Trang chủ

QUẦN ĐẢO CURIN TRONG QUAN HỆ NGA-NHẬT CHO ĐẾN KẾT THÚC CHIẾN TRANH LẠNH

Đăng ngày: 28-05-2012, 10:53 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 9

Trong lịch sử và hiện tại, quan hệ Nga - Nhật đã tồn tại vấn đề lãnh thổ, nổi lên là hai nước tranh chấp các đảo thuộc quần đảo Curin. Vấn đề quần đảo Curin chưa được giải quyết từ trong quan hệ giữa Nga Hoàng với Nhật Bản và quan hệ Xô - Nhật. Hiện nay, vùng Nam Curin - người Nga gọi là quần đảo Curin (gồm bốn đảo: Habomai, Sikotan, Cunasirơ và Iturubơ) do Liên bang Nga chiếm giữ, nước Nhật vẽ bản đồ ghi vùng Nam Curin là “lãnh thổ phương Bắc” thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Bài viết sẽ phân tích vấn đề quần đảo Curin trong quan hệ Nga – Nhật cho đến kết thúc Chiến tranh Lạnh và nêu một vài nhận xét về vấn đề này. Quan hệ Liên Xô-Nhật Bản được coi như một giai đoạn của lịch sử quan hệ Nga -Nhật.*

I. QUẦN ĐẢO CURIN TRONG QUAN HỆ GIỮA NGA VỚI NHẬT BẢN THỜI KỲ TRƯỚC CHIẾN TRANH LẠNH

**Sau Minh Trị Duy tân (1868), nước Nhật thoát khỏi nguy cơ bị chủ nghĩa tư bản Âu, Mỹ nô dịch và bước vào thời kỳ phát triển. Nhật Bản nhanh chóng trở thành một đế quốc trẻ, tiến hành các cuộc chiến tranh với các nước láng giềng (chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894 với Trung Quốc, chiến tranh Nhật - Nga trong 2 năm 1904-1905) nhằm mục đích xâm chiếm thuộc địa và bành trướng lãnh thổ, khu vực ảnh hưởng. Sau cải cách nông nô năm 1861 (cách mạng tư sản không triệt để), n­ước Nga tiến vào chủ nghĩa t­ư bản; cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đế quốc Nga “đế quốc phong kiến - quân phiệt” đã mở rộng lãnh thổ của mình về phía Đông - khu vực Xibêri và Viễn Đông và phát triển ảnh hư­ởng ở Đông Bắc Á.

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, quan hệ giữa Nga và Nhật Bản phát triển, hai nước đã ký các hiệp ước phân định và giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ.

Từ giữa thế kỷ XIX, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Nga với Nhật Bản được đẩy mạnh. Do tầm quan trọng của khu vực Viễn Đông và quan hệ Nga - Nhật nên năm 1852 Nga Hoàng thành lập Uỷ ban về công việc Châu Á. Ngày 7-5-1852, E.V. Puchiatin được cử làm Đại sứ lãnh đạo Uỷ ban này với nhiệm vụ đàm phán, thiết lập quan hệ thương mại và ngoại giao giữa nước Nga với nước Nhật. Cuộc đàm phán giữa Nga và Nhật về quan hệ hai nước diễn ra ở Nagasaki, sau 8 phiên họp E.V. Puchiatin đã đạt được thỏa thuận từ phía Nhật đối với việc ký Hiệp ước Nga - Nhật có lợi cho Nga trong quan hệ thương mại Nga - Nhật. Để đi đến thỏa thuận này, Trưởng đoàn Nga Puchiatin quyết định tạm gác vấn đề đảo Xakhalin lại trong vấn đề biên giới giữa hai nước do về vấn đề này hai bên chưa nhất trí và làm chậm việc ký kết hiệp ước. Cùng thời gian này, với chính sách “Ngoại giao pháo hạm”, Đô đốc hải quân Mỹ Peri đã buộc Nhật Bản phải mở một số cảng cho Hoa Kỳ vào buôn bán và nhượng một số quyền lợi kinh tế - thương mại cho Mỹ. Ngày 26-1-1855 tại Ximôđa, Hiệp ước Nga - Nhật về thương mại và biên giới đầu tiên được ký, theo Hiệp ước biên giới giữa Nga và Nhật là đường trung tuyến giữa các đảo Iturubơ và Urubơ, khu vực đảo Xakhalin không thuộc bên nào, các đảo Nam Curin thuộc về Nhật Bản. Về khu vực đảo Xakhalin, Nga Hoàng và Nhật Bản đã tiến hành 3 lần đàm phán vào năm 1859 tại Êđô, 1862 và 1867 tại Xanh - Pêtécbua song do quan điểm khác nhau nên đàm phán không đạt kết quả. Biên giới giữa Nga và Nhật Bản được thay đổi năm 1875 khi Nga và Nhật ký Hiệp định Xanh - Pêtétbua, theo Hiệp định Nga chiếm đảo Xakhalin còn tất cả các đảo ở quần đảo Curin thuộc Nhật([1]).

Trong chiến tranh Nga - Nhật thời kỳ 1904-1905, tháng 7-1905 quân đội Nhật Bản chiếm đảo Xakhalin. Do thất bại, tháng 8 năm 1905, tại Hoa Kỳ, Nga Hoàng phải ký Hiệp ước hòa bình Portmouth bồi thường chiến phí và nhượng lại cho Nhật Bản quyền sử dụng Đại Liên, Lữ Thuận (Trung Quốc), thừa nhận ảnh hưởng của Nhật Bản ở Bán đảo Triều Tiên và Nhật chiếm Nam đảo Xakhalin([2]).

Năm 1925, Chính phủ Liên Xô tuyên bố công nhận Hiệp ước Portmouth, theo đó Nhật Bản kiểm soát Nam Xakhalin và quần đảo Curin([3]).

Trong Đại chiến Thế giới thứ hai, ngày 11-2-1945 tại Hội nghị Crưm các nhà lãnh đạo ba cường quốc trong Đồng minh chống phát xít là: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Xtalin, Thủ tướng Anh Sớtsin và Tổng thống Hoa Kỳ Rudơven đã ký Hiệp ước về vấn đề Viễn Đông với nội dung: sau khi đánh thắng phát xít Đức ở mặt trận Châu Âu, chậm nhất là sau 3 tháng Liên Xô sẽ tuyên chiến với quân phiệt Nhật Bản ở Châu Á và trong trường hợp Nhật Bản thất bại, đầu hàng phe Đồng minh, Anh và Mỹ đồng ý với Liên Xô về việc Liên Xô sẽ lấy lại miền Nam đảo Xakhalin và chiếm bốn đảo thuộc quần đảo Curin của Nhật Bản, trả lại cho Liên Xô các quyền lợi trước đây của Nga Hoàng ở Trung Quốc. Sau khi phát xít Đức bị tiêu diệt ở Châu Âu đã diễn ra Hội nghị Pôtxđam giữa các nguyên thủ tam cường Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô. Về vấn đề Nhật Bản, tháng 7 năm 1945 Hội nghị đã ra “Tuyên cáo Pôxđam kêu gọi Nhật Bản đầu hàng” và các cường quốc đồng minh quyết định: Chủ quyền của Nhật Bản trở lại đất Nhật chính thống, chủ yếu ở 4 đảo: Hônsư, Hốccaiđô, Kiusiu, Sicôcư([4]).

Ngày 9-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9-8-1945,  Hồng quân Liên Xô với lực lượng 1,5 triệu quân (3 phương diện quân), 5500 xe tăng, 3900 máy bay, 2600 pháo, đại bác và hạm đội Thái Bình Dương đã mở đợt tấn công như vũ bão tiêu diệt đạo quân chủ lực Quan Đông của Nhật Bản đóng tại Đông Bắc Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin. Ngày 14-8-1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh. Ngày 18 tháng 8 năm 1945, quân đội Liên Xô chiếm lại miền Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin([5]).

II. QUẦN ĐẢO CURIN TRONG QUAN HỆ GIỮA LIÊN XÔ VỚI NHẬT BẢN THỜI KỲ CHIẾN TRANH LẠNH

Sau chiến tranh, ngày 2-2-1946, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô ra sắc lệnh thông qua Hiến pháp Liên Xô theo đó các đảo thuộc quần đảo Curin thuộc lãnh thổ Liên Xô; sau đó Liên Xô thành lập tỉnh Xakhalin gồm khu vực Nam Xakhalin và các đảo của quần đảo Curin; Trong các năm 1947-1949, hơn 17 nghìn dân Nhật Bản sống trên quần đảo Curin từ trước Đại chiến Thế giới thứ hai đã được đưa về Nhật Bản([6]).

Năm 1951, Hiệp định hoà bình Xan- Fransiscô được ký kết, Hiệp định này quy định Nhật Bản mất quyền kiểm soát các đảo ở Nam Xakhalin và quần đảo Curin theo Hiệp ước Portmouth. Song trong văn kiện Hiệp định trên không nêu tên ai sẽ là chủ nhân các đảo ở Nam Xakhalin, quần đảo Curin. Do nội dung Hiệp định Xan- Fransiscô như ở trên nên Chính phủ Liên Xô không ký vào Hiệp định và không bị ràng buộc bởi Hiệp định này([7]).

Sau Đại chiến Thế giới thứ hai, trên phạm vi toàn cầu diễn ra Chiến tranh Lạnh, sự đối đầu giữa phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và phe tư bản, đế quốc do Mỹ cầm đầu. Đất nước “Mặt trời mọc” bị quân đội Mỹ chiếm đóng, năm 1951 Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Nhật Bản ký Hiệp ư­ớc an ninh Mỹ – Nhật([8]), Nhật Bản trở thành đồng minh chiến lư­ợc của Mỹ ở Đông Bắc Á và trên thế giới.

Năm 1953, Xtalin mất và Khơrúpxốp lên thay, Ban lãnh đạo Liên Xô thực hiện đường lối đối ngoại hoà hoãn với các n­ước t­ư bản với học thuyết “cùng tồn tại hòa bình”, “chuyển biến hòa bình từ chủ nghĩa tư­ bản lên chủ nghĩa xã hội” của Khơrúpxốp([9]). Năm 1954, Hatoyama chiến thắng trong bầu cử, lên làm Thủ tướng Nhật Bản và thực hiện lời hứa trước đó nếu thắng cử sẽ đàm phán với Liên Xô dù chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Kichita thực hiện chính sách thân Mỹ và thù địch với Liên Xô. Trong bối cảnh đó, tháng 6-1955 quan hệ Xô - Nhật được nối lại bằng cuộc đàm phán chính thức ở Luân Đôn giữa hai nước.

Lúc đầu Chính phủ Liên Xô đề nghị đàm phán ở Mátxcơva hay Tôkyô song Chính phủ Nhật Bản không đồng ý. Phía Nhật đề nghị đàm phán tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Yoóc, song Liên Xô không chấp thuận vì ngại tại đó Hoa Kỳ sẽ tác động tới đàm phán bất lợi cho Liên Xô. Cuối cùng Mátxcơva và Tôkyô chấp nhận chọn Luân Đôn làm nơi đàm phán Xô - Nhật. Đàm phán được diễn ra tại Đại sứ quán Liên Xô và Đại sứ quán Nhật Bản ở Luân Đôn, sứ quán hai nước cách nhau độ 200-300 mét rất tiện cho gặp gỡ, hội đàm. Trưởng Đoàn đàm phán Liên Xô là IA. Malik - Đại sứ Liên Xô tại nước Anh và Trưởng Đoàn đại biểu Nhật Bản là Matsumoto - nguyên Đại sứ Nhật Bản ở Anh quốc([10]).

Trong buổi đàm phán đầu tiên diễn ra vào ngày 1-6-1955, Matsumoto đưa ra “kiến nghị 7 điểm”, trong đó yêu cầu Liên Xô trao trả lại cho Nhật vùng Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin. Malik từ chối đồng thời nêu kiến nghị trước tiên hai nước cần loại bỏ tình trạng chiến tranh, đối đầu, bình thường hóa quan hệ trước, sau đó mới thảo luận vấn đề lãnh thổ. Song phía Nhật Bản vẫn kiên trì lập trường phải giải quyết vấn đề lãnh thổ trước, sau đó mới thảo luận các vấn đề khác. Cuộc đàm phán giữa Liên Xô với Nhật Bản ở Luân Đôn kéo dài hơn 9 tháng, song không đi đến kết quả, các sự kiện chính của cuộc đàm phán này là:

- Ngày 9-8-1955, Malik nói với Matsumoto rằng Liên Xô có thể xem xét việc trao trả hai đảo Habomai, Sikotan cho Nhật Bản song phải gắn với các vấn đề khác.

- Ngày 21-9-1955, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Khơrúpxốp và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Bunganin khi tiếp Trưởng đoàn Nhật Bản Matsumoto đều nói rằng Liên Xô có thể xem xét việc trao trả hai đảo Habomai và Sikotan cho Nhật Bản. Nhưng phía Nhật vẫn đòi Liên Xô phải trả đồng thời 4 đảo cho nước Nhật.

- Tháng 3-1956, hai nước nối lại đàm phán và đạt nhiều thỏa thuận, trừ vấn đề chủ quyền lãnh thổ 4 đảo của quần đảo Curin; ngày 6-3-1956 Matsumoto nói với Malik rằng phía Nhật Bản chưa chuẩn bị đầy đủ nên chưa thể ký Hiệp định hòa bình giữa hai nước và phải hoãn lại 2 tháng mới xem xét; ngày 20-3-1956 với lý do về nước xin chỉ thị, Matsumoto bỏ về nước và bỏ dở cuộc hội đàm.

- Ngày 31-7-1956, Liên Xô và Nhật Bản nối lại đàm phán, đại diện Liên Xô là Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Serpilov và đại diện Nhật Bản là Ngoại trưởng Shigemitsu với nội dung chủ yếu là thảo luận vấn đề lãnh thổ hai nước. Nhưng lập trường của hai bên đều rất cứng rắn, đề nghị của Nhật Bản yêu cầu Liên Xô trả trước hai đảo Habomai, Sikotan đã bị phía Liên Xô từ chối. Đàm phán tại Luân Đôn giữa Liên Xô - Nhật Bản chấm dứt tại đó mà không đạt kết quả nào.

Để tiếp tục đàm phán, ngày 11-9-1956, Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama gửi Công hàm tới Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Bunganin với nội dung: Nếu Liên Xô đồng ý 4 điểm sau đây thì Nhật Bản sẵn sàng đàm phán tiếp về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Bốn điểm đó là: 1- Kết thúc tình trạng chiến tranh đối đầu giữa hai nước; 2- Lập cơ quan đại diện ngoại giao cấp Đại sứ giữa hai nước; 3- Nhanh chóng trao trả các công nhân Nhật Bản còn ở Liên Xô; 4- Hiệp định về đánh cá bắt đầu có hiệu lực.

Qua văn thư trên, lập trường của Tôkyô có sự thay đổi, Chính phủ Nhật Bản chấp nhận giải quyết vấn đề bình thường hóa trước, sau mới tiếp tục giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Do đó, cuộc đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Liên Xô được tiến hành từ ngày 13-19 tháng 10-1956 tại Mátxcơva.

Ngày 16-10-1956, trong buổi Khơrúpxốp tiếp Đoàn đại biểu Nhật Bản, Bộ trưởng Kono (Trưởng đoàn Nhật Bản) lại nêu yêu cầu trước khi bình thường hóa quan hệ Xô - Nhật, Liên Xô phải trả Nhật Bản hai đảo Habomai, Sikotan. Song Khơrúpxốp kiên quyết lập trường là trước hết hai bên đàm phán bình thường hóa quan hệ và ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Khơrúpxốp nêu hai điều kiện để Liên Xô trao trả hai đảo Habomai, Sikotan cho Nhật Bản như sau: 1- Sau khi hai bên đã ký kết Hiệp ước hòa bình; 2- Sau khi Hoa Kỳ trao trả cho Nhật Bản đảo Okinawa và những lãnh thổ mà Mỹ đã chiếm của Nhật Bản. Theo quan điểm của lãnh đạo Liên Xô Khơrúpxốp với việc trao trả hai đảo Habomai, Sikotan cho Nhật Bản coi như vấn đề lãnh thổ Xô - Nhật đã được giải quyết hoàn toàn và khi Mỹ còn kiểm soát lãnh thổ Nhật Bản và xây dựng căn cứ quân sự chống Liên Xô  thì Liên Xô chưa trao trả các đảo ở Curin cho Nhật Bản([11]).

Bộ trưởng Kono phát biểu không thể chấp nhận quan điểm trên của Liên Xô và thất vọng vì như vậy Liên Xô và Nhật Bản sẽ bỏ lỡ cơ hội giải quyết  quan hệ giữa hai nước và tranh chấp về lãnh thổ.

Hai ngày sau, Kono đã trao cho phía Liên Xô văn bản sửa chữa trong đó có viết Nhật Bản và Liên Xô đồng ý sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao sẽ tiếp tục đàm phán ký kết Hiệp định hòa bình, trong đó có vấn đề lãnh thổ. Phía Liên Xô chấp nhận lập trường này của Nhật Bản song yêu cầu xóa bỏ cụm từ “trong đó có vấn đề lãnh thổ”, vì  Khơrúpxốp sợ rằng sau này có thể hiểu lầm ngoài hai đảo Habômai, Sikôtan Liên Xô phải trả lại các lãnh thổ khác cho Nhật Bản.

Ngày 19-10-1956, tại điện Cremli hai nước đã ký Tuyên bố chung Xô - Nhật, theo Tuyên bố chung: Liên Xô và Nhật Bản đồng ý chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai quốc gia sau khi Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết tuyên bố chiến tranh với Nhật Bản ngày 9-8-1945, Liên Xô và Nhật Bản khôi phục quan hệ hòa bình và láng giềng, hữu nghị, tiếp tục đàm phán để ký kết Hiệp định hòa bình giữa hai nước. Điều 9 của Tuyên bố chung này ghi: “Liên Xô đồng ý trao trả hai đảo Habômai, Sikôtan thuộc quần đảo Curin cho Nhật Bản sau khi Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Nhật bản ký kết Hiệp định hoà bình Xô - Nhật([12]).

Trong thời gian 1956-1960, quan hệ Nga - Nhật và tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Chiến tranh Lạnh gia tăng, Nhật Bản tăng cường liên minh với Mỹ chống Liên Xô (năm 1960 Nhật Bản và Hoa Kỳ ký gia hạn Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật thêm 10 năm). Do đó, trong Công hàm gửi Chính phủ Nhật Bản ngày 27-1-1960 Chính phủ Liên Xô tuyên bố hủy bỏ Tuyên bố chung Xô - Nhật năm 1956 với lý do Nhật Bản liên minh với Mỹ thực hiện đường lối chống Liên Xô([13]).

Từ 1960 đến trước cải tổ (năm 1985) Liên Xô không nhắc lại vấn đề này dù rằng vào năm 1973 Thủ tướng Nhật Bản K. Tanaca đến Mátxcơva, phía Nhật Bản có nhắc lại vấn đề quần đảo Curin, song Liên Xô không trả lời về việc này([14]).

Năm 1985, M.S. Goócbachốp lên làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và thực hiện cải tổ với “tư duy mới” về đối ngoại, Liên Xô thực hiện đường lối ngoại giao nhượng bộ với các nước tư bản phát triển. Trong quan hệ Xô - Nhật, lãnh đạo Liên Xô thừa nhận tồn tại vấn đề về lãnh thổ giữa hai nước.

Tháng 4 năm 1991, Tổng thống Liên Xô M.S. Goócbachốp thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kaifu, trong Thông cáo chung Xô - Nhật do lãnh đạo Liên Xô và Nhật Bản ký ngày 18-4-1991 hai bên bày tỏ mong muốn bình thường hoá giữa hai nước và giải quyết hoà bình các vấn đề tranh chấp, kể cả vấn đề lãnh thổ, vấn đề quần đảo Curin([15]).

Tuy nhiên, năm 1991 Liên Xô tan rã do đó vấn đề quần đảo Curin đã không được giải quyết trong quan hệ giữa Liên Xô với Nhật Bản thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

III. NHẬN XÉT VÀ TRIỂN VỌNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ QUẦN ĐẢO CURIN TRONG QUAN HỆ NGA – NHẬT THỜI GIAN TỚI

Nghiên cứu vấn đề quần đảo Curin trong quan hệ Nga, Xô - Nhật Bản thời kỳ trước và trong Chiến tranh Lạnh có thể rút ra một số nhận xét và triển vọng giải quyết vấn đề này trong thế kỷ XXI sau đây:

Thứ nhất, lịch sử quan hệ giữa Nga với Nhật Bản trong thời kỳ cận - hiện đại ghi nhận những vấn đề rất phức tạp về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Với các Hiệp ước Ximôđa (1855), Hiệp định Xanh - Pêtécbua (1875) có thể nhận định Nga Hoàng và Nhật Bản đã phân chia, giải quyết công bằng biên giới giữa Nga và Nhật.

Nếu như trong cuộc chiến tranh 1904-1905, Nhật Bản thắng Nga Hoàng và chiến quả Nhật Bản thu được rất nhiều, trong đó có vùng Nam Xakhalin của Nga, thì trong Đại chiến Thế giới thứ hai, mục đích tham chiến của Liên Xô chống quân phiệt Nhật Bản có nhiều, trong các mục đích đó có vấn đề Liên Xô lấy lại vùng Nam Xakhalin và chiếm đóng 4 đảo thuộc quần đảo Curin của Nhật Bản. Với sự  đồng ý của các nước lớn Anh và Hoa Kỳ, Liên Xô đã làm được điều này.

Thứ hai, bốn đảo ở quần đảo Curin có vị trí chiến lược với an ninh, quốc phòng, kinh tế đối với Liên Xô, điều này thể hiện: quần đảo Curin án ngữ đường thông ra Thái Bình Dương từ vùng biển Ô Khốt của Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô, nếu mất 4 đảo ở quần đảo Curin, Liên Xô sẽ rất khó kiểm soát vùng biển Ôkhốt và hải phận phía Đông của mình hướng ra Thái Bình Dương và bị mất đi một vùng lãnh hải với tài nguyên biển([16]) to lớn.

Đối với Nhật Bản, vùng “lãnh thổ phương Bắc”có giá trị to lớn với an ninh, quốc phòng và kinh tế. Mất quần đảo Curin, một mặt tầm kiểm soát vùng biển phía Bắc của Nhật Bản bị thu hẹp, mặt khác do Nhật Bản đất chật, người đông, ít tài nguyên, khoáng sản, nên không có quần đảo Curin thì vùng lãnh hải phía Bắc của Nhật Bản bị hẹp đi, Nhật Bản mất đi một nguồn tài nguyên biển giàu có.

Thứ ba, có thời kỳ Liên Xô dự định trả lại Nhật Bản các đảo ở quần đảo Curin. Song năm 1956 Liên Xô chỉ đồng ý trả Nhật Bản hai đảo Habomai, Sikotan do hai đảo này nhỏ, gần Nhật Bản về mặt kinh tế và quân sự ít ý nghĩa.

Thứ tư, trong phần lớn thời gian Chiến tranh Lạnh (1945-1991), thực tiễn quan hệ quốc tế ở Đông Á diễn ra sự đối đầu giữa Liên Xô với liên minh Mỹ - Nhật; Liên Xô và Nhật Bản thi hành chính sánh thù địch, đối đầu nhau tất yếu Liên Xô chưa trao trả các đảo thuộc quần đảo Curin cho Nhật Bản.

Thứ năm, từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, các nguyên thủ Liên bang Nga và Nhật Bản đã gặp nhau nhiều lần, song Nga - Nhật vẫn chưa ký được Hiệp định hoà bình, vấn đề mấu chốt là vấn đề quần đảo Curin vẫn chưa được giải quyết([17]).

Tóm lại, giữa Nga Hoàng, Liên Xô với Nhật Bản đã tồn tại sự tranh chấp lãnh thổ, biên giới. Trong thế kỷ XX, Nga, Liên Xô và Nhật Bản đã không giải quyết được vấn đề quần đảo Curin. Về vấn đề quần đảo Curin, nguyên Thủ tướng Nhật Bản I. Nacaxônê viết như sau: “... Vấn đề các lãnh thổ phương Bắc tồn tại trong quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đã không được giải quyết trong Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh kết thúc đã không đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này. Cũng không nhìn thấy triển vọng giải quyết vấn đề ấy trong tương lai gần”([18]).

 

TRẦN HIỆP - HOÀNG PHÚC LÂM

(TSKH, TS; Học viện Chính trị khu vực I)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- S.E. Anatôlépna. Đảo Xakhalin và quần đảo Curin  trong quan hệ Nga - Nhật 1855-1875 (từ Hiệp ước Ximôđa tới Hiệp định Xanh - Pêtécbua), Tóm tắt Luận án Tiến sỹ sử học, Trường Đại học sư phạm quốc gia Vlađimia  - Liên bang Nga, 2004, 25 tr.

2- Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga 1992-1999. Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2000, 328 tr.

3- Lịch sử Nga. Mátxcơva, Đại học Tổng hợp  quốc gia Mátxcơva (MGU), 2001, 520 tr.

4- Lịch sử thế giới hiện đại. Nxb. Giáo dục, Đà Nẵng, 2003, 543 tr.

5- Quan hệ Nga - Nhật: triển vọng tiến triển Phân tích các tư liệu, số tháng 2/2005. Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2005, 22 tr.

6- Quan hệ quốc tế hiện đại, Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2001, 584 tr.

7- Quần đảo Curin - vấn đề gai góc trong quan hệ Nga - Nhật Bản, Thông Tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 5-9-2005, tr. 1-6.

 

 



([1]) Dẫn theo: S.E. Anatôlépna, Đảo Xakhalin và quần đảo Curin  trong quan hệ Nga - Nhật 1855-1875 (từ Hiệp ước Ximôđa tới Hiệp định Xanh - Pêtécbua), Tóm tắt Luận án Tiến sỹ sử học, Trường Đại học sư phạm quốc gia Vlađimia  - Liên bang Nga, 2004.

([2]) Lịch sử Nga. Mátxcơva, Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva (MGU), 2003, tr. 313.

([3]) Quan hệ Nga - Nhật: triển vọng tiến triển Phân tích các tư liệu, số tháng 2/2005, Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2005, tr. 4.

([4]) http://www.embjapan.ru/jrr/sonmest_sbornikl.htm.

([5]) Lịch sử thế giới hiện đại (Nguyễn Anh Thái: chủ biên). Nxb. Giáo dục, Đà Nẵng, 2003, tr. 215-216.

([6]) Quan hệ Nga - Nhật: triển vọng tiến triển Phân tích các tư liệu, số tháng 2/2005, sđd, tr. 5.

([7]) Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga 1992-1999. Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2000, tr. 256-257.

([8]) “Hiệp ­ước an ninh Mỹ - Nhật” ký ngày 8-9-1951, năm 1960 được ký gia hạn 10 năm và đến năm 1970 Mỹ và Nhật lại ký kết kéo dài vĩnh viễn.

([9]) IU.S. Pescốp. Liên Xô - Trung Quốc: từ đối đầu tới bạn bè. Mátxcơva, Viện Viễn Đông, 2002, tr. 12-13.

([10]) Theo Báo Thời sự Nga, ngày 30-5-2005: Đoàn Liên Xô gồm: IA. Malik là Đại sứ Liên Xô tại Nhật Bản (1943-1945), Đại diện Liên Xô ở Liên hợp quốc (1948-1952), nhà ngoại giao nổi tiếng sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật, I. Curđucốp - Vụ trưởng Vụ Viễn Đông Bộ Ngoại giao Liên Xô, N. Ađưrkhaev là Vụ phó Vụ Viễn Đông Bộ Ngoại giao Liên Xô; Đoàn Nhật Bản gồm: Matsumoto nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Luân Đôn, Tacakhasi là Vụ trưởng Vụ các hiệp định Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Luân Đôn Sighêmsu.

([11]) Quần đảo Curin - vấn đề gai góc trong quan hệ Nga - Nhật Bản Thông Tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 5-9-2005, tr. 4.

([12]) Quan hệ Nga - Nhật: triển vọng tiến triển Phân tích các tư liệu, số tháng 2/2005, sđd, tr. 6.

([13]) http://www.embjapan.ru/jrr/sonmest_sbornikl.htm.

([14]) Quan hệ quốc tế hiện đại. Mátxcơva, Đại học Ngoại giao quốc gia (MGIMO), 2001, tr.  371.

([15]) Chuyến đi thăm Nhật Bản của M.S. Goócbachốp. Mátcơva, Nxb. Tư liệu chính trị, 1991, tr. 94.

([16]) Tài nguyên biển theo nghĩa truyền thống gồm “hàng hải, nguồn hải sản, làm muối”, hiện nay bao gồm 6 loại là: du lịch, năng lượng có thể tái sinh, dầu khí, nghề cá, hải cảng và nước biển.

([17]) Về vấn đề này có thể tham khảo theo: Trần Hiệp - Lê Thế Lâm “Vấn đề Quần đảo Curin trong quan hệ Liên bang Nga - Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6-2007.

([18]) I. Nacaxônê. Chiến lược quốc gia của Nhật Bản trong thế kỷ XXI. Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2004, tr. 44.

0thảo luận