Trang chủ

ĐÔI NÉT VỀ SỰ TƯƠNG ĐỒNG VĂN HOÁ VIỆT NAM – HÀN QUỐC

Đăng ngày: 28-05-2012, 13:59 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 9

I. Phong tục tập quán

1. Ăn và uống

Người Việt Nam ta từ xưa tới nay lấy cơm làm món chính trong bữa ăn hàng ngày. Nói là món chính vì bữa cơm có rất nhiều món, có thể những món khác mà ta quen gọi là thức ăn trong bữa cơm.

Thức ăn trong bữa cơm thì đủ thứ đủ loại từ nguồn thực vật, động vật có sẵn trong các vùng miền, thực vật nhiều hơn động vật. Rau quả ở nước ta rất phong phú về chủng loại và đóng vai trò chủ yếu. Rau xanh đủ loại như rau muống, rau dền, rau ngót, rau cải... luôn luôn có mặt trong mâm cơm mỗi gia đình.

Thịt có nhiều loại: thịt lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, dê, bò..., nhưng thông dụng nhất vẫn là thịt lợn và thịt bò.

Cá nước ngọt, nước lợ, nước mặn ở nước ta cũng rất nhiều và phong phú về chủng loại.

Thông thường, bữa cơm hàng ngày của dân ta rất thanh đạm. Người nông dân xưa thường ngày hay dùng rau xanh (đặc biệt là rau muống) với tương cà mắm muối, thịt cá xôi gà không phải ngày nào cũng có. *

Ngoài bữa cơm hàng ngày, người Việt ta có nhiều thứ quà bánh ăn thêm hoặc hay ăn vào bữa sáng. Đó là các loại bún riêu, bún ốc, bún cá, bún chả, bún bò giò heo, hủ tiếu... Song, một món rất hấp dẫn, nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước là phở. Phở ở Hà Nội được mọi người ưa thích nhất và trở thành món quà sáng rất phổ biến.

Trong bữa ăn, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên một mâm cơm thường là hình tròn. Người Việt ta quen dùng đũa, thìa và muôi. Muôi dùng để múc canh, thìa dùng lấy nước chấm hoặc có thể sử dụng trong khi ăn. Khi ăn, một tay bưng bát, một tay cầm đũa. Nếu muốn sử dụng thìa hoặc muôi thì một tay đặt đôi đũa xuống mâm, tay kia vẫn cầm bát. Sở dĩ tay bưng bát mà không bị nóng tay là nhờ có cái trôn bát.

Về đồ uống, trong bữa ăn, dân ta thường ít uống. Nếu có uống thì thường là đàn ông từ tuổi trưởng thành trở lên và rượu là đồ uống chính. Trong dân gian, rượu là đồ uống không thể thiếu trong các bữa ăn có tính chất đình đám. Hơn nữa, rượu còn đi vào cuộc sống của người dân Việt, rượu ngâm với các loại thảo dược hoặc rắn, mật gấu, ong chúa ...v.v dùng để chữa bệnh. Rượu có nhiều loại: rượu trắng, rượu cẩm, rượu nếp, rượu cần...., mọi miền đất nước ta từ miền xuôi đến miền ngược đều có những loại rượu ngon nổi tiếng.

Cây chè là một loại cây đặc sản của nước ta. Tuy nước ta chưa nói nhiều đến "trà đạo" Việt Nam, nhưng cách pha trà thơm của người Việt và cách chế biến các loại chè cũng rất cầu kỳ và đặc sắc. Các ấm chén chuyên dùng cho uống trà ở nước ta đã xuất hiện khá sớm, tương truyền xuất hiện từ đời nhà Lý(1010-1225), các loại đồ gốm, đồ sành sứ sử dụng cho việc uống trà cũng rất tinh xảo.

Bữa ăn của người Hàn Quốc cũng thanh đạm như người Việt ta. Cơm trắng cũng là món ăn chính. Ngoài ra, cơm trộn với 5 loại đậu đen đỏ trắng vàng xanh là một món người Hàn ưa dùng (người Hàn Quốc gọi là

Ô-kốc-bap: cơm ngũ cốc). Cơm cuộn rong biển với ít trứng và cà rốt (Kim-bap) là món mang tính nghệ thuật cao. Nó đòi hỏi người phụ nữ phải rất khéo léo để làm sao vừa thổi cơm dẻo vừa cuộn rong biển đã ép mỏng như tờ giấy, trong đó, cơm vẫn là món chính.

Rau xanh ở Hàn Quốc cũng đủ loại, ngoài các loại rau ở vùng đồng bằng như các loại rau cải, rau cần, rau dền... giống như ở Việt Nam ta, Hàn Quốc còn có rất nhiều loại rau rừng (người Hàn gọi là rau núi).

Thịt và cá cũng rất phong phú về chủng loại. Xưa kia, người Hàn Quốc nổi tiếng săn bắn giỏi nên thịt thú rừng được ưa chuộng nhiều. Trong đời sống hàng ngày, thịt lợn và thịt bò cũng là loại món ăn chủ đạo và thường nướng trên bếp lửa. Phong tục này nay vẫn còn, bởi vậy, khi người Hàn Quốc sang thăm Việt Nam, món bún chả của Việt Nam ta được người Hàn rất ưa thích chẳng khác gì người Việt.

Cá biển ở Hàn Quốc được ưa dùng nhiều hơn cá nước ngọt. Điều này cũng giống như ở miền biển Việt Nam, cư dân chuyên nghề bắt cá và ăn đồ biển là chính.

Đặc điểm nổi bật trong món ăn Hàn Quốc là vừa cay vừa mặn. Màu đỏ là màu đặc trưng trong các món ăn, ớt được sử dụng nhiều trong chế biến các loại món ăn.

Khi dùng bữa, cũng như người Việt ta, người Hàn cũng quây quần bên một mâm cơm. Mâm cơm được bày ra nhiều bát đĩa nhỏ đựng một số loại kim chi. Khi ăn, người Hàn Quốc cũng dùng đũa và thìa. Có điều, sự khác biệt ở đây là, người Hàn không dùng đũa và thìa cùng một lúc như người Việt ta thường sử dụng khi ăn phở mà dùng riêng rẽ. Điều đặc biệt là người Hàn không bưng bát cơm lên mà hay để ở mâm. Bởi vậy bát đựng cơm của họ không có cái trôn bát và mâm cơm cũng được nâng cao lên cách mặt đất khoảng từ 30 đến 40cm. Mâm cơm là cái bàn thường là hình chữ nhật, đôi lúc cũng thấy mâm cơm nhỏ hình vuông hoặc tròn.

Đồ uống trong bữa ăn chủ yếu cũng là rượu. Rượu có nhiều loại: trắng và đục, phổ biến là loại rượu trắng có tên gọi Sô-Chu.

Người Việt Nam ta có câu: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Người Hàn Quốc cũng vậy. Khi ngồi xuống bàn ăn, người ít tuổi phải trông trước trông sau, khi người lớn cầm đũa lên ăn thì người bé mới được cầm đũa. Khi uống rượu, người dưới phải rót rượu mời người trên và phải rót bằng hai tay. Người Hàn Quốc không tự rót rượu cho mình trong các bữa ăn chung mà người khác rót hộ. Đàn ông Hàn Quốc uống rượu nhiều, phụ nữ cũng uống rượu nhưng kín đáo hơn và phải được sự đồng ý của người trên.

Trà và cà phê là hai đồ uống khá phổ biến ở Hàn Quốc. Các loại đồ gốm, sành sứ dùng để uống trà xuất hiện khá sớm ở Hàn Quốc và tinh xảo. Đồ sành sứ  Koryo với men xanh ngọc cũng được xếp vào hàng tinh xảo ở phương Đông. Cũng giống như Việt Nam, tuy uống trà chưa được nâng lên thành trà đạo như Nhật Bản, Trung Quốc nhưng là đồ uống thường xuyên, nhất là khi có khách đến chơi nhà.

2. Ở và mặc

Nét đặc trưng nhất trong cách ở của người Việt Nam và Hàn Quốc truyền thống là hoà hợp với thiên nhiên cây cỏ. Ở vùng đồng bằng, quanh nhà đều có cây cỏ, hàng rào dâm bụt có nhiều ở vùng Bắc bộ Việt Nam và luỹ tre làng tạo ra nét riêng của nông thôn nước ta. Nhưng nếu ai có dịp đến thăm nông thôn Hàn Quốc thì hẳn sẽ thấy hoa Mu-kung (tức hoa dâm bụt) cũng được trồng rất nhiều và chính loài hoa này là quốc hoa của Hàn Quốc. Cây tre Hàn Quốc tuy không mọc dày thành luỹ như ở nước ta nhưng cũng không phải là ít. Điều giống nhau rõ nét nhất là nhà đều quay về hướng Nam hoặc Đông Nam, tránh nắng nóng mùa hè và gió Bắc mùa đông. Với đa số nông dân nghèo nói chung, vách nhà đắp hoặc trát bằng đất, trên mái lợp cỏ gianh hoặc rạ. Với số ít nhà giàu thì nhà làm bằng gỗ, mái lợp ngói. Nhà làm theo hình chữ L hoặc chữ U, giữa có cái sân, đây là phối cảnh chung ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc. Nhà ở truyền thống Việt Nam cũng tương tự như vậy. Một ngôi nhà thường là ba gian hai chái cộng với nhà ngang tạo thành chữ L, trước nhà có một cái sân.

Ở vùng sơn cước, nhà ở Hàn Quốc thường tựa lưng vào núi, quay hướng Nam hoặc Đông Nam, xung quanh nhiều cây cối. Nhà ở Việt Nam vùng sơn địa cũng tương tự như vậy.

Nét đặc biệt nhất trong ngôi nhà Hàn Quốc là có lò sưởi dưới sàn dùng để sưởi ấm trong mùa đông. Nét đặc trưng văn hoá này đến nay vẫn nguyên vẹn. Các toà nhà chung cư kiểu cách hiện đại nhưng dưới sàn từng căn phòng vẫn có sưởi theo truyền thống.

II. Phong tục hôn nhân

Từ xa xưa, do chịu ảnh hưởng nặng nề của lễ giáo phong kiến Trung Hoa, xã hội truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc dần dần hình thành một phong tục cưới hỏi khá tương đồng. Chuyện dựng vợ gả chồng cho con là do cha mẹ quyết định, "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Chuyện trai gái tự do tìm hiểu, tự do yêu thương rồi tự kết hôn thường không được đặt ra. Cha mẹ tìm vợ cho con trai mục đích chính là để "nối dõi tông đường". Nhưng, điều các phụ huynh quan tâm đầu tiên chưa phải là con người cụ thể mà là các vấn đề như xem gia đình hai bên có "môn đang hộ đối" không, nam nữ có hợp tuổi hợp số không? Kế đến mới là chàng trai có đẹp trai, tài ba, có chí lớn không? Cô gái có khoẻ mạnh, xinh đẹp tháo vát, đảm đang không? vv… Bởi vậy, trong xã hội truyền thống, người mai mối rất quan trọng. Đối với gia đình quyền quý, hôn nhân phải có mai mối và việc thành đôi lứa hay không, hai nhà thông gia "thông cảm" với nhau hay không đều phụ thuộc vào "nhân vật trung gian" này.

Các lễ thức của việc hôn nhân trong xã hội truyền thống của hai nước đều mô phỏng theo nghi lễ của Trung Hoa. Đó là thực hiện theo lục lễ (sáu lễ) trong cưới hỏi. Tương truyền, tục lệ trong hôn nhân có từ đời nhà Chu, sau được Chu Hy đời Tống đưa vào cuốn Văn Công gia lễ ([1]). Các nhà nho Hàn Quốc sao chép lại và đặt tên là Chu tử gia lễ.

Nói chung, chỉ có các gia đình quý tộc, giàu sang mới thực hiện đầy đủ sáu lễ, còn thì phần đông đều giảm bớt xuống còn ba lễ chính: Nạp thái, thỉnh kỳ, thân nghênh.

Ở Việt Nam ta cũng vậy, không phải nhà nào cũng thực hiện đủ sáu lễ trong cưới hỏi, chỉ có khi cả hai bên gia đình đều thuộc hàng quyền quý, đại gia mới tuân thủ, còn theo tục lệ cổ truyền, thông thường chỉ có ba lễ: Chạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới.

Ngày nay, ở thành thị Hàn Quốc cũng như Việt Nam, lễ cưới thường được tổ chức ở phòng cưới (phòng cưới thường là nhà hàng, khách sạn). Nhà trai, nhà gái tổ chức một bữa tiệc mời họ hàng, bạn hữu thân thiết đến chia vui với gia đình.

Hiện tượng kết hôn với người nước ngoài ở cả hai nước hiện nay không còn là điều hy hữu và bị khinh thị như xưa nữa. Do giao lưu quốc tế mở rộng, tự do luyến ái hôn nhân nên các đôi nam nữ tuy quốc tịch khác nhau nhưng khi gặp rồi cảm nhau, yêu nhau và quyết tâm cùng nhau xây đắp hạnh phúc gia đình, xây dựng quê hương đất nước cho cả đôi bên. Trong các đôi nam nữ nên vợ nên chồng ấy, số lượng cô dâu chú rể Việt Nam Hàn Quốc chiếm một số lượng đáng kể.

III. Phong tục tang ma

Phong tục tang ma ở Hàn Quốc và Việt Nam rất phức tạp. Trong sự phức tạp ấy, qua nghiên cứu và quan sát, ta có thể thấy những nét tương đồng sau:

Một là quan niệm về cái chết:

Dân gian hai nước kế thừa tín ngưỡng truyền thống lâu đời, cho rằng "con người ta có số phận", phải trải qua bốn bước sinh, lão, bệnh, tử; sống gửi thác về; chết là chuyển kiếp, luân hồi. Lại nữa, dưới ảnh hưởng của văn hoá Nho giáo, chữ Hiếu được nêu cao với quan niệm "Sự tử như sự sinh" (Phụng thờ người thân qua đời như phụng dưỡng khi còn sống), nên công việc chuẩn bị tang ma cho cha mẹ và tiến hành lễ thức tang ma là việc rất quan trọng. Hơn nữa, tình huyết thống của người Á Đông nói chung, hai nước Việt - Hàn nói riêng rất sâu nặng nên quan niệm của người sống đối với người thân, đặc biệt là cha mẹ lúc lâm chung rất đặc biệt.

Mọi người cho rằng người thân chết là hết, họ không còn gặp lại, nhìn thấy con người bằng xương bằng thịt mà thời gian đã qua chung sống và chia sẻ. Bởi thế, khi biết tin người thân sắp lâm chung, trong điều kiện cho phép dù xa mấy cũng muốn về gặp mặt lần cuối và được dự tang lễ.

Hai là bày tỏ sâu sắc niềm thương xót và chia buồn:

Người thân mất đi, nhất là cha mẹ là nỗi xót thương vô hạn đối với người sống, đối với con cháu. Việt Nam là thế, Hàn Quốc cũng vậy, niềm xót thương ấy thể hiện rõ nét là từ đáy lòng mình, tiếng gào khóc bật lên thành tiếng, nức nở xót xa. Tiếng khóc càng to, càng bi ai tức là niềm xót thương càng lớn. Để bày tỏ lòng xót thương, người có học còn viết hẳn bài điếu, làm bài thơ bài phú nói lên tình cảm sâu nặng của mình, ca ngợi công lao của người đã khuất...

Cũng vì xót thương mà người thân trong nhà phải mặc tang phục làm bằng các loại vải thô, xấu như xô gai màu trắng, (tang phục ngày nay còn có cả màu đen).

Cũng vì xót thương mà nhiều lễ thức được đặt ra trong đám tang. Ở Việt Nam ta, tương truyền các Lễ thức trong đám tang (và cả trong hôn nhân đã nêu) được quy định trong sách Thọ Mai gia Lễ đời nhà Lê.([2])

Để chia buồn với thân nhân người mất, ngay từ khi biết tin có tang, bà con xóm giềng bao giờ cũng sang ngay lập tức, giúp đỡ nhiều việc. Sau khi phát tang, thân bằng cố hữu lần lượt đến phúng viếng chia buồn với gia đình. Ở thành thị ngày nay, người đến viếng thường có vòng hoa, mấy bó hương, có người đem theo cả phong bì đựng tiền phúng viếng. Điểm khác biệt một chút chỉ ở màu sắc vòng hoa: Việt Nam qui định người chết đã có gia đình thì hoa phúng viếng nhiều màu, người chưa có gia đình thì hoa màu trắng. Hàn Quốc qui định hoa phúng viếng chỉ một màu trắng.

Ba là chôn cất và cúng giỗ:

Trong xã hội truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc, tang chủ rất quan tâm đến việc chọn đất để chôn cất người thân, có khi, việc tìm huyệt tốt còn được chuẩn bị từ trước với niềm tin được đất tốt an táng người thân thì con cháu sẽ được hưởng phúc lộc. Việc chọn đất thường là do thầy địa lý đi tìm và về cơ bản đều theo sách địa lý phong thuỷ của Trung Quốc.

IV. Thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên cũng là việc quan trọng trong đời mỗi người dân Việt Nam và Hàn Quốc.

Đối với các dòng họ lớn, tổ tiên có chức tước phẩm hàm, giàu sang hoặc khá giả thì việc thờ cúng tổ tiên được tiến hành ở từ đường (Việt Nam còn gọi là nhà thờ họ), còn việc thờ cúng gia tiên phải lập bàn thờ ở nhà.

Đối với người dân bình thường, thờ cúng tổ tiên hay gia tiên đều làm ở nhà. Nhà nào cũng có bàn thờ. Chưa rõ triều đình phong kiến Việt Nam trước đây có qui định bắt buộc như vậy không, nhưng triều đình ChoSon (1392-1910) của Hàn Quốc qui định cụ thể như vậy. Nếu nhà nào không lập bàn thờ thờ cúng tổ tiên thì bị phạt. Dù luật pháp của triều đình phong kiến Việt Nam có hay không qui định nhưng thực tế là mỗi gia đình Việt Nam đều lập bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Bàn thờ thường đặt ở nơi trang nghiêm nhất trong ngôi nhà. Ở nông thôn Việt Nam, bàn thờ được đặt ở gian giữa. Ở thành thị, tuỳ theo gia cảnh và thiết kế ngôi nhà, bàn thờ được đặt ở những chỗ cao ráo, sạch sẽ, tôn nghiêm. Ngày nay, Việt Nam ta vẫn thế, nhưng ở Hàn Quốc đã thay đổi. Bàn thờ không có trong nhà, chỉ tới ngày giỗ ông bà cha mẹ thì mới lập bàn thờ, hương án và làm cơm canh cúng giỗ.

V. Nghi lễ tuổi trưởng thành.

Trong đời người Hàn Quốc từ xưa đến nay, có bốn việc rất quan trọng: đó là quan, hôn, tang, tế. Quan ở đây là nghi lễ đội mũ([3]), công nhận chàng trai đến tuổi trưởng thành, có quyền lợi và nghĩa vụ của người lớn. Đáng lý ra, phần này phải được đặt trước các phần hôn nhân (hôn), tang ma (tang), thờ cúng tổ tiên (tế), nhưng, các sách viết về văn hoá Việt Nam hiện nay rất ít khi đề cập tới vấn đề này nên ở đây xếp xuống sau. Nghi lễ đội mũ, theo sách Lễ ký - Khúc lễ thượng của Trung Quốc là nghi lễ cử hành vào một tháng sau khi con em quý tộc tròn 19 tuổi. Các nước trong khu vực Đông Á xưa kia, trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc cũng theo lễ nghi này. Ở Trung Quốc, lễ nghi này tồn tại cho tới khi cách mạng Trung Quốc thành công, nhà nước Trung Hoa mới ra đời năm 1949. Ở Việt Nam thời xưa, lễ nghi này cũng được áp dụng trong các gia đình quan lại, quí tộc, nhưng về sau lễ nghi này không còn nữa.

Ở Hàn Quốc, nghi lễ này được áp dụng theo như Trung Quốc, gia đình càng quyền quý thì nghi lễ càng trang trọng. Điều đặc biệt là nghi lễ này hiện nay vẫn tồn tại, không phải đến tuổi 19 như xưa mà là 18 tuổi. Lễ nghi này thời hiện đại không rườm rà như cũ nhưng vẫn rất trang trọng với sự chứng kiến của mọi người trong dòng tộc. Thực hiện xong nghi lễ này, các chàng trai Hàn Quốc hiện nay mới thực sự là người lớn, mới có các quyền lợi của người lớn như uống rượu, hút thuốc lá, xem phim người lớn... và có nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội...

VI. Những ngày lễ tết chủ yếu trong năm

Việt Nam và Hàn Quốc song song sử dụng hai loại lịch: dương lịch và âm lịch.([4]) Những ngày lễ tết chủ yếu trong năm đều tính theo âm lịch. Đó là Tết Nguyên đán, Tết Thượng nguyên (tức Tết rằm tháng giêng), Tết Hàn thực, lễ Phật đản mùng 8 tháng 4, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên (rằm tháng bảy), Tết Trung thu (rằm tháng tám), Tết Hạ nguyên (rằm tháng mười) và Tết ông công ông Táo (23 tháng chạp).

Tết Nguyên đán là Tết lớn nhất trong năm. Người dân Việt Nam và Hàn Quốc rất coi trọng ngày Tết này. Đây là dịp cả gia đình đoàn tụ, sum họp đầy đủ. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu cũng cố gắng trở về. Mặt khác, việc thờ cúng tổ tiên vào ngày này cũng rất được trọng thị. Mọi người cho rằng, tết đến, mỗi người được thêm một tuổi, tục lệ mừng tuổi là nét chung nhất của cả hai dân tộc.

Hai nước có tập quán đẹp là đầu xuân năm mới, có lời chúc tụng tốt lành, nhưng ở Việt Nam ta, lời chúc tụng thường tuỳ theo ý mình, chúc “an khang thịnh vượng”, “vạn sự như ý” … mà không có một câu chúc chuẩn mực chung. Ngày nay, câu chúc “chúc mừng năm mới” tạm có thể coi là câu chúc chung nhất, được đăng tải nhiều nhất trên các tờ lịch, báo chí, truyền hình mỗi khi năm hết tết đến nhưng lại là câu nói nhập từ phương Tây “happy new year”. Ở Hàn Quốc, họ cũng chúc nhau nhiều điều tốt lành nhân dịp năm mới, nhưng câu chúc chuẩn mực mà ai cũng nói, câu chúc đó có ý nghĩa là “Năm mới, chúc nhận được nhiều Phúc”.

Ba lễ tết chủ yếu và được nhân dân hai nước rất trân trọng là Tết Thượng nguyên, Lễ Phật đản và Tết Trung nguyên. Ba ngày Lễ này chủ yếu liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Người Việt ta chủ yếu theo đạo Phật, người Hàn Quốc đa số theo Phật giáo, cho nên, ba ngày lễ có rất nhiều nét giống nhau. Người đến chùa cúng lễ rất đông và ở các gia đình, việc cúng lễ, đốt tiền vàng mã cũng được chú trọng.

Riêng với tết Trung thu, ở Việt Nam ta, trước đây tết này vốn là tết chung của mọi người, nhiều nơi tổ chức thả diều, hát trống quân, múa hát dưới ánh trăng tròn nhất trong năm....nay chuyển thành tết của thiếu nhi.

Hàn Quốc vẫn giữ các nghi lễ của tết này giống như Trung Quốc. Tết Trung thu đúng vào lúc thời tiết mát mẻ, phong cảnh ở Hàn Quốc rất đẹp, lại vừa sau dịp thu hoạch vụ mùa nên từ xa xưa, tết Trung thu được người Hàn Quốc rất coi trọng và tổ chức linh đình, có ý kiến cho rằng chẳng kém gì tết Nguyên đán.

VII. Chữ viết, văn chương, chế độ học tập và khoa cử truyền thống

1. Chữ viết

Trong quá khứ, hai dân tộc đều bị nhà Hán đô hộ từ những năm trước công nguyên và chữ Hán đã được du nhập. Từ đó, theo suốt chiều dài của lịch sử, chữ Hán được sử dụng rất phổ biến và được coi là văn tự chính thức của nhà nước phong kiến hai nước. Nho sĩ hai nước Việt - Hàn thời phong kiến sử dụng chữ Hán rất thành thạo, có thể nói không thua kém gì nho sĩ Trung Quốc. Khi gặp nhau, tuy không thể nói chuyện bằng lời nhưng họ có thể dùng bút đàm luận mọi vấn đề, từ văn chương học thuật đến chính trị, xã hội... Trên cơ sở của chữ Hán, nho sĩ hai nước còn sáng tạo ra một thứ chữ mới để ghi tiếng nói của dân tộc mình mà chữ Hán không thể đảm đương nổi. Việt Nam ta có chữ Nôm và Hàn Quốc có chữ Idu. Vì tiếng nói của hai dân tộc khác nhau nên cách cấu tạo chữ viết đó không thể giống nhau hoàn toàn nhưng nét tương đồng thể hiện rõ ở chỗ trên cơ sở chữ viết của Trung Hoa mà sáng tạo ra thứ chữ của dân tộc mình, thể hiện rõ tinh thần tự tôn dân tộc.

2. Văn chương

Dưới góc độ xem xét nét tương đồng văn chương hai nước, ta thấy, văn chương thành văn của hai nước, về đại thể giống nhau ở chỗ có văn chương chữ Hán và văn chương chữ viết của dân tộc mình (văn chương chữ quốc ngữ). Trong phần văn học chữ viết của dân tộc mình, thấy rõ có hai mảng chính: Việt Nam có văn học chữ Nôm và văn học chữ Việt; Hàn Quốc có văn học chữ I-du và văn học chữ Hàn (Hangưl).([5])

Về văn học chữ Hán, suốt hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, chữ Hán được coi là quan phương chính thống, từ việc học hành, soạn thảo văn thư hành chính, sáng tác văn chương đến khoa cử đều dùng chữ Hán nên cha ông hai nước chúng ta đã để lại một kho tàng văn chương chữ Hán đồ sộ. Tuy sau nhiều phen binh lửa, thiên tai nhân hoạ... tàn phá nhưng số lượng sách vở chữ Hán còn được lưu lại cũng đủ cho chúng ta tự hào.

Về chế độ học tập và khoa cử truyền thống, có thể thấy một số điểm tương đồng sau:

Một là, nhà nước phong kiến hai nước đều xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi tế lễ Khổng Tử và đào tạo các nho sinh.

Văn Miếu ở Hà Nội được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1070 dưới triều Lý. Tiếp theo vào năm 1076, Quốc Tử Giám cũng được xây dựng. Trải các triều đại phong kiến, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được trùng tu, mở mang ra nhiều. Đến thời Nguyễn, Gia Long đóng đô ở Huế và ra chỉ dụ lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Huế. Ngoài ra, một số địa phương cũng lập Văn Miếu nhưng qui mô nhỏ hơn.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Hàn Quốc lần đầu tiên được xây dựng ở Ke-Sơng (Khai Thành) kinh đô của triều đại Koyro (918 - 1392) vào năm thứ 9 đời vua Kuangjong (Quang Tông) trị vì, tức năm 958. Sang triều đại ChoSon, triều đình nhà Yi (Lý) dời đô từ Ke-Sơng về Han-Sơng (Hán thành, tức Seoul ngày nay) và cho xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới vào năm 1397. Các trường ở địa phương cũng lập Văn Miếu, qui mô cũng nhỏ hơn.

Về cấu trúc, Văn Miếu - Quốc Tử Giám của hai nước đại thể đều gồm hai phần chính là Văn Miếu ở phía trước, Minh Luân Đường ở phía sau. Văn Miếu gồm điện Đại Thành thờ Tiên Thánh; Đông Vũ và Tây Vũ thờ các tiên hiền và tiên nho. Đằng sau là nhà Thái học, tức Minh Luân Đường là nơi dạy học, hai bên Đông Tây làm nhà cho giám sinh làm chỗ ăn nghỉ. Điểm đặc biệt của Văn Miếu ở Việt Nam là có nhà bia, dựng nhiều bia tiến sĩ, tôn vinh người đỗ đạt. Lễ dựng bia đầu tiên được tổ chức trọng thể vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484).

Hai là các học trò đều học chữ Hán. Thông thường, học trò phải làm quen và học thuộc lòng từng chữ Hán từ thuở ấu thơ. Khi đã thạo một số lượng chữ nhất định thì được học các sách kinh điển của Nho gia gồm Tứ thư, Ngũ kinh. Sau cùng, học trò được luyện tập lối văn chương cử tử chuyên dùng cho việc đi thi. Chuyện thi cử của hai nước thời xưa cũng rất giống nhau, đều có ba kỳ thi là thi Hương, thi Hội, thi Đình (còn gọi là điện thí). Thi Hương được mở ở nhiều nơi nhưng thi Hội chỉ ở kinh đô, các thí sinh bắt buộc phải về kinh dự thi. Ở Hàn Quốc, vào thời Koryo (918 - 1392), thi cử được tổ chức ba năm một lần, nhưng có lúc gián đoạn do chiến tranh loạn lạc và chưa định lệ cụ thể vào những năm nào. Sang thời ChoSon (1392 - 1910) việc thi cử đi vào nề nếp và định lệ ba năm một lần, thi Hương được tổ chức vào những năm tí, ngọ, mão, dậu; thi Hội được tổ chức vào những năm thìn, tuất, sửu, mùi. Nước ta cũng tương tự như vậy, đến đời nhà Nguyễn, thi Hương, thi Hội cũng được tổ chức vào những năm nêu trên.

Mỗi kỳ thi Hội, triều ChoSon lấy 33 người đỗ tiến sĩ, sau đó vào điện vua thi, chọn ba người đứng đầu, cũng gọi là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa như ở nước ta.

VII. Tôn giáo tín ngưỡng

Trong xã hội truyền thống của hai nước, sự tương đồng về tôn giáo tín ngưỡng thể hiện rõ nét nhất ở sự hội nhập tam giáo Nho, Phật, Đạo. Trong sự hội nhập đó, theo từng thời kỳ lịch sử, Nho và Phật thay thế nhau chiếm vị trí độc tôn. Thời kỳ độc tôn của Nho và Phật ở hai nước cũng tương tự như nhau. Trước thế kỷ XIV, Phật giáo đóng vai trò chủ đạo. Từ thế kỷ XV trở đi, Nho giáo chiếm vị trí độc tôn. Thế kỷ XV được coi là thế kỷ hoàng kim của hai quốc gia. Ở Hàn Quốc, thời vua Sêjong trị vì (1418 – 1450) là thời đại phát triển rực rỡ nhất của nhà nước phong kiến Choson. Ở Việt Nam, thời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460-1497) cũng được coi là thời kỳ phát triển mạnh nhất của triều Lê sơ. Nho giáo hai nước đều lấy Tống nho làm căn bản và hệ tư tưởng này chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Theo đó, trải theo năm tháng, văn hoá hai nước ngẫu nghiên có những nét tương đồng.

Bước sang thời cận hiện đại, Công giáo và Tin lành của phương Tây đều ảnh hưởng tới hai bán đảo. Nhà nước phong kiến của cả hai nước, tức chính quyền Choson (Hàn Quốc) và nhà Nguyễn (Việt Nam) đều chống đối quyết liệt nhưng vẫn không thể ngăn cản. Công giáo và Tin lành đã có mặt ở hai nước (tôn giáo này ở Hàn Quốc phát triển mạnh hơn) và ngày lễ giáng sinh trở thành ngày lễ chung của các giáo dân, một ngày lễ tính theo dương lịch.

Thay lời kết

Nói tới văn hoá là nói tới cả một bình diện rộng lớn liên quan mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khuôn khổ bài tạp chí, chúng tôi xin chỉ đề cập tới những nét điển hình nhất, dễ nhận biết nhất trong sự tương đồng văn hoá của hai nước. Dẫu sao, qua những nét tương đồng nêu trên, ta có thể hiểu được đôi điều:

Một là, sự tương đồng văn hoá hai nước là ngẫu nghiên, không phải có sự thoả thuận hay bố trí sắp xếp của các triều đại phong kiến.

Hai là, sự tương đồng văn hoá của hai nước có cội nguồn sâu xa, được hình thành trong suốt hàng ngàn năm và có sự bền vững lâu dài.

Ba là, sự tương đồng văn hoá có nguồn gốc sâu xa bền vững lâu dài này là cơ sở vững chắc, tạo dựng mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc. Sở dĩ Việt Nam – Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao mới được 15 năm (1992 – 2007) mà về quan hệ mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn hoá, ngoại giao, ... phát triển nhanh chóng và tốt đẹp như vậy là nhờ có một lực đẩy vô cùng mạnh mẽ từ phía sau. Đó chính là sự tương đồng văn hóa sâu xa, bền vững.

 

LÝ XUÂN CHUNG

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Văn hoá - Thông tin.

2. Đại học Quốc gia Hà Nội (2002), Những vấn đề về Hán Nôm học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (1996), Về tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Đặng Đức Siêu (2006), Sổ tay văn hoá Việt Nam, Nxb Lao động.

5. Hàn Quốc, Lịch sử và văn hoá (1995), Nxb Chính trị Quốc gia.

6. Kim Seong Beom - Đào Vũ Vũ (2006), Câu chuyện Hàn Quốc, Nxb Thế giới.

7. Komisook - Jung Min - jung Byung Sul (2006), Văn học sử Hàn Quốc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

8. Nguyễn Thừa Hỷ (1999), Lịch sử văn hoá Việt Nam, truyền thống giản yếu, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

9. Nguyễn Tài Thư: (chủ biên) (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội.

10. Nguyễn Tài Thư (1997), Nho học và Nho học ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.

11. Nguyễn Văn Huyên (2005), Văn minh Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

12. Trần Ngọc Thêm (1999), Cở sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục.

13. Phan Đại Doãn (Chủ biên) (1999), Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.



 

([1]) Văn Công: tức Chu Văn Công, Chu Hy, một danh nho đời Tống Trung Quốc.

([2]) Sách Thọ Mai gia lễ của Hồ Sĩ Tân (1690 - 1760), hiệu là Thọ Mai, người Nghệ An.

([3]) Quan: có hai nghĩa: (1). cái mũ đội đầu; (2). nghi lễ đội mũ, công nhận chàng trai đến tuổi trưởng thành. Ở nghĩa thứ hai, âm này đọc là Quán thì đúng hơn. Đây phiên theo cách đọc truyền thống.

([4]) Điều này khác với Nhật Bản, cùng là nước ở Đông Á, nay Nhật Bản chỉ dùng dương lịch, không sử dụng âm lịch.

([5]) Văn học chữ I-du và văn học chữ Hangưl đều gọi là văn học chữ Hàn. Để phân biệt văn học chữ Hàn (Hangưl) có từ thời vua Sêjong thế kỷ XV trở đi, người ta chia tách bạch ra vậy để phân biệt chữ I-du và Hangưl.

0thảo luận