Trang chủ

HỌC THUYẾT FUKUDA: MỘT GÓC NHÌN TỪ PHÍA CÁC NƯỚC ASEAN

Đăng ngày: 28-05-2012, 10:56 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 9

Có thể nói thời điểm năm 1975, là một mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Nhật Bản - ASEAN. Ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Nhật Bản đã có nhiều động thái bày tỏ vai trò của họ đối với khu vực Đông Nam Á. Đến năm 1977, một chính sách Đông Nam Á mới của Nhật Bản chính thức được Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda đưa ra tại Manila ( Philippin), trong chuyến viếng thăm đến Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN lần thứ hai. Trong học thuyết của mình, Fukuda đã nhấn mạnh đến ba trụ cột trên cả hai phương diện kinh tế lẫn chính trị:

Thứ nhất, Nhật Bản một quốc gia tôn trọng hoà bình, không chấp nhận vai trò của một cường quốc quân sự và trên cơ sở đó, quyết tâm đóng góp vào hoà bình và thịnh vượng của Đông Nam Á và thế giới.

Thứ hai, Nhật Bản là một người bạn thật sự của các nước Đông Nam Á, sẽ làm hết sức mình để củng cố mối quan hệ cùng tin cậy lẫn nhau dựa trên sự hiểu biết thành thật với những nước này, trong nhiều lĩnh vực rộng lớn bao gồm không chỉ chính trị và kinh tế mà cả xã hội và văn hoá.

Thứ ba, Nhật Bản sẽ là một bạn hàng bình đẳng của ASEAN và các nước thành viên của nó và sẽ hợp tác tích cực với những nước này để tăng cường tình đoàn kết và sức phát triển của họ cùng với các quốc gia khác có suy nghĩ tương tự ở ngoài khu vực, để thúc đẩy mối quan hệ dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau với các quốc gia Đông Dương và do vậy sẽ đóng góp vào việc xây dựng hoà bình và thịnh vượng trên toàn khu vực Đông Nam Á” (1)

“Học thuyết Fukuda” trở thành những định hướng cho sự phát triển quan hệ Nhật Bản với các nước ASEAN trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, lâu nay người ta nhìn nó ở dưới góc độ là một chính sách của Nhật Bản đối với các nước Đông Nam Á nhiều hơn. Vì vậy, thiết nghĩ ở một khía cạnh nào đó cũng cần xem xét nó dưới góc nhìn của các nước ASEAN trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau.

Khi “Học thuyết Fukuda” mới ra đời, dường như các quốc gia ASEAN dễ dàng chấp nhận, mặc dù trước đó đôi bên còn có nhiều điểm bất đồng với nhau. Chính vì vậy, đã giúp cho Nhật Bản triển khai được các chính sách mới của họ đối với khu vực một cách khá nhanh chóng và thuận lợi. Mặc dù trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á, học thuyết này chưa thực hiện được trọn vẹn nhưng riêng với khối ASEAN nó đã đạt được những điều mà Nhật Bản mong muốn. Vậy cơ sở nào thúc đẩy ASEAN có thái độ tích cực và xem “Học thuyết Fukuda” là nền tảng đưa quan hệ Nhật Bản – ASEAN sang một bước ngoặc mới.

Quan hệ Nhật Bản với các nước Đông Nam Á đã có lâu đời trong lịch sử nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Nhật Bản đưa ra một chính sách cụ thể định hướng cho việc xây dựng mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Trong đó có những cam kết phù hợp với những mong muốn của ASEAN và điều quan trọng hơn là các quốc gia ASEAN được đặt ở vị trí bình đẳng với Nhật Bản. Song song với việc công bố chính sách Đông Nam Á mới, Nhật Bản còn cam kết trợ giúp ngay 1 tỉ USD cho các dự án của ASEAN và gia tăng nguồn vốn ODA trong những năm tiếp theo.

Việc Nhật Bản công bố “Học thuyết Fukuda” và gia tăng nguồn viện trợ cho ASEAN không phải hoàn toàn xuất phát từ phía Nhật Bản. Nhưng nếu đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử của mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á từ đầu thế kỉ XX đến nay, thì điều này có thể thật sự đóng vai trò quan trọng và xét trên nhiều phương diện nó mang tính chất cách mạng, mở ra một bước ngoặc mới cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản – ASEAN. Với những gì đã xảy ra trong quá khứ, dù muốn hay không trong tâm trí của người dân Đông Nam Á vẫn còn tồn tại hình ảnh xâm lược và chiếm đóng tàn bạo của Nhật Bản đối với họ và vẫn còn đó kí ức về “ khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”. Chính Thủ tướng Xingapo Lý Quang Diệu cũng đã từng nói “đối với tôi  và những người cùng thế hệ thì ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc nhất mà người Nhật đã để lại trong lòng chúng tôi là sự khủng khiếp của những năm họ chiếm đóng, những kí ức này không thể nào xoá sạch được”(2) . Trong đó, người dân Đông Nam Á bị đối xử một cách thậm tệ. Như vậy, chỉ mới cách đây hơn một nửa thế kỉ, Nhật Bản hiện lên như là một thế lực bóc lột bằng quân sự.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trên con đường phục hồi, Nhật Bản đã trở lại với các dân tộc Đông Nam Á bằng một con đường khác, con đường “ngoại giao kinh tế”. Với phương châm “phát triển kinh tế là trên hết”, các nhà doanh nghiệp Nhật Bản đã ồ ạt mở rộng thương mại, thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào các quốc gia ASEAN nhằm thu được nhiều lợi nhuận và đã đưa đến một hiện tượng là tình cảm chống Nhật tràn lan trong nhân dân Đông Nam Á. Họ lo sợ rằng nếu Nhật Bản chi phối về mặt kinh tế dễ dàng  trở thành một quyền lực thống trị về mặt chính trị. Trên thực tế, người Nhật đã đối diện với cảm giác chống  Nhật của một bộ phận cư dân các nước ASEAN mà đỉnh cao của nó là chiến dịch tẩy chay hàng hoá Nhật Bản ở Thái Lan năm 1972, biểu tình ở Inđonêxia, các cuộc nổi loạn ở Thái Lan trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nhật Bản Tanaka tới các nước này năm 1974. Có lẽ đây cũng là một lí do để các nước ASEAN khước từ việc mời Thủ tướng Nhật Bản tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của Hiệp hội vào năm 1976. Những sự kiện đó nổ ra là những hồi chuông cảnh tỉnh những người chèo lái con thuyền nước Nhật.

Trong quan hệ kinh tế, lợi nhuận mà người Nhật thu được từ các nước ASEAN không phải là nhỏ, tuy nhiên không có nghĩa là Nhật Bản không cần phải trả một cái giá nào đó cho những món lợi mà họ đã thu được. Người Nhật nhận ra rằng họ đã tạo ra ấn tượng không mấy tốt đẹp với sự tin cậy của nhân dân ASEAN và bị xem là những người chỉ quan tâm tới thị trường và lợi nhuận. Cú sốc “Đông Nam Á 1974” xảy ra trong chuyến viếng thăm các nước ASEAN của Thủ tướng Tanaka làm cho người Nhật thức tỉnh rằng họ đã làm quá ít để hiểu hơn những người bạn mà họ có nhiều lợi ích ở Đông Nam Á. Chính vì vậy, ngay khi về nước sau chuyến viếng thăm này, Thủ tướng Tanaka đã đề nghị “Nhật Bản cần mở rộng trao đổi văn hoá, y tế và thanh niên với Đông Nam Á để bằng mọi cố gắng có thể đạt được kết quả trong tương lai”(3).

Việc công bố “Học thuyết Fukuda”được các nước ASEAN ủng hộ nếu chúng ta chỉ xem xét nó dưới góc độ kinh tế và xã hội nhằm làm dịu bớt sự căng thẳng của nhân dân các nước ASEAN đối với Nhật Bản thì chưa đủ, mà còn phải xem xét nó dưới nhiều góc độ khác bao gồm cả kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa xã hội. Từ đó mới thấy rõ rằng các nước ASEAN còn có những lí do khác để đến gần hơn với Nhật Bản.

Dưới góc độ an ninh, Đông Nam Á là một khu vực thường xuyên chống chọi lại sự xâm lược từ các thế lực bên ngoài và những rối ren bên trong. Do đó, vấn đề an ninh của ASEAN thường được quy về những giới hạn thuần tuý về mặt quân sự. Trong khi đó theo qui định của Hiến pháp Nhật Bản, Nhật không phải là một cường quốc quân sự và có lẽ cũng không trở thành một thế lực quân sự lớn trong một tương lai gần. Cho nên, khi vấn đề an ninh được xác định trong một giới hạn hẹp, thì Nhật Bản không thể đóng một vai trò gì ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ sau Chiến tranh Việt Nam tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi lớn tác động sâu sắc đến môi trường an ninh trong khu vực thì một sự xác lập an ninh mới cũng được đặt ra. Đó là ý nghĩa an ninh cũng được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác hay còn được gọi bởi thuật ngữ “an ninh toàn diện”. Theo đó, các nước ASEAN bắt đầu nhìn nhận sự an toàn của họ có liên quan chặt chẽ đến việc đảm bảo sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường… Với thực trạng đó, Nhật Bản tìm thấy sự thuận lợi của chính họ trong sự ổn định của tình hình khu vực bằng việc thực hiện các chính sách thiết thực, giúp đỡ cải thiện mức sống của nhân dân các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên với di sản của quá khứ, người Nhật nhận thức rõ nếu sự hiện diện của họ quá lớn ở Đông Nam Á sẽ dẫn tới sự e ngại của các nước ASEAN về nguy cơ đe doạ quân sự của Nhật Bản. Các nước ASEAN cần một lời hứa đảm bảo chắc chắn Nhật Bản sẽ không tái vũ trang từ nhà lãnh đạo Nhật Bản. Vì thế, “ Học thuyết Fukuda” đã trực tiếp cởi bỏ mối bận tâm này cho các nước ASEAN.

Một vấn đề quan trọng cần thấy trong nội dung “Học thuyết Fukuda” là nó đề cập đến vai trò quan trọng hơn của Nhật Bản ở tất cả các nước Đông Nam Á chứ không chỉ dành riêng cho ASEAN. Điều này thực sự góp phần làm dịu những căng thẳng trong khu vực khi Nhật Bản cố gắng đóng vai trò cầu nối giữa ASEAN và Đông Dương. Trước đó, ngày 8 tháng 7 năm 1975 trong một bài diễn văn tại phiên họp do Hội nghiên cứu Châu Á tổ chức, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kiichi Miayazawa đã phát biểu: “Nhật Bản rất cần phải duy trì quan hệ hiểu biết lẫn nhau với tất cả các nước Đông Nam Á, để duy trì hoà bình và ổn định ở Châu Á, nơi tồn tại những yếu tố bất ổn và một tình hình bấp bênh. Nhật Bản có thể đóng góp vào việc ổn định hoá khu vực bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước có chế độ chính trị khác với chúng ta”(4). Rõ ràng, việc Mỹ giảm sự có mặt ở Châu Á sau Chiến tranh Việt Nam, Nhật Bản cho rằng đó là cơ hội để họ đóng một vai trò quan trọng hơn không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh chính trị nhằm duy trì hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á.

Về mặt kinh tế, Nhật Bản đã đạt được một vị trí to lớn trong nền kinh tế thế giới, ASEAN chính là địa bàn phát huy ngay sức mạnh của nó. Chúng ta biết rằng, trong một thời gian dài các khoản vốn trợ cấp cho ASEAN được Chính phủ Nhật Bản thực hiện thông qua các khoản bồi thường chiến tranh. Thế nhưng đến tháng 7 năm 1976, Nhật Bản đã hoàn thành khoản bồi thường cuối cùng cho Philippin, có nghĩa là từ đây về sau các khoản viện trợ ưu đãi cho ASEAN sẽ bị cắt giảm trừ vài trường hợp đặc biệt có liên quan thiết thực tới nền kinh tế Nhật. Trên lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế Nhật Bản vẫn giành nhiều sự ưu đãi cho ASEAN mặc dù đây là thời gian nền kinh tế Nhật Bản gặp phải nhiều khó khăn như tốc độ tăng giá của đồng Yên lên nhanh làm cho giá cả hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản tăng cao giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nền công nghiệp trong nước bộc lộ nhiều dấu hiệu bất ổn, tỉ lệ thất nghiệp tăng và con số các doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều.Vì thế, “Học thuyết Fukuda” là một cố gắng của Nhật Bản nhằm cải thiện quan hệ với ASEAN và nó cũng mang tính kinh tế rõ nét. Đó là người Nhật, đương nhiên là họ quan tâm đến việc có những bạn hàng tin cậy tiêu thụ hàng hoá của họ. Vốn là một quốc gia phải dựa vào thương mại để tồn tại thì thị trường xuất khẩu đáng tin cậy là mục tiêu hàng đầu của Nhật Bản. Việc xoá đi những gì không tốt đẹp trước kia để kết giao thân thiện với chính phủ và nhân dân các nước Đông Nam Á sẽ tạo ra được nguồn cung cấp nguyên liệu cần thiết, lâu dài và bền vững cho nền kinh tế Nhật. Hơn nữa, các nước Đông Nam Á án ngữ con đường biển chiến lược nuôi sống nền kinh tế Nhật, hơn 90% lượng dầu mỏ Nhật nhập từ các nước Trung Đông được chở qua eo biển Malacca, nên Nhật muốn có một sự quả lí thân thiện trên con đường vận tải này.

Về mặt chính trị, chắc chắn rằng Nhật Bản thấy được việc Mỹ thất bại trong cuộc Chiến tranh Việt Nam sẽ giảm sự có mặt ở khu vực, điều đó sẽ tạo ra “khoảng trống quyền lực” mà người ta lo ngại rằng nó sẽ được lấp đầy bởi Liên Xô hoặc Trung Quốc. Nhật Bản cũng xem đây là một cơ hội để tham gia vào cuộc chạy đua xác lập vị thế ở khu vực và để làm được điều đó, người Nhật phải tự giới thiệu họ chính là một sự lựa chọn cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên tình hình cụ thể của khu vực sau Chiến tranh Việt Nam, diễn ra tương đối phức tạp. Đó là hiện tượng phân chia thành hai khối nước theo hai chế độ chính trị khác nhau trong một Đông Nam Á thống nhất về mặt địa lí; cuộc xung đột ở Campuchia đã đưa Nhật Bản vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là làm sao kết hợp chính sách công nhận chế độ cộng sản của các nước Đông Dương với lợi ích của các nước tư bản ASEAN. Rốt cuộc, Nhật Bản cố gằng thực thi một chính sách khá mềm dẻo và linh hoạt trong thế khó khăn này. Một mặt Nhật Bản khuyến khích ý tưởng cùng chung sống hoà bình với nhau, mặt khác ra sức củng cố sức mạnh kinh tế của các nước ASEAN, giữ lấy chặt chẽ hơn khối ASEAN. Đây có lẽ là một sức ép thật sự trong việc triển khai thực thi “Học thuyết Fukuda”.

Nhân tố từ các nước ASEAN, “Học thuyết Fukuda” sẽ không được tiếp nhận một cách nhiệt thành như vậy nếu nó không xuất phát từ nhu cầu nội tại của khối. Sau Chiến tranh Việt nam, có một số yếu tố thúc đẩy ASEAN đi đến những chuyển đổi quan trọng trong phương hướng và biện pháp phát triển Hiệp hội. Trước hết, ASEAN đối diện với các nước Đông Dương  có một sức mạnh quân sự lớn trong khu vực, trong khi đó sự bảo hộ về mặt an ninh của Mỹ giành cho họ đã giảm đi đáng kể đã làm cho các quốc gia thành viên ASEAN xích lại gần nhau hơn. Mặc dù “ASEAN không phải là một tổ chức quân sự, song cũng không phủ nhận tính chất cố kết của ASEAN một phần nào đó nhằm đến mục tiêu đem lại sức mạnh cho họ để chống lại chủ nghĩa cộng sản. Thời điểm Việt Nam chiến thắng và đi lên chủ nghĩa xã hội đã củng cố thêm nhu cầu tăng cường tính hiệu quả và liên kết của các thành viên tổ chức này”(5). Rõ ràng sự lo ngại ảnh hưởng của các chế độ chính trị khác nhau đã đưa tới thái độ khoan nhượng hơn của ASEAN đối với Nhật Bản. Hơn thế, một số nhà lãnh đạo của các nước ASEAN cũng đã đề cập thẳng vì sao họ gia tăng quan hệ với Nhật Bản như lời phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Su – thi: “Thái Lan là một nước nằm sát bên các quốc gia cộng sản … Nhật Bản và Thái Lan có quan hệ phụ thuộc và tương trợ lẫn nhau. Sự phát triển của Thái Lan cũng là sự đảm bảo an toàn cho Nhật Bản”.

Lí do thứ hai, là nền kinh tế ASEAN đã có một sự tăng trưởng lớn đủ sức tạo ra khả năng và nhu cầu phát triển trên cơ sở hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các thành viên trong Hiệp hội, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước phát triển bên ngoài đặc biệt với Nhật Bản. Vì thế, chúng ta không lạ gì tại Hội nghị Thượng đỉnh Bali 1976, mặc dù không mời Nhật Bản tham dự nhưng các nước ASEAN đã có một thông điệp tích cực gửi đến Nhật Bản với mong muốn có được sự giúp đỡ hơn nữa từ phía Nhật Bản. Bộ trưởng Ngoại giao Philippin đã đề nghị một chính sách hợp tác kinh tế giữa các quốc gia ASEAN với Nhật Bản bao gồm 5 nội dung như sau: 1) Nhật Bản tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ các nước ASEAN; 2) Thiết lập một chế độ buôn bán và quan hệ ưu đãi đối với các sản phẩm xuất khẩu của các nước ASEAN vào thị trường Nhật Bản; 3) Chấp nhận một chương trình ổn định hoá đối với các hàng hoá xuất khẩu chủ yếu của các nước ASEAN; 4) Mở rộng chế độ tài chính ưu đãi cho các dự án công nghiệp ASEAN; 5) Có sự cam kết của Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN(6).

Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh Bali 1976, ASEAN đã công bố hai văn kiện quan trọng: “Hiệp ước thân thiện và hợp tác” và “Tuyên bố hoà hợp ASEAN” phản ánh mục tiêu, đường lối, phương hướng phát triển của ASEAN trong giai đoạn mới. Từ Hội nghị này hàng loạt các chương trình hợp tác kinh tế, văn hoá được triển khai trong nội bộ khối và những cuộc thương lượng hợp tác với bên ngoài được xúc tiến mạnh mẽ. Có thể nói đây là thời diểm mà ASEAN đã bứt khỏi cái bóng mờ nhạt trước kia để nổi lên với tư cách một tổ chức khu vực phát triển năng động, đòi hỏi sự thừa nhận rộng rãi của quốc tế.

Quả thực, tình hình ở Đông Nam Á lúc này phát triển theo hướng có lợi như các  nhà lãnh đạo Nhật Bản mong đợi. Đối với Nhật Bản có vẻ ASEAN đã thay đổi thái độ cởi mở hơn, người ta thấy không có hiện tượng chống Nhật ở các nước ASEAN trong suốt chuyến công du của Thủ tướng Fukuda như tình hình đã từng xảy ra năm 1974. Sự thay đổi đó ít nhiều nói lên sự đồng cảm của nhân dân các nước ASEAN với Nhật Bản trong một môi trường chính trị mới bởi “Nhật Bản là nơi logic duy nhất cho các chính phủ Đông Nam Á tìm kiếm nguồn ủng hộ mới. Nó là bạn hàng buôn bán chính và nước viện trợ chính cho phần lớn nước trong nhóm ASEAN và tuy có sự gia tăng hiện diện của Nhật Bản về kinh tế có tạo ra một số căm tức nào đó thì nó cũng trở thành nước ủng hộ chủ yếu cho các chương trình phát triển kinh tế vốn đã trở thành cơ sở chính cho tính chính đáng của các chính quyền ASEAN”(7). Nhưng quan trọng hơn, đó là kết quả của niềm tin chân thành rằng Nhật Bản đang thay đổi hình ảnh của họ trong khu vực. Sự thay đổi rõ rệt thái độ của ASEAN đối với Nhật Bản đã góp phần lầm tan đi những vấn đề bị đóng băng trong quá khứ và mở ra một sự hứa hẹn tốt đẹp trong quan hệ Nhật Bản – ASEAN ở tương lai.

Tóm lại, đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản đã hoạch định một chính sách đối ngoại Đông Nam Á hoàn chỉnh và mở rộng, ở đó thể hiện đầy đủ sự quan tâm đến cả lợi ích vật chất và tinh thần của các đối tác của họ. “Học thuyết Fukuda” được coi là chính sách Đông Nam Á lâu dài của Nhật Bản, là hạt nhân cơ bản trong chính sách Châu Á - Thái Bình Dương mà Nhật Bản theo đuổi tới nay. Nội dung cơ bản của nó đã toát lên là một chính sách đối ngoại có sự chuyển hướng, đặc biệt chú trọng đến các quốc gia Đông Nam Á trong một mối quan hệ toàn diện. Ở đó, Nhật Bản khẳng định họ “là một người bạn thật sự của các nước Đông Nam Á, sẽ làm hết sức mình để củng cố mối quan hệ cùng tin cậy lẫn nhau dựa trên sự hiểu biết từ trái tim đến trái tim với các nước này  mở rộng sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và cả văn hoá và xã hội”(8). Với ý nghĩa đó, “Học thuyết Fukuda” đã thật sự phá vỡ những ngăn cách trong quan hệ Nhật Bản - ASEAN.

 

NGÔ HỒNG ĐIỆP

(Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Justlt Wanad – Kunao Kaned ( Biên tập), Quan hệ ASEAN – Nhật Bản: tình hình và triển vọng, Viện Châu Á - Thái Bình Dương, Hà Nội 1989, tr 199- 200.

2. Lý Quang Diệu, Bí quyết hoá rồng lịch sử  Xingapo 1965 -2000, Nxb. Trẻ, TP Hồ Chí Minh 2001, tr 488 – 489.

3. Dương Lan Hải, Quan hệ Nhật Bản với các nước Đông Nam Á sau Chiến tranh Thế giới thứ hai 1945 – 1975, Viện Châu Á - Thái Bình Dương, Hà Nội 1992, tr 117.

4. Masaya Shiraishi, Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam 1951 – 1987, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1994, tr 135.

5. Đỗ Thị Hạnh, Quan hệ của Australia với Đông Nam Á từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 1999, tr112.

6. Ngô Xuân Bình ( Chủ biên), Quan hệ Nhật Bản – ASEAN: chính sách và tài trợ ODA, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1994, tr 119- 120.

7. Takashi Inoguchi và Daniel l. Okimoto (chủ biên), Kinh tế chính trị học Nhật Bản. Quyển II, tập 3, Nxb. Khoa học Xã hội - Viện kinh tế thế giới, Hà Nội 1994, tr 82- 83.



(1) Justlt Wanad – Kunao Kaned ( Biên tập), Quan hệ ASEAN – Nhật Bản: tình hình và triển vọng, Viện Châu Á - Thái Bình Dương, Hà Nội 1989, tr 199- 200.

 

(2) Lý Quang Diệu, Bí quyết hoá rồng lịch sử  Xingapo 1965 -2000, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh 2001, tr 488 – 489.

 

(3) Dương Lan Hải, Quan hệ Nhật Bản với các nước Đông Nam Á sau Chiến tranh Thế giới thứ hai 1945 – 1975, Viện Châu Á - Thái Bình Dương, Hà Nội 1992, tr 117.

 

(4) Masaya Shiraishi, Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam 1951 – 1987, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1994, tr 135.

 

(5) Đỗ Thị Hạnh, Quan hệ của Australia với Đông Nam Á từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1999, tr112.

 

(6) Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Quan hệ Nhật Bản – ASEAN: chính sách và tài trợ ODA, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1994, tr 119- 120.

 

(7) Takashi Inoguchi và Daniel l. Okimoto (chủ biên), Kinh tế chính trị học Nhật Bản. Quyển II, tập 3, Nxb. Khoa học Xã hội - Viện kinh tế thế giới, Hà Nội 1994, tr 82- 83.

 

(8) Như trích dẫn (6), tr 125-126.

0thảo luận