Trang chủ

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ VĂN HÓA, XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN SANG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:27 | Danh mục: Ấn Phẩm

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ VĂN HÓA, XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN SANG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á

 

Tác giả: Dương Phú Hiệp, Nguyễn Duy Dũng chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, 473 trang

Kí hiệu: Vv428

 

Tất cả các nước đã và đang chuyển sang kinh tế thị trường ở những trình độ khác nhau. Sự chuyển biến đó kéo theo những thay đổi về văn hóa và xã hội rất đáng quan tâm. Việc tìm hiểu nguyên nhân và nội dung của những thay đổi đó để kịp thời đề ra các chính sách và biện pháp giải quyết thích hợp nhằm phát triển mạnh hơn nữa nền kinh tế thị trường, kết hợp được tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Dù mỗi nước có những hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau, nhưng đều phải quan tâm nghiên cứu những thay đổi văn hóa, xã hội trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở nước mình và trên thế giới. Rút ra bài học kinh nghiệm thành công hoặc không thành công của các nước trong việc giải quyết những vấn đề nói trên là việc làm vần thiết và bổ ích cho chúng ta.

Được sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia đã tổ chức cuộc tọa đàm về chủ đề Những thay đổi về văn hóa, xã hội trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở một số nước Châu Á. Cuộc tọa đàm này đã nhận được sự tham gia tích cực của nhiều nhà khoa học từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Ôxtrâylia cùng với hàng chục nhà khoa học Việt Nam. Cuộc thảo luận khá sôi nổi đã diễn ra trong vòng 2 ngày 11 và 12 tháng 12 năm 1997 tại Hà Nội. Kết quả của cuộc tọa đàm này được phản ánh trong 30 bài viết được Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản biên tập lại, chọn lọc và xuất bản thành sách.

Bàn về những thay đổi về văn hóa và xã hội trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường là bàn đến những vấn đề lý luận rất cơ bản và cấp bách. Cuốn sách tập hợp 30 bài tham luận tại cuộc tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tổ chức đã phản ánh khá sâu sắc và toàn diện về vấn đề này. Thông qua 473 trang, với lối trình bày logic và dễ hiểu toàn bộ 30 tham luận, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện nhưng cũng thật cụ thể và sâu sắc bản chất của vấn đề được nói tới. Cuốn sách là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận