Trang chủ

ĐỊA VỰC CƯ TRÚ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI NHẬT Ở SHIZUOKA

Đăng ngày: 2-07-2012, 15:59 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 10

Từ xa xưa, điều kiện địa lý, môi trường tự nhiên của Shizuoka đã hình thành nên ba vùng miền cơ bản là miền núi, đồng bằng và ven biển. Cũng từ chính nơi đây đã trở thành địa nội cư trú của con người mà chủ nhân đích thực được hưởng "ân huệ" của tạo hoá là dân tộc Nhật Bản. Vẫn biết rằng, không thể phủ nhận vai trò, ảnh hưởng của những nhân tố lịch sử, văn hoá, xã hội song rõ ràng điều kiện địa lý tự nhiên là cơ sở, nền tảng đầu tiên của sự hình thành nên địa vực cư trú truyền thống nơi đây. Nói cách khác, sự tương thích của con người với không gian môi trường tự nhiên dẫn đến cách tổ chức không gian cư trú được biểu hiện qua các đơn vị cư trú hình thành, tồn tại, phát triển, biến đổi trong lịch sử như làng, thị trấn, huyện, tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, trong địa vực cư trú truyền thống, trước hết phải kể đến làng và phố bởi đó không chỉ là những đại diện đầu tiên và tiêu biểu nhất cho quá trình đó mà còn bởi những nhân tố trong đó quyết định sự vận hành của đơn vị cư trú là gia đình, dòng họ, nhà cửa, sở hữu đất đai...

I- KHÔNG GIAN CƯ TRÚ

1. Làng miền núi

Nhìn chung, cảnh quan làng miền núi nhất là làng ở trong núi có nhiều điểm khác biệt với các loại hình làng khác. Điều đó là đương nhiên bởi địa vực cư trú nổi bật với đặc điểm là đồi núi, rừng cây, ít đất canh tác. Do vậy, ruộng nương hầu hết đều có trên núi, đồi hoặc nơi đất bồi thấp ven bờ sông suối. Tuy nhiên, trong núi cũng có làng định cư ở thung lũng bằng phẳng đến ngạc nhiên. Xung quanh làng là rừng cây bao bọc song xu hướng chung của cư dân nơi đây là "biến" những đồi đất dốc thành nương chè như một

phương cách bảo vệ ngôi nhà mình. Thật vậy những nương chè không chỉ có tác dụng phòng chống gió bão mà còn như một hàng rào chống sự phá hoại của thú rừng. Xa hơn nữa, những ngọn núi, dãy núi sau làng là rừng thông và các loại cây khác mà trong đó không thể thiếu được những rừng tre trúc trên các đồi núi quanh làng. Những nương vườn bao quanh nhà ở và luôn được canh tác là hình ảnh thường thấy ở nơi đây. Nhằm mở rộng diện tích canh tác, người ta đốt cỏ, bụi cây để lấy đất làm nương, ruộng gọi là Hatake. Có thể nói rằng, từ những điều kiện độ cao về địa hình mà phát triển ruộng nương, qua đó góp phần định hình việc cư trú lâu dài để phát triển nông nghiệp. Điều đó có nghĩa trước hết là mở mang Sori (được xem như một dạng nương đốt) rồi tiếp đó phát triển canh tác trong các vành đai, khu vực được qui định bởi địa hình gọi là Kaito. Kết quả là việc canh tác lúa mì ở Kaito và Hie (một loại kê) ở trên nương đã bổ sung cho nhau khá hoàn hảo. Tuy nhiên, thời Edo (1600 - 1868) mà cụ thể là năm 1688, chính quyền ra sắc lệnh cấm đốt nương để nhằm bảo vệ, tránh sự tàn phá núi rừng quá mức. Như thế, việc khai phá đốt nương kiểu Sori khai thác vùng đất dốc dễ gây lở núi bị ngăn cấm từ thời điểm này song qua đó cũng thấy được sự hình thành cơ bản của việc tái sản xuất của những làng làm nương đốt thời gian đầu. Chính việc khai phá nương đốt là những nỗ lực dần Kaito hoá ở các làng miền núi tức biến đổi núi thành những vùng đất canh tác của người dân.

Ở những vùng núi, người ta canh tác một loại cây lương thực như cây kê gọi là Hie song có nhiều chủng loại khác nhau thích ứng với từng độ cao của địa hình. Với vùng địa hình đồi núi cao từ 1000 - 1200 mét và ranh giới này gọi là Kittsuke chỉ trồng được một loại Hie hạt to mà thôi. Từ các độ cao thấp dần lại có các loại Hie tương ứng khác.  Thực ra, Hie là loại cây trồng có sức sống mạnh mẽ vào mùa đông giá lạnh. Người dân vùng núi chọn trồng các loại Hie căn cứ vào điều kiện địa hình, thổ nhưỡng phù hợp với từng nơi. Đặc biệt, ở vùng đất cao, chủng loại để canh tác được tuyển chọn kỹ lưỡng kết hợp với quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ cũng là điều dễ hiểu.

Vùng đất bằng trên núi được gọi là Soramki. Soramki ở độ cao từ 1000 mét - 1200 mét cho thấy điều kiện khí hậu, ánh sáng không thuận lợi nên cho thu hoạch kém. Ở độ cao từ 950m - 1000m, người ta gieo trồng một loại Hie có tên gọi là Kirishita và cho rằng sử dụng giống của nó trong 3 năm liền đều cho kết quả tốt.

Từ độ cao 500 mét - 900 mét lại canh tác các giống Hie khác cho phù hợp song nhìn chung chủng loại Hie có tên gọi là Kaito được sử dụng nhiều ở khu vực này. Trong thực tế loại này cho kết quả cũng tương tự như trồng lúa gạo và dân làng cho rằng qua lễ hội cúng thần đêm 26 - 8 thì mới có thể thu hoạch được. Ngoài ra, còn có tới 17 giống loại kê có thể trồng được ở ven sông trong đó có cả loại Hie tên là Kirishita có vị ngon đặc biệt.

Địa vực cư trú miền núi là nơi "chứng kiến" quá trình hình thành làng mạc mà trước hết là lịch sử ra đời của nhiều tổ chức, nhóm nơi đây. Mỗi nhóm, về cơ bản là tập hợp của sự đoàn kết mang tính chất dòng họ dù có thể sống phân tán nhằm thích hợp với việc đốt phát nương. Về tín ngưỡng, mỗi nhóm còn thờ một vị thần bảo hộ cho riêng mình song quyền lợi ở các vùng đất sở hữu có thể thừa kế trong và giữa các nhóm với nhau. Tại đây, từ những làng nhỏ rải rác đã dần phát triển thành làng tập trung trên cơ sở tập hợp của các nhóm trong địa vực cư trú miền núi xưa kia. Thật vậy, có thời kỳ những nhóm cư trú rải rác sâu trong rừng núi rồi tiến dần tới định cư tập trung với mục đích, kế hoạch thật sự và đó được xem là cơ sở đầu tiên tạo nên hình dáng ngôi làng ngày nay ở miền núi. Quá trình mở rộng, phát triển từ làng phân tán đến làng tập trung cũng đồng thời là quá trình sở hữu đất đai trong địa vực cư trú ở miền núi Shizuoka. Ruộng nương canh tác ở nhiều vùng miền núi được sử dụng với tư cách cá nhân trong thời gian 20 - 30 năm. Nhằm bảo vệ quyền sở hữu ruộng đất với cư trú mà nhiều làng miền núi đã có qui định liên quan đến người từ nơi khác đến sinh sống, nhập cư. Có nơi, để bảo vệ ruộng nương người ta còn làm bùa mê hay xác định vùng đất đã được cúng tế... cùng các qui định, giúp đỡ nhau về việc sở hữu đất đai. Thật sự là có thời kỳ cạnh tranh căng thẳng về việc dựa vào kỹ thuật làm bùa mê trong địa vực cư trú.

Ở lưu vực các con sông, người ta truyền lại cho nhau hay dựng lên những địa điểm, khu vực đáng sợ trong rừng núi được gọi là Kuseji, Hyoran, Maji... Những nơi như vậy được cho là "không thể làm ăn được" hoặc "phải cẩn thận vì rất huyền bí". Hơn thế nữa, người ta còn tạo ra sự xác nhận chung về những nơi trong rừng núi gây cảm giác nguy hiểm, có điều xấu, gở như là "nơi có người chết" hay "núi có Hyoran". Tất cả không ngoài mục đích làm người ta sợ hãi mà không dám đến gần những địa điểm như vậy. Tuy nhiên, cả những biện pháp như thế cũng không ngăn cản được một số người đến canh tác vì quá "thèm muốn" những địa điểm này. Họ được "trấn an" và cho rằng "dù có chặt hay làm gì ở đây cũng không có vấn đề gì" hay "chỗ đất này rất mầu mỡ nên mầu sắc của cây cối rất đẹp"...

Hyoran, Kuseji thường được gắn với những nơi có dấu hiệu đặc biệt như nghĩa địa chẳng hạn, qua đó tạo ra khả năng của sự chiếm hữu để truyền lại cho thế hệ sau. Mục đích của việc này là phòng ngừa việc chiếm hữu ruộng đất của người khác đồng thời giữ gìn lại nghĩa địa của tổ tiên như một rào chắn không thể xâm phạm. Bởi vậy, khi khai khẩn Kuseji, người ta luôn để lại một phần đất không đụng chạm đến rộng khoảng 4 - 5 Tsubo (1 Tsubo = khoảng 3,3m2). Như thế, cây cối vẫn còn tồn tại ở ruộng nương và đó được coi là việc cần thiết phải giữ gìn. Thật ra, những địa điểm bị cấm đặt chân tới hay tạo cảm giác sợ hãi, bất an như thế có thể nói đã được thánh địa hoá tại không ít nơi trong địa vực cư trú miền núi xưa kia. Cùng với quá trình mở mang làng mạc, khám phá núi rừng ngày càng mạnh mẽ thì việc tạo ra những địa điểm như vậy đều nhằm khẳng định quyền sở hữu về đất đai. Không chỉ vậy, việc tin cậy vào kỹ thuật bùa phép cũng cho thấy quyền sở hữu cá nhân đồng thời với khai phá ruộng nương đã phát triển lên một bước mới ở các làng miền núi của Shizuoka.

2. Làng đồng bằng

Trong địa vực cư trú vùng đồng bằng, lẽ đương nhiên, dáng hình của làng mạc nơi đây nhìn chung có nét riêng biệt của nó. Ngoài làng mật tập, ở Shizuoka, trường hợp làng định cư rải rác cũng có thể thấy ở một số nơi vùng đồng bằng với hình ảnh là vài ngôi nhà trên cánh đồng rộng lớn hoặc một vài khu nhà (với khoảng hơn 10 nóc nhà) nằm riêng biệt với nhau. Vì là vùng đồng bằng nên khoảng cách giữa các nhóm nhà khá lớn song hình thức cư trú này đã trở thành điển hình của một số khu vực ở Shizuoka. Tuy nhiên, về sau này quá trình đô thị hoá đã làm biến mất dần hình thức cư trú kiểu như vậy. Nhìn chung, những khu nhà riêng biệt thường định vị ở những nơi đất cao, xung quanh được bao bọc bởi tường đất nhằm ngăn chặn lũ lụt. Không chỉ vậy, phía ngoài còn có hệ thống hào, mương và sông suối vừa có giá trị thuỷ lợi, vừa có tác dụng như ranh giới của khu nhà.

Tại những cụm làng như thế, phía vùng đất cao có những cánh rừng nhỏ gọi là Bota và theo thói quen, tập quán thì nghĩa địa thường đặt ở đây. Hơn nữa, trong Bota còn là nơi thờ thần đất bởi ở đây còn có cây cổ thụ, rừng đào, thông lâu năm... Phía ngoài cùng của Bota thường có dạng một nơi đất cao được người làng tạo nên từ đất đá vừa có thể phát triển ruộng mới vừa có thể ngăn ngừa nước tràn vào từ các sông suối xung quanh. Những cây cối lâu năm trên vùng đất cao đó được xem như hiện thân sự tồn tại của thần đất vậy.

Qua những yếu tố thờ thần cho thấy những khu nhà ở riêng biệt ở làng đồng bằng như thế còn xuất phát từ việc tránh lũ lụt hàng năm. Theo truyền thuyết nơi đây thì linh hồn người chết sẽ trở thành thổ địa sau 50 năm, do đó thổ địa và nghĩa địa của khu nhà ở có quan hệ khăng khít, chặt chẽ với nhau.

Thực vật ở các khu nhà độc lập ở đồng bằng có thể thấy nhiều nhất là cây đào núi. Loại rừng nhỏ này còn có tác dụng phòng chống loại trừ gió Tây nhiều khi đem theo cát. Nơi đất cao của khu nhà còn có ngôi nhà tránh nạn khi lũ lụt xảy ra. Ngôi nhà này được dựng trên nền đá cao khoảng 1 mét. Trong nhà luôn dành sẵn 100 - 110 cái bao rỗng để phòng khi có lũ lụt sẽ cho đất đá vào làm thành bức tường chống lụt rất hiệu quả. Thời cận đại (1868 - 1945) trở đi, nhiều hình thức chống lụt tiến bộ, hiệu quả khác đã thay thế song sự tồn tại của khu nhà độc lập, làng đồng bằng vẫn in đậm dấu ấn cuộc đấu tranh sinh tồn của người dân nơi đây.

3. Làng ven biển

Cư dân các làng ven biển trước kia sống dựa vào sản xuất nông nghiệp ở gò đồi (gọi là Oka) song do điều kiện cuộc sống không bảo đảm như diện tích đất chật hẹp, dân số tăng nên họ dần chuyển nơi định cư ra ven biển. Lúc đầu chỉ là vài ba gia đình hành nghề đánh bắt hải sản, trở thành ngư dân định cư ven biển rồi phát triển thành làng và phố sau này. Thật vậy, qua thời gian, nhiều vùng vừa làm nông nghiệp vừa tiến hành ngư nghiệp xây dựng nơi trú trọ, qua đó tạo ra làng "bán nông, bán ngư" đồng thời tạo nên tính đa dạng hơn bởi sự tồn tại của hình dáng phố phường. Tóm lại, làng nơi đây dựa vào núi và biển để duy trì cuộc sống của mình. Trong các nghề nghiệp ở làng ven biển thì sản xuất muối là một phần quan trọng của cuộc sống nơi đây. Ngoài ra còn có những làng định cư ven núi chạy dọc bờ biển và sở hữu rừng cây được gọi là Muraji. Những làng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu lại ngày càng mở rộng cùng với diện tích khai phá tăng lên của ruộng bậc thang. Trong khi đó, những làng từ nông nghiệp dựa chủ yếu vào sản xuất muối và đánh bắt hải sản đã trở thành ngư dân và đó là xu thế không tránh khỏi trong quá trình phát triển của làng ven biển. Quả vậy, khi mà sự phát triển mở rộng, khai thác đất canh tác ở Oka đã đến giới hạn thì sức hút của ngư nghiệp ngày càng mạnh và do đó việc khai thác biển cũng vì thế được đẩy nhanh.

Trong không gian cư trú ven biển, khi đi theo các con đường làng sẽ thấy một thanh gỗ như ván trượt tuyết được đặt ở phía trước, cạnh cửa các ngôi nhà. Nhiều nhà ở nơi đây thường để hiên có bậc cao khoảng 80cm - 1 mét do đó khi lên xuống gặp một sống trở ngại trong cuộc sống hàng ngày như vận chuyển đồ đạc, vật dụng lớn, nặng, cồng kềnh... Bởi vậy thanh gỗ được xem như một sáng tạo của người dân số ở những ngôi nhà có độ nghiêng, dốc hẹp khi nó giải quyết vướng mắc trên. Sở dĩ như vậy vì nhà nơi đây hầu hết có 2 bậc khá cao nên sử dụng thanh gỗ như ván trượt là đương nhiên. Vả lại, ở vùng đất hẹp bị kẹp giữa biển và núi thì không thể mở rộng không gian cư trú của mình thì những phương pháp nhằm thích ứng với môi trường cảnh quan như thế đã trở thành truyền thống đến nay vẫn được duy trì và bảo vệ. Một điểm nữa, phía sau những ngôi nhà chỉ có núi với độ dốc lớn nên nơi đây hầu hết trở thành vườn trồng quít (Mikan). Nơi ít dốc nhưng diện tích không lớn như ruộng bậc thang nhỏ (Kotan) hay nương nhỏ (Sagabatake) thì từ xa xưa đã trồng được lúa và nhiều loại ngũ cốc. Nhìn chung, đây là vùng đất dốc nên xưa kia hiện tượng núi sạt lở là chuyện thường xuyên xảy ra gây hại lớn cho giao thông, kinh tế và cuộc sống người dân nơi đây.

4. Phố

Sự khác nhau về địa vực cư trú ở các vùng miền không chỉ tạo ra các loại hình làng mà còn dẫn tới sự khác biệt về quá trình hình thành phố xá. Song, tựu chung từ làng phát triển thành phố xá được hình thành từ những khu vực phân chia giữa nơi canh tác và nơi cư trú tập trung ở ven đường. Ví như những phố cổ ở miền núi là những dãy nhà hai bên đường được hình thành từ những đường làng nhỏ hẹp nhưng chạy dài tới vùng đất thấp. Phố ở vùng đất bằng hay đồng bằng thường được tạo bởi trục trung tâm là một con đường lớn với nhà cửa hai bên có khi chạy dài nhiều km. Từ đường lớn lại chia thành các đường nhỏ tạo thành các phố như hình xương cá thậm chí các con đường còn kéo dài tới các làng lân cận.

Vùng ven biển có những con đường dựa theo địa hình đồi núi và có nơi dần tập trung nhà cửa xếp thành hàng tuy không lớn lắm nhưng có thể thấy được bóng dáng của đô thị với những đường phố xuất hiện ở đây. Phía ngay sau những dãy nhà ven đường là những dãy núi sát biển cũng tập trung nhiều con đường để từ đây đã hình thành nên làng và phố gần biển cùng với nét riêng biệt của nó. Thật vậy với địa hình của khu vực ven biển như thế nên từ xưa tới nay nơi đây đảm nhiệm một vai trò quan trọng như hành lang giao thông giữa Đông và Tây. Đó cũng còn bao hàm tính chất đặc biệt về địa lý của Shizuoka khi nơi đây có những con đèo cao khá hiểm trở ví như đèo Satsuta. Tuy nhiên sự tập trung của những dãy phố bên đèo Satsuta không chỉ là nơi diễn ra những hoạt động kinh tế mà còn có thể phát triển thành điểm dừng chân, trú trọ của người qua đèo vì đây là đầu mối huyết mạch của giao thông Đông - Tây. Thật ra, điểm cơ bản để hình thành nên những con đường giao thông trọng yếu chính là nhờ sự tập trung của làng và đặc biệt là phố dọc theo đường để trở thành trục không gian cư trú Đông - Tây. Hơn nữa, trên nền tảng nghề nghiệp của vùng núi và biển mà nơi đây còn là trục của hướng Bắc - Nam để rồi trở thành điểm giao nhau của bốn phương. Điểm độc đáo này hay đúng hơn là món quà của tạo hoá ban tặng vừa tạo ra các nghề nghiệp "bán nông, bán ngư" đúng thực chất của vùng này lại vừa hình thành làng mật tập rồi phát triển với tính chất của phố phường thị trấn về sau này. Tại những khu vực tập trung dân cư với tính chất phố phường như thế còn có thể thấy những sắc thái riêng biệt được tạo bởi địa thế khá bằng phẳng gần biển và gần núi mà không phải nơi nào cũng có.

Từ thời cận đại (1868 - 1945), việc đi lại bằng tầu thuyền ngày càng trở nên đắc dụng bởi vậy những bến tầu trở thành đối tượng sử dụng phương tiện của người hành hương, thương nhân... để từ đó dần hình thành nên phố xá ở những nơi này. Hơn nữa, điểm giao tiếp, trung chuyển qua lại của đường thuỷ, bến sông biển thông thường là nội hàm của một trong những điều kiện hình thành nên phố xá như một lẽ đương nhiên.

Như đã thấy, không ít nơi làng phát triển thành phố xá nên tại đây vẫn tiếp tục tái hiện bóng dáng của làng quê với sự mở mang phát triển nhiều nghề trên nền cơ bản của nông nghiệp và làm muối. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự phát triển ngày càng cho thấy có sự phân biệt giữa phố trung tâm với bên ngoài và vùng phụ cận bằng các biểu hiện như một cái cổng lớn được xem như là ranh giới vậy. Không chỉ vậy, phố trung tâm thường là nơi tổ chức lễ hội lớn hàng năm để người nơi khác đến và dường như tồn tại một khoảng cách giữa hai nơi cư trú làng và phố. Điều đó biểu hiện qua những câu nói như "Làng quê ư, nơi có phong tục, tập quán của riêng mình" hay "phố phường là sự khác biệt"... cho thấy ý thức về sự khác nhau giữa làng và phố là không thể phủ nhận. Phố phường là nơi tập trung và phân bổ các sản phẩm từ các nơi đến và đi. Người ta mang theo sản vật của núi rừng, biển cả đến phố để bán rồi khi quay về mua những mặt hàng thiết dụng cho cuộc sống ngoài lúa mì và gạo. Điều đó không mới song từ thời Edo (1600 - 1868) đã trở thành như một tập quán, truyền thống vậy. Nhiều người từ nơi khác đến phố phường ở nhà trọ rồi sau đó tập trung sinh sống ở các địa điểm gần những người đồng hương. Lâu dần họ phát triển nghề nghiệp, buôn bán thành phường, hội kinh doanh những sản phẩm là nhu cầu của nơi khác. Mặt khác, ở các phố ngoại vi trở thành nơi phát triển những khu vực tập trung và phân bổ những sản phẩm như lâm thổ sản, chè, hải sản. Đến thời Cận đại đã hình thành các phố là nơi cư trú của tầng lớp có nghề chuyên môn như thợ mộc, thợ đá, thợ sơn mài, dệt vải v.v..

II- GIA ĐÌNH VÀ NHÀ CỬA

1. Tượng trưng của gia đình

Gia đình Nhật Bản nói chung, ở Shizuoka nói riêng là đơn vị cấu thành xã hội và được tiếp tục qua các thế hệ nối tiếp nhau. Những gia đình giữ được sự kế tiếp lâu dài, liên tục cho thấy để tồn tại phải vượt qua cả sự khó khăn, sinh tử của các thành viên gia tộc đó. Thật vậy, với nhiều phương cách để tồn tại đó mà gia đình giữ được lâu dài. Có thể đó là họ của một gia đình hay có thể là "biểu tượng, gia huy" của một dòng họ. Tuy nhiên, trên thực tế là ở Shizuoka, những gia đình cùng họ sinh sống ở một làng là rất nhiều thậm chí cả "Gia huy" (có thể hiểu là dấu hiệu của dòng họ) cũng có sự giống nhau. Điều đó là bình thường nếu như không nảy sinh vấn đề là họ của gia đình được dùng như thế nào quả thật trong nhiều trường hợp không giải thích, làm rõ được. Sự phân bố của một họ trên phạm vi rộng lớn là có thật song giữa những người hiện nay không thể tìm nguyên nhân, lý do chỉ ra được họ có quan hệ phả hệ, cùng tổ tiên. Có địa vực cư trú rộng lớn với rất nhiều gia đình họ Matsumata tuy đọc giống nhau nhưng cách viết bằng chữ Hán lại khác nhau. Tức là Matsumata là cách đọc chung nhất song căn cứ theo cách viết chữ Hán sẽ từ đó còn đọc là Hitkakemate, Katsukanden, Akamata, Ninbenmata... Đây thực ra chỉ là một minh chứng cho hiện tượng khá phổ biến về dòng họ của gia đình nơi đây mà thôi.

2. Tên hiệu của gia đình

Việc biểu thị sự riêng biệt của mỗi gia đình mà đặc trưng của nó không phải là "họ" và "Gia huy" cho nên người ta sử dụng cách gọi tên hiệu riêng của mỗi gia đình. Theo đó, trong đơn vị cư trú có tên gọi quen (mang tính chất riêng biệt) của mỗi gia đình và người ta gọi đó là tên hiệu của gia đình (Yago). Tên hiệu gia đình đã được sử dụng thường ngày ở rất nhiều làng song một số nơi lại không có tập quán để ý đầu tiên đến Yago. Thậm chí, có nơi còn gọi tên hiệu gia đình là Iena và chỉ giới hạn trong một số gia đình mà thôi. Nơi đây nếu có gia đình là Iena thì đó hoặc là gia đình gia thế hoặc có thể là gia đình buôn bán hay có nghề chuyên môn, do đó đại bộ phận nông dân không phải là Iena. Với gia đình không thuộc Iena thì sẽ gọi theo tên của chủ gia đình hiện tại. Rõ ràng, có nhiều gia đình thế được gọi là Iena như một biểu hiện của việc liên quan tới sự phát triển, mở mang của làng. Đặc biệt, những gia đình sinh sống lâu đời ở một nơi thì khi có gia đình tách ra sẽ được gọi là Oya song điều đó chỉ giới hạn trong các gia đình được gọi là Iena. Tuy nhiên, trên thực tế khi xem xét Iena cho thấy nhiều Iena là biểu thị của những gia đình có nghề nghiệp chuyên môn như sản xuất dầu ăn (Buraya), làm đậu phụ (Tofuya), thợ rèn (Kajiya), nghề đan lát (Zaruya) v.v... Đương nhiên, hiện nay đó không chỉ có ý nghĩa nói về các ngành nghề mà còn cho thấy tổ tiên đã từng làm các nghề đó. Việc biểu thị, chỉ ra mối quan hệ giữa các gia đình và địa vị trong làng thông qua tín hiệu gia đình lại có nhiều, ví dụ như Oya, Inkyo, Nakaya... Tuy nhiên, có nơi khi chia tách gia đình lại dùng tên hiệu riêng về gia đình như Niiya, Shinya, Araya... và kèm theo các tên này là tên gọi Ena. Dù có nơi không làm như vậy song nhìn chung từ xưa đây là chuyện phổ biến nhiều nơi. Tên hiệu của nhà và gia đình lại không phát triển lắm ở Suraga (vốn được cho  là một tiểu quốc xưa ở Shizuoka). Trái lại, có nơi lấy những tên hiệu gia đình vừa cho thấy sự rõ ràng, dứt khoát nhưng vẫn gây được sự chú ý bằng cách đặt những tên nhạo hay tên giễu. Vì dù có gọi là tên hiệu gia đình  đi chăng nữa thì ý nghĩ đầu tiên của việc đó là đánh giá vị trí đối với cá nhân nên việc này dần trở thành chỉ ra gia đình và giai tầng của người ấy. Con người ấy dù có mất đi thì tên hiệu vẫn được sử dụng ở các thế hệ sau.

3. Gia huy và Gia ấn

Nhằm khẳng định nét riêng của gia đình thông qua dấu hiệu, hình tượng riêng, người ta đã sử dụng "gia huy" (một dạng tên hiệu của gia đình) và "gia ấn" (là ký hiệu, hình con dấu riêng) để biểu thị cho điều đó. Gia huy vẫn được sử dụng nhiều trong các dịp lên chức vị, cưới xin, tang ma, lễ hội... Ngoài ra còn có thể thấy Gia huy được trang trí, in trên đèn lồng, áo và không ít gia đình cho đóng khung treo như tranh. Tuy nhiên, Gia huy được sử dụng nhiều hơn cả là ở các nghĩa địa khi người ta khắc Gia huy lên các bia mộ bằng đá đã trở thành việc đương nhiên. Như thế, Gia huy còn được sử dụng với tư cách như một biểu tượng của gia đình. Song, các kiểu vẽ của Gia huy không phải là thứ có tính riêng biệt hoàn toàn bởi nhiều gia đình cùng dòng họ trong một làng thường có Gia huy giống nhau. Thật vậy, dù có chia tách thì gia đình mới vẫn sử dụng Gia huy của gia đình gốc. Không chỉ vậy, có cả gia đình cùng dòng họ ở làng khác cũng dùng chung Gia huy. Dù sao đi nữa thì Gia huy được hiểu như một tượng trưng của gia đình song không phải chỉ là biểu thị của một gia đình riêng biệt.

Trái với Gia huy thì Gia ấn là biểu thị của một gia đình song hiện nay ở nhiều địa vực cư trú, người ta vô tình để mất đi đối tượng này nên Gia ấn chỉ còn tồn tại khá mờ nhạt trong các hình ảnh mà thôi. Xưa kia, ở nông thôn thậm chí còn thấy Gia ấn ở bề mặt của guốc gỗ (đóng dấu bằng nung đốt) nhưng hiện nay guốc gỗ hầu như không sử dụng nữa. Ngoài ra, người ta còn tạo Gia ấn bằng nung đốt trên các công cụ lao động như các cuốc (Kuwa), cào cỏ đinh ba (Sanbonkuwa), cái liềm (Kama) v.v... Làm như vậy còn nhằm không nhầm với các gia đình khác.

Khi đóng dấu bằng nung đốt, phần nhiều người ta cho chữ số và chữ Hán vào trong dấu tròn đó, chẳng hạn trong dấu tròn là chữ "trung", (ở giữa, trung tâm), chữ "thượng" (bên trên, phía trên), hay số "3"... Ngoài dấu tròn, cũng nhiều gia đình dùng dấu ngoặc (7) hoặc như đỉnh núi (ậ)... Những Gia ấn như thế cho thấy lúc đầu là biểu thị sự độc chiếm của riêng mình đối với các vật dụng cần thiết của nhà nông. Bởi vậy, khi quyết định làm Gia ấn thì chữ đầu tiên là tên của chủ gia đình. Khi đọc, nhìn Gia ấn ấy thì cũng có trường hợp đồng thời là tên hiệu của một gia đình một ngôi nhà. Ở một số nơi, tên hiệu nhà thường bắt đầu từ âm đọc là Maru, ví dụ: Maruhisa, Maruhashi, Masuichi v.v... qua đó cũng được đọc là Gia ấn của gia đình. Thật ra, âm đọc tiếp sau Maru là lấy từ âm đầu tiên của tên người chủ của 4 - 5 đời (thế hệ) trước. Ví như, tên hiệu nhà là Maruyo thì âm Yo lấy từ tên gọi Yoshio. Maruu thì âm U lấy từ tên gọi Unosuke. Đại thể, cách đọc như thế cũng được sử dụng như là tên hiệu của gia đình.

Nhìn một cách toàn diện, với tên hiệu nhà và Gia ấn thì việc nhấn mạnh, khẳng định vị trí gia đình trong việc giữ được lâu bền qua các thế hệ thực tế là không nhiều. Song dẫu sao đó cũng là nét đặc sắc của Shizuoka, nhất là ở vùng Suruga bởi việc đó còn có thể liên quan đến toàn bộ phong tục, tập quán của một dân tộc như vấn đề thân tộc, gia tộc...

4. Nhà cửa và thờ thần

Nhà cửa còn bao hàm ý nghĩa là khuôn viên bao gồm nhà chính cùng các công trình phụ liên quan như nhà tế lễ, nhà kho, nhà bếp, chuồng gia súc gia cầm v.v...

Từ xưa, xung quanh nhà cửa là rất nhiều cây cối nhất là với những ngôi nhà lớn cho thấy chu vi ngày càng mở rộng bởi các rừng cây bao quanh. Các rừng cây bao quanh khu nhà ở gọi là Shiseki và vì được xem là tượng trưng cho sự tồn tại của nhà cửa nên được bảo vệ rất chu đáo. Về chủng loại cây cho thấy có nhiều cây Bách hợp (Hiroki - loài cây có gỗ mầu hồng đào) và cây thông Nhật (Sugi), do đó từ ngoài đường rất khó quan sát thấy phía trong khu nhà. Khi dựng nhà, việc trồng cây xung quanh đã trở thành tập quán của dân làng trong địa vực cư trú. Do vậy, trong dân gian ví von là gia đình và cây cối quanh nhà "cùng tuổi" nhau.

Theo kiến thức thông thường của người dân thì việc phòng bão từ phía Nam vì bão hầu hết đến từ hướng đó. Từ phía Tây và phía Bắc là gió lạnh nên cần phải tránh. Còn lại phía Đông tiếp nhận được hoàn toàn ánh sáng mặt trời nên trồng cây theo hình chữ "Ko" ( ð ) là cách thức phổ biến nhất đối với khu nhà ở. Đây cũng được xem như một tiêu chuẩn mà hầu hết mọi gia đình tuân theo. Ngoài ra, để phòng chống gió từ phía Tây - Nam của ngôi nhà, người ta trồng các loại cây bụi và cỏ (hình thức này gọi là Yabushibaki) vì với những loại cây này có cành lá xum xuê nên gió khó thổi qua được. Địa điểm từ đường vào khu nhà gọi là Joguchi và nhiều khi khuôn viên của khu nhà không chỉ có vườn mà còn có cả ruộng nước. Không ít nơi, nhất là vùng đồng bằng, ruộng nước còn bao quanh khuôn viên nên khu nhà và loại ruộng này gọi là Yashikida. Ngoài ra, có nơi người ta còn lợi dụng chỗ địa hình cao để tạo ra ruộng bậc thang (Naeba) bao quanh khu nhà. Nhìn chung, với loại hình nhà cửa như thế ở các đơn vị cư trú không chỉ cho thấy tính độc lập tương đối mà còn chỉ ra mối quan hệ thiết yếu giữa sản xuất và sinh hoạt của khu nhà. Nhiều làng ở Shizuoka, bên cạnh nhà cửa còn có khu nghĩa địa nhỏ với tường đá rất đẹp bao quanh. Thậm chí, không ít nơi có tập quán xây dựng nghĩa địa phía trong khuôn viên khu nhà. Theo quan niệm, mộ xây cạnh khu nhà cho thấy mong muốn nhà cửa và tổ tiên là một thể thống nhất. Đương nhiên, sau này xu hướng có nghĩa địa chung cộng đồng ngày càng phát triển song không vì thế mà loại bỏ những nghĩa địa trong và bên cạnh khu nhà ở có từ xưa. Điều đó phải chăng còn bao hàm ý nghĩa gìn giữ những gì mà tổ tiên đã khai phá, mở mang khu nhà.

Trong địa vực cư trú, ở đâu cũng có các tượng nhỏ đặt ở phía Bắc của khu nhà, ngoài ra còn có miếu (xây bằng đá hoặc gỗ) để thờ thần và đặt tượng. Các bức tượng nhỏ đó được cho là "thần nhà cửa" và chỉ để thờ cúng đối với các gia đình riêng biệt. Phía Đông vùng Suruga còn quan niệm thần nhà cửa cũng là thần lúa. Trong khi đó, miền Trung và Tây Shizuoka nhìn chung đều xem đó là thần đất.

Với thần lúa được người dân tổ chức lễ hội vào những ngày đầu tháng 2 song có nơi lại tổ chức vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng. Lễ hội thần đất không chỉ tổ chức đầu tháng 2 mà còn vào ngày 15 tháng 11 hoặc muộn hơn là ngày 15 tháng 12. Nhiều gia đình đặt tượng thần đất (bằng gỗ và đá) như là hiện thân của thần nhà cửa ở góc phía Tây - Bắc của khu nhà. Họ tổ chức cúng thần ngày 15 tháng 12 với đồ cúng đặc biệt là "cơm đỏ". Ngoài ra, các gia đình còn cũng thần vào ngày 15 hàng tháng. Đặc biệt trong dịp Tết nhiều gia đình còn trang trí, tô điểm cho các tượng thần.

Có sự khác nhau trong quan niệm khi có nơi nhiều gia đình cũng xem thần nhà cửa như là biểu hiện của thần đất thì số ít gia đình lại coi thần nhà cửa cũng là hiện thân của thần lúa. Trái lại, ở khu vực quanh núi Phí Sĩ (Fuji) lại cho rằng: thần nhà cửa lúc thì là hiện thân của thần lúa khi lại là hiện thân của thần đất, tức là tuỳ theo từng gia đình mà quan niệm khác nhau. Tựu chung, danh xưng  của nhiều dạng thần mà người ta đã sử dụng như là một dấu hiệu hay biểu hiện của thần nhà cửa. Thế nhưng, tính cách của vị thần đó chắc chắn không được lưu truyền một cách rõ ràng cho nên chỉ có lời giải đáp chung nhất là được thần bảo vệ cho nhà cửa mà thôi.

Lễ cúng thần nhà cửa rất phổ biến và nhiều nơi cho rằng sẽ biết được tính chất của vị thần ấy, chẳng hạn, tổ tiên của gia đình (hay thuỷ tổ) nếu đã quá 33 lần cũng giỗ sẽ trở thành thần đất. Có nơi lại cho là thần đất trấn giữ cho khu nhà luôn yên lành tránh được tai ương, điềm xấu. Song, thần nhà cửa xét cho đến cùng là thần bảo vệ của khu nhà riêng biệt. Trên thực tế có làng vẫn tổ chức lễ cúng chung cho dù mỗi gia đình thờ thần nhà cửa của riêng mình song hầu hết những nơi khác đều không làm như vậy.

III- KẾT LUẬN

Địa vực cư trú truyền thống là vấn đề rộng lớn nên dù trong phạm vi một địa phương như Shizuoka cũng chỉ có thể tìm hiểu những nét chung nhất mà thôi. Tuy nhiên, qua đó sẽ thấy được diện mạo chủ yếu của không gia cư trú thuộc các vùng miền nơi đây. Sự khác nhau về không gian môi trường tự nhiên đã tạo nên sự đa dạng trong việc hình thành đơn vị cư trú với những biệt sắc chỉ hiện diện ở Shizuoka.

Cách tổ chức không gian cư trú giữa các vùng miền tuy có điểm khác biệt song vẫn bao hàm nét chung đó là sự vận hành của tổ chức xã hội nông nghiệp truyền thống. Quả thật, không quá khó để nhận thấy điều đó qua ngôi làng, phố phường nhà cửa, gia đình ruộng đất... ở bất cứ địa vực cư trú nào từ miền núi, đồng bằng đến ven biển. Thế nhưng, những yếu tố tạo nên đơn vị cư trú đầu tiên ấy là ngôi làng cũng không phải là bất biến cho nên sự thay đổi theo dòng chảy thời gian là lẽ đương nhiên. Chính điều đó là cơ sở, nền tảng cho bước phát triển của đơn vị cư trú từ truyền thống đến hiện đại ví như từ ngôi làng đến thành phố vậy song đó là tất yếu. Tuy nhiên, những giá trị văn hoá truyền thống không mất đi mà vẫn hiện hữu trong các đơn vị cư trú tại các vùng miền khác nhau ở Shizuoka còn lưu giữ được đến ngày nay.

 

HOÀNG MINH LƠI

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử tỉnh Shizuoka, phần II: Dân tộc, quyển 24, tỉnh Shizuoka biên soạn và xuất bản, năm 1993, Tiếng Nhật.

2. Lịch sử tỉnh Shizuoka, phần III: Dân tộc, quyển 25, tỉnh Shizuoka biên soạn và xuất bản, năm 1991, Tiếng Nhật.

3. Miyamoto Tsuneichi:

- Làng Nhật Bản và cuộc sống quê hương, Công ty cổ phần Miraisha, năm 1984, Tiếng Nhật.

- Đi tới làng quê, Công ty cổ phần Miraisha, năm 1986, Tiếng Nhật.

- Tổ chức làng và gia đình gia thế ở làng, Công ty cổ phần Miraisha, năm 1986, Tiếng Nhật.

- Torigoe Hiroyuki, Xã hội học về làng và nhà, Công ty cổ phần Sekai Shisosha, năm 1996, Tiếng Nhật.

4. Văn hoá dân gian miền núi, Hội Nghiên cứu văn hoá dân gian môi trường tỉnh Shizuoka, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hanei, năm 1997, Tiếng Nhật.

0thảo luận