Trang chủ

PHONG TRÀO ĐÔNG HỌC VÀ THIÊN ĐẠO GIÁO Ở HÀN QUỐC

Đăng ngày: 2-07-2012, 15:55 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 10

Thiên đạo giáo (Chondo-gyo) là hiện tượng rất đáng chú ý trong lịch sử tư tưởng và tôn giáo ở Hàn Quốc thời kỳ cận-hiện đại. Điều đặc biệt là Thiên đạo giáo có nguồn gốc trực tiếp từ phong trào Đông học (Tonghak) - một phong trào đấu tranh cách mạng của nông dân trên Bán đảo Triều Tiên từ 1812 đến cuối thế kỷ XIX. Vậy phong trào Đông học diễn ra như thế nào, Thiên đạo giáo là gì và quan hệ giữa chúng ra sao? Đó là vấn đề mà bài viết này góp phần tìm hiểu.

Để hiểu Thiên đạo giáo và phong trào Đông học, cần nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc vào những năm đầu thế kỷ XIX. Đây là thời kỳ Bán đảo Triều Tiên đang lâm vào tình cảnh quốc tế ngặt nghèo, bị các cường quốc như Anh, Nga, Nhật, Trung đe doạ. Không những thế, lũ lụt và hạn hán đã thay nhau làm cho mùa màng thất bát và nạn đói hoành hành. Trong khi cuộc sống ngày một khó khăn, những người cai trị lại tiếp tục tăng thuế, nhất là những khoản thuế đánh vào ruộng đất, mùa màng và đẩy nhiều người lao động tự do trở thành những người cùng khổ. Chính vì vậy, thái độ phản kháng, chống đối Chính phủ và bọn địa chủ từ trong tầng lớp nông dân đã xuất hiện và ngày một trở nên quyết liệt. Và như một hệ quả tất yếu, các cuộc nổi dậy của nông dân liên tiếp nổ ra.

Năm 1812, Hong Kyong-nae, một quan chức nghèo có học đã tập hợp nông dân ở Kasan và thành lập lực lượng vũ trang, chiếm đóng vùng đất này trong vài tháng.  Mặc dù cuộc nổi dậy lập tức bị chính quyền dập tắt, nhưng ngay sau đó, tại các vùng khác ở khắp nơi trên Bán đảo, nông dân tiếp tục đấu tranh chống lại tầng lớp quý tộc và những người có của ở địa phương. Đặc biệt, họ chống lại cả nhà vua.

Đông học với tư cách một trào lưu tư tưởng do Choe Je-u (Thôi Tế Ngu,최?제?우?, 崔濟愚, 1824-1864) khởi xướng vào khoảng năm 1860 thực chất là sự phản ảnh tinh thần của cuộc đấu tranh nông dân thời đó.

Choe Je-u là con của một người nổi tiếng có học ở vùng Kyongsang. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 16 tuổi và cũng từ đó đã phải tự mày mò kiếm sống rồi tìm đường giải thoát cho những người xung quanh và cho cộng đồng. Tư tưởng Đông học mà Cheoe Je-u đưa ra có ý đối chọi lại với Tây học (Sõhak), tức Thiên chúa giáo đến từ phương Tây. Chính vì thế, tư tưởng Đông học thực chất là một loại tư tưởng tôn giáo. Hơn thế nữa, tư tưởng Đông học không thuần nhất, mà có tính hỗn hợp, bao gồm trong đó những yếu tố Khổng giáo, Phật giáo và những nguyên tắc của  Hwarang – loại nguyên tắc sống của một tầng lớp thanh niên ưu tú tồn tại từ thời Silla cho đến tận thế kỷ thứ X­­. Choe Je-u cho rằng Thiên Nhân hợp nhất, rằng loài người và Đấng tối cao là đồng nhất thể, tâm trí con người là một bản sao tâm trí của Trời và do đó, phục vụ con người là phục vụ Trời. Điều đáng chú ý là trong tư tưởng Đông học có những yếu tố tư tưởng xã hội chủ nghĩa, hứa hẹn đem lại sự bình đẳng xã hội, nhất là đem lại lợi ích cho đông đảo nông dân nghèo và loại trừ tầng lớp Yangbang giàu có bóc lột.  Choe đã thấy được những nguy cơ  các thế lực nước ngoài đang rình rập Triều Tiên từ việc xem xét sự thâm nhập của Kitô giáo và sự chiếm đóng của Anh và Pháp ở Trung Quốc. Ông tin rằng, cách tốt nhất để tránh sự ảnh hưởng của nước ngoài vào Triều Tiên là tuyên truyền dân chủ, thiết lập quyền con người, tạo ra thiên đường trên mặt đất - mọi người cùng làm việc mà không cần có sự ảnh hưởng hay trợ giúp của nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng, Đông học là một hệ tư tưởng thuần tuý;  nó không quan tâm tới chiến lược, chiến thuật tranh đấu để thực hiện lý tưởng. Choe Je-u không có một kế hoạch cụ thể hay một quan điểm cụ thể nào về việc thiết lập một thiên đường trên trái đất; từ Thiên đường chỉ có ý nghĩa rằng đó là nơi mà mọi người cùng sống bình đẳng như nhau (và không có người Nhật). Tuy nhiên, nền dân chủ, quyền con người, chủ nghĩa dân tộc và những yếu tố Shaman giáo trong tư tưởng của Choe đã bó bện những nông dân khởi nghĩa và cũng nhờ đó, phong trào Đông học lan khắp Bán đảo Triều Tiên như ngọn lửa trên đồng cỏ khô.

Để tư tưởng Đông học có thể dễ dàng truyền bá trong dân chúng mà chủ yếu là nông dân, Choe Je-u còn sáng tác những bài hát như phương tiện truyền bá tư tưởng của mình. Những bài hát của Choe là sự pha trộn giữa các yếu tố truyền thống Khổng Giáo, Phật giáo và tinh thần Hwarang với những yếu tố tư tưởng nhân văn hiện đại.  Khuynh hướng bài trừ ngoại bang là một đặc trưng tư tưởng của ông, nó kết hợp hình thức đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng bài ngoại.

Năm 1862, một nửa thế kỷ sau cuộc nổi loạn nông dân do Hong Kyong-nae cầm đầu bị thất bại, một nhóm nông dân ở Chinju thuộc tỉnh Kyongsang đã một lần nữa nổi dậy chống lại các quan lại và địa chủ cường hào địa phương. Yu Kye-chun đã tập hợp, tổ chức những người nông dân để chống lại Paek Nak-shin, một kẻ mới nắm quyền ở nửa phía tây tỉnh Kyongsang và những tên tham quan, địa chủ giàu có khác. Những người nổi loạn không những giết quan lại địa phương, mà còn đốt phá trụ sở chính quyền. Chính phủ Seoul vội vã cử người xuống để nắm tình hình và xem xét lại những vấn đề đất đai, quân đội và hệ thống cho vay nặng lãi để cố gắng loại trừ những vô lí, bất cập. Mặc dù việc làm của Chính phủ không mấy hiệu quả, song ít nhất thì một vài cố gắng trong cải cách cũng đã được thực hiện.

Những cải cách ruộng đất có được do sự đấu tranh của nông dân ở Chinju đã làm dấy lên làn sóng đấu tranh của nông dân ở các địa phương khác. Tại các nơi như Kyongsang, Cholla, Chungchong, Hamyong,  Pyongan và  cả ở đảo Cheju, những nhóm nông dân đã nổi lên có trang bị vũ khí và tấn công quan lại địa phương.

Do ảnh hưởng của tư tưởng Đông học, làn sóng chống đối chính quyền ngày một phát triển rộng khắp trong tầng lớp nông dân. Năm 1894, một cuộc chiến tranh nông dân nhằm chống lại tầng lớp áp bức giàu có đã nổ ra.

Nguyên nhân trực tiếp là vào thời bấy giờ, thuế đất cao đã làm nhiều nông dân phải bán ruộng, khiến cho họ đã nghèo khó lại cùng quẫn hơn. Những người giàu có do mua được nhiều ruộng, lại kiếm được nhiều lợi nhuận nhờ bán gạo cho Nhật Bản nên càng có nhiều tiền. Họ gửi con cái sang Nhật Bản du học và hưởng thụ cuộc sống xa  hoa. Tình hình này đã làm cho lòng thù địch và căm phẫn người giàu trong nông dân càng trở nên cao độ.

Năm 1862, tại San-nam và các vùng lân cận, nông dân đã tự vũ trang chống lại những người cai trị địa phương và lập tức bị quân đội chính quyền đàn áp đẫm máu. Tuy vậy, những năm sau đó, những cuộc nổi dậy của những nhóm nông dân nhỏ lẻ vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp Bán đảo Triều Tiên.

Năm 1892, những nhóm nông dân vũ trang này đã tập hợp lại trong một tổ chức thống nhất gọi là Quân du kích nông dân hay Quân nông dân Đông học. Những người tham gia đội quân Đông học là những du kích thực sự. Ban ngày, họ cày cuốc trên đồng; đêm đến, họ trở thành những người tự trang bị vũ khí, cùng nhau tìm diệt bọn quan lại gian ác, cướp của cải của nhà giàu chia cho người nghèo, giết những thương nhân và người nước ngoài, tạo ra tâm lí vô cùng hoang mang, lo lắng cho tầng lớp thống trị giàu có. Trước sự trưởng thành của phong trào Đông học, chính quyền đã tìm mọi cách dập tắt những cuộc nổi dậy của nông dân. Choe Je-u đã bị bắt và bị hành hình năm 1864 tại Taegu với tội danh mê hoặc và lôi kéo mọi người bằng những tín điều nhảm nhí của Thiên chúa giáo cho dù ông cố biện minh cho mình là người tuyên truyền tư tưởng Đông học.

Người tiếp tục vai trò lãnh đạo Đông học của Choe Je-u là Choe Si-hyong. Một trong những điều đáng ghi nhận ở Choe Si– hyong là ông đã thực hiện được lời hứa với Choe Je-u là hoàn thành việc biên soạn cuốn kinh điển Đông kinh đại toàn (Tonggyõng taejõn) và bài kinh tụng Long đàm di từ (Yongdam yusa) được coi như hệ thống hoá những tín điều cơ bản của Thiên đạo giáo sau này. Nhờ có tư tưởng Đông học được hệ thống hoá, Choe Si-hyong đã cuốn hút ngày càng đông đảo nông dân. Tư tưởng Đông học đã thực sự đáp ứng nhu cầu giải phóng nông dân thời bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Choe Si-hyong, đội quân nông dân Đông học từ một tổ chức bất hợp pháp đã buộc chính quyền phải ngừng tay đàn áp với số lượng người tham gia lên đến khoảng 20.000 người. Đáng chú ý trong số đó, có cả những người người giàu thuộc tầng lớp Yangban, những học giả và những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Những người trong đội quân khởi nghĩa nông dân đều được tuyên truyền để thấm nhuần tư tưởng Đông học và họ coi đó là nguồn lực tinh thần tiếp sức cho những chiến binh nông dân trong chiến trận.

Đầu tháng 1 năm 1894, cuộc chiến đầu  của Quân nông dân Đông học đã nổ ra với quy mô lớn. Nguyên do là một quan chức chính quyền Triều Tiên Cho Pyong-gap ở Gu-bu đã tham lam độc ác, chèn ép và thu tiền bất chính của những người nông dân nghèo. Quân nông dân đã chống trả, đánh tan nhiều đợt đàn áp của chính quyền và cướp tài sản của Cho Pyong-gap chia cho người nghèo. Những người nông dân đã tước vũ khí của binh lính quân đội Chính phủ và tiến công sang các vùng lân cận. Cuộc đấu tranh của nông dân nhanh chóng lan ra nhiều nơi. Những người khởi nghĩa đã quấn khăn trên đầu và đeo thắt lưng ngang bụng để dễ phân biệt. Họ giưong cao lá cờ vàng có ghi dòng chữ: “Phụ quốc, an dân”. Quân đội nông dân ngày một tăng cường hoạt động, họ bắt và giết các quan lại và những người giàu. Cuộc chiến tranh của nông dân đang thuận lợi thì bị quân đội Chính phủ đàn áp. Ngày 13 tháng 3 năm 1894, binh lính của Chính phủ đã thực hiện cuộc càn quét nhằm tiêu diệt binh lính của đội quân nông dân. Quân đội đã đốt phá làng mạc và tàn phá dã man vùng Go-bu. Tin này được truyền đi nhanh chóng và làm dấy lên cuộc nổi dậy của nông dân trên khắp Bán đảo. Những người nông dân khởi nghĩa đã giương cao khẩu hiệu:

1. Không được giết hại và cướp bóc tài sản của nông dân.

2. Đảm bảo quyền lợi cho nông dân.

3. Đuổi người Nhật khỏi Triều Tiên và rửa sạch đất nước thiêng liêng.

4. Tiến về Soeul quét sạch chính quyền.

Quân nông dân liên tiếp công phá các đồn trú của quân đội Chính phủ và tiến gần đến Seoul. Đối phó với tình trạng khẩn cấp, Chính quyền đã kêu gọi sự viện trợ quân sự của Nhật Bản và Trung Quốc. Quân nông dân với vũ khí thô sơ đã không thể địch được sức mạnh của liên quân với trang bị chính quy, và họ đã mau chóng tan rã ngay ở Seoul. Mặc dù vậy, Quân nông dân khởi nghĩa đã dũng cảm chống trả quyết liệt quân đội Nhật Bản ở nhiều nơi khác cho dù kết cục đều thất bại. Một trận quyết tử diễn ra vào 22 tháng 10 năm 1984 và kéo dài đến tận tháng Mười một năm đó. Sau nhiều lần chống cự, quân nông dân đã bị thất bại nặng nề. Tháng 3 năm 1985, viên tướng Jung Bong-jun của quân Đông học đã bị bắt sống.

Cuộc chiến tranh nông dân tuy kết thúc nhưng tư tưởng Đông học, nhất là phong trào Đông học vẫn tiếp tục tồn tại và trải qua nhiều đời thủ lĩnh khác nhau. Đông học ngày càng nghiêng về mặt tín ngưỡng hơn là phong trào đấu tranh cách mạng.  Sau đó, thủ lĩnh phong trào thuộc về Son Pyong-hũi (1861-1922), một đệ tử của Choe Si-hyong. Năm 1901, Choe Si-hyong sang Nhật và sống ở đó đến tận năm 1906. Lãnh đạo Đông học được giao cho Yi Yong-gu (1868-1912).  Yi  đã thành lập một giáo phái mới từ phong trào Đông học gọi nhóm của mình là Sich’õn-gyo (Đạo thờ Trời), tuy nhiên, Sich’õn-gyo đã tan rã ngay sau khi Yi chết. Năm 1905, Son Pyõng-hũi đã đổi tên phong trào Đông học thành Thiên đạo giáo. Sau khi Song Pyõng-hũi qua đời vào năm 1922, không có ai tiếp tục vị trí lãnh đạo Thiên đạo giáo trong một số năm. Sau đó, một hội đồng điều hành được hình thành trên cơ sở cho phép các hoạt động của Thiên đạo giáo  mang tính tự quản tại các địa phương.

Sau 1945, Bán đảo Triều Tiên bị phân chia thành hai miền và chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ và Mỹ. Tín đồ Thiên đạo giáo trên Bán đảo Triều Tiên cũng bị phân chia thành hai cộng đồng tồn tại trong những hoàn cảnh chính trị - xã hội khác nhau. Theo một số tài liệu nghiên cứu tôn giáo, tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tín đồ Thiên đạo giáo cũng tập hợp lại thành một chính đảng và vào khoảng năm 1980, một nhà thờ Thiên đạo giáo cũng được dựng lên tại Thủ đô Bình Nhưỡng.

Tại Hàn Quốc, Thiên đạo giáo có vẻ như có sự phát triển hơn với tư cách là những đoàn thể tôn giáo. Tuy nhiên, Thiên đạo giáo là tổ chức luôn có thái độ dân tộc chủ nghĩa và  ủng hộ các chính phủ hiện hành. Chính vì thế, nó không thu hút được tầng lớp thanh niên vốn có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa nhưng lại có thái độ đối lập với chính quyền. Theo con số công bố của Thiên đạo giáo, vào giữa những năm 1960, tín đồ của tôn giáo này có tới 600.000 người, năm 1994 con số này lên đến 1.220.623. Tuy nhiên, theo thống kê của Niêm giám Tôn giáo Hàn Quốc 1996-1997 thì tổng số tín đồ của Thiên đạo giáo là 27.000 người, đến năm 1995, con số này là 28.000.

Thiên đạo giáo dạy rằng trên thế gian này có Chúa và Ngài ngự ngay trong mỗi con người chứ không phải ở trên trời như thuyết giảng của Thiên chúa giáo. Thiên đạo giáo đấu tranh cho cuộc sống hạnh phúc ở ngay trên thế gian này và cố gắng làm cho mỗi con người trở nên thông minh và có đạo đức với ý thức sâu sắc về xã hội. Về khía cạnh này, Thiên đạo giáo mang tính nhân văn sâu sắc.

Về mặt tín ngưỡng và thực hành, Thiên đạo giáo có có 3 đặc tính căn bản, đó là niềm tin vào Đấng tối cao, tính đồng nhất của những tín đồ của Đấng tối cao và niềm tin vào ma thuật chữa bệnh. Hệ thống cốt lõi của tín ngưỡng Thiên đạo giáo chủ yếu dựa trên nền tảng Shaman giáo bản địa của Hàn Quốc với nhiều yếu tố vay mượn của Đạo giáo, Phật giáo, và Kitô giáo. Trước hết, chúng ta hãy nghiên cứu đặc điểm của Thiên đạo giáo thôngqua những kinh nghiệm của Choe Je-u, người được coi là giáo tổ của Thiên đạo giáo.

Toàn thể những kinh nghiệm của Choe Je-u thể hiện đậm nét Shaman giáo. Trước hết, Choe cho rằng trên thế giới này có một cái mà ông gọi là linh hồn vĩ đại. Thông thường khi linh hồn chọn một người làm kẻ trung gian hay Shaman thì người này thường đầu tiên bị ốm. Choe đã từng mắc một căn bệnh rất bí hiểm mà không thuốc nào chữa được. Bệnh này không phải do một nguyên nhân bệnh lí bình thường mà do một linh hồn gây ra. Thứ hai, Shaman giáo mang niềm tin về một đấng tối cao và điều đáng chú ý là linh hồn nhập vào Choe Je-u chính là linh hồn Thượng đế, là người thống trị Trời theo quan niệm Đạo giáo. Thứ ba, việc một linh hồn nhập vào một người và người đó trở thành một Shaman và ban cho những tín đồ của mình những điều đặc biệt là một biểu hiện thường thấy trong quan niệm của Thiên đạo giáo. Theo kinh nghiệm của Choe về Thượng đế thì một linh hồn vĩ đại đã đưa cho ông một cái bùa và những chỉ dẫn thần bí để ông có thể chữa được bệnh. Như vậy, kinh nghiệm của Choe Je-u là kinh nghiệm của một người đã được linh hồn chọn làm Shaman và đó chính là chìa khoá để chúng ta hiểu rằng những yếu tố nền tảng của Thiên đạo giáo là Shaman giáo.

Như chúng ta đã biết, niềm tin vào sự tồn tại của ông Trời là hạt nhân của tôn giáo Hàn Quốc từ nguyên thuỷ. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong quan điểm của Choe Je-u, phần nhiều thể hiện những yếu tố không thuần tuý là những tên gọi của Hàn Quốc mà là với cái tên được thần thánh hoá bằng những tập quán của người Trung Quốc hoặc của Đạo giáo. Giáo điều là Choe truyền bá lại là giáo điều về cách chữa bệnh bằng ma thuật và về trường thọ. Những tín điều này và cách dùng bùa chú là một đặc tính của tôn giáo nguyên thuỷ Triều Tiên, song cũng tìm thấy chúng trong Đạo giáo của Trung Quốc. Chữa bệnh là một trong ba chức năng cơ bản của Shaman giáo Hàn Quốc, thậm chí là chức năng chung nhất.

Thiên đạo giáo dạy rằng, con người đồng nhất với Thượng đế bằng việc tôn kính Thượng đế và tụng một đoạn kinh 21 chữ do Thượng đế khải thị cho Choe Je-u. Quan  niệm này được gọi là in-nae-ch’on, có nghĩa là con người và Trời, con người và thần linh là đồng nhất. Con người cần phải làm cho tư tưởng và hành động của mình hài hoà với Trời. Niềm tin này có liên hệ mật thiết với tư tưởng của người Hàn thời xưa và tư tưởng Đạo giáo. Thiên đạo giáo tin tưởng việc xây dựng một thế giới lí tưởng ngay trên mặt đất này và ngay trong thời gian đang sống. Người Hàn cho rằng, Thiên đạo giáo mang trong mình một thứ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc. Các nhà nghiên cứu Thiên đạo giáo Hàn Quốc giải thích rằng, chính vì đặc tính này mà vào năm 1919, trong số 33 người ký vào Tuyên ngôn độc lập của Triều Tiên thì có 15 người là tín đồ Thiên đạo giáo.

Về mặt nghi lễ, trong những ngày suy tàn của triều đại Choson, nhà vua Kojong đã sử dụng Thiên đạo và tạo điều kiện cho nó lan rộng trên toàn quốc. Nhà vua đã thêm những nghi lễ, quy tắc vào tôn giáo mới này. Nó được tổ chức, phân chia thành những thứ bậc giống như Nhà thờ Thiên chúa với giáo sĩ, giáo hoàng và những nghi lễ chính thức…

Có một số nghi lễ mà tất cả các thành viên của Thiên đạo giáo đều đòi hỏi phải tuân thủ. Trước hết là, tín đồ Thiên đạo giáo phải thực hiện việc nguyện cầu hàng ngày vào lúc 9 giờ tối. Bàn thờ phải quay về hướng sao Bắc đẩu, trên bàn thờ phải đặt một cốc nước trong. Người cầu nguyện đứng phía trước bàn thờ và quỳ trên sàn nhà để vái lạy, tụng đoạn kinh và cầu nguyện. Điều thú vị trong lời cầu nguyện mang nhiều nét Shaman giáo của Thiên đạo giáo là người ta dùng từ Thiên chúa (Ch’õju), một thuật ngữ của Thiên chúa giáo, để chỉ Đấng tối cao.

Một buổi lễ chung, gọi là Si-il, được tiến hành vào sáng thứ Bảy trong một toà nhà giống như các nhà thờ Tin lành. Buổi lễ có phần giống với một buổi lễ của đạo Tin lành, gồm có bài thánh ca giống với giai điệu thánh ca quen thuộc của Tin lành, những người tham gia hành lễ đọc thầm lời cầu nguyện. Choe Je-u cũng tạo ra một bài thánh ca đề tuyên truyền những tín điều của ông, đó là bài Yongdam yusa mà hiện vẫn còn được dùng. Có một số nghi lễ đặc biệt được tiến hành như: Lễ Ch’õn-il được thực hiện vào ngày mồng 5 tháng 4 âm lịch, ngày được coi là Choe Je-u nhận khải thị từ Thiên chúa; Lễ Chi-il tổ chức ngày 14 tháng 8 âm lịch để tôn kính Choe Si-hyõng; Lễ In-il tổ chức vào ngày 24 tháng 12 âm lịch để tôn vinh loài người.

Thiên đạo giáo là một tôn giáo tổng hợp độc nhất vô nhị của người Hàn dựa trên những quan niệm của Shaman giáo về con người và Trời, về việc chữa bệnh. Về mặt tư tưởng và lí luận, nó chịu ảnhh hưởng của Đạo giáo và phần nào đó của Phật giáo. Cho dù Thiên đạo giáo có dùng thuật ngữ Thiên chúa của Thiên chúa giáo và học tập Tin lành trong các kiến trúc và hình thức tế lễ, song Thiên đạo giáo chủ yếu chịu ảnh hưởng của Kitô giáo về mặt thực hành hơn là mặt giáo lí.

PHẠM HỒNG THÁI

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ki-baik Lee, Lịch sử Hàn Quốc tân biên, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

2. James Huntley Graysion, Korea – A Religious History, Routledge Curzon, 2002.

3.  Niên giám Tôn giáo Hàn Quốc từ 1993-1997.

4. WanneJ.Joe, A Cultural History of Modern Korea, Elizabeth, NJ., Seoul, 2000.

5.http://www.kimsoft.com/KOREA/chundo.htm

6.http://www.asianresearch.org/articles/1797.html

7.http://www.asianinfo.org/asianinfo/korea/rel/nationalism.htm

8.http://www.onwar.com/aced/data/kilo/korea1894.htm

 

 

 

0thảo luận