Trang chủ

NHỮNG XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHỦ YẾU Ở KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:28 | Danh mục: Ấn Phẩm

NHỮNG XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHỦ YẾU Ở KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á

Tác giả: Ngô Xuân Bình chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, 287tr.

Kí hiệu: Vv1568

Đông Bắc Á đã và đang trở thành khu vực phát triển nhất ở Đông Á và được coi như là đầu tàu tăng trưởng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ở đây có 4 nền kinh tế lớn là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Các nền kinh tế này đã đạt được bước tiến “thần kỳ” trong phát triển kinh tế và vai trò của chúng đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu ngày càng lớn.

Đối với Việt Nam, các nền kinh tế này là 4 trong số 5 đối tác kinh tế hàng đầu của chúng ta trong suốt thập kỷ qua và trong tương lai chúng vẫn là đối tác trọng yếu của Việt Nam. Ảnh hưởng của chúng đối với kinh tế Việt Nam cũng như những đóng góp của chúng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước ta là rất lớn. Bởi vậy, việc nghiên cứu các xu hướng phát triển kinh tế Đông Bắc Á không chỉ giúp nhận diện những đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế khu vực mà còn tạo cơ sở để chúng ta có một cách tiếp cận tốt hơn tạo dựng một quan hệ có hiệu quả hơn với các đối tác kinh tế chủ yếu ở khu vực này. Trước yêu cầu đó, tập thể Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, do tác giả Ngô Xuân Bình chủ biên đã cho ra đời cuốn sách “Những xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á”. Nội dung cuốn sác gồm 3 phần chính như sau:

Phần I: Bối cảnh quốc tế và khu vực tác động tới sự phát triển kinh tế khu vực Đông Bắc Á. Trong đó, tác giả trình bày về vấn đề toàn cầu hóa với quan hệ hợp tác kinh tế dưới thể chế của WTO và hợp tác kinh tế khu vực theo trục Bắc – Nam. Khu vực hóa và những tác động như sự phục hồi sau khủng hoảng tiền tệ tác động tích cực tới kinh tế Đông Bắc Á; kinh tế Đông Bắc Á đối mặt với ba trở ngại được dự báo; vấn đề tự do hóa thương mại giữa các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Tác động của các đối tác lớn tới viễn cảnh phát triển kinh tế Đông Bắc Á như Liên minh Châu Âu, Mỹ và ASEAN.

Phần II: Những xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu. Ở đây, tác giả đi sâu vào vấn đề hướng tới hiệp định mậu dịch tự do (FTA) Đông Bắc Á, bắt đầu bằng một FTA Nhật Bản – Hàn Quốc. Gia tăng hợp tác kinh tế Đông Bắc Á, tiền đề cho một FTA ba bên Trung – Nhật – Hàn. Những lợi ích và trở ngại cho một FTA đa phương này. Nhận diện những cơ hội để phát triển FTA ba bên Trung – Nhật – Hàn. Hình thành mạng sản xuất ở Đông Bắc Á như mạng mậu dịch, mạng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công ty đa quốc gia đối với mạng sản xuất Đông Bắc Á. Tương lai nào cho mạng sản xuất ở Đông Bắc Á. Những đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế tri thức ở khu vực Đông Bắc Á. Các thể chế chính sách của các nước Đông Bắc Á đối với kinh tế tri thức. Kinh nghiệm hình thành và phát triển kinh tế tri thức ở Đông Bắc Á. Gia tăng vai trò của nền kinh tế Trung Quốc ở khu vực Đông Bắc Á.

Phần III: Tác động tới Việt Nam. Tạo lập môi trường tốt hơn nhằm thúc đẩy phối hợp chính sách hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nền kinh tế khu vực Đông Bắc Á. Mở rộng cơ hội thị trường nhưng đón nhận không ít thách thức trong quan hệ trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong khu vực Đông Bắc Á. Mở rộng khả năng thu hút luồng vốn bên ngoài cho phát triển kinh tế từ nguồn ODA và FDI.

Qua 287 trang, văn phong logic, dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về khu vực Đông Bắc Á cũng như hình dung được những xu thế phát triển kinh tế chủ yếu của khu vực này, trong đó có những tác động tới Việt Nam. Đây là tài liệu vô cùng bổ ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận