được nghe giảng ở trên lớp trong các giờ chính khoá.

- Giúp cho người học rèn luyện kỹ năng viết, nói và tư duy, tự vận dụng những kiến thức đã thu nhận của mình để tham gia thảo luận.

- Thông qua những lần xêmina trên lớp, người học có thể tự rèn luyện tính tự chủ, độc lập suy nghĩ theo cách lập luận của mình. Trên cơ sở đó, người học nên tự nhận xét, đánh giá những nội dung kiến thức đã được học, được đọc về môn học. Tương tự, sau mỗi buổi xêmina của người học, người dạy nên có những nhận xét, đánh giá về chất lượng khoa học của buổi xêmina. Trên cơ sở đó, người dạy nên nêu những ý kiến tổng kết, gợi mở, còn phần đánh giá chủ yếu nên để người học tự thuyết trình. Căn cứ vào kết quả các kết quả của buổi thảo luận, người dạy có thể dựa vào đó để phân loại và kết hợp với điểm kiểm tra để đánh giá kết quả cuối cùng của môn học.

3. Một vài khuyến nghị về công tác biên soạn giáo trình và bài giảng của môn học

Như đã nêu ở trên, lịch sử Korea là môn học chứa đựng nội dung khoa học phong phú của cư dân sống trên vùng bán Korea. Để thực hiện tốt công tác dạy và học môn lịch sử Korea trong ngành Korea học ở Việt Nam, theo quan điểm của chúng tôi, nên có một bộ giáo trình chuẩn về lịch sử Korea cho các cơ sử đào tạo về Korea học ở Việt Nam. Trước hết, các cơ sở đào về Korea học nên bàn bạc, thống nhất và sau đó giao cho các nhà khoa học triển khai thực hiện.

Về nội dung của bộ giáo trình lịch sử Korea, chúng tôi cho rằng khi tiến hành biên soạn nên chia bộ giáo trình thành hai tập. Tập thứ nhất, ngoài phần giới thiệu về đất nước và con người vùng bán đảo Korea, nội dung chủ yếu của tập này là đề cập đến các phần lịch sử Korea thời kỳ cổ đại và trung đại (bao gồm các phần lịch sử Korea từ thời nguyên thuỷ đến đầu thế kỷ XIX. Tương tự, tập thứ hai là tập đề cập đến nội dung các phần lịch sử cận đại và hiện đại Korea (gồm lịch sử Korea từ thế kỷ XIX đến nay). Với cách làm trên, chúng tôi cho rằng bộ giáo trình lịch sử Korea sẽ là nguồn tài liệu quan trọng dùng cho ngành Korea học ở Việt Nam và hy vọng nó sẽ sớm ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.

Về kinh phí biên soạn bộ giáo trình trên, chúng tôi khuyến nghị các cơ sở đào tạo ngoài nguồn kinh phí do nhà nước cấp dành cho công tác biên soạn giáo trình, nên tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có các quỹ tài trợ của phía Hàn Quốc.

Trên đây là một vài ý kiến tham luận của chúng tôi về công tác biên soạn bộ giáo trình lịch sử Korea cũng như một vài kinh nghiệm về phương pháp dạy và học môn lịch sử Korea trong ngành Korea học ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng tại diễn đàn này, với sự quan tâm và những ý kiến quý báu của các tổ chức và các nhà khoa học, sự nghiệp đào tạo của ngành Korea học ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển góp phần vào sự phát triển chung của hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước trong những thập kỷ tới.

 

LÊ ĐÌNH CHỈNH

(TS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Đình Chỉnh, Vài kinh nghiệm về phương pháp dạy và học môn lịch sử Korea cho sinh viên ngành Hàn Quốc học Khoa Đông Phương học, Hội thảo Khoa học nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Đông Phương học, Hà Nội tháng 1-2005.

2. Nguyễn Văn Ánh-Đỗ Đình Hãng-Lê Đình Chỉnh, Hàn Quốc Lịch sử và Văn hóa ( từ khởi thuỷ đến 1945), Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội - 1996.

3. Hàn Quốc Lịch sử và Văn hoá, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội -1995.

4. Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học, Lịch sử Hàn Quốc,  Bộ Giáo trình Hàn Quốc học số 1 SNU-VNU, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Việt Nam; Hội đồng biên soạn: Huh Nam-jin ( Chủ biên), Yu In-sun, Byun Chang-ku, Song Ki-ho, Yoon Hi-won, Paik Nak- whan, Oh Yeon - cheon; chịu trách nhiệm nội dung phía Hàn Quốc: Song Ki-ho (chịu trách nhiệm bản thảo), Romyoung-ho, Kim In-geol, Kwon Tae-eok, Chung Yong-wook; chịu trách nhiệm nội dung phía Việt Nam: Lê Đình Chỉnh, Nguyễn Văn Ánh.

5. Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng: Đại cương lịch sử thế giới cận đại, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục 1997.

6. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Đông Phương học, 10 năm đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc gia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hàn Quốc, Hà Nội, Ngày 6/12/2002, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

0thảo luận