Trang chủ

QUAN ĐIỂM CỦA NHẬT BẢN VỀ LIÊN KẾT ĐÔNG Á TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:31 | Danh mục: Ấn Phẩm

QUAN ĐIỂM CỦA NHẬT BẢN VỀ LIÊN KẾT ĐÔNG Á TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Trần Quang Minh chủ biên

Tập thể tác giả: Ngô Xuân Bình, Trần Quang Minh, Dương Minh Tuấn, Phạm Quý Long, Đỗ Thị Ánh, Trần Thị Duyên.

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 2007, 227 trang.

Kí hiệu: Vv1566

Đông Á trong hơn một thập kỷ qua đã trở thành tâm điểm của thế giới không chỉ về sự năng động kinh tế mà còn về các sáng kiến, các chính sách cũng như các tranh luận mang tính học thuật về sự hình thành một Cộng đồng Đông Á trong tương lai. Xung quang vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau của các nhà hoạch định chính sách cũng như giới nghiên cứu các nước cả trong lẫn ngoài khu vực.

Liên kết hay hội nhập đều đem lại cả cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong khu vực. Chính vì vậy, có thể nói mặc dù liên kết Đông Á đã thể hiện rõ là một xu thế khách quan khó có thể đảo ngược, song con đường đi tới liên kết Đông Á chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức tác động đến sự phát chung của khu vực cũng như mỗi quốc gia. Do vậy, việc nghiên cứu và đề xuất những bước đi thích hợp để liên kết Đông Á nhanh chóng trở thành hiện thực với những thua thiệt hay thách thức thấp nhất cho mỗi quốc gia là việc làm hết sức cần thiết cả về mặt học thuật lẫn thực tiễn.

Với mục đích hệ thống hoá một cách tương đối đầy đủ các quan điểm chính sách của Chính phủ và giới nghiên cứu Nhật Bản về một xu thế đã và đang trở thành vấn đề sôi động không chỉ trong phạm vi khu vực mà trên phạm vi toàn thế giới – liên kết Đông Á, tập thể tác giả Viện nghiên cứu Đông Bắc Á đã viết cuốn “Quan điểm của Nhật Bản về liên kết Đông Á trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Cuốn sách có bố cục gồm 4 chương như sau:

Chương I: Cơ sở của liên kết Đông Á.

Chương này giới thiệu với bạn đọc sự nhận diện liên kết và hợp tác khu vực. Tiến trình hợp tác kinh tế Đông Á và mô hình ASEAN trong đó giới thiệu 3 tiến trình hợp tác và liên kết kinh tế đang diễn ra ở Đông Á và mô hình ASEAN – AFTA. Sự gia tăng hợp tác Đông Bắc Á và các hình thức hợp tác khác với diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương và hợp tác kinh tế tiểu khu vực.

Chương II: Các quan điểm chính sách của chính phủ Nhật Bản về liên kết Đông Á.

Chương hai điểm lại một số học thuyết và chính sách chủ yếu của Nhật Bản thời kỳ trước những năm 1990. Sự điều chỉnh trong chiến lược hướng về Châu Á của Nhật bản từ đầu thập kỷ 1990 đến nay. Sự chuyển biến căn bản trong quan điểm, chính sách của Nhật Bản về hợp tác vùng Đông Á từ cuối những năm 1990 đến nay.

Chương III: Quan điểm của giới học giả Nhật Bản về liên kết Đông Á.

Chương này giới thiệu mô hình “đàn nhạn bay”- học thuyết chiến lược trọng yếu của Nhật Bản trong hợp tác kinh tế vùng Đông Á. Quan điểm hiện nay của giới học giả Nhật Bản về liên kết Đông Á trong đó nói đến xu thế, đặc điểm liên kết Cộng đồng Đông Á và đề xuất con đường hướng tới Cộng đồng kinh tế Đông Á cho Chính phủ Nhật Bản.

Chương IV: Nhận xét đánh giá và một số kiến nghị.

Chương bốn nêu một số quan điểm chủ yếu của các nước cà các tổ chức nghiên cứu về Cộng đồng Đông Á. Vai trò của ASEAN đối với tiến trình liên kết Đông Á. Hợp tác và hội nhập tài chính, triển vọng và thách thức của liên kết Đông Á. Một số kiến nghị đối với tiến trình liên kết khu vực nói chung và đối với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Với 227 trang, cuốn sách đã hệ thống hoá và phân tích một cách có chọn lọc một số quan điểm chính sách chủ yếu của Chính phủ và giới học thuật của Nhật Bản về liên kết Đông Á trong bối cảnh quốc tế mới kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay. Bằng văn phong mạch lạc, dễ hiểu, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc, các học giả và các nhà nghiên cứu một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về tiến trình liên kết Đông Á và quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản cũng như quan hệ với các nước trong khu vực.

Thực hiện Hà Thị Hậu

 

 

0thảo luận