Trang chủ

XU HƯỚNG TĂNG NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG THỜI KỲ SAU CHIẾN TRANH LẠNH

Đăng ngày: 10-05-2012, 10:08 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 7

Như chúng ta đã biết, ngân sách quốc phòng là một bộ phận của ngân sách Nhà nước được dành cho chi phí quân sự trong năm tài chính theo luật định. Ngân sách quốc phòng là lĩnh vực đặc biệt phản ánh mối quan hệ kinh tế - quân sự dưới dạng tiền tệ. Mỗi giai đoạn khác nhau, mỗi quốc gia khác nhau cũng có những biểu hiện khác nhau về nhận thức và nội dung kết cấu chi phí của ngân sách quốc phòng. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chủ yếu đề cập đến Tổng quan ngân sách quốc phòng thế giới sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Ngân sách quốc phòng tăng lên là xu thế có tính phổ biến

Chiến tranh Lạnh kết thúc được đánh dấu bằng sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và các nước XHCN Đông Âu. Mỹ đã trở thành siêu cường duy nhất, nắm bắt thời cơ điều chỉnh lớn chiến lược nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của mình; với tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh, lại sớm nắm bắt và vận dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mới (cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ 3), Mỹ đã dẫn đầu cuộc cách mạng quân sự mới, làm cho nền công nghiệp quân sự của Mỹ vượt qua "thời đại" cơ giới hoá, bước vào "thời đại" tin học hoá với đặc trưng nổi bật là loại hình chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Không chịu chấp nhận thế giới một cực, một siêu cường duy nhất là Mỹ, cuộc đấu tranh chiến lược diễn ra gay gắt giữa hai xu thế đơn cực và đa cực làm cho phần lớn các nước đều quan tâm đến điều chỉnh chiến lược và tăng ngân sách quốc phòng để cải thiện vị thế của mình trên trường quốc tế và khu vực.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hoà bình quốc tế Xtốc khôn (Thuỵ Điển) trong 10 năm thời Chiến tranh Lạnh (1989-1998) chi phí quân sự thế giới liên tục giảm (khoảng 30%), nhưng nay lại hình thành vòng tăng chi phí quân sự mới.

- Mỹ là nước đứng đầu thế giới về chi phí quân sự, chiếm hơn 30% chi phí quân sự thế giới, bằng tổng chi phí của 14 nước kế sau Mỹ. Ngân sách quốc phòng của Mỹ tăng dần qua các năm: năm 2000 là 304,4 tỷ USD; năm 2001 là 315,6 tỷ USD; năm 2002 là 318,0 tỷ USD; năm 2003 là 390,0 tỷ USD; năm 2004 là 471 tỷ USD; năm 2005 là 402 tỷ USD, năm 2006 là 439,0 tỷ USD, tăng 4,8% và năm 2007 dự báo là 609,0 tỷ USD.

- Nhật Bản là nước đứng thứ 2 thế giới về ngân sách quốc phòng. Chỉ tính trong 5 năm (2001-2005) chi phí quân sự đã lên tới 2.160 tỷ yên (tương đương 210 tỷ USD), bình quân Nhật Bản chi hơn 40 tỷ USD/ năm, bình quân tăng mỗi năm là 0,7% (năm 2003 là 42,8 tỷ USD, năm 2004 là 45,1 tỷ USD, năm 2005 là 44,5 tỷ USD)

- Anh là nước đứng thứ 3 thế giới về ngân sách quốc phòng (khoảng 34-38 tỷ USD), riêng năm 2004 tăng 24,9 tỷ bảng Anh (tương đương 37,6 tỷ USD).

Pháp là nước đứng hàng thứ 4 thế giới về ngân sách quốc phòng (khoảng 30 tỷ USD) mỗi năm, tăng 0,7% (tương đương 1 tỷ frăng)

Trung Quốc cũng chủ động tăng nhanh ngân sách quốc phòng, bình quân tăng 15%/ năm. Năm 2001 là 14 tỷ USD; năm 2002 là 16,3 tỷ USD; năm 2003 là 22,3 tỷ USD; năm 2004 là 25, 0 tỷ USD; năm 2005 là 29,5 tỷ USD, tăng 12,6%.

Cộng hoà Liên bang Nga ngân sách quốc phòng cũng tăng nhanh. Năm 2000 là 7,0 tỷ USD; năm 2001 là 8,9 tỷ USD; năm 2002 là 9,0 tỷ USD; năm 2003 là 10,8 tỷ USD. Chính phủ Nga cho biết trong 10 năm tới ngân sách quốc phòng sẽ tiếp tục tăng lên chiếm khoảng 5% GDP (năm 2003 là 4,94%; năm 2004 là 4,39%; năm 2005 là 2,78%).

Ấn Độ năm 2003 là 15,5 tỷ USD; năm 2004 là 19,6 tỷ USD; năm 2004 là 22,0 tỷ USD.

Hàn Quốc năm 2003 là 14,6 tỷ USD; năm 2004 là 16,3 tỷ USD; năm 2005 là 20,7 tỷ USD.

Riêng ngân sách quốc phòng của các nước Đông Nam Á từ năm 1997 đến năm 2001 lại có xu hướng giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế bắt đầu từ Thái Lan gây ra. Tuy nhiên, các năm gần đây lại có xu hướng tăng trở lại. Mianma là nước có tỷ lệ ngân sách quốc phòng cao nhất chiếm 1/3 ngân sách nhà nước; Singapore tỷ lệ này là 23%; các nước còn lại giữ mức khoảng 10%. Tỷ lệ ngân sách quốc phòng so với GDP cũng có sự khác nhau: Mianma khoảng 11%, Singapore khoảng 5%, Brunây khoảng 4,5%, các nước còn lại khoảng từ 1,5% đến 2,5%.

2. Sự thay đổi căn bản trong cơ cấu chi phí ngân sách quốc phòng

Ngân sách quốc phòng các nước không chỉ tăng lên về quy mô, mà còn thay đổi căn bản về cơ cấu và chất lượng, đó là:

a) Tỷ trọng chi phí quân sự so với ngân sách quốc phòng tăng cả tương đối và tuyệt đối.

Qua khảo cứu ngân sách quốc phòng các nước như Hoa Kỳ, Cộng hoà Liên bang Đức, Anh, Pháp, Ca na đa, Vương quốc Bỉ, Đan Mạch và Cộng hoà Liên bang Nga...  cho thấy ngân sách quốc phòng không phải toàn bộ mà chỉ là phần chủ yếu của chi phí quân sự, ngân sách quốc phòng của các nước nêu trên chiếm khoảng 70% đến 90% chi phí quân sự hàng năm. Tuy nhiên, tỷ trọng chi phí cho hoạt động quân sự chống khủng bố ở Chec-xnia của Nga và chiến tranh chống khủng bố sau ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ thì chi phí quân sự so với ngân sách quốc phòng còn lớn hơn nhiều. Năm 2006 Mỹ dự chi cho chống khủng bố là 147,8 tỷ USD, tăng 11tỷ USD so với năm 2005.

Như vậy, ở phần lớn các nước đều có các khoản chi cho hoạt động quân sự không nằm trong dự toán ngân sách quốc phòng hàng năm, khoản chi này Tổng thống được quyền quyết định chi phí phù hợp với nhu cầu phát sinh của tình hình quân sự trong nước và quốc tế, quốc hội chỉ thông qua khi quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Mỗi nước khác nhau các chi phí quân sự ngoài ngân sách quốc phòng cũng có sự kết cấu khác nhau: ở Anh đó là chi phi viện trợ quân sự cho nước ngoài; ở Bỉ đó là chi cho lương hưu trí của cựu chiến binh, cho công tác tuyển quân và cho hệ thống pháp chế quân sự; ở Canađa đó là chi cho bảo vệ bờ biển, hoạt động của lực lượng hiến binh Hoàng gia, cho hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng và chi cho viện trợ quân sự nước ngoài; ở Đan Mạch, đó là chi cho bồi thường quân nhân bị thương tật khi phục vụ tại ngũ, chi cho cơ quan gọi nhập ngũ và chi cho tiền lương hưu của cựu chiến binh; ở Đức, đó là chi cho những hoạt động mang tính chất quân sự nằm trong ngân sách của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và ngành nghiên cứu khoa học - công nghệ; ở Pháp, đó là chi cho viện trợ quân sự nước ngoài, cho chi phí dạy học quân sự ở các trường đại học, cao đẳng và một số chi phí phái sinh khác; Ngoài ra còn có những khoản chi gián tiếp cho quốc phòng như: lương hưu, trợ cấp cho cựu chiến binh, cho đổi mới công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu công nghệ lưỡng dụng...

b) Chi phí chủ yếu đầu tư cho nghiên cứu chế tạo và nâng cấp vũ khí, trang bị quân sự

Năm 2001, Mỹ đã sử dụng 60 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng cho việc mua sắm và đổi mới trang bị, tăng 30% so với năm 1998. Năm 2003, 2004 ngân sách quốc phòng của Mỹ tăng vọt để bù đắp lại những thiếu hụt trong cuộc chiến tranh với Irắc. Tổng thống Mỹ Bush đã tuyên bố cái mới trong xây dựng quân đội là lấy việc trang bị quân sự bảo đảm tính cơ động hơn, nhẹ hơn, hiện đại hơn để đối phó với "mối đe doạ trong thời đại mới"

Các nước trong khối EU hàng năm đều chi 10 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí mới.

Nhật Bản với phương châm hàng đầu trong kế hoạch xây dựng lực lượng phòng vệ là "thúc đẩy việc hợp lý hoá, hiệu suất hoá, thu nhỏ hoá và tăng cường lực lượng bằng chất lượng".

Cộng hoà Liên bang Nga cũng đưa ra chương trình, kế hoạch tăng cường trang bị vũ khí trước năm 2010, nhấn mạnh đến việc cải tạo, nâng cấp vũ khí trang bị hiện có. Các quan chức quân sự Nga cho biết họ sẽ trang bị cho quân đội thế hệ vũ khí thứ 5 vào năm 2007-2008. Tổng thống Nga Putin còn phê chuẩn "Kế hoạch trang bị vũ khí và kỹ thuật đặc biệt năm 2001-2010".

Trung Quốc trong chương trình hiện đại hoá quân đội cũng tập trung vào hải quân, không quân và coi trọng chương trình tên lửa vũ trụ, vũ khí hạt nhân. "Một trong những phương châm xây dựng quan trọng nhất là tăng cường điều chỉnh, cải cách và phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, nâng cao khả năng nghiên cứu và sáng tạo mới... kiên trì dùng khoa học kỹ thuật để xây dựng quân đội" (Báo cáo của nguyên Thủ tướng Chu Dung Cơ trước Quốc hội TQ 5/3/2002)

Theo thống kê của GS, TS Stefan Markowski (Australia) thì tốc độ mua sắm trang bị quốc phòng hiện đại ở các nước Đông Á cũng tăng nhanh chiếm từ 14%-16% so với tổng ngân sách quốc phòng hàng năm của các nước đó.

c) Chi phí quân sự tăng so

ng hành với tinh giảm binh lực và cơ cấu lại lực lượng vũ trang

Quân đội Mỹ, Tổng thống Bush đã giao cho Bộ quốc phòng đánh giá lại vai trò của các quân, binh chủng và cơ cấu quân đội. Dự kiến năm 2020 quân đội sẽ nhất thể hoá quân binh chủng để thực hiện tác chiến liên hợp, bao gồm liên hợp từ tư tưởng, hành động đến biên chế, lý luận và kỹ thuật; tiến tới liên hợp xuyên ngành, liên hợp quân đội nhiều nước.

Quân đội Đức sẽ giảm quân số 20% trong vòng 5 năm, chủ yếu là lục quân, nhưng lại tăng lực lượng phản ứng nhanh từ 6 vạn lên 15 vạn người.

Quân đội Nhật Bản có kế hoạch biên chế lại 5 sư đoàn, 1 trung đoàn hỗn hợp lục quân thành 1 sư đoàn và 1 trung đoàn hỗn hợp, số còn lại biên chế thành các lữ đoàn phản ứng nhanh.

Quân đội Nga, cũng đã thực hiện kế hoạch giảm quân lớn: năm 2003 giảm 36,5 vạn; về cơ cấu từ 5 quân chủng xuống còn 3 quân chủng là: lục quân, hải quân, không quân- vũ trụ. Bộ đội tên lửa chiến lược từ quân chủng chuyển thành một binh chủng độc lập vào năm 2005.

Quân đội Trung Quốc cũng giảm quân số từ 4,2 triệu ở thập kỷ 80-90 nay còn 2,48 triệu người (2001) và sẽ giảm tiếp xuống còn 2 triệu người; rút ra từ 11 đại quân khu xuống còn 7 đại quân khu; 36 quân đoàn rút xuống còn 24 quân đoàn, trong đó có 20 % là đơn vị phản ứng nhanh. 

d) Tăng chi phí quân sự đồng thời với điều chỉnh chiến lược quân sự và phương thức tác chiến chiến lược

Chu kỳ tăng ngân sách quốc phòng được tiến hành trên cơ sở cuộc cách mạng quân sự mới trên thế giới và cải cách quân sự của từng nước, nhất là thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, hình thành hệ thống vũ khí, trang bị quân sự công nghệ cao làm thay đổi về chất lượng tiềm lực quân sự các nước, việc điều chỉnh cơ cấu quân đội là một tất yếu. Sự thay đổi tiềm lực quân sự và so sánh lực lượng đã thúc đẩy các nước có liên quan, nhất là các nước có nền quân sự phát triển như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc... đều tiến hành điều chỉnh chiến lược quân sự và phương châm tác chiến chiến lược của mình.

Chính quyền Mỹ, với "ý tưởng liên hợp năm 2020" đã đề ra trọng điểm chuẩn bị chiến tranh từ đánh thắng cùng một lúc 2 cuộc chiến tranh khu vực với quy mô lớn sang tiến hành chiến tranh trên phạm vi toàn cầu, bao gồm đối phó với "cuộc chiến tranh cấp quốc gia" do các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng có tính toàn cầu phát động. Do đó, Mỹ đã có hàng loạt các động thái chuẩn bị và điều chỉnh bố trí mới về quân sự; nghiên cứu và triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) và Hệ thống phòng thủ chiến trường (TMD); xây dựng lực lượng đặc nhiệm cơ động đường không, duy trì trạng thái cảnh giới thời chiến 24/24 giờ, để bất cứ lúc nào trong ngày cũng có thể điều quân đến đến bất cứ nơi nào trên thế giới.. Chiến lược quân sự mới của Mỹ nhấn mạnh đến "răn đe và đánh thắng", "đánh đòn phủ đầu". Gần đây Mỹ lại cho ra đời Chiến lược quân sự mới hơn, gọi là chiến lược "10-30-30" (10  ngày chuẩn bị chiến tranh, 30 ngày thực hành chiến tranh, 30 ngày giải quyết kế hoạch hậu chiến). Đây thực chất là sự cụ thể hóa học thuyết "Đánh đòn phủ đầu" với tham vọng lớn, được xây dựng trên cơ sở sụp đổ của thế giới hai cực.

Nhật Bản với "Kế hoạch phòng vệ 5 năm tới" đã chuyển đổi phương châm chiến lược từ "có tính phòng ngự" sang "kết hợp giữa tiến công với phòng ngự". Không gian tác chiến của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã mở rộng ra ngoài lãnh thổ. Khả năng trinh sát và tác chiến tầm xa đã được nâng lên đáng kể. Với sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu trên không, không quân của Nhật Bản có thể tác chiến chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Dự báo của các chuyên gia quân sự, trong tương lai gần, khả năng tác chiến chiến lược của quân đội Nhật Bản sẽ vượt qua cả quân đội Anh và Pháp.

3. Một số vấn đề đặt ra đối với ngân sách quốc phòng nước ta

Từ những biểu hiện mới có tính xu hướng của ngân sách quốc phòng các nước trên thế giới sau Chiến tranh Lạnh, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, cần tiếp tục đổi mới nhận thức về ngân sách quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; thống nhất nhận thức về cuộc cách mạng quân sự mới với đặc trưng nổi bật là vũ khí công nghệ cao đang diễn ra trên thế giới.

Hai là, cần cải thiện ngân sách quốc phòng tương ứng với tiềm năng kinh tế- xã hội của đất nước.

Ba là, nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu chi phí ngân sách quốc phòng cho phù hợp với phương thức tác chiến chiến lược của chiến tranh nhân dân phát triển trong thời kỳ mới.

Bốn là, đầu tư thoả đáng hơn cho công tác nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự, đáp ứng nhu cầu đánh thắng chiến tranh xâm lược- khuất phục, kẻ địch có sử dụng vũ khí công nghệ cao./.    

 

NGUYỄN NHÂM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) Anh. Cán cân quân sự 2005-2000, Tháng 5 năm 2006

2. Niên giám thống kê 2001-2002, 2003-2004

3. Viện Nghiên cứu Chiến lược, Vương quốc Anh: Cán cân quân sự- Luân Đôn 1996-2002.

4. PGS, TS Stefan Markowski (Australia), Chiến lược kinh tế Đông Á - Chiến lược "Đàn nhạn bay".


 

0thảo luận