Trang chủ

QUAN HỆ MỸ - TRUNG HỢP TÁC VÀ CẠNH TRANH LUẬN GIẢI DƯỚI GÓC ĐỘ CÂN BẰNG QUYỀN LỰC

Đăng ngày: 24-04-2012, 11:45 | Danh mục: Giới thiệu sách

QUAN HỆ MỸ - TRUNG HỢP TÁC VÀ CẠNH TRANH LUẬN GIẢI DƯỚI GÓC ĐỘ CÂN BẰNG QUYỀN LỰC

Tác giả: Nguyễn Thái Yên Hương

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, 303 trang

Kí hiệu: Vv2216

Mỹ và Trung Quốc là hai nươc lớn trên thế giới. Quan hệ giữa hai nước này hiện nay đã bước sang một giai đoạn mới và có tác động không nhỏ đối với tình hình chính trị quốc tế  của thế kỷ XXI. Một mặt, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang có những bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế . Mặt khác, những mâu thuẫn giữa hai quốc gia này cũng ngày càng lộ rõ, có lúc phát triển khá gay gắt. Sự tương tác phức tạp này đã tác động sâu sắc tới sự ổn định và phát triển của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, địa bàn mà Trung Quốc đang muốn xác lập vai trò ảnh hưởng của mình, còn Mỹ quyết tâm duy trì vị thế lãnh đạo tại khu vực. Mặc dù những lợi ích trong hợp tác phát triển kinh tế đang là những nhân tố gắn kết Mỹ và Trung Quốc với nhau, nhưng về lâu dài, những mâu thuẫn về lợi ích chiến lược giữa hai nước và việc hai bên thực hiện ý đồ tranh giành ảnh hưởng, tập hợp lực lượng trong khu vực và trên thế giới để kiềm chế nhau luôn là nguy cơ bùng nổ những căng thẳng trở lại trong quan hệ Mỹ - Trung. Có thể thấy rằng, mối quan hệ thăng trầm của hai quốc gia hàng đầu thế giới này có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình quốc tế, đặc biệt là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Chính vì vậy, trong nhiều năm nay, nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung luôn là một chủ đề được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm. Ở trong nước, các công trình nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về mối quan hệ này chưa nhiều. Để cung cấp thêm cho bạn đọc tài liệu nghiên cứu, tham khảo về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thái Yên Hương đã biên soạn cuốn “Quan hệ Mỹ - Trung hợp tác và cạnh tranh luận giải dưới góc độ cân bằng quyền lực”. Nội dung của cuốn sách gồm 4 chương như sau:

Chương I: Cơ sở lý luận và thực tiễn của quan hệ Mỹ - Trung từ góc độ cân bằng quyền lực. Trong chương này, tác giả đưa ra 6 luận điểm. Thứ nhất là, một số cách nhìn nhận về quyền lực trong quan hệ quốc tế. Thứ hai là, sức mạnh cứng, sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh – các cách tiếp cận mới về quyền lực trong quan hệ quốc tế. Thứ ba là, vấn đề cân bằng và chia sẻ quyền lực giữa các nước lớn trong hệ thống chính trị quốc tế. Thứ tư là, một số cách tiếp cận về khái niệm cân bằng quyền lực. Thứ năm là, các biện pháp cân bằng thường được áp dụng trong hệ thống chính trị quốc tế. Thứ sau là, các nhân tố chi phối tới cân bằng và chia sẻ quyền lực giữa các nước lớn.

Chương II: Quan hệ Mỹ - Trung trong 30 năm qua và bản chất của mối quan hệ này. Ở đây, tác giả phân tích diễn biến quan hệ hai nước trong từng giai đoạn phát triển cụ thể suốt 30 năm qua. Từ đó đưa ra một số nhận xét chung về quan hệ Mỹ - Trung trong 30 năm qua. Tác giả nêu lên cơ sở tạo nên sự tương đồng và mâu thuẫn giữa hai nước về chiến lược; một số bất đồng khó giải quyết và bản chất của quan hệ Mỹ - Trung.

Chương III: Các nhân tố tác động tới quan hệ Mỹ - Trung và triển vọng mối quan hệ này đến năm 2020. Trong đó, tác giả tập trung phân tích các nhân tố chi phối sự cân bằng quyền lực trong quan hệ giữa hai nước như lợi ích quốc gia, dân tộc; cạnh tranh ảnh hưởng quốc tế/cân bằng chiến lược; nhân tố nội bộ của hai nước; sự tương tác của các chủ thể khác trong chính trị quốc tế; và sự thay đổi tình hình khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những dự báo chiều hướng quan hệ Trung – Mỹ đến năm 2020, cụ thể là dự báo thế và lực của Mỹ; dự báo thế và lực của Tung Quốc sẽ có thể được nâng cao nhưng khó có thể trở thành một siêu cường; chiều hướng phát triển của quan hệ song phương và khả năng hình thành G2.

Chương IV: Tác động của quan hệ Mỹ - Trung đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tới năm 2020. Trong chương này, tác giả đưa ra nhận định về chiều hướng phát triển tình hình Châu Á – Thái Bình Dương tới năm 2020 với một số thay đổi trong tình hình an ninh, chính trị trong khu vực và chiều hướng chính sách của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực này. Đồng thời tác giả cũng phân tích về những tác động của quan hệ Mỹ - Trung với tương lai của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà cụ thể là tác động tới khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và tác động tới Việt nam.

Nghiên cứu quan hệ Mỹ - Trung là một trong những việc làm quan trọng nhất trong tổng thể nghiên cứu quan hệ quốc tế và kiến nghị chính sách đối ngoại của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Là một trong những cặp quan hệ quan trọng nhất trong nền chính trị quốc tế hiện đại, quan hệ Mỹ - Trung có vai trò góp phần định hình cục diện quan hệ quốc tế, đại  diện cho quan hệ giữa các nước lớn cũng như giữ vị trí không thể thiếu trong việc giải quyết phần lớn các vấn đề quốc tế và khu vực. Quan hệ giữa hai nước này không chỉ tác động chung đến môi trường quốc tế mà còn có nhiều tác động cụ thể đến việc xử lý quan hệ của Việt Nam với hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là về phát triển kinh tế và an ninh. Trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cả Trung Quốc và Mỹ đều là những đối tác đặc biệt, không chỉ bới những dấu ấn lịch sử mà còn bởi thực tế quan hệ giữa Việt nam và hai nước này hiện nay. Trung Quốc vừa là nước láng giềng, là nước lớn có tác động trực tiếp tới sự ổn định và phát triển của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, vừa là nước có chung chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng giữa hai nước vẫn tồn tại một số tranh chấp lãnh thổ. Trong khi đó, sau hơn một thập niên bình thường hóa quan hệ, hiện nay Mỹ đã trở thành một trong những đối tác, một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Quan hệ Việt – Mỹ đang ngày càng mở rộng và phát triển sâu sắc trên nhiều lĩnh vực.

Đánh giá lại quan hệ Mỹ - Trung trong hơn 30 năm qua, tìm ra những nội dung then chốt trong mối quan hệ này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng. Về lý luận, cuốn sách này sẽ giúp bổ sung và làm rõ thêm cơ sở lý luận quan hệ quốc tế, giúp ích cho việc tìm hiểu quan hệ giữa các nước lớn cũng như giữa các nước trên thế giới.. Mặt khác giúp các nhà nghiên cứu trẻ định hướng tốt hơn trong tiến trình nghiên cứu dài hạn của mình. Về thực tiễn, cuốn sách sẽ góp phần bổ sung vào việc đánh giá các nước, Nhất là Mỹ và trung Quốc.

Việc nghiên cứu sâu và toàn diện Quan hệ Mỹ - Trung trong một quá trình lịch sử hơn 30 năm càng có ý nghĩa thực tiễn trong tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động, quan hệ quốc tế giữa các quốc gia ngày càng đan xen, phức tạp và biến đổi không ngừng.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận