Trang chủ

VÌ SAO NHẬT BẢN MUỐN SỬA ĐỔI ĐIỀU 9 HIẾN PHÁP

Đăng ngày: 25-05-2012, 15:01 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 8

Hiện nay, sửa đổi hiến pháp đang trở thành mối quan tâm lớn của đảng cầm quyền. Việc sửa đổi hiến pháp hoà bình của Nhật Bản cũng thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là sửa đổi điều 9 với nội dung làKhao khát hoà bình thế giới dựa trên trật tự và công bằng, người Nhật Bản sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền tối cao của quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Để đạt được mục đích trên thì việc duy trì các lực lượng lục quân, hải quân, không quân cũng như các tiềm năng chiến tranh khác sẽ không được phép. Quyền tham chiến của quốc gia không được thừa nhận”.

Có thể nói rằng những quy định tại điều 9 hiến pháp đã góp phần làm cho Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế do không phải đầu tư cho phát triển quân sự và mang lại hoà bình cho nước này trong một thời gian dài. Vậy thì tại sao hiện nay nước này lại muốn sửa đổi những quy định đó. Qua bài viết này tác giả muốn lý giải một số nguyên nhân thúc đẩy Nhật Bản tiến hành sửa đổi điều 9 hiến pháp hoà bình của nước này.

1. Nguyên nhân bên trong

a. Sửa đổi điều 9 là để có một quân đội mạnh tương xứng với sự lớn mạnh về kinh tế

Sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Những bước phát triển thần kỳ của kinh tế đã làm cho Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới, đồng thời cũng làm nảy sinh ở nước này tư tưởng về một “quốc gia bình thường” với lập luận rằng hiện nay Nhật Bản là một cường quốc trên thế giới về kinh tế nhưng không có một tiềm năng quân sự tương ứng. Do đó, Nhật Bản cần theo đuổi mục đích trở thành một “quốc gia bình thường”, tức là cần xoá bỏ hết các rào cản để phát triển quân sự như các quốc gia khác, hơn nữa quân đội phải được hiện đại hoá để ngang tầm với một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, cần phải dỡ bỏ những rào cản để có thể tự do đưa quân đội ra nước ngoài tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc không chỉ ở những vùng im tiếng súng mà còn có thể đến bất cứ nơi nào trên thế giới, đồng thời Nhật Bản có thể gửi quân đội đến những nơi khói lửa đạn bom để sát cánh chiến đấu bên cạnh các đồng minh của mình.

Nhờ có điều kiện về kinh tế nên Nhật Bản có điều kiện để phát triển các lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực khoa học kỹ thuật đặc biệt là những kỹ thuật liên quan đến quân sự. Chính tiềm năng kinh tế và sự phát triển cao về khoa học kỹ thuật này đã tạo điều kiện cho Nhật Bản có khả năng trong việc chế tạo các loại vũ khí quân sự hiện đại thậm chí cả vũ khí hạt nhân. Rõ ràng, sự thành công về kinh tế đã làm nảy sinh tham vọng của Nhật Bản ẩn đằng sau tư tưởng về một “quốc gia bình thường” đó là việc trở thành một cường quốc trên thế giới và muốn trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Tham vọng trở thành một cường quốc có tiếng nói nhất định đối với cộng đồng quốc tế đã đặt Nhật Bản trước sự lựa chọn phát triển quân sự và tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Như vậy, có thể nói rằng việc Nhật Bản muốn có một sức mạnh quân sự tương ứng với một nền kinh tế đứng thứ hai thế giới và xa hơn nữa là muốn khẳng định địa vị của mình trên trường quốc tế không chỉ bằng sức mạnh kinh tế mà còn bằng sức mạnh quân sự đã thúc đẩy Nhật Bản tiến hành sửa đổi điều 9 hiến pháp để mở đường cho Nhật Bản tiến hành việc tái vũ trang, hiện đại hoá quân đội. Với quy định như hiện nay thì chính điều 9 hiến pháp 1946 đã trở thành rào cản đối với tham vọng quân sự của Nhật Bản và muốn thực hiện được tham vọng đó thì Nhật Bản cần tiến hành dỡ bỏ rào cản đó. Việc sửa đổi điều 9 sẽ tạo căn cứ pháp lý để Nhật Bản tiến hành các hoạt động hiện đại hoá quân đội. Bởi lẽ, hiện nay tuy Cục phòng vệ Nhật Bản đã được nâng cấp thành Bộ Quốc phòng nhưng Lực lượng phòng vệ do Bộ này quản lý vẫn chưa được hiện đại hoá để tăng cường sức mạnh và vẫn chưa được tự do tham chiến ở nước ngoài do những ràng buộc về mặt hiến pháp.

b. Sửa đổi điều 9 là muốn khẳng định niềm tự tôn dân tộc và vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế

Thứ nhất, có thể nói rằng, hiện nay chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên ở khu vực Đông Bắc Á. Khi nói đến chủ nghĩa dân tộc là nói đến việc đề cao dân tộc mình, nói đến tinh thần yêu nước và niềm tự tôn dân tộc. Do vậy, khi tinh thần dân tộc trỗi dậy thì trước hết Nhật Bản muốn loại bỏ những gì mà nước này cho là “phải chấp nhận” do áp lực từ bên ngoài vì không có sự lựa chọn nào khác. Nhật Bản không muốn mình phải chịu sự ràng buộc bởi những quy định của một bản hiến pháp mà họ phải chấp nhận một cách miễn cưỡng do tình thế lúc bấy giờ (Nhật Bản phải chấp nhận bản hiến pháp do người Mỹ soạn thảo). Hơn nữa, chính những quy định ràng buộc trong bản hiến pháp đó lại có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và phần nào làm yếu đi niềm tự tôn dân tộc, làm cho Nhật Bản không thể trở thành một quốc gia bình thường, không được phát triển vũ khí quân sự ngay cả khi có đủ điều kiện về kinh tế và kỹ thuật tiên tiến. Trong lịch sử Nhật Bản đã có thời kỳ các thành viên trong nghị viện tranh luận về vấn đề người Mỹ đã bắt người Nhật Bản phải chấp nhận hiến pháp hiện tại và nhìn chung đa số họ cho rằng Nhật Bản đã phải chấp nhận bản hiến pháp hiện hành do sức ép mạnh mẽ từ phía Mỹ. Nếu như trước đây vì là một nước bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, không có sự lựa chọn nào khác nên Nhật Bản phải chịu sự áp đặt của các nước đồng minh mà đứng đầu là Mỹ, thì nay không có lý do gì để Nhật Bản duy trì bản hiến pháp mà xét một cách tổng thể không có lợi cho mình nhất là trong tình hình phức tạp của khu vực. Gần đây, một số quan chức trong Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa ra ý kiến cho rằng, không có lý do gì mà Nhật Bản cứ phải duy trì những quy định chặt chẽ trong hiến pháp để dẫn đến an ninh của đất nước không được đảm bảo. Một số chính khách Nhật Bản liên tiếp kêu gọi Nhật Bản không thể cứ mãi dựa vào cái ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ mà cần phải chú trọng tăng cường “tự chủ phòng vệ”. Có thể thấy rằng, Nhật Bản đang muốn khẳng định mình, lấy lại niềm tự hào dân tộc bằng cách loại bỏ những áp đặt từ bên ngoài. Chính việc sửa đổi hiến pháp trong đó có sửa đổi điều 9 là một cách khẳng định mình, khẳng định về quyền tự quyết của một dân tộc đối với vấn đề chính trị, an ninh của dân tộc đó. Nói cách khác, đó là cách giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc bằng cách Nhật Bản hoá bản hiến pháp - một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Thứ hai, Nhật Bản đang muốn nổi lên ở khu vực Châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung. Trước sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc và sự nổi lên về vũ khí quân sự của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân(CHDCND) Triều Tiên làm cho hình ảnh của Nhật Bản ở khu vực Châu Á đang mờ dần. Do vậy, Nhật Bản đang muốn khôi phục lại niềm tự hào dân tộc cũng như muốn vươn lên giành lại địa vị của một nước có tầm ảnh hưởng ở Châu Á. Nhật Bản muốn cạnh tranh với Trung Quốc về tầm ảnh hưởng đối với các nước và muốn trở thành một đối trọng của Trung Quốc. Trước sự lớn mạnh của Trung Quốc về mặt quân sự thì rõ ràng là, nếu Nhật Bản muốn cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc để có tiếng nói của một nước lớn trong khu vực thì cần phải hiện đại hoá quân đội. Nước Nhật chỉ có thể có được niềm tự hào dân tộc khi nước này có một sức mạnh quân sự đủ mạnh để có thể trở thành đối trọng với các thế lực lớn trong khu vực cũng như trên thế giới, đồng thời quân đội của Nhật Bản phải đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, không những vậy, Nhật Bản còn phải tham gia các hoạt động quân sự trong đội quân của Liên Hợp Quốc để chứng tỏ vị thế của Nhật Bản. Để thực hiện được mục tiêu như vậy thì có thể nhận thấy rằng, việc ưu tiên phát triển quân sự là vấn đề đặt lên hàng đầu và việc gửi quân đội ra nước ngoài là điều không tránh khỏi. Do vậy, sửa đổi điều 9 hiến pháp sẽ được đặt ra để đảm bảo tạo căn cứ pháp lý cho việc phát triển quân đội cũng như triển khai quân đội ra nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu của nhà nước.

Nếu Nhật Bản sửa đổi điều 9 sẽ mở đường cho nước này tái vũ trang và có thể sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế và thậm chí là có thể thực hiện được quyền phòng vệ từ xa thông qua việc “đánh đòn phủ đầu” điều mà cho đến nay Nhật Bản chưa làm được do tiềm năng quân sự chưa đủ mạnh và chưa có căn cứ pháp lý cho việc gửi quân ra nước ngoài tham chiến. Sửa đổi điều 9 cho phép Nhật Bản hiện đại hoá quân đội cũng là cách thức để Nhật Bản khẳng định ưu thế của mình đối với các nước khác và có như vậy thì Nhật Bản mới có thể trở thành một thế lực lớn trong khu vực, tạo ra uy thế đối với các nước nhỏ và trở thành đối trọng của các nước lớn. Khi đó dân tộc Nhật Bản sẽ có tiếng nói quyết định hơn trên trường quốc tế khi họ vừa có sức mạnh kinh tế vừa có sức mạnh quân sự.

2. Nguyên nhân bên ngoài

a. Sửa đổi điều 9 nhằm xây dựng quân đội mạnh để đáp lại những bất ổn trong khu vực Đông Bắc Á

Thứ nhất: Mối quan hệ Nga- Nhật vẫn chưa trở nên bình thường khi mà hai bên vẫn có những tranh chấp về quần đảo và vùng lãnh hải. Trước một cường quốc quân sự như Nga ở ngay cạnh mình thì Nhật Bản không chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của phía Mỹ mà ngay bản thân Nhật Bản cũng cần phải chuẩn bị lực lượng để đối phó trong những trường hợp khẩn cấp hoặc cần dùng lực lượng quân sự hùng mạnh của chính mình làm hậu thuẫn để mặc cả (thoả thuận) với Nga trong các tranh chấp giữa hai nước về lãnh thổ khi giải quyết bằng con đường đối thoại như trường hợp CHDCND Triều Tiên đã làm với Mỹ. Như vậy, có thể nói rằng việc phát triển lực lượng quân sự vững mạnh và cho phép lực lượng này có thể triển khai ra nước ngoài là điều kiện cần thiết để giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa Nhật Bản và các nước khác trong khu vực ngay cả khi các tranh chấp đó được giải quyết theo con đường hoà bình tức là các bên ngồi vào bàn đàm phán vì như trên đã nói chính sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẽ là một quân bài đảm bảo cho Nhật Bản có một vị thế trên bàn đàm phán.

Thứ hai: Đó là sự lớn mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc đang tỏ ra là một đối thủ đáng gờm của bất cứ nước nào trên thế giới. Với sự tăng trưởng nhanh về kinh tế và đặc biệt là sự phát triển của quân sự nước này với những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ cũng như phát triển các vũ khí hiện đại, thêm vào đó là việc đầu tư cho ngân sách quốc phòng tăng cao làm cho Nhật Bản không thể không lo lắng nhất là mối quan hệ của Nhật Bản và Trung Quốc từ trong quá khứ đến nay vốn dĩ đã không được tốt đẹp. Trước đây thì Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc còn ngày nay thì ngang nhiên thách thức các nước láng giềng ở Châu Á trong đó có Trung Quốc trong các vụ sửa đổi sách giáo khoa và viếng thăm đền Yasukuni của cựu Thủ tướng Nhật Bản gần đây. Nhật Bản luôn đề phòng từ phía Trung Quốc, luôn cảnh giác trước một cường quốc quân sự ngay cạnh mình. Thuyết về “mối đe dọa từ Trung Quốc” của Nhật Bản là một minh chứng cho điều đó. Muốn kiềm chế và tiến tới có thể trở thành đối trọng của Trung Quốc thì Nhật Bản chỉ có con đường phát triển quân sự, đầu tư cho quốc phòng, xây dựng một quân đội chính quy, tinh nhuệ được trang bị vũ khí hiện đại có đủ sức đáp trả những cuộc tấn công bất ngờ từ phía bên ngoài lãnh thổ.

Thứ ba: là vấn đề mang tính thời sự ở khu vực Đông Bắc Á, đó chính là vấn đề thử tên lửa và phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy hiện nay các bên trong các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã đạt được một số thoả thuận về việc đóng của lò phản ứng hạt nhân của nước này nhưng vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân thì vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Do vậy, mối đe doạ đối với Nhật Bản từ phía CHDCND Triều Tiên chưa hề giảm, Nhật Bản vẫn luôn phải cảnh giác đối với những hoạt động quân sự của nước này, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước vẫn chưa được cải thiện do những vấn đề xảy ra trong quá khứ. Năm 1998 CHDCND Triều Tiến đã từng thử tên lửa bắn qua lãnh thổ Nhật Bản làm cho Nhật Bản vô cùng lo ngại. Mối lo ngại đó càng gia tăng khi mà gần đây CHDCND Triều Tiên liên tục có những động thái phát triển kho vũ khí của mình trong đó có vụ thử tên lửa và sau đó là thử vũ khí hạt nhân năm 2006 làm cả cộng đồng quốc tế lo ngại. Sự lớn mạnh về quân sự của CHDCND Triều Tiên đã gây cho Nhật Bản mối lo ngại lớn vì mục tiêu của CHDCND Triều Tiên sẽ là Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong đó có Nhật Bản. Đặc biệt là Nhật Bản đã từng nhiều lần đề nghị Liên Hợp Quốc trừng phạt CHDCND Triều Tiên, thậm chí chính Nhật Bản còn soạn thảo một lệnh cấm vận trừng phạt CHDCND Triều Tiên trình lên Hội đồng bảo an khi nước này tiến hành thử 7 quả tên lửa hồi tháng 7 năm 2006. Tất cả những yếu tố đó đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước đang ngày một xấu đi một cách trầm trọng. Hiện nay, CHDCND Triều Tiên đang xây dựng một hệ thống tên lửa hướng thẳng sang phía Nhật Bản làm cho an ninh của Nhật Bản bị đe doạ nghiêm trọng mỗi khi căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á được đẩy lên cao. Nhật Bản luôn là đích ngắm của quân đội CHDCND Triều Tiên khi xảy ra chiến tranh. Với một mối nguy hiểm luôn đe dọa ngay bên cạnh thì Nhật Bản không thể chỉ ngồi chờ xem CHDCND Triều Tiên làm gì để tìm cách đối phó mà nước này sẽ chủ động phát triển quân sự và thậm chí là đi trước CHDCND Triều Tiên một bước để đảm bảo an ninh cho lãnh thổ mình. Điều này được thể hiện rõ trong quan điểm của ông Shinzo Abe về thuyết “đánh phủ đầu” CHDCND Triều Tiên để bảo vệ đất nước khi ông này là Chánh văn phòng nội các dưới thời cựu Thủ tướng Koizumi. Để tiến hành phòng thủ trước sự đe doạ của CHDCND Triều Tiên Nhật Bản đã phải tiến hành chương trình phòng thủ tên lửa trước thời gian dự kiến, đồng thời còn nhanh chóng hợp tác với Mỹ để bố trí các tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, về lâu dài chắc chắn là người Nhật Bản sẽ tìm cách để chính họ có thể tự chủ được trong việc đối phó với các nước trong khu vực mà không cần cầu viện đến Mỹ nhất là khi chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên ở Nhật Bản thì họ sẽ muốn tự mình quyết định vận mệnh dân tộc mà không cần nhờ đến các thế lực bên ngoài và nếu có nhờ đến Mỹ thì đó là những hoạt động chi viện của một nước đồng minh chứ không phải là sự cầu cứu của một nước yếu đối với một nước mạnh.

Thứ tư: Đó là xuất phát từ tình hình thế giới nói chung, nhất là sau vụ khủng bố ngày 11/9 đánh vào toà tháp đôi ở Mỹ thì có vẻ chủ nghĩa khủng bố đang phát triển mạnh trên thế giới. Việc Mỹ ra sức tấn công chủ nghĩa khủng bố làm cho nước này trở thành mục tiêu tấn công của tất cả các lực lượng khủng bố trên thế giới và trong trường hợp này thì các nước đồng minh của Mỹ, ủng hộ Mỹ tấn công khủng bố cũng mặc nhiên trở thành đối tượng tấn công của các lực lượng này. Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ vì nước này ủng hộ về mặt tinh thần cũng như vật chất cho Mỹ chống khủng bố. Do vậy, cũng như Mỹ, Nhật Bản phải luôn luôn đề phòng cảnh giác trước sự tấn công của các lực lượng khủng bố cũng như của các nước thù địch với Mỹ. Nhiệm vụ đặt ra đối với Nhật Bản là phải có một quân đội tinh nhuệ với trang bị vũ khí hiện đại và có thể hoạt động ở hải ngoại để đáp lại những cuộc tấn công nhằm vào nước này.

b. Cần thay đổi những ràng buộc quy định trong hiến pháp để Nhật Bản có thể thực hiện quyền phòng vệ chung với Mỹ và đóng góp quốc tế

Tuy Nhật Bản đang theo đuổi tham vọng trở thành một cường quốc quân sự trên thế giới nhưng trước mắt thì Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào Mỹ thông qua Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ. Do vậy, một trong những lý do khiến chính phủ Nhật Bản tiến hành sửa đổi hiến pháp là để quân đội Nhật Bản có thể ra nước ngoài bất cứ lúc nào và có thể hỗ trợ cho đồng minh của mình trong trường hợp nước đó bị tấn công. Với những quy định trong điều 9 hiến pháp hiện hành thì Nhật Bản không thể tham ra vào việc phòng vệ chung (phòng vệ tập thể) trong liên minh với Mỹ. Điều này làm cho Mỹ không hài lòng vì trên thực tế thì Mỹ cũng muốn Nhật Bản chia sẻ gánh nặng chiến tranh. Với những quy định như hiện nay thì ngay cả khi chiến tranh giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên nổ ra thì Nhật Bản cũng không có căn pháp lý để gửi quân ra nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và Nhật Bản nhận thấy rằng nếu Nhật Bản không tham gia vào việc phòng vệ chung sẽ là một thảm họa cho liên minh. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản chủ trương thiết lập các căn cứ pháp lý cho phép Nhật Bản có thể tham gia vào các hoạt động phòng thủ chung cũng như các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Sau nhiều năm kể từ khi hiến pháp Nhật Bản có hiệu lực, các nhà lãnh đạo cả hai nước Nhật Bản và Mỹ đang tìm cách loại bỏ khoản 2 của điều 9 hiến pháp 1946 của Nhật Bản để mở đường cho Nhật Bản tái vũ trang. Các nhà làm luật Nhật Bản đã đưa ra Luật có liên quan được thông qua năm 1999 cho phép Nhật Bản có thể ủng hộ lực lượng Mỹ trong những trường hợp xảy ra bất ngờ trong vùng xung quanh Nhật Bản. Đây có thể coi như là điểm khởi đầu cho việc tiến tới loại bỏ điều 9 nhằm cho phép Nhật Bản có thể thực hiện quyền phòng vệ chung với Mỹ. Hiện nay lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản cũng đang ủng hộ quân đội Mỹ bằng các hoạt động tiếp nhiên liệu cho các tàu của Mỹ và các nước khác trong lực lượng liên quân chống khủng bố do Mỹ đứng đầu ở Ấn Độ Dương theo quy định của Luật chống khủng bố đặc biệt, tuy nhiên luật này sẽ hết hiệu lực vào ngày 1 tháng 11 năm 2007. Phía Mỹ đang kêu gọi phía Nhật Bản gia hạn luật này để trợ giúp cho Mỹ. Việc ban hành các đạo luật như vậy cho thấy Nhật Bản đang từng bước tiến tới việc sửa đổi điều 9 trong hiến pháp của mình và ẩn đằng sau việc sửa đổi ấy là Nhật Bản muốn hợp pháp hoá việc thực hiện quyền phòng vệ tập thể với Mỹ- một đồng minh thân cận của Nhật vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi điều 9 cho phép quân đội có thể được triển khai ở nước ngoài sẽ giúp cho Nhật Bản có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc trong các hoạt động gìn giữ hoà bình không chỉ ở những vùng im tiếng súng mà là ở bất cứ nơi đâu. Sự tham gia này sẽ giúp cho Nhật Bản có những đóng góp quốc tế nhiều hơn nữa, tránh được sự chỉ trích của các nước đồng minh, đồng thời cũng giúp cho Nhật Bản gây được ảnh hưởng của mình ra thế giới và cũng là một trong những điều kiện giúp Nhật Bản giành được ghế thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Cho đến nay Nhật Bản là nước đứng thứ hai sau Mỹ về khoản đóng góp về kinh phí cho Liên Hợp Quốc nhưng chỉ là nước đứng ở hàng rất thấp trong số những nước có nhân viên làm việc trong đội quân gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Đây là điều rất bất lợi đối với Nhật Bản trong nỗ lực giành một ghế thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Để có căn cứ pháp lý cho phép Nhật Bản thực hiện các mục tiêu của mình thì việc sửa đổi hiến pháp là điều kiện cần thiết.

*

*      *

Như vậy có thể thấy rằng xuất phát từ tình hình trong nước và khu vực cũng như tình hình chung của thế giới trong bối cảnh hiện nay, những nhà lãnh đạo trong đảng cầm quyền của Nhật Bản nhận thấy cần phải sửa đổi điều 9 trong hiến pháp Nhật Bản để phù hợp hơn với hoàn cảnh mới. Tựu trung lại có thể nói rằng xuất phát từ nhu cầu cần xây dựng một quân đội mạnh được trang bị vũ khí hiện đại, thoát khỏi những ràng buộc về mặt hiến pháp, có thể triển khai ra nước ngoài để Nhật Bản thực hiện trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc mà Nhật Bản là một thành viên và thực hiện quyền phòng vệ tập thể trong liên minh Nhật- Mỹ, đồng thời cũng để Nhật Bản khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế là lý do dẫn đến việc Nhật Bản muốn sửa đổi điều 9 hiến pháp hiện hành của nước này.

 

NGUYỄN NGỌC NGHIỆP

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Tài liệu Tham khảo Đặc biệt ngày 11/8/2006

2. Tài liệu Tham khảo Đặc biệt ngày12/7/2006

3. Tài liệu Tham khảo Đặc biệt ngày 11/9/2006

4. Tin Tham khảo Thế giới ngày 21/7/2006

5 Tài liệu Tham khảo Đặc biệt ngày 16/8/2007

6. Tài liệu Tham khảo ngày 6/5/2007

7. http://www.drc-jpn.org.

8. http://japanfocus.org.

0thảo luận