Trang chủ

NGƯỜI HÀN Ở HẢI NGOẠI: ĐÔI NÉT VỀ LỊCH SỬ DI CƯ

Đăng ngày: 10-05-2012, 10:32 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 7

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hiện có 5,2 triệu người Hàn sinh sống ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài phạm vi Bán đảo Hàn. Đây là cộng đồng người sinh sống ở hải ngoại có số lượng đứng thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Do Thái, Ấn Độ và Italia . Về đại thể, bức tranh cư trú của người Hàn ở hải ngoại năm 1995 như sau:

 

 

Người Hàn sống ở hải ngoại

Đơn vị: người

Quốc gia và vùng lãnh thổ

Số lượng

Quốc gia và vùng lãnh thổ

Số lượng

Trung Quốc

1.926.017

Canada

71.241

Mỹ

1.661.032

Đức

17.494

Nhật Bản

659.323

Châu Âu (trừ Đức)

9.961

Liên xô cũ

459.026

Đông Nam Á

47.775

Nam Mỹ

84.963

Châu Phi

1.171

Nguồn: Lee Kwang-kyu, overseas Koreans, Jimoondang Publishing Company 2000,p.3

 

 

Ngoài ra, còn có 340 người ở Trung Đông và 290.228 người ở các quốc gia khác trong vùng được hưởng quyền cư trú tạm thời. Như vậy, tổng số là 5.228.573 người. Một tài liệu khác lại cho rằng, hiện có 5,5 triệu người Hàn sống ngoài phạm vi Bán đảo Hàn,  và chỉ tính riêng số lượng người Hàn sinh sống ở một số nước lớn và vùng lãnh thổ (Mỹ: 2.057.456 người; Trung Quốc: 2.043.578 người; Nhật Bản: 660.214 người; Liên Xô cũ: 486.857 người; Canada: 110.000 người và Châu Mỹ La Tinh: 100.000 người) đã là 5.458.195 người, đó là chưa kể số người Hàn sinh sống ở Châu Âu, Đông Nam Á, Châu Phi, v.v…(1).Như vậy, số người Hàn ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Xô cũ chiếm tới 93% lượng người Hàn ở nước ngoài.

Ở Trung Quốc, người Hàn được xem như một trong số 56 nhóm tộc người của quốc gia này. Người Hàn  cư trú tập trung ở vùng đông bắc Trung Quốc, đặc biệt khu tự trị Yanbian  thuộc tỉnh Cát Lâm với số lượng 854.000 người vào năm 1997.

Ở nước Mỹ, cộng đồng người Hàn sống tập trung ở các thành phố lớn như: New York, Los Angeles, Canifornia, Chicago, Houston, Texas.

Ở Liên Xô cũ có trên 45 vạn người Hàn sinh sống, chủ yếu ở các nước cộng hòa Trung Á. Ngoài ra, họ còn cư trú khá tập trung ở phía nam nước Nga ( xung quanh vùng Vongograd), Kavkaz và phía nam Ukraine. Ngoài ra, người Hàn còn cư trú rải rác ở vùng Viễn Đông và  Sakhalin.

Ở Nhật Bản, người Hàn sống chủ yếu ở các thành phố lớn như: Tokyo, Osaka, Kawasaki, Kyoto với số lượng 528.904 người, chiếm 40,4% số người nước ngoài sinh sống trên đất Nhật Bản và 75% trong số họ là người Hàn -Nhật Bản (kết quả của những cuộc hôn nhân hỗn hợp) và được sinh ra ở Nhật Bản.Tuy vậy, phần lớn trong số họ vẫn được xem như người nước ngoài cư trú hợp pháp trên đất Nhật Bản.

Những đợt di cư của người Hàn ra ngoài Bán đảo Hàn được sử sách Nga ghi nhận vào những năm 1860. Từ đó đến nay đã gần 150 năm trôi qua, lịch sử di dân ra nước ngoài của người Hàn đã trải qua nhiều giai đoạn với những hướng di cư khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau với nhiều loại hình di cư không giống nhau. Theo một số nhà nghiên cứu, có thể chia lịch sử di cư của người Hàn ra 5 giai đoạn: Giai đoạn sớm nhất, đó là những đợt di cư của những người nông dân sang các nước láng giềng như Nga và Trung Quốc. Làn sóng di cư thứ hai, đó là làn sóng di cư của những người sang các nước khác (chủ yếu là Nga và Trung Quốc) tìm đường cứu nước. Còn giai đoạn di cư thứ ba được gọi là di cư của những người lao động sang Nhật Bản (thời kỳ Bán đảo Hàn là thuộc địa của Nhật Bản 1910-1945). Giai đoạn di cư thứ tư là làn sóng di cư sang các nước ở Tây bán cầu và làn sóng di cư thứ năm là sang những quốc gia khác do mở rộng buôn bán, đầu tư,v.v…trong đó có Úc và Niu Di Lân những năm gần đây.

1. Giai đoạn di cư sớm nhất (1860-1905)

Những đợt di cư sớm nhất bắt đầu từ những năm 1860 và kéo dài cho đến tận những năm sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bằng những đợt lên phía bắc sang các nước Nga và Trung Quốc.

a.Làn sóng di cư sang Nga

Đường biên giới phía bắc Bán đảo Hàn phần lớn giáp Trung Quốc là vùng núi cao và phần nhỏ giáp Nga, là vùng bờ biển. Suốt triều đại Thanh của Trung Quốc, nhà cầm không cho bất kỳ nhóm tộc người nào được định cư dọc theo biên giới phía bắc. Do đó, những đợt di cư sớm nhất của người Hàn đã hướng vào lãnh thổ nước Nga.

Trước khi có những đợt di cư thường xuyên, thỉnh thoảng cũng có một số người vượt qua đường biên mà khi đó chưa được xác định rõ ràng. Những người Hàn đánh cá ở vùng bờ biển duyên hải sang vùng bờ biển của Nga để làm ăn. Đôi khi họ ở lại một thời gian. Về sau, vùng duyên hải này được người Nga gọi là Vladivostok, còn người Trung Quốc và người Hàn gọi là  Haesamui. Thời gian này, chính quyền phía Hàn cũng không cho phép người dân di cư, mặc dầu cho phép phát triển buôn bán dọc tuyến biên giới. Song, đối với người nông dân, việc qua lại đường biên lúc đó chưa được phân định rõ để canh tác là chuyện bình thường. Thường thì đầu vụ họ “vượt biên ” tìm đất canh tác. Sau khi thu hoạch xong, cuối vụ họ lại trở về nhà. Những ghi nhận đầu tiên trong sử Nga về người Hàn là 13 hộ người Hàn sống ở vùng Pojet thuộc vịnh Novukorut gần biên giới Nga - Hàn. Vào năm 1864, số hộ người Hàn ở đây đã lên đến 60, đến năm 1868 là 100 hộ, đến năm 1869 là 776 hộ. Theo số liệu thống kê, ở tỉnh duyên hải thuộc vùng Viễn Đông của Nga khi đó có 6.200 người sinh sống bao gồm người Nga, một số dân tộc khác và  trong số đó có 1.800 người Hàn, chiếm hơn một phần năm dân số của tỉnh này. Sở dĩ số lượng người Hàn tăng nhanh là do năm 1869 mất mùa liên tiếp, nạn đói diễn ra đã bắt buộc người Hàn di cư sang Nga cũng như sang Trung Quốc. Sử sách Nga ghi nhận được chỉ trong vòng từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1869 đã có gần 6.500 người Hàn di cư sang Nga.

Người Hàn không những tăng nhanh ở vùng duyên hải thuộc Viễn Đông của Nga mà còn xâm nhập lên vùng phía bắc. Nhiều làng nhỏ của những người nông dân Hàn mọc lên dọc theo sông Suipung như Kostantinovskij và  Bagoslovenoye dọc theo sông Ussuri gần thành phố lớn nhất vùng Viễn Đông của Nga hiện nay là Khabarovsk.

Lần đầu tiên một hiệp ước có liên quan chính thức đến kiều dân Hàn trên đất Nga, là Hiệp ước Nga-Hàn  được ký kết giữa đại sứ Nga Carl Waeber và phái đoàn Hàn do Kim Byong-dae dẫn đầu. Theo hiệp ước này kiều dân Hàn ở nước Nga được chia ra làm ba loại: những người Hàn được nhập quốc tịch Nga; những người được phép cư trú tạm thời và những người không được phép cư trú. Tuy nhiên, thực tế chỉ có hai loại người Hàn sống trên đất Nga, đó là “Wonho”những người được nhập quốc tịch Nga và “Yoho”, những người không được nhập quốc tịch Nga.

Những người Hàn nhập quốc tịch Nga, được chính quyền địa phương trao cho đất đai canh tác, còn những người Hàn không được phép nhập quốc tịch Nga thì không có quyền này. Những người nông dân-tá điền Hàn hàng năm không những phải nộp thuế ruộng đất mà còn một số thuế khác như: thuế hộ gia đình, thuế do không cho con cái đến trường, thuế do không đi nhà thờ,v.v…Một trong những tiêu chí  quan trọng để được nhập quốc tịch Nga là phải đi nhà thờ cầu kinh và xưng tội. Nếu vậy thì phải học tiếng Nga. Đây là điều kiện hết sức khó khăn cho những người nông dân Hàn mù chữ.

Theo số liệu thống kê trên, từ năm 1882 trở về trước, ở vùng này người Hàn đông hơn người Nga, còn sau đó thì ngược lại, đặc biệt là sau khi Nga xây dựng xong (năm 1900) tuyến đường sắt xuyên Xibêri thì dân Nga tăng đột biến dọc theo tuyến đường sắt này và vùng Viễn Đông và nam Xibêri. Số lượng cụ thể như sau:

- Năm 1882, vùng Viễn Đông của Nga có 92.708 người bao gồm nhiều dân tộc, trong đó có 8.385 người Nga.

- Năm 1892, vùng Viễn Đông của Nga có 147.517 người bao gồm nhiều dân tộc, trong đó có 57.000 người Nga và 12.940 người Hàn Wonko, 3.642 người Hàn Yoko.

- Năm 1908, vùng Viễn  Đông của Nga có 525.353 người, trong đó có 383.083 người Nga và 16.190 người Hàn Wonko, 29.207 người Hàn Yoko (2).

b. Làn sóng di cư sang Trung Quốc

Sông Yhalu và sông Tumen là đường biên với Trung Quốc dễ dàng vượt qua. Đất hoang dọc theo hai con sông này dưới triều đại Thanh cấm người dân khai phá cho mãi đến tận năm 1860. Tương tự như với biên giới với nước Nga, người nông dân, ban ngày vượt biên sang canh tác, chiều tối lại trở về nhà, lâu dần sang định cư hẳn. Năm 1883 ở tỉnh Cát Lâm, nhà cầm quyền phía Trung Quốc đưa ra  chính sách khuyến khích việc buôn bán, thông thương giữa hai bên và cho thành lập ba trung tâm buôn  bán gần  biên giới ở phía bắc sông Tumen với chiều dài 350 km, rộng 25km và cho phép người Hàn đến khai phá đất canh tác trong phạm vi đó.

Người Hàn ở Trung Quốc chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước gần Yonkil và lưu vực sông Haran. Năm 1907, có trên 50.000 người Hàn cư trú ở Yonbyon. Vào thời gian trên, người Trung Quốc mới chỉ chiếm ¼  dân số so với người Hàn sinh sống ở vùng này. Người Hàn, theo luật pháp không có đất đai, phải làm tá điền hoặc nhận đất và nộp tô thuế cho người Trung Quốc đến 30%-40% mùa màng thu hoạch. Ngoài ra, họ cũng còn phải nộp một số loại thuế khác như: thuế thân, thuế nước, thuế muối,v.v…Người tá điền Hàn còn phải làm những việc sai bảo trong nhà chủ, đi lấy củi, sữa chữa nhà cửa, cắt cỏ cho gia súc... Thậm chí, người Hàn còn phải ăn mặc quần áo, học tiếng Trung Quốc,để đầu tóc theo kiểu Trung Quốc.

Tóm lại, những đợt di cư sớm nhất của người Hàn sang vùng đất Viễn Đông của Nga và vùng đất phía bắc Trung Quốc là những đợt di cư của những nông dân.

c. Di cư đến  Hawaii

Lần đầu, chính thức được phép đưa người từ Bán đảo Hàn sang Hawaii, chính quyền  thành lập trụ sở di dân theo lời khuyên của Bộ trưởng Mỹ ở Seoul khi đó. Sau chuyến đi thăm của người đứng đầu hiệp hội mía đường Hawai đến Bán đảo Hàn, một công ty tuyển chọn người di cư, công ty phát triển Đông-Tây đã được thành lập tại Inchon nhằm tuyển người đến Hawaii cho các đồn điền trồng mía. Ngày 13 tháng giêng năm 1903, 93 người Hàn đã đặt chân lên Hawaii. Công việc tuyển người tiếp tục cho đến năm 1905 thì chấm dứt do Nhật Bản cấm người Hàn không được di cư sang các nước khác, lúc này đã có 65 chuyến tàu chuyên chở được tất cả 7.226 người sang Hawaii. Cũng trong thời gian trên, có một chuyến tàu chở 1.033 người gồm 802 nam và 231 nữ  rời vịnh Chemulpo đến Mexico.

Trong số những người Hàn di cư sang Hawaii, nông dân chỉ chiếm 1/7, còn lại là công nhân, thợ mỏ, sinh viên, binh lính, công chức nhà nước cấp thấp. Những người lao động làm trong các đồn điền được ở trong các nhà dài. Mỗi một tộc người sống trong một ngôi nhà. Phòng riêng trong ngôi nhà chỉ dành cho các cặp vợ chồng. Họ phải làm việc từ sáng sớm cho đến tối mịt dưới sự kiểm soát của cai đội không khác gì nô lệ. Hoạt động xã hội của những người di cư bị ngăn cấm chủ yếu về mặt tôn giáo. Những người di cư được gắn chặt với nhà thờ khi họ đặt chân đến Hawaii. Như đã đề cập, những người di cư sang Hawaii chủ yếu là nam, do vậy, việc lấy vợ lấy chồng cũng có những khó khăn, buộc những người đàn ông phải trao đổi thư từ, ảnh với những người trong nước để kén vợ. Nhiều phụ nữ  Hàn đã đến Hawaii. Tính đến năm 1924, đã có  1.066 phụ nữ đến Hawaii.

Có những thay đổi lớn về việc làm đối với người Hàn sau làn sóng di cư của những phụ nữ Hàn đến Mỹ. Nếu như trước kia, họ chủ yếu làm trong các đồn điền, thì nay, họ đã tìm kiếm những công việc mới đỡ vất vả hơn làm trong các đồn điền, như: nghề thợ may, bán hàng tạp hóa, cho vay lấy lãi, quản lý khách sạn, đóng giầy,v.v….

Nhóm người Hàn khác đến Mỹ cũng trong thời gian trên là sinh viên. Từ năm 1899 đến năm 1940 có tất cả 891 người,  được chia ra làm hai loại: loại đến bất hợp pháp và loại đến Mỹ mang hộ chiếu Nhật Bản.

2. Những làn sóng di cư yêu nước giai đoạn 1905-1920.

Sở dĩ gọi những làm sóng di cư của những người ra khỏi Bán đảo Hàn thời gian này là di cư yêu nước bởi đất nước họ đang bị Nhật Bản thống trị. Cuộc chiến Nga-Nhật càng làm cho dân Hàn cực khổ. Những làn sóng người Hàn sang Nga, Trung Quốc nhằm thành lập những tổ chức cứu nước.

a. Người Hàn ở nước Nga

Những người Hàn tiên phong ở Nga đã hoạt động tích cực chống lại sự chiếm đóng của người Nhật Bản trên Bán đảo Hàn. Họ đã lập ra những trường học, những tổ chức thanh niên, luyện tập quân sự, thành lập những đội du kích, tham gia vào nhiều trận đánh trong cuộc chiến tranh Nga –Nhật (1905-1907). Bị thất bại trong cuộc chiến này, Nhật Bản ép Nga ban bố luật chống người Hàn. Theo đó, đất đai của người nông dân Hàn đang canh tác bị tịch thu, còn công nhân thì bị đuổi  ra khỏi những nhà máy.

Năm 1917, cuộc cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra ở St. Perterburg. Nước Nga rơi vào thế bị bao vây. Ở vùng Viễn Đông, có bốn thế lực chính, đó là: quân Anh, Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Đội quân này đã bị hồng quân Liên Xô đánh tan. Phong trào đòi Bán đảo Hàn độc lập được dấy lên, lần đầu được biết đến ở Nga là cuộc diễu hành của kiều dân Hàn ở Korea Town, Shinhanchon (Novaia koreiskaja Slobodka) ở Vladivostok ngày 17 tháng 3. Shinhanchon trở thành trung tâm của các phong trào yêu nước của người Hàn sống ở nước Nga. Năm 1920, quân đội Nhật Bản đã phá hủy Shihanchon.

Sau năm 1922, hòa bình trở lại với vùng Viễn Đông của Nga. Tuy vậy, những khu vực quanh đó không hề yên tĩnh. Năm 1932, Manchukuo được thành lập ở vùng đông bắc Trung Quốc. Năm 1937, Nhật Bản bắt đầu tấn công Trung Quốc. Cũng trong thời gian trên, Nhật Bản tuyên bố Liên Xô là là nước thù địch nhau. Để  củng cố an ninh, chuẩn bị đối phó với quân đội Nhật Bản, chính quyền Liên Xô hồi đó đã ra lệnh di dân Hàn sinh sống tại vùng Viễn Đông của Nga đến các nước cộng hòa Trung Á.

b. Người Hàn ở Trung Quốc

Tương tự như ở nước Nga, những người Hàn di cư sang Trung Quốc thời gian này chủ yếu tập hợp những người Hàn yêu nước chống lại sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản. Nhiều trường học được thành lập nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ như trường Sojon yuisuk, trường Chungdong , Kwangsung , Kilsin , v.v…ở Mãn Châu. Hai học quân sự cũng được thành lập. Rất nhiều giáo viên của các trường học, học viện quân sự là những người chỉ huy phong trào du kích chống Nhật sau này. Đến năm 1910, đã có 72 trường học được thành lập và đến năm 1926, con số này là 191.

Để bành trướng thế lực của mình ở Mãn Châu, Nhật Bản đồng ý ký kết” hiệp định Kando” với Trung Quốc. Theo đó, đường biên giữa Trung Quốc và Bán đảo Hàn được xác định rõ dọc theo sông Tumen. Nhật Bản cũng được phía Trung Quốc chấp thuận xây dựng tuyến đường sắt giữa Cát Lâm và Hoerong nằm trên lãnh thổ Hàn.

Năm 1909 là một năm quan trọng đối với những người Hàn sống ở Trung Quốc lẫn ở Nga. An Chung-kun, người đứng đầu phong trào đòi độc lập cho Bán đảo Hàn ở Vladivostok đã ám sát Thủ tướng Nhật Bản Ito Hirobumi ở ga xe lửa Halbin, trên đường sang gặp phái đoàn Nga.

Năm 1911, Tôn Dật Tiên tuyên bố thành lập nước cộng hòa ở Nam Kinh và Trung Quốc rơi vào tình trạng rất hỗn loạn, đặc biệt là vùng đông bắc và vùng Mãn Châu. Triều đại Thanh ở Bắc Kinh đã yêu cầu sự giúp đỡ của quân đội Nhật Bản. Lợi dụng việc này, Nhật Bản đã đưa ra “8 điều kiện”đối với Trung Quốc, trong đó có điều kiện quan trọng là tách vùng Mãn Châu ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc và Nhật Bản ngay lập tức đã gửi 10 sư đoàn đến Mãn Châu trợ giúp Phổ Nghi, vị  hoàng đế cuối cùng của triều đại Thanh chống lại lực lượng cộng hòa. Năm 1914, Nhật Bản tuyên chiến với Đức. Đối với Trung Quốc, Nhật Bản đã ép tổng thống Won She-kye phải ký kết “hiệp ước về vùng nam Mãn Châu và vùng nội Mông”được gọi tắt là “Hiệp ước Manmong”, theo đó, Nhật Bản có toàn quyền trên vùng đất này.

Nhiều phong trào yêu nước của người Trung Quốc có người Hàn tham gia đã nổ ra trong thời gian này. Năm 1919, đại diện cho 13 tỉnh trên Bán đảo Hàn và đại diện cho những người Hàn sống lưu vong tại Nga đã nhóm họp tại Thượng Hải thành lập Chính phủ lâm thời. Nhiều đơn vị du kích của người Hàn được thành lập trên đất Trung Quốc sau này trở thành đội quân hùng mạnh chống Nhật như đơn vị du kích Wangchung mà người chỉ huy của nó là Yang Sung-ryon và chính uỷ Kim Nhật Thành sau này trở thành người đứng đầu của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Hiện nay, những người Hàn sống trên đất Trung Quốc được xem như một trong những nhóm dân tộc thiểu số của đất nước này và đứng thứ 14 trong số các nhóm tộc người với khoảng gần 2 triệu người.

Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc năm 1995, có tất cả 1.940.000 người Hàn ở Trung Quốc, sinh sống chủ yếu ở các địa phương sau:

 

 

Người Hàn  ở Trung Quốc

Đơn vị: người

Địa phương

Số lượng

Địa phương

Số lượng

Bắc Kinh

11.848

Hắc Long Giang

452.633

Hà Bắc

6.250

Cát Lâm

1.182.714

Sơn Đông

5.963

Diên Biên

821.479

Thượng Hải

1.334

Liêu Ninh

231.462

Nội Mông

22.641

Những nơi khác

25.563

Nguồn: Lee Kwang-kyu, sđd, tr.45.

 

 

Theo điều tra dân số năm 1990 cho thấy, ngoài những điạ phương nêu trên còn có những nơi khác có người Hàn sinh sống, như:

Có nơi người Hàn sống tập trung như quận Yonbyon, một quận tự trị của người Hàn thuộc tỉnh Cát Lâm. Dân số của Yonbyon là 2.036.000 người, trong đó người Trung Quốc chiếm 57%, người Hàn chiếm 41%, 2% là người Mãn Châu, 1% là người Mông Cổ .

Người Hàn ở Trung Quốc chủ yếu canh tác lúa nước. Họ sống quần tụ thành từng làng riêng. Do vậy, họ vẫn bảo lưu được những nét văn hóa tộc người. Ở một số nơi, sống cùng một làng với người Trung Quốc hoặc với người Mãn Châu, song, gianh giới tộc người trong làng vẫn được phân định rõ. Họ không hề pha trộn vào nhau về dòng máu, ngôn ngữ, văn hóa vật chất,v.v…ngoại trừ phải tiếp xúc với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, chính sách dân tộc đối với các nhóm dân tộc thiểu số của Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho người Hàn gìn giữ văn hóa truyền thống của mình.

3. Di cư lao động sang Nhật Bản (1910-1945)

Di cư của người Hàn sang Nhật Bản thời gian này có thể chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu từ những năm Nhật chiếm đóng Bán đảo Hàn cho đến năm 1937. Đặc trưng cho những luồng di cư của người Hàn sang Nhật lúc này mang tính tự do, tự nguyện, chủ yếu tìm kiếm việc làm. Giai đoạn hai từ năm 1937 đến năm 1945, di cư của người Hàn sang Nhật mang tính cưỡng bức phục vụ trong quân đội, các nhà máy quốc phòng.

Suốt 36 năm chiếm đóng Bán đảo Hàn và sát nhập bán đảo này vào lãnh thổ Nhật Bản (1910-1945), người Hàn được phép sang Nhật tìm kiếm việc làm do thời gian này Nhật Bản rất thiếu lao động nhất là đối với ngành công nghiệp cần nhiều lao động như: công nghiệp dệt may, da giày, xây dựng và sau này kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh như: công nghiệp đóng tàu, hóa học, luyện kim, chế tạo máy, v.v… nên nhiều công ty Nhật Bản đã sang Hàn tuyển người làm. Trong thời gian từ  năm 1912 đến năm 1923 số lượng người Hàn di cư sang vùng Mãn Châu và Nhật Bản như sau:

 

 

Người Hàn di cư sang Mãn Châu và Nhật Bản từ năm 1912-1923

Đơn vị: người

Năm

Mãn Châu

Nhật Bản

Tổng số

Năm

Mãn Châu

Nhật Bản

Tổng số

1912

49.771

644

50.415

1918

36.627

17.910

54.538

1913

18.598

781

19.379

1919

44.344

20.968

65.312

1914

10.631

224

10.855

1920

22.200

27.497

49.687

1915

13.381

870

14.251

1921

13.153

38.118

51.271

1916

13.493

2.179

15.672

1922

9.958

70.462

80.420

1917

18.911

14.012

32.923

1923

7.518

97.395

104.913

Nguồn: Lee Kwang-kyu, sđd, tr.22.

 

Năm 1937 Chiến tranh Trung-Nhật nổ ra, tiếp sau là cuộc chiến tranh Thái Bình Dương  năm 1939. Nhật Bản đã ban hành lệnh tổng động viên trong toàn quốc(The National Total Mobility Act) có hiệu lực năm 1938. Theo đó, nhiều người Hàn phải phục vụ trong quân đội, làm trong các xí nghiệp quốc phòng, nhiều thiếu nữ Hàn tuổi từ 17 đến 20  phải làm đồ mua vui cho quân đội Nhật. Theo thống kê, từ năm 1939 đến năm 1945 có khoảng 200.000 cô gái như vậy bị cưỡng ép làm trong các công ty như: Công ty phục vụ tình nguyện (Voluntary Service Corps),sau này được đổi tên là những công ty  giải trí cho binh lính  (Women Entertainer Corps).Cũng trong thời gian trên, 265.000 người đã được huy động phục vụ trong quân đội. Trong suốt thời gian chiến tranh, có 150.000 người phục vụ trong quân đội đã chết và 64.000 người đã chết trong các hầm mỏ và các nhà máy quốc phòng. Đến khi kết thúc chiến tranh năm 1945 có khoảng 2 triệu người Hàn trên đất Nhật Bản. Lúc này Bán đảo Hàn được chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau và thái độ của những  người dân Hàn sống ở Nhật Bản cũng không giống nhau đối với lời kêu gọi hồi hương. Một số người Hàn trở về Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, số khác trở về Hàn Quốc. Đến cuối năm 1946 chỉ còn ít nhất là 600.000 người Hàn ở Nhật Bản.

Theo thống kê của Chính Phủ Hàn Quốc, có 696.811 người Hàn ở Nhật Bản năm 1993. Họ sống tập trung ở những tỉnh sau:

 

 

Địa phương

Số lượng/người

Địa phương

Số lượng người

Sapporo

6.344

Nagoya

77.152

Shendai

10.954

Kobe

83.653

Nicata

12.385

Osaka

249.255

Tokyo

149.001

Shimonoseki

33.935

Yokohama

39.550

Fukuoka

34.582

 

 

Cũng theo một thống kê khác của Chính phủ Hàn Quốc năm 1993, ngoài con số trên còn có 32.776 người được quyền cư trú tạm thời

4. Di cư tự do sang Tây bán cầu ( 1965-1975)

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, rất nhiều người Hàn phiêu bạt khắp nơi trở về quê hương, đặc biệt là từ vùng Mãn Châu hoặc các mặt trận mà người Hàn đi lính cho quân đội Nhật Bản.

Những năm 1960 là giai đọan quan trọng trong lịch sử di dân của người Hàn. Những làn sóng di dân mới nối tiếp nhau rời khỏi Bán đảo Hàn đến những miền đất xa xôi phía tây bán cầu như bắc Mỹ, nam Mỹ và Châu Âu. Đặc trưng của những đợt di cư giai đoạn này là mang tính tự phát và có thể được chia ra làm ba hướng: một hướng sang bắc Mỹ và Canada, một hướng khác sang các nước nam Mỹ, hướng thứ ba sang nước Đức và các nước Châu Âu.

a. Di cư sang Mỹ

Đúng ra, những đợt di cư lẻ tẻ của người Hàn sang Mỹ bắt đầu từ những năm 1950 khi cuộc chiến tranh nổ ra,  Mỹ đã có số quân lớn ở Hàn Quốc. Nhiều lính Mỹ đã lấy vợ là người Hàn. Theo bộ luật cô dâu thời chiến (War Brides Act hay còn được gọi là G.I Fiance Act), 10 cô dâu người Hàn được theo chồng về Mỹ vào năm 1950. Do số lượng các cuộc hôn nhân giữa cô dâu là người Hàn và người Mỹ ngày càng tăng, đạo luật McCarran-Walter cho phép 100.000 phụ nữ được nhập cư vào Mỹ trong năm 1952. Ngoài ra, trên 500 phụ nữ Hàn Quốc cũng được nhập cư vào Mỹ năm 1965.

Một dạng di cư khác sang Mỹ là sự bùng nổ việc nhận con nuôi suốt trong Chiến tranh Triều Tiên và những năm sau đó. Một công ty chuyên tìm kiếm con nuôi cho các gia đình Mỹ (Holt Adoption Agency) đã được thành lập ở Mỹ năm 1955. Đến năm 1965, tức là sau 10 năm đã có vài ngàn trẻ em lai Mỹ- Hàn và trên 50 ngàn  trẻ em  người Hàn đã được các gia đình Mỹ nhận làm con nuôi. Việc các gia đình Mỹ nhận trẻ em người Hàn làm con nuôi vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay, tính đến hết năm 1996, đã có 176.000 trẻ em  được nhận làm con nuôi ở Mỹ.

Nhóm người thứ ba sang Mỹ thời gian từ trước năm 1965, phần lớn là sinh viên. Tính đến năm 1964 đã có 6.368 sinh viên là người Hàn Quốc theo học các trường đại học tại Mỹ.

Bước ngoặt  trong lịch sử di cư của người Hàn sang Mỹ là sự ra đời đạo luật Hart-Cellar ( Hart-Cellar Act) vào năm 1965. Luật này đã đưa ra chỉ tiêu số lượng người các nước Châu Á được nhập cư vào Mỹ. Theo đó, mỗi năm Hàn Quốc được 20.000 người nhập cư. Tuy vậy, số người Hàn hàng năm nhập cư vào Mỹ luôn cao hơn chỉ tiêu Mỹ cho phép. Luật mới đối với người nhập cư ra đời năm 1976, theo đó, cho phép tăng số người nhập cư vào Mỹ lên 30.000 người mỗi năm. Thực tế, số lượng người Hàn di cư sang Mỹ luôn cao hơn chỉ tiêu Mỹ chính thức cho phép hàng năm bởi vì còn nhiều người đến Mỹ do các công ty Mỹ mời những người đi theo con đường không chính thức. Nhiều người Hàn tới Mỹ lại tiếp tục di cư sang Canada.

So với làn sóng di cư của người Hàn sang Trung Quốc, Nga, Nhật Bản những giai đoạn trước, những người Hàn di cư sang Mỹ hoàn toàn tự nguyện theo ý mình. Họ đều là những người có trình độ tay nghề và học vấn cao. Chính vì vậy, dòng người thường xuyên di cư sang Mỹ và Canada một cách tự nguyện như thế còn được gọi là sự di cư của tầng lớp tinh hoa của xã hội Hàn Quốc.

b.Di cư sang các nước nam Mỹ

Sự di cư theo  thỏa thuận, hoặc là sự di cư theo kế hoạch giữa Chính phủ Hàn Quốc với các nước nam Mỹ đã được thực hiện từ những năm 1960. Tuy vậy, trước đó, vào năm 1905, Hàn Quốc đã ký thỏa thuận gửi 802 lao động nam và 231  lao động nữ  đến Mexico làm việc trong các đồn điền.

Những năm 1920, thời gian này có những đợt di dân lớn của người Nhật Bản đến Brazil và Argentina, trong đó, có nhiều người Hàn Quốc. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng có nhiều lính Hàn Quốc  phản chiến, tù nhân chọn đất nam Mỹ để trốn chạy.

Năm 1962, chính quyền Brazil cho phép 116 hộ người Hàn định cư  và sau đó là nhiều gia đình đến làm tại các trang trại ở ngoại ô Sao Paulo.

Đợt di cư thứ hai sang Brazil xảy ra năm 1964 với 300 người với mục đích lập nông trại. Đợt di cư thứ ba với 45 hộ gia đình người Hàn vào năm 1965 cũng với mục đích như vậy  và sau đó là hai đợt di cư tương tự, nhưng đều thất bại vì nơi đến có nhiều thú dữ. Đợt di cư thứ năm do hội Catholic quốc tế tài trợ đã thành công trong việc lập trang trại.

Trong khi đó, làn sóng di cư khác của người Hàn đến Argentina xảy ra vào năm 1985 được gọi là di cư do làn sóng đầu tư của người Hàn Quốc vào đất nước này. Theo đó, người Hàn Quốc được quyền định cư sinh sống, làm việc ở nước sở tại`khi có dự án đầu tư.  Người Hàn Quốc đã thành lập nhiều công ty như: Khai thác mỏ, công nghiệp đánh và chế biến cá, hàng loạt nhà máy, ngân hàng, v.v…và người Hàn nối tiếp những dự án đầu tư trên đến định cư ở Argentina và sau đó là các nước châu Mỹ La tinh khác. Riêng năm 1985, Chính phủ Hàn Quốc đã ký kết hiệp định đầu tư với Chính phủ Argentina, theo đó có 723 hộ gia đình người Hàn sang Argentina sinh sống. Con số này năm 1986 là 1.159 hộ gia đình và năm 1987 là 1.500.

Người Hàn đến Brazil, Argentina sau đó sang các nước Châu Mỹ la tinh khác. Theo số liệu thống kê năm 1995 của Chính phủ Hàn Quốc, số người Hàn ở nam Mỹ như sau:


Người Hàn  ở một số nước Mỹ La tinh

Đơn vị: người

Tên nước

Số lượng

Tên nước

Số lượng

Brazil

38.131

Peru

1.077

Argentina

32.387

Mexico

600

Paraguay

9.231

Ecuador

600

Chile

1.346

Bolivia

600

Nguồn: Lee Kwang-kyu, TL đã dẫn, tr.94.

 


c.Di cư lao động sang Đức và các nước Châu Âu

Dưới tên gọi hợp tác kỹ thuật khai thác mỏ giữa Chính phủ Hàn Quốc và Chính Phủ Cộng hòa Liên bang Đức đã đi đến thỏa thuận được ký kết năm 1963, trong vòng 4 năm ( 1963-1967) có 247 người Hàn Quốc đến Tây Đức.Thỏa thuận này được kéo dài đến năm 1977. Trong khoảng thời gian trên có tất cả 8.395 người đã đến Tây Đức. Hầu hết những người đến Đức với tư cách là những thợ mỏ, song chưa bao giờ là thợ mỏ ở Hàn Quốc. Phần lớn trong số họ là những người có học vấn và sau thời hạn hợp đồng họ ở lại Đức.

Song song với làn sóng thợ mỏ là làn sóng di cư của những y tá trẻ người Hàn Quốc. Nước Đức thời gian trên rất thiếu y tá trong các bệnh viện bởi vì người Đức không muốn làm công việc mà họ cho là nặng nhọc và bẩn thỉu. Theo hợp đồng chính thức được ký kết giữa công ty phát triển Hải ngoại Hàn Quốc và Hiệp hội các bệnh viện Đức thì những y tá người Hàn Quốc được thường xuyên sang Đức làm việc. Năm 1965 có 18 nữ y tá người Hàn Quốc đến Đức. Đến năm 1977, con số này lên đến 10.371 người. Cũng như những thợ mỏ, sau hợp đồng 3 năm tuyệt đại bộ phận trong số họ lấy chồng người Đức, một số khác lấy thợ mỏ người Hàn Quốc làm tại Đức, sinh viên người Hàn Quốc học tập ở đó, hình thành nên nhóm dân Hàn Quốc sinh sống tại Đức.

Từ những năm 1960 đến những năm 1990, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh, cùng với đó là những tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc ra đời như: Hunđai, Sam sung, .LG, v.v…đã có những chi nhánh khắp nơi trên thế giới trong đó có các nước châu Âu và cùng với đó là sự hiển diện của người Hàn Quốc.Theo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc năm 1995, số người Hàn Quốc ở Châu Âu là 66.096 người, trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người Hàn Quốc sinh sống đông nhất là:

 

 

Người Hàn ở một số nước Châu Âu

Đơn vị: người

Quốc gia

Số lượng

Quốc gia

Số lượng

Anh

9.091

Thụy Điển

914

Pháp

9.584

Đức

29,202

Tây Ban Nha

6.784

Áo

1.423

Italy

4.549

Thụy Sĩ

921

Nguồn: Lee Kwang-kyu, TL đã dẫn, tr.99.

 

 

Khác với những người di cư sang bắc Mỹ và các nước Mỹ La tinh là những chuỗi di cư nối tiếp liên tục nhiều năm, còn dòng người Hàn Quốc sang Đức chấm dứt sau những hợp đồng lao động và do đó, những người Hàn Quốc ở Đức hiện nay đều có nguồn gốc từ những hợp đồng lao động được ký kết giữa Hàn Quốc và Đức.

5. Di cư thời gian gần đây ( sau năm 1975)

a. Sang Mỹ

Mặc dầu mỗi năm nhận được hơn 30 ngàn chỉ tiêu được Mỹ cho phép di cư vào Mỹ, song trên thực tế con số người Hàn Quốc vào Mỹ luôn nhiều hơn. Thời gian này xuất hiện nhiều loại nhập cư của người Hàn Quốc vào Mỹ như: Nhập cư vào Mỹ và Canada qua các nước khác, rồi từ đó vào Mỹ hoặc đầu tư vào Mỹ để được đến đó làm việc, sau đó xin ở lại, sinh viên học tại Mỹ rồi tìm cách ở lại,v.v…Hình thức di cư do đầu tư vào nước sở tại khá thịnh hành cùng với sự lớn mạnh của các công ty xuyên quốc gia của Hàn Quốc sang nhiều nước trên thế giới.

Một loại di cư hiện nay khá thịnh hành, người Hàn Quốc gọi là “di cư bằng máy bay”. Đó là những người muốn ở lại Mỹ với hộ chiếu du lịch và sau đó tìm cách thay đổi visa hoặc đối với những người “gian lận hôn nhân” lấy người Mỹ với mục đích được ở lại Mỹ.

b. Sang Đông Nam Á

Một loại di cư mới xuất hiện sau năm 1975, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Có đến vài ngàn lính Hàn đánh thuê cho Mỹ ở Nam Việt Nam. Sau chiến tranh số binh lính này một phần hồi hương, số còn lại dạt sang các nước khác ở Đông Nam Á, Úc và thậm chí cả Niu Di Lân. Nhìn chung, những người Hàn di cư sang các nước Đông nam Á thời kỳ này để kinh doanh những “nghề mới” như lập các đại lý về du lịch, mở các cửa hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng ăn, v.v…Do trào lưu đua nhau đến các nước Đông Nam Á mở các loại dịch vụ trên, người Hàn Quốc gọi đó là những đợt “di cư vì công việc .làm ăn”.  Mặt khác, như trên đã phần nào đề cập,thời gian này nền kinh tế Hàn Quốc khá phát triển, nhiều công ty đã mở nhiều nhà máy, các chi nhánh làm ăn ở nước ngoài trong đó có các nước Đông Nam Á và Úc. Theo thống kê năm 1995, số người Hàn Quốc ở Châu Á, Úc, Châu Đại Dương là 86.711 người, trong đó, đông nhất ở các quốc gia sau:

 

 

Người Hàn Quốc ở một số quốc gia Đông Nam Á và Châu Úc

Đơn vị: người

Tên quốc gia

Số lượng

Tên quốc gia

Số lượng

Đài Loan

2.613

Malaysia

2.584

Hồng Kông

6.012

Singapore

3.768

Philippin

9.708

Indonesia

7.532

Thai Lan

5.564

Úc

36.973

Việt Nam

1.227

Niu Di lân

6.788

Sri Lanka

868

Myanmar

265

Nguồn: Lee Kwang-kyu, TL đã dẫn, tr.99

 

Vị thế của người Hàn Quốc ở những nơi họ sinh sống  không giống nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội của từng quốc gia.

Năm 1995, có 2613 người Hàn Quốc ở Đài Loan, được chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất gồm 1.029 người  nhận được quyền cư trú vĩnh viễn, nhóm thứ hai gồm1.584 người nhận được quyền cư trú tạm thời.Người Hàn Quốc ở Đài Loan chủ yếu là chủ các hiệu tạp hóa, chủ các nhà ăn và các doanh nghiệp nhỏ.Năm 1948, Hiệp hội những người Hàn Quốc tại Đài Loan được thành lập. Có hai trường học cho con cái người Hàn Quốc ở Đài Loan, một ở Đài Bắc, một ở Kaulung và một số nhà thờ.

Ở Hồng kông, người Hàn Quốc làm nhiều nghề khác nhau như buôn bán, chủ hiệu tạp hóa, công ty du lịch, chủ hiệu ăn, các chi nhánh của các công ty lớn.

Ở Thái Lan, năm 1995 có 5.564 người Hàn Quốc. Mặc dầu lịch sử di cư của họ sang Thái Lan cách đây chưa lâu, song được phân chia ra bốn thế hệ.Thế hệ đầu là những binh lính, nhân viên quân sự, đến Thái lan suốt trong những năm chiến tranh thế giới II. Thế hệ thứ hai là những kỹ sư đến Thái Lan vào những năm 1960 làm trong những căn cứ quân sự của Mỹ. Thế hệ thứ ba đến Thái Lan sau chiến tranh Việt Nam. Thế hệ thứ tư đến Thái Lan sau những năm 1980, khi đó chính phủ Hàn Quốc thực thi chính sách mở cửa cho du lịch và cho phép các công ty xây dựng các nhà máy xí nghiệp tại nước ngoài. Nhiều nhà máy, xí nghiệp Hàn Quốc được xây dựng tại Thái Lan. Tại Thái Lan, người Hàn Quốc sinh sống tập trung tại Bangkọk.

Ở Úc, cho mãi đến năm 1970 chỉ có số sinh viên không đáng kể người Hàn Quốc học tập ở đây. Đến năm 1973, khi Chính phủ Hàn Quốc thực thi chính sách mở cửa thì mới có số ít kỹ sư, giáo viên, phi công lái máy bay lên thẳng di cư sang Úc. Năm 1974, trên 500 người Hàn Quốc di cư sang Úc bằng hộ chiếu du lịch. Năm 1976, tất cả trong số họ được nhập cư và được phép mời cả gia đình sang Úc. Những năm sau đó, do quan hệ buôn bán, quan hệ đầu tư giữa Hàn Quốc và Úc ngày càng phát triển, số người Hàn Quốc tăng nhanh tại Úc những năm gần đây.


Người Hàn Quốc sống ở Úc qua các năm

Đơn vị: người

Năm

Số lượng

Năm

Số lượng

1971

468

1986

9.285

1976

1.460

1992

39.572

1981

4.514

1995

36.973

Nguồn: Lee Kwang-kyu, TL đã dẫn, tr.99

 

Ở Việt Nam, theo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc năm 1995 có 1.227 người. Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều lính Hàn Quốc đã cùng lính Mỹ tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Khi Việt Nam toàn thắng, hầu hết lính Hàn Quốc đã hồi hương. Sau này, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc được bình thường hóa, buôn bán, đầu tư…ngày một phát triển và số người Hàn Quốc ở Việt Nam cũng  gia tăng.

Trên đây là một số nét chính về quá trình di cư của người Hàn Quốc sang các quốc gia và các vùng lãnh thổ khác. Ngày nay, kinh tế Hàn Quốc phát triển và người Hàn cùng với các mối quan hệ kinh tế của họ mà có mặt khắp nơi. Mặt khác, cũng do kinh tế phát triển mà Hàn Quốc cần nhiều lao động, nhiều công nhân và những người lao động có tay nghề cao từ nước ngoài đã được thu hút đến Hàn Quốc, trong số đó có nhiều người Hàn sinh sống ở nước ngoài cũng trở về đất nước. Hiện tượng này tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

 

TRẦN MẠNH CÁT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lee Kwang-kyu, Overseas Koreans, Jimoondang Publishing Company 2000.

2.http://www.reference.com/   browse/wiki/koreans ngày 03/04/20006 .

-Koreans in the United States

-Koreans in the Former Soviet Union

-Koreans in the China

-Koreans in the Japan

3. Chang Seok Heung, Overseas Migration of Koreans in the Colonial Period and the Histricalty of Repatriation, Korea Journal/Winter 2004.

4. Koreans living Overseas,

http://www.country-data.com/cgi-bin/ qu ery/r-   12272.html, ngày 2/11/2005.

5. Jeannyong Lee, Ethic Korean Mỉgation in Northeast Asia, http:// www.rerence.com /browse/wiki/koreans. Ngày 03/04/2006.



(2) Số liệu  từ Lee Kwang-kyu, tài liệu đã dẫn, tr.8.

0thảo luận