Trang chủ

CHIẾN LƯỢC FTA CỦA NHẬT BẢN VÀ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN

Đăng ngày: 25-05-2012, 15:12 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 8

Từ những năm 1990 trở lại đây, việc ký kết các hiệp định yhương mại tự do (FTA) đã trở thành một xu hướng mới trong quan hệ kinh tế quốc tế. FTA đã trở thành một công cụ hữu hiệu trong chính sách thương mại của các nước ngày nay. Tính đến cuối năm 2006, đã có hơn 250 FTA được ký kết trên toàn thế giới (1). Nhật Bản - một nước vốn trung thành với các hiệp định đa phương, giờ đây đã nhận thấy mình bị tụt hậu khá xa so với các nước khác trong đàm phán FTA. Việc ký kết FTA Trung Quốc - ASEAN, Hàn Quốc - Mỹ càng thôi thúc Nhật Bản đẩy nhanh quá trình đàm phán FTA với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Động lực thúc đẩy sự hình thành và phát triển chiến lược FTA, tình hình thực hiện FTA, những trở ngại chủ yếu trong đàm phán FTA của Nhật Bản sẽ là những nội dung chủ yếu của bài viết.

1. Động lực thúc đẩy chiến lược FTA của Nhật Bản

Trong tình hình việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại toàn cầu đang lâm vào thế bế tắc, Nhật Bản đã chuyển sang xu thế chung của thế giới là tìm kiếm các đối tác để ký kết các FTA song phương. Chiến lược FTA của Nhật Bản được bắt đầu bàn đến từ năm 1999 bằng sự kiện Nhật Bản và Hàn Quốc thoả thuận cùng nghiên cứu khả năng và hiệu quả của một FTA giữa hai nước.  Hiện nay, hai nước vẫn chưa đi đến một sự thoả thuận cụ thể nhưng sự kiện này đã châm ngòi cho những đề án về FTA rất sôi nổi ở Đông Á. Ưu thế của các FTA song phương đã trở thành động lực thúc đẩy Nhật Bản đưa ra và thực hiện chiến lược FTA của mình. Một thực tế dễ nhận thấy là trong đàm phán song phương các nước đạt được sự đồng thuận và nhượng bộ nhanh hơn so với đàm phán trong khuôn khổ đa phương. Đàm phán thành công sẽ đáp ứng được nhu cầu về mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế của mỗi nước. Các FTA song phương hiện nay không chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại truyền thống, mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra mức độ ưu đãi trong các FTA song phương thường ở mức cao nhất mà hai bên dành cho nhau, đặc biệt là việc cam kết triệt tiêu hoàn toàn thuế quan và hàng rào phi thuế quan, các ưu đãi về đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tự do hoá thương mại và phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước. Nói cách khác FTA có những ưu thế là: Thứ nhất, có thể tăng cường quan hệ đối tác trong những lĩnh vực mà WTO chưa đề cập và có được mức độ tự do hóa cao hơn trong WTO. Thứ hai, FTA giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, làm cho cơ cấu các ngành công nghiệp của các nước ký kết trở nên hiệu quả hơn, cải thiện được môi trường cạnh tranh. Thứ ba, FTA có thể làm giảm bớt những bất đồng kinh tế có thể dẫn đến những vấn đề chính trị, giúp mở rộng và hài hoà các qui định và thể chế hiện có liên quan đến thương mại của các nước ký kết. Thứ tư, FTA thúc đẩy phát triển trong cả lĩnh vực đầu tư, lao động, quyền sở hữu trí tuệ.

Nhật Bản muốn thông qua FTA để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản ở Châu Á cũng như trên thế giới, đồng thời không bị lạc hậu so với những bạn hàng lớn đang theo đuổi FTA. FTA còn có thể làm tăng ưu thế đàm phán của Nhật Bản trong WTO và ngược lại kết quả của việc đàm phán FTA sẽ có ảnh hưởng và thúc đẩy các cuộc đàm phán của WTO. Nhật Bản cũng hy vọng FTA sẽ là một động lực để thúc đẩy cải cách nông nghiệp trong nước, một khu vực vốn được nhà nước bảo hộ mạnh mẽ.

2.Chiến lược FTA của Nhật Bản

Trong chiến lược FTA của mình, Nhật Bản đã ưu tiên cho những FTA mang tính toàn diện, linh hoạt và có chọn lọc. Đối tác mà Nhật Bản chú trọng là các nước Đông Á, Bắc Mỹ và Châu Âu vì 3 khu vực này chiếm tới 80% thương mại của Nhật Bản. So với các nước Bắc Mỹ và Châu Âu - những nước công nghiệp phát triển thì việc ký kết FTA với các nước Đông Á sẽ có thể tạo ra những lợi ích lớn hơn thông qua việc tự do hóa nhiều hơn. Mức độ tự do hoá được thể hiện qua tỷ lệ thuế nhập khẩu trung bình của các nước. Hiện nay thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ là 3,6%, EU là 4,1%, Trung Quốc là 10%, Malaixia là 14,5%, Hàn Quốc là 16,1%, Philippin là 25,6%, Inđônêxia là 37,5%(2). Như vậy khu vực Đông Á mà Nhật Bản có tỷ lệ trao đổi thương mại lớn nhất lại có mức thuế nhập khẩu cao nhất. Nhật Bản sẽ ưu tiên đàm phán đối với các nước và khu vực hiện còn tồn tại nhiều rào cản thương mại, vì nếu xoá bỏ được những rào cản này thì sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Nhật Bản, những hoạt động đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Đông Á hiện là khu vực kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, vì thế mà Đông Á ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Nhật Bản. Như vậy khu vực Đông Á, cụ thể là Hàn Quốc và các nước ASEAN là đối tác đầy triển vọng cho việc đàm phán.

Trong chiến lược FTA của mình Nhật Bản cũng chú ý làm thế nào để các điều khoản trong các FTA được ký kết phù hợp với các hiệp định của WTO. Chẳng hạn như lệ phí và các qui định thương mại trong FTA không được cao hơn hoặc chặt chẽ hơn lệ phí và qui định trong WTO. Các FTA đã xóa bỏ lệ phí và các qui định quá khắt khe đối với hầu hết các mặt hàng, đồng thời phải đảm bảo sự ổn định chính trị và kinh tế trong khu vực.

Đàm phán FTA cũng phải thoả mãn yêu cầu thay đổi cơ cấu các ngành công nghiệp trong nước. Việc ký các hiệp định FTA cũng đồng nghĩa với việc phải mở cửa thị trường trong nước nhiều hơn. Mở cửa sẽ ảnh hưởng tới một số ngành có khả năng cạnh tranh kém, nhưng đây là việc làm cần thiết để thay đổi cơ cấu của các ngành công nghiệp Nhật Bản, bao gồm cả nông nghiệp và là cách để cải thiện tổng thể năng lực cạnh tranh quốc tế của Nhật Bản.

Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, đổi mới cơ cấu các ngành đồng thời vẫn đảm bảo ổn định kinh tế và chính trị trong khu vực, chiến lược FTA của Nhật Bản  hướng tới các nước và các khu vực còn nhiều rào cản thương mại, đặc biệt là các nước Đông Á. Nhật Bản lựa chọn FTA như là cách để thực hiện tự do hoá thương mại và hội nhập kinh tế ở Đông Á.

3. Tình hình thực hiện chiến lược FTA của Nhật Bản

a. Thành quả của quá trình thực hiện FTA

Quá trình thực hiện chiến lược FTA của Nhật Bản trong thời gian qua đã thể hiện những nguyên tắc và những ưu tiên mà họ đã đặt ra. Kể từ khi bắt đầu xây dựng chiến lược FTA đến nay, trong vòng 8 năm Nhật Bản đã ký kết FTA với 5 quốc gia trong đó có tới 4 quốc gia thuộc ASEAN (trong khu vực Đông  Á), chỉ có Mê-xi-cô là nước duy nhất nằm ngoài khu vực. Mở đầu là FTA được ký kết với Singgapo vào cuối năm 2002 và mới đây nhất là FTA ký với Thái Lan (4-2007). Dưới đây là một vài nét chính trong các FTA mà Nhật Bản đã ký kết :

- Hiệp định đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và Singgapo (JSEPA).

Hiệp định được ký kết vào tháng Giêng năm 2002 và chính thức có hiệu lực từ tháng 11 năm 2003. Trong hiệp định này Singgapo đã xoá bỏ thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, còn Nhật Bản xoá bỏ thuế của 94% số mặt hàng nhập khẩu từ Singgpo. 6% số mặt hàng còn lại chưa đươc tự do hoá trong nhập khẩu từ Singgapo bao gồm sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm hoá dầu, sản phẩm ngành da.

Nhìn chung Hiệp định này không giới hạn ở tự do thương mại mà còn nhắm đến việc đẩy mạnh đơn giản hoá, thông thoáng các thủ tục giao dịch, và cùng xúc tiến hợp tác với các nước đang phát triển, Tự do thương mại cũng không giới hạn trong hàng hoá hữu hình mà còn trong các lĩnh vực dịch vụ như đầu tư, di chuyển lao động…

EPA/FTA giữa Nhật Bản với Singgapo là một hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện, đồng thời là một thông điệp cho thế giới thấy Nhật Bản rất quan tâm đến FTA. Đây có thể coi là bước ngoặt trong chuyển hướng chính sách thương mại của Nhật Bản.

- Hiệp định thương mại tự do giữa Nhật Bản và Mê-xi-cô (JMFTA)

Nhật Bản bắt đầu đàm phán với Mê-xi-cô từ tháng 10 năm 2002, mục tiêu đặt ra là sau một năm sẽ ký được hiệp định nhưng phải đến tháng 9 năm 2004 hiệp định mới được ký kết và hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2005. Theo hiệp định này, thuế của 90% mặt hàng chiếm 96% tổng giá trị hàng hoá sẽ bị loại bỏ vào năm 2015, 98% hàng xuất khẩu của Nhật và 87% hàng nhập khẩu từ Mê-xi-cô được miễn thuế. Trước đây chỉ có 16% hàng xuất khẩu của Nhật được miễn thuế nhập khẩu từ Mê-xi-cô, trong khi 70% hàng của Mê-xi-cô vào Nhật đã được miễn  thuế (3).

Nhật Bản từ chối tự do hoá một số sản phẩm nông nghiệp của Mê-xi-cô như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cam, nước cam nhưng sẽ nhượng bộ mở cửa thị trường của những sản phẩm này bằng việc tăng hạn ngạch nhập khẩu chứ không phải là xoá bỏ thuế mà người ta hay làm trong FTA. Chỉ có chưa đầy 50% tổng giá trị hàng nông nghiệp của Mê hi cô xuất sang Nhật được miễn thuế nhập khẩu(4). Vì Mê-xi-cô chỉ chiếm 1% tổng khối lượng nông phẩm nhập khẩu của Nhật Bản nên việc tự do hoá có hạn chế sẽ không đe doạ nhiều tới các nhà sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản và cũng không trở thành tiền lệ cho các FTA khác. Còn phía Mê-xi-cô đồng ý mở cửa thị trường thép trong vòng 10 năm và thị trường ô tô trong vòng 7 năm. Với việc xoá bỏ thuế nhập khẩu từ nay đến năm 2011, việc xuất khẩu ô tô nguyên chiếc của Nhật Bản sẽ có thể tăng gấp đôi trong vòng vài năm tới.

Trong đàm phán này Nhật Bản có thể được coi là người chiến thắng khi họ không phải tự do hoá quá nhiều đối với sản phẩm nông nghiệp. Nhưng đối với với một số người quan tâm đến cải cách cơ cấu thì đây có thể lại là một thất bại.

- Hiệp định đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và Malaixia (JMEPA)

EPA/FTA thứ ba này được ký với Malaixia vào tháng 12 năm 2005 và có hiệu lực  vào tháng 7 năm 2006. Malaixia đồng ý xoá bỏ thuế đánh vào xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc có dung tích động cơ trên 2000 cc vào năm 2010 và xe nhỏ hơn vào năm 2015. Bỏ ngay thuế nhập khẩu linh kiện cho các dây truyền sản xuất ô tô của Nhật ở Malaixia. Malaixia cũng đồng ý về cơ bản sẽ bỏ thuế nhập khẩu các sản phẩm thép trong vòng 10 năm.

Phía Nhật Bản sẽ xoá bỏ ngay lập tức thuế nhập khẩu các loại trái cây nhiệt đới như xoài, sầu riêng, đu đủ, chôm chôm, tôm, mực, bột cô ca. Thuế đánh vào bơ thực vật (margarine) sẽ giảm từ 29,8% xuống 25% trong vòng 5 năm, và bỏ ngay thuế nhập khẩu cho 1.000 tấn chuối. Các sản phẩm rừng trừ ván ép (một trong những sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Malaixia sang Nhật) được miễn thuế hoàn toàn. Nhưng các sản phẩm nhạy cảm như gạo, lúa mỳ, sản phẩm sữa, thịt lợn, thịt bò, thức ăn xơ và hải sản chưa được tự do hoá(5). Nhật Bản sẽ giúp Malaixia đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, công nghệ thông tin, với khoảng 1000 học viên trong 10 năm tới. Năm 2005, xuất khẩu của Nhật sang Malaixia là 12,6 tỷ USD và nhập khẩu từ Malaixia là 14,8 tỷ USD.

- Hiệp định đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và Philippin (JPEPA)

Được ký vào tháng 9 năm 2006 và được Quốc hội thông qua vào tháng 12 năm 2006. Theo hiệp định này Philippin sẽ giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm thép và ô tô vào năm 2010, đổi lại, Nhật Bản cũng giảm thuế đối với dứa và chuối nhập khẩu từ Philippin. Nhật Bản sẽ không mở cửa thêm đối với các mặt hàng nhạy cảm như gạo, lúa mỳ, thịt lợn, thịt bò, và một số hải sản nhưng Nhật sẽ tiếp nhận mỗi năm khoảng 1.000 người Philippin sang làm y tá hoặc hộ lý trong các bệnh viện của Nhật.

- Hiệp định đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và Thái Lan (JTEPA)

Nhật Bản đã hoàn tất đàm phán về EPA/FTA với Thái Lan từ tháng 8 năm 2005 nhưng việc ký kết hiệp định vốn được dự định vào tháng 4 năm 2006 đó bị hoãn lại đến tháng 4 năm 2007 do những bất ổn chính trị ở Thái Lan.

Theo hiệp định này, Nhật Bản sẽ loại bỏ 92% thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Thái Lan trong vòng 10 năm. Tương tự, 97% hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản sang Thái Lan cũng được miễn thuế. Nhật Bản ngay lập tức loại bỏ thuế đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp, với tôm chế biến và trái cây nhiệt đới như xoài, đu đủ, sầu riêng của Thái Lan. Tuy nhiên những mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm đối với Nhật Bản như gạo, lúa mì, bơ sữa đã được loại trừ trong quá trình đàm phán. Thái Lan sẽ loại bỏ thuế đối với linh kiện ôtô của Nhật Bản trong vòng 5 năm đầu kể từ khi hiệp định có hiệu lực và giảm thuế từ mức 80% hiện nay xuống còn 60% đối với những loại ô tô có dung tích động cơ trên 3.000 cc. Hai bên sẽ tiếp tục thương lượng vào năm 2009 để loại bỏ hoàn toàn thuế đối với mặt hàng ô tô. Hiện nay các công ty Nhật Bản kiểm soát 80% việc sản xuất, bán, và xuất khẩu ô tô ở Thái Lan(6).

Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Thái Lan. Theo số liệu của Thái Lan, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2006 đạt 44,1 tỷ USD (7). Hiệp định này sẽ giúp Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất ô tô, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển.

Hiệp định này cũng cho thấy Nhật Bản đang đẩy mạnh các cuộc thương lượng song phương nhằm ký kết các FTA với các nước ASEAN. Trong bối cảnh các cuộc thương lượng về tự do thương mại WTO đang khó khăn, Mỹ và EU đang đẩy nhanh tiến trình thương lượng FTA, Trung Quốc đang thâm nhập sâu hơn vào thị trường ASEAN, thì các hoạt động như trên của Nhật Bản cho thấy họ không muốn chậm trễ so với các nước lớn.

Ngoài ra, Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận cơ bản FTA với Chi-lê và Inđônêxia vào tháng 11, với Brunây vào tháng 12 năm 2006.  Mới đây, bên lề Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC diễn ra tại Cairns (Australia) vào ngày 6-7 tháng 7 năm 2007, Bộ trưởng Kinh tế, thương mại, công nghiệp (METI) của Nhật Bản Akira Amari và Bộ trưởng thương mại Inđônêxia Mari Pangestu đã nhất trí sẽ ký FTA vào tháng 8 năm 2007 khi thủ tướng Nhật Bản thăm Inđônêxia. Theo thoả thuận này, Inđônêxia sẽ xoá bỏ thuế thuế đối với 96% hàng hoá của Nhật. Nhật sẽ loại bỏ thuế đối với 93% hàng hoá nhập khẩu từ Inđônêxia(8).

Hiện nay, Nhật Bản đang đàm phán FTA với cộng đồng ASEAN, Hàn Quốc, Việt Nam, Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh, Australia, Thuỵ Sĩ, Ấn Độ … Tháng 12 năm 2006, Nhật Bản và ASEAN đó có sự nhất trí cơ bản về kế hoạch xóa bỏ thuế quan trong vòng 10 năm. Hai bên đã có cuộc gặp gỡ cấp cao vào tháng 3 năm 2007. Đàm phán FTA với Australia đang được tiến hành, nếu thành công thì có thể mở đường đàm phán FTA với Mỹ trong tương lai vì đây là FTA đầu tiên của Nhật Bản với một nước xuất khẩu nông sản. Nhật Bản hy vọng sẽ tăng gấp đôi số lượng FTA trong vòng 2 năm tới.

Như vậy, chiến lược FTA của Nhật Bản ngoài phần ưu tiên cho khu vực Đông Á đã và đang chú ý tới các khu vực khác như Châu Mỹ La tinh, Châu Âu, Châu Đại Đương, các nước vùng Vịnh, khu vực Nam Á. Đối tượng đàm phán cũng rất đa dạng, từ các nước công nghiệp phát triển đến các nước đang phát triển, từ nước xuất khẩu nông sản như Australia đến nước nhập khẩu nông sản như Thuỵ Sĩ. So với kế hoạch đặt ra ban đầu thì FTA của Nhật Bản đã có sự phát triển rộng hơn. Chiến lược FTA cũng đã tạo được cú hích đối với các ngành kinh tế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, kể cả ngành nông nghiệp, ngành vốn được bảo hộ mạnh từ lâu nay. Theo một số nhà quan sát thì việc tự sát của Bộ trưởng bộ nông nghiệp Toshikatsu Matsuoka cuối tháng 5 năm 2007 ngoài những lý do về tài chính cũng có thể còn do sự bất mãn của ông ta trước việc không thể ngăn cản chiều hướng tự do hoá trong nông nghiệp. Ông Toshikatsu Matsuoka vốn là một người lãnh đạo trong công tác làm luật của đảng LDP, là người lớn tiếng phản đối tự do hóa thị trường. Ông mới giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp khi tân Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền.

b. Những trở ngại trong đàm phán FTA của Nhật Bản

Trong quá trình đàm phán FTA Nhật Bản đã gặp không ít trở ngại, mà trở ngại lớn nhất là vấn đề tự do hoá trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về tổng thể Nhật Bản có mức bảo hộ nông nghiệp thấp hơn so với một số nước nhập khẩu nông sản khác. Theo OECD (1999), thuế nhập khẩu nông sản trung bình của Nhật là 12%, trong khi của Na Uy là 124%, Hàn Quốc là 62%, Thuỵ Sĩ 51% và EU 20%. Nhưng ở Nhật Bản một số sản phẩm nông nghiệp lại có thuế suất nhập khẩu cực kỳ cao như gạo 490%, lúa mỳ 210%, đường 270%, bơ 330%(9)... Theo Hiệp định nông nghiệp của vòng đàm phán Urugoay, Nhật Bản đã thực hiện chế độ tự vệ để đối phó với tình trạng nhập khẩu quá mức, do đó mà có sự bảo hộ mạnh mẽ đối với sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại gạo là sản phẩm không chấp nhận tự do hoá vì gạo chiếm tới 25% tổng sản lượng nông nghiệp, thêm vào đó gạo được trồng rải rác khắp nước Nhật. Hiện nay nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP của Nhật Bản, số nông hộ ngày càng giảm và già hóa nhưng nông dân vẫn có ảnh hưởng chính trị lớn ở Nhật Bản do họ là tầng lớp ủng hộ truyền thống của đảng cầm quyền LDP.

Trong một số FTA đã ký kết mặc dù rất nhiều dòng thuế giảm tới mức 0% nhưng nông nghiệp vẫn mới chỉ có sự nhượng bộ tối thiểu. Nhật Bản loại trừ nông nghiệp ra khỏi danh mục tự do hoá thương mại trong FTA với Singgapo mặc dù sản xuất nông nghiệp của Singgapo là không đáng kể. Trong FTA với Mê-xi-cô, Nhật Bản chỉ đồng ý tăng thêm một chút hạn ngạch nhập khẩu thịt lợn, thịt gà. Thái Lan phải loại bỏ vấn đề gạo, Malaixia phải loại bỏ gỗ ép trong đàm phán.

Ngoài những trở ngại về kinh tế, còn có những trở ngại về an ninh quốc gia và chính trị trong việc đàm phán FTA với các nước Đông Á. Sự khác biệt trong hệ thống chính trị và vấn đề an ninh là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Nhật Bản sẽ vấp phải vấn đề lịch sử nếu như định đàm phán với Trung Quốc và Hàn Quốc. Rất nhiều người Trung Quốc và Hàn Quốc có ấn tượng không tốt về thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản trên đất nước họ thời kỳ trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Thực tế Nhật Bản không tin tưởng Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh, chính trị. Ngoài ra sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc về kinh tế, chính trị, quân sự trong khu vực cũng là trở ngại lớn cho việc thiết lập FTA giữa hai nước chứ chưa nói gì tới FTA khu vực(10).

Nhật Bản có ý tưởng đàm phán FTA đầu tiên với Hàn Quốc vào tháng 10 năm 1998 và đàm phán được bắt đầu vào tháng 12 năm 2003. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều mong có được một FTA làm mẫu cho các nước Đông Á với mức độ tự do hoá cao nhưng đàm phán đã bị bế tắc ngay từ đầu do không thống nhất về cơ chế đàm phán trong tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc phản đối FTA với Nhật Bản vì sợ không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. Còn Chính phủ Hàn Quốc lại e ngại cán cân thương mại với Nhật sẽ xấu đi. Ngoài ra, những bất đồng lớn về mậu dịch nông sản và quan hệ chính trị lạnh lẽo đã làm trì hoãn việc ký kết giữa hai nước.

Một vấn đề nữa đặt ra cho Nhật Bản là liệu các FTA có hướng tới một hiệp định khu vực Đông Á thống nhất. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng điều này khó có thể thực hiện trong tương lai gần vì các FTA của Nhật Bản không chỉ nằm trong khu vực Đông Á. Như trên chúng ta thấy Nhật đã ký với Mê-xi-cô, chuẩn bị ký với Chi lê, Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh, với Thuỵ Sĩ, Australia...Xu hướng ký kết FTA với các nước ngoài khu vực Đông Á đã xảy ra với các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc (đã ký với Mỹ, Chi lê), Singgapo (Mỹ, Australia, Canada, Mê-xi-cô, Niu-di-lân), Thái Lan (Mỹ, Australia) và Malaixia (Mỹ, Australia, Ấn Độ). Với mỗi nước Nhật Bản lại có sự nhượng bộ khác nhau cho nên sự cộng lại của các hiệp định riêng rẽ không thể đem lại một cơ cấu cho hiệp định khu vực. Chắc chắn  những qui định trong hiệp định giữa Nhật Bản và ASEAN sẽ khác hẳn với hiệp định giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhật Bản và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau về ý tưởng cho một FTA của toàn khu vực. Năm 2004, Trung Quốc đề xuất một FTA Đông Á gồm ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Còn Nhật Bản lại tìm kiếm một hiệp định Đông Á bao gồm ASEAN + 3 và thêm cả Ấn độ, Australia và Niu di lân.

Tóm lại, FTA mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế nhưng lợi ích đó không phân bố đều trong các ngành kinh tế, các khu vực dân cư. Một số khu vực sẽ chịu thiệt thòi trong khi những khu vực có lợi thế cạnh tranh sẽ phát triển hơn. Các nhà chế tạo Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi hàng hoá của họ đến các nước đã ký FTA gần như không phải chịu thuế, còn các nhà sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải đương đầu với vấn đề mở cửa thị trường nông sản. Nhật Bản đã coi FTA/EPA là động lực thúc đẩy tăng trưởng và cải cách cơ cấu kinh tế trong nước. Ngoài những nước trong khu vực, Nhật Bản đang gấp rút ký FTA với các nước giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, ga, quặng, để đảm bảo nguồn cung trong trung và dài hạn. Chiến lược thúc đẩy FTA mới đây của Nhật Bản cho thấy một sự ganh đua quyết liệt với Trung quốc về các nguồn năng lượng cũng như ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở Châu Á. Nông nghiệp vẫn là trở ngại chính trên con đường thực hiện chiến lược FTA của Nhật Bản. Một FTA cho khu vực Đông Á khó trở thành hiện thực trong tương lai gần, nhất là khi hai siêu cường khu vực Nhật Bản và Trung Quốc còn nhiều khác biệt trong ý tưởng xây dựng cộng đồng Đông Á.

PHẠM THỊ XUÂN MAI

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Jacques deLisle, 2006. Japan’s Pursuit of FTAs in the Region. New York University, November, 2006.

2. OECD, 2005. Agricultural Policies in OECD Countries: Monitoring and Evaluation. Paris, 2005.

3. Raymond J. Ahearn.2005. Japan’s Free Trade Agreement Program. CRS Report for Australian Congress.

4. Shujiro Urata, 2005. Japan’s FTA and a Free Trade Area of Asia Pacific, in “Reviving Japan’s Economy”, T.Ito, H.Patrick, and D. E. Weinstein, eds., MIT Press.

5. Tạp chí Ngoại thương số 13, ngày 1-10 tháng 5 năm 2006, Hà Nội, Việt Nam.

6. The Ministry of Foreign Affairs of Japan. 2002. Japan’s FTA Strategy. http://www.mofa.go.jp/policy/economy/fta/strategy0210.html.

7. Tomoyoshi Nakajima, 2004. An East Asian FTA and Japan’s Agricultural Policy: Simulation of a direct Subsidy. Economic Research Institute for Northeast Asia, Japan.

8. Yun Chunji, 2002. Japan’s FTA Strategy and the East Asian Economic Bloc.YamaguchiUniversity. 15 March 2002. http://www.iwanami.co.jp/jpworld/tex/FTA01.html.



(1) WTO, Regional Trade Agreement: Facts and Figure, www.wto.org.

(2) Japan’s Ministtry of Foreign Affairs, 2002, Japan’s FTA Stategy, October 2002, [http://www.mofa.go.jp/policy/economy/fta/strategy0210.html].

(3) Raymond J. Ahearn, Japan’s Free Trade Agreement Program, CRS Report for Congress, p. 5, 2005.

(4) FTA with Mexico Paves Way for Talks with Asian Nations, The Nikkei Weekly, March 15, 2004.

(5) Japan-Malaysia FTA Gets Chiefs’ Approval, Janpan Times, May 26, 2005.

(6) Raymond J. Ahearn, Japan’s Free Trade Agreement Program, CRS Report for Congress, p. 7, 2005.

(7) Thời báo kinh tế Việt Nam số ra ngày 5 tháng 4 năm 2007, tr.18.

(8) Thời báo kinh tế Việt Nam số ra ngày 10 tháng 7 năm 2007, tr.14.

(9) OECD, Agricultural Policies in OECD countries: Monitoring and Evaluation, 2005.

(10) Shujiro Urata, Japan’s FTA and a Free Trade Area of Asia Pacific, in “Reviving Japan’s Economy”, T.Ito, H.Patrick, and D. E. Weinstein, eds., MIT Press, p. 82, 2005.

 

 

0thảo luận